CỬU CUNG, BÁT SƠN
TỔNG LUẬN

Nhà Địa lý Thái Cửu Thăng nói: Người đời nay nói về Lý Khí ở trong miền Bình dương, đại để là không ngoài hai môn: Cửu Cung và Bát Sơn. Cửu Cung thì lấy Bản cục tinh nhập Trung Cung, phi ra 8 phương, lấy phương Sinh Khí và Vượng kHí làm phương tốt lành. Bát Sơn thì lấy Bản cục quái, khởi sao Liêm Trinh, lấy Tham Lang, Cự Môn, Vũ khúc là 3 sao ở ba phương đó làm tốt lành.Về định cục và biện quái của hai môn thì cùng như nhau, nhưng so sánh cái Cát và cái Hung ở 8 phương thì không giống hệt như nhau. Tức là bất đồng. Xem ra thập Can thì chỉ có 1,2 cái là đồng còn 8,9 cái là bất đồng. Vì thế nên người theo môn Cửu Cung thì bảo Cửu Cung là phải; người theo phái Bát Sơn thì cho Bát Sơn là phải. Hai bên mâu thuẫn và tranh cãi rất nhiều, NHƯNG, thực ra, thì do cả hai phái đều chưa thấu đáo cái LÝ bên trong. Họ có biết đâu Địa Vận có lúc Thịnh, lúc Suy; đắc Vận thì Hưng Vượng, thất Vận thì suy bại. Nếu không tường môn Cửu Cung thì không biết khi nào hưng thịnh, khi nào suy bại, vì Cửu Cung chính là cách xem Khí Vận của Địa cục. Phương vị thì có tinh thuần, có bác tạp.Cho nên mới có câu:
" Âm, Dương tương kiến nhi cát
Âm, Dương tương thừa nhi hung"
( nôm na là có khi Âm, Dương gặp nhau thì Cát; có khi Âm, Dương gặp nhau lại Hung)
Và không có Bát Sơn thì không thể biết khi nào Cát, khi nào Hung vậy.
Bát Sơn là cách xem Thủy định Hướng, nếu không thông tỏ Bát Sơn thì không biết phương vị đó là Cát hay Hung được. Không am hiểu Cửu Cung thì không biết lúc nào Vận Vượng, lúc nào Vận Suy.
Vậy cả hai môn hỗ tương cho nhau, cùng dùng cả, chẳng thể thiếu một. Nên khi xét phương hướng định vị thì lấy Bát Sơn làm chủ, lấy Cửu Cung để hỗ trợ. Tỷ như Bát Sơn có Cát Địa, Cát Thủy cũng phải đợi đến lúc Vận Vượng mới ứng nghiệm mà phát được.
Nói vậy cũng có nghĩa là: Khi xem xét Khí Vận phải lấy Cửu Cung làm chủ, mà Bát Sơn hỗ trợ thêm. Tỷ như Cửu Cung đã gặp Vận Hưng, nhưng cũng phải có Cát Sơn, Cát Thủy thì mới phát Phú Quý được.
Cho nên, cả hai môn cũng như Thể, Dụng đi đôi với nhau, không thể tách rời.
Xét về ứng dụng thì thế, xét về phạm vi thì Cửu Cung luận cái Tổng Quát, đại lược của bố cục thôi; còn Bát Sơn thì phải đến trên Huyệt mà định 8 quẻ, mỗi quẻ phân ra ba sơn, xem Thủy, xét phương một cách chi tiết hơn. Cả hai môn không thể trộn lẫn mà dùng một cách hỗn tạp, mà phải có từng cái Dụng riêng, do đó không có tình trạng dẫm chân nhau như người của hai phái này thường tranh luận. Vậy ta cũng thấy hai môn đâu hề mâu thuẫn nhau, chỉ có người học không đến nơi, hiểu không đến chốn mới bình phẩm cái này đúng, cái kia sai, không hề có việc cái này phải, cái kia trái khi xét một cuộc đất giửa hai môn này.
Đại sư Lại Bố Y cho rằng: Bát Sơn dụng Ngũ Quỹ quái, ở trong cái Âm, Dương thuần tịnh có Liêm Trinh; ở cái Âm , Dương bác tạp có Phụ Tinh; chỗ thuần tịnh chẳng phải lúc nào cũng toàn Cát, chỗ bác tạp chẳng phải lúc nào cũng toàn Hung. Âm, Dương cùng gốc, họa phúc cùng chịu. "Cực tắc bất biến" chính là "Thiên đạo chi diệu dã" vậy (Vật đến chỗ cùng cực tất sẽ biến đổi, đó mới đúng là đạo thật hay). Lý này của Ngài chẳng khác nào Ý Dịch mà NCD mình đã nhiều lần nói với các anh chị, các bạn "Dịch không có tốt, không có xấu, mà tốt xấu cùng một chỗ", cũng như vòng tròn Lưỡng Nghi, trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, khi đến Thái Dương tất sẽ sinh Thiếu Âm, đến Thái Âm tất sẽ sinh Thiếu Dương vậy.
Theo Ngọc Xích Kinh nói thì miền Bình dương (đồng bằng) chỉ có Tiểu vận thôi, cho rằng ở miền Bình Dương chỉ có Địa cuộc nhỏ sẽ không đắc Đại vận được, nên chỉ luận Tiểu vận. Nếu các anh chị, các bạn còn nhớ, trong bài "Thánh vật sông Tô Lích", NCD mình đã từng nói ở miền Bình dương đa phần là Huyệt Phú, ít có Huyệt Quý, nhưng nếu có thì Huyệt kết sẽ lớn không kém miền sơn cước. Bởi ở vùng đồng bằng cũng có Đại Cán Longkết Huyệt vậy, chẳng những thế, Lực của nó rất lớn, Khí dồi dào, phải lấy Đại vận mà suy xét sự Hưng, Suy của nó vậy.
Tiểu Vận thì lấy 20 năm, đổi thay một sao vào giửa Trung Cung mà phi đi.
Đại Vận thì lấy 60 năm ( tương đương một Nguyên) cũng lấy một sao chủ Đại Vận nhập vào Trung Cung mà thuận phi đi.
Muốn luận đất là Đại địa hay Tiểu Địa phải xem xét cái Địa Cục đó lớn hay nhỏ, dày hay mỏng mà quyết định Sao vào Trung Cung là của Tiểu Vận hay Đại Vận, có vậy mới khỏi lầm lạc khi quyết đoán sự Cát Hung khi 8 sao phi đến tám phương.

NGỌC XÍCH CHÍNH KINH
SƠN, THỦY, KIẾN, PHÁ ĐỊNH CỤC LUẬN.

Đến bất kỳ Hình cục nào, thấy có Sơn thì xem theo Sơn, thấy có Thủy thì xem theo Thủy. Sơn thì xem theo cái thế nó dẫn lại, phải định rõ được đâu là Tổ Sơn (trong Dương Trạch đô thị, thì xem những Cao Ốc lớn là Tổ Sơn), có thế mới xác định được Mạch đi theo Hướng nào đến. Thủy thì xem chỗ nó triều lại, hay nơi nước hội tụ, hay nơi gần Thủy.
Sơn tuy là gốc khởi phát Tinh-phong, nhưng Bản cục mà ta chọn thường xem chỗ kết cục, tức Long dẫn vào. Nếu gần nơi Hình cục không có sơn phong khởi chỏm lên, thì lấy chỗ Lai Long, tức là lấy hướng Mạch lại Huyệt trường. Nếu có sơn phong (núi cao lên) thì Bản cục phải theo chỗ phong khởi mà định.
Thủy tuy gốc ở chỗ Lưu nguyên (phát xuất của nguồn nước), nhưng Bản cục định ở chỗ góc nó triều vào, không có Hợp thủy thì lấy chỗ Thủy hoành nhiễu (quấn quanh ngang mặt). Nếu có chổ Thủy hội họp, thì bản cục lấy ở chỗ hội họp ấy mà quyết.
Vậy thì ở chốn đồng bằng, đô thị lấy chỗ cao hơn làm Sơn, chỗ thấp hơn làm Thủy. Chỗ Sơn khởi phong cao lên gọi là Kiến, chỗ Thủy gặp nhau gọi là Phá. Kiến làm Chủ, Phá làm Khách, Chủ-Khách phối với nhau thì ra quẻ.
Sau khi biết được quẻ gì, sao gì thì lấy đó nhập Trung Cung, phi thuận ra 8 phương để xem Sinh, Vượng, Quan Sát và đoán Cát Hung.
Nói thì khó hiểu, nhưng để mình ví dụ cho dễ hiểu hơn : Tỷ như phương Ly có Thủy thì ta định là Khảm Sơn, phương Càn có Thủy thì ta định là Tốn Sơn

Sơn xuyên Kiến, Phá yếu phân minh
Kiến thanh hồ, Phá yếu ninh
Cánh trị sơn phương vô khắc sát
Chủ sơn đắc vận, họa nan sinh

Dịch nôm na đại ý thế này: Núi, sông, Kiến, Phá phải rõ ràng, tinh tường. Ở phương Kiến cần phải thanh, sảo, không nên thô ngạnh; phương Phá cần yên tĩnh. Nếu như phương chủ sơn (quẻ, cục) ấy không bị phương ấy khắc sát. Thì lúc chủ sơn đắc vận, tai họa khó mà xâm hại đến được.
Ở nơi núi cao thì lấy chỗ cao làm Kiến, chỗ thấp làm Phá. Nơi đất bằng thì lấy Tọa sơn làm Kiến, hướng triều vào làm Phá. Kiến là Chủ thì nên triều vào và tú lệ, thanh quang. Phá là Khách thì nên vòng cong ôm lại.
Nếu thấy phương Sinh có Cao Sơn mà Thủy uốn vòng quanh, thì con cahú có phước lộc, nếu được chủ Kiến đắc Vận thì đại phát phú quý.
Cũng phân như Cửu Cung trong Huyền Không :

Cửu cung Bát Quái thử trung phân
Nhất Bạch Tham Lang , Khảm Thủy thần
Cửu Tử Hữu Bật, Ly Hỏa diệm
Tứ Lục Văn Xương, Tốn Mộc thân.
Lục Bạch Vũ Khúc, Càn thuộc Kim
Bát Bạch Cấn Thổ, Tả Phù tinh
Thất Xích Phá Quân, Đoài Kim quản
Tam Bích Chấn Mộc, Lộc Tồn sinh
Ngũ Hoàng Liêm Trinh, Trung cung Thổ
Nhị Hắc Khôn Thổ, Cự Môn hình
Cửu cung ngôi vị tường minh bạch
Cát Hung quyết đoán dữ phân minh.

Tức là : Nhất Bạch sao Tham Lang là Khảm Thủy, Nhị Hắc sao Cự Môn thuộc Khôn Thổ, Tam Bích sao Lộc Tồn thuộc Chấn Mộc, Tứ Lục sao Văn Xương thuộc Tốn Mộc, Ngũ Hoàng sao Liêm Trinh chiếm Trung cung Thổ, Lục Bạch sao Vũ Khúc thuộc Càn Kim, Thất xích sao Phá Quân thuộc Đoài Kim, Bát Bạch sao Tả Phù thuộc Cấn Thổ, Cửu Tử sao Hữu Bật thuộc Ly Hỏa.

Trên là phần giới thiệu về Cửu tinh và cách lập cục, tiếp đến chúng ta tìm hiểu thế nào là Sinh, Sát, Thoái, Tử, Vượng Khí của Cửu tinh

CỬU TINH SINH KHẮC CA
Sinh Khí nguyên lai, sinh ngã thân
Sát tinh khắc ngã, tiệp sinh sân
Ngã nhược sinh tha, vi Thoái khí
Lâm ngộ khắc giã thị Tài thần
Đản vi Tử khí, phi toàn lợi
Dữ ngã tương đồng, Vượng khí chân

Tức là : Nếu nó sinh ta thì đó là Sinh Khí, nó khắc ta là Sát Khí, ta sinh nó là Thoái Khí, ta khắc nó thì đó Tài Khí tuy nhiên đó là phương Tử Khí thì cũng chẳng ích lợi gì, cùng ngũ hành với ta đó là Vượng Khí.
Khi đến Cuộc thế đất, ta xem phương khởi phong (núi cao lên), xem nơi nào gần nước thì lấy chỗ đó mà định quái cục Quái cục đã định được rồi thì lấy Sao bản quái đó nhập vào Trung cung, thuận phi 8 phương, xem phương nào Sinh , Khắc,...
Ví dụ : Ta có phương Ly gần nước, tức lấy Bản quái cục là Khảm. Xem trên kia thì thấy " Nhất Bạch Tham Lang, Khảm Thủy Thần", vậy thì ta lấy Nhất Bạch nhập Trung Cung thuận phi đi 8 phương, Nhị Hắc ở Càn là Sát Khí phương, Tam Bích ở Đoài là Thoái Khí phương, Tứ Lục đến Cấn cũng là Thoái Khí phương, Ngũ Hoàng đến Ly là Sát Khí phương, Lục Bạch đến Khảm là Sinh Khí phương, Thất Xích đến Khôn là Sinh Khí phương, Bát Bạch đến Chấn là Sát Khí phương, Cửu Tử đến Tốn là Tử Khí phương.
Sao tại Trung Cung làm chủ, các sao phi đến các phương đều so đối với nó mà xét sự Sinh, Khắc, Sát, Tử, Thoái. Cho nên khi so đối ra, Nhị Hắc đến Càn không phải so với bản cung Càn Kim đó, mà so với Nhất Bạch ở Trung Cung, Thổ khắc Thủy, nên đó mới là phương Sát Khí. Các cung , sao khác cũng tương tự vậy mà tính.