Quan Công và Mã Siêu là hai vị trong “Ngũ hổ tướng” lừng danh dưới trướng Lưu Bị nước Thục thời Tam Quốc phân tranh. Con cháu của họ trôi dạt khắp nơi lập nghiệp nhưng có rất nhiều người tài giỏi.

Quan Trung Kim, hậu duệ đời thứ 67 của “Võ Thánh” Quan Công (161-219), hiện ở tại thị trấn Hoàng Sơn Đầu, huyện Công An, tỉnh Hồ Bắc, là người đang giữ bộ gia phả khổng lồ Quan thị gia phổ.

Quan Trung Kim cho biết bộ gia phả hàng ngàn năm này được tu bổ vào đời Càn Long nhà Thanh, chỉnh lý lần cuối vào năm 1932, gồm 12 quyển, do cha ông phó thác lại như của gia bảo. Đáng tiếc là trong thời kỳ “cách mạng văn hóa”, do nhiều nguyên nhân, Quan thị gia phổ hiện chỉ còn lại 9 quyển.

Hậu duệ Quan Công: Xuống Nam lập nghiệp


Theo Quan thị gia phổ, Quan Công là hậu duệ đời thứ 27 của trung thần Quan Long Phùng đời Hạ Kiệt, người bị giết vì can gián vua. Ông nội Quan Công là Quan Thẩm, cha là Quan Nghị, đều là người tinh thông kinh sách.

Quan Công tên thật là Quan Vũ, tự Trường Sinh, sau đổi là Vân Trường. Ông có tướng lạ, sức khỏe địch nổi muôn người, kết nghĩa huynh đệ với Lưu Bị, Trương Phi cùng phò nhà Hán, đứng đầu trong “Ngũ hổ tướng” nước Thục.

Năm 219, Quan Công mắc mưu tướng Đông Ngô là Lục Tốn, để thất thủ Kinh Châu, bị bắt chém lúc 58 tuổi. Sau khi nhà Ngụy nắm quyền, con cháu họ Quan đổi thành họ Môn để tránh họa, đến đời Tây Tấn mới lấy lại họ Quan.


Quan Công có con ruột là Quan Hưng, tài giỏi nhưng chết sớm, để lại hai cháu trai là Quan Thống và Quan Di. Đích tôn Quan Thống không có con, dòng Quan Di trở thành đại tông phái chính của hậu duệ Quan Công đến nay.

Hậu duệ Quan Công có nhiều người tài giỏi nổi tiếng, như: Quan Lang - đại thần đời Bắc Ngụy, Quan Khang Chi - danh nho đời Nam triều, Quan Phiên-tể tướng đời Đường... Sau khi triều Thục suy vong, dòng họ Quan dần dần chuyển xuống phía Nam, đến Phúc Kiến, Quảng Đông lập nghiệp.


Hiện nay, hậu duệ Quan Công nổi tiếng có tiến sĩ Quan Nghĩa Tân, nhà thực vật học - chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Trung Quốc, người có hơn 30 công trình nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, lừng lẫy hơn cả có lẽ là Quan Anh Tài, truyền nhân đời thứ 72 của Quan Công, người được xưng tụng là “Thuyền vương Brunei”, “Cự phú công thương Đông Nam Á”. Cơ sở làm ăn của ông phát triển mạnh ở Brunei, Singapore, Malaysia.


Quan Anh Tài từng gửi đến 10 triệu nhân dân tệ (hơn 1 triệu USD) về Quảng Đông, Hà Nam, Hà Bắc tài trợ làm từ thiện, trường học, cầu cống, đường sá và được tặng danh hiệu “Công dân danh dự” của hơn 10 tỉnh, thành, địa phương ở Trung Quốc.

Năm 2004, Quan Anh Tài được tiếp kiến thân mật Tổng thống Mỹ G. Bush, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các quan chức cấp cao Trung Quốc. Năm nay 88 tuổi, Quan Anh Tài hiện là Chủ tịch Tổng hội Long Cương quốc tế (thành viên là hậu duệ của Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi và Triệu Vân).


Con cháu Mã Siêu: Gia tộc Mamikonean


Đầu thế kỷ XXI, nhà sử học nổi tiếng Trung Quốc Tô Trọng Tường công bố một phát hiện chấn động: Tìm thấy hậu duệ của Mã Siêu (176-223), một trong “Ngũ hổ tướng”, ở Armenia - quốc gia liên lục địa giữa châu Âu và Tây Nam châu Á.

Truyền nhân của Mã Siêu là Mã Kháng đã thoát được họa tru di, trốn đi và phục hưng họ Mã ở tận Armenia, hình thành nên gia tộc Mamikonean lừng danh.


Nghiên cứu của giáo sư Tô căn cứ bộ Lịch sử Armenia vào thế kỷ thứ V của sử gia Pawstos Buzand, người được mệnh danh là “cha đẻ của sử học Armenia”.

Theo đó, vào đầu thế kỷ thứ III, có một nhánh người Trung Hoa di cư sang Armenia. Người đứng đầu tên Mamik (tức Mamgon hay Mã Kháng), tự xưng thuộc hoàng tộc Trung Hoa, do đắc tội nên phải trốn sang Ba Tư (Iran ngày nay).

Triều đình lúc ấy truy nã đến Ba Tư, yêu cầu giao nộp Mã Kháng và những người lánh nạn. Hoàng đế Ba Tư cho những người lánh nạn vượt về phía Tây đến Armenia.

Hoàng đế Armenia phân phong cho Mã Kháng ở vùng Dalung, hình thành nên gia tộc Mamikonean. Tính thời gian trị vì của hoàng đế Ba Tư và Armenia lúc ấy ứng vào thời điểm dòng họ Mã ở Trung Quốc bị họa diệt tộc.


Đầu năm 2005, nhóm phóng viên Tân Hoa Xã đã sang Armenia tìm gặp những người trong gia tộc Mamikonean. Tại thủ đô Yerevan, các phóng viên gặp được Suri Mamikonean, Phó hội trưởng Hội Liên hiệp hữu nghị gia tộc Mamikonean. Khi gặp phóng viên Mã Lương của Tân Hoa Xã, Suri tiết lộ: “ Thực ra tôi cũng là họ Mã, tổ tiên tôi đến từ Trung Quốc”. Tuy nhiên, Suri không rõ rốt cuộc ông tổ của mình từ Trung Quốc là ai.


Theo Lịch sử Armenia, Mamikonean là một gia tộc hùng mạnh vào thời cổ trung đại của nước này, đến nay vẫn còn rải rác ở vùng Tây Á. Gia tộc Mamikonean có công lớn trong việc bảo vệ lãnh thổ, chống Ba Tư, giúp Armenia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới lấy Ky tô giáo là quốc giáo vào đầu thế kỷ thứ V. Các hậu duệ trong gia tộc này như Gardan Mamikonean, Garan Mamikonean... đã trở thành anh hùng dân tộc của Armenia.

Năm 1991, Armenia đã lập ra huân chương “Gardan Mamikonean” tặng cho những người có cống hiến đặc biệt cho độc lập dân tộc. Tại thủ đô Yerevan còn có tượng người anh hùng Gardan Mamikonean.

Sử chép rằng gia tộc Mamikonean có một đội quân thiện chiến với lối giáp công theo kiểu “cuốn chiếu” vây bọc đối phương rất lợi hại. Lối đánh ấy chưa hề phổ biến ở Tây Á trước đó mà chỉ thịnh hành ở vùng Tây Bắc Trung Quốc, nơi người Khương từng hùng cứ (Mã Siêu là người Khương lai Hán).


Theo GS Tô Trọng Tường, Mã Siêu có hai em là Mã Hưu và Mã Thiết; có ba con là Mã Thu, Mã Thừa và Mã Vân Lộc. Rất nhiều khả năng Mã Kháng thuộc dòng trực hệ của gia tộc họ Mã may mắn thoát họa mới có thể hưng khởi gia tộc hùng mạnh ở xứ người.

Thời gian Mã Kháng đến Armenia tị nạn cũng đúng vào thời Tam Quốc. Đối chiếu với các sự kiện sử chép lại, chỉ có hậu duệ của Mã Siêu là tương ứng với gia tộc Mamikonean.


(theo Người Lao động)