Chuyện lạ ở Thất Sơn
4:25, 06/01/2010

--------------------------------------------------------------------------


Ông Ba Lưới - vị đạo sĩ cuối cùng.

Ở vùng Thất Sơn (Bảy Núi), giáp ranh của hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) luôn chứa đựng nhiều chuyện huyền bí. Theo chân các "thổ dân" ở đây chúng tôi được chứng kiến một trong những bí mật. Đó là những người chuyên nghề “săn” lá mối và một vị đạo sĩ cuối cùng.


Những người đi “săn” lá mối

Đường vào vùng Thất Sơn có thể nói là con đường chông gai nhất miền Tây, đồi dốc không chỉ thoai thoải mà hầu hết là dựng đứng, không ít đá hộc chắn ngang đường.

Sau khi hỏi đường từ những người chạy xe ôm dưới chân núi, chúng tôi bảo nhau gửi xe, xách balô theo lối mòn tìm đường lên đỉnh núi. Cũng theo người lái xe ôm tên Ba thì hiện tại, khu vực Thất Sơn vẫn còn tồn tại một nhóm "người rừng" cuối cùng. Mỗi ngày họ lại đi "kiếm ăn" ở một dãy núi khác nhau, nếu may mắn thì có thể gặp.

Chúng tôi đi sâu vào rừng. Đường đá cong queo, có chỗ tối om om, âm u như đi vào hang sâu. Thoảng có vài tia nắng lọt qua những lớp lá cây, rơi xuống dịu dàng, trong trẻo.

Trong cái không khí cô tịch ấy, bất ngờ chúng tôi gặp một toán người đang vạch lá tìm lối đi. Quần áo tả tơi, khăn mũ nhàu nhĩ - trông qua thì giống phường lục lâm thảo khấu. Song khi thấy balô của tôi bị vướng vào những đám cây rừng rậm rịt, một người trong nhóm đã chạy ra gỡ giúp. Bắt chuyện, tôi được biết đây là những người rừng cuối cùng, chuyên nghề "săn” lá mối.

Anh Nguyễn Minh Hùng cho biết: Từ đời ông cha cho tới anh đã quen với việc đi rừng để săn cho được cái thứ lá quý hiếm này. Theo các cụ già kể lại, trong một lần lên non hái thuốc, người ta vô tình bẻ trúng thứ lá chỉ mọc ở những chỗ cheo leo hiểm trở nhất của dãy núi đá. Lá màu xanh hình trái tim, có lông nhỏ, củ của nó có vị đắng, thuộc họ hà thủ ô Khi bóp nhẹ thì thấy nhiều nước chảy ra có mùi thơm dễ chịu. Để chừng nửa giờ thì nước đông đặc thành một lớp cứng, dai, ăn đến đâu mát đến đó và có cảm giác sảng khoái dễ chịu. Vậy là mọi người sử dụng nó như một vị thuốc quý. Vì loại lá này mọc ở núi rừng sâu thẳm nên chỉ những người có nghề đi rừng mới hái được. Từ năm 10 tuổi, anh Hùng đã theo cha vào rừng hái lá mối kiếm sống. Sau hơn 20 năm gắn bó, tất cả những đường ngang ngõ tắt thuộc dãy Thất Sơn, anh thuộc rõ như lòng bàn tay.

Đặc điểm chung của những người làm nghề này, lúc nào cũng có một chiếc khăn rằn cột ngang eo bụng (hoặc ngang đầu), tay phải cầm cây gậy hoặc cây quéo (quắp), bên hông trái có một cây dao con cực sắc, choàng bên vai là một chiếc túi ba gang được làm bằng vải mềm hoặc bao nilon. Họ có thể nhớ như in từ những phiến đá to đến những gốc cây trên khắp "Thất Sơn huyền bí".


Toàn cảnh vùng Thất Sơn.



"Cuộc đời đi rừng của chúng tôi luôn thường trực hiểm nguy, song một trong những mối lo lớn nhất là chạm trán với... rắn" - anh Trần Văn Đen tâm sự. Thời gian trước, ở khu vực rất nhiều rắn. Có những con to bằng bắp chân người lớn. Những người làm nghề đi rừng rất kị gặp loài động vật này. Nó thường nằm lẫn vào cây để rình mồi, rất khó nhận ra. Dường như lũ rắn cũng thích ăn lá mối, cho nên cứ khu vực nào có nhiều lá mối là họ sẽ phải rất cẩn trọng kẻo đã có sẵn chú rắn nằm ở đó rồi.

Anh Minh Hùng tỏ ra tường tận: "Vùng Bảy Núi có rất nhiều rắn độc, trong đó có những loài cực độc đặc trưng của vùng như: chàm quạp, hổ sơn, hổ chuối, mái gầm... Đây được xem là "tiểu rắn độc", bởi chúng chỉ to hơn ngón chân. Tuy mỗi loại có độc tính khác nhau, nhưng nhìn chung, nếu bị cắn mà không biết cách sơ cứu bài bản trước khi tìm đến thầy giỏi thì coi như "đi chầu ông vải "sớm". Bên cạnh đó phải kể đến loại rắn độc khổng lồ hổ mây. Nhắc đến "con quái vật" to lớn này, ai đã từng đi rừng lâu năm phải ít nhất một lần được thấy và khiếp sợ! Chúng có đặc điểm lớn không có điểm dừng, trung bình nặng 70-80 kg và dài 6-7m. Thế nhưng hổ mây chỉ xơi heo, gà, bê... thôi. Loại rắn khiến người đi rừng khiếp hãi nhất lại là hổ sơn, bởi độc tố của nó có thể nói là đứng đầu bảng. Mấy năm trước, anh Thuận đi cắt cỏ không may bị rắn hổ sơn cắn, ngay lập tức anh chặt đứt ngón tay (vì biết loại này cực độc) và chạy về tìm thầy. Hai ngày sau tương đối bình phục, anh đến chỗ cũ cắt cỏ, lượm ngón tay bị đứt và... gắn lại xem chơi. Ai có ngờ nọc phát tán làm anh chết ngay tại chỗ (?!).

"Vùng này nhiều rắn thế, chắc cũng phải có các thầy trị rắn chứ?" - tôi hỏi. "À, có ông Ba Lưới hiện tại ẩn thân ở Vồ chư thần, là đạo sĩ có thâm niên và đạo hạnh lão làng nhất chốn thâm sơn cùng cốc này. Ông đã từng hai lần "hạ" được rắn hổ mây (một con hơn 100kg, một con khoảng 70kg) bằng đòn gánh. Ngoài ra, ổng còn có nhiều bài thuốc trị được rắn độc. Tuy nhiên, để gặp được ông thì phải có cơ duyên. Bởi lâu nay, ít ai có cơ hội gặp được vị đạo sĩ này”.

Chuyện của vị đạo sĩ cuối cùng

Được một người “săn” lá mối dẫn đường, chúng tôi đi tìm vị đạo sĩ cuối cùng của Thất Sơn huyền bí. Sau gần hai giờ đồng hồ vượt núi băng rừng, mồ hôi ướt đầm đìa thì chúng tôi gặp một quả núi chắn ngang đường, không thể qua nổi. Đang loay hoay không biết đi đường nào thì có một đàn ong nối nhau bay lên một vách núi.

Theo hướng đàn ong bay, tôi thấy thấp thoáng một cái am nhỏ. Đánh bạo mò lên, tôi gặp một cụ già đang trong tư thế ngồi thiền. Đó chính là ông Ba Lưới - vị đạo sĩ cuối cùng của dãy Thất Sơn.

Dáng người đạo mạo với gương mặt đẹp lão, năm nay đã trên 90 tuổi nhưng ông Ba Lưới đã làm mọi người phải kinh ngạc bởi sự tinh anh, đặc biệt là sức khỏe của mình. Ông có thể di chuyển hàng giờ đồng hồ trên ghềnh đá cheo leo, dốc đứng, cây cối um tùm. Ông Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y, quê ở Chợ Mới (An Giang). Năm 19 tuổi, yêu mến chốn rừng thiêng nên một mình băng đồng vượt núi để tầm sư học đạo giúp đời.

Vị đạo sĩ này cũng ăn uống rất đơn sơ đạm bạc. Bữa ăn của ông chỉ là cá nướng bắt dưới suối và rau dại hái trên rừng. Đối với ông quan trọng hơn vẫn là thứ nước uống hàng ngày. Vốn trong rừng luôn sẵn nhiều cây thuốc nam quý hiếm như dây điên điển núi, sâm đất, ngải móng trâu, đỗ trọng, hồng khấu, sa nhân, kỳ nam, ngải tượng, cam thảo... từ đó mà sắc uống.


Về bài thuốc trị rắn độc, lấy cho chúng tôi xem một mẩu sừng nhỏ bằng lóng tay, màu đen tuyền, ông nói: "Đây là sừng con dinh rắn. Nó có thể hút nọc". Rất ít người còn giữ được chiếc sừng của loài dị thú này. Theo các cụ kể lại thì đây là loài dị thú chỉ có ở Việt Nam và... Ấn Độ (!?).

Tương truyền, loài dị thú dinh cỏ, dinh rắn và dinh cá nặng không quá 2 kg, đầu mọc 1 chiếc sừng cong cong như lưỡi câu. Dinh cỏ và dinh cá chỉ ăn cỏ và cá, lâu lâu mới kiếm rắn ăn; còn dinh rắn thì chuyên ăn các loại rắn độc. Rắn độc cỡ nào mà gặp dinh rắn cũng phải nằm bủn rủn ngay đơ cho chúng ăn thịt. Loài dinh rắn này khi ngủ không nằm dưới đất mà chuyên móc sừng trên các thân cây ngủ, lỗ mũi chúng hướng về phía nào là rắn độc phải tập trung phía đó. Nhờ một cơ duyên mà ông Y được tặng một chiếc sừng của con dinh rắn. Ai mà bị rắn độc cắn thì chỉ việc nặn cho chất độc ra, rồi lấy sừng dinh rắn đặt lên thì vài tiếng sau người bị rắn cắn khỏe trở lại.

Cũng có người nói dinh rắn thực chất là con trâu nước nặng tối đa 600kg, người khẳng định nó chỉ nặng vài chục ký, người bảo loài dinh chỉ con đực mới có sừng, con cái thì không. Đến nay, con dinh và chiếc sừng dinh chữa rắn độc vẫn bí ẩn như vùng Thất Sơn huyền thoại.

"Bí mật của chuyện chữa rắn độc chỉ có thế, còn ly kỳ phải là chuyện đả hổ" - vui chuyện, ông Ba Lưới kể. Từ thời kháng chiến chống Pháp ông Ba Lưới đã có mặt ở vùng rừng núi này. Khi đó, cọp beo, rắn rết nhiều vô số, gần như bước chân vào rừng là gặp. Sau hàng tháng trời lặn lội chốn rừng thiêng nước độc, Ba Lưới may mắn gặp một vị đạo sĩ tài cao vọng trọng. Vị này có pháp hiệu là Tăng chủ Bùi Thiền Sư (tên thật là Bùi Văn Thân). Ông đã truyền cho Ba Lưới một số pháp thuật, đặc biệt là những ngón võ cổ truyền có thể đả hổ.

Một đêm thượng tuần trăng sáng vằng vặc, hai thầy trò Ba Lưới đang chuẩn bị ăn cơm thì ngửi thấy một mùi hôi nồng nặc từ phía nam bay tới. Lập tức cụ Bùi (Bùi Văn Thân) cầm một cây giáo xông ra. Thấy người, hổ ta liền nhào tới, cái bóng to lớn của nó phủ lên người đối diện. Nhanh như cắt, bằng một thế võ, cụ Bùi né sang một bên đồng thời dùng chân phóng một cước vào hạ bộ, tiện tay thôi thêm một quyền vào chân trái. Chỉ nghe tiếng rắc, con hổ đã gãy chân. Nó nằm phủ phục dưới đất. Cụ Bùi lại gần nó mà bảo: "Lần này ta tha chết cho. Lần sau chớ bén mảng tới mà rước họa vào thân".

Thì ra, cụ Bùi muốn thu phục lũ hổ. Không những cụ dùng quyền pháp để hạ gục chúng mà còn nhiều lúc cứu chữa khi hổ gặp nạn nữa.

Có lần cụ Bùi trên đường đi thăm ruộng về bất ngờ gặp một "ông hổ" nằm lù lù trước nhà. Thấy ông, nó khẽ rướn mình chào rồi lấy chân cào lên cổ, vẻ đau đớn lắm. Cụ Bùi mặc dù không một tấc sắt trong tay vẫn tiến lại xem xét, phát hiện con hổ này bị hóc xương. Cụ dùng tay ấn mạnh vào yết hầu của nó, con hổ hục lên một tiếng rồi khạc ra một miếng xương rất lớn. Hôm sau, người ta thấy con hổ cõng một con heo rừng rất lớn đặt trước nhà cụ Bùi như là lễ vật để đền ơn cứu mạng.


Chiếc am nhỏ của ông Ba Lưới.



Học được bài võ của sư phụ, song ông Ba Lưới lại không sử dụng để đánh beo, cọp mà để đánh... rắn hổ mây. Ông kể, một buổi chiều đang gánh củi lên dốc núi, đột ngột thấy một khúc đen thui nằm vắt ngang cây, ông lạnh mình khi thấy đó là con rắn hổ mây to bằng bắp đùi người lớn. Biết không tránh khỏi cuộc ác đấu nên ông lùi lại cầm cây đòn gánh xuống tấn thủ bộ. Từ trên cây, rắn rít lên và vung đuôi lao tới như gió lốc. Ông Ba Lưới bình tĩnh nhìn rõ cái chóp đuôi di chuyển rồi lấy sức quét cây đòn gánh vào cổ rắn. Chỉ nghe một tiếng rốp khô khan, con rắn bất tỉnh và cây đòn gánh gãy làm đôi. Lần thứ hai, ông Ba Lưới lại đụng đầu con rắn hổ mây đen khoảng 60kg và cũng đánh chết nó.

Để luyện được công phu đả hổ, các đạo sĩ ở Thất Sơn phần lớn là luyện Thái Cực Đạo, sau đó ngồi thiền hằng ngày để hấp thụ linh khí của tự nhiên, tạo công năng riêng cho mình. "Khí công sẽ tăng dần theo thời gian, những người nào không vợ con thì đạo hạnh càng cao thâm. Trước đây, tôi cũng thu nhận rất nhiều đệ tử, nhưng vì bọn chúng học để lấy mẽ khoe khoang, làm càn nên không dạy nữa. Chân lý của các đạo sĩ là không ham danh tư lợi, những gì thuộc về chính nghĩa là làm cho bằng được, không ngại khó khăn nguy hiểm" - ông Ba Lưới giãi bày.

Đạo hạnh và tấm lòng bác ái của ông Ba Lưới khiến nhiều người nể phục, chính những thầy sãi của các chùa dưới chân Bảy Núi khi gặp ông hạ sơn phải xếp dù, xếp mũ chào thầy. Người dân vùng Thất Sơn còn hay nhắc tới ông Ba Lưới với tượng Phật cao tới hơn 33 mét xây trên đỉnh núi Cấm mà ông góp công xây dựng.

Ông Ba Lưới tâm sự: "Giờ ở đây chỉ còn tôi và Thiện Huệ, nhưng anh ấy đã bị bệnh nặng chắc cũng sẽ qua đời trong nay mai mà thôi. Chúng tôi luôn biết cách để bảo vệ sức khỏe, sống tốt sống thọ, nhưng nếu bệnh phát tán thì tự bấm huyệt mà ra đi an nhàn chứ không để bệnh tật hoành hành".

Ông Ba Lưới còn chia sẻ bí quyết của riêng mình: "Phải lên am ngủ đúng giấc từ 7h tối đến 7h sáng, sáng sớm tập Thái Cực Đạo rồi leo núi hàng giờ đồng hồ tìm dược thảo chữa bệnh cho bà con gần xa. Đúng 10h trưa phải thiếp đi một lúc rồi mới tỉnh dậy leo núi tiếp. Ngay cả khi ngủ hay di chuyển phải biết kết hợp với hơi thở của mình".

Đến đây, vị đạo sĩ rũ áo đứng dậy. Mặc dù còn nhiều điều muốn hỏi song tôi cũng chẳng dám ngăn bước. Thoắt cái, vị đạo sĩ đã khuất dáng trong mịt mù sương khói




Minh Tiến