Tuyệt chiêu của “thiết địch thần phong"
14/02/2010 0803
Dù đã ở tuổi 60 nhưng Võ sư Trịnh Như Quân một tay vẫn nâng cây “Thăng Long đệ nhất sáo” nặng 5,1kg, dài 2,1m, múa tít mù với 51 chiêu thức võ thuật.

Cây sáo độc nhất vô nhị (được ông dày công chế tạo nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội) không chỉ là thứ vũ khí trong môn võ “thiết địch thần phong” mà còn là loại nhạc cụ quý tộc có thể tấu lên những âm thanh da diết, làm say đắm lòng người.

Trong võ có nhạc …

Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế chống Pháp kéo dài 30 năm, với những chiến tích oai hùng. Thời gian đó biết bao anh hùng hảo hán đã tìm về tụ hội dưới chân lá cờ “Đại Nghĩa” để cùng chống giặc.

Và cũng từ đó, những phái võ, những binh khí cũng như các dòng âm nhạc được “chảy” về đây. Yên Thế bỗng chốc trở thành cái nôi văn hóa dân tộc đặc sắc của vùng Kinh Bắc nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Với truyền thống thượng võ từ ngàn đời, ngày nay, rừng thiêng Yên Thế còn lưu lại cho nước nhà nhiều bài võ cổ truyền có giá trị của nhiều môn phái võ lâm khác nhau.

Ngoài những môn võ thông dụng của nghĩa quân, những anh hùng nổi tiếng thời này còn sở hữu nhiều loại binh khí lạ: Quạt sắt (thiết phiến), thoa (trâm cài đầu), nhuyễn nhiễu tiêu (roi mềm)… đặc biệt là sáo sắt – một thứ vũ khí khá lợi hại. Võ sáo được xem như một di sản văn hóa độc đáo của vùng Yên Thế.

Sau khi cuộc khởi nghĩa tan rã, võ sáo cũng theo đó mà mai một dần và gần như thất truyền, có chăng chỉ còn tồn tại qua những câu chuyện trong dân gian.

Võ sư Trịnh Như Quân kể lại: Tuổi thơ ông gắn liền với dòng sông Thương hiền hòa thơ mộng, những buổi thả diều, chăn trâu và thổi sáo trên triền đê cùng lũ trẻ làng quê. Vốn có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh và niềm đam mê với câu sáo, đến năm 10 tuổi, Như Quân đã tinh thông tất cả các loại tiêu, sáo.

Học võ từ năm lên 6, Như Quân may nắm được kế tục theo truyền thống gia đình. Hồi nhỏ, cha ông thường dạy: Đã là người Kinh Bắc phải phát huy được truyền thống “cầm, kỳ, thi, họa”..., biết trân trọng và gìn giữ cái đẹp, sống phải luôn hướng tới cái “chân-thiện- mỹ”.

Do yêu thích sáo tự mày mò học hỏi, đến việc tới nhạc viện Hà Nội để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật. Nhưng cái duyên đến với võ sáo của Trịnh Như Quân lại tự nhiên như chính niềm đam mê và sở thích của mình.

Môt lần tình cờ lên bản Rừng Phe, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế công tác, ông gặp được cụ Triệu Quốc Úy, truyền nhân cuối cùng của bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương”, tương truyền là ngón võ sở trường và đam mê của cụ Hoàng Hoa Thám – hùm xám Yên Thế. Sau một lần xem và nghe biểu diễn, ông Quân đã đắm đuối. Ông bỏ công bỏ việc, bỏ nhà bỏ cửa vào Rừng Phe, bái cụ Úy làm sư phụ.

Trong một năm trời, sẵn năng khiếu và bản lĩnh võ thuật, ông Quân đã học được âm thanh và các ngón võ biến ảo của cây sáo sắt lạnh ngắt.

Đến năm 1993, ông Quân bắt đầu biểu diễn bài “Bóng trăng Phồn Xương” và võ sáo chính thức được ghi vào “Sổ tay võ thuật toàn quốc”, sánh vai với các “kinh đô” võ thuật lớn trên cả nước. Liên tiếp, các chiêu võ sáo đã đoạt nhiều giải đặc biệt trong các hội diễn thể thao, văn hóa các dân tộc.

Theo mọi người kể lại, cụ Triệu Quốc Úy đã nhận nhiều lớp học trò và truyền lại bí quyết môn võ này với mong muốn nó sẽ được lưu truyền đến các thế hệ sau. Nhưng quả thực môn võ sáo rất kén người học. Khi cụ mất thì chỉ có mỗi ông Quân, học trò duy nhất là cơ bản lĩnh hội được những nét tinh hoa của môn võ này.

Nét độc đáo của bài võ này là sự kết hợp giữa âm thanh bay bổng, sâu lắng, thanh thoát của cây sáo với sự hỗ trợ của chưởng, quyền, cước… Tiếng sáo cất lên, hòa tan vào không gian êm lắng, những thế võ uyển chuyển mềm mại khỏe khoắn như vờn như khuyên, kiêu hãnh mà lãng mạn, đưa ta về với phong cảnh huyền ảo của vùng rừng thiêng Yên Thế.

Bài võ “Bóng trăng Phồn Xương” diễn tả cảnh trời mây non nước đẹp đẽ, khát vọng của người võ sĩ yêu tự do. Với 6 thế tấn, 13 đặc dị kiếm pháp và 51những chiêu thức cụ thể mang nét cao siêu nhất của võ thuật, “Bóng trăng Phồn Xương” còn hội tụ những tinh hoa về âm nhạc dân tộc. Khi ở tầng cao, âm thanh phát ra mạnh mẽ, thách thức mọi đối thủ.

Khi ở tầng thấp thì trở nên da diết, khắc khoải tình đời và tình người. Nét đặc sắc của võ sáo có cương có nhu, trong võ thuật lại tồn tại âm nhạc. Nhờ có nó nghĩa quân Hoàng Hoa Thám dã làm cho Pháp nhiều phen thất điên bát đảo.





Theo võ sư Quân, để đạt đến độ tuyệt kỹ của bài “Bóng trăng Phồn Xương” người học phải có sức khỏe dẻo dai, thân hình cường tráng và có một trình độ nhất định về âm nhạc.

Dù bận viêc nghiên cứu, sưu tầm các bài võ cổ nhưng khi chuẩn bị bước sang tuổi lục tuần, võ sư Quân chỉ đau đáu một nỗi niềm trăn trở: làm sao tìm được hậu thế để truyền lại những tinh hoa của “thiết địch thần phong”?

Học trò võ thuật của ông ít nhiều cũng có người rất nổi tiếng trong giới võ thuật như võ sư Tô Văn Hồng (hai lần lập kỷ lục Việt Nam), Nguyễn Văn Toàn (huấn luyện viên Sở thể dục thể thao Bắc Ninh)…

Nhưng cái thiếu và yếu của học trò ông là thiếu tính kiên trì cũng như niềm say mê và đặc biệt cái quan trọng nhất là học võ một thì phải học nhạc đến 10 lần mới lĩnh hội tinh hoa võ cổ truyền này.


Nâng tầm cho cây sáo sắt

Sau nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu võ thuật cổ truyền, phát huy giá trị của “thiết địch thần phong” võ sư Trịnh Như Quân quyết định đẩy nghệ thuật võ sáo lên một tầng bậc mới.

Trong bộ sáo sắt được coi là độc nhất vô nhị, chúng tôi được ông Quân cắt nghĩa về lai lịch của chúng.

Cây nhỏ nhất là 2,8 kg, dài 1m có tên là “Giọt mưa thu” mang tên bài hát của cố nhạc sỹ Đặng Thế Phong.

Cây sắt tưởng chừng như vô hồn song qua cách đặt tên của ông Quân trở thành cây sáo có hồn biết khóc thương cho số phận của nhạc sỹ tài hoa bạc mệnh; cây sáo thứ hai dài 1,3m nặng 3,5kg mang tên kiệt tác của Văn Cao “Cõi Thiên Thai”; “Hòn Vọng Phu” nặng 3,8kg dài 1,5m, với âm thanh da diết khắc khoải chờ chồng; rồi cây “Thích tiêu tương” dài 1,6m, nặng 4kg.

Để có được những cây sáo đầu tiên, ông đã mất ròng rã gần 6 năm mày mò nghiên cứu tìm chất liệu, đục đẽo, chỉnh âm. Từ các ống tuýp, inox, đến sắt thép đắt tiền đều thất bại cả về vật lý đến khí độc học.

Đến nay, ông đã tìm được một loại “vật liệu hoàn hảo” nhưng bí mật chỉ mình ông biết. Và công đoạn chế tạo ra những cây sáo cũng đầy công phu.

Ông Quân phải nhờ tới một tập thể những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau mới cho ra được “bộ sáo sắt” hoàn hảo: rèn sáo ở Bắc Ninh; viết chữ nho trên sáo ông tìm đến Giám đốc bảo tàng tỉnh Trần Văn Lạng và khắc chữ lên thân sáo là ông Nguyễn Quốc Vệ, chuyên phụ trách đục bia Văn Miếu đảm nhiệm.

Chuẩn bị cho ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã hoàn thành một cây sáo khổng lồ mang tên “Thăng Long đệ nhất”.

Công việc, khoan, đục, mài, dùi,… được cây sáo đã khó nhưng cung bậc âm thanh của sáo chuẩn nhất lại còn khó hơn. Chính tay ông đã tâm huyết ngày, tháng miệt mài biến cây xà beng khổng lồ thành 1 cây sáo đích thực.

Ông bảo, cây sáo này đã được nung qua lò lửa nóng chảy ở nghìn độ C, nước và lửa không làm rạn vỡ cong vênh hay thay đổi âm lượng cũng như âm vực.

Sáo thuộc vào tông đô trưởng, ông Quân khoe: “Cây sáo khổng lồ của tôi có thể hòa nhạc điện tử đáp ứng tốt được các tiêu chuẩn âm nhạc quốc tế, từng được “thẩm định” qua nhiều kỳ biểu diễn, hội diễn. Tôi đã nhờ nhiều chuyên gia, nhạc sỹ có uy tín ở Bắc Giang, ở Hà Nội mang máy móc hiện đại của nước ngoài về đo đạc đàng hoàng”.

Vĩ thanh

Chúng tôi đến gặp ông Quân khi ông đang say sưa tập dài: “trường ca Sông Lô”, ông cho biết chương trình này ông tập để đi diễn ở Phú Thọ chuẩn bị cho Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc phía Đông Bắc nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương. Cây sáo sắt, cũng là một binh khí của cho ông ta xưa kia sẽ được võ sư thổi lên giữa ngày hội với bản trường ca Sông Lô – Văn Cao bằng một khí thế hào hùng!

Hỏi võ sư với cây sáo sắt nặng và bài “Trường ca Sông Lô” có rất nhiều nốt thăng giáng, thường phải có một dàn nhạc giao hưởng mới hòa tấu được, liệu ông có thể truyền tải hết được hay không?

Để trả lời cho chúng tôi, ông ngồi xuống, lên ngang môi và đắm đuối thổi. Kỳ lạ, chỉ riêng cái việc vác sáo lên vai, người ta cũng dễ đến ê ẩm cả người, thế nhưng với ông Quân cho ta thấy, khí lực của người có “nội công thâm hậu!”.

Âm thanh bài hát cứ thế tuôn trào: “Dân hân hoan nghe sóng réo vi vu, sông mênh mông như bát ngát hát… dòng Sông Lô trôi”. Sáo như tả xung hữu đột giết thù nhuộm máu giữa ba quân mà vẫn réo rắt mê đắm như thường. Lúc là một đoản côn, khi lại như một thanh kiếm dữ dằn; nhưng hơn thế, đó là một nhạc cụ thật sự.

Quả thật, trước khi nói đến nghệ thuật biểu diễn cây sáo lớn và nặng nhất thế giới, cần khẳng định là gân cốt, sức “thổi hơi” của ông Quân đến tuổi Hoa Giáp này dẻo dai và phi thường.

Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn thổi cho chúng thôi nghe tiếp bài: “Tháng Mười Hà Nội”, tiếng sáo cất lên với âm thanh véo von trầm bổng, vươn xa đưa chúng ta về Thủ đô Thăng Long yêu dấu: “Nghìn năm Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội … Người xưa ru tôi, ru tôi vào đời,.. Tháng mười, mùa thu…”.

Ông bật mí, đây là một trong những bài để ông biểu diễn cùng cây sáo sắt “Thăng Long đệ nhất” nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Sau ngày Đại lễ ông sẽ đem bộ sáo sắt độc nhất vô nhị này đấu giá làm từ thiện.

Chia tay người võ sư có thể nói là “độc nhất vô nhị”, trong tôi thấy trào dâng nỗi lòng khó tả. Hậu duệ của ông, ai sẽ là người tiếp nối môn võ công phu này , để rồi ngàn đời sau, vẫn thấy những bản hùng ca vang mãi, hòa chung với hào khí anh hùng của dân tộc?

Phạm Tiệp
(Theo Công thương báo Tết 2010)