Thất kinh với 'con ma thiếu nữ' không mặc quần áo

Cập nhật lúc 07 AM, 15/03/2012

Người dân thôn Đại An xôn xao bàn tán việc hàng đêm trên bến sông ven làng có “con ma thiếu nữ” không mặc quần áo; lúc dật dờ trên bờ, lúc lõm bõm dưới sông.

50 năm trước, Phạm Thị Việt (ngụ thôn Đại An, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, Nam Định) vốn là người hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh theo chồng lên Hà Giang đi xây dựng vùng kinh tế mới năm 1962. Không hiểu bị bùa mê thuốc lú hay mắc căn bệnh lạ gì mà từ đó bà mắc phải chứng bệnh lạ là cứ một lúc lại cởi bỏ quần áo, nhảy xuống sông ngâm mình dưới nước, cho dù là nắng nóng hay những lúc trời đông tháng giá.

Không giải thích được nguồn cơn căn bệnh lạ, người dân địa phương cho rằng bà bị “yểm bùa” nhưng không biết cách hóa giải nên mới khốn khổ cả đời như thế.

“Thúy Kiều bạc phận”


Thôn nữ Việt sinh ra trong một gia đình thuần nông, là con út của một gia đinh có 3 anh chị em. Khi còn là thiếu nữ, hai chị em Việt đã nổi tiếng xinh đẹp khắp vùng Hạ của huyện, mà đến giờ những người cùng lứa tuổi nhớ lại câu chuyện vẫn ví “hai chị em đẹp người đẹp nết như hai chị em Thúy Kiều”.

Một người bạn cùng trang lứa với bà kể lại, ngày ấy đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến cái ăn còn chưa đủ nói gì đến chuyện quần áo đẹp đẽ như bây giờ. Một người cũng chỉ một, hai bộ, có khi quần áo rách còn vá chồng, vá đụp lên nhau, chất liệu vải chủ yếu là đũi, nái từ cái xấu nhất của kén tằm dùng để dệt may quần áo; thậm chí người ta còn dùng củ nâu hoặc thuốc để nhuộm nhằm giữ độ bền của quần áo. Tuy là con nhà nghèo nhưng trời phú cho hai chị em làn da trắng hồng, khuôn mặt thanh tú, mái tóc đen dài chấm gót cùng với dáng người dong dỏng cao.

Chiếc áo nâu, quần đen mặc trên người tưởng là xấu xí nhưng trái lại, càng tôn thêm vẻ đẹp của hai cô thôn nữ xuân thì. Mỗi lần hai chị em Việt đi làm đồng hay bãi trồng ngô, khoai, không biết bao trai làng phải siêu lòng trước nhan sắc mặn mà của hai nàng và thầm mơ ước đôi lứa.


Đến tuổi cập kê của hai cô con gái, gia đình lão nông nghèo lúc nào cũng tấp nập thanh niên các nơi đến chơi, đánh tiếng. Người mẹ già mỗi tối đều tất bật, chúi mũi vào bếp lửa đến đỏ mặt vì liên tục đun nước tiếp khách cho con. Người chị tên Tâm sau đó đã xin bố mẹ cho thoát ly vào làm công nhân sau đó lấy chồng cùng xí nghiệp. Còn cô em gái tên Việt thì vẫn ở nhà làm đồng ruộng cùng bố mẹ. Bà Tâm kể lại, ngày ấy em gái bà được một anh cán bộ phòng thương nghiệp là con của một gia đình có kinh tế khá giả trong huyện đến hỏi khi Việt tròn 20 tuổi.

Cuộc sống gia đình thêm hạnh phúc khi Việt sinh hạ được một cậu con trai kháu khỉnh. Những tưởng cuộc đời của cô thôn nữ xinh đẹp sẽ sống cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ thời kỳ những năm 1961 – 1962 này, Nhà nước có chủ trương đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… Ban đầu là cán bộ chủ chốt cùng những gia đình tự nguyện mới được động viên đi. Tuy chị Việt không thuộc diện, nhưng do người chồng đã đăng ký xin đi cho cả hai vợ chồng và đứa con nhỏ cũng lên đường, nên dù không muốn phải xa những người thân trong gia đình, bạn bè hàng xóm, nhưng phận gái “xuất giá tòng phu” nên cô cũng phải chiều theo ý chồng.



Nước mắt chia tay bịn rịn giữa kẻ ở, người đi làm cho buổi tiễn đưa càng thêm buồn. Mặc dù cũng chỉ cách nhau vài trăm cây số nhưng mọi người đều hiểu phía trước là nhiều khó khăn chờ đợi khi nơi xây dựng vùng kinh tế mới là nơi “rừng thiêng, nước độc”, điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Bố mẹ chị và người thân trong gia đình cũng chỉ biết an ủi, động viên và cầu mong cho con cháu mình được mạnh khỏe, bình yên.



Khi cuộc sống dần trở lại bình thường, những trống vắng trong gia đình cũng đã dần được khỏa lấp với cả kẻ ở, người đi thì đúng hai tháng sau bố mẹ chị nhận được tin sét đánh cô con gái bị chồng “trả về”. Một buổi chiều muộn, vợ chồng cô con gái út quần áo bụi bặm đưa nhau về quê. Ban đầu người làng cho rằng do không chịu được cực khổ nên họ quay về. Thế nhưng ngay tối hôm đó, người con rể đã đưa chị Việt nhà bố mẹ vợ và xin được “gửi” lại ông bà ít ngày để “vợ con chữa bệnh, khi nào khỏi con sẽ về đón cô ấy lên”.

Hỏi đến đứa cháu thì anh con rể nói gửi người quen trên đó nên ông bà đã sinh nghi. Anh con rể đi rồi, ông bà mới gặng hỏi cô con gái thì chỉ nhận được sự im lặng và những hành động kỳ dị của con mình. Ban đầu ông bà và mọi người trong gia đình chỉ nghĩ chắc vợ chồng khúc mắc, bất hòa nên con gái mình như vậy, cứ từ từ rồi con mình sẽ bình tâm.



Thế nhưng, cả gia đình thất kinh khi đến đêm thứ 3, kể từ khi về nhà, chị Việt đêm nào cũng bỏ nhà đi lang thang suốt đêm làm cho mọi người trong gia đình vô cùng lo lắng đến sáng sớm. Lạ một điều là cứ đến sáng là chị lại trở về nguyên vẹn, chỉ có điều lạ là toàn thân ướt sũng nước. Cũng từ hôm đó người dân trong làng xôn xao bàn tán việc hàng đêm trên bến sông ven làng có “con ma thiếu nữ” không mặc quần áo; lúc dật dờ trên bờ, lúc lõm bõm dưới sông. Câu chuyện rợn tóc gáy khiến người cứng bóng vía cũng không dám bén mảng gần bến sông vào buổi tối nữa. Riêng gia đình chị Việt thì biết “con ma” ấy là ai, và cũng lờ mờ hiểu ra rằng cô con gái mình mắc chứng bệnh lạ.



50 năm khốn khổ


Mắc bệnh lạ cứ thích ra bến sông ngâm mình suốt đêm, rồi về sau khi bệnh nặng hơn thì cả ban ngày cũng lao xuống nước, cuộc sống của người thiếu phụ này cũng gắn với nhiều tính huống bi hài.



Một người trong làng từng là dân quân địa phương năm xưa, có nhiệm vụ hỗ trợ các đơn vị phòng không đóng ở địa phương kể lại, vào những năm 1967- 1968, khi để quốc Mỹ điên cuồng cho máy bay bắn phá Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định thì đơn vị pháo cao xạ của bộ đội ta được tăng cường dọc theo tuyến đê tả sông Đào, con sông chạy qua ngôi làng nơi chị Việt ở để chặn đánh địch, bảo vệ thành phố. Ngày đó dọc theo hai bên bờ sông là cây cối rậm rạp, những khu vực này trở thành trận địa vừa bảo đảm ngụy trang an toàn, vừa bảo đảm yếu tố kịp thời đánh máy bay địch.



Ngày ấy trước những lời đồn thổi về “ma lội sông” làm cho anh em trong đơn vị pháo cao xạ cũng e ngại, nhiều người đưa ra giả định đây có thể là âm mưu của địch khi thả biệt kích, gián điệp để chỉ điểm trận địch của ta. Nếu đúng như vậy thì đơn vị xin ý kiến cấp trên phương án di chuyển trận địa đến một vị trí khác, đồng thời cử một nhóm quyết tâm vạch trần “con ma này”.



Như thường lệ, buổi tối cuối đông, trên bến sông mưa phùn lất phất hạt, những cơn gió âm u từ mặt sông thổi tới tấp vào mặt những người lính trẻ, có thể cảm nhận cái lạnh tê buốt của mùa đông. Đơn vị lập nhiều phương án tiếp cận “đối tượng”, sau đó mọi người vào vị trí trong tư thế sẵn sàng đợi lệnh. Đồng hồ điểm 21 giờ, từ trên triền đê một bóng người thấp thoáng xuất hiện mỗi lúc một rõ. Khi đến gần bãi sông, người đó chẳng thèm để ý xung quanh trút bỏ quần áo, rồi lặng lẽ bước xuống làn nước giá lạnh.

Một tiếng hô nghiêm khắc vang lên: “Ai? Ra bến sông giờ này làm gì?”. Đáp lại câu hỏi, người dưới sông vẫn thản nhiên vẫy vùng, đầm mình trong nước. Cho tới khi các mũi “tập kích” ập đến, “đối tượng tình nghi” được đưa lên bờ, trong ánh sáng mù mờ mọi người nhận ra đó chính là cô Việt người trong làng, nhà cách bãi sông không xa. Ngay lập tức cha mẹ cô được đưa đến, ông bà xác nhận đây chính là cô con gái của mình và “từ lâu em nó đã bị mắc bệnh lạ nhưng vì ngại với mọi người nên chúng tôi không dám nói ra”.



Bệnh tình của cô Việt càng ngày càng nặng hơn, nếu như trước đó chỉ phát về đêm thì nay cả ban ngày và bất kể lúc nào cô cũng có những hành động nghịch nước. Có lần do gia đình trông coi kỹ quá không cho cô xuống nước, “phát cuồng” vì nhớ… mặt sông nên lợi dụng sơ hở cô đã bỏ nhà đi lang thang suốt vài tháng trời. Người chị kể lại: “Lần cô ấy bỏ đi lâu nhất là bốn tháng. Sau khi đi tìm khắp các bến sông không thấy đâu, gia đình cũng đành buông xuôi, coi như mất tích.

Thế mà chẳng hiểu sao cô ấy lưu lạc sang tận vùng An Lạc, Vũ Thư (tỉnh Thái Bình)”. Thời kỳ này trên cả nước người dân đều đề cao cảnh giác “phòng gian, bảo mật” trước những âm mưu thâm độc của kẻ thù khi chúng thả một loạt biệt kích, chỉ điểm khắp các nơi để chỉ điểm cho máy bay địch ném bom và phá hoại các công trình phúc lợi xã hội, an ninh trật tự của ta. Chẳng thế mà trước sự cảnh giác của quần chúng, nhân dân, quân và dân ta đã bắt và trừng trị nhiều tên gián điệp, biệt kích của địch bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Với tinh thần cảnh giác như vậy, thời gian này người dân cùng An Lạc phát hiện một phụ nữ lem luốc, có những hành động bất thường cùng hành tung bí ẩn đặc biệt là “lúc lên bờ, lúc ngâm mình dưới sông”. Mọi người đều cho rằng chị này nếu không là việt gian, phản động thì cũng là phường trộm cắp nên mới lén lút như vậy. Sau đó, chị Việt bị người dân bắt giữ, đưa về đình làng xét hỏi. Người dân đổ xô đến xem rất đông, thấy trước những câu hỏi của dân quân, tự vệ như: “Tên là gì, nhà ở đâu…”, mọi người chỉ nhận được sự im lặng của “đối tượng tình nghi”. Nhiều người không giữ nổi sự bình tĩnh đã yêu cầu dân quân: “Cứ đánh cho nó một trận là nó phải khai ra hết”. Thế nhưng có đánh cũng chẳng khai thác thác thêm được gì.



Lúc đó, có người đến xem nói hôm trước có việc sang thành phố Nam Định được biết có gia đình đi tìm tung tích người lạc. Nạn nhân có đặc điểm nhận dạng “có nốt ruồi trên khóe môi và một bên vành tai bị sẹo”, mọi người kiểm tra lại “đối tượng” thì quả đúng là như vậy. Thương hại đã tâm thần lại bị mấy trận đòn đau, người dân địa phương đã quyên góp tiền, gạo và cử người đánh xe bò chở cô về tận gia đình. Thế nhưng xe bò vừa đi đến đầu làng thì cô Việt đã cởi quần áo nhảy ào xuống sông ngâm mình, không còn cách nào khác, người đánh xe bò phải mang quần áo, gạo tiền vào gia đình, kể lại mọi sự tình rồi nhờ người ra bến sông nhận con đưa về.



Tuổi già hưu quạnh



Sau khi vợ mắc phải bệnh lạ, người chồng cũng từ đó biệt vô âm tín, chẳng thấy thăm non, hỏi han gì vợ. Những người đi xây dựng vùng kinh tế mới về chơi kể lại rằng sau đó anh ta đã chung sống với một người phụ nữ vùng cao. Nhiều người quả quyết rằng bà Việt lên Hà Giang đã bị người vùng cao yểm bùa nhằm mục đích cướp chồng. Loại bùa bị yểm có thể là “bùa vịt”, vì cứ khô người là lại muốn xuống sông, xuống ao ngâm mình như… con vịt.



Thương con,cha mẹ thiếu phụ bất hạnh cứ nghe ở đâu có thầy hay, thuốc tốt lặn lội đi nhờ thầy hay mua thuốc cho bằng được. Có lần ông bà còn khăn gói lên tận nơi người con rể ở Hà Giang để nhờ người ta hóa giải bùa chú cho con gái mình. Tuy nhiên, tất cả đều chìm trong tuyệt vọng vì theo người dân vùng cao nói: “Người nào đã bị yểm bùa thì đến khi chết mới có thể hóa giải, gỡ bùa ra được nên người bị yểm bùa cứ sống ngắc ngoải không chết được”. Chán bùa chú, cúng lễ ông bà cũng đã từng đưa con đi bệnh viện tâm thần Châu Quỳ ( Gia Lâm), bệnh viện tâm thần tỉnh Nam Định… nhưng cũng chẳng đem lại kết quả gì. Kinh tế gia đình điêu đứng, gia sản kiệt quệ vì cô con gái, ông bà cũng đành bất lực nhốt con trong nhà ngày ngày thay nhau chăm sóc.



Sau nhiều năm đau buồn vì chuyện của con, cả hai ông bà lần lượt qua đời, người anh trai cả cũng chẳng may mất sớm, hoàn cảnh kinh tế gia đình càng thêm khó khăn. Lúc đó, người chị gái đang là công nhân xí nghiệp nhưng trước hoàn cảnh gia đình cũng đành xin về mất sức để trông nom người em bệnh tật, điện dại của mình. “Tôi chẳng biết em tôi bị bệnh gì, chỉ nghe mọi người nói bị yểm bùa vịt. Sao mà người ta ác thế, biến em tôi từ một người hiền lành, khỏe mạnh thành người có hành động kỳ quặc, điên loạn như vậy”, bà Tâm nói trong tiếng nấc uất nghẹn, có lẽ nước mắt bà đã cạn kiệt, không còn sau nhiều đêm khóc thương em.



Qua tìm hiểu được biết người chị của thiếu phụ bị “trời đày” cuộc đời cũng truân chuyên. Lớn lên đi làm công nhân, mong thoát ly được nông nghiệp rồi bà lập gia đình với một người cùng xí nghiệp, thế nhưng sau nhiều năm mà hai vợ chồng vẫn không có con, cuối cùng chồng bà đã bỏ bà đi với người khác. Trở về quê, chị em bà được địa phương cấp cho 2 sào ruộng, lúc còn khỏe thì túc tắc làm được, bây giờ già cả ốm yếu nên hai sào ruộng đó phải nhờ bà con xóm giềng cấy hái, thu hoạch giúp.



Trong ngôi nhà tạm bợ phía cuối làng, hai bà lão đang sống vật vờ hiu quạnh. Một người hàng xóm cho biết: “Người con trai của bà Việt năm nay có lẽ cũng khoảng 53-54 tuổi, nhưng đã lâu lắm rồi không thấy về thăm mẹ, có lẽ cuộc sống cũng khó khăn nên không có điều kiện về”. Căn nhà nhỏ lúc nào cũng cửa đóng im ỉm, bà Tâm mếu máo nói với chúng tôi: “Đã mấy chục năm nay nuôi người em điên dại, hai người già nương tựa vào nhau”. Cuộc đời khốn khó nhiều khi bà Tâm phải cắn răng chịu đừng chẳng dám kêu ca. Có khi hai người già vật lộn với nhau hàng tiếng đồng hồ, người chị thì cố ngăn em không cho xuống nước, người em điện dại thì tìm mọi cách để đi, có khi còn đánh đập, cào cấu người chị thâm tím cả mặt mày. Bà Tâm đưa cánh tay còn hằn những vết cào cấu còn rướm máu vì bị bà Việt cắn trước lúc chúng tôi vào cho chúng tôi xem. Vì vậy người chị phải thường xuyên cho người em uống thuốc an thần để bà Việt tạm thời “quên đi” sở thích ngâm nước của mình.



Trong ngôi nhà nhỏ chẳng có gì đáng giá ngoài hai chiếc giường cũ kỹ cùng mấy bộ quần áo vắt ngang đầu giường. Chứng kiến hoàn cảnh, cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của bà Việt đã nửa thế kỷ chỉ quanh quẩn trong nhà và bữa cơm đạm bạc hàng ngày của hai chị em bà mới thấy họ khổ sở như thế nào khi phải vật lộn với số phận nghiệt ngã và hiu quạnh lúc tuổi già, xế bóng. Ngay cả khi khách vào nhà trò chuyện, người chị cũng phải khóa trái cửa lại kèm lời thanh minh “cứ sơ xuất là cô ấy lại lao xuống ao, xuống sông thèm nước như người nghiện”.



Ông Trần Văn Xe, trưởng thôn Đại An cho biết: “Hoàn cảnh của hai bà Tâm, Việt quả đúng là khổ bậc nhất trong làng. Mọi người trong làng đều cho rằng bà Việt bị yểm bùa nên mới bị điên loạn, lúc nào cũng đòi xuống sông, xuống ao ngâm mình, kể cả trong thời tiết giá lạnh. Địa phương cũng đã kiến nghị với Hội chữ thập đỏ và chính quyền địa phương, nhờ cấp trên hỗ trợ, giúp đỡ cho hoàn cảnh gia đình của hai người già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này. Hiện nay bà Việt vẫn được cấp thuốc chữa bệnh hàng tháng, tuy nhiên bệnh tật vẫn chưa thấy dấu hiệu thuyên giảm”.