Hư thực bùa yêu chốn rừng già


KTNT - Khu vực miền núi phía Bắc với những đỉnh núi quanh năm mây phủ, những cánh rừng già hoang thẳm, luôn kỳ bí bởi những tập tục, lễ nghi, tín ngưỡng từ ngàn năm trước. ở đó, vẫn lưu truyền một loại bùa phép có thể khiến người ta hạnh phúc cả với những điều mà người ta không mong đợi.


Cụ Hoàng Thị Yến đang đọc thần chú làm bùa.
Chuyện người trong cuộc

Trước đây, thay vì hẹn hò, tìm hiểu nhau thì cứ vào ngày Rằm hằng tháng, thanh niên xã Đức Xuân (Bắc Quang - Hà Giang) lại rủ nhau đi học chế bùa yêu. Vùng này có một bản người Dao tập trung nhiều thầy bùa, thầy cúng. Phượng Thị Mai, một người con gái trong bản kể lại rằng, do gầy gò, đen đủi, 18 tuổi mà cô chẳng có chàng trai nào để mắt đến. Cô tủi thân lắm. Mặc dù vậy, cô lại đem lòng yêu say đắm một chàng trai khoẻ mạnh nhất bản. Khao khát có được người mình yêu, cô tìm cách lấy 3 sợi tóc của người yêu cùng với tóc của mình đem đến nhà thày mo làm bùa. Lá bùa được bí mật đem chôn trước cửa nhà chàng trai. Quả nhiên, chỉ vài ngày sau, Mai đã có được điều mình hằng ao ước. Sau buổi hẹn hò, họ quấn quýt bên nhau như hình với bóng.

Không chỉ se duyên, bùa yêu còn linh nghiệm với những cặp vợ chồng “cơm không lành canh chẳng ngọt”. Nhiều ông chồng đã bỏ nhà đi theo người đàn bà khác nhưng bùa yêu của vợ đã khiến họ trở về đoàn tụ với gia đình. Chị Hoàng Thị Thanh (Tuyên Quang) tâm sự, thứ bùa mà chị giữ chân chồng hơi cầu kỳ, làm từ một loại lá cây mọc trong rừng rậm rồi đem sắc cho chồng uống trong 3 ngày. Từ một người đàn ông mê chuyện trăng hoa, chồng chị như trở thành người khác. Anh từ bỏ thói quen quyến rũ đàn bà để trở thành người chồng chỉn chu với gia đình. Chị Thanh cho biết: “Phải tuyệt đối bí mật, không được để chồng biết, nếu không bùa sẽ không linh nghiệm”.

Là một trong những thầy chế bùa yêu nổi danh một thời, bà Hoàng Thị Yến, dân tộc Tày (Quang Bình - Hà Giang) năm nay đã gần 90 tuổi. Mắt mờ, tay run, nhưng bà vẫn nhớ câu thần chú chế bùa yêu. Những lá bùa bà chế đã giúp nhiều đôi trai gái, nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc. Luôn ghi nhớ tâm nguyện không sử dụng bùa vào những việc làm sai trái, bà rất thận trọng, tìm hiểu hoàn cảnh của từng người đến xin làm bùa. Bà bảo, người chế bùa không có tâm thì bùa khó mà linh nghiệm. Đặc biệt, nếu người ta sử dụng bùa vào việc xấu thì bản thân bà cũng phải trả giá rất đắt. Bùa yêu của bà không cầu kỳ phức tạp, chỉ với một chiếc áo, một vật dụng nào đó của đối tượng thường dùng để bà yểm thần chú, rồi bí mật trả lại cho đối tượng dùng tiếp là được. Những người còn lẻ bóng thì đến với nhau, bạn đời lạc đường thì quay về. Mặc dù đã ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng bà cũng không biết bùa yêu có từ bao giờ, xuất phát từ đâu. Nhưng bà biết ở đâu đó trên các ngọn núi, những cánh rừng phía Bắc vẫn còn những người biết chế bùa yêu. Và mỗi dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường... với những tập tục khác nhau lại có cách chế bùa khác nhau. Có điều, hầu hết các loại bùa này thường được truyền lại vào những ngày đầu tiên của năm mới (từ mùng 1 đến mùng 3 Tết).

Điều giản dị của tình yêu

Thời nay, tìm được thầy chế bùa yêu rất khó. Nhưng tìm được người học chế bùa còn khó hơn bởi không phải ai cũng đủ kiên trì theo đến cùng. Thanh niên thôn bản không còn mặn mà với nèm chài, bùa ngải nữa một phần vì họ ý thức được rằng theo đuổi kiến thức khoa học mới là điều cần thiết nhất. Trong quá trình học tập, công tác họ đã được mở mang tầm nhìn, những mối quan hệ không còn bó hẹp ở thôn bản. Bên cạnh đó, những chàng trai, cô gái nhận ra rằng, để có tình yêu đẹp và hạnh phúc lâu bền thì tình yêu phải xuất phát từ hai trái tim. Việc dùng bùa để có được người mình yêu chỉ chiếm hữu được thể xác. Điều đó khiến họ không cảm nhận được những cung bậc yêu thương, hờn, giận... mà không một loại bùa yêu nào tạo ra được. Đặc biệt, bùa yêu không phải là liều thuốc tiên uống một lần rồi say đắm mãi, mà thường nó chỉ có tác dụng trong một thời hạn nhất định (1 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng) sau đó phải chế tiếp nếu muốn duy trì tình yêu lâu dài. Có những trường hợp, dù đã có với nhau 3, 4 mặt con nhưng khi người chồng (vợ) bừng tỉnh, họ mang đầy tâm trạng thù oán, uất ức như “bị lừa”, hạnh phúc gia đình lúc đó không gì cứu vãn nổi. Chưa kể, người bỏ bùa cũng không lúc nào yên ổn với những áp lực tâm lý dằn vặt khiến họ không bao giờ cảm nhận được niềm hạnh phúc trọn vẹn. Và hậu quả nặng nhất của những cuộc hôn nhân này trút lên đầu những đứa trẻ chưa có khái niệm gì về một mái ấm gia đình.

Nguyên Hoa