Xưa nay, “hóc xương gà, sa cành khế” vẫn được xem là hai loại tai nạn nguy hiểm và khó chữa trị nhất. Ấy vậy mà, đã hơn 70 năm nay, cụ Trần Thị Lệ (Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) chỉ với một “bài thuốc” bí truyền đã chữa được cho rất nhiều người.

Bài thuốc “đặc biệt” này chỉ đơn giản là cho bệnh nhân uống 3 ngụm nước, ngậm 3 hạt muối rồi xoay chiếc đèn dầu đã cũ kỹ 3 lần là bất kể người hay vật bị mắc xương gà, xương trâu, xương cá hay kim chỉ, râu tôm, giây cao su… đều qua khỏi một cách nhẹ nhàng.

Được truyền nghề từ 6 tuổi

Hôm chúng tôi tìm đến nhà thì cụ Trần Thị Lệ đang đi vắng. Hỏi mãi, cậu cháu nội học lớp 7 mới chịu “tiết lộ” là bà đang đi chia lộc. Tưởng nhà vừa có giỗ nên bà cụ đi phát lộc cho mọi người, hóa ra là có một bệnh nhân ở Phố Huế (Hà Nội) bị mắc xương gà tìm đến cụ và được cụ chữa cho khỏi, nhưng vì cụ không bao giờ lấy tiền của ai nên anh ta mang quà đến cảm ơn. Và đã thành thói quen, cứ mỗi lần có ai đó biếu quà cụ lại cất công đi khắp khu phố để phân phát cho mọi người.
Cụ Lệ cho biết bài thuốc bí truyền này ông Cương học được từ những người dân tộc thiểu số, cụ chữa bệnh không lấy tiền của.

Phải chờ gần một tiếng đồng hồ mới thấy cụ thong dong trở về. Không biết ai đó đã báo trước cho cụ biết chúng tôi là phóng viên đến tìm hiểu thông tin viết bài mà cụ lên tiếng trước: “Tiếc quá! các anh đến thì tôi lại phát hết lộc mất rồi. Nãy giờ đi các nhà để phát lộc thì nhà nào cũng đi vắng, tôi phải cất công lên tận đồn công an của phường, biếu cho các anh công an ở đó”.

Cụ Lệ kể, cụ sinh ra ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhưng từ nhỏ đã được mẹ đưa về nhà ông ngoại ở Hương Khê (Hà Tĩnh) để sống. Cạnh nhà ông ngoại cụ có một ông tên Nguyễn Văn Cương, nhà có 5 người con cả trai cả gái. Ông Cương lúc đó đã nổi tiếng khắp vùng về tài chữa hóc xương (tất cả các loại xương) bằng một bài thuốc mẹo. Do đó, nhà ông lúc nào cũng tấp nập khách vào ra.

Một lần, ông Cương sang nhà cụ chơi rồi đặt vấn đề với mẹ cụ xin phép được truyền nghề cho cụ Lệ. “Hồi đó tôi mới lên 6 tuổi, nhỏ dại lắm chả biết gì. Ông Cương sang bảo với mẹ tôi: “Mợ ơi! con giờ chỉ sống được 2 năm nữa là con chết, mợ cho con truyền nghề cho con Lệ vì không ai có thể có đủ điều kiện để truyền nghề được như con Lệ”. Mẹ tôi bảo, “trông thầy da dẻ hồng hào, khỏe mạnh thế kia thì chết sao được mà chết. Thầy đừng nói ghở thế! Sao thầy có 5 đứa con mà thầy lại không truyền cho ai cả?”.

Ông ấy trả lời, “làm cái nghề này phải có đủ: Tâm – đức – tài. Thiếu một trong những yếu tố đó thì không thể làm được. Nhà con tuy có những 5 đứa con nhưng đứa được cái này thì lại mất cái kia...”. Mẹ tôi lại bảo. Tôi chỉ được mỗi mình cái Lệ là gái, nhỡ thầy truyền nghề cho nó rồi nó không biết làm gây nên chuyện thất đức thì sao? “Ông ấy nằng nặc đảm bảo rằng, ông ấy truyền nghề này cho tôi là để cho tôi tích nhân tích đức cho con cháu về sau...” – cụ Lệ thật lòng tâm sự.

Thầy Cương phải thuyết phục mãi, cuối cùng mẹ cụ Lệ mới chịu cho cụ sang học nghề. Bài học chỉ đơn giản với mấy thao tác nhỏ nhưng phải mất 2 năm, cụ Lệ mới tự chữa bệnh được. Cụ vừa biết chữa bệnh cũng là lúc thầy Cương trút hơi thở cuối cùng, ngày giờ ông ra đi chính xác đến từng phút giây như lúc sinh thời ông tiên đoán.

“Đây là làm việc nghĩa cứu người, do đó mà một nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ nhận tiền của ai. Cũng vì thế mà chúng tôi có được một ân huệ thật đặc biệt là có thể biết được thời điểm nào chúng tôi sẽ qua đời để chọn thời điểm mà truyền nghề cho phù hợp. Như tôi, sau này khi nào biết chỉ còn sống trên trần gian này được 2 năm nữa thì tôi mới tìm truyền nhân để truyền nghề” – cụ Lệ giải thích vì sao mình đã ngoài 80 tuổi rồi mà vẫn chưa chịu truyền nghề cho ai đó?

Khỏi hóc xương sau 12 giờ

Cụ Lệ bật mí, bài thuốc bí truyền chữa hóc xương gà này thực chất là một bài thuốc mẹo rất đặc biệt mà thầy cụ là ông Cương học được từ những người dân tộc thiểu số sau một lần bị hóc xương gà đến thập tử nhất sinh. Kể cho chúng tôi nghe các bước chữa bệnh, cụ Lệ không quên nhắc đi nhắc lại một điều cực kỳ tối kỵ đó là người bệnh khi đã ngồi vào ghế để chữa là không được nói chuyện với cụ hoặc không được hỏi han những người xung quanh.

Người ở gần khi đến nhà cụ chữa bệnh, khi gặp cụ chỉ cần gật đầu chào là cụ biết. Còn nếu ở xa, khi cụ đến, người bệnh chỉ cần lấy chiếc áo mà mình hay mặc nhất rồi lòn một ngón tay vào trong giơ lên là cụ biết người đó bị mắc xương gì.
Cụ giơ ngón tay trỏ lên chỉ thẳng trước mặt bệnh nhân rồi lẩm bẩm điều gì đó.

Một điều đặc biệt khác, cho dù bệnh nhân bị hóc bất kỳ loại xương gì, cụ đều có thể chữa được nếu người đó mới bị hóc xương trong vòng 6 ngày trở lại. Qua đến ngày thứ 7 là cụ cũng phải “bó tay”. Khi chữa, nếu tuân thủ đúng những gì cụ dặn, thì nặng như hóc xương gà chỉ trong vòng 12giờ đồng hồ là bệnh sẽ tự khỏi một cách nhẹ nhàng, không đau đớn và nhẹ như xương cá, râu tôm là chỉ cần 6 giờ sau là khỏi hẳn.

Đang trò chuyện thì có bệnh nhân Nguyễn Văn Hoàng (12 tuổi) nhà ở phố Lương Văn Can (Hà Nội), tìm đến nhờ cụ chữa. Bệnh nhân bị hóc xương cách đây 3 ngày, đã đi một số nơi khám, uống thuốc nhưng chưa khỏi. Được một người bà con xa mách cho đến đây tìm cụ nên vội vàng đến ngay. Nghe thấy thế, cụ Lệ cáo lỗi, bỏ dở câu chuyện với chúng tôi để bắt tay ngay vào công việc quen thuộc mà gần 80 năm nay cụ vẫn làm để giúp người.

Theo quan sát, khi bệnh nhân vừa yên vị xuống ghế, cụ đi một vòng quanh người bệnh nhân rồi sau đó nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế đối diện với bệnh nhân. Cụ giơ ngón tay trỏ lên chỉ thẳng vào mặt bệnh nhân rồi lẩm bẩm điều gì đó trong miệng.

Sau đó, cụ đưa cho bệnh nhân cốc nước lọc đã chuẩn bị sẵn bảo bệnh nhân uống đúng 3 ngụm. Bệnh nhân vừa dứt ngụm nước thứ 3 thì cụ đưa tay xoay chiếc đèn dầu Hoa Kỳ làm bằng sứ không dầu, đã cũ kỹ 3 vòng rồi đưa cho bệnh nhân một hạt muối bảo bệnh nhân bỏ vào miệng ngậm.

Sau đó, cụ đưa thêm cho bệnh nhân 2 hạt muối và dặn: “3 tiếng đồng hồ sau cậu tự tay bỏ một hạt muối này vào miệng và ngậm. 3 tiếng sau lại ngậm tiếp 1 hạt muối như thế... sau hạt thứ 3 một thời gian ngắn chắc chắn chiếc xương mà cậu đang hóc kia sẽ “xuống””. Đến 22h đêm hôm đó, bệnh nhân Hoàng đã đẩy được chiếc xương gà ra khỏi họng.

Cụ tâm sự, đến bây giờ cụ vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác của một đứa bé lên 6 tuổi, lần đầu tiên chữa thành công cho một ca bệnh bị mắc xương trâu. Hôm đó, có một gia đình ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) khiêng lên một bà cụ ngoài 70 tuổi, bị hóc xương trâu đã 6 ngày liền tưởng chừng như đang “thập tử nhất sinh”. Khiêng vào đến nơi, thầy cụ không ra tay mà để cho cụ tự chữa.

Cụ cũng chỉ làm theo các bước thầy hướng dẫn không ngờ một ngày sau thì bệnh nhân đó khỏi bệnh. Khỏi phải nói, gia đình bệnh nhân mừng hơn bao giờ hết. Cả nhà họ mang đến hai con cá thu rất to và 10 kg gạo tám thơm để tạ ơn. Thầy cụ, sẻ đôi số quà ra, biếu lại gia đình bệnh nhân một nửa. Nửa còn lại thầy chia đôi, cho cụ một nửa mang về.

Đã hơn 70 năm qua, cụ Lệ không còn nhớ là mình đã chữa cho bao nhiêu người qua khỏi tai nạn hóc xương. Và cụ cũng lấy làm mãn nguyện vì dù chưa bao giờ nhận của ai bất cứ một đồng tiền nào nhưng cuộc sống của cụ lúc nào cũng sung túc, con cái trưởng thành. Đó là cái đức lớn lao nhất mà cụ có được sau ngần ấy năm làm việc nghĩa.

Theo Gia đình & Xã hội