Làng "hầu đồng" thiên hạ
31/03/2010 0956

- Không biết từ khi nào cái nghề hát chầu văn đã trở thành cái nghiệp của làng Khả Lãng (huyện Ý Yên, Nam Định). Thanh niên làng cứ học xong lớp 9 là theo bố hoặc anh em họ hàng đi khắp nơi hát chầu văn. Cái sự dễ kiếm tiền ấy đôi khi lại hóa ra phức tạp, nhiều người không giữ được thân, đã bị cuốn theo nhịp bước nàng tiên nâu...

Không có tài liệu về tổ nghề

"Những ngày này đến Khả Lãng hiếm gặp được mống đàn ông nào, kể cả các cụ già đều đi hầu lễ ở tận Lạng Sơn, Lào Cai... Nghề hát chầu văn này chủ yếu là con trai đi vì công việc hay phải đi xa, các đồng thầy vừa múa hát, vừa có thể cúng bái cho gia chủ luôn", ông Bùi Bắc Luân, trưởng thôn cho biết như vậy.

Không có bất kỳ sổ sách nào ghi lại về "ông tổ" hát chầu văn của làng Khả Lãng. Người dân vẫn lưu truyền qua nhiều thế hệ rằng nghề này có từ thời phong kiến. Ban đầu có hai người đàn ông biết hát, mang các làn điệu hát khắp nơi để kiếm sống, chỉ đủ rau cháo qua ngày và phải hát chui lủi.


Chị Đoàn Thị Sen diễn giải các làn điệu hát chầu văn.

Thời đó, hát chầu văn bị xem là mê tín dị đoan, nếu cho hát thì chỉ hát chay thôi chứ không cho đánh trống, thổi kèn và lên đồng. Sau kháng chiến chống Mỹ, người dân trong làng mới tập hợp các làn điệu hát của các thế hệ cha ông đi trước để đóng thành một cuốn sách có tên gọi là "Sách văn của 36 giá đồng".

Theo ông Luân, không phải ai cũng học được nghề này, có người học hai năm vẫn không thành nghề và bỏ cuộc. Ngoài giọng hát chuẩn, phải đánh trống, gõ mõ được, tay chân phải kết hợp nhịp nhàng. Nếu không chơi nhạc cụ được coi như không làm được nghề. Các cung văn hát theo nhịp điệu 36 giá đồng, vừa hát vừa nhảy tâng tâng, có nơi thêm giá khác...

Cụ Bùi Bắc Niêm, 60 tuổi kể tuần tự các bước của hát chầu văn: Khi "hành nghề" thường phải đi theo một nhóm khoảng từ 3 - 5 người, thay nhau hát và gõ nhạc, và phải phối hợp ăn ý với nhau. Những điệu hát thể hiện sự cầu chúc phát tài lộc, bình an cho chủ đồng. xong 1 điệu hát, chủ đồng phải thay một bộ quần áo, tương đương với 1 giá đồng, như giá ông thì mặc quần áo ông, giá bà mặc quần áo bà... cứ thế trùm khăn và làm theo lệnh của cung văn.

"Hốt bạc"

Chị Đoàn Thị Sen có thâm niên 15 năm đi hát hồ hởi nói: "Không có nghề nào kiếm tiền nhanh bằng nghề hát chầu văn của làng chúng tôi", nói rồi chị chỉ tay lên ngôi nhà 3 tầng mới xây khang trang và những vật dụng đắt tiền trong nhà... "có được nhờ vào đi hát chầu văn đấy chú ạ".

Chị Sen không ngần ngại chia sẻ về cái nghiệp của mình: "Năm 20 tuổi tôi sinh đứa con đầu lòng bị dị tật mất, từ đó về nhà ốm liên miên, đi khắp bệnh viện để khám chữa nhưng các bác sĩ đều lắc đầu không tìm ra được bệnh gì. Có bệnh thì cầu bái tứ phương thôi, tôi đi khắp các chùa để cầu khấn mong hết bệnh tật, tình cờ gặp thầy Chung làng trên nhờ tôi tìm 2 người hầu thầy... Từ đó tôi bắt đầu làm nghề".




Tháng Giêng, tháng Hai đi hầu ở Phủ Giày, Chúa Liễu. Tháng 6 Đền Sòng. Tháng 7 Lào Cai, Yên Bái... Có tháng tôi phải đi tới 25 ngày. Thường nếu ai có mời chúng tôi đi hầu thì phải báo trước ít nhất nửa tháng để chúng tôi sắp lịch, chuẩn bị người và phải đặt cọc trước ít nhất là 2 triệu đồng. Những tháng cao điểm, ăn tiêu đi rồi cũng bỏ túi cả trăm triệu bạc dễ như chơi, chị Sen cho biết.

"Làm gì có ông thần nào lên đâu"

Chị Sen quả quyết: "Trước đây khi "đi hầu", chúng tôi không được mang loa đài vào và hạn chế nhảy đồng thì giờ đây đi nhiều nơi tôi thấy tự do thái quá. Có điện thờ, hàng chục nhóm hát chầu văn, lên đồng làm náo loạn cả khu vực, nhiều nơi bắc cả rạp ra tận bờ sông để hầu... Thực ra, trong không gian mờ ảo của ánh điện ban đêm, trong tiếng trống cheng, đàn sáo thì múa hát, nhảy nhót thôi, chứ làm gì có ông thần nào lên đâu, chỉ những người trong giới chúng tôi biết rõ điều đó".

Đi hầu đồng nhiều nơi tôi thấy sốc bởi cách tiêu tiền không tiếc tay của những người lắm tiền nhiều của. Nhìn thấy họ vung tiền mà xót quá. Giá cả cũng muôn vàn, đồng nghèo cũng ít nhất là phải hàng chục triệu mới xong lễ.

Vừa rồi tôi mới đi hầu cho gia đình chị L. ở TP Nam Định, chồng mới thăng chức. Chị này mời gần 20 người về dự buổi hầu lễ, riêng "mưa lộc" cho mọi người đến dự toàn tiền 500.000đ. Với quan niệm của chủ đồng rằng "mưa lộc đi, lộc lại về", nên chủ đồng không thấy tiếc. Tôi ước chừng riêng tiền mặt hơn trăm triệu, chưa kể tiền sắm lễ và tiền cho cung văn hát, mỗi người chúng tôi nhận 5 triệu đồng.

Làng giàu lên, tương lai thì...

Về làng Khả Lãng hôm nay, những ngôi nhà cao tầng mọc san sát, đường làng được rải nhựa láng bóng... "Đi hát chầu văn nhiều gia đình xây được nhà mái bằng, sắm sửa tiện nghi đắt tiền... Nhưng có điều đáng buồn là lớp thanh niên đi hát xa giờ đã lao vào hút chích", ông trưởng thôn Luân buồn rầu nói.

Thôn Khả Lãng hiện có hơn 50 người đi hát xa, đó là chưa kể những người hát trong tỉnh. Những người trong cuộc cho rằng, hầu hết trong số đó bị nghiện ma túy. Tuy nhiên, con số chính thức phát hiện thì mới 2 người. Ông Luân giải thích: Chúng tôi cũng không thể nắm rõ con số này được vì họ đi quanh năm suốt tháng, chỉ những ngày lễ, Tết hoặc gia đình có việc mới có mặt ở nhà. Tuy chưa công khai nhưng mọi người trong làng đều biết cả và rất hoang mang, lo lắng khi có đối tượng về làng.


Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên từ hát chầu văn!

Nhìn dáng vóc thư sinh, cao dong dỏng ít ai biết rằng năm nay Lê Văn T. (mới tròn 17 tuổi) đã có thâm niên 3 năm chơi ma túy. Học xong lớp 9, T. theo anh nhà bác họ hầu đồng ở tận trên Móng Cái, rồi Lào Cai... Khi T. bắt đầu tự lập thì cũng là lúc bị ma túy cuốn vào.

Nguyên do là nghề đồng phải làm vào ban đêm nhiều. Vừa hát vừa múa, lại kèn trống um sùm thâu đêm suốt sáng, khi xong việc thì người mệt rã rời. Khi ấy, nếu ai đưa cho chút "hàng trắng", hít xong thấy tỉnh thì khó lòng từ chối. Chỉ có điều, hậu họa về sau thì khôn lường...

Khó phủ nhận nghề hầu đồng làm thay da đổi thịt một vùng quê nghèo. Tuy nhiên, kéo theo đó là sự lo âu. Lo cho cả số phận những người quanh năm biền biệt đi hát, rồi dính vào tệ nạn, lẫn lo cho tương lai sau này của con em họ...

Theo Trưởng thôn Bùi Bắc Luân, hiện làng có 4.500 hộ, 1.700 khẩu thì có tới hơn 50 người đi hát chuyên nghiệp. Đã có hàng trăm người đi hát ở Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn... Số người nghiện chính thức được xác nhận là 2. Tuy nhiên, người ta đồn rằng, hầu hết những người đàn ông đi hát đều sử dụng ma túy.

Đức Lợi