Bé gái 3 tháng tuổi biết nói: Chuyện xưa nay hiếm 07/11/2007

Sáng hôm qua 6-11, phóng viên NTNN đến thăm gia đình bé Linh và được chứng kiến em bé 3 tháng tuổi này kêu "ba ơi!". Mọi người đều bảo, đây là chuyện chưa từng có xưa nay.


Như NTNN đã đưa tin trên số báo 266, bé Trần Diệu Linh con gái đầu lòng của anh Trần Đại Cường, sinh năm 1982 và chị Ngô Thị Lệ, sinh năm 1984, hiện trú tại thôn Thuận Hoà, xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình mới 3 tháng tuổi đã biết gọi "ba ơi, mẹ ơi!". Lúc chúng tôi đến, rất đông bà con hàng xóm cũng có mặt tại nhà cháu. Thực ra, mấy tuần lại đây, căn nhà cấp 4 của vợ chồng anh Cường, chị Lệ lúc nào cũng có khách đến thăm. Khách chủ yếu là bà con trong xóm và đồng nghiệp của 2 vợ chồng. Họ đến chơi vì muốn tận mắt chứng kiến cảnh em bé 3 tháng tuổi biết ... nói. Bé Linh đang được bố bế, chốc chốc lại toét miệng cười. Bé gọi ba, mẹ nhiều nhất là lúc vắng họ. Còn thời điểm chúng tôi đến, dù có mặt bố nhưng cháu vẫn gọi “ba ơi”. Những lúc ấy, cái miệng nhỏ xinh xắn của bé lại tròn vo, trông đáng yêu vô cùng. Một điểm đặc biệt khác ở bé nữa là rất thích nghe nhạc thiếu nhi và thích... lẫy. Cứ có nhạc là cháu lẫy và... đòi ngồi. Nghe chán, cháu lại lăn ra ngủ.



Hai bố con bé Linh (ảnh chụp sáng 6-11).



Anh Trần Đại Cường - một cán bộ bảo vệ rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, bố bé Linh kể: "Cách đây nửa tháng, bé Linh bị sốt nhẹ, vợ chồng tui đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới, các bác sỹ cho biết, do cháu mọc răng nên bị sốt. Mọi người chưa hết ngạc nhiên vì cháu mới 2 tháng rưỡi đã mọc răng, thì các y, bác sỹ trong Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới một lần nữa lại sửng sốt, khi đột nhiên nghe được từ miệng bé Linh gọi "ba ơi...!". Các y, bác sỹ nói với tui, con bé con anh là một trường hợp lạ đó...". Vừa rót nước mời khách ông Ngô Đình Chiến - ông ngoại bé Linh tiếp lời: "Lúc đầu nghe vợ chồng hắn kể tui không tin, nhưng hôm lên thăm cháu, đang ngồi uống trà, đột nhiên tui nghe con bé kêu "mẹ ơi" rất rõ ràng, thiệt là chuyện lạ". Ông Nguyễn Hữu Hiệp - thợ cắt tóc sát nhà bé Linh góp chuyện: "Thỉnh thoảng không có khách tui hay vô đây uống nước trà với ông nội cháu. Lần đầu tiên nghe bé kêu "ba", tui cứ tưởng nhà ông Ban (ông nội bé Linh) có nuôi con chim sáo biết nói, đời tui hơn 60 tuổi, chưa gặp trường hợp như này bao giờ"...
Ông Trần Văn Ban - ông nội bé Linh cho biết: "Từ trước đến nay trong gia đình tui cũng không có trường hợp nào như bé Linh. Ba mẹ nó đi làm cả ngày, vợ chồng tui trông cháu nhưng cũng bận chăn con heo, con gà trong nhà nữa nên thường để cháu trên võng, bật đài cho nghe nhạc là cháu chơi và ngủ...". Anh Cường cho hay: "Lúc mang thai bé Linh, mẹ bé cũng đang theo học Đại học tại chức ở Trường Đại học Quảng Bình. Có lẽ lúc nằm trong bụng mẹ bé Linh đã được “nghe” các thầy, cô giáo giảng bài nên mới biết nói sớm như vậy...". Còn tất cả mọi người đến thăm bé Linh, nghe được bé nói thì đều cho rằng: Đây là một chuyện lạ xưa nay hiếm!

Có tố chất của thần đồng?

(Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (ảnh) - Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (thuộc Liên hiệp các Hội KHKT VN) trả lời phỏng vấn NTNN). Ông Hải nói: Đối với những trẻ 2 - 3 tuổi biết đọc, biết nói, đọc sớm là do các em đó tập theo dõi các con chữ, từ đó các em hình thành một quy luật phát âm riêng, tức là quy luật nhận dạng riêng. Đó là khả năng nhận dạng chứ không phải là khả năng siêu thường. Thế nhưng nếu 2 - 3 tháng tuổi mà biết nói như em Trần Diệu Linh ở thành phố Đồng Hới, Quảng Bình thì đó là trường hợp đặc biệt cần phải quan tâm theo dõi.

Thưa ông, nếu trẻ biết nói, đọc sớm, cụ thể như em Trần Diệu Linh thì có phải là tố chất của thần đồng không?

- Tôi quan niệm rằng, thần đồng phải là những đứa bé có khả năng siêu thường, vượt trội so với những trẻ em khác về các phương diện, có thể làm điều phi thường. Nếu 2 - 3 tháng tuổi mà biết nói rõ ràng như em Linh là có trí nhớ ghi âm rất tốt, ký ức siêu nhạy. Đây là hiện tượng vật lí, tái phát âm lại. Có thể nói việc biết nói từ khi còn rất nhỏ là tố chất của thần đồng.

Những trẻ có khả năng đặc biệt như thế liệu có thể phát triển theo thời gian không thưa ông?

- Chúng ta đã biết có một số trẻ em phát triển nhanh lúc nhỏ nhưng không duy trì được khi lớn lên. Nhưng cũng có một số trẻ có thể duy trì được. Chúng ta nên ghi nhận những trường hợp này, tạo điều kiện để các em phát triển tốt.

Phải tạo điều kiện như thế nào để giữ được những tố chất đó của trẻ?

- Cái đó phụ thuộc vào điều kiện tập luyện của cá nhân các em kết hợp với giáo dục của gia đình và nhà trường thì mới có thể phát triển được.

Xin cảm ơn ông!




Nông Thôn Ngày Nay