Ý nghĩa của việc cúng gà trống trong ngày Tết
27/01/2010 14:25
Tiểu Khang

Gà là con vật quen thuộc, gần gũi với người nông dân Việt Nam. Nó là vật nuôi để lấy thịt, cung cấp nguồn thực phẩm cho con người. Và tiếng gà gáy từ bao đời nay là âm thanh quen thuộc ở các miền quê Việt Nam: âm thanh báo thức cho mẹ ra đồng, cho chị gánh hàng ra chợ…

..."Mi tuy chỉ một thứ gà thường
Báo sáng ngày ngày tiếng gáy vang
Một tiếng toàn dân bừng tỉnh mộng
Công mi đâu có phải là xoàng"...
(trích Nhật kí trong tù)

Ngày Tết, trong các dịp cúng kiếng ông bà, tổ tiên, người ta thường dùng gà trống để cúng. Bởi theo quan niệm dân gian, gà trống là biểu tượng của các đức tính cao quý: nhân, nghĩa, dũng, trí, tín và còn là một hình tượng cát tường trong mỗi dịp xuân sang.

Mỗi khi bới được mồi, con gà trống thường kêu “túc… túc…” báo hiệu cho gà mái và đàn gà con đến ăn. Sự san sẻ, nhường miếng mồi ngon vừa kiếm được này dân gian gọi là nhân. Còn khi gà mẹ và đàn gà con bị diều, quạ rình rập, tấn công thì gà trống sẵn sàng xả thân bảo vệ, bất chấp hiểm nguy, như thế được dân gian gọi là nghĩa. Còn khi so cựa cùng đối thủ, các chú gà trống đều thủ thế, tùy vào đối phương mà tung ra những độc chiêu, như né tránh, bay lên đá xuống… hầu mong hạ gục đối thủ thì gọi là trí. Gà trống thường có bộ lông sặc sỡ, dáng đi oai vệ, mặt đỏ hồng hào như một võ tướng nên được dân gian gọi là dũng.

Tiếng gà trống gáy được xem là thời khắc báo thức cho con người nên đôi khi con người cũng dựa vào tiếng gà để định giờ giấc cho mình. Cho dù thời tiết có đổi thay, khí hậu có thất thường, ngày mưa cũng như ngày nắng, mỗi sáng gà trống đều gáy để báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Ấy là tín vậy.

Thông thường khi cúng, gà trống được chọn phải có cặp chân vàng - đây là màu trung tâm, là màu đẹp nhất thể hiện cho sự sung mãn, tốt đẹp trong năm. Kỵ nhất là gà chân chì - màu đen, là điều xấu, không hên. Khi luộc xong, người ta chéo cánh gà lại, rất đẹp và gọn ràng. Trong miệng gà, người ta để cọng hành lá cho gà ngậm. Hành đọc theo âm Quảng Đông có nghĩa là “thông”. Với việc này, người ta mong muốn, công việc làm ăn quanh năm suốt tháng sẽ được trôi chảy, thông suốt.

Nhiều nơi, khi cúng xong người ta chặt cặp chân gà treo trước cửa nhà, treo chung với hình bát quái để trấn giữ tà ma. Có nơi, người ta không treo chân gà mà mua tranh gà về dán ngay cửa cũng ngụ ý đó. Sở dĩ, người ta quan niệm gà đuổi được tà ma là do xuất phát từ truyền thuyết sau:

Khi vua Nghiêu (Trung Quốc) đương triều thì chính sự được an lành. Song, ông thường nằm mộng thấy hổ xuống núi, yêu ma ra khỏi rừng quấy nhiễu dân làng. Ông vô cùng lo lắng. Một hôm, nước Chỉ Chi có đưa sang biếu một loài chim gọi là Trọng Minh Điểu. Hình dạng chim này giống con gà trống, song tiếng gáy lại giống tiếng phượng hoàng kêu. Điều đặc biệt là nó rất ghét điều ác, nó thường đuổi bắt ác thú, tà ma khiến cho các loại yêu ma này không dám hoành hành. Người ta cho rằng loại chim này là vua của gà, nên họ lấy gỗ đẽo gọt giống hình dạng của nó, rồi đặt trước cửa nhà để trấn giữ tà ma. Dần dà về sau, để cho tiện, người ta bắt đầu vẽ tranh gà trống dán trước cửa cũng với nhiệm vụ trấn giữ yêu ma, ác thú, bảo vệ cuộc sống yên lành cho người trong nhà.

Theo: Thanh Niên