LỜI NGUYỀN TRÊN CÁC KHO BÁU CHĂM (1)
Thứ sáu, 07/11/2008 - 725 AM

Tượng sư tử hiện đang trưng bày trước cổng Bảo tàng tổng hợp Bình Định. Đẹp thế này mà bảo vệ rất lỏng lẻo, mỗi khi đi ngang qua đây ta lại thót ruột nhè nhẹ vì sợ nó bị kẻ trộm rinh mất.

Những tượng cổ, kho vàng, báu vật của dân tộc Chăm luôn luôn là mơ ước của những người săn lùng cổ vật. Cơn sốt săn tìm báu vật, vàng Chăm đã bắt đầu từ mấy thế kỷ trước, đặc biệt là trên vùng kinh đô Vijaya (tức Bình Định ngày nay) và hạ nhiệt từ rất lâu, nhưng dứt hẳn thì chưa bao giờ. Chúng âm ỉ mãi cho đến nay với những huyền thoại hư ảo nhưng hấp dẫn.

Theo nhiều tư liệu khoa học, lịch sử thì người Pháp chính là những người đầu tiên phát hiện và đánh giá tầm vóc của văn hóa Chăm. Cũng chính họ là những người đầu tiên săn tìm, khai quật, vét cạn những cổ vật Chăm quý giá.

Năm 1886 gần 80 tấn đá chạm, phù điêu, tượng cổ các loại... đã được các chuyên gia Pháp gom lại từ Tháp Bánh Ít (tức Tháp Bạc theo cách gọi của người Pháp) để chuyển về Bảo tàng Lyon bằng tàu Mekong dưới sự giám sát của Tiến sĩ Maurice.

Trên đường vận chuyển, đến Hồng Hải, không rõ vì lý do gì con tàu này bị đắm. Những thổ dân Somalia nghĩ rằng đây là con tàu chở vàng bạc châu báu nhưng họ đã thất vọng khi những chiếc hòm vớt được chỉ có đá và đá... Sau này người ta không sao tìm lại được những thùng cổ vậy ấy và một bí mật bao trùm lên con tàu Mekong bởi hồ sơ con tàu, danh sách hàng hóa cũng bị thất lạc. [ít lâu sau khi phóng sự này đăng trên Thế giới Mới, có người cung cấp cho mình thông tin về con tàu này, đổi lại là mình copy dù người ta hai cuốn sách ở Thư viện Bình Định. Sở dĩ có việc này là vì những cuốn sách được bảo vệ rất kỹ. Mình "phô" được là vì có quan hệ riêng, và trước đó có tặng cho Thư viện phó bản môt cuốn sách mà thư viện tìm đã lâu mà không thấy].



Phù điêu tượng nũ thần Mahisamandhi - niên đại thế kỷ XII. Hiện vật này đã được tỉnh Bình Định đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia. Năm 2005 nó đã được Nhà nước Việt Nam cho Bảo tàng Dân tộc học Vương quốc Bỉ mượn để trưng bày. Riêng chi phí để mua bảo hiểm của nó không thông thôi đã là 50.000 USD.
Bên cạnh các mà khoa học, ngày ấy có nhiều người khác đã biết đến các gọi là Kho báu Chămpa. Những kho báu này càng trở nên hấp dẫn khi nhiều học giả trong đó có ông De Lagreé đã công bố những khám phá trong đó có những đoạn mô tả đại loại - ở khu vực đền Tháp Chămpa người ta đặt nhiều tượng kim loại, tượng đá dát vàng, bên trong tháp có nhiều vật quý, tượng nhỏ, phù điêu bằng vàng, bạc....

Nhiều năm sau đó do tình hình xã hội Việt Nam chưa ổn định, những năm tháng chiến tranh liên miên không cho phép người ta đi sâu tìm hiểu những bí mật còn chôn giấu trong lòng đất. Tuy vậy, những gì đã phơi ra dưới ánh mặt trời cũng đủ làm các nhà khoa học thán phục văn hóa Chăm, trình độ văn minh của dân tộc này.

Jeanne Leuba, một học giả Pháp chuyên nghiên cứu lịch sử, văn hóa Chămpa đã viết: “Một trong số rất nhiều những chủng tộc bí hiểm ở phương Đông cho đến ngày nay vẫn còn rất ít người biết đến, một trong những chủng tộc lý thú nhất mà nguồn gốc chính thức của họ vượt khỏi sự hiểu biết hiện nay của chúng ta, một dân tộc mà sự phát triển qua một thời đại đã bị xáo trộn bởi các dân tộc lớn, một dân tộc mà cho ngày nay chúng ta đang nghiên cứu các di tích.... Đó là dân tộc “Chăm” (Một quốc gia bị diệt vong). Cùng với những đánh giá trang trọng như vậy, các nhà nghiên cứu cũng không quên đưa ra nhận định gây nhiều hệ lụy cho các thế hệ sau này - Chămpa một quốc gia rất giàu có!

Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, cơn sốt đi tìm kho báu Chăm hay như một cách gọi khác là đi tìm vàng Hời lại bộc phát, lần này do chính hậu duệ của dân tộc Chămpa tiến hành.
Quãng những năm 1976-1978 ở Quy Nhơn xuất hiện vô số người Chăm ngồi bốc mạch bán thuốc dọc các đường phố Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu... Những người này dần dần di chuyển địa bàn hoạt động về những vùng in đậm dấu ấn văn hóa Chăm như An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân... Anh Nhị - cán bộ UBND huyện Hoài Ân kể: “Từ xa xưa ở vùng này đã tồn tại những truyền thuyết về vàng Hời. Trên thực tế người ta cũng đã nhặt được khá nhiều đồ dùng bằng vàng, bạc, nhiều thứ trong số này sau đó được xác nhận là của người Hời (tức người Chăm). Thỉnh thoảng sau mùa lụt, những người sống ở ven bờ sông Kim Sơn (con sông được mệnh danh là con sông Vàng do có nhiều vàng sa khoáng) thường nhặt được một số mảnh vỡ của bát đĩa, bình đựng .... bằng vàng bạc và cả bằng gốm đất. Chính tôi cũng đã chứng kiến cảnh những người Chăm đi tìm mộ tổ tiên như họ nói, cảnh họ cúng tế, đào bới một cách bí mật và biến mất đột ngột như kiểu họ xuất hiện....”.


Hoài Ân là vùng trung du có nhiều di chỉ văn hóa Chăm đến nay vẫn còn lưu danh Mả Lỏi, Mả Bà Cóc..., rất có thể những mảnh vỡ ấy là do nước lũ xói lở cuốn trôi đi từ các di chỉ như vậy. Ông D ở Ân Tín, một người xác nhận là đã từng cầm trong tay nhiều buồng cau, lá trầu, con cóc bằng bạc và đồng (không có cái nào bằng vàng) kể rằng: “Nhiều người đã tìm cách đào bới các ngôi mộ cổ, những nơi nghi có chôn giấu báu vật nhưng tôi chưa nghe ai nói đã tìm thấy vàng. Riêng đồ bạc, đồ đồng như tôi thì có khá nhiều. Tuy thế, không hiểu sao khi giữ những vật ấy tôi bị đau ốm liên miên, mãi đến lúc nghe lời người ta mách - vứt trả những thứ ấy xuống sông, tôi mới khỏi bệnh. Thật bí hiểm!”

Chum Gò Sành, hiện vật thuộc dòng gốm Gò Sành - Champa, niên đại thế kỷ XIV-XV, hiện đang được trưng bày tại BẢO TÀNG TƯ NHÂN GỐM CỔ GÒ SÀNH VIJAYA - CHAMPA - BÌNH ĐỊNH : 173 Lê Hồng Phong - TP Quy Nhơn. Ảnh: lấy từ www.gosanh.vn

Tương tự như Hoài Ân, ở vùng suối vàng thuộc Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nhiều người già xác nhận với chúng tôi rằng đã có nhiều người nhặt được chén vàng, đĩa vàng bên bờ suối này, nhưng những thứ thu lượm được ở đây chẳng thấm tháp gì so với kho báu ở Hố Giang.

Hố Giang là một dãy núi chứa nhiều huyền thoại về... kho báu trong đó đáng lưu ý nhất là tảng đá chữ. Đó là một tảng đá cao khoảng 2m3 dài gần 5 m trên mặt có những dòng chữ Sankrit mang ý nghĩa bí mật của người Chăm. Tân - người dẫn đường, đưa tôi đến bên tảng đá chữ chứa nhiều bí ẩn ấy và cho biết: Cách đây chừng vài tháng, ông X, một tay chuyên rà phế liệu kim loại đã đào được một pho tượng Chăm đúc bằng kim loại màu vàng, nghe đây đã bán được với giá 200 triệu đồng. Có rất nhiều nhóm rà phế liệu sau đó đã quần nát vùng này nhưng được gì hay không chưa nghe ai tiết lộ, riêng dân địa phương người ta rất ngại vì tương truyền rằng kho báu Hố Giang đã bị đè lên bởi một lời nguyền độc địa của người Hời bí hiểm.

Lịch sử còn ghi rằng vào khoảng thế kỷ XII-XIII, Vương quốc Chămpa phải đối phó với cuộc chiến tranh kéo dài suốt trăm năm với những người Khơme phương Nam, cùng với việc phải dời đô sang bờ Bắc của một nhánh sông Côn, một phần kho báu của vương quốc đã được chuyển về chôn giấu rải rác ở khu vực rừng núi cách xa kinh đô Vijaya mà ngày nay có thể thuộc địa bàn các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn.
Đến năm 1282, trong âm mưu tiêu diệt nước Đại Việt, Toa Đô - một viên tướng của đế quốc Nguyên Mông đã chỉ huy một cánh quân theo đường thủy tấn công vào Chămpa, nhằm tạo gọng kìm thứ hai kẹp chặt lấy Đại Việt. Vua Chăm và triều đình đã bỏ trống kinh đô Vijaya, chạy lên vùng Hoài Nhơn ngày nay để cố thủ. Nhiều sử sách còn ghi lại rằng Toa Đô đã chiếm một kinh đô trống rỗng, kho tàng đã được sơ tán từ rất sớm. Người Chăm vốn e ngại sự hung hãn của đế quốc Nguyên Mông nên sau chiến tranh vẫn cất giấu một phần kho báu ở xa kinh đô, phòng khi lỡ vận. Sự thật lịch sử cũng như việc phát hiện những mẫu nhỏ của những vật dụng bằng vàng đã chứng minh được phần nào cho luận cứ kể trên.

Theo Tranbaphung 's Blog