Gặp “Người nam châm”

(ANTĐ) - Có lẽ khi nhắc đến “Người nam châm” không ít bạn đọc nghĩ rằng đó là tựa đề một bộ phim mới được liệt vào hàng bom tấn của điện ảnh Hollywood. Nhưng không! Đây lại là một nhân vật thật, một con người bằng xương bằng thịt, có khả năng hút những vật nặng... tới 30kg lên người. Anh được coi như một thanh nam châm cực mạnh. Ngoài năng lực hút các đồ vật, “Người nam châm” còn có những khả năng như dùng năng lượng để chữa bệnh, xem phong thủy phù hợp với địa hình... Những câu chuyện tưởng chừng như hoang tưởng, là những trò ảo thuật... Vậy, thực hư của chuyện này như thế nào?




Lớp học cảm xạ

Những câu chuyện huyền bí về tâm linh, cảm xạ luôn thu hút sự tò mò của rất đông người dân, và tôi cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù biết rằng khoa học đã nghiên cứu và có những kết luận về bộ môn cảm xạ, nhưng quả thật sự ngờ vực về vấn đề trên vẫn nằm trong tâm trí tôi. Với ước muốn “tai nghe mắt thấy”, tôi tìm đến Viện Nghiên cứu Khoa học Kiến trúc Phong thủy Năng lượng cảm ứng để được “mục sở thị”.

Cơn mưa rào đầu hạ không hề làm giảm đi sự nhiệt tình và lòng yêu thích của các học viên lớp cảm xạ khóa K-34 thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Kiến trúc Phong thủy Năng lượng Cảm ứng tại số 1 phố Đông Tác, Hà Nội. Lớp cảm xạ này có khoảng hơn 30 học viên và hội đủ những độ tuổi tham gia theo học. Có những bạn trẻ chỉ khoảng 20-25 tuổi, hay cụ ông 70 tuổi cũng ngồi chăm chú theo dõi bài giảng của thầy Nguyễn Ngọc Sơn. Hiếm có một lớp học nào lại “quy tụ” những học viên có nhiều ngành nghề khác nhau đến vậy. Từ cán bộ công chức, công nhân đến học sinh sinh viên cũng theo học lớp cảm xạ này.

Để hiểu rõ hơn về môn cảm xạ, cũng như biết thêm về những điều kỳ lạ đó, tôi đã “vào vai” một học viên theo học ngồi ở cuối lớp. Cũng như những học viên khác, tôi tập trung lắng nghe những lời của thầy Sơn. Buổi học bắt đầu, thầy Sơn lớn tiếng hỏi: “Sau một tuần tập luyện, quý vị nào đã giảm hoặc khỏi bệnh đau lưng xin mời giơ tay?”. Những cánh tay giơ lên nhiều khiến tôi không đếm kịp, nhưng áng chừng cũng khoảng trên 20 người. Thầy Sơn hỏi tiếp: “Còn quý vị nào đã dứt hẳn hoặc đỡ ho, xin mời giơ tay?”. Lại những cánh tay giơ lên. Lần này, tôi đếm được khoảng 18 người. Thầy Sơn lại hỏi: “Còn quý vị nào đỡ đau cổ?”. Có khoảng chục người hưởng ứng.

Thầy Sơn bước vào giảng giải các phương pháp luyện tập cho học viên: phương pháp luyện tập cân bằng âm dương trong cơ thể; cách đẩy năng lượng xấu thoát ra ngoài cơ thể qua 10 đầu ngón tay; phương pháp luyện tập kích thích khả năng nhạy cảm; phương pháp điều khí; phương pháp cảm nhận và rung động theo sóng năng lượng; cách trao đổi năng lượng giữa người với cây và với đá năng lượng; phương pháp sử dụng đũa và con lắc; phép trấn trạch và nâng sinh khí bằng năng lượng cây và đá… Một học viên đã thổ lộ với tôi rằng: một khóa học cảm xạ cơ bản trung bình học 24 buổi, đều kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Sau đó, nếu có nhu cầu, học viên tiếp tục theo học lớp nâng cao.

Sau phần giảng lý thuyết, thầy Sơn hướng dẫn các học viên bài tập thực hành vận động khớp cổ, lưng, hông… Các học viên đứng theo hàng lối ngay ngắn, tự giác vận động tập luyện. Thầy Sơn cùng tôi ra hành lang trò chuyện. Tôi hỏi thầy: Về lý thuyết, môn cảm xạ còn những phương pháp tập luyện nào? Thầy trả lời: Ngoài những phương pháp tôi vừa nói trên lớp, còn nhiều phương pháp khác như: phương pháp làm sạch hào quang; luyện tập để nhìn thấy rõ hào quang; cách dò tìm bệnh qua năng lượng cảm xạ; hỗ trợ chữa bệnh bằng năng lượng… Mục đích của việc tập luyện theo cảm xạ học là nâng cao sức khỏe, giúp cho học viên nắm được kiến thức bảo vệ cơ thể, phòng ngừa bệnh tật.

Tôi tò mò: Thế còn việc hút đồ vật lên cơ thể như một “Người nam châm”, anh có thể nói rõ? Nguyễn Ngọc Sơn nghiêm túc: Hút được. Tập luyện là hút được. Vấn đề là tập luyện thế nào, có bền bỉ và đúng phương pháp không. Nghe vậy, tôi vẫn cảm thấy bán tín bán nghi.

“Người nam châm” là ai?

Từ năm lên 9 tuổi, Nguyễn Ngọc Sơn đã mê võ thuật. Anh theo học võ cổ truyền dân tộc, rồi học tiếp võ Tây Sơn (Bình Định). Lớn lên, anh sang Đức học khoa Chế tạo máy nhưng khi tốt nghiệp anh lại “rẽ” sang hướng khác. Lúc đó, Nguyễn Ngọc Sơn tự thấy mình ít nhiều có khả năng đặc biệt, anh tiếp tục theo học bộ môn năng lượng cảm xạ (NLCX) tại trường Đại học Y Poznan (Ba Lan). Tại đây, Nguyễn Ngọc Sơn miệt mài rèn luyện, học tập bộ môn NLCX. Sau quá trình tu luyện gian khổ, anh đã vinh dự được đứng trong nhóm các chuyên gia về NLCX và được nhận bằng “Chuyên gia cảm xạ học” hạng ưu.




Ở thời điểm đó, cơ thể của Ngọc Sơn có lúc đã hút được 35 kg sắt. Các đồ vật khác như: bàn là, thìa, dĩa, dao, bình nước, chuối, sách vở, nồi cơm điện… đều “bị” anh dính hút hết lên cơ thể. Ngoài ra, anh có thể tìm và trấn những bức xạ xấu (ác xạ) được sinh ra bởi “địa từ trường” gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nguyễn Ngọc Sơn còn có một khả năng đặc biệt là: chữa bệnh bằng năng lượng phát ra từ cơ thể. Năm 2007, anh đã trở thành chuyên gia cảm xạ thứ 376 được cấp bằng tại Ba Lan.

Tháng 6-2009, Viện Nghiên cứu khoa học kiến trúc phong thủy năng lượng cảm ứng (RIAFR) ra đời do Nguyễn Ngọc Sơn làm Viện trưởng, có trụ sở tại 206 Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Tại đây, anh đã sáng lập và cho ra mắt câu lạc bộ “Năng lượng cảm ứng” với sự tham gia của hàng trăm học viên. Cùng với cơ sở 1 tại số 1 phố Đông Tác, đây là nơi sinh hoạt, giao lưu, tập luyện, bàn thảo về các vấn đề sức khỏe, phong thủy, năng lượng cảm ứng - bộ môn khoa học hoàn toàn mới mẻ ở nước ta. Hơn một năm qua, Viện RIAFR đã đào tạo được hơn 30 khóa học với trên 800 học viên. Chương trình học được chia làm 3 lớp: sơ cấp, trung cấp, cao cấp.

Vẫn hoài nghi về sự thật, tôi mạnh dạn đưa chiếc điện thoại của mình cho thầy Sơn, và nhờ thầy “biểu diễn” lại cảnh hút đồ vật. Thầy Sơn yêu cầu học viên lau thật sạch chiếc điện thoại, rồi sau đó lau tiếp trán của mình. Im lặng một hồi lâu, thầy cầm chiếc điện thoại đặt lên trán của mình. Ảo thuật chăng? Hay có phép lạ? Chiếc điện thoại dính chặt trên trán của thầy Sơn. Mọi người xung quanh đều trầm trồ kinh ngạc. Thầy Sơn đưa lại cho tôi chiếc điện thoại và yêu cầu tôi dính thử. Tôi cũng làm những động tác y hệt như thầy Sơn, cũng lau điện thoại, cũng lau mồ hôi trên trán... Nhưng kết quả thất bại. Chiếc điện thoại rơi ngay xuống bàn tay tôi đang hứng ở dưới.

“Hút” được nhờ khổ công luyện tập

Trả lời câu hỏi của tôi: Phải chăng chỉ những người có năng lượng đặc biệt mới hút được đồ vật lên cơ thể? Nguyễn Ngọc Sơn nói: Ai cũng có thể hút được đồ vật, vấn đề là mức độ như thế nào, và người đó có làm chủ được năng lượng của mình hay không. Người luyện tập thường xuyên, đúng phương pháp sẽ cảm nhận được bức xạ của những vật xung quanh, phân biệt được ác xạ và thiện xạ. Một khả năng khác khi luyện tập cảm xạ là tự chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh cho người khác bằng cách làm chủ năng lượng của mình.

Bác Phan Thị Song Hà (cán bộ công an nghỉ hưu) đã từng theo học lớp cảm xạ của Nguyễn Ngọc Sơn tâm sự: Phương pháp dạy của thầy Sơn ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, dễ tập. Qua đợt học tôi thấy sức khỏe được nâng lên rõ rệt, cụ thể là mắt tôi bị đục thủy tinh thể, nhìn mờ. Giờ tôi đã bỏ kính, không phải đeo kính vẫn nhìn rõ.

Học viên Nguyễn Huy Nội (xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Qua tập luyện, tôi thấy khỏe khoắn, khớp không đau, đầu không nhức nữa, tinh thần cảm thấy sảng khoái. Một học viên khác, ông Cao Văn Giao (B14, tổ 1, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) thổ lộ: Sau 24 buổi học, các triệu chứng như tiểu đêm, mất ngủ, khó tiêu, đau đầu đều giảm hẳn. Hiện cơ thể tôi có thể dính được bàn là và điện thoại di động.

Về vấn đề học cảm xạ để nâng cao sức khỏe, ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) nói: Cảm xạ nói lên năng lực của con người. Nếu được rèn luyện tốt thì con người sẽ có thêm công năng, sức khỏe tăng lên rõ rệt, trấn được những tia ác xạ. Vì những tia ác xạ có thể làm con người mắc những chứng bệnh như cảm cúm, ốm vặt, đau đầu… Người luyện tập tốt có thể truyền dạy cho người khác. Đó là ý nghĩa sinh học và dưỡng sinh. Còn về ứng dụng sinh học, người học và rèn luyện cảm xạ sẽ có khả năng phát hiện những vấn đề về môi trường, phong thủy, mạch đất… Khi tập cảm xạ, cần lưu ý chế độ ăn uống thanh tịnh, hạn chế hút thuốc, đồ uống có cồn… nên xa rời những thói quen sinh hoạt xấu. Ý nghĩ của người luyện cảm xạ phải luôn theo chiều hướng tích cực, lành mạnh thì mới có kết quả.

Chia tay tôi, “Người nam châm” Nguyễn Ngọc Sơn tươi cười nói: Phương châm sống của tôi, và luôn truyền lại cho các học viên là: gói gọn trong 5 chữ E ở cuối từ: Khỏe - Trẻ - Vui vẻ - Không đơn lẻ - Không đi xin quẻ. Trong các bài giảng lý thuyết cũng như thực hành, tôi vẫn luôn nhắc nhở học viên không được có biểu hiện mê tín dị đoan, mà hãy tích cực rèn luyện, nâng cao sức khỏe, tin tưởng vào năng lượng bản thân mình.

Những năm vừa qua, chúng ta đã thấy một số hiện tượng thể hiện khả năng đặc biệt của con người như: đi bộ trên than hồng, chạy trên mặt nước, ăn thủy tinh… Tất cả đều do con người khổ luyện mới đạt được. Việc dính hút đồ vật lên cơ thể cũng chỉ là một cách thức để kiểm tra mức độ năng lượng, hiện trạng sức khỏe của con người. Tuy nhiên đứng trước những hiện tượng có vẻ kỳ lạ đó, chúng ta chớ nên vội vàng kết luận, mà hãy bình tĩnh quan sát, nghiên cứu, thể nghiệm. Tung hô hoặc phủ nhận ngay đều không phải là cách nhìn nhận, đánh giá thấu đáo, khoa học.

Còn với cá nhân tôi, nếu tập luyện theo cảm xạ học với mục đích duy nhất là để hút được đồ vật lên cơ thể thì chẳng mấy có ý nghĩa gì đối với cuộc sống. Cái đích hướng tới của tất cả các bộ môn tập luyện, không gì khác là rèn luyện, nâng cao sức khỏe để phục vụ cho học tập, công tác và hạnh phúc của con người, xã hội.

Lê Hoàng Trung