Tục thờ cúng tổ tiên: Chén nước trong soi lòng trinh bạch (Phần I)
Thứ ba, 6/11/2007, 07:00 GMT+7

Khi tiến hành bài nghiên cứu này, Kate Jellema đang học tiến sĩ tại khoa nhân loại học và lịch sử trường Đại học Michigan. Bài nghiên cứu đầy đủ và cũng là luận văn của bà là “sự tưởng nhớ, lịch sử và đạo đức trong thời Đổi mới ở Việt Nam”. Để hoàn thành nó, bà phải mất hơn hai năm tiến hành nghiên cứu ở miền Bắc Việt Nam, bao gồm sáu tháng sống với một gia đình thuộc làng Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh. Hiện tại, Kate đang sống ở Bắc Vermont, Hoa Kỳ, nơi bà đang là giảng viên khoa Nhân loại học và Nghiên cứu về các nước Asean - trường Đại Học Marlboro.





Những đóa hoa là thứ không thể thiếu trong mâm lễ thờ cúng...


Dâng hương cũng là hành động cơ bản nhất, thường được xem là một trong những việc làm ý nghĩa đối với việc thờ cúng của người Việt Nam. Cụm từ “với tấm lòng thành kính, tôi xin dâng nén hương này …” từ lâu đã trở thành một nhân tố tự nhiên trong đời sống tôn giáo Việt Nam, tác giả của “Dâng hương”[i], vốn là tín đồ Phật giáo, viết: “Mặc dù đơn giản nhưng cụm từ ngắn này chứa đựng tất cả những ý nghĩa văn hóa và đạo đức giúp chúng ta trở thành một con người có đạo đức ở Việt Nam”.


Mỗi ngày, khói hương được dâng cho Đức Phật, Thánh Mẫu, Bà Chúa Kho và Vua Hùng thơm ngát thoảng đưa trong những ngôi chùa cho thấy sự phục hưng tôn giáo của thời kỳ “đổi mới” ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, không những trên những bàn thờ của các gia đình mà còn ở các nhà thờ họ. Khoa học và chính quyền cũng đã nỗ lực rất nhiều để phân loại “việc thờ cúng tổ tiên” ở Việt Nam. Đó là một tôn giáo, một tín ngưỡng, sự mê tín hay là một đạo lý?

Trong bài này, tôi đi sâu khám phá việc thờ cúng tổ tiên của những người dân sống ở vùng châu thổ sông Hồng. Đây cũng là một bài nghiên cứu có ý nghĩa về đạo đức, xã hội và tôn giáo. Tôi đã tiếp xúc và mô tả chi tiết hai trường hợp được xem là điển hình của việc “thờ cúng tổ tiên”, hay “nhớ ơn ông bà”. Tôi quen với hai trường hợp này trong suốt thời gian làm luận án tiến sĩ ở khu làng giàu truyền thống có tên làng Đình Bảng (thuộc Bắc Ninh). Tại đây, tôi sống với một gia đình dòng họ Nguyễn Thạc suốt sáu tháng trong năm 2001. Và khi sống tại ngôi làng này, tôi có dịp chứng kiến những hành động thể hiện việc “thờ cúng tổ tiên” - một phần trong đời sống hàng ngày của người địa phương.


Những người làng Đình Bảng xem việc thờ cúng tổ tiên là một “truyền thống” và nhấn mạnh mối liên hệ với “ngày xưa”. Họ công nhận truyền thống không bao giờ giữ nguyên hoàn toàn mà luôn có sự đổi mới, thậm chí được tái tạo bởi các thế hệ kế tục nó. “Những người lớn tuổi ủng hộ thế hệ trẻ phát huy truyền thống ông cha để lưu giữ truyền thống ấy đến muôn đời.

Trong phần thứ hai của bản nghiên cứu này, sau khi tôi mô tả về việc thờ cúng tổ tiên ở làng Đình Bảng ngày nay thì tôi sẽ quay lại, đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử, phân tích chiến tranh, cách mạng và công cuộc cải cách đã tạo nên cách nhớ ơn tổ tiên còn tồn tại đến ngày nay qua các thế hệ ở làng Đình Bảng như thế nào.


Tôi đã chọn hai trường hợp, trong cùng một ngôi làng để nghiên cứu những thói quen trong việc thờ cúng tổ tiên của người dân. Sự thành tâm và tận tụy của một người đàn bà cô đơn trong chính ngôi nhà mình là một ví dụ cho thấy sự công phu của một tôn giáo tập trung chủ yếu vào sự tu dưỡng đạo đức, sự tưởng nhớ người đã khuất và những mối liên hệ riêng tư, thân thiết của một cá nhân với thế giới tâm linh.

Ngược lại, sự tập hợp lại các cá nhân của dòng họ Nguyễn Thạc và một vài dòng họ khác cho thấy các tổ chức xã hội đang đóng một vai trò tích cực trong đời sống cộng đồng. Thường các buổi lễ có liên quan đến cả dòng họ thì tất cả những người cùng dòng họ này đều tập trung ở nhà thờ họ, còn nếu những buổi lễ chỉ thuộc phạm vi của một gia tộc thì sẽ tiến hành dưới hình thức những đám giỗ, tại các gia đình.


Thờ cúng tổ tiên và sự thành tâm của từng cá nhân



Mỗi buổi sáng, người phụ nữ tên Thúy thắp 3 nén hương, đứng trước bàn thờ đặt trên một cái tủ gỗ cao, được xem là bàn thờ tổ tiên. Người đàn bà khoẻ mạnh, tóc hoa râm này cắm hương vào bát hương bằng gốm màu trắng với những hoa văn xanh và đặt hoa quả vào một cái đĩa nhựa. Bao giờ bà cũng hài lòng với sự sắp xếp của mình. Bà lùi lại, chắp tay trước ngực, nhắm mắt và cúi đầu. Bà chậm rãi vái ba lần trước bàn thờ, rồi đứng im vài phút với đôi mắt khép, tay vẫn chắp trước ngực và khấn thầm những điều mình cầu xin.


Thông thường, mỗi ngày bà Thúy thường tiến hành những việc này đều đặn một mình. Nhưng một buổi sáng tôi đến thăm bà sớm, và bà nói rằng bà không để ý đến việc tôi có chứng kiến những việc bà đã làm hay không.

Bà im lặng chờ đợi trong khi những cây hương cháy. Đây là khoảng thời gian được xem là lúc tổ tiên thưởng thức đồ thờ cúng. Một vài người phụ nữ, như bà Hoàng, bà chủ nhà của tôi ở làng Đình Bảng, một người luôn luôn bận rộn và mệt mỏi, rời bàn thờ trong suốt thời gian chờ đợi để trở về làm nốt một vài việc nhà, và bà chỉ quay trở lại khi biết hương đã tàn. Nhưng bà Thúy lại thích ngồi gần đó, như một sự hiện diện với cha mẹ mình. Hương cháy từ trên xuống dưới, những nén hương tỏa thơm ngát, khói hương cuộn thành vòng tròn cho đến khi chúng cháy hết và tàn rơi xuống đống tro màu xám trong bát hương. Khi hương đã hoàn toàn tắt, bà Thúy quay lại đứng trước bàn thờ, chân khép lại, lưng thẳng, đầu hơi cúi, khuỷu tay nâng lên và hai tay chắp trước ngực, bà từ từ nhắm mắt lại và khuôn mặt lúc này ánh lên sự điềm tĩnh tự bên trong.

Bà Thúy vái trước bàn thờ 3 vái, sau đó yên lặng một lát trước khi mở mắt và thả tay xuống. Đồ cúng bây giờ có thể được chuyển từ bàn thờ xuống và chia cho mọi người.



Mùa về trên Đình Bảng


Bà Thúy sinh ra năm 1941 ở Đình Bảng. Trước cách mạng, cha bà phục vụ cho Pháp, nhưng những gì ông kiếm được không đủ để bảo đảm cuộc sống gia đình trong thời điểm lộn xộn đó. Cuộc sống của họ trở nên gieo neo trong suốt thời kỳ đói kém giữa những năm 1940, sau đó càng trở nên túng bấn trong suốt cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954), khi quân đội Pháp đóng quân ở Đình Bảng để chiếm lợi thế gần Hà Nội.

Quân đội Pháp đã san bằng ngôi làng bằng xe ủi và đóng quân ở các vùng lân cận, bắt dân địa phương nhập vào những ngôi nhà còn sót lại. Bà Thúy vẫn còn nhớ cha bà đã tham gia phong trào chống thực dân như thế nào, ông dành thời gian cho các buổi họp chính trị và phiên họp chiến lược, trong khi bà ở nhà và giúp mẹ chăm sóc những người ở cùng trong ngôi nhà chật hẹp, ngôi nhà đã nuôi ba đứa em trai và hai em gái của bà. Mặc dù mẹ bà rất ít khi được gần chồng trong những năm ấy nhưng bà vẫn luôn nghĩ đến ông, và trìu mến gọi ông mỗi buổi tối khi ông trở về nhà ăn cơm, và khi ấy bà sẽ chuẩn bị những món ăn ông thích.


Khi chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã chuyển sang cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, bà Thúy đã hoàn thành một khóa học sư phạm và rốt cuộc đã chuyển sang làng khác cách nhà khoảng 20km để dạy học. Bà đem lòng yêu một thầy giáo trẻ trong trường, và họ phải kết hôn nhanh chóng trước khi ông gia nhập quân đội.

Buồn thay, ông đã bị giết trong năm đầu tiên sau khi gia nhập quân ngũ. Đau buồn nhưng quyết tâm đấu tranh vì độc lập tự do, bà Thúy đã kết hợp công việc ở trường với sự ủng hộ cho cuộc kháng chiến từ địa phương và giúp đỡ mẹ mình chăm sóc người cha đã rất ốm yếu. Vào các buổi tối, bà thường đi xe đạp 20km về làng Đình Bảng, và quay lại trường khi bình minh lên. Một lần, một quả bom của một máy bay Mỹ rơi xuống gần bà đến nỗi bà bị bật tung khỏi chiếc xe đạp và bay xuống hào, thoát chết. Trong suốt những năm đó, mệt mỏi liên tục và không đủ thức ăn để ăn, bà trở nên hốc hác và mệt mỏi. “Tôi đã từng là một đứa con gái đầy đặn và cuốn hút với đôi má hồng hào”, bà nói với tôi như vậy, “nhưng sau đó trong chiến tranh tôi đã đánh mất đi vẻ đẹp của mình. Tôi trở nên quá gầy gò! Cuộc sống lúc đó hết sức khó khăn. Và khi chiến tranh kết thúc thì tôi đã quá già”. Sau chiến tranh, bà Thúy không bao giờ kết hôn nữa và cũng không có con. Bà dành thời gian cho việc dạy học ở trường và cho ngôi nhà của mình, tiếp tục chăm sóc mẹ già cho đến khi bà mất năm 1993.


Khi tôi gặp bà Thúy, thì bà đã bước vào một thời kỳ mới, hạnh phúc hơn, và đã tìm thấy rất nhiều cách không để cho mình rơi vào cảm giác cô độc. Bà nghỉ hưu và trở thành một thành viên tích cực tham gia vào các hoạt động tôn giáo và xã hội của làng. Bà giúp họ tổ chức các buổi lễ đặc biệt, bà dạy các bài học thể dục cho những người già và một năm bà tiến hành một kỳ nghỉ với một nhóm bạn bè phụ nữ. Trước khi mẹ bà mất, bà và anh chị em ruột của mình góp tiền để xây cho mẹ một ngôi nhà mới trong làng. Bây giờ bà Thúy sống trong một ngôi nhà nhỏ, hai tầng rất thoải mái, sống một mình nhưng luôn có sự hiện diện của bố mẹ bà trên bàn thờ. Bây giờ và mai sau bà vẫn có những người bạn luôn “quấy nhiễu”, đó là các cháu trai và cháu gái của mình.


Việt Nam có một hệ thống quan hệ họ hàng đối ngẫu. Hình mẫu phụ hệ (theo họ cha) hay “trọng nam” cùng tồn tại song song với hình mẫu “nam nữ bình quyền”, là hình mẫu trong đó người phụ nữ có được sự tôn trọng từ xã hội và có quyền đưa ra những quyết định quan trọng như nam giới. Việc thờ cúng tổ tiên, đặc biệt khi nó diễn ra ở nhà thờ họ, thường gắn với hình mẫu “trọng nam” và đánh dấu sự phục tùng của đứa con trai đối với cha và của cá nhân người đàn ông với dòng họ. Ở phương diện này, người phụ nữ phải “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Chúng ta có thể hiểu sự cống hiến cho tổ tiên của những người đàn bà như bà Thúy và những người phụ nữ ở độ tuổi của bà, cả có chồng và không chồng ở làng này như thế nào? Đối với nhiều người, họ làm thế để thể hiện đạo làm con và lòng yêu thương của mình với các bậc cha mẹ, những người đi trước và mong muốn để duy trì mối quan hệ với cha mẹ mình thậm chí khi họ đã chết.


Đối với bà Thúy, việc thờ cúng ở bàn thờ mỗi buổi sáng là một mối quan hệ không tương ứng nhưng hết sức thân mật. Từ thời điểm bố mẹ bà bắt đầu sinh ra bà, chịu đựng nỗi đau thai nghén, sinh đẻ, nuôi dưỡng, giáo dục bà, họ đã ban cho bà một món quà vô giá, đó là “ơn sinh thành”, nuôi dưỡng và giáo dục. Suốt cuộc đời, bà Thúy biết ơn cha mẹ, bà yêu kính và đền đáp công ơn bằng sự quan tâm, chăm sóc của bà đối với cha mẹ mình khi họ ốm đau và thậm chí khi hai người đã sang thế giới bên kia.


Mặc dù thời nay, đồ cúng đã bị thay đổi đi nhiều nhưng những người làng đã nói với tôi rằng nội dung của đồ cúng không quan trọng lắm, cái quan trọng nhất là “tấm lòng thành” nhớ ơn tổ tiên. Nhiều người làng cũng cho tôi biết thắp hương chỉ là một trong những hành động thể hiện việc “nhớ ơn tổ tiên”. Bà Thúy giải thích với tôi: “Nếu bạn nghèo, thì bạn có thể chỉ thắp hương. Trái cây, xôi, cơm và tất cả những thứ đồ cúng khác là những đồ được thêm vào”. Những người khác cũng nói, nếu một gia đình quá nghèo, một cốc nước và một nén hương là đã đủ để tưởng nhớ những người đã mất...




--------------------------------------------------------------------------------


[i] Tác giả Thích Thanh Duệ, Quảng Tuệ và Tuệ Nhã, Dâng hương: Tập tục và nghi lễ (Hà Nội, NXB Văn hóa - Thông tin, 1995), trang 5.




Tác giả: Kate Jellema