Hàng chục người chết oan vì... “ma ngũ hải”
Thứ Hai, 05/04/2010 --- cập nhật 02:11 GMT+7


Những vụ án mạng đau lòng ấy xảy ra ở các bản làng người dân tộc thiểu số ở một số huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang. Ở những nơi này, người dân quan niệm ai là ma ngũ hải đều là kẻ ác, cần phải loại bỏ khỏi cuộc sống cộng đồng. Vì thế khi bị đau ốm, bệnh tật trong người, thay vì đưa đi bệnh viện khám xét, người ta đổ cho người bị nghi là ma ngũ hải làm hại...


Những ngày đầu tháng 3/2010, Công an huyện Đồng Văn (Hà Giang) nhận được đơn trình báo của ông Cử Mí Chá về việc bà Cử Thị Sèo, 59 tuổi, trú tại thôn Cá Lủng, xã Lũng Thầu (Đồng Văn, Hà Giang) bị mất tích từ ngày 11/10/2009. Khi Công an huyện phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC14) Công an tỉnh Hà Giang tiến hành điều tra, khả năng bà Sèo bị đưa sang Trung Quốc bị loại bỏ.


Các trinh sát đã có mặt tại thôn Cá Lủng để nắm tình hình dân cư. Điều khiến các trinh sát chú ý chính là thái độ của 2 đứa cháu bà Sèo là Vàng Mí Tủa - con trai của em chồng và Vàng Chứ Pó - con trai của anh chồng bà Sèo. Từ khi cơ quan Công an về điều tra, thái độ của 2 người này hết sức lo lắng. Theo tục lệ nơi bà Sèo sinh sống, vì bà không có con trai nên người thừa kế gia sản chính là các cháu trai trong họ hàng bên chồng.

Đầu tiên bà Sèo đưa vợ chồng Vàng Mí Tủa đến ở cùng, được gần 1 tháng thì hai bên mâu thuẫn, bà Sèo đuổi vợ chồng Tủa đi. Sau đó, bà Sèo lại đón vợ chồng Pó về làm con nuôi nhưng giữa hai bên cũng không thuận hòa do bà Sèo khó tính. Sau khi bà Sèo mất tích, Tủa và Pó lại phao tin rằng chính bà làm ma ngũ hải hại vợ chồng Tủa và nhiều người trong thôn.

Đi sâu điều tra, cơ quan Công an đã làm rõ thủ phạm giết bà Sèo chính là 2 đứa cháu Vàng Mí Tủa và Vàng Chứ Pó. Theo lời khai của 2 đứa cháu bất nhân này, vào tháng 10/2009, Vàng Mí Tủa có nói với Vàng Chứ Pó rằng, thời gian Tủa sống ở nhà bà Sèo toàn bị bà làm ma ngũ hải cho vợ chồng Tủa bị ốm. Nghe vậy, Tủa và Pó đã bàn nhau giết chết bà Sèo để trừ hậu họa.

Khoảng 20h một ngày trong tháng 10/2009 (các đối tượng không nhớ chính xác), khi bà Sèo đi xem tivi ở nhà hàng xóm, vợ chồng Pó sang nhà Tủa bàn cách giết bà Sèo. Tuy nhiên, mọi bí mật của chúng đã bị cơ quan Công an làm rõ. Nơi các đối tượng vứt xác bà Sèo là một cái hang nhỏ, tối, sâu gần 20m, các cán bộ Công an phải thả thang dây để leo xuống kiểm tra và tìm được xác nạn nhân.

Tuy tử thi đã phân hủy hoàn toàn nhưng cơ quan Công an đã xác định được đó chính là bà Cử Thị Sèo. Sau khi tiến hành các thủ tục ban đầu, Công an huyện Đồng Văn đã chuyển đối tượng và hồ sơ vụ án về Phòng PC14 Công an tỉnh Hà Giang. Ngày 31/3, Thượng tá Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng PC14 cho biết đã khởi tố Vàng Mí Tủa và Vàng Chứ Pó về tội giết người, đang tiếp tục làm rõ vai trò đồng phạm của 2 người vợ.

Cũng vào đầu tháng 3/2010, tại thôn Làng Tấn, xã Thanh Vân (Quản Bạ) xảy ra một vụ án mạng khác liên quan đến ma ngũ hải. Nạn nhân là ông Sùng Sính Lềnh, 81 tuổi, trú tại thôn Làng Tấn. Ông Lềnh bị giết chết ngay trên đường mòn qua nương ngô, tại hiện trường vẫn còn 1 cục đá vôi dính máu.


3 đối tượng trong vụ án.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Phòng PC14 Công an tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Công an huyện Quản Bạ tiến hành điều tra, xác minh. Gần 1 tuần rà soát các mối quan hệ của nạn nhân, cơ quan Công an đã phát hiện được đối tượng nghi vấn là Giàng Thị Dính, 48 tuổi, cùng trú tại thôn Làng Tấn.

Giàng Thị Dính là một người đàn bà đanh đá. Thời gian gần đây, đứa con nhỏ của Dính bị ốm. Thay vì đưa con đi khám, chị ta lại đổ cho một số người làm ma ngũ hải hại con mình. Dính đổ riệt cho ông Sùng Sính Lềnh làm con ma ngũ hải hại gia đình mình và đã nhiều lần to tiếng, chửi bới nạn nhân. Từ khi ông Lềnh bị giết chết, tự nhiên thái độ của Dính đổi khác, sợ sệt và trầm hẳn.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an đã xác định được Giàng Thị Dính chính là đối tượng giết ông Lềnh. Lệnh bắt đối tượng Dính được thực hiện. Theo lời khai của đối tượng, do nghi ngờ ông Lềnh biết yểm bùa làm ma ngũ hải hại gia đình mình nên khoảng 10h ngày 3/3, khi gặp ông Lềnh đang đi bộ theo đường mòn qua nương ngô về nhà, Dính đã dùng tay đẩy ông Lềnh ngã sấp đập đầu vào tảng đá, sau đó cầm 1 hòn đá đập vào đầu làm ông Lềnh chết tại chỗ.

Cuối tháng 3/2010, hồ sơ vụ việc cũng đã được Công an huyện Quản Bạ chuyển về Phòng PC14 /ông an tỉnh Hà Giang để tiến hành khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Giàng Thị Dính về tội giết người.

Bây giờ, qua công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng, nhiều nơi không còn tin vào con ma ngũ hải. Nhưng cá biệt một số bản làng vùng sâu, vùng xa, có một số người vẫn tự xưng là làm được con ma ngũ hải để dọa mọi người. Hoặc có những trường hợp, do mê muội, thiếu hiểu biết, khi trong gia đình có người ốm đau, thay vì đưa đi bệnh viện khám, họ đổ rằng tại có người làm ma ngũ hải hại gia đình họ. Mà muốn người ốm khỏi bệnh thì chỉ có cách giết chết người làm ma ngũ hải.

Chẳng hạn trong một vụ trọng án ở xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn, Hầu Mí Ly và vợ của Vàng Văn Lình bị ốm khật khừ, nghi cho bà Ly Thị Xua, 76 tuổi, ở cùng xã làm con ma ngũ hải, Ly và Lình đã bàn nhau giết chết bà Xua. Nhưng sau này, khi bà Xua đã chết khá lâu, bệnh của Ly và vợ Lình vẫn chẳng thuyên giảm.

Khi cơ quan Công an tiến hành điều tra, xác định thủ phạm, có cho Ly và vợ Lình đi khám bệnh thì các bác sỹ xác định Ly bị ung thư, còn vợ Lình thì chỉ mắc bệnh phụ khoa...


Ma ngũ hải dưới cái nhìn ngu muội
Ma ngũ hải là gì? Tìm hiểu qua rất nhiều người đã từng sinh sống ở vùng dân tộc, chúng tôi được biết, hiện tượng ma ngũ hải đã được lưu truyền từ nhiều đời nay.

Họ quan niệm rằng, người làm được ma ngũ hải có một câu thần chú rất độc địa, muốn làm hại ai thì chỉ cần lấy tên, tuổi của người ấy về làm thần chú, sau đó lấy một vật nào đó của người mình cần hại đóng lên thân cây (bất kể ở đâu).

Mỗi lần người làm ma ngũ hải đọc thần chú, người bị hại sẽ lên cơn đau đớn, thậm chí sẽ chết. Ở các bản làng, người ta cho rằng ai học làm ma ngũ hải đều là người ác, bị xa lánh và cần loại khỏi cuộc sống cộng đồng.



Thiếu tá Nông Quốc Diễn, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện Đồng Văn (Hà Giang): Cần có sự vào cuộc của chính quyền và các đoàn thể địa phương

Là chỉ huy đơn vị đảm nhận việc điều tra các vụ án mạng liên quan đến ma ngũ hải trên địa bàn huyện, tôi đã nghiên cứu khá kỹ về thực trạng này. Khi điều tra các vụ án mạng, phát hiện được nó xuất phát từ việc nghi làm ma ngũ hải là cực kỳ khó khăn.

Vì việc nghi và giết người làm ma ngũ hải luôn được người ta làm một cách tự phát và bí mật, không cho người khác biết. Họ hầu như không thể hiện mâu thuẫn từ trước (không chửi bới, đánh đập), bất ngờ giết luôn. Hiện tượng giết người nghi là ma ngũ hải thường diễn ra ở các địa bàn thôn, bản cách xa trung tâm xã, không chỉ ở địa bàn huyện Đồng Văn mà còn xuất hiện ở một số địa phương khác.

Ở nơi ấy mặt bằng dân trí thấp, hầu như người dân không được tiếp cận với công nghệ thông tin, các phương tiện y tế hiện đại, vẫn còn tồn tại các hủ tục lạc hậu. Việc cúng bái được xem như cách giải quyết tốt nhất mọi tình huống nảy sinh trong cuộc sống, chẳng hạn ốm đau hầu như không bao giờ đưa đi bệnh viện mà mời thầy cúng về nhà cúng bái, bắt tà ma.

Để giải quyết tình trạng này, theo tôi, bên cạnh công tác Công an, các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể ở địa phương phải vào cuộc, tuyên truyền, vận động người dân xoá bỏ các hủ tục lạc hậu.

Đồng thời, phải nâng cao mặt bằng dân trí, đưa các phương tiện thông tin đại chúng, y tế cộng đồng về cơ sở để bà con nâng cao hiểu biết, giải quyết các tình huống nảy sinh trong cuộc sống theo hướng tích cực, chẳng hạn khi ốm đau thì đưa tới trạm xá của thôn, bản chữa trị.



Theo VTC.vn