HOÀNG TUYỀN

Nói đến HOÀNG TUYỀN là nói đến một phương vị gần như bất khả xâm phạm trong Phong Thuỷ vậy. Bởi các Hung Phương như Thái Tuế, Ngũ Hoàng Sát, Tam Sát thì chỉ theo năm mà di chuyển đi, còn HOÀNG TUYỀN là phương vị cố định. Khi nhà, mộ mà xác định hướng nào đó là đã có một vài phương hướng không thể phạm. Chữ "phạm" ở đây ý nói ở nhưỡng nơi ấy có thể kiêng kỵ: phóng thủy (thãi nước ra), đường đi, nước chầu lại, lạch nước...vv... thậm chí ngay cả trổ cửa, chọn ngày giờ khởi công cũng phải tránh nó nữa đấy!.
Trước tiên, NCD tôi xin giới thiệu với các anh chị, các bạn hai loại HOÀNG TUYỀN thường được nói đến nhiều nhất trong khoa Phong Thuỷ. Đó là: TỨ LỘ HOÀNG TUYỀN và BÁT SÁT HOÀNG TUYỀN.

TỨ LỘ HOÀNG TUYỀN
Canh, Đinh KHÔN thượng thị HOÀNG TUYỀN
Ất, Bính tu phòng TỐN thủy tiên
Giáp, Quý hướng trung ưu kiến CẤN
Tân, Nhâm thủy lộ phạ đương KIỀN.

Tức là làm nhà lập hướng CANH- ĐINH nên cẩn thận với nước phương KHÔN.
CANH hướng mà thấy ở phương KHÔN có nước thì nên chảy đến, chảy đi là phạm HOÀNG TUYỀN.
ĐINH hướng mà làm nhà thì nước phương KHÔN nên chảy đi, chảy đến là phạm HOÀNG TUYỀN.


ẤT hướng thì phương TỐN nước nên chảy đi, chảy lại là phạm HOÀNG TUYỀN.
BÍNH hướng thì nước phương TỐN nên chảy chầu lại, chảy đi là phạm HOÀNG TUYỀN.


GIÁP hướng thì nước phương CẤN nên chảy lại , nếu chảy đi là phạm HOÀNG TUYỀN.
QUÝ hướng thì nước phương CẤN nên chảy đi, nếu chảy lại là phạm HOÀNG TUYỀN.


TÂN hướng thì nước ở KIỀN ( CÀN ) nên chảy đi , nếu chảy đến là phạm HOÀNG TUYỀN.
NHÂM hướng thì nước ở KIỀN nên chảy đến , chảy đi là phạm HOÀNG TUYỀN.


BÁT SÁT HOÀNG TUYỀN
Khảm Long, Khôn Thố, Chấn sơn Hầu.
Tốn Kê, Kiền Mã, Đoài Xà đầu.
Cấn Hổ, Ly Trư vi SÁT diệu.
Phạm chi MỘ-TRẠCH nhất tề hưu.

Nhà Toạ (mặt sau nhà) Khảm thì ở phương THÌN (Long là Rồng, là cung Thìn) không nên trổ Cửa, đào Giếng, kỵ thấy lạch nước.
Nhà Toạ Khôn thì ở phương MẸO là kỵ.
Nhà Toạ Chấn thì ở phương THÂN là kỵ.
Nhà Toạ Tốn thì ở phương DẬU là kỵ.
Nhà Toạ Kiền thì ở phương NGỌ là kỵ.
Nhà Toạ Đoài thì ở phương TỊ là kỵ.
Nhà Toạ Cấn thì ở phương DẦN là kỵ.
Nhà Toạ Ly thì ở phương HỢI là kỵ.

Và ngược lại cũng vậy. Tức là nhà tọa THÌN thì kỵ phương KHẢM vậy......
Ngoài ra, khi chon ngày khởi công, cũng phải TUYỆT ĐỐI TRÁNH chọn nhằm ngày phạm phải BÁT SÁT HOÀNG TUYỀN này. Đây là một yếu quyết trong nghề, nay NCD xin hé tý bí mật cho các anh chị, các bạn biết, hy vọng các anh chị, các bạn không phạm phải ĐẠI HUNG SÁT này khi làm nhà. Nhiều người không biết, khi làm nhà chỉ đến các thầy xem ngày để lựa ngày khởi công, ngày đổ mái...vv...mà không biết rằng ngày khởi công phải do một thầy địa lý chuyên nghiệp mới chọn chính xác được. Vì các thầy xem ngày chỉ ngồi tại nhà, giở sách ra xem ngày theo sách vỡ, không đến tận nơi xem hướng thì rất dễ chọn lầm những ngày Hung Kỵ so với HƯỚNG và TỌA SƠN. Không chỉ có Bát Sát Hoàng Tuyền, mà còn nhiều Hung Sát khác, Hung Tinh khác liên quan tới Sơn, Hướng và ngày giờ. Nay NCD xin chỉ ra ngày kỵ của Bát Sát Hoàng Tuyền với các Sơn tương ứng của nó:
_ CÀN sơn : kỵ ngày Bính ngọ, Nhâm ngọ.
_ KHẢM sơn : ........... Mậu Thìn, Mậu Tuất.
_ CẤN sơn : ........... Giáp Dần, Bính Dần.
_ CHẤN-TỐN : ........... Canh Thân, Tân Dậu.
_ LY : ........... Quý Hợi, Kỷ Hợi.
_ KHÔN : ........... Ất mẹo.
_ ĐOÀI : ........... Đinh Tị.

Ngoài ra, trong vấn đề về đường hướng nước của thuật Phong Thuỷ còn một vài loại Hoàng Tuyền khác như:

BÁT DIỆU SÁT THỦY
Giáp phạ lưu Dần, Ất phạ Thìn
Bính- Ngọ, Đinh- Mùi yếu thương nhân
Canh- Thân, Tân- Tuất tu dương tị
Nhâm- Hợi, Quý- Sửu thị hung thần.

BẠCH HỔ HOÀNG TUYỀN
Kiền, Giáp, Khảm, Quý, Thân, Thìn sơn
Bạch Hổ chuyển tại Đinh-Mùi gian
Cánh hữu Ly, Nhâm, Dần kiêm Tuất
Hợi sơn lưu thủy chủ ưu phiền.

Chấn, Canh, Hợi, Mùi tứ sơn kỳ
thủy nhược lưu Thân khước bất nghi.
Cánh hữu Đoài, Đinh, Tị kiêm Sửu
phạm trước Ất- Thìn Bạch Hổ khi.
Khôn, Ất nhị cung Sửu mạc phạm
thủy lai tất nam định vô nghì.
Cấn, Bính sầu phùng Ly thượng, hạ.
Tốn, Tân ngộ Khảm họa nan di.
Thử thị Hoàng Tuyền chuyên Hướng luận
Khai môn- Phóng thủy ắt sầu bi.

Xin cẩn trọng nhắc lại một lần nữa: HOÀNG TUYỀN xin chớ phạm!!!


GƯƠNG SOI

Trong Phong Thuỷ, Gương soi được coi như là Aspirin vậy. Nó được xem là một trong những công cụ hóa giải rất tốt trong Phong Thuỷ. Ngay từ ngàn xưa, khi con người chưa có thuật tráng thủy cho kiếng như hiện nay, người ta dùng các gương đồng đánh bóng sáng lên. Ngày nay, khi các anh chị, các bạn xem phim Trung Quốc quay về các triều đại xưa, nhà nào cũng có 1 tấm gương đồng tròn xoay hướng ra ngoài cả, xin để ý thử xem.
Khi treo bên ngoài nhà, Gương có thể làm lệch hướng đe dọa khí (một con đường lộ đâm vào, một tòa nhà sát bên quá cao, một trại hòm, những mũi nhọn hàng rào nhà hàng xóm...). Trong các cấu trúc hiện đại, nhiều nhà cao tầng, những trung tâm thương mại hay dùng các bức tường Gương trước mặt, nó ngoài việc cho Khí đi vào còn có tác dụng ngăn ngừa những tác nhân xấu. Ta có thể dùng Gương soi thường, hay Gương lồi (làm chệch hướng sát khí đi nơi khác, hay làm lộn ngược hình nhà cao tầng áp sát..); và trong một số trường hợp Hung Sát nặng thì người ta dùng Gương Bát Quái (là dạng hình Bát Quái có gương ở giửa, có lúc gương phẳng, có lúc gương lõm, có lúc gương lồi). Đối với các đường chạy xe vào nhà (trường hợp này đa số không có ở Việt Nam), nếu là con đường dốc xuống, thì Gương lồi sẽ được áp dụng chung với một vài dụng cụ hóa sát khác để hóa giải).
Nhưng thông dụng nhất có lẽ là các trường hợp dùng Gương trong nội thất. Gương trong nội thất thì "Gương càng lớn càng tốt". Gương không được thấp hơn đầu người, cũng không nên để cao quá. Nếu Gương quá thấp, chúng sẽ tạo ra bệnh đau đầu, và làm giảm dòng khí của những người sống trong nhà. Nếu treo quá cao, chúng sẽ làm cho những người trong nhà càm thấy khó chịu.
Gương treo nội thất thường dùng cho các trường hợp: Làm đầy một góc khuyết, làm mất đi một góc lồi (như cột nhà lồi ra chẳng hạn), làm rộng một khu vực chật hẹp (chiều sâu căn phòng, một hành lang hẹp...), hóa giải cầu thang tối và hẹp, thu hút những hình ảnh đẹp đẽ từ bên ngoài vào (như một vườn hoa, một dòng sông uốn lượn hữu tình...), giúp người ở trong phòng ngủ hay nhà bếp phát hiện có người vào, hóa giải trường hợp nhà thông suốt từ trước ra sau, làm cân bằng một trần nhà cao thấp chênh lệch nhiều, tạo cảm giác tăng "nhân khẩu" (tăng bếp là hình ảnh tăng người vậy)- "lợi nhuận" (khi đếm tiền một sẽ thành hai)- "khách hàng" (một người khách có thể thành hai, ba người tùy theo số kiếng), tạo hình ảnh một cửa sổ giả ở những nơi cần trổ cửa nhưng không thể mở được, tăng cường tính năng của các câu chú- lời chúc tốt đẹp.....
Nói chung, tùy trường hợp mà sử dụng. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc không thể phạm vào như:
_ ĐẠI KỴ treo gương soi trong phòng ngủ (nhất là phòng ngủ vợ chồng vì nó tạo cảm giác có người thứ ba, và trước sau gì cũng xày ra). Nếu vì tình trạng bất khả kháng, chẳng hạn do kiếng ốp vào cửa tủ quần áo, thì đừng xoay mặt kiếng rọi vào: đầu giường, chân giường hay kể cả ngang tầm giường. Theo khoa học thì khi ta ngủ, từ trường trong người chúng ta lúc đó là yếu nhất. Gương soi ngoài tác dụng phản xạ còn có tác dụng hút, nó sẽ làm cho dòng khí trong người ta càng yếu thêm, kết quả là sang ngày hôm sau ta sẽ thấy mệt mõi hơn.
_ Ngoài việc kích thước cao thấp như đã nói ở trên kia, khi cần hóa giải về cạnh khuyết của phòng, nếu treo gương không nên treo gương ghép, mà nên dùng gương liền 1 miếng.
_ Các gương cho hình ảnh méo mó không trung thực; các gương bị sứt mẻ, nứt, vỡ; gương mờ nên bỏ đi
_ Nếu treo gương nơi có người đi qua đi lại thường, nên để ý độ lớn của kiếng, đừng để "mất đầu", "mất chân" người, khiến người trong nhà hay bị nhức đầu, bị vấp té.
_ Không nên treo hai gương đối nhau, nó sẽ làm cho ta bối rối như mất định hướng vậy. Nhất là nhà vắng vẻ càng không nên treo hai gương đối nhau, nó sẽ khiến người trong nhà cảm thấy bất an, lúc nào cũng như có bóng người trong gương vậy.
_ TUYỆT ĐỐI TRÁNH treo gương trong phòng khách mà nhìn ra đường lớn bên ngoài, càng hung hại hơn khi đường càng đông xe qua lại (nhất là xa lộ) + gương càng lớn. Nó khiến người trong nhà luôn cảm thấy tâm trạng hoang mang, tim mạch cũng có vấn đề. Vì sao thế? Khi xe chạy trên đường, hình ảnh dòng xe đó bị hút vào gương, làm cho người trong nhà có cảm giác như mình đang ở ngoài đường lộ vậy. Các anh chị, các bạn có đủ can đảm ra ngồi giửa lộ như vậy không chứ NCD thì không dám rồi đó. Vừa điếc tai vì còi xe vừa lo ngay ngáy sợ xe tông nữa, kinh lắm!
_ Và diều cuối cùng cho gương tráng thủy là không nên lạm dụng nó. Thuốc mà dùng quá liều thì nguy đấy! Không tin bạn cứ thử vốc một nắm thuốc mà uống xem, cho dù là thuốc bổ cũng phải... bổ ngửa đấy!

Với gương Bát Quái, nó cũng là một dạng gương soi nhưng có thêm biểu tượng Bát Quái nên uy lực mạnh hơn, và cách dùng cũng khác. Gương Bát Quái dùng để treo cho trường hợp Hoá Giải bao giờ cũng là Tiên Thiên Bát Quái. Gương Bát Quái Hậu Thiên dùng để xoay chuyển hướng nhà. Xin hãy nhớ kỹ điều này! Nếu quý vị nào thấy bày bán các loại gương Hậu Thiên Bát Quái thì xin đừng thỉnh về để Hoá Giải, mà NCD nghĩ cũng không chỗ nào dại dột sản xuất vậy đâu (ai mà thỉnh? làm để ngắm à?!). Thường thì các gương Bát Quái bày bán đã có làm khoen treo sẵn, giúp bạn xác định hướng treo trên dưới. Nhưng để đề phòng tình trạng sai lệch, NCD xin chỉ rõ ra vậy: Các anh chị, các bạn cứ xem cạnh nào có 3 vạch liền, đó chính là Quẻ CÀN, là hướng lên trên, Càn vi Thiên mà! Nếu không nhớ 3 vạch liền, xin hãy nhớ câu "CÀN tam liên" (Càn là 3 vạch liền). Cái này cũng do hàm ý trên ứng với Trời, dưới hợp với Đất vậy (bởi theo Tiên Thiên Bát Quái thì trên là quẻ Càn, đối diện nó bên dưới là quẻ Khôn vậy. Thời gian vừa qua, NCD đi xem gặp rất nhiều nhà treo gương Bát Quái chẳng ra Tiên Thiên, mà cũng chẳng phải Hậu Thiên. NCD thấy kinh quá, không biết người thời đại mới này có ai mà thông minh quá, "tối chế" (chứ không phải sáng chế nữa) ra một gương Bát.... Quái Chiêu để bày bán. Do vậy, NCD xin chỉ rõ luôn để các anh chị, các bạn nào cần thỉnh gương về treo biết cách mà chọn:
_ Thứ tự từ trên cùng, theo chiều kim đồng hồ của gương Bát Quái Tiên Thiên: Càn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn, Chấn, Ly, Đoài.
_ Thứ tự từ trên cùng, theo chiều kim đồng hồ của gương Bát Quái Hậu Thiên: Ly, Khôn, Đoài, Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn.

Muốn gương Bát Quái có hiệu lưc thì sau khi thỉnh về (đừng dùng chữ mua, vì theo người xưa cho rằng Bát Quái tượng trưng cho năng lượng thiêng liêng, không thể bảo mua, vậy là bất kính với thần thánh_ hàm ý như mua thần bán thánh vậy), hãy đem tới các Chùa có các vị sư đức độ, hay đến các nơi có các thầy... Lỗ Ban, để khai mở Mắt Thần cho Bát Quái_ Đây là một hình thức phù chú, dùng chữ "ÁN LAM" trong kinh nhà Phật thôi, nhưng không thể thiếu.
Khi đã mở Mắt Thần thì gương Bát Quái mới phát huy hết tác dụng của nó, chứ không thì nó chỉ là một mảnh gương nhỏ xíu với... vài vạch sơn kẻ bên ngoài thôi, có tác dụng gì đâu?!
Khi treo gương Bát Quái nên thận trọng, không thể lạm dụng, bạ đâu cũng treo là không được. Tuy nói uy lực mạnh, nhưng có nhiều trường hợp nó lại không có tác dụng. Nếu không thì môn Phong Thuỷ đâu có gì đáng lo, cứ gặp hung sát thì treo nó là xong, nếu quý vị nào có ý nghĩ sai lầm đó xin hãy cẩn thận! Gương Bát Quái có thể nói là "con dao 2 lưỡi" trong Phong Thuỷ đấy, "chơi dao" không khéo, không đúng thì "có ngày đứt tay" nhé! Muốn treo, bạn tốt nhất nên nhờ một thầy địa lý nào gần đấy đến xem, hoặc tư vấn ai đó xem có xài được không, xin đừng tự ý thỉnh về dùng!
Với gương Bát Quái, ngoại trừ gương Bát Quái lõm, tất cả các gương Bát Quái khác có một điều ĐẠI KỴ là KHÔNG ĐƯỢC TREO TRONG NHÀ!!!


DƯƠNG TRẠCH TAM YẾU.

Sau khi đã lược sơ qua về một số thiết kế cho nội thất như cửa cái, bếp, phòng ngủ... và một số yếu tố ngoại vi, nay NCD xin giới thiệu với các anh chị, các bạn một trường phái trong Phong Thuỷ, đó là trường phái DƯƠNG TRẠCH TAM YẾU. Dương Trạch thì chúng ta đã biết là để chỉ nhà ở của người sống chúng ta, còn Tam Yếu là gì? Theo phái này luận, thì trong một ngôi Dương Cơ có ba điểm chính yếu, đó là: CỬA CÁI- BẾP (ở đây ý nói là Hỏa Môn tức Hướng miệng Bếp)- SƠN CHỦ hay PHÒNG CHỦ. Do đó mới gọi là Tam Yếu, tức chỉ ba điểm trọng yếu này.
Cũng như trường phái Bát Trạch Minh Cảnh, trường phái này cũng chia 8 cung Bát Quái ra làm hai nhóm: Đông Tứ Trạch và Tây Tứ Trạch.
_ Đông Tứ Trạch gồm các cung Khảm, Ly, Chấn, Tốn.
_ Tây Tứ Trạch gồm các cung Càn, Đoài, Cấn, Khôn.
Người có Quái số ở nhóm Đông Tứ Trạch thì ba điểm chính yếu nên an trí trong 4 cung thuộc Đông Tứ Trạch.
Ví dụ như: Người có Quái số là 9, là cung Ly, thuộc nhóm Đông Tứ Trạch; vậy thì 3 điểm chính yếu trong nhà cũng nên an vị ở các cung Khảm, Ly, Chấn, Tốn.
Người có Quái số ở nhóm Tây Tứ Trạch thì ba điểm chính yếu nên an trí trong 4 cung thuộc Tây Tứ Trạch.
Ví dụ như: Người có Quái số là 7, là cung Đoài, thuộc nhóm Tây Tứ Trạch; vậy thì ba điểm chính yếu trong nhà cũng nên an vị ở các cung thuộc Tây Tứ Trạch là Càn, Đoài, Cấn, Khôn.

1/. PHÂN LOẠI TRẠCH:

Theo trường phái Phong Thuỷ này, nhà ở được chia làm hai loại: Đơn Trạch và Phức Trạch. Sự phân chia này do việc nhà có phân ngăn hay không.
Nhà từ trước ra sau không phân chia ra ngăn nào cả thuộc về Đơn Trạch, tức là nhà đơn giản. Vậy thì ta có thể hiểu Phức Trạch nói nôm na là nhà bố trí phức tạp hơn, hay là nhà có phân ngăn. Nhà không có ngăn nào cả được gọi là TỊNH TRẠCH.
TỊNH TRẠCH thì lấy ba điểm chính yếu là: CỬA CÁI- BẾP- PHÒNG CHỦ (tức là căn phòng ngủ của gia chủ, căn phòng nằm ở một góc nào đó trong nhà).
Phức Trạch lại chia ra làm ba loại, mỗi loại có sự sắp xếp các sao trong các ngăn khác nhau. Sự phân loại này dựa trên số ngăn mà nhà đó có:
_ Từ 2 đến 5 ngăn là Động Trạch.
_ Từ 6 đến 10 ngăn là Biến Trạch.
_ Từ 11 đến 15 ngăn là Hóa Trạch.
Các loại nhà thuộc dạng Phức Trạch lấy ba điểm chính yếu là: CỬA CÁI- BẾP- và SƠN CHỦ (với SƠN CHỦ là mặt hậu của nhà, đối nghịch với hướng nhà vậy).

2/. CÁCH XÁC ĐỊNH CUNG CỦA 3 ĐIỂM CHÍNH YẾU:

_ CỬA CÁI: Từ mặt tiền nhà kéo một đường thẳng vuông góc với mặt tiền, lấy một đoạn bằng nửa chiều ngang mặt tiền. Đó chính là điểm đặt La bàn để xác định vị trí cửa cái. Dùng La bàn nhìn về hướng Cửa Cái xem đó là cung gì, đánh dấu vào sơ đồ nhà tên cung Cửa Cái.
_ BẾP: Từ trung tâm phòng Bếp (nếu là Phức Trạch), hay trung tâm nhà (nếu là Đơn Trạch), đặt La bàn nhìn về hướng Bếp, xác định xem Hỏa Môn xoay hướng gì, thì đó là cung của Bếp vậy. Cũng trong phái này có hai ý kiến khác nhau: Phái thì lấy ví trí đặt Bếp như bên Bát Trạch Minh Cảnh, là đặt ở vị trí xấu, ngó về hướng tốt; phái thì lấy vị trí đặt Bếp là tốt, ngó về hướng tốt luôn. Và hai phái này cứ tranh cãi suốt, luôn cho mình là đúng, đối phương là sai. Riêng NCD thì chủ trương theo phái đầu, tức đặt Bếp ở phương Hung trấn áp cái xấu, nhưng Miệng Bếp phải xoay hướng tốt. Tuy vậy, NCD tôi không chê cách nào cả, chỉ vì bản thân NCD thử nghiệm cách đầu trúng nên theo luôn, chưa thử qua cách sau, nếu quý vị nào muốn thì hãy thử xem.
_ PHÒNG CHỦ: Phòng Chủ không nhất thiết Trạch Chủ phải ngủ trong đó. Một căn Tịnh Trạch có thể có một phòng, có thể có nhiều phòng nhưng không phân ngăn thôi. Nếu có nhiều phòng thì phòng nào CAO-RỘNG- LỚN nhất sẽ được xem là phòng chủ.
Nếu chỉ có một phòng thì dù phòng đó nhỏ hẹp vẫn là Phòng Chủ. Một căn buồng chỉ che bằng màn, hay kê bằng tủ không được xem là Phòng Chủ; phải có tường vách hẳn hoi mới tính. Từ trung tâm nhà đặt La bàn nhìn về hướng Phòng Chủ xem đó là cung gì, thì đó là cung của Phòng Chủ vậy.
_ SƠN CHỦ: Từ vách mặt hậu, cũng làm như đối với mặt tiền, tức là kéo một đường thẳng vuông góc với mặt hậu, lấy một đoạn bằng nửa chiều ngang mặt hậu, đó là điểm đặt La bàn. Từ điểm đó, đặt La bàn nhìn về mặt hậu ấy xem là cung gì thì đó là cung của SƠN CHỦ vậy, phải nhìn theo đường vuông góc ấy mới chính xác nhé!

3/. AN DU NIÊN CHO TRẠCH:

Theo trường phái Phong Thuỷ này, một ngôi nhà có một Du niên ảnh hưởng đến sự Hưng Suy của nhà đó, tùy theo đó là Du niên tốt hay xấu. Để an Du niên cho nhà, thì TỊNH TRẠCH và PHỨC TRẠCH hơi khác một tý.
_ TỊNH TRẠCH: Từ cung của CỬA CÁI biến tới cung của PHÒNG CHỦ, được Du niên gì thì đó vừa là Du niên của PHÒNG CHỦ, vừa là Du niên của Trạch vậy.
Thí dụ: Cửa cái là ở cung Càn, còn Phòng Chủ là ở cung Cấn, hai cung biến với nhau, Càn phối Cấn là Thiên Y, vậy Du niên của Phòng Chủ là Thiên Y, mà Du niên của Trạch cũng là Thiên Y. Ta gọi đó là nhà Thiên Y Trạch.
_ PHỨC TRẠCH: Từ cung Cửa Cái biến tới cung của Sơn Chủ, được Du niên gì thì đó là Du niên của Trạch, cũng là Du niên của Sơn Chủ vậy.
Thí dụ: Cửa cái là ở cung Khảm, nhưng Sơn chủ là ở cung Khôn, hai cung Khôn, Khảm phối với nhau ra Du niên Tuyệt Mạng, vậy Du niên của Trạch là Tuyệt Mạng, và Du niên của Sơn Chủ cũng là Tuyệt Mạng vậy. Ta gọi đó là nhà Tuyệt Mạng Trạch.
Do có sự phân chia thành hai nhóm Đông Tây, nên khi phối hợp với nhau tất có tốt, có xấu. Các cung cùng nhóm phối với nhau sẽ cho ra các Du niên tốt, các cung khác nhóm khi phối với nhau sẽ cho ra các Du niên xấu vậy. Các anh chị, các bạn có thể xem lại các bài đầu trên mục Phong Thuỷ này, để thấy cách phối hợp giửa các cung Bát Quái với nhau.
Mỗi một Du niên tốt xấu đều có một Sao đi kèm với nó, và ngôi sao đó thể hiện rõ tính tốt xấu của Du niên đó. Nghĩa là: Du niên tốt thì đi kèm với Cát Tinh, Du niên xấu thì đi kèm với Hung Tinh. Dưới đây, NCD xin kê ra tên và sự tương ứng của các Du niên với các sao để các anh chị, các bạn tiện xem nhé!
_ Sanh Khí ứng với sao THAM LANG, thuộc hành MỘC.
_ Thiên Y ứng với sao CỰ MÔN, thuộc hành THỔ.
_ Diên Niên ứng với sao VŨ KHÚC, thuộc hành KIM.
_ Phục Vì ứng với sao PHỤ BẬT, thuộc hành MỘC.
_ Tuyệt Mạng ứng với sao PHÁ QUÂN, thuộc hành KIM.
_ Ngũ Quỹ ứng với sao LIÊM TRINH, thuộc hành HỎA.
_ Lục Sát ứng với sao VĂN KHÚC, thuộc hành THỦY.
_ Họa Hại ứng với sao LỘC TỒN, thuộc hành THỔ.