Vài nét về Bài quyền thần bí


Võ sư Phi Long Vịnh biển diễn những thế võ trong chiêu "Ngọc trản thần công"
KTNT - Có một dòng họ võ được phong “Tứ đại đồng đường” với bài quyền rất nổi tiếng, trở thành một trong mười bài thi đấu truyền thống của Việt Nam. Bài quyền ấy chính là “Ngọc trản thần công” mà thiên hạ vẫn truyền rằng do Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ sáng tạo trong những ngày đầu khởi nghĩa Tây Sơn. Tò mò pha lẫn sự ái mộ tuyệt kỹ công phu, tôi tìm về thôn Kì Sơn - xã Phước Sơn (Tuy Phước - Bình Định) để hầu chuyện võ sư Trương Văn Vịnh (72 tuổi), Trưởng môn Phi Long Vịnh - người nổi danh của dòng họ võ ấy...

Những trận đánh oai hùng của “Phi Long Vịnh”

Trong căn phòng nhỏ tranh tối tranh sáng, giữa trưa mùa đông gió luồn qua từng khe cửa, lão kể cho tôi nghe về bài quyền kì bí ấy...

Cha lão bắt đầu truyền thụ võ công cơ bản khi lão tròn 8 tuổi. Mười tám tuổi, lão đã có học trò theo học tại nhà từ đường lá mái. Cũng 18 tuổi, lão bắt đầu thượng đài khắp Nam Bộ và Trung Bộ, cả quãng đời trai trẻ của lão gắn liền với nghiệp võ. “Thời chiến tranh, mình dạy võ lén lút chứ có dám công khai đâu. Đến thời kì Mỹ - ngụy, hệ thống phân cuộc võ thuật cho từng khu vực chịu trách nhiệm mới được hình thành nhưng phải được Tỉnh trưởng xác nhận mới mở võ đường. Hồi ấy, võ đường của tui có tên là Phi Long, ấy cũng bởi dòng họ tui có đòn đánh với chiêu thức “bay” kiền chõ, đầu gối… Sau ngày đất nước giải phóng, tui mới đổi tên võ đường thành Phi Long Vịnh” - lão bùi ngùi nhớ lại.

Cuộc đời võ nghiệp của lão thực sự nổi tiếng với những trận đánh oai hùng. Năm 20 tuổi, trong trận đấu tự do ở Nha Trang (Khánh Hoà), lão đã đụng đầu với một cao thủ người Miên (Campuchia) có tên là Thạch Khen. Lão gật gù: “Trận đánh đấy tuy mình thắng thật nhưng cũng bị đập cho tơi tả. Tui bị bứt quai hàm, bay mất 2 răng cửa trên và 1 răng khế, mặt mũi sưng vù, đỏ tía như gà chọi. Nói thiệt tình, lúc ấy cũng nhờ lòng tự trọng dân tộc mới giúp tui chịu thấu những đòn đánh “khủng bố” của hắn. Mà Thạch Khen cũng lì đòn lắm. Đòn của hắn tung ra tuy chậm nhưng rất nặng. Mình nhanh hơn nhưng nhẹ”.

Năm 1968, tại Gia Lai, lão có trận “so găng” cùng cao thủ là võ sư Hàn Quốc đã lên Tứ đẳng huyền đai Taekwondo cũng khiến lão một phen “khắc cốt ghi tâm”. “Hồi ấy nói đến Tứ đẳng huyền đai là kinh lắm, đã thượng đài là không nhân nhượng với nhau. Bởi thế, dù thế nào, hai đối thủ vẫn phải đánh hết mình. Tui thì nghĩ thượng đài cốt yếu là học hỏi, đồng thời cũng muốn xem kỹ thuật võ nghệ Việt Nam đến đâu. Đại Hàn hay ở hai chân. Mỗi bận hắn đá là như sấm như sét, mình lớ quớ là “toi”. Biết thế nên tui đâu có dại mà xáp vào cho dính đòn. Tui chơi kiểu nhập nội, bám đòn. Địch thủ không dùng cước được, đành bó tay. Thế là tui cứ chỉa vô các huyệt đạo, sử dụng Diệp hổ trảo đánh vào bàng quan của hắn. Thế là võ sĩ xứ Kim Chi gục ngay khi chưa đầy 5 phút thượng đài!”.

Phi Long tuyệt chiêu hay Ngọc Trản thần công …

Nói đi, nói lại, lão cũng đều nhắc đến “Phi Long”, “Ngọc Trản”, cũng bởi đó chính là tuyệt chiêu đã làm cho võ đường Phi Long Vịnh vang danh khắp Trung Bộ!

Lão đứng lên đi bài quyền trứ danh cho tôi xem. Mỗi bước đi, mỗi thế đánh, lão đều di chuyển gọn trên một chiếc chiếu nhỏ nằm dưới nền nhà. Lão bảo “Phi Long” hay “Ngọc Trản” đều là một. Đòn đánh này tung ra tựa mây bay. Vừa đánh tới nhưng cũng lại vừa phải phóng hậu, rồi chân sau bay lên, đập luôn vào trên không, đánh phủ đầu vào bộ não. Ngày ấy, võ sư nào nhìn thấy đòn đánh này cũng đều bái phục cú bay ngoạn mục! Mỗi chiêu thức trong võ đường Phi Long Vịnh đều phải tuân thủ theo Ca huyết võ Tây Sơn - Bình Định.

Tôi buột miệng dò hỏi: “Cháu nghe nói buổi đầu phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, để tăng thêm sức mạnh đánh giặc, Đông Định Vương Nguyễn Lữ đã nghĩ ra Hùng kê quyền, nữ tướng Bùi Thị Xuân cũng luyện thành công hai bài kiếm và vua Quang Trung lại vang danh với tuyệt kỹ “Ngọc trản thần công”. Liệu Ngọc Trản bác biểu diễn có phải là “Ngọc trản thần công” của vua Quang Trung không?”. Lão cười khà khà giữa trưa nắng: “Đúng là bài Ngọc Trản ấy đấy! ông nội tui gọi thầy giáo Hiến (Trương Văn Hiến) – Sư phụ của 3 anh em nhà Tây Sơn – là ông cao. Cho nên khi nhỏ tui có nghe loáng thoáng “Phi Long” là “Ngọc trản thần công”!”. Lão lại kể cho tôi nghe phương thức sử dụng chiêu này: “Phi Long dùng để đả hổ thì còn gì bằng. Nó dùng âm dương công pháp, thủ pháp nhuần nhuyễn và quyết định khi tung ra đòn chí tử, đánh địch thủ phải biết trước không để địch thủ tung đòn trừ mình. Phải xem xét đường đi, nước bước của địch thủ trong quá trình thi đấu, người ta hay cái gì để luận thế mà hãm đòn cấp tốc để địch thủ không thể đảo trả đòn trở lại. Ngọc Trản thần công đánh toàn diện từ thượng bộ, trung bộ cho đến hạ bộ (đánh phủ đầu xuống dưới, từ dưới lên trên). Ngọc Trản của dòng họ tui chỉ cần đánh trong một chiếc chiếu thôi nhưng nó đầy đủ bộ thân, thủ, cước pháp… (còn Ngọc trản của các phái khác phải đánh hết sân), đánh gói gọn trong chuẩn một phạm vi nhỏ nhưng có thể mở rộng phạm vi được. Đánh càng hẹp thì càng hiệu quả hơn”. Bởi thế, ngày xưa các võ sư từ Bắc chí Nam đều kính phục Phi Long Vịnh nhờ chiêu này. Ngoại công nội kích rất kín đáo, nhuần nhuyễn và công lực lớn, đẻ rất nhiều thế đòn. Cũng chính cái oai, cái dũng ấy mà Ngọc Trản quyền được lão võ sư Phi Long Vịnh biểu diễn tại trời Tây đã được đông đảo bạn bè quốc tế thán phục! Cũng nhờ đó mà võ đường Phi Long Vịnh của lão được phong tặng danh hiệu “Tứ đại đồng đường”. Đây là dòng họ võ đầu tiên ở đất võ Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung được phong tặng như thế!

Bây giờ, những kết tinh trong võ thuật cổ truyền mà lão có được cũng đều truyền đạt cho các con trai của mình. Hàng trăm võ sĩ trong ngoài tỉnh do Phi Long Vịnh đào tạo giờ đây cũng rất nổi danh. Những đứa cháu nội của ông giờ đây cũng tinh thông võ nghệ. Trong Liên hoan võ thuật cổ truyền quốc tế lần thứ nhất tại Việt Nam năm 2006, võ đường Phi Long Vịnh vinh dự được Sở TDTT Bình Định mời dâng hương lễ tổ khai mạc, đồng thời dẫn đệ tử đi thi đấu.

Trước lúc chia tay, lão “bật mí”, Phi Long Vịnh sẽ là một trong hai võ đường được chọn biểu diễn tại Festival Tây Sơn vào tháng 8/2008.

Hải Âu