Những trận giao chiến trên trời: Ảo ảnh hay sự thực?


Các nhà ngoại cảm gọi hiện tượng bí ẩn này là “Honting”. Thuật ngữ này biểu thị mối liên hệ giữa một số ảo ảnh với một điểm địa lý nhất định. Thỉnh thoảng, tại những địa điểm ấy, người ta thấy xuất hiện trên bầu trời hàng trăm ảo ảnh. Điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ: “ Honting” thường quan sát được ở những nơi mà nhiều năm về trước đã diễn ra những trận ác chiến thực sự.

Những hiện tượng dị thường


Một trong những địa điểm như vậy nằm ở nước Anh, gần Êthin, là nơi vào năm 1643 hai đạo quân của Hoàng tử Rupectơ và Ôlive Crômoen đã gặp nhau trong một trận quyết chiến. Hơn 5.000 binh lính đã phơi thây trên bãi chiến trường. Sau đó một tháng, những người chăn cừu địa phương đã nhìn thấy một hiện tượng kỳ lạ: hai đạo quân ma của Đức vua và Tối cao Pháp viện đụng độ nhau dữ dội trên bầu trời, lại nghe thấy tiếng súng nổ, tiếng trống trận và tiếng gươm giáo va vào nhau loảng xoảng... Từ đó trở đi, thỉnh thoảng dân chúng các vùng lân cận vẫn tiếp tục nhìn thấy trận đánh ảo ảnh này diễn ra trên bầu trời chiều.


Các trận giao chiến trên bầu trời - Một hiện tượng chưa được lý giải thỏa đáng


Năm 1785 tại Uiextơ ở Xiledi, người ta đã tổ chức lễ mai táng tướng Phôn Côden một cách trọng thể. Vào đúng lúc hạ huyệt, trên bầu trời bỗng xuất hiện một đội quân hùng dũng đang rầm rập tiến bước.

Năm 1748, ở Đôphin gần thành Viên, 20 người đã tận mắt nhìn thấy một đạo binh đang đi trên bầu trời.

Năm 1888, trong suốt mấy tiếng đồng hồ, trên bầu trời Varagơđin ở Khôvati xuất hiện một đoàn kỵ binh do một viên sĩ quan tay cầm gươm sáng loáng dẫn đầu.

Những sự kiện lạ lùng ấy đã được miêu tả khá tỉ mỉ trên báo chí thời đó.

Những trường hợp quan sát thấy “các trận giao chiến trên không trung” tại lãnh thổ nước Nga cũng được ghi lại trong các pho sử biên niên cổ đại.

Trong thời gian diễn ra trận giao chiến với đạo quân Thánh giáo dòng tu của Đức trên mặt hồ đóng băng ở Chuxcơ vào năm 1242, nhiều binh sĩ trong đội quân của Quốc vương Alexandre Nhepxki đã nhìn thấy “một binh đoàn của thượng đế” bỗng xuất hiện trên bầu trời để đến chi viện cho quân Nga...

Vào tháng 11/1956, hai người Anh tên là Pête Dinôviép và Patơrich Xkipui đã tổ chức một cuộc du ngoạn trên núi Culin. Vào khoảng 3 giờ sáng, họ bỗng nghe thấy tiếng ầm ầm dữ dội, hai người bèn chui ra khỏi lều và nhìn thấy hàng chục xạ thủ Xcốtlen đang bắn vào kẻ thù vô hình. Sáng sớm, những tiếng động trên bầu trời lại đánh thức họ và lần này họ nhìn thấy những người Xcốtlen ấy, nhưng trông rất thiểu não, đang vội vã tháo chạy và vấp vào những tảng đá vô hình. Sau khi trở về thị trấn Xlaigasane, Pête và Patơrich kể lại những điều mắt thấy tai nghe với viên quản lý khách sạn. Ông ta cho biết rằng họ không phải là những người đầu tiên quan sát thấy hiện tượng này và đó là hình ảnh của trận đánh xảy ra vào năm 1745.


Và những cách lý giải khoa học


Việc có nhiều người chứng kiến những cuộc giao chiến trên trời, từng được ghi trong sử sách và được đăng báo, là một điều không nghi ngờ gì nữa. Song các nhà khoa học nhìn nhận hiện tượng đó như thế nào?

Tiến sĩ toán lý A.Gurvich đã giải thích những ảo ảnh tương tự bằng các hiện tượng quang học phức tạp trong khí quyển, do sự khúc xạ của ánh sáng trong hệ tầng khí quyển.

Hiện tượng này cũng được khảo sát kỹ lưỡng bởi các nhà vật lý Mỹ A. Phơrâyde và U.Makhơ. Các nhà bác học này nêu lên đặc tính kỳ lạ của những “Thấu kính khí quyển” là tạo ra những ảo ảnh khác nhau và thay hình đổi dạng các thông tin do ánh sáng chuyển tải theo mức độ truyền lan của nó qua khối không khí.

Ảo ảnh - quả là một cách giải thích thuận tiện. Nhưng vấn đề là ở chỗ một số biểu hiện của hiện tượng này không hoàn toàn nằm gọn trong kiến giải đó. Chẳng hạn dân chúng ở thị trấn Vecve (Bỉ) đã nhìn thấy trận giao chiến này xảy ra sau trận Oatéclô đúng một tuần.

Các chuyên viên của Hội nghiên cứu thần giao cách cảm nổi tiếng trên toàn thế giới cho rằng bí mật của những trận đánh trên trời là ở chỗ trong thời gian diễn biến của những trận giao chiến có thực, đã xảy ra sự phung phí rất lớn nguồn năng lượng sinh lý tinh thần. Sự kết vón của nỗi đau đớn, tâm trạng thất vọng và nỗi lo sợ được in dấu trong không gian rồi sau đó, thậm chí qua nhiều năm tháng đã khơi gợi những hình ảnh trong đầu óc của những người rất nhạy cảm về mặt tâm lý. Các nhà nghiên cứu Mỹ Oen và Pret cũng đi đến kết luận tương tự. Hai ông đã phân tích hơn 100 trường hợp “ảo ảnh” và đi đến hết luận rằng phần lớn những người nhìn thấy “những trận giao chiến trên trời” vào thời điểm ấy đã ở trong trạng thái bị kích thích cao độ, và có lẽ chính vì thế đã nhìn thấy cái mà người khác không nhìn thấy.

Vậy có đúng là “những trận giao chiến của các bóng ma” không phải xảy ra trong hiện thực mà chỉ diễn ra trong đầu óc con người và gần với những ảo giác hơn là những ảo ảnh và những hiện tượng quang học khác? Xin chớ vội đi đến kết luận.

Điều bí ẩn về “những ảo ảnh lầm lạc trong không gian” có lẽ sẽ được lý giải bởi những nhà nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Ủy ban nghiên cứu các hiện tượng dị thường ở Vôrônegiơ (Nga). Họ đi cùng các cán bộ của xí nghiệp “Địa chất Vôrônegiơ” mới đây đã tiến hành một cuộc khảo sát trong đới đứt gãy kiến tạo ở Nôvôkhôpexcơ, ở đó họ đã phát hiện và chụp ảnh được “những kênh thoát năng lượng của trái đất”. Trên những tấm ảnh thấy rõ những quả cầu và những đám mây phát quang ở phía bên trên các khu đất dị thường. Hơn nữa, theo sự khẳng định của một trong những người chỉ đạo cuộc khảo sát là ông Henrích Xilanốp, đoàn đã chụp ảnh được những sự kiện xảy ra tại những địa điểm đó trong quá khứ xa xôi. Trên những bức ảnh chụp được nhờ một thiết bị đặc biệt ở trên bờ sông Hôpec, ta nhìn thấy rõ những cái lều, những hình người đội mũ sắt...

Trong lúc chụp ảnh, ở đó không hề có những thứ ấy. Các chuyên gia Vôrônegiơ về những hiện tượng dị thường đã giải thích hiện tượng đó như sau: có thể tấm phim đã ghi lại được một thông tin thị giác về thời xa xưa mà “trường ký ức” năng lượng thoát ra từ đới đứt gãy còn lưu giữ. Sự thể là ở chỗ trong những năm chiến tranh vệ quốc chống phát xít Đức, tuyến phòng thủ đã chạy qua những địa phương ấy. Tham gia tuyến phòng thủ này có một Trung đoàn Tiệp Khắc do L.Xvôbôda chỉ huy. Và những người lính đội mũ sắt hiện hình trên các bức ảnh cũng như trang phục của họ hoàn toàn phù hợp với thời kỳ đó.

Nhưng ngay cả khi nếu giả thuyết của các nhà nghiên cứu Vôrônegiơ về sự tồn tại của “trường ký ức” được xác nhận thì vẫn còn nhiều điều bí ẩn về những “trận giao chiến trên trời”. Chẳng hạn, một số tài liệu đã thông báo về hiện tượng vật chất hóa lạ lùng của những đồ vật trong khi diễn ra những trận đánh trên trời.

Ví dụ, năm 1686, tại Anh quốc, người ta quan sát thấy cuộc diễu hành trên trời của các binh lính có vũ trang. Và có rất nhiều khí giới, gươm súng, mũ giáp rơi lả tả xuống mặt đất.

Năm 1800, sau trận giao chiến trên trời ở vùng Kinken, người ta phát hiện thấy trên mặt đất có những cành cây bị gãy và nhiều vết máu trên cỏ.

Hy vọng rằng những hiện tượng huyền bí này cũng như không ít những điều bí ẩn khác của thiên nhiên chắc chắn sẽ được các nhà khoa học dần dần làm sáng tỏ trên cơ sở quan điểm chủ nghĩa duy vật.


Lê Sơn (báo Sức Khỏe & Đời Sống - theo Semja)