Bộ sưu tập tranh thờ Đạo giáo của người thợ mộc

GiadinhNet - Mê sưu tầm tranh thờ Đạo Giáo của các dân tộc thiểu số song chưa một lần Phạm Đức Sĩ (còn gọi là Sĩ “Mộc”) đặt chân đến các vùng có những bức tranh ấy. Đó là chuyện “ngược đời” mà chỉ có Sĩ “Mộc” mới làm được.

Để rồi nhìn vào hơn 350 bức tranh thờ có một không hai sau 10 năm anh ròng rã sưu tầm ai cũng thán phục về sự kỳ công và lạ mắt.


Phạm Đức Sĩ đang nói chuyện với một người bạn nước ngoài trong buổi triển lãm tranh thờ.


Làm mộc bén duyên tranh thờ

Gặp Phạm Đức Sĩ vào một buổi tối mùa đông mưa lất phất trong một quán cà phê trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), gần căn nhà bốn tầng khang trang của bố mẹ vợ mà gia đình anh đang ở. Lúc chúng tôi đến thì anh đang mải mê lần giở từng trang, cuốn sách “Tranh thờ Việt Nam” do anh chủ biên sau 10 năm nhọc nhằn nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tập.

Nhìn vào những gì anh Sĩ sưu tầm, tìm kiếm và kỳ công hệ thống, nhà phê bình mỹ thuật – Phan Cẩm Thượng nhận xét: “Bộ sưu tập tranh thờ với hơn 350 bức tranh này là kết quả của gần 10 năm lặn lội, tìm hiểu, mua được bằng những gì mình thích và học những vốn liếng văn hóa dân tộc chỉ qua kinh nghiệm sưu tầm… Cả ý thức văn hóa và quá trình lao động nuôi mình, nuôi gia đình của một người hoàn toàn chỉ là thợ mộc, chưa qua đại học thật đáng trân trọng. Nhất là bộ sưu tập của anh có hệ thống, có thể tiến hành nghiên cứu đời sống tín ngưỡng, văn hóa, tập tục và lịch sử của nhiều tộc người, tất nhiên là cả giá trị thẩm mỹ”.

Bên tách cà phê ngút khói, Đức Sĩ bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng cái tên Sĩ “Mộc” quen thuộc nhưng cũng lắm chuyện ly kỳ mà giới sưu tầm nghệ thuật Hà Thành vẫn hay truyền tai nhau.

Anh Sĩ cho biết, vào những năm cuối của thập niên 90, trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội luôn cần một người đóng khung tranh, làm bục tượng cho các bài thi tốt nghiệp và các triển lãm tổ chức thường xuyên, mặc dù đã có rất nhiều người “đăng kí” xong không ai đạt được yêu cầu do trường đề ra. Anh Sĩ lúc đó chỉ là một tay thợ mộc mới vào nghề xong thấy hứng thú với những công việc đó nên cũng mạnh dạn “ứng thí”, làm thử một vài tác phẩm không ngờ lại đạt và bén duyên luôn. Cái tên Sĩ “Mộc” nhanh chóng “nổi như cồn” khi nền hội họa Việt Nam phát triển mạnh mẽ vài năm sau đó nhờ những tác phẩm chất lượng, thẩm mỹ, giá cả phù hợp. Đó cũng là tiền đề thuận lợi để anh Sĩ bước vào thế giới của niềm đam mê nghệ thuật.

Khởi đầu công việc sưu tầm của anh Sĩ là những tác phẩm gốm Đông Sơn và gốm Hán. “Thời đó, tôi và hai người bạn nữa là anh Nguyễn Linh (SN 1959), Trần Hạnh (SN 1972) cùng chung sở thích sưu tầm đồ gốm. Dù chưa một lần nói rõ với nhau rằng mỗi người nên sưu tầm một thể loại riêng để tránh trùng nhau nhưng cả ba đều ngầm hiểu rằng mỗi người nên sưu tầm một thứ đồ gốm của riêng mình. Nếu tôi sưu tầm gốm Đông Sơn và gốm Hán thì Nguyễn Linh sưu tập gốm Lý Trần còn Trần Hạnh sưu tập gốm men lam. Cũng chính gốm đã bắt duyên cho cả ba chúng tôi bước sang lĩnh vực tranh nghệ thuật truyền thống” – anh Sĩ cho biết.

Trong những lần lặn lội về tận các rẻo cao, các làng quê cổ để sưu tầm đồ gốm Trần Hạnh vô tình “góp nhặt” được những bức tranh thờ của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Thấy đẹp anh Hạnh sưu tầm được khoảng vài chục bức mang về nhà nhưng vẫn chưa thực sự có chủ đích gì với những bức tranh ấy. Một lần qua nhà bạn chơi, thấy có những bức tranh loang lổ vết thời gian nằm ngổn ngang trên sàn nhà nên anh Sĩ dở ra coi thì bị mê hoặc. Những vị thần huyền bí được thể hiện qua những nét vẽ nghệ thuật và những màu sắc hết sức sống động đã làm anh bị ám ảnh trong một thời gian dài. Lập tức anh đề nghị bạn nhượng lại những bức tranh ấy cho mình và ra ngay các tiệm sách để tìm các tài liệu có nói về tranh thờ Đạo giáo về nghiên cứu. Anh Sĩ chia sẻ: “Tài liệu nói về tranh thờ ở Việt Nam cực hiếm bởi không có nhiều người đi sâu vào nghiên cứu. Duy chỉ có tác phẩm “Tranh thờ Đạo Giáo ở Bắc Việt Nam” của nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Khuê là có gần như đầy đủ các tập tục, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Việt Nam ở phía Bắc nhưng lại đọc khá vất vả. Đôi lúc để hiểu được một vấn đề ông muốn nói có khi phải suy nghĩ hàng tuần mới luận ra. Nhưng càng đọc tôi lại càng thấy say mê bởi những điều tôi phát hiện ra cực kỳ lí thú”.


Bộ tranh thờ "Hữu bà môn, Tả bà môn" của người Sán Dìu.


Bán cả xe máy để mua tranh


Đam mê sưu tầm tranh thờ Đạo Giáo của các dân tộc xong anh Sĩ lại chưa một lần đặt chân đến các vùng có những bức tranh ấy, đó là một điều “ngược đời” mà khi nghe anh Sĩ thú thực ai cũng phải ngạc nhiên.

Anh kể, tranh thờ đối với người dân tộc là một thứ tài sản hết sức quý giá bởi nó chứa đựng những niềm tin tôn giáo lớn lao. Nếu không phải là người thân quen, người được tin tưởng thì không bao giờ họ chịu mở ra cho xem chứ không nói đến chuyện bán lại. Chính vì thế mà anh không tự mình đi tìm bởi anh biết mình không đủ khả năng thuyết phục họ cho mình xem tranh hay nhượng lại tranh cho mình nên thông qua người bạn là anh Trần Hạnh, anh cứ thế bắt đầu sưu tầm được những bức tranh hết sức giá trị. Một thời gian sau, lần mò tìm hiểu anh biết được có một số người ở phố cổ hay lên miền ngược lấy hàng thổ cẩm về bán, anh lại tìm đến và đặt vấn đề về việc tìm hộ anh những bức tranh thờ Đạo Giáo. Cứ như thế số lượng những bức tranh của anh Sĩ ngày càng tăng dần.

Trên đường dẫn chúng tôi về nhà để được tận mắt chiêm ngưỡng hơn 350 bức tranh thờ của một số dân tộc như: Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Tày, Nùng, Dáy, Kinh... anh Sĩ cho biết thêm: “Hệ thống thần linh của Đạo Giáo vốn đã rất phong phú và phức tạp, hệ thống thần linh của riêng từng dân tộc lại càng độc đáo và phức tạp hơn. Nếu không chịu nghiên cứu tài liệu thì những bức tranh sưu tầm sẽ rất lộn xộn và không có giá trị gì ngoài mớ giấy vẽ có màu mà thôi”.

Sau 10 năm vừa sưu tầm, vừa nghiên cứu, kể cả những kinh nghiệm được đánh đổi bằng những trải nghiệm “đau thương” anh Sĩ đã tìm ra cho mình một cách hệ thống các bức tranh thờ theo một logic thống nhất. Nghĩa là sắp xếp những bức tranh này theo đúng tín ngưỡng thờ cúng thần linh của các tộc người nhưng khi nhìn vào người xem vẫn dễ dàng nhận ra được những giá trị thẩm mỹ cũng như sự khác biệt những bức tranh. Đặc biệt là hiểu hơn về văn hóa tâm linh của các tộc người thiểu số ở vùng núi phía Bắc.

Cũng theo anh Sĩ thì trong số hơn 350 bức tranh thờ hiện nay, bộ tranh thờ của người Dao gồm 18 tờ tranh, tờ ngắn nhất là 80cm, tờ dài nhất là 1,3m là giá trị nhất về mặt thời gian, nghệ thuật lẫn kinh tế. Thông qua lạc khoản đề trên mỗi bức tranh thì bộ tranh thờ của người Dao mà anh Sĩ đang sở hữu có niên đại trên 200 năm. Những bức tranh này do một số thầy mo người Dao đặt cho nghệ nhân Trung Quốc vẽ. Để có được bộ tranh này vào năm 2001 anh đã phải bán cả chiếc xe máy Dream để mua vì giá của nó tới 18 triệu đồng.

Ngoài ra, hai bộ tranh của người Sán Dìu với mỗi bộ có tới 32 tờ và bộ của người Cao Lan Sán Chỉ với 26 tờ cũng được xem là “hàng độc” mà giữa Hà Thành khó có thể tìm ra bộ thứ hai.

Trung tuần tháng 10/2009 vừa qua, anh Sĩ đã mở một số buổi triển lãm tại Trung tâm VietArt ở phố Yết Kiêu (Hà Nội) để mọi người có cơ hội được tận mắt chứng kiến những bức tranh thờ có một không hai của anh. Hiện anh đang có ý định sẽ đưa những bộ tranh thờ này sang Mỹ, vì bên đó có Bảo tàng Đông Nam Á để bạn bè thế giới biết rõ hơn về nền văn hóa tín ngưỡng đa sắc màu và hết sức độc đáo của các dân tộc Việt Nam.

Hà Tùng Long