kết quả từ 1 tới 7 trên 7

Ðề tài: Tâm linh: Sự lẫn lộn và thảm họa

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Tâm linh: Sự lẫn lộn và thảm họa

    Tâm linh: Sự lẫn lộn và thảm họa
    Hà Yên
    đăng ngày 09/02/2009


    1. Bản chất Tâm linh



    Bản thể con người có hai phần, gọi nôm na là Phần xác và Phần hồn. Ngôn từ văn bản phổ thông thì gọi là Thể chất và Tinh thần, đời sống tín ngưỡng thì gọi là Thể xác và Tâm linh, Vật lý và Triết học thì phân loại là Vật chất và Ý thức.

    Thể xác là vật chất thì đã quá rõ ràng. Nó rõ ràng vì các chỉ tiêu sinh học, cơ thể học và Vật lý học hoàn toàn xác định và hữu hạn. Ngược lại “Thế giới Ý thức” hoàn toàn không xác định bằng bất kỳ đai lượng tuyệt đối nào, và là một “phổ” liên tục và vô định.

    Theo Triết học Phật giáo, cũng như hàm nghĩa sâu sắc của các khái niêm như: Phần hồn, Tinh thần, Ý chí, Tâm thể…chúng chỉ nhấn mạnh một mặt nào đó của Ý thức, chứ chưa nói lên được nội hàm của khái niệm Tâm linh. Trong Tâm linh đã hội đủ: Lòng vị tha, Đạo đức, Tinh thần, Ý chí, Linh hồn v.v..

    Qua đó, ta thấy tổng thể Con người, phần Thể xác chỉ chiếm một phần nhỏ, hoàn toàn xác định, đủ để đóng vai trò “con”, còn Tâm linh mới là “Người” thì trải rộng với hàm chứa rất lớn.

    Con – Người là tổng thể của Thể xác – Tâm linh. Nếu mất Tâm linh chỉ còn lại Thể xác. nghĩa là nếu mất đi phần Người, thì phần Con còn lại chỉ tồn tại trong Thế giới những con vật. Nhưng, ngược lại, nếu mất Thể xác thì Tâm linh vẫn còn, nghĩa là phần Con đã chết, nhưng phần Người vẫn còn tồn tại, vẫn lưu truyền đến muôn đời sau, vẫn đậm đà trong Tâm linh của thế hệ đang sống. Đó là trường hợp các vĩ nhân, danh nhân, anh hùng dân tộc, những người đã lấy Tâm linh của mình làm điểm tựa qui tụ, làm bến đỗ cho ngàn vạn Tâm linh đồng loại, chẳng những lúc đương thời, mà còn ghi tạc soi sáng cho muôn đời sau.

    Với tầng lớp bình dân, người chưa làm nên vĩ nhân, dù Thể xác biến thành cát bụi thì Tâm linh vẫn còn đó, vẫn đậm đà trong Tâm linh của người thân thiết. làm cho văn hóa gia đình, dòng tộc, luôn ấm áp, thiêng liêng trong làn khói hương hoài niệm.

    Tuy là ảo giác. nhưng cái ảo giác ấy cũng hiện hữu như một thực tại của Thế giới các hiện tượng khác, và phiêu diêu ở một miền nào đó trong sự giàn trải của “Phổ” Tâm linh. Nó cũng hiện hữu như những hạt ảo vô định trong Thế giới các hạt cơ bản, được sinh ra từ, cái gọi là, sự nhòe lượng tử của năng lượng. Vậy là, ngay ở quanh ta đang có vô số các hạt ảo tồn tại, phù du như những bóng ma đấy thôi. Chúng xuất hiện và biến mất trong một vòng đời vô cùng ngắn ngủi. Trong đó, “cái ảo” thường xuyên tương tác với “cái thực” chúng chuyển hóa lẫn nhau, để cho “cái thực”vĩnh viễn tồn tại một cách sống động. Và càng hiện thực hơn, khác gi số ảo i tồn tại một cách hữu hiệu trong Thế giới Toán học? Nó cũng chuyển đổi cái hư ảo thành cái thực, làm nên “tòa lâu đài “ đẹp rực rỡ của hàm số phức đấy thôi.

    Với khái niệm “Phổ”, bằng sự chiêm nghiệm, qui nạp, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, phân bố Phổ là một dang tồn tại, không chỉ dành riêng cho ánh sáng hoặc âm thanh, mà là dạng thức chuyển tiếp liên tục khá phổ biến, đối với một tính chất nào đó, của nhiều hiện tượng trong Thế giới vật chất và phi vật chất. Theo đó, nội hàm Tâm linh, cũng giàn trải liên tục như một ‘Phổ” hiện tượng: cũng từ cụ thể đi đến trừu tượng, từ thực đến ảo, từ khả giác đến huyền bí. Nghĩa là từ những gì làm nên phẩm chất kiếp Người: Lòng vị tha, Đạo đức, tinh thần, tình yêu, thù hận… cho đến tâm tưởng về một Thế giới huyền ảo, cực lạc - nơi mà hồn thiêng của Tiền nhân vĩnh viễn phiêu bồng.

    Cho nên, những hiện tượng huyền bí cũng chỉ chiếm một miền hư ảo đâu đó trong nội hàm Tâm linh mà thôi. Và cũng không vì chúng thuộc về miền ảo mà ta chế giễu đó là dị đoan, Bởi một lẽ đơn giản: Thực và Ảo đều tồn tại trong một Tổng thể, Phụ thuộc lẫn nhau: “Cái này xuất hiện vì cái kia tồn tại” và chúng chuyển hóa cho nhau, như Khoa hoc và Triết học đã chứng tỏ. Hơn nữa, ngay Con Người chúng ta đã là một tổng thể của Thể xác và Tâm linh, thì cũng tức là tổng thể của Phần thực và Phần ảo đấy thôi.

    Tiếc thay, sự lầm lẫn đã dẫn đến một định nghĩa sai lầm, rằng Tâm linh chỉ là “Thế giới bên kia” (Thế giới của linh hồn sau cái chết). Một định nghĩa như thế, chẳng những tự phủ định chính mình, coi mình đang sống không có đời sống Tâm linh, nghĩa là một đời sống vô cảm ? ( một hệ quả hết sức phi lý), mà còn phủ một màn sương u minh vào cái phần thanh khiết nhất của phẩm chất làm Người: Cái phẩm chất làm nên sức mạnh và động lực tinh thần của một cá thể, một cộng đồng dân tộc nói riêng, và của nhân loại nói chung.

    Nhưng Tâm linh chỉ có thể đạt được phẩm chất đỉnh cao khi hòa chung vào cộng đồng xã hội. Ở giai đoạn này, cộng đồng xã hội hình thành một đời sống Tâm linh đặc thù, với những phẩm chất hoàn toàn mới, xuất hiện.

    Trong cộng đồng, nhờ có sự gắn kết, thúc đẩy nổ lực tinh thần hay suy niệm, dẫn đến một sự biến đổi sâu sắc về cách cảm nhận Thế giới và tác động vào Thế giới. Ở đây, từ cái cảm nhận chung, có tính lý thuyết, chuyển sang sự cảm nhận bằng trải nghiệm cá nhân một cách trực tiếp, đã trở thành chìa khóa của vấn đề hình thành đạo đức. Khi đạo đức là sự phản ảnh của các phẩm chất bên trong và chi phôi hành động của chúng ta, thì nó sẽ xuất hiện một cách tự nhiên trong suy nghĩ, trong lời nói và hành động của chúng ta, và trở thành nguồn cảm hứng cho những người khác trong cộng đồng. Bằng cách đó, nguồn cảm hứng sáng tạo cho ra đời Văn hóa. Tôn giáo, Khoa học. Triết học, Văn học, Nghệ thuật …

    Ta có thể hình dung các giai đoạn định hình Tâm linh từ dòng Ý thức, thông qua hình tượng khởi sinh và tăng trưởng của một loài cây:

    Chẳng hạn, Lòng đất mang trong nó sinh chất, dinh dưỡng được dẫn đi từ rễ đẻ nuôi cây, thì cũng giống như Ý thức là dòng chảy mang trong lòng nó nguyên khí nuôi dưỡng từng chiếc “rễ” Tâm linh. Còn với bộ rễ cây, cuối cùng, chúng cũng hòa nhập vào một khối vững chắc thuộc thân cây, để tiếp tục vươn cao, Thì tương tự, “Bộ rễ tâm linh” nôi kết với nhau trong đời sống tâm linh cộng đồng, như một thân cây vững chắc. Để hòa hợp với Đất-Trời, cây bắt đầu hình thành sự phân nhánh, phát triển cành chính, nhánh phụ như một mạng Fractal đích thực, Mỗi cành nhánh sẽ xuất hiện một phẩm chất hoàn toàn mới: Đó là quá trình đơm hoa kết trái. Đó là sự sáng tạo một phẩm chất mới ở cấp độ cao, và tiếp tục tồn tại hữu hình. Ở đỉnh cao hơn, dạng tồn tại siêu hình xuất hiện: Đó là mùi thơm thanh khiết của hoa tươi, quả chín phát tán vào không gian vô định. Nhưng, dù vô định đến đâu, thì cái thanh khiết ấy vẫn thuộc về cây, là một bộ phận trong cái tổng thể Cây, chứ không thể là hiện tượng tự thân tồn tại. Hoàn toàn tương tự như vậy đối với các giai đoạn tiến triển của đời sống Tâm linh cộng đồng: Sự phân nhánh do nhu cầu sáng tạo những phẩm chất mới của Tâm linh, mà Văn hóa, Tôn giáo, Nghệ thuật …, ra đời. Đó cũng là sự đơm hoa, kết quả ở cấp độ cao trong đời sống Tâm linh cộng đồng vậy. Cao hơn nữa, sự thăng hoa của Tâm linh đạt đến vùng siêu thực, huyền ảo. Và do được Văn hóa tín ngưỡng chắp cánh, sự suy niệm, như một tiềm năng được tích tụ, đến mức cái siêu thực đã có lúc le lói chuyển hóa thành cái thực bất chợt trong đời sống Tâm linh. Và, điều đó cũng không nằm ngoài nguyên lý phổ biến về Sự phụ thuộc lẫn nhau trong hiện thực Tổng thể của thế giới các hiện tượng.

    Bằng chứng cho vấn đề này là, nhà Thần kinh học Marian Diamond thuộc Trường Đại học California, người trực tiếp nghiên cứu bộ não của Einstein được lưu giữ lại, cho biết rằng, “một số nhà Toán học khẳng định, họ nhìn thấy các khái niệm trừu tượng Toán học, trong trường hợp trực giác xuất thần, hiển hiện một cách rõ ràng, tới mức, cứ như thể chúng tồn tại trong não, và có thể sờ mó như vật thể hữu hình vậy”.

    Nếu Ý thức là một dòng chảy, thì nguyên khí ban đầu của nó cũng có thể bị ô nhiễm do sư lưu nhập của vô minh. Nguyên khí không còn thanh khiết thì Tâm linh tất vẩn đục. Bằng cách này, sự lầm lạc, cái ác độc xuất hiện, Ý thức bị hằn những nếp gấp tạm thời, chúng chỉ được xua tan do lòng trắc ẩn, tự nhận thức chính mình trong quá trình tu chính.

    Cũng giống như dòng sông bị ô nhiễm làm hủy hoại môi trường, làm môi sinh tàn lụi. Để trở lại sự an sinh khỏe mạnh, cộng đồng cư dân phải đấu tranh, cải tạo nó.

    Đời sống Tâm linh cộng đồng, mang đặc thù và màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào qui mô cộng đồng đã được ổn định: Chẳng hạn, Đời sống Tâm linh gia đình duy trì sự gắn kết “Đạo nhà” trên cơ sở huyết thống, mà đỉnh cao là Tam – tứ - đại đồng đường. Đây thực sự là tế bào của xã hội, là đơn vị nhỏ nhất và cơ bản nhất kết nôi cộng đồng xã hội thành một khối bền vững.

    Với qui mô vừa (Địa phương). thì sự kết tụ của đời sống Tâm linh hình thành ý niệm “Địa linh nhân kiệt”. Tại đây, thần tượng “Địa linh” hình thành và thần tượng “Nhân kiệt” được cụ thể hóa: Từ vô hình thành hữu hình, từ phi vật thể thành vật thể, trở thành di sản bảo tồn cho muôn đời sau.

    Với tầm quốc gia dân tộc, thì Tâm linh đã là hào khí của “Hồn thiêng Dân tộc”. Cùng với thăng trầm lịch sử, “Hồn thiêng Dân tộc” thấm sâu và gắn kết với không gian cộng đồng, tích tụ lâu ngày, phong hóa mà thành “Hồn thiêng sông núi”. Những di sản của đời sống Tâm linh, tích tụ theo chiều dày lịch sử, trở thành gốc rễ của một nền Văn hiến. Đó là “Chứng chỉ” thiêng liêng của sự trường tồn và niềm tự hào của Quốc gia – Dân tộc!

    2. Khoa học hay Tâm linh, đâu là sức mạnh cho một nền văn minh đích thực

    Tri thức phải giúp chúng ta khám phá ra bản chất của Thế giới xung quanh và bản chất của Tâm linh con người. Vậy mà, từ thế kỷ XVII đến nay, hầu như tất cả mọi người đều cho rằng, Khoa học ngày càng đồng nghĩa với Tri thức, dẫn đến xã hội vô thần, làm cho nền tảng Tôn giáo, tình yêu và lòng trắc ẩn đã bị sai lệch hết sức thảm họa.

    Ở Châu Âu và một số nước khác, theo truyền thống, người ta vẫn theo một Tôn giáo nào đó, song họ tỏ ra sẵn sàng tin tưởng hơn vào “ánh sáng” của Khoa học và hiệu quả của công nghệ, hy vọng sẽ giải quyết được tất cả mọi vấn đề của tương lai. Rõ ràng, họ đang chuyển từ niềm khao khát Tâm linh: “Chúa bảo vệ và chăm sóc Phần hồn”, sang sự mong muốn tiện nghi và sung túc Phần xác.

    Nói Tôn giáo, là Tôn giáo của đời sống Tâm linh đích thực, do nhu cầu của đời sống Tâm linh mà hình thành, tồn tại và phát triển, chứ không phải thứ Tôn giáo đã bị vướng vào vô minh trở thành công cụ của đầu cơ chính trị. Vì vậy, lương tâm chân chính sẽ cảm thấy xúc phạm, khi một nhà Vật lý đoạt giải Nobel như Steven Weinberg, cho rằng, các Tôn giáo là nguồn gốc của nhiều điều ác trên Thế giới, và ông ta phát biểu: “Có hay không có Tôn giáo, thì những người tốt vẫn xử sự tốt, và những người xấu vẫn là xấu. Nhưng chỉ có Tôn giáo mới có thể thúc đẩy những con người tốt làm điều ác. Một trong những thành tựu vĩ đại của Khoa học là, nếu không phải là làm cho việc có tín ngưỡng trở nên không thể đối với những người thông minh, thì chí ít, nó cũng cho phép họ không trở thành những người có tín ngưỡng”. Và Weinberg kể ra một số ảnh hưởng xấu của Tôn giáo: những cuộc thập tự chinh, những cuộc tàn sát người Do thái và những cuộc chiến tranh Tôn giáo khác thậm chí cả chế độ nô lệ nữa.

    Cũng khiêu khích không kém đối với đời sống Tâm linh Dân tộc, khi một vị Giáo sư tên tuổi, tưởng như rất gắn bó với người dân Việt Nam. kiến nghị rằng nên xóa bỏ cái tết Nguyên đán, ăn theo tết Tây để hòa nhập vào “nhịp điệu thời gian” của cái gọi là Toàn cầu hóa!

    Nếu Weinberg quên kể ra tất cả những điều xấu mà Khoa học, vì được áp dụng không đúng, vì phục vụ cho lòng tham lam ích kỷ, đã gây ra cho nhân loại và cho bầu sinh quyển của hành tinh chúng ta, thì vị Giáo sư kia, lẽ nào chỉ muốn làm ra thóc gạo để ăn no và bán được nhiều tiền, chứ không muốn tốn tiền để làm sáng lên giá trị đạo đức truyền thống, đậm đà bản sắc con người Việt nam trong hội nhập, trước cộng đồng Thế giới?

    Dĩ nhiên, vấn đề không phải ở chỗ kết tội nhà khoa học này hay ca ngợi nhà khoa học kia, mà điều quan trọng chính là sự thiếu vắng mối quan hệ giữa thiên tài khoa học và các giá trị nhân bản mới là điểm có vấn đề. Cho nên cần phải có sự điều chỉnh, đặt lại Khoa học vào đúng vị trí của nó, đặt nó trong một viễn cảnh rộng lớn hơn của cuộc sống, và đặt ra một cách gay gắt hơn vấn đề về mục đích sử dụng Khoa học.

    Nhiều nhà khoa học tự khoát cho mình chiếc áo trung lập, rằng công việc của họ là khám phá và phát hiện, rằng việc sử dụng các phát minh Khoa học không thuộc phạm vi trách nhiêm của Khoa học. Quan điểm mơ hồ này cho thấy một khoảng trống lớn về giá trị nhân bản của Khoa học, mà trong đó, cái ác gây ra thảm họa sẽ nảy mầm. đặc biệt là trong điều kiện sự đan xen nhau giữa Khoa học, quyền lực và kinh tế, không còn ranh giới rõ ràng nữa trong xã hội ngày nay.

    Ngày nay, Khoa học đứng trước nhiều vấn đề về đạo đức có tầm ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều trong thế kỷ XXI: Phổ biến vũ khí hạt nhân, tàn phá môi trường, nhân bản vô tính, biến đổi gene và cả việc lựa chọn loại người, nhằm bảo vệ loại người “thượng đẳng” và loại bỏ người “hạ đẳng”, cũng ấp ủ nhiều lo ngại, như đã từng xảy ra.

    Việc buôn bán vũ khí là một trong nhưng hình thức đáng lo ngại nhất của thói đạo đức giả của các nước giàu: 95% vũ khí của Thế giới là do 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sản xuất và bán! Người ta coi đây là một thất bại hoàn toàn của đạo đức và ý thức trách nhiệm.

    Khoa học vừa có thể bảo vệ sự sống, vừa có thể hủy diệt sự sống. Vấn đề ở đây, không phải là lên án Khoa học, mà là phải thừa nhận tầm quan trọng lớn lao hơn của những phẩm chất nhân văn, và chính những phẩm chất này sẽ gợi ý cho các nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách.

    Khoa học tự bản thân nó không mang các giá trị. Chính những ứng dụng của khoa học theo mục đich của con người mới mang giá trị tốt hay xấu: Trong quá trình xây dựng thuyết Tương đối hẹp, Einstein phát hiện ra sự tương đương giữa khối lượng và năng lượng, thì lập tức, dự án chế tạo bom nguyên tử triển khai. Và hai tiếng gầm long trời lở đất đã bao phủ lên hai thành phố của Nhật bản, gieo tang tóc cho biết bao người dân Hiroshima và Nagasaki, cho đến sáu mươi năm sau vẫn còn di họa. Trong khi phải đến hàng vài chục năm sau, Liên xô mới cho ra đời nhà máy điện nguyên tử và con tàu phá băng, chạy băng thứ năng lượng này, đầu tiên trên Thế giới.

    Khoa học là một sức mạnh, đi với lòng tham lam ích kỷ, với lòng ghen ghét hận thù, thì sức mạnh đó sẽ hủy diệt nền văn minh. Khoa học đi cùng với Tâm linh, cũng tức là đi cùng với nhân bản, với lòng vị tha, thì sẽ là một sức mạnh đưa văn minh loài người đến tuyệt đỉnh. Chỉ có Tâm linh mới đóng góp vào việc lấp đầy những khoảng trống do những hạn chế mà Khoa học để lại. Khoảng trống này, như đã chứng tỏ, chủ yếu nằm ở lĩnh vực Đạo đức, ở sự hiểu biết sâu sắc về Tâm linh.

    Đối lập Khoa học và Tâm linh là một thất bại trong hành trình đi tìm Tri thức.

    Đối đầu giữa Khoa học và Tâm linh là một cuộc đối đầu giữa sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần. Lịch sử đã chứng minh rằng, Ý chí, Tinh thần luôn chiến thắng.

    Đây không hề là triết lý mang tính giáo khoa, mà là hiện thực có một cơ chế hết sức biện chứng và rõ ràng. Rõ ràng như một định luật Vật lý vậy. Chẳng hạn, một lực nhỏ, nếu nó tác động dưới dạng xung, thì nó sẽ sinh ra một công năng rất lớn:

    Để một chiếc đinh xuyên ngập vào gỗ, nếu dùng sức ép, thì phải sử dụng một lực khá lớn, quá sức người. Nhưng nếu dùng xung lực gõ nhịp từng nhát, thì chỉ cần sử dụng lực nhỏ hơn hàng nghìn lần. Hoặc để xô đổ một chiếc cột, nếu dùng một lực không đổi thì sức người là bất lực. Nhưng nếu dùng thao tác lắc đúng nhịp, thì công năng của sức người là hữu dụng. Tương tự, sức tàn phá, gây ra đổ gãy, của bão, không phải do vận tốc trung bình km/giờ, mà do các xung giật tức thời và sự đổi chiều đột ngột của gió, như một tác động lay lắc chiếc cột nói trên, gây ra.

    Hoàn toàn như vậy đối với xung đột Tâm linh. Cơ chế mang tính qui luật ở đây là, sức bật của Phản kháng cân bằng (triệt tiêu) sự Xúc phạm. Một cái tát, một quả đấm, có gây đau cho thể xác, nhưng người ta có thê nhẫn nhịn để giữ lấy “chín sự lành”. Nhưng, nếu một câu nói, đường đột thản nhiên, xúc phạm nặng nề đến danh dự và lòng tự tôn, lập tức xung đột Tâm linh sẽ xảy ra, không thẻ kìm nén. Sức mạnh phản kháng được huy động, mãnh liệt đến mức mà lúc bình thường không thể giải thích được.

    Một cuộc ngoại xâm, dày xéo lên non sông đất nước người, trước hết, là một hành động xúc phạm nặng nề Hồn thiêng dân tộc và Hồn thiêng sông núi. Như mặt sông êm đềm, bỗng bị xé nát bỡi con thuyền cao tốc, sẽ dậy lên sóng lớn. Xung đột Tâm linh bùng phát như những con sóng có sức mạnh nhấn chìm.

    Ở đây, Cái vô hạn của Tâm linh vượt lên trên cái hữu hạn của Khoa học. Tại sao Khoa học lại hữu hạn ? Xin trích nguyên văn phát biểu kết luận của Giáo sư Vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, trong tác phẩm nổi tiếng “Hỗn độn và hài hòa”:

    “Không bao giờ Khoa học có thể đi đến cuối con đường. Kết quả thần kỳ của (Định lý) Godel đã chứng minh cho chúng ta thấy những giới hạn của lý trí. Do vậy con người phải cầu viện đến các loại tri thức khác, như trực giác huyền bí hoặc Tôn giáo được thông tin và soi sáng bởi Khoa học hiện đại…”

    3. Tạo ra con người hoàn hảo

    Dưỡng dục con người để trở thành hoàn hảo, không chỉ là hành trình đi tìm kiến thức. Bỡi vì, chỉ kiến thức thôi thì chưa đủ. Nếu chúng ta ra sức tích lũy kiến thức chỉ với mục đích trở thành người có địa vị ảnh hưởng trong xã hội hoăc để tìm ra con đường dẫn đến giàu có cho cuộc đời mình, thì tất yếu, chúng ta sẽ hăm hở đón nhận lấy vị kỷ và lọc bỏ đi lòng vị tha. Đó là con đường dẫn đến cái ác..

    Triết học nói “Ý thức là một bộ lọc” là như thế. Ngạn ngữ dân gian thì nói: ”Thích của nào, Trời trao của ấy”, hay “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Khoa học Vật lý thì chỉ rõ: Hệ có tần số dao động riêng nào, thì sẽ cộng hưởng với ngoại lực ở chính tần số ấy, v.v..

    Chính vì lẽ đó mà Giáo dục phải định hướng cho Bộ lọc Ý thức, cụ thể là phải biết làm nảy sinh thái độ yêu thương và niềm kiêu hãnh con người, ngay từ bước chân đầu tiên trên con đường tìm đến với kiến thức. Khiến người ta phải quan tâm nhiều hơn đến hạnh phúc của người khác, trong gia đình, trong cộng đồng xã hội. Tình thương và lòng vị tha đó. sẽ là “Người giao liên” của trạm tiền tiêu – đầu đời – dẫn dắt hướng đi trên những chặng đường tìm đến kiến thức và tích lũy kiến thức.

    Câu chuyện nhỏ về một biện pháp rất thông minh, mà người Nhật định hướng thành công cho Ý thức non nớt của tuổi thơ, trong những năm đầu cắp sách đến Trường học, sau thế chiến thứ hai kết thúc, kể rằng: Mỗi buổi sáng đầu tuần, trong bộ đồng phục chỉnh tề, học sinh và Thầy giáo xếp hàng tề chỉnh, hướng về phía đông, làm nghi thức chào Tổ quốc, với hình tượng lá cờ. Sau đó Thầy hiệu trưởng đọc lời trần tinh của Tổ quốc, đại ý viết rằng: Hỡi các em, những cháu - con của nước Nhật vĩ đại! Trước mắt các em là cảnh thương đau mà chiến tranh để lại, Tổ quốc Nhật bản là người Mẹ vĩ đại của chúng ta, Người chẳng có của cải gì nhiều cho chúng ta. Nhưng quí giá thay, Mẹ cho các em, cho chúng ta niềm kiêu hãnh để chúng ta đứng dậy. Xây dựng một nước Nhật hoàn toàn mới bằng sự hiêu biết Khoa học cộng với tình yêu đất nước. Hôm nay, các em phải học miệt mài cách làm người, hiểu biết và nắm lấy Khoa học, đơn giản là phải biết làm gì, làm thế nào, bỏ ra một đồng Yên ít ỏi mua tài nguyên, nhưng có thể làm ra giá trị gấp mười lần tiền bỏ ra ấy. Tương lai nước Nhật đang ở trong tay các em. Làm chủ đất nước hay làm nô lệ? Chỉ có kết quả học tập của các em hôm nay mới trả lời được câu hỏi ấy…

    Thật là một liệu pháp Tâm linh chính xác. Và hiệu quả của nó đã rõ ràng, như nước Nhật ngày nay, chúng ta đã thấy. Trong hoàn cảnh này, những lời lẽ trấn an, tô hồng, chi là những lời ru ngủ, và nó đồng nghĩa với tội lỗi.

    Câu chuyện nhỏ này khuấy động suy ngẫm mỗi chúng ta, nhớ vè những lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào Đời sống Tâm linh của Dân tộc, với một hình ảnh giản dị: Trồng cây và Trồng Người.

    Trồng – là vun đắp uốn nắn. Người – là Phẩm chất, là Tâm linh. Định hướng cho Giáo dục bằng ẩn dụ trồng người, thì không gì chính xác hơn trong truyền thống Dân tộc, và trong Triết học Phương đông. Từ ngàn năm trước, cha ông ta cũng đã cụ thể hóa tư tưởng này bằng triết lý “Tiên học Lễ, hậu học Văn” rồi. Tiếc là câu cách ngôn này, ngày nay chỉ như để trang trí, vì sự văn minh ồn ào vọng đến từ phương trời Tây, đã xáo trộn tư duy chúng ta, làm nảy sinh nhiều lệch lạc. Trong khi sự già cỗi đi đôi với bế tắcTâm linh, tri thức phương Tây tìm lối thoát bằng Triết học Nhân sinh của Phương đông, thì tri tuệ Phương đông dường như nép mình nhường lối trước văn minh Phương tây.

    Chúng ta khát khao kiến thức Khoa học để chấn hưng đất nước, nhưng cũng không nên quên rằng, kiến thức Khoa học, về bản chất, vốn không gắn bó với lòng tốt hay tình thương, đồng thời tự bản thân nó không chứa đựng những giá trị đạo đức. Người ta có thể là một nhà khoa học rất vĩ đại, một thiên tài trong lĩnh vực chuyên môn của mình, nhưng là một cá nhân rất tồi tệ trong cuộc sống hàng ngày. Đây là triệu chứng của tai họa, một sự khập khiễng mà chỉ có cuộc sống suy niệm mới có thể giải thoát được, và cuộc sống đó là một dạng thức của đời sống Tâm linh.

    Tâm linh là một quá trình tu chính bản thân, nó không phải là sự bổ sung đơn thuần cho Chuyên môn, Khoa học, mà là một nhu cầu hàng đầu của tồn tại, là tâm điểm của sự tồn tại. Việc nó bị gạt ra đàng sau, bị xếp vào lĩnh vực không bắt buộc, đã thúc đẩy một cuộc chạy đua tim kiếm bằng cấp với mọi giá và mọi thủ đoạn để nắm lấy đẳng cấp và địa vị xã hội. Một thảm họa xã hôi đã được cảnh báo, nếu không kịp thanh lọc.

    Cải cách Giáo dục là một sự xốc lại nội hàm Tâm linh. Bỡi vì Giáo dục là trồng Người. Do đó, một cuộc cải cách đúng hướng là kích thích nội lực, chứ không phải tìm kiếm trí tuệ bên ngoài, ở những chuyên gia Âu - Mỹ. Bởi vì ở đó, Khoa học không quan tâm đến đạo đức, nghĩa là Tâm linh bị chối bỏ. Bằng chứng là, do sự khủng hoảng Tâm linh mà ở đó, đã nảy sinh những vụ xả súng Trường học, tàn sát sinh linh, gần như phổ biến. Và cũng do khủng hoảng đạo đức mà nữ sinh có quyền rao bán trinh tiết trên mạng để lấy tiền nộp học phí, và người ta coi đó là ý tưởng tuyệt vời, không có gì là vi phạm đạo đức, rằng đó là “vốn tự có” mà học thuyết Tư bản không cấm đoán. Thậm chí, đem đấu giá công khai trên mạng cái “công cụ tình dục” tuổi hai mươi của mình, cũng với ý tưởng khai thác “vốn tự có” để đầu tư cho kiến thức, Náo nhiệt với hàng vạn “quí ông “ tham gia đặt giá. Và giá cao nhất cuối cùng là ba triệu đô la ! v, v.. (Vnexpress. Net ngày13/1/09)

    Nhưng, cũng chính ở đó, sự thật là Khoa học – Công nghệ phát triển rất hùng mạnh!

    Đúng vậy, và lý giải điều này không khó. Ở đây là động cơ chính trị của hệ tư tưởng đã trở thành học thuyết: Học thuyết bá quyền về một nền “Văn minh đẳng cấp cao”. Những cuộc chinh phạt, can thiệp để áp đăt văn minh, cần có sức mạnh đè bẹp ý chí phản kháng, do xung đột Tâm linh, của các dân tộc nhược tiểu. Để giành ưu thế, họ đổ tiền của vào nhiều dự án nghiên cứu Khoa học – Công nghệ, kể cả dùng tiền mua rất nhiều nhà khoa học “thừa tài thiếu đức” từ nhiều quốc gia khác, để tạo ra ngày càng nhiêu các phương tiện kỷ thuật tấn công, nhằm rút ngắn thời gian chiến thắng, khuất phục đối phương.

    Đối với chúng ta, phòng thủ bảo vệ đất nước để xây dựng chính đất nước mình, thì cần cả Khoa học và Tâm linh. “Bộ vũ khí song hành” này, như lịch sử đã chứng minh, là sức mạnh vô địch trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

    Thiếu vắng Tâm linh thì kiến thức Khoa học không có bến đỗ. Kiến thức Khoa học sẽ chỉ là công cụ vinh thân. Họ sẽ lạnh lùng quay lưng lại với quê hương, thậm chí với đất nước. Nghĩ ra chiêu thức “trải thảm đỏ” để thu hút hiền tài là bằng chứng thất bại của một nền Giáo dục. Thà “Đi dép lốp cao su mà bay vào Vũ trụ” đem về vinh quang cho Tổ quốc, còn hơn là đi trên thảm đỏ nhưng lòng đầy vụ lợi vì “cái Tôi”. Vì vậy, cải cách Giáo dục quyết không phải là tìm kiếm cách thức hữu hiệu để tiếp thu nhanh nhiều Khoa học và Công nghệ đỉnh cao. Bởi vì Tư duy và Nhân cách quan trọng hơn Kiến thức.

    Hà nội, tháng giêng năm 2009

    Hà Yên
    ( chungta.com)
    Last edited by Bin571; 25-03-2010 at 06:16 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Triệu gọi linh thú và sử dụng linh vật!
    By MrLove in forum Lớp học, Câu lạc bộ, trao đổi kĩ năng, kinh nghiệm
    Trả lời: 134
    Bài mới gởi: 19-07-2017, 11:03 PM
  2. Linh quang tịnh xá- một chốn huyền linh
    By vothuong dao in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 20
    Bài mới gởi: 11-04-2012, 09:47 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •