Sự thật bài thuốc chữa bách bệnh bằng nước tiểu
Thứ Ba, 23/03/2010 --- cập nhật 02:42 GMT+7


Theo lương y Nguyễn Bá Minh, phòng khám Tuệ Minh (quận 5, TP HCM), nước tiểu người lớn có nồng độ muối cao nên uống vào chẳng khác gì uống nước muối, sẽ làm tăng nguy cơ giữ lại nước cho cơ thể, gây biến chứng phù nề, cao huyết áp, suy tim…Thời gian qua, nhiều bạn đọc đã viết thư, gọi điện đến đường dây nóng cơ quan đại diện của chúng tôi nhờ kiến giải về phương pháp tăng cường sức khỏe và trị các chứng bệnh bằng "nước tiểu của chính mình". Không ít bạn đọc khẳng định nước tiểu là một loại "thuốc bổ", thay vì uống thuốc để được tráng kiện hoặc chữa bệnh thì nên uống nước tiểu bởi "nguyên liệu sẵn có, dễ sử dụng, không phải tốn tiền mua mà lại hiệu nghiệm với mọi lứa tuổi". Đâu là sự thật?

Thần dược "luân hồi tửu"!

Trong lá thư đề nghị "nên phổ biến bài thuốc để cứu nhân độ thế, giúp đời giúp người", ông Lê Văn Hảo, nhà ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (TP HCM) cho biết, trong Đông y nước tiểu được gọi là "luân hồi tửu".

Để câu chuyện nhờ uống nước tiểu mà "lướt" qua được bệnh tật hoàn toàn là sự thật, ông Hảo lấy ví dụ từ chính mình: "Tôi bị ung thư vòm họng, rất may là bệnh được phát hiện lúc mới chớm nên không lo nguy hiểm cho tính mạng. Được một số bạn bè chỉ bảo nên tôi tạm thời không uống thuốc Tây mà quyết định chơi cái nước "xirô" do chính mình thải ra. Tôi mới uống được mấy ngày, lúc đầu hơi ớn ớn nhưng giờ quen rồi, uống vào thấy tinh thần sảng khoái, sức khỏe khá hơn rất nhiều. Nói chung càng uống càng khỏe"(?!)



Các lương y cảnh báo uống nước tiểu của chính mình để chữa các chứng bệnh hiểm nghèo là rất nguy hiểm


Trong thư gửi đến tòa soạn với mong muốn biết rõ thực hư, tính hiệu quả của bài thuốc "luân hồi tửu" (có người gọi "niệu liệu pháp") để áp dụng, ông Lê Phụng, cán bộ hưu trí, kể chuyện một người bạn đồng niên tên Bình theo đuổi giấc mơ nước tiểu từ mấy năm qua tâm tình với ông, lần đầu nghe nói đến phương pháp chữa bệnh bằng nước tiểu, ông này chửi thẳng chỉ có đồ ngu, bị tâm thần mới tin. "Sau nghĩ đến câu nói của ông cha xưa "Không có lửa sao có khói" nên ảnh dấn thân. Vừa áp dụng vừa nghiên cứu trong nhiều năm ròng, rồi ảnh nhận thấy uống nước tiểu không phải là cách chữa trị hoang đường, ác ý và dơ bẩn. Trong nước tiểu có những vi khuẩn có tính phản kháng bệnh tật rất cao. Lại có đặc tính bổ sung kháng thể giúp tăng hiệu năng chữa bệnh"(?!).

Chúng tôi liên lạc hỏi thăm, ông Bình dè dặt chia sẻ:"Bốn năm trước tôi mắc chứng bệnh đau lưng, khó thở, luôn sợ hãi, hồi hộp và được Tây y kết luận hở van tim 3 lá… Tôi uống rất nhiều thuốc, tốn không biết cơ man nào là tiền nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Nhờ được một số người chỉ dẫn, qua áp dụng "luân hồi tửu" tôi thấy hiệu quả vô cùng, bệnh thuyên giảm nhiều và hai năm nay dứt tiệt".

Theo các "môn đồ" của phương thuốc "luân hồi tửu", kỹ thuật dưỡng sinh, chữa bá bệnh bằng nước tiểu theo họ rất đơn giản, ai cũng có thể áp dụng được. Buổi sớm mai, khoảng từ 5-6h là thời điểm lấy nước tiểu tốt nhất. Cách lấy là khi đã tiểu ra một chút, đến giai đoạn nửa chừng, được khoảng 30cc thì dừng lại và… uống.

Một phụ nữ tên Hoa nhấn mạnh: "Phải dùng nước tiểu của chính mình mới mau thành công vì "không ai hiểu bệnh tình của mình bằng thứ nước của chính mình". Chị Hoa khẳng định: "Nghe nói có mấy người bị ung thư vú, ung thư tử cung, bứu ung các loại nhờ kiên trì uống "luân hồi tửu" mà tai qua nạn khỏi" (?!)

Vén màn bí mật!

Trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", cố GS-TS Đỗ Tất Lợi có ghi"Nước tiểu còn gọi là đồng tiện, nhân niệu, luân hồi tửu, hoàn nguyên thang. Đồng tiện chỉ nước tiểu của trẻ em, thường là của bé trai dưới 12 tuổi, khỏe mạnh. Trong những tài liệu cổ, người ta dùng nước tiểu người lớn với tên "nhân niệu". Rồi vì không coi nước tiểu người lớn là vị thuốc quý nếu biết dùng nên mới gọi là "luân hồi tửu" (thứ rượu uống vào, thải ra lại uống vào).


Trong y học cổ truyền, nước tiểu có vị mặn, tính hàn (lạnh), có tác dụng chữa hàn nhiệt, đầu thống (đầu đau nhức), ho lâu mất tiếng, chủ yếu dùng chữa các chứng sốt rét, bổ âm, giáng hỏa, dùng ngoài xoa bóp khi bị ngã hay bị thương, bị đánh người thâm tím".

Cũng theo cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, "còn nhiều công dụng của nước tiểu thấy ghi trong những sách cổ mà chúng ta chưa giải thích được cũng như chưa có điều kiện kiểm tra".

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, học trò của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, cho biết trong nhân dân có sử dụng nước tiểu trẻ em (đồng tiện) lúc còn ấm, ngày uống 200ml, uống liên tiếp trong 3 tháng thì phụ nữ sau khi đẻ gầy yếu, ho, sốt, thổ huyết thì da dẻ sẽ hồng hào.

Lương y Nghĩa, lưu ý: "Cũng có người sử dụng nước tiểu của người lớn hoặc của chính mình nhưng yêu cầu người ấy phải có sức khỏe tốt, không bị bệnh tật. Nhưng tốt hơn hết nên uống theo sự kiểm tra kỹ của người có kinh nghiệm. Bởi nước tiểu từ máu lọc mà ra, mà máu đi khắp cơ thể nên trong nước tiểu có đủ các chất do các cơ quan máu đã đi qua bài tiết ra nên có đồng thời những chất cặn bã của chuyển hóa.

Trong cùng một cá nhân, thành phần nước tiểu sáng, chiều, lúc no đói, mùa nóng lạnh cũng khác nhau. Cho nên khi dùng nước tiểu không thể tùy tiện mà cần phải kết hợp với các kết quả xét nghiệm khác để đánh giá sức khỏe, tiến triển bệnh tật của người cho nước tiểu".

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Duợc liệu TP HCM cho biết, khoảng 20 năm trước, phong trào sử dụng nước tiểu chữa bệnh đã từng rầm rộ tại TP HCM nhưng sau đó lắng động. Như lương y Nghĩa, lương y Bảy cho rằng việc áp dụng tùy thuộc vào quan điểm và kinh nghiệm chữa trị của từng người, chỉ sử dụng nước tiểu của đồng nhi khỏe mạnh vì hệ tiêu hóa của các em thuần, miễn dịch tốt, không nhiễm tạp chất, lấy theo phương cách bỏ khúc đầu, khúc cuối, lấy khúc giữa dùng để sao tẩm thuốc (hương phụ tiện chế).

Lương y Nguyễn Bá Minh, phòng khám Tuệ Minh (quận 5) cảnh báo: "Nước tiểu người lớn có nồng độ muối cao nên uống vào chẳng khác gì uống nước muối, sẽ làm tăng nguy cơ giữ lại nước cho cơ thể, gây biến chứng phù nề, cao huyết áp, suy tim… Đã có trường hợp thiếu hiểu biết bỏ qua phác đồ điều trị của Tây y, tự ý uống nước tiểu của chính mình và uống vô tội vạ mà phải nhập viện với các triệu chứng đau dạ dày, suy thận, choáng váng do ngộ độc amoniac và nhiễm khuẩn. Có khi bệnh tiến triển nặng vô phương cứu chữa…"

Theo CAND Online