Thăm nàng Vương Chiêu Quân…
“Có đi viếng mộ Vương Chiêu Quân không?” người bạn Mông Cổ hỏi. Ban đầu dự định không đi, vì bản tính không thích cảnh nhang khói, buồn thiu. Nhưng rồi cũng bật dậy khỏi giường mà đi theo đoàn người thăm mộ người đàn bà nổi tiếng trong “tứ đại mỹ nhân” Trung Hoa xưa.


Bảo tàng sáp về tình sử “Chiêu Quân cống Hồ”

Chiêu Quân cống Hồ không chỉ là một trong những điển tích nổi tiếng nhất Trung Hoa cổ đại, mà còn được biết đến trên sân khấu kịch nghệ, cải lương miền Nam trước ngày giải phóng.

Chiêu Quân tên thật là Vương Tường, sinh ra tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nàng được tuyển vào làm cung phi của Hán Nguyên đế (năm 49 trước tây lịch). Năm 33 TCN, thiền vu Hung Nô Hô Hàn Tà đến Trường An với ý định lấy công chúa để tạo mối giao hoà giữa hai triều đình, nhưng thay vì gả công chúa cho vua Hung Nô, Hán Nguyên đế lại ban cho thiền vu năm nàng cung nữ, một trong số này là nàng Vương Chiêu Quân.

Với sắc đẹp được ví là “lạc nhạn” (đẹp đến mức chim sa), câu chuyện về nàng trở thành một đề tài sáng tác phổ biến của thi ca, nghệ thuật Trung Hoa cổ đại. Hình bóng của nàng Vương Chiêu Quân đi vào lịch sử Trung Quốc như một người đẹp hoà bình, góp phần mang lại yên bình trong 60 năm giữa nhà Hán và Hung Nô.

Lịch sử Trung Hoa luôn nhắc đến nàng như đệ nhị mỹ nhân trong “tứ đại mỹ nhân” mà nhan sắc của họ được ca ngợi là “trầm ngư” khi nói về nàng Tây Thi, “lạc nhạn” là nhan sắc của nàng Vương Chiêu Quân, với nàng Điêu Thuyền là “bế nguyệt” và “tu hoa” là hình bóng của nàng Dương Quý Phi…


Tượng nàng Vương Chiêu Quân bằng đá trắng trong khu lăng mộ

Chuyện của nàng chỉ có vậy, có thể nói thi ca Trung Hoa luôn nhắc đến sắc đẹp của nàng Vương Chiêu Quân nhiều hơn là công trạng giữ gìn hoà bình của nàng trong 60 năm hữu hảo Hán – Nô, đó là chưa kể “tội” của nàng mà đời nay gọi là “loạn luân” khi Hô Hàn Tà mất, nàng đã lấy con vua làm chồng theo tục nối dây của người Hung Nô…

Nằm ở ngoại ô thành phố Hoi Hot, thủ phủ khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, khu lăng mộ của Vương Chiêu Quân to lớn đồ sộ hơn người ta tưởng. Ngoài bia mộ thờ linh hồn Vương Chiêu Quân nằm trên ngọn núi nhỏ còn có những khu vực như nhà bảo tàng phục dựng lại câu chuyện tình của nàng, ngôi dinh thự mà vua Hung Nô xây tặng nàng, nhà biểu diễn ca nhạc, hai bên quảng trường dẫn vào lăng mộ là những khối kiến trúc biểu tượng của nhà Hán và triều đại Hung Nô phục chế gần như nguyên bản… và không thể thiếu nhà bán đồ lưu niệm theo đúng truyền thống thương mại của người Hoa.

Vùng đất này được người Mông Cổ gọi là “thanh trủng” – nấm mồ xanh. Và cũng giống như Thành Cát Tư Hãn, mộ của nàng chỉ là mộ gió, không có thi hài, được dựng lên để thờ linh hồn.

Giữa quảng trường lăng mộ là hai bức tượng đá cao lớn thể hiện nàng sánh đôi cùng Hô Hàn Tà trên đôi ngựa Mông Cổ cao to, ngay cổng vào là bức tượng đá trắng đặc tả nét đẹp của nàng Vương Chiêu Quân.



Bia mộ nàng Vương Chiêu Quân trên đỉnh núi Thanh Trủng


Tượng Vương Chiêu Quân cùng thiền vu Hô Hàn Tà

Cho dù nằm xa xôi ở vùng Nội Mông, nhưng hàng năm có đến hàng trăm ngàn lượt người Trung Hoa và Mông Cổ tìm đến Hoi Hot chỉ để thắp cho nàng nén hương và chiêm ngưỡng nhan sắc nàng…

Ban đầu đã dự định không đi thăm mộ Chiêu Quân, nhưng đứng trước khu lăng mộ đồ sộ của nàng Vương Chiêu Quân mà muốn đi hết khuôn viên cũng phải mất trọn một ngày. Tôi chợt chạnh lòng khi nhớ đến nàng Huyền Trân công chúa của nước Nam, chắc hẳn nhan sắc của nàng cũng không thể thua kém nàng Vương Chiêu Quân khi chinh phục được trái tim của vua Chămpa – Chế Mân, khi vị vua hùng mạnh này đã có chánh thất là nàng Tapasi người Java trong cuộc chinh phạt Nam Dương – Indonesia.

Và công trạng của nàng thì khỏi phải bàn, to lớn gấp nhiều lần nàng Vương Chiêu Quân, cuộc hôn nhân của nàng đã mang về cho nước Nam châu Ô, châu Lý, một dãy đất dài từ bắc Quảng Trị đến đèo Hải Vân.

Công lao của nàng Huyền Trân là thế, từ lâu, để tri ân công đức của công chúa Huyền Trân, dân nước Nam đã lập đền thờ nàng tại thôn Ngũ Tây, thành phố Huế. Nhưng do chiến tranh tàn phá, ngôi đền xưa đã không còn nữa.

Mãi đến năm 2006, khu vực này đã được đầu tư xây dựng thành trung tâm văn hoá Huyền Trân công chúa nằm dưới chân núi Ngũ Phong. So với quần thể đồ sộ của lăng mộ Vương Chiêu Quân, thì đền thờ nàng Huyền Trân công chúa khá khiêm tốn, cho dù vẫn có đầy đủ tượng, điện thờ, lầu bát giác, gác chuông hoà bình trên núi Ngũ Phong.

Cái tên Vương Chiêu Quân xuất hiện khắp nơi ở Mông Cổ, Trung Quốc và “xuất khẩu” sang cả nước Nam với bao huyền tích, giai thoại, kịch nghệ… Còn tên tuổi nàng Huyền Trân công chúa vốn khiêm nhường lại càng khiêm nhường hơn khi nhiều đô thị lớn đã tháo dỡ tên nàng khỏi tên đường, hình như chỉ còn lại duy nhất một con đường nhỏ, vắng bóng người ở Sài Gòn...


Khu nhà mang phong cách Hán trong khu lăng mộ


Khu nhà mang phong cách Mông Cổ trên quảng trường lăng mộ
Theo Binh Nguyên (Sài Gòn Tiếp Thị)