Một trận hạn hán kéo dài, kết thúc bằng những cơn gió mùa khắc nghiệt đã phần nào đó hủy hoại cơ sở hạ tầng trữ nước, dẫn tới sự sụp đổ của thành phố cổ Angkor, thủ phủ của Đế chế Khmer hồi thế kỷ 15, các nhà nghiên cứu Mỹ và châu Á cho biết.

Các chuyên gia nghi ngờ rằng việc khan hiêm nước đóng một vai trò nhất định trong sự sụp đổ của Angkor. Và bảng niên đại vân cây đầu tiên ở châu Á đã mang tới sự ủng hộ mạnh mẽ đối với suy đoán này. Nó cho thấy, hạn hán kéo dài suốt nhiều thập niên có thể đã làm kiệt quệ khả năng chống chịu của thành phố.

Theo báo cáo mới của nhóm nghiên cứu Mỹ và châu Á đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, các cơn gió mùa sau đó đã làm hệ thống kênh đào chằng chịt của Angkor ngập ngụa bùn và vôi gạch đổ nát (như các nhà nghiên cứu khác từng khám phá trước đây), gây suy yếu khả năng cung cấp đủ nước cho gần 1 triệu cư dân sống rải rác quanh một khu vực có diện tích tương đương thành phố Los Angeles hiện đại ngày nay.

"Tôi nghĩ rằng đó là kịch bản chính xác cho sự sụp đổ của Angkor. Bằng chứng khá kín kẽ ... Trận hạn hán cùng với những đợt lũ rải rác thực sự là một tai họa kép, khiến thành phố không thể trụ vững", nhà khảo cổ học Michael D. Coe, giáo sư danh dự tại Đại học Yale và không tham gia cuộc nghiên cứu, phát biểu.

Theo ông Coe còn có một số nhân tố khác liên can tới sự sụp đổ của Angkor. Thương mại trên biển ngày càng trở nên quan trọng hơn trong khu vực và Angkor thì nằm quá sâu trong đất liền. Có thể vì thế mà thủ phủ cuối cùng được chuyển dời tới Phnom Phen, vùng đất gần bờ biển hơn. Thêm vào dó, người Xiêm cũng ào ạt tiến xuống từ phía bắc và tây bắc, chiếm lấy các diện tích rộng lớn của Đế chế Khmer.

Ông Coe nhận định, cùng với thời tiết, đây là những "cú đánh trời giáng khiến thành phố Angkor không thể gượng dậy".

Bảng niên đại mới dựa trên việc xác lập ngày tháng theo vân cây, bắt đầu ở Tây nam Mỹ - một cách thức có độ chính xác cao để lần tìm điều kiện khí hậu trong hàng trăm năm. Các cây sản sinh ra một vòng sinh trưởng mới dưới lớp vỏ mỗi năm. Trong những năm ẩm ướt, các vòng vân cây thường lớn hơn những thời điểm khô hạn. Kiểu đặc trưng của các vân cây cho phép so sánh giữa các cây và cung cấp thời điểm chính xác cho những sự kiện lịch sử.

Trong nghiên cứu này, nhà khoa học Brendan M. Buckley thuộc Đài Thiên văn Trái đất của Đại học Columbia cùng các đồng nghiệp của ông đã sử dụng những lõi lấy từ một loại cây bách có tên gọi Fokienia hodginsii. Các cây lưu niên này đã được nghiên cứu tại vương quốc gia Bidoup Núi Bà của Việt Nam, địa điểm đủ gần Campuchia để có cùng kiểu khí hậu.

Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ, tổ chức tài trợ cho nghiên cứu, chỉ ra rằng các cây trên thuộc một loài bị đe dọa tuyệt chủng. Lí do là, chúng đang bị đốn hạ tràn lan để phục vụ việc buôn bán gỗ bất hợp pháp.

Nhóm nghiên cứu đã soạn thảo một bảng niên đại từ năm 1250 sau Công nguyên tới năm 2008. Họ phát hiện ra rằng, từ giữa cho tới cuối những năm 1300, tình trạng khô hạn dai dẳng, tiếp sau bằng nhiều năm gió mùa mạnh bất thường, có thể đã hủy hoại cơ sở hạ tầng của Angkor. Một trận hạn hán ngắn hơn nhưng nghiêm trọng hơn vào đầu những năm 1400 sau đó có thể đã mang tới hồi chuông báo tử cho thành phố.

Phần lớn các nhà sử học đánh dấu sự sụp đổ của Angkor vào năm 1431, khi quân đội Xiêm tiến chiếm thành phố. Rừng già từng bao phủ Angkor và người ta không nhìn thấy nơi này cho tới khi các nhà nhân chủng học người Pháp tái phát hiện ra thành phố trong những năm 1860.

Tuy nhiên, mãi hơn chục năm trở lại đây, các hình ảnh do hệ thống radar chụp từ không gian mới cho thấy phạm vi của Angkor và các hệ thống kênh đào phức tạp từng nuôi dưỡng thành phố. Theo kết quả các cuộc nghiên cứu về đất, nhiều kênh đào từng ngập vôi đá vỡ từ những trận lũ lụt đột ngột. Và hiện các nhà nghiên cứu đã có ý tưởng sáng tỏ hơn nhiều về việc khi nào và tại sao điều đó lại xảy ra.

*

Thanh Bình (Theo Los Angeles Times)