kết quả từ 1 tới 18 trên 18

Ðề tài: Thần học về Chúa Thánh Thần

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Thần học về Chúa Thánh Thần



    Tuy Chúa Thánh Thần đã tác động trong vũ trụ và trong Giáo hội từ lâu lắm rồi, nhưng Ngài ít được thần học (cách riêng trong Giáo hội la tinh) nói đến, trừ khi bàn về bí tích Thêm sức và bảy ơn ban cho các tín hữu. Từ những năm sau công đồng Vaticano II, nhờ đối thoại với thần học Đông phương cũng như nhờ phong trào canh tân Thánh Linh, một thiên trong thần học đã được khai trương, gọi là Pneumatologia, để học hỏi về Thánh Linh trong tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như về tác động của Ngài trong lịch sử. Ta có thể coi thông điệp Domium et Vivificantem của Đức Gioan Phaolo II (18-5-1986) như một mốc đánh dấu sự tiến triển đó. Trước đó 5 năm, Đức Thánh Cha đã thúc đẩy tổ chức một Hội nghị Thần học quốc tế quy tụ các học giả Công giáo, Chính thống, Tin lành tại Vatican (từ ngày 22-26/3/1982) để kỷ niệm 1600 năm công đồng Constatinopoli đã tuyên xưng Đức Chúa Thánh Thần “là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”.

    Bài này sẽ tìm hiểu Thánh Kinh đã nói gì về Chúa Thánh Thần, tiếp đó, là sự tiến triển của đức tin của Hội thánh về Thánh Thần, và sau cùng, là những nét suy tư chính về Thánh Thần trong lịch sử cứu rỗi.

    A. CÁC BẢN VĂN KINH THÁNH

    Cần lưu ý về cách sử dụng từ ngữ. Cách đây không lâu lắm, trong các sách kinh có danh xưng “đức Phiritô Săngtô”; chắc rằng các thừa sai ngoại quốc đã cảm thấy khó tìm ra một từ ngữ chính xác để dịch. Nhiều Kitô hữu đã chẳng lầm lẫn “thiên thần” với “Thánh Thần” đó ư, phương chi là người ngoài Công giáo? Hiện nay có tới ba danh từ để dịch Spiritus Sanctus: Thánh Thần, Thánh Linh, Thần khí. Tuy nhiên, khi mà chữ Spiritus không còn viết hoa nữa thì lại được dịch là “tinh thần”; còn tĩnh từ Spiritualis được dịch là “thiêng liêng, tâm linh”. Thực ra, trong các tiếng Do thái, Hy lạp, Latinh, những tư tưởng vừa nói đều có liên hệ rất mật thiết với nhau. Trong bài này, xin tạm dùng tiếng “Thánh Thần” vì đã quen thuộc tuy biết rằng nó không chính xác lắm.

    I. Cựu ước

    Trong Việt ngữ có nhiều danh từ khác nhau để dịch “Spiritus Sanctus”. Thực ra, sự đa dạng ấy không phải chỉ vì tiếng Việt còn thiếu sót từ ngữ thần học chuyên môn, cho bằng tại vì chính bản chất mầu nhiệm của thực tại mà chúng ta đang nghiên cứu. Không ai thấy được hình thú của Thánh Thần ra sao cả! Ngài được ví như “gió”, bởi vì chúng ta chỉ nhận thấy được qua hậu quả tác động (tựa như cành lá rung, hoặc cảm giác mát mẻ) chứ không ai thấy được hình thù của gió như thế nào! Vì lý do, Kinh thánh dùng rất nhiều hình ảnh khác nhau để diễn tả Thánh Thần, hay tiếng Do thái của Cựu ước, một danh từ phổ thông hơn hết là ruah (378 lần), được dùng trong ba bối cảnh như sau:

    - trong khung cảnh thiên nhiên, ruah có nghĩa là gió, khí;

    - trong khung cảnh của đời sống con người, ruah có nghĩa là hơi thở;

    - sau cùng, ruah cũng được áp dụng cho chính Thiên Chúa.

    1) Trong khung cảnh thiên nhiên, “ruah” có nghĩa là gió, một thực tại khá huyền bí, bởi vì không những nó chỉ đem cơn mát dịu khi trời oi ả, nhưng khi gắn với cuồng phong bão tố, nó còn được coi như khí cụ nằm trong tay Chúa (Tv 104,4; 135,7; Gb 10,13), được Thiên Chúa dùng để cứu vớt dân Ngài (như làn gió chắn nước khi Israel vượt qua biển đỏ: Xh 14,21; Ds 11,31; Is 63,11-14), hay để trừng phạt dân (Ed 13,11). Chính vì thế, gió được coi như biểu tượng của việc Thiên Chúa xuất hiện bày tỏ oai phong của Ngài (Ed 1,4; 1V 19,9; Đn 7,2). Vũ trụ này được tạo dựng nên nhờ làn gió của Ngài (St 1,2; Tv 33,6); nhất là con người sống được là cũng là nhờ hơi gió mà Ngài thổi vào (St 2,7; Tv 104,29-30; Gb 33,4; Gv 12,7).

    2) Trong con người, “ruah” ám chỉ ba thực thể:

    a/ hơi thở, sinh khí (Tv 31,6; 78,39; 146,4; Gb 9,18; 12,10) 17,1; 19,17; Gv 3,21). Dĩ nhiên sinh khí là do Chúa ban; nếu Chúa rút lại là con người chết (Tv 104, 29-30).

    b/ Theo nghĩa tâm lý, ruah có nghĩa là: chí khí, tinh thần (Cn 16,18; 29,23).

    c/ Theo nghĩa thiêng liêng, ruah ám chỉ trung tâm nơi mà con người quyết định mọi tư tưởng hành vi; ta có thể tạm dịch là: tâm thần, thần trí, lòng dạ. Kinh thánh cũng dùng một từ ngữ tương đương là “con tim” (Ed 18,31; 36,26). Việc canh tân trở lại với Chúa hệ tại việc thay lòng đổi dạ qua việc phú ban thần trí mới (Tv 51,12-14).

    3) Từ khung cảnh thiên nhiên và nhân sinh vừa nói, chúng ta thấy rằng sức sống của vũ trụ và của con người được coi như là tác động của Thiên Chúa. Vì thế, việc biểu thị Thiên Chúa như ruah, (làn gió, hơi thở) xem ra khá tự nhiên. Và đây là khung cảnh thứ ba: ruah Yahweh, được dịch là “Thần Khí”. Tác động của Ngài không chỉ giới hạn vào sức sống tự nhiên ban cho vạn vật và cho con người, nhưng còn được áp dụng cách riêng vào lịch sử cứu rỗi của Israel. Trên đây chúng ta đã nói tới việc Thiên Chúa ra tay cứu Israel nhờ làn gió rẽ nước trên Biển Đỏ. Ngài còn can thiệp vào lịch sử của dân Israel khi “thổi dậy” các vị cứu tinh dân tộc từ các thủ lãnh Maisen (Ds 11,16.25). Giosuê (Ds 27,27.18), các anh hùng (thí dụ: Is 30,1; Mk 3,8; Ed 3,12; 8,3; 11,1.24). Ngoài ra, các ngôn sứ cũng loan báo thời cánh chung như là thời của thần khí: thần khí Chúa không những sẽ đáp xuống vị Cứu tinh tương lai (Is 11,2), thánh hiến người đầy tớ trung tín của Giavê (Is 42,1-7; 61,1-3), nhưng mà toàn dân Chúa cũng sẽ được tràn đổ thần khí Chúa (Ed 36,26; Gioel 3,1-2), nhờ đó họ sẽ sống thân mật với Chúa (Gr 31,31-34).

    II. Tân ước

    Các bản văn Tân ước được viết bằng tiếng Hylạp. Danh từ “ruah” trong tiếng Do thái được dịch ra là pneuma, Tuy nhiên, ý nghĩa của riêng pneuma vẫn còn được duy trì theo lối nói của tư tưởng Do thái (hơi thở, sức sống do Chúa ban), chứ không phải là theo tư tưởng triết học Hy lạp (quan niệm “pneuma” là cái gì thiêng liêng, không có hình tượng đối nghịch với vật chất hữu hình). “Pneuma” cũng được xét tới trong những khung cảnh khác nhau: hoặc trong cuộc đời tại thế của đức Giêsu hay là sau biến cố Phục sinh; lúc thì xét tới tác động nơi con người khi thì xét từ phía Thiên Chúa. Nói chung, mỗi tác giả Tân ước trình bày một khía cạnh khác nhau của Pneuma: Phúc âm nhất lãm nói nhiều tới tác động của Thánh Thần trong sứ mạng ngôn sứ và cứu tinh của đức Giêsu khi còn tại thế; còn Gioan, Phaolô và Tông đồ công vụ sẽ nhấn mạnh nhiều hơn tới Thánh Thần như hồng ân được ban cho Hội thánh và các tín hữu do hậu quả của mầu nhiệm Tử nạn và phục sinh của đức Kitô.

    1. Phúc âm nhất lãm

    1) Ngay từ chương 1. Marcô muốn làm nêu bật sự hiện diện của Thánh Thần nơi tác vụ của đức Giêsu nói lời giảng cũng như việc làm (1,8.10.12): Thánh Thần hướng dẫn đức Giêsu trong cuộc giao tranh với ma quỷ (3,22-30) và giúp các môn đệ khi gặp thử thách.

    2) Matthêo thì nói tới việc Thánh Thần can thiệp ngay từ khi đức Giêsu thụ thai trong lòng đức Maria (1,18-20). Đức Giêsu là vị cứu tinh đầy tràn Thánh Thần (12,18t), như Isaia (42,1) đã báo. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thần mà đức Giêsu đánh đuổi Satan (12,28), và sai các môn đệ rao giảng Tin mừng cho muôn dân (28, 19).

    3) Luca là tác giả nói nhiều hơn cả đến Thánh Thần trong cuộc đời của đức Giêsu, từ khi thụ thai (1,35), cũng như trong suốt cuộc đời. Bài giảng ra mắt tại hội đường Nadareth (4,14) cho thấy lời Is 61 được ứng nghiệm nơi đức Giêsu: “Ngài được Thánh Thần tấn phong sao đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo”. Ngoài tác động của Thánh Thần được biểu lộ qua việc trừ quỷ. Luca còn nói tới Thánh Thần tác động trong lời cầu nguyện (10,21) và chính đức Giêsu khuyên các môn đệ khi cầu nguyện thì hãy xin Cha trên trời ban Thánh Thần cho (11,13). Ngoài ra Thánh Thần được hứa ban để trợ giúp cho các môn đệ khi phải làm chứng cho đức Kitô (12,12). Luca sẽ tiếp tục đề tài này trong Tông đồ công vụ.

    4) Ngoài những đặc trưng của mỗi thánh sử. Phúc âm nhất lãm còn có những điểm trùng hợp khi nói tới tác động của Thánh Thần trong cuộc đời của đức Giêsu vào những khung cảnh sau đây:

    - Khi đức Giêsu lãnh phép rửa ở Hòa Giang, Thánh Thần đáp xuống trên Ngài (Mc 1,10; Cv 10,38), chứng tỏ vai trò của vị cứu tinh và tôi tớ mà các ngôn sứ đã tiên báo (Is 11,2; 42,1): Ngài được xức dầu và được sai đi để mang tin mừng giải phóng cho người nghèo.

    - Thánh Thần dẫn đức Giêsu lên hoang địa để đương đầu với thần dữ (Mc 12; Mt 4,1; Lc 4,1). Đức Giêsu đã chiến thắng ma quỷ, lật ngược lại tình thế ban đầu khi mà tổ phụ Adong đã bị ma quỷ lường gạt. Từ cuộc chiến thắng trên hoang địa, nhờ sức mạnh của Thánh Thần, đức Giêsu tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại sự đô hộ của Satan trên thế giới, nhất là nơi con người (Mc 1,27; Mt 4,10; 12,28; 16,23; Lc 11,20). Luca cũng cho biết là ma quỷ chuyên rình rập để tung ra cuộc giao chiến quyết tử vào hồi tử nạn (Lc 22,53).

    - Thánh Thần hướng dẫn tất cả sứ mạng của đức Giêsu truyền giảng Tin mừng (Lc 4,16-30); đức Giêsu quả thực là ngôn sứ bởi vì lời giảng của Ngài có uy lực (Mc 1,22.27). Luca còn nói tới tác động của Thánh Thần trong việc cầu nguyện của đức Kitô (3,21-22; 10,21) và trở thành đối tượng của lời cầu mai sau của các môn đệ.

    2. Gioan

    Gioan một đàng nói tới Thánh Thần như hồng ân được ban từ Thập giá của đức Kitô, đàng khác cũng nói tới Thánh Thần như Trạng Sư, Đấng an ủi từ Cha đến.

    1/ Thánh Thần như ơn ban từ Thập giá và sự phục sinh của đức Kitô

    Vào lúc đức Giêsu chịu phép rửa ở Hòa Giang, Gioan đã mô tả rằng Thánh Thần từ trời đáp xuống và ngự lại trên Ngài giống như trong đền thờ (1,32; x. Ds 14,10); hơn thế nữa đức Giêsu lại có thể ban phát Thánh Thần cách dồi dào (1,34), bởi vì Ngài trở nên nguồn mạch Thánh Thần (7,37-38). Điều này được thực hiện vào giờ Thập giá (19,30.34) và vào lúc Phục sinh (20,28). Thực vậy, vào lúc đức Giêsu tắt thở trên thập giá (Mc 17,37: ễpnéuen). Gioan mô tả như là “trao ban thần khí” (paredoken to pneuma, 19.30). Tiếp theo đó, một người lính đã thọc thủng vào cạnh sườn của đức Giêsu, lập tức máu và nước chảy ra (19,34). Chính lúc đó “mọi sự đã hoàn tất”, nghĩa là Thánh Thần, nước hằng sống được ban cho nhân loại từ Thập giá (7,37-39). Điều này được bộc lộ qua cử điệu của đức Kitô Phục sinh đã hà hơi trên các tông đồ: Ngài trút ban Thánh Thần cho họ để tha tội (20,22-23), tương tự như Thiên Chúa đã hà hơi và tạo dựng vũ trụ lúc khai nguyên (St 2,7). Gioan muốn trình bày Thánh Thần như là “Hồng ân” (Donum), được đức Kitô trao tặng cho các môn đệ, để ở lại với họ và trong họ (14,17.20).

    2/ Thánh Thần Đấng An ủi

    Trong cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu với các môn đệ tại nhà Tiệc ly, ở các chương 14-16, Gioan đã trình bày tỉ mỉ hơn vai trò của Thánh Thần nơi các tín hữu, cũng như mối liên hệ giữa Thánh Thần với Chúa Cha và với đức Kitô.

    a) Đặc biệt, không những Thánh Thần được gọi là “Thần khí thánh thiện” (Spiritus Sanctus: 14.26) mà còn là “Thần khí của chân lý” (Spiritus veritatis: 14,17; 15,26; 16,13; x.1Ga 4,6). Ngài được gọi là thần khí của chân lý, bởi vì thần khí là chân lý (1Ga 5,6; x. 4,23.24); Ngài đến giúp cho chúng ta tin nhận đức Kitô là chân lý (Ga 14,16), hướng dẫn các môn đệ đào sâu hơn lời của đức Kitô. Thánh Thần sẽ không dạy chân lý nào khác những gì đức Kitô đã dạy, nhưng sẽ giúp cho các môn đệ nhớ lại lời của đức Kitô, nghiền ngẫm thấm thía hơn(16,12-15). Một danh hiệu khác của Thánh Thần là Paraclitus (có nghĩa là: trạng sư, bầu cử). Vai trò của Thánh Thần sẽ là biện hộ cho đức Kitô trước tòa án thế gian khi họ kết tội Ngài cách oan uổng phải chết trên thập giá, hay khi họ từ chối không chấp nhận tin Ngài (16,8). Dĩ nhiên Thánh Thần cũng sẽ đứng bên cạnh các môn đệ trong công cuộc làm chứng tá cho đức Kitô (Ga 15,26-27; 16,27).

    b) Thánh Thần được đức Giêsu sai đến với các môn đệ để tiếp tục sứ mạng của mình. Như vậy Thánh Thần là một vị khác việt với đứ Kitô, cũng như khác biệt với Chúa Cha (Thánh Thần xuất phát từ Cha: Ga 15,26).

    3. Tông đồ công vụ

    Trong sách Tông đồ công vụ, Luca đã trình bày vai trò của Thánh Thần trong đời sống của Hội thánh với những nét tương tự như tác động của Thánh Thần trong đời sống của Đức Giêsu trong Phúc âm. Cũng như trước đây Thánh Thần đã đáp xuống đức Giêsu vào lúc chịu phép rửa (Lc 3,21-22) để sai đi rao giảng Tin mừng cho hết mọi dân (Lc 4,16.25-27); nay Thánh Thần cũng đáp xuống Hội thánh vào dịp lễ ngũ tuần (Cv 2,1-4) để rao giảng Tin mừng dành cho hết mọi dân (Cv 2,14.39). Đối với người Do thái, lễ ngũ tuần tưởng niệm giao ước là chính Thánh Thần được ban trong khung cảnh không kém uy nghi như trên núi Sinai (chớp sáng và lưỡi lửa Cv 2,2-3, gợi lại cảnh sấm chớp mô tả ở Xuất hành chương 19-20). Thánh Thần được ban như hồng ân của đức Kitô phục sinh (Cv2,33, nhằm hoàn tất các lời hứa của Thiên Chúa (Cv 1,4; Lc 24,49). Thánh Thần được ban khi các môn đệ họp nhau cầu nguyện (Cv 1,14; 2,1). Sách Công vụ còn nói tới nhiều lần Thánh Thần đã đến vào lúc cộng đồng đang cầu nguyện (4,31; 10,44-47).

    Thánh Thần không những chỉ được ban vào lúc khai sinh cộng đoàn Hội thánh tại Giêrusalem, tại Êphêsô (19,5-6) và các nơi khác, nhưng Ngài còn đi kèm Hội thánh trong cuộc sống, khi hướng dẫn những bước đường truyền giáo (8,29.39) mở rộng tới biên cương mới (ch. 10; 15,28; 16,6), đặc biệt là những chuyến hành trình truyền giáo của Phaolô (13,2.4; 16,6; 20,22.23.28; 21,4.11); Thánh Thần hỗ trợ Hội thánh để làm chứng cho đức Kitô bất chấp những đe loi, bắt bớ (1,8; 4,31; 5,32; 15,8; 28,31).

    4. Phaolô

    Trong các tác giả Tân ước, Phaolô là người nói nhiều nhất về Thánh Thần, với những khía cạnh cũng rất độc đáo. Thực vậy, một đàng Phaolô đã gắn liền Thánh Thần với đức Kitô phục sinh; đàng khác, Phaolô đã đề cập rất nhiều tới vai trò của Thánh Thần trong đời sống của Hội thánh và của các Kitô hữu.

    1/ Thánh Thần với đức Kitô.

    Phaolô nhiều lần nói tới Thánh Thần (hay thần khí) của đức Kitô (Rm 8,9; Pl 1,19). Từ ngữ ấy có nghĩa là gì: phải chăng là tinh thần của đức Kitô? hay là Đức Kitô cũng là Thần khí (Đức Kitô với Thánh Thần cũng là một)? Theo các nhà chú giải, cần phải trở về với bối cảnh của Cựu ước đã có từ ngữ “Thần khí của Thiên Chúa” để nói tới sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi. Thánh Phaolô đã nhìn thấy sự can thiệp của Thần khí Chúa cách đặc biệt vào lúc Thiên Chúa cho đức Kitô phục sinh (Rm 8,11; 14,1; 1Cr 15,45), nhờ đó đức Kitô có thể ban thần khí cho ta. Nói khác đi, chính nhờ sự phục sinh, đức Kitô đã nhận lãnh được thần khí của Chúa để ban cho ta, nhờ đó ta có thể sống trong đức Kitô, đang khi chờ đợi sẽ được sinh giống như đức Kitô.

    2/ Thánh Thần với Hội thánh

    Như đã thấy trong Tông đồ công vụ, Phaolô đã được Thánh Thần hướng dẫn trong suốt cuộc hành trình truyền giảng Tin mừng. Phaolô đã nhìn nhận như vậy trong các thư gửi cho các giáo đoàn: lời lẽ của Phaolô không văn hóa bóng bẩy dựa theo thuật hùng biện nhưng là dựa trên quyền năng của Thánh Thần (1 Tx 1,5; 1Cr 2,4-5). Hơn thế nữa, Thánh Thần không những chỉ đi kèm theo lời giảng của Phaolô nhưng Thánh Thần còn đến với những người đón nhận Tin mừng mà Phaolô rao giảng. Nói cách khác Thánh Thần cũng tác động nơi các cộng đồng Kitô hữu nữa. Sự hiện diện sinh động của Thánh Thần được thể hiện qua các linh ân và đặc sủng, được Phaolô mô tả chi tiết trong những chương 12-14 của thư thứ nhất gửi Corintô.

    Tuy nhiên Thánh Thần không những chỉ tác động trong Hội thánh qua những đặc ân phi thường mà thôi. Thực ra, như Phaolô đã nói rõ, những đặc sủng được Thánh Thần ban cho Hội thánh với mục tiêu là xây dựng cộng đoàn (1 Cr 12,7). Thánh Thần là nguyên ủy của sự thông hiệp trong Hội thánh: Ngài kiến tạo Hội thánh để trở thành một đền thờ (1 Cr 3,16), cung điện cho Thiên Chúa ngự (Ep 2,22); Ngài kết hợp hết mọi phần tử thành một thân thể trong đức Kitô của Ngài không phải chỉ phát lộ qua những đặc ân ngoạn mục, nhưng còn qua những công tác sâu đậm tác dụng trong thâm tâm của mỗi tín hữu.

    3/ Thánh Thần với các Kitô hữu

    Thực vậy, Thánh Thần đến với các tín hữu để canh cải họ ngay từ con tim, khi Ngài biến đổi họ từ thân phận nô lệ (Gl 4,7) sang tình trạng tự do của con cái Chúa (Gl 5,1), nhờ thế họ không còn phải sợ hãi trước mặt Chúa nữa; trái lại, tràn đầy tin tưởng họ có thể thốt lên: Abba, cha ơi (Rm 8,15; Gl 4,6). Thánh Thần đến giúp ta cầu nguyện cho xứng đáng (Rm 8,26-27). Thánh Thần trở nên một nguyên ủy mới tác động trong cuộc đời của ta, biến ta thành thụ tạo mới (Gl 6,15; 1 Cr 5,25) khiến ta đi theo Thánh Thần chứ không hành động theo xác thịt nữa (Gl 5,18-21). Đời sống mới được biểu lộ qua bác ái yêu thương (Gl 5,13) và những hoa trái của Thánh Thần: vui vẻ, bằng an, nhẫn nại, từ thiện, nhân hậu, trung tín, hiền lành, tự chủ. Như vậy, toàn thể đời ta sẽ trở thành một cuộc phụng thờ Thiên Chúa (Pl 3,3). Thánh Thần ngự trong ta là bảo chứng cho ơn cứu rỗi toàn diện, tức là ơn phục sinh mai hậu (Rm 8,23; 2Cr 5.5: Ep 1,14).

    Kết luận

    Có thể nói không dễ gì mà tìnm được một danh hiệu duy nhất có thể cô đọng tất cả những đặc tính của Thánh Thần. Tuy nhiên, Tân ước khẳng định một số danh hiệu mà sau này Hội thánh lấy lại, trong các tín biểu.

    - Ngài là thần khí ban sự sống (x. Ga 6,63; Rm 8,2), vì là tác nhân ban sinh lực cho vũ trụ và cho con người ngay từ hồi tạo dựng. Hơn thế nữa, sức sống mà Ngài mang lại không chỉ giới hạn vào lãnh vực tự nhiên; sức sống ấy còn khơi dậy các ngôn sứ để loan báo tin mừng, giải phóng con người khỏi hết quyền lực của tối tăm, tội lỗi, sự chết.

    - Ngài là thần khí của sự thánh thiện, tức là “Thánh Thần”, vì ban cho con người sự thánh thiện của Chúa, nguyên ủy thánh hóa nhân loại.

    - Ngài là thần khí của tình yêu và hợp nhất, vì đã đổ tràn tình yêu xuống tâm hồn ta, ghi khắc giao ước vào thâm tâm con người, giúp cho con người hiểu biết Chúa hơn. Ngài là nguyên ủy hợp nhất trong các cộng đoàn Hội thánh, liên kết các tín hữu nên một với đức Kitô.

    - Ngài cũng là thần khí của tự do và chân lý, vì đã giải thoát con người khỏi hết mọi ách nô lệ hay sợ hãi: tội lỗi, đau khổ, chết chóc.

  2. #2

    Mặc định Thần học về Chúa Thánh Thần (p.2)


    B. SỰ TIẾN TRIỂN ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH VỀ CHÚA THÁNH THẦN

    Những chặng tiến triển của đức tin và thần học về Thánh Thần, chia thành ba giai đoạn chính: thời giáo phụ, thần học Trung cổ, thời cận đại.

    I. Thời giáo phụ

    Vào những thế kỷ đầu, tuy Thánh Thần được nhắc tới nhiều trong các bài giảng của các giáo phụ cũng như trong các tín biểu, nhưng có thể nói được là chưa trở thành đề tài thần học. Một đàng bởi vì tất cả sự chú ý được dành cho đức Kitô hoặc cho mối liên hệ giữa đức Kitô với Chúa Cha. Đàng khác bởi vì vào buổi đầu, các giáo phụ (họa theo tư tưởng của Kinh thánh) trình bày Thánh Thần như là sức mạnh của Thiên Chúa tác động trong lịch sử cứu rỗi, hoặc như là hồng ân của Thiên Chúa ban cho tín hữu. Vì thế các vị không bận tâm mấy tới những vấn đề siêu hình.

    Từ thế kỷ III, với thánh Irênêô và nhất là với trường phái Alexanđria chịu ảnh hưởng triết học Hy lạp, các giáo phụ mới bắt đầu suy luận về bản thể của Thánh Thần cũng như về mối tương quan với Thiên Chúa và đức Kitô. Vài từ ngữ chuyên môn được sử dụng để diễn tả mầu nhiệm Ba ngôi, thí dụ như: “hypostatis” trong tiếng Hylạp (Origene), “trinitas, una substantia, tres personae” trong tiếng latinh (Tertullianô).

    Sang thế kỷ IV, khi những cơn cấm đạo đã chấm dứt, thì những cuộc tranh luận về Thánh Thần bắt đầu. Vì muốn duy trì đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất, nên lạc giáo Arinô chủ trương rằng đức Kitô chỉ là một thụ tạo. Trong viễn tượng đó, Thánh Thần cũng được coi là một thụ tạo và còn dưới đức Kitô nữa. Để phản ứng lại công đồng Nicea(325) đã tuyên xưng rằng “đức Kitô là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, đồng bản tính (homoousios) với Cha”. Sau khi đã xác định đạo lý về đức Kitô xong, thánh Cirillô Giêrusalem và Athanasio mới quay sang những chủ trương của lạc giáo Ariô liên quan tới Thánh Thần. Cũng như Euđôxiô (+370) và Eunômiô (+394) chủ trương rằng Con là một thụ tạo của Cha, thì Maceđôniô coi Thánh Thần là một thụ tạo. Từ đó gây ra lạc giáo “Maceđôniani” (còn gọi là “Pneumatomachi”, những người chống lại thiên tính của Thánh Thần). Đạo lý chính thống của Hội thánh về Thánh Thần đã được phát triển nhờ các giáo phụ Cappadoxiô: ba vị Basiliô. Grêgôriô Nazianzenô, Grêgôriô Nissa đào sâu hơn đạo lý của Kinh thánh, tìm cách diễn tả mối tương quan giữa Thánh Thần với Cha và Con. Grêgôriô Naziazênô quả quyết rằng Thánh Thần “đồng bản tính” (homousia) với Cha: Thánh Thần “phát xuất” (ekporeuesthai. procedit) từ Cha.

    Thần học của Grêgôriô Nazianzênô (trở thành Giám mục Constantinopoli từ năm 381) đã ảnh hưởng khá nhiều trên Công đồng họp tại thành phố này cũng vào năm đó. Lời tuyên xưng về Thánh Thần còn vang trong các tín biểu mà chúng ta đọc trong Thánh lễ các ngày chúa nhật: “Chúng tôi tin kính Thánh Thần, là Thiên Chúa và Đấng ban sự sống (to kyrion kai zôopoion), xuất phát từ Cha (ekporeuomenon ek tou patros), được phượng thờ cùng với Cha và Con (symproskynoumenon)”.

    Trong lời tuyên xưng vừa nói, công đồng Constantinôpôli tóm lại những chân lý nền tảng về bản tính cũng như về chức phận của Thánh Thần.

    1) Về bản tính của Thánh Thần, tuy công đồng không định nghĩa Thánh Thần “đồng bản tính” với Cha như khi nói về đức Kitô; nhưng Thánh Thần được xưng là “đức Chúa” (to kyrion), có nghĩa là: Ngài là Thiên Chúa chứ không phải là thụ tạo. (Nên biết rằng Đức Kitô cũng được tuyên xưng là đức Chúa: Kyrios). Tư tưởng này dựa theo 2Cr 3,17-18.

    2) Về chức phận, Thánh Thần được gọi là “Đấng ban sự sống” (dựa trên 1 Cr 15,45; 2Cr 3,6; Ga 6,63), nghĩa là Ngài là tác giả ban sức sống (giống như Thiên Chúa) chứ Ngài không phải chỉ là hồng ân sức sống được Chúa ban cho nhân loại. Hơn thế nữa, ta có thể hiểu rộng hơn về sức sống siêu nhiên (đời sống của các nhân đức): Thánh Thần là Đấng ban ơn thánh, Đấng thánh hóa vạn vật.

    3) Xét về mối tương quan với Cha và Con, Công đồng chỉ nói rằng Thánh Thần “phát xuất” từ Cha (dựa trên 1Cr 2,12 và nhất là Ga 15,26), nhưng không đả động tới mối liên hệ với Con; mãi về sau thần học Tây phương mới thêm: Filioque (bởi Cha và Con).

    4) Khi nói rằng Thánh Thần “được thờ phượng cùng với Cha và Con”, thì tuy không dựa trên bản văn Kinh thánh cụ thể nào, nhưng Công đồng coi việc dành sự tôn vinh cho Thánh Thần ngang với Cha và Con như là hệ luận từ công thức rửa tội ở Mt 28,19 (nhân danh Cha và Con và Thánh Thần). Trước đó vào năm 374, thánh Basiliô đã quảng bá kinh Vinh danh (Gloria) theo công thức như sau: Vinh danh Cha, với (syn) Con, với Thánh Thần (De Spiritu Sancto 1,3; PG 32,72).

    5) Sau cùng, bàn về tác động của Thánh Thần trong lịch sử cứu rỗi, thì trước đó công đồng đã nhắc tới tác động của Thánh Thần trong việc đức Kitô thụ thai trong lòng trinh nữ Maria; tiếp đến, công đồng còn thêm tác động của Thánh Thần nơi các ngôn sứ (“Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy”). Lời khẳng định này có lẽ nhằm tới ơn linh ứng của Sách thánh (dựa theo 2 Pr 1,21); nhưng cũng có lẽ muốn phi bác lạc giáo marcion, vì coi Cựu ước (các sách Cựu ước với Tân ước (quan điểm nhị nguyên của phái ngộ đạo).

    Công đồng Constantinôpôli đã đánh dấu một khúc quặt trong thần học về Thánh Thần. Trước đây, Kinh thánh nói tới Thánh Thần như là quyền năng của Thiên Chúa tác dụng vào lịch sử cứu rỗi; công đồng thêm một chiều kích nữa, đó là bản tính Thiên Chúa của Ngài và mối liên hệ với Cha và Con. Sự tuyên xưng đức tin về Thánh Thần đi kèm theo sự chúc tụng tôn vinh của Phụng vụ. Như vậy, công đồng kết hợp ba chiều hướng thần học về Thánh Thần: a) tác động trong lịch sử cứu rỗi; b) bản tính Thiên Chúa; c) phụng vụ. Tiếc rằng sự quân bình ấy không còn được duy trì trong các thế hệ kế tiếp, khi mà chiều kích siêu hình được đẩy mạnh (thần học ban tới Thánh Thần trong tương quan nội tại của Ba ngôi) hơn là hai chiều kích kia.

    Sự chuyển hướng đó có thể thấy nơi Augustinô. Đang khi mà Basiliô coi tác động đặc hữu của Thánh Thần như là Đấng thánh hóa và là ánh sáng chân lý của nhân loại thì Augustiô coi đặc hữu của Thánh Thần như là Tình yêu giữa Cha với Con. Augustinô diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi qua phạm trù “liên hệ” (relatio): ba Ngôi không phải là ba Chúa, nhưng là ba mối liên hệ giữa ngôi vị: mỗi ngôi có mối liên hệ với hai ngôi khác. Mối liên hệ giữa Thánh Thần với Cha và Con được gọi là “phát xuất” (processio); hậu quả là Thánh Thần phát xuất từ Cha và Con. Do ảnh hưởng của Augustinô, các giáo hội Latinh đã thêm tiếng Filioque vào kinh tin kính (“procedit a Patre Filioque”). Sáng kiến này khởi đầu từ công đồng Toleđô XI bên Tây ban nha (675), nhưng đã bị các giáo hội Đông phương phản đối. Từ đó, đề tài “Filioque” trở nên mối tranh chấp giữa Công giáo và Chính thống. (Do việc thiếu nhãn quan lịch sử, các nhà thần học Latinh tố cáo là bên Đông phương rối đạo vì đã gạt bỏ “Filioque” khỏi kinh tin kính, đang khi mà sự thực là bên Latinh đã thêm vào). Trước khi chấm dứt thời giáo phụ, cần phải thêm rằng tuy Augustiô chú trọng tới Thánh Thần như là tình yêu giữa cung lòng Ba Ngôi, nhưng vị tiến sĩ này cũng không quên tác động của Ngài trong Hội thánh, Thánh Thần là nguyên ủy thánh hóa và hợp pháp của Hội thánh.

    II. Thần học Trung cổ

    Như vừa nói, một trong những lý do đưa tới sự chia rẽ giữa Rôma và Constantinôpôli vào năm 1054 là vì Giáo hội latinh đã tự tiện thêm tiếng “Filoque” vào kinh Tin kính. Thật là đáng tiếc khi các giáo hội chia rẽ chung quanh thần học về Chúa Thánh Thần, nguyên ủy hợp nhất của Giáo hội Các công đồng Lyon II (1274) và Firenze (1439) cố gắng tìm công thức hòa giải nhưng không thành. Sự tuyệt giao giữa Đông với Tây đã làm cho thần học Latinh trở nên nghèo nàn, nghĩa là Thánh Thần rất ít được nhắc tới trong thần học và trong thực hành.

    Trong bộ Tổng luận Thần học, thánh Tôma Aquinô đã bàn đến Thánh Thần khi nói tới các tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (S. Th. I. qq.36-38). Cách riêng Thánh Thần được gọi là Tình yêu (Amor) và Ân ban (Donum). Tiếp đó, trong phần quen thuộc gọi là luân lý thánh Tôma đặt Thánh Thần làm trọng tâm của luật mới, giao ước Tình yêu nhờ 7 ân huệ mà Ngài ban, các hoạt động của các tín hữu mang giá trị công trạng siêu nhiên của con cái Chúa, đáng được hưởng kiên nhan Chúa.

    Theo các sử gia, một lý do khiến cho các nhà thần học Trung cổ dè dặt khi nói về Thánh Thần có lẽ vĩ sợ rơi vào lạc thuyết của Gioakim Fiore, một viện phụ người Calabria miền nam Italia (1135-1202). Gioakim đã chia lịch sử nhân loại thành ba giai đoạn: giai đoạn đầu tương ứng với Cựu ước, là kỷ nguyên của Chúa Cha (sợ hãi), giai đoạn hai bắt đầu từ Tân ước là kỷ nguyên của Chúa Con (đức tin): còn giai đoạn ba là kỷ nguyên của Thánh Thần: và đâu có Thánh Thần đấy có tự do và tình yêu: trong Hội thánh sẽ không cần luật lệ phẩm trật gì nữa. Phong trào theo Gioachim được bành trướng trong thế kỷ XIII. Không lạ gì mà các thần học gia thời đó sợ nói tới Thánh Thần kẻo bị chụp mũ là có cảm tình với phong trào.

    III. Thời cận đại

    Vào thời Cải cách, Lutêrô và Calvinô nại đến Thánh Thần để đòi hỏi Giáo hội giảm bớt các cơ chế luật lệ, ngõ hầu các tín hữu được tự do theo Thánh Thần linh ứng khi đọc Sách thánh. Nhưng chẳng mấy chốc, Lutêrô và Calvinô đã phải đương đầu với những nhóm quá khích tư xưng là ngôn sứ của Thánh Thần và không cần tới Sách thánh nữa.

    Về phía Công giáo việc phản ứng lại những nguyên tác căn bản của Tin Lành (bị coi là đức tin chủ quan) đã đưa tới chỗ nhấn mạnh tới vai trò của Huấn quyền, tín điều, giáo luật trong Hội thánh. Nói khác đi, ra như Hội thánh chỉ gồm nên bởi cơ chế, không còn chỗ trống cho Thánh Thần len vào. Lâu lâu Thánh Thần mới tới giúp đỡ Giáo hoàng mỗi khi cần phải tuyên bố tín điều.

    Luồng gió của Thánh Thần từ từ thổi vào Giáo hội vào cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, với những tác phẩm của J.A. Moenier (+1838) bàn về vai trò của Thánh Thần trong đời sống Hội thánh. Thông điệp Divinum illud munus (9-5-1897) của đức Lêo XIII tuyên xưng rằng Hội thánh có đức Kitô là đầu và Thánh Thần là linh hồn. Cũng trong chiều hướng đó, đức Piô XII, trong thông điệp Mystici Corporis (29-6-1943), coi HT là nhiệm thể của đức Kitô với Thánh Thần là nguyên ủy hợp nhất.

    Theo lời của đức Phaolô VI trong buổi tiếp kiến ngày 23/5/1973, Công đồng Vaticano II đã nói tới Thánh Thần 258 lần trong các văn kiện. Nói chung, Thánh Thần được bàn trong mối tương quan Ba ngôi, nguyên ủy chủ động của kế hoạch cứu rỗi (thí dụ: DV 2; SC 6; AG 7); hoặc trong tương quan với đức Kitô (Lg 8): cách riêng trong tương quan với Hội thánh (LG 4.7.15). Ngoài ra, công đồng cũng bàn tới Thánh Thần trong phụng vụ (SC 7) và trong dòng lịch sử (AG 4; GS 11,26).

    Sau công đồng, một luồng gió ảnh hưởng không nhỏ tới thần học về Thánh Thần là phong trào canh tân Thánh Linh, bắt nguồn từ những phong trào tương tự bên Tin lành (pentecostalism) và du nhập vào công giáo từ năm 1967 (đại học Duquesne, Pittsburg, Hoa kỳ). Sau những dè dặt vào buổi đầu, Tòa thánh tìm cách hướng dẫn họ, và nhìn nhận như một hồng ân giúp vàp sự canh tân đời sống Hội thánh. Dù sao, có lẽ phong trào đã lôi kéo các nhà thần học chú ý hơn đến Thánh Thần: những tác phẩm chuyên biệt về Thánh Thần (pneumatologia) lần lượt được xuất bản, với những ngòi bút nổi tiếng như: H. Urs von Balthasar. Y. Congar, L. Bouyer, F.X. Durrwell.

    C. THÁNH THẦN TRONG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA

    Vào những thế kỷ đầu tiên, các giáo phụ nói đến Thánh Thần như là sức mạnh (hay sinh khí) mà Thiên Chúa tác động trong lịch sử cứu rỗi. Từ thế kỷ thứ ba, Thánh Thần được nhìn dưới khía cạnh bản thể, dẫn đến sự định tín về thiên tính ở công đồng Constantinopoli vào năm 381. Sang thời Trung cổ, hầu như Thánh Thần chỉ còn được bàn tới trong tương quan nội tại của Ba ngôi Thiên Chúa, hơn là đến tác động của Ngài trong lịch sử cứu rỗi. Ngày nay, khi ôn lại Kinh thánh cũng như lịch sử, người ta thấy cần phải dung hòa cả hai chiều kích:

    a/ chiều kích bản thể xét trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa và

    b/ chiều kích tac động (như sinh lực và thánh hóa) trong lịch sử cứu rỗi.

    Thực ra thì kể cả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cũng cần được xét tới trong cả hai chiều kích: vừa bản thể (Trinitas ontologica, immanens) vừa cứu rỗi (Trinitas oeconomica).

    Phúc âm nhất lãm trình bày tác động của Thánh Thần nơi đức Kitô theo kiểu cách tương tự như tác động trên các ngôn sứ của Cựu ước. Trong các thư của thánh Phaolô có nhiều đoạn xem ra Thánh Thần với đức Kitô cũng là một. Nơi phúc âm thứ bốn, ta tìm thấy rõ sự khẳng định là Thánh Thần được đức Kitô phái đến các môn đệ và Thánh Thần xuất phát từ Cha (Ga 15,26). Tín biểu của công đồng Constantinôpôli đã lấy lại dụng ngữ đó: “Thánh Thần xuất phát (ekporeuomenon, procedit) từ Cha”. Thế nhưng từ thế kỷ VI, các Giáo hội bên Tây phương (khởi sự từ Toleđô bên Tây Ban Nha) thêm vào “Filioque” (Thánh Thần xuất phát từ Cha và Con), gây ra cuộc chia rẽ giữa Tây phương với Đông phương. Đông phương tố Tây phương là rỗi đạo vì đã thêm “Filioque” vào kinh tin kính: đối lại, Tây phương lại tố Đông phương là rối đạo vì không chấp nhận đức tin “Finlioque”. Ngày này, nhờ những cuộc đối thoại đại kết cũng như nhờ những cuộc khảo cứu lịch sử, người ta thấy là chẳng có bên nào rối đạo cả. Đông phương có lý khi phản đối Tây phương đã đơn phương thêm thắt một hạn từ vào tín biểu của công đồng Constantinôpôli; theo họ, duy có một công đồng hoàn vũ. Mặt khác, Đông phương với Tây phương có hai lối diễn tả khác nhau về mầu nhiệm Ba Ngôi. Tây phương đi từ vấn đề một Thiên Chúa duy nhất trong bản tính, rồi sau đó mới tiến sang vấn đề Ba Ngôi bằng nhau. (Từ đó công thức chúc tụng là: Vinh danh Cha và Con và Thánh Thần). – Còn Đông phương thì đi ngược lại: từ các ngôi vị khác nhau để tiến tới một Thiên Chúa duy nhất: vì vậy cần phải duy trì một nguyên ủy trong mầu nhiệm Ba Ngôi, tức là Cha (Do đó công thức chúc tụng là: “Vinh danh Cha và Con trong Thánh Thần”). Hai đường lối khác nhau cùng diễn tả một đức tin duy nhất. Tân ước cũng đã chẳng có nhiều phương thức khác nhau khi trình bày về Thánh Thần đó ư? (xc. Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo số 243-248).

    Dù sao, thì khi nhìn từ nước Việt Nam, cả Tây phương lẫn Đông phương (nghĩa là Rôma và Constantinôpôli) đều nằm ở hướng Tây. Vì thế, có lẽ vấn đề những dị biệt giữa các phương thức thần học của hai trường phái vừa kể không quan trọng đối với chúng ta cho bằng bản chất của chính Thánh Thần. Tuy nhiên, thiết tưởng không phải là thừa khi nhắc lại lời khuyên của thánh Tôma Aquinô: “Khi đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa, tốt hơn bạn hãy giữ thái độ tim lặng kính cẩn thay vì tuyên bố phát biểu” (Venerantes indicibilia Deitatis casto silentio, De divinis nominibus c.1, lect.2; Summa Theol. I.q.1.a.9.ad 2; III.q.3). Sau khi đã kính cẩn khẩn nài Thánh Thần đến mớm cho chúng ta lời chúc tụng (Rom 8,26), chúng ta mới dám mạo muội bập bẹ đôi lời về Ngài.

    Trong lịch sử thần học, khi trình bày về mối liên hệ giữa Thánh Thần với Ba Ngôi, người ta nhận thấy có hai lối diễn tả khác nhau nơi thánh Tôma Aquinô và thánh Bonaventura, tuy cả hai cùng dựa trên thánh Augustinô. Thánh Tôma đi từ Thiên Chúa như là Hữu thể (Esse), một hữu thể tinh thần với hai tác động là tri thức và yêu mến; từ đó có hai nhiệm xuất của Lời và của Tình yêu (tức là Ngôi Hai và Ngôi Ba). Còn thánh Bonaventura thì khởi sự từ Thiên Chúa như Sự Thiện (Bonum). Sự Thiện tự bản chất là thông đạt tỏa lan (bonum diffusivum sui). Thiên Chúa là sự Thiện Tuyệt Đối, cho nên cũng trào ra và thông đạt: Cha là “kẻ yêu” thông ban mình cho Con; Con là “Kẻ được yêu” tiếp đón tình yêu của Cha; Thánh Thần là tình yêu nối kết giữa Cha và Con. Thực ra, đằng sau hai lối diễn tả của thánh Tôma và thánh Bonaventura, người ta nhận thấy có hai chiều hướng triết học, một bên là của Aristote và một bên là của Platon. Dù diễn tả cách nào đi nữa, Thánh Thần vẫn được coi như Tình yêu liên kết giữa Cha và Con (vinculum amoris), tình yêu trao ban hỗ tương. Hơn thế nữa, tình yêu ấy không khép kín lại trong nội tại của Thiên Chúa, nhưng tiếp tục trao ban dạt dào ra ngoài (ex-tasis). Vì thế, không lạ gì mà tất cả các hoạt động của Thiên Chúa ra bên ngoài (công trình tạo dựng và cứu chuộc) đều được coi như trào ra từ tình yêu trao ban nội tại của Ba Ngôi. Chúng ta đọc thấy tư tưởng ấy nơi số 2 của Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Công đồng Vatican II: Việc “sai đi” (phái cử: missio) của Hội thánh bắt nguồn từ việc sai đi (phái cử) của Con và của Thánh Thần theo dự án của Chúa Cha. Dự án đó phát nguồn từ “suối nguồn tình yêu” (amor fontalis), nghĩa là tình yêu của Cha, Cha là Tình yêu nguyên thủy, từ đó Con được sinh ra, và Thánh Thần đã tạo dựng và kêu gọi chúng ta vào chia sẻ sự sống và vinh quang của Ngài.

    Như vậy, tất cả những gì Thiên Chúa đã thựuc hiện đều bắt nguồn từ tình yêu dạt dào vô biên của Ngài. Nói thế có nghĩa tất cả những gì Thiên Chúa đã làm trong vũ trụ và lịch sử nhân loại đều bởi Thánh Thần, tình yêu trao ban và đón nhận giữa Cha với Con. Đối lại, chính Thánh Thần biểu lộ cho ta thấy Thiên Chúa là Tình Yêu, là Hồng ân ban phát (x. 1Ga 4,8.16).

    Nơi con người chúng ta, tình yêu thương mang tính cách chiếm đoạt đối tượng thiện hảo, nắm chặt khư khư cho mình. Còn nơi Thiên Chúa, thì tình yêu lại thông ban chứ không nắm giữ chiếm đoạt. Hơn thế nữa, khi ban phát mình, Tình yêu nơi Thiên Chúa ra như hủy diệt mình nữa. Chúa Giêsu đã chẳng nói rằng: “không có tình yêu nào cao quý cho bằng chết cho người mình yêu” đấy ư? (Ga 15,13). Dĩ nhiên chính Chúa Giêsu đã áp dụng câu nói đó cho chính mình: Ngài đã tự hạ, tự hủy cho đến chết trên thập giá (Pl 2,6-11). Chúng ta cũng có thể nói một cách tương tự như vậy về Thánh Thần Tình yêu: Ngài không tỏ mình xuất hiện nhưng mà chỉ âm thầm tác động trong vai trò làm môi giới liên kết. Ngài là mối dây liên kết Cha với Con; Ngài cũng là mối dây kết tụ Hội thánh nên một gia đình và dẫn đưa họ về kết hiệp với Thiên Chúa. Ngài được ví như hơi thở, như làn gió; nhưng không ai thấy được hình thù của Ngài ra sao cả: Ngài là tình yêu kín đáo nép mình, trong nội tâm sâu thẳm của Thiên Chúa cũng như trong thâm tâm của con người (x.1Cr 2,11).

    Tuy nhiên, chính nhờ việc ẩn danh xóa mình đó mà Thánh Thần Tình yêu duy trì cho các bản vị được tự lập chứ không bị xóa nhòa tiêu diệt. Như vừa nói trên đây, con người chúng ta mỗi khi yêu thì có khuynh hướng muốn chiếm đoạt hoàn toàn người yêu. Còn tình yêu nơi Thiên Chúa thì không thế: sự thông đạt tình yêu đòi hỏi phải duy trì hai chủ thể; bởi vì nếu không còn là hai nữa thì đâu còn chi mà thông đạt trao đổi? Giữa lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, luôn luôn có sự thông đạt: Tình yêu liên kết các Ngôi vị, tạo nên sự hợp nhất nhưng không hủy bỏ sự phân biệt giữa Ba Ngôi. Đó là mầu nhiệm thông hiệp: hợp nhất trong khác biệt đa dạng Thánh Thần Tình yêu bảo đảm cho sự thông hiệp gữa lòng Ba Ngôi Thiên Chúa thì cũng trở thành nguyên tố và mẫu mực cho sự hiệp thông trong Hội thánh. Tất cả Hội thánh cần duy trì sự hợp nhất (tất cả một lòng một ý); nhưng sự hợp nhất không bóp chẹt tính cách đa nguyên đa dạng Thánh Thần được ví như nhạc trưởng điều khiển cả dàn nhạc, với những thanh âm nhạc cụ khác nhau, để cất lên một hòa tấu. Tình yêu của Thánh Thần liên kết những cái “tôi” thành nên “chúng tôi”.

    Tóm lại, khi chiêm nhắm Thánh Thần trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta không nên dừng lại ở những khái niệm trừu tượng siêu hình, nhưng cần phải tìm thấy nơi đó một mối liên hệ sinh động: Thánh Thần, tình yêu trao ban và liên kết giữa Cha với Con, cũng là tình yêu mà Thiên Chúa trao ban cho con người, mời gọi hết mọi người vào chia sẻ tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi.

    (TSTH số 6)

    Nguồn://daminh.net
    Last edited by minhthai; 26-02-2012 at 10:14 AM.

  3. #3

    Mặc định Thần Học Về Chúa Thánh Thần (p3)


    D. CHÚA THÁNH THẦN TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

    Chúa Thánh Thần là Tình yêu liên kết giữa Cha với Con. Tình yêu ấy không đóng khung khép kín nhưng đã tuôn trào ra, bởi vì Thiên Chúa đã thông đạt Tình yêu và Thiện hảo cho tạo vật (cách riêng là cho nhân loại) để mời gọi họ vào chia sẻ sự sống với mình.

    Trước đây, các sách giáo lý và thần học thường đặt sự can thiệp của Thánh Thần vào lịch sử kể từ lễ Ngũ tuần (Hiện xuống). Nhưng theo Kinh thánh và các giáo phụ, thì Ngài đã tác động ngay từ lúc khai nguyên vũ trụ. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã gom lại những sự can thiệp của Thánh Thần vào ba giai đoạn sau đây:

    - Thời hứa hẹn (số 702-716): tạo dựng, giao ước: ngôn sứ.

    - Thời viên mãn của đức Kitô (số 717-730).

    - Thời chót của Hội thánh (số 731-741).

    I. Thời hứa hẹn.

    Đành rằng phải chờ đến Tân ước, mặc khải về Thánh Thần như là một Ngôi vị mới rõ ràng: thế nhưng sau khi đã lãnh nhận mặc khải đó, các Kitô hữu đã đọc lại toàn thể lịch sử cứu độ và đã nhận ra tác động của Thánh Thần ngay từ lúc tạo dựng. Theo các bản văn Kinh thánh Cựu ước. “ruan Yaweh” (thần khí Chúa) không những đã hiện diện vào hồi tác tạo vũ trụ, nhưng còn tiếp tục duy trì cho các sinh vật tan tành thành mây khói. Thánh Thần được kêu cầu như là Thánh Thần tác tạo (Creator Spiritus). Hơn thế nữa, trong lịch sử của Israel, thần khí Chúa không những đã thổi lên làn gió rẽ ngang Biển đỏ để dân thoát cảnh nô lệ Ai cập, nhưng còn gợi dậy bao nhiêu sứ giả cứu tinh, đặc biệt là các ngôn sứ (x.1Pr 1,11; 2Pr 1,21).

    Các văn kiện gần đây của Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần nói tới hoạt động của Thánh Thần vượt lên mọi biên cương của không gian và thời gian (thí dụ: thông điệp Dominum et Vivificantem số 53, Redemptor Hominis số 6). Lời khẳng định này mang theo nhiều hệ luận quan trọng cho công tác truyền giáo của Hội thánh. Ai ai cũng biết rằng Hội thánh đã được sai đi mang Tin mừng cứu rỗi đến cho muôn dân. Tuy nhiên, các nhân viện phục vụ Tin mừng cần phải khiêm tốn nhìn nhận rằng không phải họ là những người tiên phong mang chân lý vào chỗ hoàn toàn u mê tăm tối. Không phải như vậy, Thánh Thần đã đi trước họ rồi; chân lý gieo vào lòng các dân tộc, các nền văn hóa và nhất là trong thâm tâm của mỗi người. Từ đó, nhà truyền giáo không nên có thái độ ngạo nghễ của một người đi xâm chiếm vùng đất hoang vu, nhưng cần có thái độ kính cẩn đi rón rén, kẻo dày đạp những hạt giống chân lý mà Thánh Thần đã gieo trước đó (x.Cv 10,47). Chúng ta đọc thấy tư tưởng này trong thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu độ) ở số 28-29 và 56. Nên biết là vào hồi Trung cổ, thánh Tôma Aquinô đã viết rằng đâu có dấu vết chân lý thì đấy có Thánh Thần (“Omne verum, a quocumque dicatur, a Spiritu Sancto est”; Sum. Theol, I-II.109.a.1.1m); còn đức Gioan Phaolô II thì chú trọng cách riêng tới lời cầu nguyện chân chính như là dấu chỉ sống động của Thánh Thần. Thực vậy, thánh Phaolô trong Rom 8,26 có nói rằng Thánh Thần đến giúp chúng ta cầu nguyện vì chúng ta không biết tìm lời lẽ xứng đáng thì cần phải coi đó như tác động của Thánh Thần (Dominum et viviticantem số 65; Redemptoris Missio số 29).

    II. Thời viên mãn.

    Tân ước đã cho thấy Thánh Thần tác động trong cuộc đời của đức Giêsu, từ khi nhập thể đến lúc Phục sinh; rồi từ biến cố Phục sinh Thánh Thần trở nên hồng ân mà đức Kitô ban cho nhân loại. Trong suốt cuộc đời ấy, có ba biến cố mà Thánh Thần can thiệp cách đặc biệt, đó là: vào lúc nhập thể, lúc lĩnh phép rửa, và trên thập giá.

    1) Mathêo và Luca đều giải thích việc đức Maria thụ thai đức Giêsu là do quyền năng của Thánh Thần (Mt 1,20; Lc 1,35). Điều này đã được tuyên xưng trong tất cả các tín biểu: “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người”. Dựa theo các giáo phụ, thánh Tôma Aquinô giải thích rằng vai trò của Thánh Thần là kết hợp Ngôi lời với nhân tính (gratia unionis), nhờ đó mà đức Giêsu được sung mãn ân sủng và chân lý để thông truyền cho chúng ta với tư cách là đầu của Nhiệm thể (x. S. Th III, q.2,aa.10-12; q.6,a.6; q.7,a.13).

    2) Vào lúc đức Giêsu lĩnh phép rửa ở sống Hòa giang, tất cả bốn Phúc âm đều mô tả sự xuất hiện của Thánh Thần (Mt3,18; Mc 1,10; Lc 3,21; Ga 1,32). Dựa theo Cv 10,37-38, nhiều giáo phụ (thí dụ: Irênêo, Adversus Haereses>, 3,18,3; Ambrôsiô, De Spiritu Sancto 1,3,44) đã giải thích biến cố đó như đức Giêsu được Thánh Thần xức dầu), để khởi sự sứ mạng ngôn sứ và cứu tinh (x.Is 42,1). Như chúng ta đã biết, chính nhờ quyền năng của Thánh Thần đáp xuống trên mình mà đức Giêsu mang Tin mừng đến cho người nghèo (Lc 4,18), giải phóng con người khỏi vòng nô lệ của ma quỷ (Mc 3,22-20; Mt 12,28), bệnh tật, tội lỗi, chết chóc (Mt 8,17; 12,15-21; Cv 10,38).

    3) Biến cố đức Kitô bị treo lên Thập giá được Thánh Gioan giải thích như là sự tôn vinh Thiên Chúa. Thiên Chúa được tôn vinh vì đã mạc khải tình yêu của Ngài qua việc trao ban Con Một mình cho nhân loại (Ga 3,16). Thánh Gioan không mô tả cái chết của đức Giêsu trên Thập giá như một thảm kịch của tình yêu trao hiến. Sự trao hiến đạt đến mức tột đỉnh khi mà tặng phẩm không phải là một “đồ vật” Thánh Thần chính là nhân vật được trao tặng. Thực vậy, thánh Gioan cho thấy rằng “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30) vào lúc mà đức Giêsu tắt thở: thế nhưng Gioan đã mô tả sự tắt thở không phải như sự trút hơi lìa đời mà là trút ban thần khí. Chương trình yêu thương cứu rỗi của Thiên Chúa được hoàn tất do việc đức Kitô hiến mạng sống mình cho những bạn hữu mình yêu, và cử chỉ tình yêu ấy được đóng ấn với sự trao ban Thánh Thần. Thánh Thần đã được ban phát ngay từ hồi nguyên thủy, nay được ban ra dồi dào từ cái chết của đức Kitô, như mạch suối nước hằng sống (Ga 19,30: x.7.37-39). Việc trao ban Thánh Thần được biểu thị cách hữu hình vào lúc đức Kitô phục sinh hà hơi trên các tông đồ: “Các con hãy nhận lãnh Thánh Thần” (Ga 20,22). Thánh Phaolô đã nói rất nhiều về việc Thánh Thần được trao ban từ cuộc Phục sinh của đức Kitô (td. Rom 1,4; 8,11) để trở thành sinh lực cho chúng ta, biến chúng ta thành con cái Chúa, và là bảo chứng cho việc chúng ta sẽ sống lại mai hậu.

    III. Thời chót của Hội thánh

    Theo chiều kích cánh chung của lịch sử cứu rỗi kể từ biến cố Phục sinh, Thánh Thần được đổ tràn xuống nhân loại không phải một cách chớp nhoáng như trận mưa rào vào ngày lễ Hiện xuống, Biến cố Phục sinh đánh dấu một giai đoạn mới, giai đoạn của thời chót (1Cr 10,11; Dt 1,2; 9,26; Cv 2,17-21), giai đoạn của Thánh Thần: Ngài khởi sự công trình tái sinh tái tạo (x. Ga 3,5-9; 6,63; 8,47; 1Ga 3,9.23; Gl 6,15; 1Cr 5,17), ban cho ta sự sống mới, sự sống làm con Thiên Chúa (Rm 8,14), chờ ngày được phục sinh hoàn toàn cả thân xác (Rm 8,11; 1Cr 15,35-37, 42-44), và cùng với toàn thể tạo vật được giải thoát khỏi hư nát (Rm 8,19-22), và nên đồng hình đồng dạng với đức Kitô (2 Cr 3,18; Ep 4,13). Trong khi chờ đợi ngày phục sinh, Thánh Thần được ban cho ta như bảo chứng của sự sống lại cũng như để nâng đỡ niềm trông đợi của ta. Thánh Thần vừa là tình yêu của Thiên Chúa vừa là sự cậy trông của ta (Rm 5,5; 15,13).

    Đàng khác Thánh Thần cũng là vị điều khiển dòng lịch sử của nhân loại và vũ trụ cho tới lúc hoàn tất. Khía cạnh này được công đồng Vaticanô II nói tới trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng (số 26; 41) và được đức Gioan Phaolô lặp lại trong thông điệp Dominum et Vivificantem số 26. Thánh Thần hướng dẫn dòng lịch sử nhân loại tới đích điểm của chương trình cứu rỗi, khơi nên trong lòng con người niềm khao khát chân thiện mỹ, khát khao vươn lên Đấng Tuyệt đối. Lòng khao khát ấy được biểu lộ không những qua các tư tưởng triết học, các phát minh khoa học các tâm linh đạo đức, mà cả qua những cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội. Đừng quên rằng khẩu hiệu của cuộc cách mạng Pháp 1789 (tự do - bình đẳng - huynh đệ) được rút từ những trang suy tư của Caivinô về điều kiện của tín hữu Kitô (dựa theo như Galata): nhờ Thánh Thần, con người được hưởng tự do, không còn bị nô lệ của lề luật, tội lỗi và cái chết: nhờ Thánh Thần, con người được làm con Thiên Chúa: do đó tất cả đều bình đẳng với nhau bởi tất cả là anh em con một Cha trên trời. Dĩ nhiên, dòng lịch sử còn mang nhiều vết tích của tội lỗi, ích kỷ, chém giết thù hận. Dù vậy, người tín hữu xác tín rằng bất chấp những cay đắng chua chát, dòng lịch sử này được Thánh Thần điều khiển hướng dẫn tới đích điểm tuyệt hảo là chính Thiên Chúa, nguồn sống bất tận. Mặt khác, giữa những lúc tranh tối tranh sáng, Thánh Thần chân lý, Thánh Thần an ủi và bảo vệ được ban cho các tín hữu để họ biết phân định đâu là thần khí thật và đâu là thần khí giả (Ga 16,7; 1Ga 2,20; 3,24; 4,1-6). Bổn phận của cộng đoàn Hội thánh cũng như của mỗi tín hữu là hãy tỉnh táo lắng nghe tiếng của Thánh Thần đang nói với Hội thánh (Kh 2,7.11,17.29).

    E. CHÚA THÁNH THẦN TRONG HỘI THÁNH

    Chúa Thánh Thần hoạt động trong lịch sử cứu rỗi, từ lúc tạo dựng cho tới thời cánh chung. Tác động của Ngài vượt lên biên cương của thời gian và không gian. Dẫu vậy, cần phải nêu bật sự hiện diện và tác động của Thánh Thần một cách đặc biệt trong Hội thánh của Chúa Kitô. Thực vậy, nhờ Hôị thánh mà chúng ta biết rõ hơn về Ngài. Sự hiện diện ấy được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 688) liệt kê 7 nơi mà Thánh Thần tác động:

    1/ nơi Kinh thánh mà Thánh Thần linh ứng;

    2/ nơi Thánh Truyền;

    3/ nơi Huấn quyền;

    4/ trong phụng vụ bí tích;

    5/ trong các đoàn sủng và tác vụ;

    6/ trong các dấu chỉ của đời sống tông đồ và truyền giáo;

    7/ nơi chứng tá của các thánh.

    Có thể nói lối trình bày này học lại tư tưởng của chương 2 Hiến chế về Mặc khải của công đồng Vaticani II.

    Thực ra, công đồng Vaticano II nói tới sự hiện diện của Thánh Thần trong Hội thánh ở nhiều bản văn khác nhau. Thiết tưởng đoạn văn súc tích hơn cả là số 4 của Hiến chế về Hội thánh, nơi đó công đồng kể ra đến chín tác động của Thánh Thần:

    1/ Thánh Thần được sai đến (missus) Hội thánh trong ngày lễ ngũ tuần để khai mào cho sứ mạng của Hội thánh;

    2/ Thánh Thần thánh hóa Hội thánh (Sanctificare);

    3/ Thánh Thần ban sức sống (vivificare) cho Hội thánh;

    4/ Thánh Thần ngự (habitare: inhabitatio) trong Hội thánh và trong các tâm hồn như là trong đền thờ;

    5/ Thánh Thần hướng dẫn Hội thánh tới chân lý trọn hảo (indurre in Veritatem);

    6/ Thánh Thần kết hợp (unificare) Hội thánh nhờ sự thông hiệp và các tác vụ;

    7/ Thánh Thần đổ xuống các hồng ân và đặc sủng, hoa trái (dona et tructus);

    8/ Thánh Thần canh tân Hội thánh (renovare, luevenes-cere: làm cho Hội thánh luôn trẻ trung);

    9/ Thánh Thần hướng dẫn Hội thánh tới sự kết hiệp cánh chung với đức Kitô.

    Như vậy, có nhiều cách thức khác nhau để trình bày về vai trò của Thánh Thần trong Hội thánh. Dù nói thế nào đi nữa, mối liên hệ giữa Thánh Thần với Hội thánh đã được nêu bật ngay từ cổ thời, khi mà trong kinh Tin kính, những chân lý liên can tới Hội thánh đều được đặt trong phần thứ ba dành cho Thánh Thần. Các chân lý về Hội thánh họp thành một mệnh đề duy nhất với chủ từ là Thánh Thần: Tôi tin kính Thánh Thần ở trong Hội thánh (Credo in Spiritum Sanctum – qui est – in ecclesia). Dựa theo chú giải của thánh Tôma Aquinô (“Credo in Spritum Sanctum sanctificantem Ecclesiam”: S.Th. II-II, q.1,a.9.5), cha Yves Congar ( nay là hồng y) tán giải như sau về mẫu thức của kinh Tin kính mà chúng ta đọc trong Thánh lễ các ngày chúa nhật: “Tôi tin kính Thánh Thần: Ngài liên kết Hội thánh nên một, Người thánh hóa Hội thánh, Ngài duy trì Hội thánh trung thành với đạo lý các tông đồ. Ngài giúp cho Hội thánh được lan rộng tới muôn dân. Chính Ngài tha tội ban lại cho chúng ta sự sống thần linh, và thông ban sự sống bất tận khi cho thân xác chúng ta sống lại”. Nói như vậy có nghĩa là Hội thánh hoàn toàn nằm trong tay của Thánh Thần. Thánh Thần ban sức sống cũng như giúp cho Hội thánh biểu lộ được bản chất của mình (GL số 749).

    I. Thánh Thần với sự thành lập Hội thánh

    Hội thánh được thành lập từ lúc nào? Thật khó mà nói được! Có người cho rằng Hội thánh đã được thành lập từ buổi tạo thiên lập địa, xét vì Hội thánh bao gồm hết tất cả các người công chính (Ecclesia ab Abei). Có người nói rằng Hội thánh được thành lập khi Ngôi lời nhập thể: vì Hội thánh ra đời với sự xuất hiện của Đầu nhiệm thể. Có người cho rằng Hội thánh được thành lập với việc Chúa Giêsu quy tụ các môn đệ của đức Kitô? Có người cho rằng Hội thánh thực sự ra đời từ Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, khi mà máu và nước trào ra từ cạnh sườn bị đâm thủng, biểu tượng của ơn cứu độ được trao ban nhờ bí tích. Sau cùng, có người cho rằng Hội thánh ra đời vào ngày lễ Ngũ tuần.

    Sự thực thì Hội thánh không phải chỉ thành hình trong giây lát. Hiến chế về Hội thánh của công đồng Vaticano II nói tới cả một kế hoạch của Ba Ngôi Thiên Chúa, được dự tính từ muôn thủa, được chuẩn bị trong cựu ước, được thành hình trong đức Kitô và được tỏ lộ trong ngày lễ Ngũ tuần (Đạo lý này được lặp đi lặp lại trong Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo ở các số 758-768). Dù sao, ta có thể nói được là Hội thánh được đức Kitô thiết lập; do đó mà Hội thánh là của đức Kitô. Thánh Thần được đức Kitô sai đến không phải để mặc khải chân lý mới và thành lập một Hội thánh mới; nhưng Thánh Thần giúp cho các tông đồ nhớ lại và hiểu thấu đáo lời của đức Kitô hơn. Biến cố Ngũ tuần khôn gphải chỉ diễn ra trong giây lát: nó chỉ là khởi điểm của một diễn trình kéo dài mãi mãi. Các nhà chú giải Kinh thánh đã vạch ra ngay trong sách Tông đồ công vụ nhiều biến cố Thánh Thần hiện xuống trong thời các thánh Tông đồ, thí dụ: ở chương 4,31 (sau khi cộng đoàn tín hữu cầu nguyện trong cơn bách hại); chương 8,17 cho dân Samari; chương 10,44 cho dân ngoại (x.19,6). Biến cố Ngũ tuần tại Giêrusalem chỉ là ngày ra mắt của Hội thánh trước thế giới, ngày công bố giao ước mới vào chính dịp lễ mà người Do thái kỷ niệm vào việc công bố giai ước Sinai. Tuy Chúa Thánh Thần không thiết lập Hội thánh, nhưng nếu không có Ngài thì Hội thánh không thành lập được. Thực vậy, ta đừng quan niệm Hội thánh như một đoàn thể chỉ cần thành lập một lần với một tuyên ngôn hay một văn bản là đủ. Không phải thế! Hội thánh là một thực thể thần linh sống động, cần phải có được một sức sống liên tục thổi vào nếu không muốn biến thành thây ma. Chính Thánh Thần là hơi thở nuôi sống Hội thánh: Ngài rút hơi lại thì Hội thánh tiêu tan.

    Thánh Thần thở cho Hội thánh nhớ lại lời của đức Kitô một cách đặc biệt qua ơn linh ứng Sách thánh. Thánh Thần tiếp tục thở vào Hội thánh để các Kitô hữu có thể lắng nghe lời của đức Kitô mỗi khi họ đọc Sách thánh. Thánh Thần tiếp tục thở trên các bí tích, để qua đó các tín hữu có thể tiếp xúc với đức Kitô Tử nạn và Phục sinh. Thánh Thần tiếp tục thở trên Hội thánh qua những hồng ân khác nhau (quen gọi là đoàn sủng và tác vụ), giúp cho Hội thánh sinh động (GL số 737-741). Đối lại, nếu không có Thánh Thần “Thiên Chúa sẽ trở nên xa vời, đức Kitô chỉ là một nhân vật thuộc dĩ vãng, Phúc âm là chữ chết, Hội thánh chỉ là một tổ chức phàm trần, quyền hành trở nên áp chế, việc truyền giáo trở thành tuyên truyền, phụng vụ chỉ là nghi thức, luân lý chỉ là luật nô lệ” (Ignace Hazim de Latotaquié).

    Hội thánh thường được ví như một thân thể với đức Kitô là đầu: còn Thánh Thần được coi là linh hồn (animal) vì là sức sống. Dĩ nhiên, mỗi tỉ dụ chỉ làm sáng tỏ một khía cạnh nào của mầu nhiệm thôi. chứ không thể áp dụng cho hết mọi khía cạnh được. Thánh Thần được ví như là “hồn” theo nghĩa là nguyên ủy làm cho thân thể được sống động, chứ không phải theo nghĩa là mô hình của xác (forma substantialis) và cần phải hợp với xác thì mới thành một chủ thể được.

    Không thiếu những hình ảnh khác để diễn tả sự hiện diện và tác động của Thánh Thần trong Hội thánh, thí dụ Thánh Thần ngự trong Hội thánh như trong đền thờ. Sách GL (số 797) đã lấy lại giáo huấn của công đồng Vaticano II để làm nêu bật chiều kích Ba Ngôi của Hội thánh (Dân của Thiên Chúa). Một hình ảnh khác không kém phần sinh động mà Cha Y.Congar đã đề ra là “hơi thở”. Trước đây, không thiếu tác giả trình bày Hội thánh do Chúa Kitô sáng lập, và sau đó Ngài lên trời, trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô, nghĩa là giao lại hết mọi quyền hành trong Hội thánh cho Đức Thánh Cha và các giám mục. Để phản ứng lại bộ mặt cơ chế pháp lý của Hội thánh, không thiếu người đã chủ trương rằng Thánh Thần mới là lãnh tụ của Hội thánh: Thánh Thần thổi đâu tùy ý! Nói khác đi, người ta muốn đối chọi “Hội thánh của đức Kitô” với “Hội thánh của Thánh Thần”. Tuy nhiên, không có lý do gì mà đối chọi như vậy, nhưng cần phải bổ túc dung hòa hai khía cạnh của một thực thể duy nhất. Hội thánh vừa là của đức Kitô vừa là của Thánh Thần: đức Kitô là “Lời” và Thánh Thần là “Hơi”; nếu có hơi mà không có lời thì chỉ ú ớ; nhưng có lời mà hụt hơi thì cũng chẳng nói được. Hội thánh cần có Lời của đức Kitô, cần có đạo lý, cần có thể chế; nhưng các tín điều, thể chế lễ nghi cần được Thánh Thần ban sức sinh động.

    II. Thánh Thần với các đặc điểm của Hội thánh

    Trong Kinh tin kính, chúng ta tuyên xưng Hội thánh “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Đúng ra, đó chỉ là bốn đặc điểm phát hiện ra nhờ tác động của Thánh Thần, bốn hồng ân mà Ngài ban cho Hội thánh (GL 811). Không có Ngài, các phần tử trong Hội thánh sẽ ly tán mỗi người một ngả, xét vì chúng ta là những con người tội lỗi, ích kỷ chỉ biết quan tâm đến tư lợi.

    1) Hội thánh duy nhất và công giáo: Thánh Thần là nguyên tố thông hiệp trong Hội thánh, bởi vì Ngài giúp cho chúng ta cùng tuyên xưng một đức tin vào đức Kitô, một niềm trông cậy, và nhất là vì Ngài phú ban cho ta đức bác ái yêu thương. Thánh Thần giúp cho Hội thánh hợp nhất nên một, nhưng đồng thời Thánh Thần cũng giúp Hội thánh được “công giáo”, nghĩa là thu nhận tất cả những tinh hoa của các cá tính, các sắc tộc, các nền văn hóa. Trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, Thánh Thần liên kết Cha với Con nhưng không xóa sự phân biệt bản vị; một cách tương tự như vậy, trong cộng đồng Hội thánh. Thánh Thần liên kết tất cả các phần tử nên một trong đức tin, cậy, mến, nhưng họ vẫn duy trì hết các sắc thái đa dạng của cá tính, ngôn ngữ, văn hóa. Nói cho cùng, các tinh hoa đa dạng chẳng phải là hồng ân mà Thánh Thần đã ban cho Hội thánh đó sao?

    2) Hội thánh thánh thiện: Thánh Thần thánh hóa Hội thánh. Tuy gồm bởi những con người tội lỗi, nhưng Giáo hội được gọi là thánh vì đã được thanh tẩy do máu đức Kitô, và nhờ có Thánh Thần ngự trong đó. Thánh Thần thông ban cho ta sức mạnh thánh hóa của Lời Chúa và các bí tích. Nhờ quảng đại đáp lại lửa bác ái thánh thiện do Thánh Thần thổi lên mà giữa lòng Giáo hội không thiếu những thánh nhân, tựa như đức Maria chí thánh. Nhờ đó mà Giáo hội trở nên sự thông hiệp các thánh nhân (communlo sanctorum).

    3) Hội thánh tông truyền: Thánh Thần hun đúc tinh thần tông đồ trong Hội thánh, không những giúp đỡ Hội thánh trung thành với đức tin mà các thánh tông đồ đã truyền lại, nhưng còn biết quảng bá đức tin ấy qua mọi thời đại đến tận cùng trái đất. Nói cách khác Thánh Thần giúp cho Hội thánh vừa được bền vững trong chân lý của đức Kitô, vừa hăng say với công cuộc rao giảng Tin mừng.

    Kết luận

    Chúa Thánh Thần đã hiện diện và tác động trong Hội thánh bằng những dạng thức khác nhau. Trước đây, Hội thánh được nhìn như một cơ cấu phẩm trật, từ trên đi xuống: Chúa Kitô trao quyền hành cho thánh Phêrô và các tông đồ; quyền hành được truyền lại cho các đấng kế vị: Giáo hoàng và các giám mục là những người bề trên cai quản điều khiển Hội thánh, những người khác chỉ biết tuân hành vâng phục. Công đồng Vaticano II, trong số 4 của Hiến chế về Hội thánh, đã sửa lại cái hình ảnh đó khi nói rằng Chúa Thánh Thần điều khiển Hội thánh bằng các ơn phẩm trật và đoàn sủng (diversis donis hierarchicis et charismaticis instruit ac dirigit).

    nguồn: daminhvn.net

  4. #4

    Mặc định SUY TƯ THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN

    Bài 1: THẦN KHÍ, NHƯ MỘT NGÔI VỊ (25/08/11, 5:52 pm)

    Web giaolyductin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả loạt bài suy tư thần học về Chúa Thánh Thần do Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Giám đốc chủng viện thánh Nicôla, Phan Thiết biên soạn. Chúng tôi sẽ lần lượt cho đăng mỗi kỳ một bài (tổng số là 12 bài). Kính mời độc giả cùng theo dõi.

    THẦN KHÍ NHƯ MỘT NGÔI VỊ VÀ NHƯ ÂN HUỆ

    Có hai vấn đề được đặt ra:

    1. Ngôn ngữ Kinh Thánh và ngôn ngữ thần học.

    2. Suy tư thần học.

    I. THẦN KHÍ, NHƯ MỘT NGÔI VỊ

    1. Trước tiên, cần lưu ý rằng những khái niệm: “Ngôi vị”, “bản tính”, “bản thể”, “yếu tính”... được đưa ra trong những bối cảnh nhất định, nhằm phục vụ cho những nhu cầu nhất định: đó là minh định lập trường của Giáo Hội chống lại một số khuynh hướng lạc giáo trong những thế kỷ III, IV,V hoặc muuốn hạ thấp tư thế của Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha, hoặc muốn hạ thấp tư thế của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa Con... Vì thế, để minh giải có sự phân biệt trong mầu nhiệm Thiên Chúa như là Ba Đấng, ngôn ngữ thần học gọi đó là ‘Ba ngôi vị’, và đồng thời để khẳng định, tuy thế, chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, ngôn ngữ thần học đã phải nại tới khái niệm “bản tính” hay “bản thể” của triết học Hy-lạp: Ba ngôi vị cùng chung một bản tính...

    2. Thật ra, khái niệm “Ba ngôi” (Trinité) hoàn toàn không có nguồn gốc trong Kinh Thánh. Hạn từ “Ba ngôi” được gặp thấy lần đầu tiên, cách khá kín đáo, nơi Théophile d’Antioche, trong tác phẩm ‘A Autolycos’, II,15 (khoảng năm 180)...

    a. Để chỉ có sự phân biệt (distinction) trong Mầu nhiệm Thần linh, ngôn ngữ Kinh Thánh, đặc biệt Tân Ước, không bao giờ sử dụng khái niệm ‘3’ (bằng cách đếm hay cộng lại!) mà đơn giản gọi “Cha, Con, Thánh Thần” như là những Đấng phân biệt với nhau: Cha là Cha bởi vì sinh ra Con và sai Con...; Con là Con bởi vì được sinh ra và được sai bởi Cha... Thánh Thần là Thánh Thần bởi vì là Thần Khí Tình yêu mà nhờ Ngài, bởi Ngài và trong Ngài, Cha và Con yêu thương nhau...

    b. Để nói lên sự hiệp nhất (Unité) giữa Cha - Con - Thánh Thần, ngôn ngữ thần học lý giải vì các Ngài có chung cùng một bản tính (une même nature), hoặc đồng bản thể (consubstantiel), còn ngôn ngữ Kinh Thánh thì đơn giản hơn: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30); “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21;10,38; 14,11); “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9b;x. 8,19; 12,45; Dt 1,3); “Thiên Chúa (Cha) là Thần Khí” (Ga 4,24); “Thần Khí của Thiên Chúa” (Rm 8, 9.14; 15, 19; 1Cr 6,11; 7,40); “Thần Khí của Đức Kitô” (Rm 8,11); “Thần Khí của Đức Chúa” (2Cr 3,17)...

    3. Như vậy, cách chung chung, có thể nói rằng:

    a. Sự hiện hữu Cha- Con- Thánh Thần như là những Đấng phân biệt với nhau, đối với ngôn ngữ Kinh Thánh, không phải là “vấn đề” cần được đặt ra”. Vấn đề, nếu có, đối với ngôn ngữ Kinh Thánh, đó là minh giải sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, làm sao: chỉ có một Thiên Chúa (để tránh hiểu lầm và hiểu sai, có lẽ tốt hơn nên dùng hạn từ “Thần Linh”!), một Đức Chúa, một Thần Khí (1Cr 12,4-6). Và:

    · Khi nói “chỉ có một Thiên Chúa” là có ý khẳng định: “ Cha là Thiên Chúa”, “Con là Thiên Chúa”,” Thần Khí là Thiên Chúa”; và ngôn ngữ thần học gọi hạn từ “Thiên Chúa” là “bản tính” hay “bản thể” của Cha - Con - Thánh Thần...

    · Khi nói “Chỉ có một Đức Chúa” là có ý khẳng định: “Cha là Đức Chúa”, “Con là Đức Chúa”, “Thần Khí là Đức Chúa”; và ngôn ngữ Thần học gọi hạn từ “ Đức Chúa” là “bản tính” hay “bản thể” của Cha - Con - Thánh Thần...

    · Khi nói “chỉ có một Thần Khí” là có ý khẳng định: “ Cha là Thần Khí”, “Con là Thần Khí”,” Thánh Thần là Thần Khí” (Ga 4, 24; 2Cr 3,17), hay nói cách khác, “Cha và Con là và có chung một Thần Khí”; và ngôn ngữ thần học gọi hạn từ “Thần Khí” là “bản tính” hay “bản thể” của Cha - Con - Thánh Thần... Như vậy, hạn từ “Thần Khí” đồng thời vừa chỉ bản tính hay bản thể của Cha- Con- Thánh Thần, vừa chỉ một Đấng khác với Cha và Con; và điều đó, nói theo ngôn ngữ thần học, có nghĩa Thần Khí vừa là bản tính hay bản thể của Cha và Con vừa là chính Mình hay, nói cách khác, vừa là một Ngôi vị. Tuy nhiên, không phải là Hữu Thể trong tư cách chỉ là Chủ thể (Être-Sujet) như Chúa Cha, Đấng vốn là “Nguyên lý phi nguyên lý” và “Nguyên lý của mọi nguyên lý”..., Đấng vốn sinh ra Chúa Con và “ ái xuất” (spiration) Chúa Thánh Thần, Thần Khí Tình yêu, và đã sai Chúa Con và Chúa Thánh Thần...

    Từ đó, cũng có thể nói rằng, ngoại trừ “tư cách là Cha của Chúa Cha” và “tư cách là Con của Chúa Con”, tất cả những gì thuộc bản tính và cả những thuộc tính (attributs) của Cha và của Con đều là chính Thần Khí: Tình yêu, thần tính và nhân tính của Chúa Con, Tình Cha, tình Con, tình Đức Chúa, hằng hữu, tự hữu, hằng sống, vĩnh hằng, quyền năng, thánh, vinh quang, tác tạo, tác sinh, tái sinh, đá tảng, thuẫn che chở, gió, lửa, đám mây, nước, ánh sáng, bàn tay, ngón tay, chim bồ câu, sức dầu, ấn tín, v.v... Hay nói cách khác, Thần Khí chính là Hành động của Chúa Cha và Chúa Con trong Vĩnh Hằng và trong Lịch sử. Vì thế, trong ngôn ngữ Kinh Thánh, khi Cha biết và yêu là sinh ra Con (x. 1Ga 4,7-8; Rm 8,15.29.32; Cl 1,13.15tt), và khi Cha phán là tạo dựng (St 1,3-31; Ga 1,3)...

    b. Sự hiệp nhất Thần linh trong ngôn ngữ Tân Ước được nhìn trong chiều hướng năng động (dynamique) chứ không quá tĩnh tại (statique) như trong ngôn ngữ thần học vốn dựa trên những khái niệm tĩnh tại, ù lì như “bản tính” và “bản thể” (nature est id quo res est id quod est!), và vì thế, đã hẳn không thể nào phản ảnh được cách đầy đủ và hoàn toàn thực tại hiệp nhất thần linh (thử so sánh bức ảnh chụp dòng sông với chính dòng sông!)... Vì thế, những khái niệm triết học như “ Ngôi vị”, ‘bản tính”, “bản thể”, “đồng bản thể”... vốn chỉ là một trong những phương thế, được dùng trong những hoàn cảnh nhất định và với những mục đích nhất định, để tiếp cận với Mầu Nhiệm Thần linh, chứ không phải là con đường duy nhất có thể có, nên chúng cần được rọi sáng và biện minh bởi ngôn ngữ Kinh Thánh chứ không phải ngược lại...

    Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung



    Bài 2: THẦN KHÍ, NHƯ MỘT NGÔI VỊ (tt) (07/09/11, 4:56 pm)
    Nếu nhìn Thần Khí từ góc độ hệ quả của những tác động của Chúa Thánh Thần trong Lịch sử, người ta sẽ có thể phát hiện ra được phần nào dung mạo và chức năng của Ngài trong lịch sử và cả trong Mầu Nhiệm Thần Linh vĩnh hằng.

    II. SUY TƯ THẦN HỌC: THẦN KHÍ LÀ AI?

    1. Vấn đề:

    Khi được hỏi: “Chúa Cha là ai?”, người ta có thể trả lời ngay: “Chúa Cha là Cha của Chúa Con”. Và khi được hỏi “Chúa Con là ai?” đã hẳn người ta cũng có thể trả lời ngay: “Chúa Con là Con của Chúa Cha”. Thế nhưng, khi được hỏi “Thần Khí hay Chúa Thánh Thần là ai?”, thì vấn đề lại không đơn giản... Thật vậy, nếu muốn có một câu trả lời như kiểu đối với Chúa Cha và Chúa Con, thì câu hỏi bây giờ trở thành: “Thần Khí là Thần Khí của ai?”. Tuy nhiên, trong trường hợp Chúa Cha và Chúa Con, ngay hai khái niệm “Cha” và “Con” đã tự chứng được định vị (tư cách và chức năng, và cho biết những mối tương quan khá rõ ràng), còn trong trường hợp hạn từ “Thần Khí” thì không được vậy, và câu hỏi về Ngài bấy giờ lại trở thành câu hỏi kép: “Thần Khí là ai (đối với chính Mình) và của ai (đối với Chúa Cha và Chúa Con)?”...

    Về Chúa Thánh Thần, những vấn đề đó được đặt ra từ những thế kỷ IV, V (scn). Một số khuynh hướng lạc giáo cho rằng trong mối tương quan với Chúa Cha, vì “được Cha đổ tràn” (Ed 39,29), “được Cha trao ban” (Ga 7,39), nên Thần Khí không thể được coi “ngang hàng” với Cha, thậm chí, có người còn cho Thần Khí là thụ tạo của Cha; và trong tương quan với Chúa Con vì “ được Con sai đi”(Ga 15,26), nên Thần Khí không thể được coi “ngang hàng” với Con, thậm chí có người còn cho Thần Khí do Chúa Con tạo ra... Nhằm đối phó lại những khuynh hướng lạc giáo đó, ngôn ngữ thần học cũng như ngôn ngữ của các Công đồng, công nghị từ thế kỷ IV,V cho đến bây giờ vẫn vậy, nghĩa là tiếp tục sử dụng những khái niệm triết học như: “đồng bản thể” (consubtantiel), “nhiệm xuất” (procession), “ái xuất” (spiration)... để khẳng định “thần tính” của Chúa Thánh Thần, Đấng phải được phụng thờ và tôn vinh hoàn toàn như Chúa Cha và Chúa Con... điều mà người ta có thể nhận ra ngay là cả ngôn ngữ đặt vấn đề, cả ngôn ngữ giải quyết vấn đề đều hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ Kinh Thánh, vốn là ngôn ngữ tình yêu và lịch sử...

    2. Thần Khí là ai (đối với chính Mình) và của ai (đối với Chúa Cha và Chúa Con)?

    Thử bắt đầu với khái niệm “Ngôi vị”. Ngôn ngữ thần học gọi “Thần Khí là một Ngôi vị”. Thế nhưng, khái niệm “Ngôi vị” tự nó vốn bao gồm hai khái niệm khác, đó là “tư cách” và “chức năng”. Thí dụ: khi nói Cha là một Ngôi vị thì có nghĩa “là Cha” (être Père) chính là tư cách của Ngôi vị đó, và “làm Cha”, tức là “sinh Con” và “yêu thương Con”... chính là chức năng của Ngôi vị đó. Và khi nói Con là một Ngôi vị thì có nghĩa “ là Con” (être Fils) chính là tư cách của Ngôi vị đó, và “làm Con” tức là “đón nhận sự sinh ra và tình yêu của Cha đồng thời đáp trả lại bằng tình con thảo”... chính là chức năng Ngôi vị đó. Thế nhưng, khi nói Thần Khí là một Ngôi vị, thì tư cách và chức năng của Thần Khí là gì.

    a. Tư cách của Thần Khí:

    Trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Con, ngôn ngữ Kinh Thánh vẫn thường gọi Thần Khí cách chung chung, đôi khi có vẻ như thiếu Ngôi vị tính (a-personnel): “được thổi vào hay được hà vào...” (St 2,7; Tv 104,30), “được đặt vào...” (Is 42,1), “được ban cho...” (Ds 11,29; Ga 7,39), “được đổ tràn vào...” (Ed 39,29), “được sai đến...” (Ga 14,26), “...của Cha” (Rm 8, 9.14; 15,19; 1Cr 6,11; 7,40), “...của Con” (Rm 8,11; 2Cr 3,17), v.v... Tuy nhiên, nếu như trong tương quan với Cha và Con, Thần Khí xem ra có vẻ như thiếu Ngôi vị tính, thụ động, tiêu cực..., nhưng trong khi thi hành sứ vụ được giao, ngôn ngữ Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy Thần Khí như một Đấng đầy ngôi vị tính, năng động, mạnh mẽ, tích cực, năng nổ (Is 11,1-5; Tl 3,10; 11,29;14,6; 6,34; 1Sm 1,6; 10,1; 16,13; Am 3,8; 7,14t; Gr 20,7t;v.v...)... Đằng khác, nếu nhìn Thần Khí từ góc độ hệ quả của những tác động của Ngài trong Lịch sử, người ta sẽ có thể phát hiện ra được phần nào dung mạo và chức năng của Ngài trong lịch sử và cả trong Mầu Nhiệm Thần Linh vĩnh hằng.

    a. Chức năng của Thần Khí:

    Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, sự tuôn tràn Thần Khí như cơn mưa đem sự sống cho vùng đất khô cằn (Is 32, 15; 44,3; Ed 36, 25; Gr 3,1t) như sinh khí làm sống động những bộ xương khô (Ed 37); như một cuộc sáng tạo mới thay đổi bộ mặt của xứ sở (Is 32,16), thay đổi con tim, lòng dạ của con người (Is 59,21; Tv 143,10; Ed 36,27); mặc khải dung mạo đích thực của Chúa Cha (Ed 39,29), dung mạo đích thực của Chúa Con (Ga 14,16; 16,7.13t; 14,26); tác sinh (Ga 6, 63; St 1,2; Lc 1,35; Mt 1,18-20); tái sinh (Ga 3,8; Ep 2,1-2); phục sinh (Rm 8,11); mặc khải chân lý (Ga 16,13; Ep 1,17-18; v.v...).

    b. Phác thảo một thứ ngôn ngữ Thần Khí học:

    Nói chung, có thể nói rằng ngôn ngữ Thần Khí học đích thực phải là thứ ngôn ngữ có tính tình yêu và lịch sử. “có tính tình yêu”, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8b) “có tính lịch sử”, bởi vì dung mạo đích thực của Chúa Thánh Thần vốn được biểu lộ qua Hành động Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con mà chính Ngài là Đấng thực hiện, trong vĩnh hằng và trong lịch sử...

    Để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa nói chung, ngôn ngữ Kinh Thánh khi thì sử dụng khái niệm “tình vợ chồng”, “tình yêu nam- nữ” (chủ yếu trong ngôn ngữ Cựu Ước), khi thì sử dụng khái niệm “tình Cha- Con” (Cựu Ước và Tân Ước). Như vậy, có thể nói tình yêu Thiên Chúa là một thứ tình yêu tổng hợp tất cả mọi đặc tính, mọi khả năng tích cực của những thứ tình yêu, hay nói cách khác, mọi thứ tình yêu nhân loại đích thực đều mang dáng dấp hay dấu vết của tình yêu Vĩnh hằng:

    1. Sự “tận hiến”, “hiến dâng” (oblation totale): yêu nhau, trước tiên, có nghĩa là trao tặng cho nhau tất cả những gì mình là (être) và mình có (avoir). Và, trong tình yêu Thần linh, quà tặng (Donum, Don) đó chính là Thần Khí tình yêu, vốn là một Đấng, một Ngôi vị được Cha trao ban và được Con đón nhận, và trở thành của Cha và của Con, hay nói cách khác, là “của chúng ta”, hay “ của nhau” (Etre- le Nôtre)... Nói theo ngôn ngữ Augustin, đó chính là Ân huệ của Thiên Chúa (Cv 2,38; Ga 4,10).

    2. Qui trình “ra đi - trở lại” (exitus-reditus): thứ đến, yêu nhau có nghĩa là “ra khỏi chính mình” (exitus de soi-même) để đến và hòa nhập với nhau (reditus à nous- même et à soi-même)... Và, trong tình yêu Thần linh, Thần Khí Tình yêu vừa chính là “Đấng ra đi” vừa chính là “Đấng trở lại” của Cha và của Con và của chính Ngài (Ga 10,17-18; 19,30; Cv 2,33).

    3. Sự “hiện diện trong nhau và với nhau” (présence reciproque, intériorité reciproque; Hy ngữ: périchorèse; La ngữ: circumincessio): yêu nhau, còn có nghĩa là luôn luôn hiện diện trong nhau và với nhau (những khái niệm thời gian và không gian, ở đây không còn ý nghĩa), đến độ là nhau (Être in personna)... Và trong Tình Yêu Thần linh, chính Thần Khí Tình yêu vừa là Đấng tác sinh ra sự Hiện diện trong và với Nhau đó (sự “tương nhập của Cha-Con-Thần Khí), vừa chính là Đấng, nói theo ngôn ngữ Phaolô, làm cho Cha có thể nói: “Cha sống, nhưng không phải là Cha sống, mà chính Con và Thần Khí sống trong Cha; làm cho Con có thể nói: “Con sống, nhưng không phải Con sống, mà chính Cha và Thần Khí sống trong Con”; làm cho Ngài có thể nói: “Thần Khí sống, nhưng không phải Thần Khí sống, mà chính Cha và Con sống trong Thần Khí” (x.Gl 2,20; Pl 1,21), hay nói cách khác, Thần Khí Tình Yêu chính là Đấng làm cho Cha- Con- Thần Khí là Nhau hay là Một (Ga 10,30; 14,26)... Đó chính là sự sống Tình Yêu Thần linh, sự sống Ba Ngôi, sự sống đời đời...

    4. Sự “độc hữu” hay “độc chiếm” (monogamie): Yêu nhau, ngoài ra, còn có nghĩa muốn người mình yêu (Aimé) chỉ thuộc về một mình Mình mà thôi (Aimant): một chồng- một vợ; một cha-một con (ngôn ngữ Cựu Ước cho thấy Thiên Chúa vốn là Đấng hay ghen: Xh 20,5; Is 43,10t; 48,11- ngôn ngữ Tân Ước trình bày Đức Giêsu Ktiô như là “Con Một”(Unigenitus): Ga 3,16; 1Ga 4,9)... Và, trong Tình yêu Thần linh, Thần Khí Tình Yêu vừa không phải là Cha- Đấng yêu thương (Aimant), vừa không phải là Con- Đấng được yêu thương (Aimé), vừa không phải là “kẻ thứ ba quấy rầy”, mà là “ Đấng- Người yêu của chúng ta” (Notre Aimé) đối với Chúa Cha và Chúa Con. Thật vậy, Thần Khí Tình Yêu chính là Đấng hằng” tạo tác”, “ vun đắp”, “tạo điều kiện” cho tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Thiên Chúa và loài người và giữa loài người với nhau... (ngôn ngữ Kinh Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, không bao giờ nói “Chúa Cha hay Chúa Con yêu Chúa Thánh Thần” và ngược lại, mà chỉ nói “Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau trong (en) Chúa Thánh Thần...)...

    5. Sự “siêu việt thời gian và không gian” (transcendance du temps et de l’space):

    Đối với những kẻ yêu nhau, những khái niệm thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai; mau hay lâu, nhanh hay chậm, v.v...), không gian (gần hay xa) dường như không còn tồn tại, và không hẳn chỉ là trong ý thức: họ cảm thấy “có nhau” dường như cách vĩnh hằng và từ “Muôn kiếp” họ cảm thấy luôn luôn hiện diện bên nhau và với nhau (đã hẳn họ sẽ mất tất cả những cảm nhận đó khi họ không còn yêu nhau!)... Và trong Tình yêu Thần Linh, chính Thần Khí Tình yêu là Đấng làm cho “thời gian yêu nhau” của Chúa Cha và Chúa Con là Vĩnh hằng và “khoảng cách Cha - Con” hoàn toàn bị xóa nhòa... Và, trong Lịch sử hay trong nhiệm cục Cứu độ, Thần Khí Tình yêu chính là Đấng làm cho toàn thể Lịch sử (thời gian và không gian) hội tụ lại và hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô vôn là Chúa Con - nhập thể, và như vậy, Đức Giêsu Kitô trở thành “Đấng luôn luôn là Hôm nay” (Lc 4,21) của Cha - Con - Thần Khí, “Đấng Hằng hữu” (Ga 8,24.27.57; 13,19), “Sự hoàn tất toàn bộ Lời hứa, Ý định Tình yêu, một lần thay cho tất cả, của Thiên Chúa”... Như vậy, vấn đề còn lại là của con người: đó là vấn đề sở đắc Ân sủng Tình yêu đó (possession de la Grâce). Và trong lịch sử, Thần Khí Tình yêu đồng thời vừa là Đấng làm cho con người từ bỏ những “Quê hương cũ”, những “bây giờ” (maintenants) của riêng mình để mãi mãi “lên đường”, mãi mãi “ra đi”, mãi mãi “xuất hành”, hướng về những chân trời tương lai, theo sự hướng dẫn của Thần Khí Tình yêu, Đấng muốn thổi tới đâu thì thổi (Ga 3,8), những chân trời nhiều khi hoàn toàn mới mẻ, ngoài sức tưởng tượng của con người; vừa là Đấng hiện tại hóa Ân sủng Tình yêu đó (actualiser) để con người mọi nơi và mọi thời đều có thể sở đắc: quá khứ, hiện tại và tương lai. Như vậy, còn có thể nói Thần Khí Tình yêu chính là Dung mạo tương lai của Thiên Chúa...

    nguồn: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/...eCTT/Bai02.htm

  5. #5

    Mặc định

    SUY TƯ THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN

    ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc



    Muốn có một suy tư tổng hợp và cô đọng về Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể dựa trên ba từ ngữ cơ bản sau đây : Ektasis (xuất thần), Kenosis (tự hạ) và Synthesis (kết hợp). Ba từ ngữ này nhằm giúp chúng ta tổng hợp cả hai truyền thống thần học Hy lạp và Latinh về Chúa Thánh Thần.

    I. EKTASIS : XUẤT THẦN

    Đặc tính “Xuất thần” của ngôi vị và hoạt động của Chúa Thánh Thần chứa đựng trong chính từ ngữ được dùng để chỉ Thánh Thần là chữ Thần Khí (ruah, pneuma). Thánh Thần là gió, là hơi thở, là khí, là hương thơm, là một thực tại sống động luôn ra khỏi chính mình. Mạc khải thường liên kết Thánh Thần với sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử. Cựu ước khởi đầu với Thần Khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước (St 1,2). Thần Khí xuống trên các lãnh đạo của Dân (Tl 3,12 ; 6,34 ; 13,25), và trên các ngôn sứ (Ed 3,12 ; 8,3 ; 11,1). Giao ước mới cũng khai trương với Thánh Thần xuống trên Trinh Nữ Maria (Lc 1,35), trên Đức Giêsu (Mc 1,10), trên các tông đồ (Cv 2,4). Thánh Thần đều được biểu lộ mỗi lần Thiên Chúa tự hiến chính mình. Thánh Thần là quyền năng làm nên lịch sử, Người đưa sự sống đến cho tạo dựng, đưa ân sủng đến cho lịch sử.

    Nhờ Thần Khí mà tạo dựng bắt đầu từ hư vô, và sự sống tràn lan trên mặt đất. Tất cả công trình tạo dựng như một khai mở xuất thần, một sự vượt qua chính mình luôn mãi, phóng mình lên trên, lao mình ra phía trước. Chúng ta tin rằng trong vũ trụ có một năng lực không ngừng quy tụ và thăng tiến, đó là Thần Khí Đức Kitô hiện diện và nội tại trong toàn thể tạo thành. Chúng ta không nhắm mắt trước tội lỗi, nhưng tin tưởng vào Thánh Thần, Đấng không loại trừ sự chết, nhưng biến đổi thành kinh nghiệm phục sinh.

    Thần học đông phương (giáo phụ Hy Lạp) nhìn Chúa Thánh Thần như sự khai mở của Thiên Chúa ra khỏi chính mình.

    Trong hành trình xuất ngoại, Thánh Thần làm cho Thiên Chúa ra khỏi chính mình, đi đến với con người, cho Thiên Chúa một xác thể (Nhập thể), làm cho con người ra khỏi mình để gặp gỡ Thiên Chúa, cho con người mang lấy thần linh (thần hóa). Nơi Đức Giêsu, Thánh Thần làm cho Thiên Chúa và con người kết hợp với nhau. Chúa Giêsu là khuôn mặt thần linh của con người, và là khuôn mặt con người của Thiên Chúa. Ngôi Lời là Con Thiên Chúa trở thành xác phàm, để loài người, kết hợp với Thần Khí, nên một trong Thần Khí. Ngài là Thiên Chúa mang xác thể, để con người mang thần linh. Thiên Chúa Ba Ngôi tự hiến trong Thánh Thần, trước hết là sự tự hiến cho nhau giữa các ngôi vị, sau đó Thiên Chúa trở thành Hồng Ân. Thánh Thần là Ngôi Vị Yêu Thương, là Ngôi Vị Hồng Ân (DeV 10). Thánh Thần là Ngôi Vị, càng hiện hữu tự tại, thì càng khai mở, càng khai mở thì càng hiện hữu tự tại.

    Truyền thống Tây phương vẫn quen coi Thánh Thần là chiều sâu của Thiên Chúa, là Tình Yêu sâu thẳm nhất trong Thiên Chúa, là Tình Yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con (vinculum amoris), và đây là điểm gặp gỡ với truyền thống Đông phương. Thánh Thần vừa là Đấng bên trong (Intimum Dei), vừa là Mút Cùng (Extremum Dei). Đấng nội tại nhất lại là Đấng siêu việt nhất. Sự viên mãn hữu thể là tình yêu viên mãn. Tình yêu tự hiến giữa Chúa Cha và Chúa con như cô đọng trong ngôi vị Thánh Thần. Thánh Thần như sự xuất hành trọn vẹn của Chúa Cha và của Chúa Con. Các Ngôi Vị hoàn toàn từ bỏ chính mình, làm cho Tặng Phẩm dành cho nhau trở nên một ngôi vị khác biệt với chính mình.

    II. KENOSIS : TỰ HẠ

    Thiên Chúa vựợt trên chính mình bằng cách hạ mình. Sự xuất ngoại của Thánh Thần là một sự hạ mình. Yêu thương đích thực là cho đi chính mình, là đánh mất bản thân (Ga 12,24 ; Mc 8,35)

    Trong suy tư thần học về sự sống nội tại cũng như đối ngoại của Ba Ngôi Thiên Chúa, truyền thống Đông phương cũng như Tây phương đều nhận ra sự hạ mình thẳm sâu của Chúa Thánh Thần. Có thể coi Chúa Thánh Thần gần như không có danh xưng riêng biệt. Hai chữ Thánh và Thần ghép lại để làm nên danh xưng cho Ngài là những từ ngữ chỉ các ưu phẩm chung cho Chúa Cha và Chúa Con. Thánh Augustinô đã lưu ý tới đều đó. Thánh Tôma còn nghĩ rằng sự “phát xuất” của Chúa Thánh Thần cũng không có tên riêng. Theo E. Brunner, sự độc đáo của Chúa Thánh Thần là hiện hữu cho. Múc độ hiện hữu cho cao đến gần như làm lu mờ chính chủ vị của Ngài. Ngôi vị của Ngài giống như vô chủ vị. Ngôi vị Chúa Cha và Ngôi vị Chúa Con trong mạc khải khá rõ và rất dễ bắt gặp. Chúa Cha là Cha, Đấng sinh ra Chúa Con trong Thánh Thần. Chúa Con là Con, Đấng được Chúa Cha sinh ra trong Thánh Thần. Chúa Cha được Chúa Con mạc khải, Chúa Con được Thánh Thần mạc khải. Còn Ngôi Vị Thánh Thần như ẩn khuất đằng sau hai ngôi vị kia. Chúa Thánh Thần như hơi thở của tiếng nói của cha “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con” (Tv 2,7) ; hơi thở của tiếng nói của Con hướng về cùng Cha, kêu cầu Cha “Abba, Cha ơi”.

    Chúa Thánh Thần như không sử dụng chữ “Tôi”. Ngài là “sự phong nhiêu của Thiên Chúa”, nhưng chẳng có ngôi vị nào phát xuất từ Ngài. Ngài là chìa khóa để mở mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng chính Chúa Con được sinh ra và Chúa Con nhập thể ; và thế giới được tạo dựng theo hình ảnh Chúa Con. Ngài là sự hiệp thông, phục vụ cho sự gặp gỡ vĩnh hằng giữa Chúa Cha và Chúa Con, là dây liên kết thần linh giữa Cha và Con.

    Ngay cả trên bình diện lịch sử cứu độ, Thánh Thần vẫn luôn hạ mình. Trong cựu ước, Ngài biểu lộ như là sức mạnh của Thiên Chúa, được diễn tả bằng những hình ảnh vô chủ vị, như hơi thở, nước và lửa. Trong Tân ước, Chúa Con hạ mình trong biến cố nhập thể. Chúa Thánh Thần hạ mình trong biến cố ngũ tuần. Nơi Chúa Con, thần tính ẩn dấu trong nhân tính. Nơi Thánh Thần, ngôi vị ẩn dấu đằng sau thần tính. Chúa con hạ mình cho tới ngày phục sinh ; Chúa Thánh Thần hạ mình cho tới ngày quang lâm cánh chung.

    Chúa Thánh Thần luôn hướng về Chúa Kitô, tháp nhập các tín hữu vào Chúa Kitô ; hướng về Chúa Cha, tạo nên cho Chúa Cha những người con. Có Thánh Thần, chúng ta thuộc về Chúa Kitô (Rm 8,9), chúng ta hướng về Chúa Cha (Rm 8,15 ; Gl 4,6). Chúa Thánh Thần cầu nguyện cho chúng ta và trong chúng ta, nhưng không làm cho chúng ta ngỏ lời với ngài, trái lại ngỏ lời với Chúa Cha qua lời cầu của Chúa Con, và hướng dẫn chúng ta tuyên xưng Chúa Con (1Cr 12,3). Cách Ngài hoạt động trong chúng ta, làm như hành động chỉ là của riêng ta. Người hiện diện trong chúng ta cách kín đáo ; làm cho chúng ta trở nên chính mình. Ngài chấp nhận trở nên “Ơn tha tội” của Thiên Chúa dành cho những kẻ có tội. Trong Thánh Thần, Thiên Chúa như tự hủy để cho con người được sống.

    Công việc của Chúa Thánh Thần là một công việc âm thầm cho đến tận thế. Ngài không bao giờ nói gì về chính mình, nhưng chỉ nói về Chúa Cha và Chúa Kitô ; cũng không tự động nói điều gì, mà mọi sự đều do Chúa Kitô (Ga 16,13-15). Ngài cũng không bao giờ làm vinh danh chính mình, nhưng luôn làm vinh danh Chúa Kitô. Ngài vẫn là Đấng không được biết đến bên kia Ngôi Lời. Ngày cánh chung, khi Chúa Cha trở nên mọi sự trong mọi nguời, ngài sẽ như ánh sáng chiếu soi gương mặt Chúa Kitô và gương mặt các thánh, nhưng ngài vẫn như không có gương mặt riêng, Ngài tự biểu lộ nơi những con người dựơc thần hóa, là Thánh Thần trong các thánh.

    III. SYNTHESIS : KẾT HỢP

    Thông điệp về Chúa Thánh Thần của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nhấn mạnh khía cạnh này : trong đời sống thẳm sâu nhất, Thiên Chúa là Tình Yêu. Bản Chất Tình Yêu chung cho cả Ba Ngôi ; Tình Yêu chủ vị hay Ngôi Vị Yêu Thương là Thánh Thần, Thánh Thần của Cha và của Con (De V).

    Theo Augustinô, Ngôi Ba là Tình Yêu cao vời nối kết Chúa Cha và Chúa Con, và nối kết chúng ta với các Ngài. Trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa ban cho chúng ta Hồng Ân không thấp hơn chính mình Ngài. Thánh Thần là hồng ân của Thiên Chúa được ban cho những ai nhờ đó mà yêu mến Thiên Chúa. Thánh Tôma cũng lấy lại tư tưởng này và dành cho Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt hai danh xưng “Tình yêu” và Hồng Ân” (Amor – Donum).

    Thần học Hy Lạp ít nhấn mạnh đến khía cạnh này hơn, nhưng cũng gặp gỡ thần học La Tinh, khi bàn đến Thánh Thần như là cùng đích, là sự hoàn tất trong Ba Ngôi : Chúa Thánh Thần liên kết với Chúa Cha duy nhất nhờ Chúa Con duy nhất, và như thế hoàn tất Ba Ngôi vĩnh phúc (Basile, De spiritu S. 18,45). “Mỗi hành động đều phát sinh từ Chúa Cha, tiến hành nơi Chúa Con và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần” (Grégoire de Nysse, Quod non sint tres dii, P.G 45.129). Công đồng Constantinople II năm 553 đúc kết giáo lý này trong câu : “Chỉ có một Thiên Chúa và là Cha độc nhất bởi đó mà có mọi sự, chỉ có một Chúa Giêsu Kitô độc nhất nhờ đó mà có mọi sự, chỉ có một Chúa Thánh Thần độc nhất trong đó mọi sự đều hiện hữu” (DS 421). Richard de S. Victor có một công thức tuyệt diệu : “in Patre origo unitatis, in filio inchoatio pluritatis, in Spiritu Sancto completio trinitatis” (nguồn gốc sự Duy Nhất là ở nơi Chúa Cha, Số nhiều bắt đầu nơi Chúa Con, Ba Ngôi hoàn tất trong Chúa Thánh Thần) (PL 196,992).

    Chúa Thánh Thần là sự tự hiến hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con : là sự ra khỏi, là sự hướng về, là vận hành sống động của tình yêu và sự sống, mà thần học gọi là “chu lưu vận”. Một bên là Chúa Cha, bên kia là Chúa Con ; Chúa Cha ở đầu, Chúa con ở cuối, Chúa Thánh Thần ở đầu trong Đấng sinh hạ, và ở cuối trong Đấng được sinh ra. Mặc dù nhiệm xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con (thần học La Tinh), Chúa Thánh Thần không đến sau Chúa Cha, cũng không đến sau Chúa Con, bởi vì Chúa Cha là Cha trong Thánh Thần, Chúa Con là Con trong Thánh Thần.

    Chúa Cha vừa sinh ra Ngôi Lời, vừa đối diện với Ngôi Lời, vừa nên một với Ngôi Lời trong Chúa Thánh Thần là Tình Yêu kết hợp. sự gặp gỡ, kết hợp giữa Cha và Con mật thiết và cụ thể đến nỗi làm thành một ngôi vị là Ngôi Ba, Chúa Thánh Thần là một ngôi vị trong hai ngôi vị kia. Sự duy nhất trong Thiên Chúa không có trước các ngôi vị. Các Ngôi Vị không là chướng ngại cho sự duy nhất, nhưng là nguồn gốc của sự duy nhất, vì các ngôi vị có tương giao trọn vẹn với nhau : mỗi ngôi vị đều trao ban trọn vẹn sự sống thần linh viên mãn của mình cho nhau. Nguồn gốc của sự duy nhất là Chúa Cha, Chúa Con là Hình ảnh, Chúa Thánh Thần là sự chủ vị hóa, vì Ngài là tương quan giữa cha và con. Nhờ sự nội tại của Thánh Thần, vừa là của Cha, vừa là của Con, mà Cha hiện diện trong Con nhờ Thần Khí của Cha. Con hiện diện trong Cha nhờ Thần Khí của Con, và như vậy Thần khí chính là sự hiệp thông sâu thẳm nhất giữa Cha và Con. Và chức năng của Thần Khí trong lịch sử cứu độ là nối kết tất cả, đưa tất cả vào Tình Yêu Vĩnh Hằng là sự hiệp thông Ba Ngôi. Đặc biệt thế giới loài người là thế giới các tương quan, và mọi tương quan đều phải trở thành tương quan tình yêu, bấy giờ nhân loại mới thực sự là nhân loại. Nhân loại thực sự trở nên chính mình nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần.

    nguồn: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/...an/Chuong7.htm

  6. #6

    Mặc định

    Mình hay cầu nguyện với Chúa Con và Chúa Cha, mình xin 2 Đấng ban Thánh Thần cho mình.
    Vậy có thiên vị k nhỉ? Chúa Thánh Linh có buồn mình k?

  7. #7

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi abbachaoi Xem Bài Gởi
    Mình hay cầu nguyện với Chúa Con và Chúa Cha, mình xin 2 Đấng ban Thánh Thần cho mình.
    Vậy có thiên vị k nhỉ? Chúa Thánh Linh có buồn mình k?
    Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa, nên khi bạn cầu nguyện Ngài cũng biết và cũng nghe như hai Ngôi còn lại bạn ạh!
    Đặc biệt: Chính Chúa Thánh Thần là Đấng dạy chúng ta cầu nguyện cùng Hai Ngôi Thiên Chúa còn lại đó. Như lời thánh Phaolô quả quyết:"Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.27 Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa."(Thư Rôma chương 8)
    Do đó, Ngài không giận! Ngài giận là giận chúng ta không biết xin Ngài dạy chúng ta cầu nguyện và xin Ngài canh tân biến đổi chúng ta nên như Chúa muốn.
    LAUDE TUR IESUS CHRISTI
    NGỢI KHEN CHÚA GIÊSU KITÔ

  8. #8

    Mặc định

    Tình yêu Cha-Con phát xuất Chúa Thánh Thần.Giống như xét tương quan Tình Yêu Vợ-Chồng thì nếu không có Tình Yêu thì cũng không còn khái niệm Vợ-Chồng nữa.Con người thì có thể Vợ đi đằng vợ, Chồng đi đằng chồng và Tình Yêu chết.

    Nhưng với Thiên Chúa-Chính là Tình Yêu, thì nếu Tình Yêu chết đồng nghĩa với Cha-Con sẽ chết.Cha-Con, Vợ-Chồng là những khái niệm ta có thể cảm được, nhìn được. Nhưng Thánh Thần, hay Tình yêu thì không thể nhìn thấy được nhưng luôn hiện hữu đồng thời cùng 2 bản vị Cha-Con.

    Từ đó suy ra khi Ta cầu nguyện thì Thiên Chúa là Ngôi 1, Ta là Ngôi 2, và những phát khởi bởi tình cảm, lời cảm tạ, tạ ơn, tâm tình, cầu nguyện giữa Ta và Thiên Chúa chính là Thánh Thần ngôi 3 đang hoạt động để kết nối Ta-Thiên Chúa, cũng giống như khi Chúa Giê Su cầu nguyện thì Thần Khí hoạt động trong Ngài để kết nối Nhân tính-Thiên tính.


    Thánh Thần có 1 góc nào đó hơi tương đồng với Nhân duyên, duyên khởi trong PG khi xét ở góc độ kết nối vận động giữa A-B (dĩ nhiên là những điểm còn lại sẽ khác).

    Nếu suy ngẫm sâu xa thì vũ trụ, sự sống đều là những bản nhạc bất tận của Thần Khí hoạt động. Mỗi hơi thở, mỗi rung động của giác quan, mỗi lời cầu nguyện đều là hoạt động của Lời (Logos) và Thần Khí.

    Nên 1 ý niệm phi thượng đế tính, 1 hành động tội lỗi, 1 sự xa rời điều lành đều làm chết đi 1 phần thân thể, hình ảnh, ngôi vị của Ngôi Hai, tức là Thần Khí cũng bị loại trừ ra khỏi Ta khi ta xa rời Thiên Chúa.

    Thánh Phaolo nói "Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Ki tô sống trong tôi" thực sự đúng cả về nghĩa đen :)

  9. #9

    Mặc định KHÁI LUẬN THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN-Felipe Gómez Ngô Minh, sj.

    Cuốn sách này khá dài, mt sẽ đăng từng đoạn một vào đây để chúng ta ngấm dần :)

    http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=9BimnVNNYw

    KHÁI LUẬN THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN

    LỜI NÓI ĐẦU
    Quý Vị độc giả,

    Có không ít kitô hữu cho rằng giai đoạn lịch sử trong những thế kỷ gần đây – hoặc xa hơn nữa, tức kể từ lúc khai mở Công Vụ Tông Đồ trở đi – cho tới hồi cánh chung – là thời của Chúa Thánh Thần, là thời gian Thần Khí hoạt động, tiếp nối công trình của Ngôi Hai Nhập Thể, Đức Giêsu Kitô.
    Đó là lối suy nghĩ tiếp nối lập luận chủ trương phân chia thời gian lịch sử thành từng phần dành cho mỗi một Ngôi trong Ba Ngôi: từ khởi nguyên cho tới lúc Ngôi Hai nhập thể làm người là gian đoạn dành cho Ngôi Cha; tiếp đến, là giai đoạn của Ngôi Hai, kể từ lúc Ngài nhập thể và hoạt động trong cuộc đời dương thế cho tới lúc về trời; sau đó, từ ngày Hiện Xuống cho tời hồi cánh chung là thời gian hoạt động của Ngôi Ba, Chúa Thánh Linh.
    Phân chia như thế mới thoáng nhìn thì xem ra phù hợp với mặt ngoài của thời gian lịch sử. Nhưng sự thật, thực tại đâu phải chỉ có mặt ngoài mà thôi; nhất là thực tại ở đây lại là thực tại thần linh, thực tại của mầu nhiệm, phong phú và cao siêu ở mặt trong hơn hẳn mặt ngoài!
    Ngay từ thuở tạo thiên lập địa, đã từng thấy “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1:2); và suốt trong thời Cựu Ước, Thần Khí Thiên Chúa linh hứng các ngôn sứ trong Cựu Ước; chẳng hạn, Isaia chia sẻ cho biết: “Thần Khí của Đức Chúa ở trên tôi” (Is 61:1); Cựu Ước còn tiên báo về việc Thần Khí hoạt động nơi và cùng với Đấng Thiên Sai là Ngôi Hai nhập thể (xem chẳng hạn: Is 42:1; 11:2); cũng thế, Tân Ước cho thấy Thần Khí luôn có mặt bên cạnh Đức Giêsu từ khi Ngài thụ thai cho tới lúc Ngài về trời (xem chẳng hạn: Lc 1:35; 3:21-22; 4:1-21; 24:49; Ga 20:22, v.v.) Mặt khác, Đức Giêsu lại hứa với các tông đồ – tức cả với các kitô hữu – là: “Thầy ở lại cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20); và khỏi phải nói chi nhiều thì cũng hiểu được là Cha hằng làm việc không ngừng (x. Ga 5:17) từ đầu cho tới cuối.
    Như thế hẳn đã rõ: từ khai nguyên cho tới giây phút tận cùng lịch sử, mọi sự đều hiện hữu, đều tiến hành trong “...danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28:19).
    Từng ấy cũng tạm đủ để thấy quả là một ngộ nhận lớn việc cố chia tách hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa thành từng phần riêng biệt. Đó là chưa nói chi tới hoạt động đồng tác của Ba Ngôi trong những gì Người thực hiện – ít là cách chung – nơi ngoại giới sự sống của chính mình; tức là các hoạt động ngoại tại.

    Xem ra một trong những lý do chính đưa tới ngộ nhận nói trên là vì không để ý cho đủ đến những gì Kinh Thánh ghi lại và những gì giáo lý nhận thức được – theo khả năng loài người – về Thiên Chúa Ba Ngôi, và nhất là về Ngôi Ba, bởi ngay cả thần học cũng không bàn gì nhiều và minh bạch về Người.
    Thế nên, trong nỗ lực hợp tác đóng góp vào công việc chung, nội dung số đôi 43&44 này của HTTH xin được giới thiệu đến Quý Vị thiên chuyên khảo về Chúa Thánh Thần do linh mục Felipe Gómez Ngô Minh, sj. thực hiện, tựa đề Khái luận thần học về Chúa Thánh Thần.

  10. #10

    Mặc định

    Kính chào Quý Vị,

    HỢP TUYỂN THẦN HỌC

    I. Thần Khí Học

    Lối năm 52, thánh Phaolô đến Êphêxô; tại đây, ngài đã tìm gặp một số môn đệ và hỏi họ: “Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa?” Họ đáp: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói” (Cv 19:2). Vì tình trạng vô tri ấy đối với Ngôi thứ ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi, một số người đã gọi Người là “Thiên Chúa bị lãng quên.”

    Lẽ tất là giờ đây, so với nhiều thế kỷ xa xưa trong quá khứ, đầu óc của các kitô hữu có hiểu biết đã ý thức nhiều hơn về Chúa Thánh Thần. Qua các thời kỳ Tân Ước – ít là trong mức độ biết được về tình cảnh của nhiều giáo đoàn khác nhau thời bấy giờ – đời sống thường nhật của người kitô luôn đượm đầy sự hiện diện cùng các hoạt động của Thánh Thần. Suốt ba thế kỷ đầu, dù Giáo hội đã cảm nghiệm và thưởng nếm sự hiện diện thân tình đó, song đã chẳng cảm thấy thúc bách chi mấy phải nỗ lực suy tư về Người. Sau thời bị bách hại (tk.4), đà “cơ chế hóa” đã chiếm ưu thế trong việc cầm quyền Giáo hội, và vai trò của những “kẻ nhiệt thành” hay các ngôn sứ tự phát, đã dần dần bị thu hẹp, trong khi đó, các “hội dòng” hay hàng giáo sĩ đã hầu như độc chiếm việc điều hành đời sống mục vụ.

    Suy tư thần học đã bùng phát mạnh mẽ vào thời các giáo phụ (lối thế kỷ 4–8), song lại có những điểm nhấn khác biệt nhau giữa Đông và Tây. Bên Đông phương, các lạc giáo thi nhau mọc lên, buộc các giáo phụ phải ra sức “tinh chỉnh” lại giáo lý kitô bằng các công cụ văn hóa đã sẵn có (triết học, các lễ nghi tôn giáo, phong hóa,…). Sau khi lạc giáo Ariô bị kết án tại công đồng Nixêa (năm 325),[1] thì chú ý lại được dồn sang vấn đề Chúa Thánh Thần, bởi một số lạc giáo khác (Pneumatomachi – phái phủ nhận thiên tính của Thánh Linh; Maxêđôniô – lạc phái gần giống với Ariô) đang tỏ thái độ hoài nghi về thiên tính của Ngôi Ba Thiên Chúa. Bởi đó, thánh Athanaxiô thành Alêxănđria (293–373) và ba Giáo phụ vùng Capađôxia – Baxiliô Cả (329–379), Grêgôriô thành Nixa (335–395), Grêgôriô thành Nađian (330–390) – đã triển khai một cách hiểu chính thống về Ngôi Ba; và giáo lý đó đã được tuyên xưng trong kinh Tin kính của Công đồng Côngxtăngtinốp (năm 381): “Tôi tin kính... Đức Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa và là Đấng ban Sự sống...” Ở bên Tây phương thì không thấy có những lạc giáo như vậy, và các vấn đề thường xuất phát từ những vấn nạn mang tính chủ quan, chẳng hạn như mối liên hệ giữa ân sủng và tự do; và kết quả là, thần học bên Tây phương nhấn mạnh nhiều hơn vào Kitô học.

    Trong bối cảnh đó, thần học hệ thống đã bùng tiến mạnh mẽ vào thời Trung cổ, khởi đầu là từ các đan viện và các trường nhà thờ chính tòa (cathedral schools), rồi sau đó (từ thế kỷ 13 trở đi) lan dần vào các trường đại học. Thách đố mà thần học phải đối diện lúc đó phát xuất từ những vấn đề thuộc các lãnh vực Kitô học, Giáo hội, Bí tích, và luân lý, để rồi Chúa Thánh Thần đã bị “quên sót” trong các sách giáo khoa thần học kinh viện. Thần học về Thiên Chúa được phân thành hai chuyên luận, một đàng cắt nghĩa về giáo lý “Thiên Chúa như là Một” (Một Thiên Chúa), và đàng kia, về “Thiên Chúa như là Tam vị” (Ba Ngôi); chuyên luận sau, lẽ tất, đã trình bày sơ quát đức tin về Chúa Thánh Thần, song lại chỉ thấy mang tính chất là một thứ suy tư tiếp hậu, làm như cho có để hoàn tất giáo lý về Tam Vị. Ngôi Hai được ưu ái dành cho một phần lớn trong các luận thuyết, các chuyên khảo trường thiên và phức tạp (Kitô học) trong lúc Ngôi Ba xem chừng chẳng có một chỗ đứng nào đáng kể cả; có chăng, Ngôi Ba cũng chỉ được dành cho một chỗ trong các sách về Linh đạo, hạng sách bị coi là “hàng dưới” trong hệ thống phân loại giá trị của các trường kinh viện. Do vậy, thần học hệ thống thời đó bị coi là “độc duy-Kitô” (“christomonistic”), vì đã đề cao quá mức chủ hướng quy Kitô. Trên thực tế, tình trạng đó vẫn còn tiếp diễn cho đến thời hậu Công đồng Vatican II.[2]

    Cả trong Phụng vụ, nơi mà tác năng của Chúa Thánh Thần được thể hiện đến cực điểm, thì cũng chẳng thấy người ta đả động chi nhiều đến Người cả. Trong Lễ quy Rôma – tức Kinh nguyện Thánh Thể I – tuyệt nhiên không hề thấy có một lời kinh khẩn cầu chính thức nào dành cho Chúa Thánh Thần. Đương nhiên, dù trong các lời nguyện cũng thấy có nhắc đến sự “... hiệp nhất với Chúa Thánh Thần”, song hầu như không thấy có lời nguyện dành riêng cho Người trong sách Lễ hay trong các sách Nghi thức. Sách Nghi thức dùng để cử hành các Bí tích cũng chẳng đoái hoài chi mấy đến vai trò của Thánh Thần.

    Tình trạng ấy khiến nhiều người lên tiếng cáo buộc các giáo hội Tây phương đã đi ngược lại với Giáo hội thời các tông đồ. Quả thế, Tây phương có trong tay một giáo lý tuyệt mức chính thống, một nền thần học sâu sắc và trừu tượng; giáo lý ấy đã ra sức bảo vệ và gìn giữ chân lý... Song tất cả những điều này xem chừng khá khô khan, cứng nhắc và thiếu sức sống; “tinh vị” của Thánh Thần dường chừng đã lạc biến đâu mất.

    Trên thực tế, Thánh Thần hằng hiện diện trong Giáo hội; Người giống như “linh hồn” giữ cho Thân mình của Đức Kitô luôn sống động. Là “nước”, Người khiến cho các hạt giống của Lời nẩy nụ, đơm hoa; là “gió”, Người thổi tràn sinh khí vào những nỗ lực tông đồ; là “lửa”, Người tinh luyện những gì bất toàn, dẫn đường và soi lối. Về bản tính, Người vô hình, vô lượng, vô thường...; Người phá bỏ những chia cách và xóa nhòa mọi ranh giới của thể chế. Các phong trào canh tân, hay cải cách, chính là những “xúc tác tố” mà Thánh Thần gieo vào lòng Giáo hội. Có thể kể ra đây một số các phong trào canh tân như thế, chẳng hạn: phong trào đan viện (tk.4), phong trào cải cách Grêgôriô (tk.11), phong trào các thầy dòng khất thực (tk. 13), v.v.; đành rằng, các phong trào ấy được chính Thánh Thần khởi xướng, song lại ít nhiều do bàn tay con người thể hiện, nên chẳng thế nào tránh khỏi được những méo mó, lầm lạc; điển hình như vụ fratricelli (nhánh dòng Phanxicô tách riêng hồi thế kỷ 13–14), rồi vụ hiệp hội giáo dân Bêganh (tk. 13-15); để rồi cuối cùng, các phong trào ấy lại biến tướng thành các lạc giáo, như lạc giáo Catha (trào lưu nhị nguyên, khổ hạnh) và Van¬đô (chủ trương chỉ theo một mình Kinh thánh, sống nghèo, bất bạo động, về sau nhập theo Tin lành). Phái Tin lành cũng là một phong trào cải cách “thiêng liêng” kiểu đó, xuất hiện dưới hình thức các hội phái sùng mộ khác nhau, như hội Huynh đệ, các phái Ngũ tuần.

    Dường như qua những thời kỳ khủng hoảng, Giáo hội càng kinh nghiệm rõ hơn về hoạt động của Thánh Thần. Sau những hậu quả tiêu cực mà chủ nghĩa duy lý để lại trong suốt thế kỷ 18, thì thế kỷ 19 lại chứng kiến cảnh bùng phát mạnh mẽ của các hoạt động truyền giáo; hàng trăm dòng tu cũng như các giáo hội địa phương nối đuôi nhau mọc lên. Từ đây, Giáo hội đã bắt đầu chứng kiến những cuộc canh tân về phụng vụ, về thần học các giáo phụ và về Kinh Thánh, dẫn đến việc khai mở Công đồng Vatican II (1962–1965), một công đồng đã được chào đón – có lẽ bằng cái nhìn lạc quan quá mức – như một Lễ Hiện xuống mới. Thực ra, những năm hậu công đồng là thời gian Giáo hội phải đương đầu với những cuộc khủng hoảng sâu rộng; dù vậy, chính xác mà nói, phong trào canh tân trong Thánh Thần đã xuất hiện như một bằng chứng về những lời đã hứa, như một bảo chứng của Thánh Thần, Đấng tỏ rõ cho thấy Người đang hiện diện sinh động hơn lúc nào hết. Thật khó mà phủ nhận rằng chính Thánh Thần đã dẫn dắt Giáo hội tiến đến một cuộc canh tân trong các lãnh vực phụng vụ, đời sống giáo hội và môn học dành cho giáo sĩ, trong vai trò của nữ giới giữa lòng Giáo hội, trong việc thiết lập các Giáo hội địa phương, v.v., cũng như giúp Giáo hội dấn bước vào những địa hạt mới mẻ, như phong trào đại kết, đối thoại với các tôn giáo khác.

    Nỗ lực nhằm lồng suy tư thần học vào các thực tại đa dạng ấy, tự nó, sẽ tất yếu đưa đến một nền thần học sâu rộng hơn về Chúa Thánh Thần. Dù là thế, cũng không thể nào đóng khung Thánh Thần vào trong lãnh vực tôn giáo không thôi; bởi, Người là Thần Khí Sáng tạo, Đấng, cùng với các vật thụ tạo, đang “rên siết” trước cảnh trạng ô nhiễm phủ vây – thảm kịch sinh thái – cũng như vui mừng hoan hỷ chứng kiến nền khoa học đang khám phá ra những “bí ẩn” mà Người đã để trong thiên nhiên, những kỳ quan mà Người đã đặt trong vũ trụ, những con đường mà Người đã khai quang cho con người bước đi trong dòng lịch sử, v.v. Bởi đó, Thần Khí học ngày nay phải làm sao để không còn bị giam cứng trong các phạm vi thuộc Kinh Thánh và đại kết, song biết hướng mở đến các chiều kích rộng lớn hơn của lịch sử, vũ trụ, khoa học, nghệ thuật, cũng như nhắm vào mọi lãnh vực sinh hoạt của con người hay của thiên nhiên.

    Thần học về Chúa Thánh Thần có vẻ như chưa thực sự khai hoang được những vùng đất mới.[3] Thần học Tin lành đã có những đóng góp đáng kể vào công cuộc hiện thực hóa nền Thần Khí học, đã tạo được mức ảnh hưởng sâu rộng nhờ các tác phẩm của K. Barth[4] và việc chào đời của phái Ngũ tuần.[5] Đúng ra, trong truyền thống Công giáo, Thần Khí học là một bước tiếp hậu và hẳn là một đà nới rộng của nền thần học truyền thống về ân sủng; về phía Tin lành, Thần Khí học cũng chỉ là nỗ lực đào sâu mối tương quan giữa Lời và Thần Khí.[6] Dù vậy, các tác phẩm mới cũng đã dốc toàn lực để đề xuất những viễn cảnh mới mẻ khác. Chỉ nói riêng về phía Công giáo, lúc cho ra đời tác phẩm I believe in the Holy Spirit,[7] cha Yves Congar cũng đã công khai phá bỏ các giới hạn của thần học về ân sủng và đã nới rộng ranh giới của Thần Khí học sang địa hạt Giáo hội học.[8] Cách làm đó cũng không cho thấy có chi mới lạ, bởi vì Giáo hội học đã lưu ý đến vai trò của Thánh Thần trong Giáo hội rồi.[9] Nhiều tác phẩm khác nhau của Karl Rahner về Chúa Thánh Thần[10] thường chỉ đề cập đến một số khía cạnh nào đó, hoặc là đào sâu thêm về thần học ân sủng của ngài, hoặc chỉ là một chương trong thần học về Ba ngôi mà thôi. Louis Bouyer thì viết về Chúa Thánh Thần nhiều hơn,[11] song lúc nào cũng lấy thần học truyền thống làm hậu cảnh. Nhiều nhà thần học khác cũng xuất bản các cuốn sách viết về Chúa Thánh Thần, như F.X. Durwell, CSsR,[12] và có lúc với đôi chút mới mẻ hơn, như Donald Gelpi, S.J.[13]; tại Á châu, có thể kể đến Samuel Rayan, S.J.,[14] v.v. Giáo lý về Chúa Thánh Thần, trong các sách giáo khoa thần học, thường chỉ xuất hiện là một chương viết về Ngôi Ba trong thần học về Thiên Chúa. Vatican II đã nỗ lực để đưa Chúa Thánh Thần vào các văn kiện về Giáo hội, Mạc khải, Truyền giáo, v.v. Do vậy, mong rằng thần học sẽ – bằng cách thức nào đó – khai triển một học thuyết về Chúa Thánh Thần[15] “thoát ly” khỏi vòng ảnh hưởng của Kitô học; như thế có nghĩa là Thần Khí học hoặc sẽ không sử dụng các phạm trù cùng loại với Kitô học, hoặc sẽ dùng các phạm trù ấy theo nghĩa loại suy (chẳng hạn như: ngôi vị, sứ vụ, nhiệm xuất). Cùng lúc, Chúa Thánh Thần phải được nhấc ra khỏi phạm vi sâu kín thân mật (nhấc ra khỏi chứ không phải là bứng hẳn đi!) để mở rộng hướng đến những miền đất bao la hơn của văn hóa, lịch sử, thế giới, vũ trụ... Nói khác đi, Thần Khí học phải bước chân vào các địa hạt thần học về Phụng vụ, Tôn giáo, Lịch sử, thần học Giải phóng, Thần học Chính trị hay Nhân học siêu nghiệm, chứ không chỉ khư khư mặc hoài chiếc áo linh đạo (thần học thiêng liêng) chật chội nữa. Hoạt động “đặc thù” của Thánh Thần là thánh hóa (“thánh”), là thần tác (“thần”); bởi đó, nhất thiết phải đặt ra nhu cầu nghiên cứu các lãnh vực thuộc nhân học, tâm lý học, cũng như mọi hành vi sáng tạo của con người, v.v., hầu khám phá ra sức hiện diện thiêng liêng đầy năng động của Thánh Thần.[16] Kinh Tin kính cho thấy một đầu mối về sự hiện diện ấy: tín đoạn thứ nhất trình bày cho thấy có thể nhận ra Cha (“Đấng Tạo Dựng”) ở trong công trình tạo dựng; tín đoạn thứ hai cho thấy có thể gặp gỡ Con trong Đức Giêsu Kitô (trong đời sống, biến cố Tử nạn, Phục sinh, và việc ngự đến xét xử của Ngài), và tín đoạn thứ ba, “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần,” mời gọi chúng ta kiếm tìm Thánh Thần trong Giáo hội, trong mối hiệp thông các thánh, trong ơn tha thứ tội lỗi và hồi viên mãn cánh chung.
    Một số nhà thần học hẳn sẽ cho rằng một nền Thần Khí học mang tính chất khoa học là điều bất khả, bởi Chúa Thánh Thần không thể nào trở thành một “đối tượng” để suy tư nhắm đến; rằng Người phải trở thành “chuẩn tắc” để chúng ta dùng mà suy tư về hết thảy các sự vật khác, giống như một thứ ánh sáng khả dĩ giúp chúng ta nhìn tỏ mọi sự vậy.[17] Bảo thế cũng phải, song cũng đừng quên rằng chúng ta cũng có thể nhìn thấy ‘ánh sáng’ – tức là chính Chúa Thánh Thần – nữa! Quả thế, các Giáo phụ đã viết rất nhiều sách về Chúa Thánh Thần (chẳng hạn, thánh Baxiliô và Am¬brô¬xiô); các nhà thần học, các bậc thức giả, bên Đông lẫn bên Tây, đều cống hiến những suy tư rất mực phong phú về Thánh Thần; và trong thời đại chúng ta, kho liệu về Thần Khí học dồi dào đến độ vượt tầm kiểm soát. Phần lớn các tác phẩm công phu về Thánh Thần đều mới chỉ nhắm vào việc mổ xẻ những điều mà Thần Khí làm; thần học phải làm sao đó để đào sâu hơn nữa về Đấng là Thần Khí. Chỉ đi vào trong Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta mới có thể đụng chạm đến được “Ngôi vị” của Thần Khí, trong mối tương ái với Cha và Con.


    Chào đời, Phong trào canh tân đặc sủng[18] đã thổi vào Giáo hội một luồng sinh khí mới, mang lại rất nhiều những đổi thay đáng kể. Năm 1967, ở Đại học Duquesne, Pittsburgh, một nhóm sinh viên và giáo sư đã khởi xướng một phong trào sống kinh nghiệm “Hiện xuống”, và đã sớm lan rộng trong toàn Giáo hội. Các Đức Giáo hoàng, Phaolô VI và Gioan Phaolô II, đã chuẩn nhận phong trào này và tìm cho nó một chỗ đứng trong suy tư thần học.[19] Chúa Thánh Thần bây giờ đã trở nên quen thuộc đối với kho ngữ vựng thần học. Trên thực tế, Vatican II đã dồn chú tâm vào vai trò của Chúa Thánh Thần trong thế giới (GS), trong Giáo hội (LG), trong các biến cố và mức hiểu biết về Mạc khải (DV), trong các sứ vụ (AG), và đã khuyến khích các nhà thần học mạnh dạn mở ra lối đi nhắm đến những chân trời lớn rộng hơn.[20] Các Đức Giáo hoàng cũng đã viết ra những thông điệp: Đức Lêô XIII với thông điệp Divinum Illud Munus (9.5.1897) về Chúa Thánh Thần, Đức Piô XII đã khôi phục lại chiều kích đặc sủng của Kitô học trong Mys¬tici Corporis (1943), Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh đến tác vụ của Thánh Thần trong sứ mạng truyền giáo.[21] Riêng Đức Gioan Phaolô II, ngài đã phát triển một giáo lý rất phong phú về Chúa Thánh Thần, đặc biệt là trong thông điệp Dominum et Vivificantem (18.5.1986) và các bài huấn giáo về chủ đề “Thánh Thần, Đấng ban Sự sống và Tình Yêu” suốt những năm 1989-1991. Ngài nhắc nhở rằng: “chính tại Á châu, Đức Giêsu đã thổi hơi Thần Khí trên các tông đồ và đã phái gửi họ đến tận cùng trái đất, để họ loan báo Tin mừng và quy tụ các kẻ tin thành cộng đoàn.”[22] Phong trào Ngũ Tuần đặc biệt là của phái Tin lành, đã sáng tác vô số những tác phẩm, và các tác phẩm này đã bắt đầu được các trường thần học trưng dẫn.[23] Dù thế, từ ngữ “Thần Khí học” xem chừng vẫn còn xa lạ đối với giới Công giáo: cuốn The New Catholic Encyclopedia (Tân Bách Khoa thư Công Giáo), phiên bản 2003, đã không thấy dành một chỗ nào cho mục từ này.

    Giờ đây, thần học phải tăng cường nỗ lực hơn nữa vào việc tìm biết về Ngôi vị huyền nhiệm nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Các thách đố đặt ra cho thần học không nảy sinh từ việc “cạnh tranh” với Kitô học hay Giáo hội học, song là từ một hậu cảnh văn hóa, nơi mà “Thần Khí” hoặc đã không mang được ý nghĩa nào, hoặc chỉ mang một ý nghĩa rất đỗi mơ hồ. Đối với não trạng duy vật, “Thần Khí” là một thứ chi đó ảo tưởng, tức là, “hư vô”, hay đơn thuần chỉ là thứ hiện tượng phụ tùy của một thực tại, một “thăng hoa” của ước muốn con người, hoặc một “thượng tầng kiến trúc” trong tiến trình kinh tế và xã hội. Mang nhãn giới “khoa học”, họ chỉ nhìn nhận là “thực” những gì có thể cân đo, đong đếm, những gì khả hiện trước mắt, có thể lập tức chỉ mặt đặt tên... Song “Thần Khí” thì chẳng đời nào bị trói gọn vào những giới hạn hữu hình đó; và vì không thể gắn nổi thực tại ấy vào một thước đo nào cả, nên họ buộc phải phán quyết là: hư vô! Còn trong thế giới không bị Tây phương hóa, thì vấn đề lại phát sinh từ “các thần khí” (spirits), từ lối quan niệm cho rằng tinh thần tự do chuyển động không ngừng trong thế giới của những thực thể vô hình, vô dạng, phi ngôi vị. Ở đây nữa, triết học có nhiệm vụ phải giới trình một vài thực tại chính xác và có chọn lọc, tách ra khỏi những ảo tưởng vốn có đó. Thần học sẽ xác định ý niệm kitô về “thần khí”, song không nhất thiết phải kỹ càng quá mức, nhất là trong một lãnh vực mà mức độ chính xác là bất khả; kế đến, thần học sẽ giải thích siêu việt tính của Thánh Thần, Đấng – bởi là Thiên Chúa nên – thuộc về một Thực tại “hoàn toàn khác”. Nếu đã thấy khó diễn tả về Thiên Chúa, mầu nhiệm tuyệt đối, thì đối với Thần Khí, một thực thể nằm trong nơi sâu thẳm nhất của mầu nhiệm ấy – mầu nhiệm mà chỉ có một mình Thần Khí mới biết được (x. 1Cr 2:11) – việc diễn tả còn cho thấy là khó khăn gấp bội; và Thần Khí ấy không có được một danh hiệu nào thích đáng để xưng, để gọi. Nếu đối với Thiên Chúa, mọi danh hiệu đều mang tính cách loại suy (“Cha”, “Con”), thì khi nỗ lực để xác định danh xưng cho Ngôi Ba, cả phép loại suy cũng tỏ ra bất lực, và cảm thấy thiếu khi chỉ gọi Người bằng một danh hiệu duy nhất là “Thần Khí”; bởi đó, Kinh thánh đã cố dùng một vài danh hiệu khác nữa. Thực trạng khó khăn ấy đã được thánh Tôma Aquinô nhấn mạnh khi lưu ý rằng trong vấn đề này, thần học không nên kỳ vọng quá nhiều.[24] Từ thánh Âugutinô trở đi, thần học Latinh đã kế thừa những dạng loại suy có tính cách tâm lý để suy cứu về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa; nhưng dù có theo vết chân của thánh Âugutinô, thì cũng phải ý thức về giới hạn của các dạng loại suy như thế để không dựa vào chúng mà suy diễn quá đà, và phải biết dừng lại, tránh rút ra quá nhiều những kết luận, cũng như tránh đặt quá nhiều tin tưởng vào tính chính xác của chúng.

    Chắc hẳn là mức hiểu biết về Chúa Thánh Thần sẽ tốt đẹp hơn nếu thần học biết chú tâm hơn nữa vào Cứu độ học và vai trò của Thần Khí. Thần học Latinh đã không lưu tâm nhiều đến khía cạnh này, bởi vì các mô mẫu của Kinh thánh (giá chuộc, đền tội, giao hòa, thục tội, cứu chuộc, cứu độ, xá tội...) đều hoàn toàn nhắm chỉ về Đức Kitô. Các hoạt động “khách quan” của ơn cứu độ có thể dễ dàng được quy gán cho Đức Kitô, cho Canvê, cho Thập giá. Song cũng cần phải có một nhập ứng về phía “chủ quan” của tâm hồn con người trước ơn cứu độ, và chính ở đây, tác vụ đặc thù của Thánh Thần sẽ lộ hiện, dù có gọi đó là ơn thánh hóa, ơn công chính hóa hay ơn thần hóa. Theo cách này, thần học sẽ phải đánh một vòng, đi về lại với điểm khởi đầu, về lại với “nhiệm cục” để nơi đó, tái khám phá sự Hiện Diện của Thiên Chúa như được vén mở tỏ tường trong mức phong phú trọn vẹn của Ba Ngôi. Và dù gì đi nữa, thần học này cũng phải khởi đầu từ đức tin, phải đưa dẫn đến đức tin, và phải được triển phát trong đức tin.


    ________________________________________
    [1] Lạc giáo Ariô được coi là bè rối kinh niên, bởi nó cứ tái đi diễn lại nhiều lần, dưới hình thức này hoặc hình thức nọ, ở những thời khác nhau, vào những lúc mà thiên tính của Đức Giêsu Kitô bị chối bỏ hay bị coi nhẹ.
    [2] Xem Wilhelm Breuning, “Pneumatologie”, trong Bilan de la théolo¬gie du XXe siècle, eds. Robert Vander Gucht and Herbert Vorgrimler, Casterman, Paris, 1970, vol. 2.
    [3] Xem J. McIntyre, The Shape of Pneumatology: Studies in the Doctrine of the Holy Spirit, T&T Clark, 1997; Bradford E. Hinze & D. Lyle Dabney eds., Advents of the Spirit: An Introduction to the Current Study of Pneumatology, Milwaukee: Marquette Univ. 2001.
    [4] Rosato, Philip J. The Spirit as Lord: The Pneumatology of Karl Barth. Edinburgh: T.&T. Clark, 1981.
    [5] Xin chỉ trưng dẫn một số thư mục hạn chế: Bruner, Frederick Dale, A Theology of the Holy Spirit: The Pentecostal Experience and the NT Witness. Grand Rapids: Eerdmans, 1970; Dunn, James D. G. Jesus and the Spirit: A Study of the Religious and Charismatic Experience of Jesus and the First Christians as Reflected in the New Testament. Philadelphia: Westminster, 1975; M Green, I Believe in the Holy Spirit, Eerdmans Publishing Co. 2004; Gunkel, Hermann. The Influence of the Holy Spirit. Trans¬lated by Roy A. Harrisville and Philip A. Quanbeck II. Philadelphia: Fortress, 1979; Hendry, George S. The Holy Spirit in Christian Theology. Philadelphia: Westminster, 1956.; Heron, Alasdair I. C. The Holy Spirit. Philadelphia: Westminster, 1983; Moule, C. F. D. The Holy Spirit. Grand Rapids: Eerdmans, 1978; Schwei-zer, Eduard. The Holy Spirit. Translated by H. Reginald and Ilse Fuller. Philadelphia: Fortress, 1980; Taylor, John V. The Go-Between God. Philadelphia: Fortress, 1972.
    [6] Xem J. Moltmann, The Spirit of Life, SCM Press 1992, tr. 1.
    [7] Trong tiếng Pháp: Je crois en l’Esprit-Saint, 3 vols. Paris: Cerf 1979-1980; Trong tiếng Anh, I Believe in the Holy Spirit, 3 vols. New York: The Seabury Press, 1983.
    [8] Xem Groppe, Elizabeth Theresa, Yves Congar's Theology of the Holy Spirit, 2004.
    [9] Xem, chẳng hạn, H.Muehlen, Una Mystica Persona, Roma 1968; L’Es¬¬prit dans l’Église, Paris, Cerf 1969; Jürgen Moltmann, The Church in the Power of the Spirit: A Contribution to Messianic Eccle-sio¬logy, SCM Press, London, 1975. Karl Rahner. The Spirit in the Church. New York: The Seabury Press, 1979.
    [10] Phần lớn nằm rải rác trong các tập khảo cứu của ngài, tựa đề Theological Investigations, 23 tập. (London, Baltimore and New York, 1961-92)
    [11] Louis Bouyer, Le Consolateur. L’Esprit Saint et vie de grâce, Paris, Cerf 1984.
    [12] F.-X. Durrwell, L’Esprit saint de Dieu, Paris: Cerf, 1983. Xem thêm L’Esprit du Père et du Fils. Médiaspaul, 1989.
    [13] Donald Gelpi, The Divine Mother, Washington: UPA, 1984.
    [14] Rayan, Samuel, Breath of Fire - The Holy Spirit: Heart of the Christian Gospel, London: Geoffrey Chap-man. 1979.
    [15] Đức Phaolô VI đã đề nghị điều này trong buổi tiếp kiến chung ngày 6.6.1973, cũng như được đưa ra trong Documentation Catholique, số 1635, 1.6.1973, 601.
    [16] George S. Hendry, “The Holy Spirit and the Human Spirit”, The Holy Spirit in Christian Theology, West-minster, Philadelphia, 1956, 96 - 117; Arnold B. Come, Human Spirit and Holy Spirit, Westminster Press, Philadelphia, 1959; William Barclay, Flesh and Spirit, Abingdon, Nashville, 1962, 13 – 16.
    [17] Heribert Mühlen, “Das Christusereignis als Tat des Heiligen Geistes,” Mysteriurn Salutis, eds. Johannes Feiner and Magnus Lohrer, Benziger Verlag, Einsiedeln, 1969, vol. 3/2, 514. Jean-Pierre Jos¬sua, “From Theology to the Theologian,” Catholic Mind, 68, số 1248 (1970), 5-10.
    [18] Edward D. O'Connor, The Pentecostal Movement in the Catholic Church, Ave Maria Press, 1975
    [19] Xem, chẳng hạn, một tuyển tập gồm 104 tài liệu, trong Presence, Power, Praise: Documents on the Charismatic Renewal, ed. Kilian McDonnell, The Liturgical Press, Collegeville, 3 vols., 1980; Yves Congar, “Le renouveau dans l’esprit: promesses et interrogations”, Je Crois en I’Esprit Saint, du Cerf, Paris, 1980, Vol. 3, 187-289.
    [20] Y. Congar, Je crois en l’Esprit saint, đặc biệt trong vol. 2, 187-226; W. Kasper, Jesus the Christ, London-New York 1976, 230-274.
    [21] Xem Evangelii nuntiandi số 75.
    [22] Ecclesia in Asia, số 9, chương III, tựa đề “The Holy Spirit, Lord and giver of life”.
    [23] Xem Esther Dech Schandorff, The Doctrine of the Holy Spirit: A Bi¬bliography Showing Its Chronological Development, 2 Vols. Rowman & Littlefield Publishers, Inc. 1995; Veli-Matti Kärkkäinen, Pneu¬ma¬to¬logy: The Holy Spirit in Ecumenical, International, and Contextual Perspective, Grand Rapids: Baker, 2002.
    [24] Summa Theol. I, q. 37, a.1.
    Last edited by minhthai; 27-02-2012 at 08:54 AM.

  11. #11

    Mặc định

    Chúa Thánh ThẦn trong Kinh Thánh

    A. Cựu Ước
    Bất cứ một suy tư kitô nào về Thiên Chúa đều phải được “kín múc” từ nơi các nguồn mạc khải. Cách riêng, thần học về Thần Khí Thiên Chúa phải biết truy tầm nơi Lời Thiên Chúa thứ ánh sáng giúp soi rọi cho chủ đề tuyệt mức khó hiểu này. “Thiên Chúa” đã là một mầu nhiệm rồi; dù thế, trong Thiên Chúa, Cha còn có một danh hiệu, Con thì có mang một bộ mặt loài người... còn Thánh Thần thì không thấy có một danh xưng nào cho thích đáng, cũng chẳng thấy mang một bộ mặt nào khả dĩ giúp nhận biết được, giống y như gió vậy. Bởi đó, công cuộc tầm cứu để nhận cho ra căn tính của Người càng trở nên thúc bách hơn nữa; song dù gì, trong nỗ lực truy tầm ấy, chẳng thấy có con đường nào thích đáng hơn việc lần giở lại những trang Kinh Thánh.[1]

    Quả thực, từ ngữ “Thần Khí” và “Thần Khí Thiên Chúa” xuất hiện nhan nhản trong các trang sách thánh; đó là chưa kể đến nhiều danh hiệu khác nữa. Toàn bộ lịch sử cứu độ được đặt dưới sự dẫn dắt của Thần Khí Thiên Chúa, cả về mặt các biến cố lẫn về mặt con người; dù vậy, tính đa dạng của các danh hiệu, biểu tượng, cũng như các hoạt động liên quan đến Thần Khí đã, bằng cách này hay cách khác, khiến cho không khỏi phải lúng túng, nhầm lẫn.

    Các danh hiệu
    Danh hiệu “Thánh Thần” thường được dùng khi nói đến Ngôi Ba của Ba Ngôi Thiên Chúa; dù vậy, danh hiệu ấy đã không hề thấy xuất hiện trong Cựu Ước. Tiếng Do thái gọi “Thần Khí” là ruah, được dịch sang tiếng Hy lạp (trong bản Bảy Mươi) là pneuma. Từ ngữ “Thần Khí” xuất hiện 389 lần trong các bản văn Kinh Thánh do phái Masorah bảo lưu, và chỉ 277 lần trong bản Bảy Mươi. Tuy nhiên, cụm từ “Thần Khí Thánh”, hay “Thánh Thần”, chỉ thấy xuất hiện 3 lần: a) trong Tv 51 “đừng cất khỏi lòng con Thần Khí Thánh của Ngài”; b) trong Is 63:10-11: “họ đã nổi loạn, đã làm phiền Thần Khí Thánh của Người... Đâu rồi, Đấng đã đặt nơi ông Thần Khí Thánh của Người?”; và c) trong bản Bảy Mươi, Kn 1 “Thần Khí Thánh là thầy dạy dỗ...”, hoặc trong 9 “Ý định của Chúa, ai nào biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn ngoan, chẳng gửi Thần Khí Thánh?”
    Chỉ dựa duy nhất vào việc đọc thấy các danh hiệu đó, thì không thể hiểu được “Thần Khí” là gì, càng không thể hiểu “Thần Khí Thánh” là chi, bởi vì, trước tiên, danh hiệu ấy không phải lúc nào cũng có nghĩa là “Thần Khí của Thiên Chúa”, và kế đến, thực tại thần linh có thể xuất hiện dưới những lối biểu đạt khác.[2]

    Từ ngữ “Thần Khí” thường được hiểu theo nghĩa là gió. Có 18 trường hợp nhắc đến “Thần Khí Thiên Chúa” và 27 trường hợp về “Thần Khí của Đức Chúa” (Yahweh). Những lối biểu đạt khác lại mang bộ mặt nhân học, chẳng hạn như “Thần Khí ghen tuông” (Ds 5:14); “Thần Khí khôn ngoan” (Đnl 34:9); “Thần Khí ơn huệ và khẩn nguyện” (Dcr 12:10); có lối biểu đạt lại mang tính cách mập mờ, nước đôi, như Is 11 “Thần Khí khôn ngoan và minh mẫn, Thần Khí mưu lược và dũng mãnh, Thần Khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.”
    Các động từ miêu tả hoạt động của “Thần Khí” ấy cũng biến thiên đa dạng: “Thần Khí ở trên ông...” (Ds 24:2); “ập xuống trên ông” (Tl 14:6.19); “nhập vào Đavít” (1Sm 16:13) và “rời khỏi Saun” (16:14); “vây phủ ông Ghítôn” (Tl 6:34); “ập xuống trên Êdêkien”(Ed 11:5); “tác động trên Samsôn” (Tl 13:25); “đổ xuống trên ta” (Is 32:15), v.v.

    Từ ngôn ngữ biểu trình đa dạng ấy, có thể kết luận được rằng Kinh Thánh đã trình tả thực tại gọi là “Thần Khí” theo một phương cách phức tạp, không dễ dàng chi để quy tóm tất cả vào một định nghĩa. Một học giả đã phát biểu thế này: “Ruah nói lên ý chí tự do của Thiên Chúa trong tương quan của Người với tạo vật, cách riêng đối với con người, và trước hết đối với dân Người; Thần Khí mang ý nghĩa khác nhau tùy theo tính chất của các tương quan ấy.”[3]

    Chiều kích vũ trụ và nhân học của Ruah
    Nỗ lực tìm hiểu “thần khí” trong Kinh Thánh, kể cả việc nhận thức về ý nghĩa sâu xa nhất của “Thần Khí Thánh” (Thánh Thần), cần phải khởi đầu từ những cấp độ thấp nhất, từ ý nghĩa bình thường của từ ngữ gió. Trong lúc cắt nghĩa cho Nicôđêmô về mầu nhiệm Phép rửa, Đức Giêsu cũng đã đi bước khởi đầu như thế: “Gió (pneuma) muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu...” (Ga 3:8). Trong Cựu Ước, việc Thiên Chúa can thiệp trên con người, hoặc trên vũ trụ, được gọi là ruah... Môisê đã hát như sau: “Nộ khí Ngài đã khiến nước dâng lên... Ngài hà hơi nổi gió, biển vùi lấp chúng đi” (Xh 15:8.10). Và Thánh vịnh xưng tụng: “...Ngài lướt bay cánh gió, sứ giả Ngài: làm gió bốn phương” (Tv 103:3.4). Ý nghĩa của các văn đoạn Kinh Thánh ấy là muốn phân biệt Thiên Chúa của Ítraen với những yếu tố khác trong thế giới, tức là những yếu tố không hề mặc một sắc thái thần linh nào, mà chỉ thuần được coi là những khí cụ của Thiên Chúa mà thôi. Cựu Ước đã chẳng dám “mạnh miệng” gọi “Thiên Chúa là thần khí”, như về sau sẽ thấy trong Ga 4:24, vì sợ bị hiểu sai. Khi Tv 139:7 thốt lên: “Đi mãi đâu cho thoát thần khí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?”, thì tính chất song đối giữa hai vế câu không nhằm so sánh bản chất của “thần khí/gió” với “Thánh Nhan”, song chỉ muốn nói rằng: cũng giống như gió, Thiên Chúa có mặt ở khắp mọi nơi. Ruah thường mang nghĩa đơn giản là gió: “một luồng khí đi qua trước tôi, làm lông tôi dựng đứng lên,” Gióp đã nói thế, ám chỉ về gió. Cũng thế, nơi thiên viên, Thiên Chúa đi dạo “lúc gió thổi trong ngày” (St 3:8); và ở Ai cập, “Đức Chúa cho gió biển nổi lên rất mạnh...” (Xh 10:19). Tất cả các văn đoạn ấy đều dùng từ ruah để diễn tả. Dù vậy, gió luôn nằm trong bàn tay điều khiển của Thiên Chúa: Người mở kho thả gió (x. Gr 10:13), vời gió đến và cho đổi hướng gió (x. Xh 10:13.19), v.v.

    Ruah còn chỉ nguồn sự sống, theo ý nghĩa chỉ về hơi thở: Thiên Chúa “ban sinh khí cho người phàm” (Dcr 12:1), “ban hơi thở cho dân trên mặt đất, ban sinh khí cho toàn thể cư dân” (Is 42:5); cho nên vào giờ lâm tử, “sinh khí được thâu về từ Đấng đã ban cho sinh khí ấy” (Gv 12:7). Mọi loài thọ sinh đều ký thác sự sống của mình vào tay Thiên Chúa: “Lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:29-30). Ruah còn có ý nghĩa chỉ về thái trạng tâm lý và trí tuệ của con người, như: “Tâm thần vua [Pharaô] xao xuyến” (St 41:8); hoặc, “một người đàn bà (Anna) tâm thần đau khổ” (1Sm 1:15); lòng trí người khiêm hạ thì bé nhỏ (a humble man has a small spirit: x. Cn 29:23), người kiêu hãnh thì lòng trí huênh hoang (a proud man has a high ruah); người kiên nhẫn thì (x. Gv 7:8); do vậy, tục ngữ có câu: “người tự chủ hơn kẻ chiếm được thành” (Cn 16:32). Thần khí – được coi như trái tim hay tâm thần – là trung tâm của cảm xúc, tư tưởng và ý chí (x. chẳng hạn, Xh 35:21.29; Is 19:3; Gr 51:11; Tv 51:12; v.v). Như thế, thúc đẩy một người nào làm điều gì đó, có nghĩa là “tác động trên tâm trí của người ấy” (Er 1:1), hoặc ngược lại: Giavê “đã làm cho thần trí Xikhôn ra cứng cỏi và lòng dạ nó ra chai đá” (Đnl 2:30); nhưng Thiên Chúa luôn luôn lưu tâm, vì Ngài là “Thiên Chúa ban sinh khí cho mọi xác phàm” (Ds 16:22; 27:16). Thiên Chúa chính là “chủ nhân” của thần khí; Người dùng thần khí để liên hệ với thế giới và với con người; đó là lý do vì sao thần khí lại biểu lộ cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa cùng các hoạt động của Người trong công cuộc sáng tạo.

    Những con người của thần khí
    Trong lịch sử của Ítraen, có hai loại người mang tầm quan trọng quyết định đối với vận mệnh của toàn dân: những con người của lời nói (tức, các ngôn sứ) và những con người của hành động (tức, các thẩm phán và các vua). Cả hai loại người này đều được ruah hướng dẫn.

    a. Các ngôn sứ.—Thời xưa, các “ngôn sứ” ở Ítraen mang diện mạo của những “kẻ nhiệt thành” hay những thị kiến nhân. Những hiện tượng kỳ lạ xảy ra cho cá nhân hay tập thể, thường bị coi là vô lý và chướng mắt. Trường hợp đáng chú ý nhất được ghi lại trong sách Samuen: “Người ta báo cho vua Saun rằng Đavít đang ở Rama, vua liền sai lính đến bắt ông Đavít; nhưng khi họ thấy đoàn ngôn sứ, do ông Samuen đứng đầu, đang lên cơn xuất thần ngôn sứ, thì cả họ cũng lên cơn xuất thần ngôn sứ... Biết điều này, Saun lại sai các lính khác đến, và cả những người này cũng lên cơn xuất thần ngôn sứ. Vua lại sai nhóm lính thứ ba đi, và cả những người này cũng lên cơn xuất thần ngôn sứ...” Do vậy, Saun liền đích thân đi Rama “và thần khí Thiên Chúa cũng xuống trên vua... cả vua cũng cởi áo ra, cả vua cũng lên cơn xuất thần ngôn sứ trước mặt ông Samuen; rồi cứ ở trần như vậy, vua ngã vật xuống, nằm suốt ngày suốt đêm hôm ấy...” (1Sm 19:19-24). Một trường hợp tương tự cũng được thuật lại trong Ds 11:26-29: khi Enđát và Mêđát được lãnh nhận một phần thần khí đậu trên ông Môisê, thì họ cũng được đi vào tình trạng xuất thần trong trại; ông Giôsuê muốn ngăn cản họ nên đã cất lời hỏi Môisê, nhưng ông Môisê đáp rằng: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” Bởi đó, “thần khí thánh” chính là một món quà được ban cho hay cất đi cách nhưng không, chẳng ai tiên lượng được, cũng chẳng thuộc sở hữu của riêng ai. Lúc Môisê chia sẻ thần khí đang đậu trên ông cho 70 kỳ mục, thì “họ cũng bắt đầu xuất thần ngôn sứ, song việc đó không tái diễn nữa” (Ds 11:25). Tình trạng “ngôn sứ” kiểu ấy chẳng thấy có liên hệ gì đến một “lời” nào; nghĩa là, không hề thấy các ngôn sứ ấy truyền đạt lại một sứ điệp nào của Thiên Chúa; xem ra, đó chỉ thuần là những hiện tượng cho thấy Thiên Chúa hiện diện bằng những cách thức lạ lùng mà thôi. Trở thành “con người của thần khí” theo cách ấy xem ra chẳng mang lại một ý nghĩa hay ho nào; chính vì thế, trong 2V 9:11, một môn đồ của Êlisa đã bị gọi là “tên khùng”.

    Điều đó giải thích vì sao các ngôn sứ lớn thuộc các thế kỷ 8–7 TCN (Hôsê, Amốt, Isaia, Mikha, Xôphônia, Na¬khum, Khabacúc, Giêrêmia) lại tránh không để người ta gọi mình là “ngôn sứ”. Tất cả các ngôn sứ này đều có liên hệ với ruah. Dù vậy, dần dà về sau, một mối liên hệ đã được thiết lập giữa thần khí và lời: lúc vả vào mặt Mikha¬giơhu trước mặt vua Akháp, ngôn sứ Xítkigiahu đã bảo rằng: “Thần khí của Đức Chúa từ nơi ta đã qua ngả nào mà nói với mi?” (1V 22:24); mối liên hệ [giữa thần khí và lời] ấy đã có nguồn gốc nơi các truyền thống xa xưa, như đọc thấy trong trường hợp của Bilơam: “Thần khí Thiên Chúa ở trên ông, ông liền cất tiếng đọc bài thơ...” (Ds 24:2-3). Các ngôn sứ lớn không cho thấy có một tình trạng xuất thần nào nơi các ngài, song chỉ chân thực công bố lời của Thiên Chúa bằng thái độ hùng hồn mà thôi. Suốt trong cuộc lưu đày (thế kỷ 6 TCN), các “nabis” (tiên tri, ngôn sứ), các chiêm nhân, thị kiến nhân kiểu đời xưa cùng những đồng hội của họ, từng thấy xuất hiện trong các hiện tượng lạ thường (xuất thần ngôn sứ) trước đây, đã dần dà biến mất. Từ đó về sau, thần khí của Đức Chúa xuất hiện như là nguồn uy thế cho những lời phát biểu, những sứ ngôn, tức Lời của Thiên Chúa.

    Êdêkien đã diễn tả điều này hết sức rõ ràng: “Thần khí Đức Chúa ập xuống trên tôi; Người phán với tôi: ‘Ngươi hãy nói: Đức Chúa phán thế này...” (Ed 11:5; x. 2:2; 3:12; 14:24). Ơn gọi làm ngôn sứ của ông khởi phát từ nơi thần khí, từ một thần khí mà ông thấy rằng mình không thể chống cưỡng lại được, và có cảm tưởng như thể bị tóm lấy vậy; nên chi, ông mới gọi đó là “bàn tay của Đức Chúa” (1:3). Vào giữa cuộc lưu đày ở Babylon, Isaia đệ nhị đã chẳng thấy e ngại để công bố rằng: “Và giờ đây, Đức Chúa là Chúa Thượng sai tôi cùng với thần khí của Người” (Is 48:16), và coi mình là “tiếng nói”, có bổn phận “hô” lên mà “công bố” rằng “lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững” (40:3.6.8). Hồi hương rồi, Isaia đệ tam công bố rằng: “Thần khí của Đức Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa...” (Is 61:1-2). Văn đoạn này, mà về sau thánh Luca sẽ dùng lại để cắt nghĩa sứ vụ của Đức Giêsu, đã cho thấy một liên hệ được thiết lập giữa thần khí, việc xức dầu và sứ vụ loan báo Tin mừng; văn đoạn ấy hàm dung một ý nghĩa dồi dào, ích dụng cả cho nền thần học ngày nay nữa. Từ nhãn quan ấy, nhìn lại lịch sử của Ítraen, các ngôn sứ về sau sẽ cắt nghĩa thái độ bất trung của dân như là thái độ cứng lòng, từ chối “nghe lời dạy bảo mà Đức Chúa các đạo binh đã gửi đến nhờ thần khí của Người, qua trung gian các ngôn sứ thời xưa” (Dcr 7:12; x. Nkm 9:30). Mối liên đới chặt chẽ giữa thần khí và các ngôn sứ đã tất yếu thấm nhuần trong tâm thức của người Do thái đến độ các rabbi về sau đã có thể phát biểu rằng: “lúc các ngôn sứ sau hết (Khácgai, Dacaria và Malakhi) qua đời, thì Thánh Thần cũng không còn có mặt ở Ítraen.”[4]

    b. Các nhà lãnh đạo.—Thần khí soi sáng hết mọi hoạt động, cách riêng là các vị lãnh đạo được chọn để hướng dẫn dân tộc trên bước đường lữ hành giữa dòng lịch sử. Dù vậy, có điều lạ là hiếm khi thấy ruah bắt liên lạc với Môisê, một vị lãnh đạo, một ngôn sứ, và là nhà làm luật xuất chúng đến như thế; chỉ trong Ds 11:16.19 mới thấy thần khí của Yahweh ngự xuống trên ông thôi, và thần khí ấy dư tràn tới mức lan sang 70 kỳ mục khác. Thần khí ấy đã được ban xuống để “vác gánh nặng của dân” (11:17); bởi đó, những ai được gọi vào tác vụ này đều được ban cho thần khí ấy. Và điều này được thể hiện trước hết nơi người kế vị ông Môisê là Giôsuê, “một con người có thần khí ở cùng”, là người có thiên tư lãnh đạo: “Giôsuê, con ông Nun, đã được đầy thần khí khôn ngoan, vì ông Môisê đã đặt tay trên ông” (Đnl 34:9); văn đoạn này kết nối thần khí với một nghi thức, hàm dung ý nghĩa tôn giáo.

    Đối với trường hợp của các thủ lãnh, thần khí ngự xuống những lúc các ông cần hành động; có thể đọc thấy điều này trong trường hợp của Ótniên (Tl 3:10), Ghít¬ôn (6:34), Gíptác (11:29), Samsôn (13:25; v.v.). Trường hợp của vua Saun cũng tương tự như thế (1Sm 11:6). Thần khí ban cho sức mạnh, lòng can đảm, khả năng để chu toàn sứ vụ; chẳng ai, kể cả bản thân các người lãnh đạo ấy, có thể kháng cự lại được thần khí. Dù vậy, sức năng động “siêu nhiên” ấy, thường thấy đi kèm với những hiện tượng lạ thường, lại mang tính cách tạm thời và không thể tiên lượng, thường biến mất một khi sứ vụ đã hoàn tất.
    Đavít là một trường hợp đặc biệt, nếu không nói là độc nhất vô nhị. Sau khi Samuen xức dầu cho Đavít, thì “từ ngày đó trở đi, thần khí Đức Chúa nhập vào Đa¬vít...” (1Sm 16:11), làm như thể ở luôn nơi Đavít. Trong trường hợp các vị vua khác, thấy có xức dầu nhưng lại không thấy có thần khí đâu cả. Dù vậy, Xítkigiahu – vị vua mà 2V 24:19 gọi là “đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa” – lại được Ac 4:20 gọi là “đấng được Đức Chúa xức dầu, và từng là lẽ sống của chúng tôi” (tức, sinh khí của chúng tôi).[5] Lối diễn đạt ấy dựa theo quan niệm của Đông phương cho rằng vua là Thiên tử, được quyền năng của trời nhập thể vào để che chở và bảo vệ cho sự sống còn của một quốc gia. Song ở đây, vua là “người được Đức Chúa xức dầu”, nên mọi quyền lực ông ta có được là của Thiên Chúa, còn ông ta chỉ là khí cụ của Người mà thôi.
    Cũng bởi hiếm khi thấy một liên hệ nào giữa thần khí và việc xức dầu, nên không thể nói đến việc định chế hóa thần khí trong các cấu trúc chính trị hay tôn giáo của Ítraen. Việc xức dầu phong vương hay phong tư tế chẳng hề bảo đảm là sẽ nhận được thần khí. Trên thực tế, trong Cựu Ước, thần khí chưa bao giờ được nối kết với chức tư tế. Cũng đáng lưu ý thêm rằng, không bao giờ thấy từ ngữ “thần khí” xuất hiện trong các bản văn luật của Ngũ kinh, dù chúng là “Lời của Thiên Chúa,” diễn tả hùng hồn nhất ý Thiên Chúa đối với dân Người. Thiên Chúa đã không muốn bị gò bó vào trong lề luật hay những cấu trúc tôn giáo khác mà chính Người đã ban cho dân Người; như thế, Người cho thấy rằng thần khí của Người đang và sẽ vượt lên trên mọi thực tại ấy, tức là không hề bị trói buộc vào bất cứ thứ gì, song đang hoạt động và mời gọi các thực tại ấy mở lòng ra với những điều mới mẻ, đúng theo tư thế là những thực tại sinh động. Khoảng cách giữa Lề luật và thần khí sẽ trở nên rõ ràng hơn trong Tân Ước, đặc biệt là nơi thánh Phaolô.

    Thần Khí và công cuộc sáng tạo
    Trong St 1:2, truyền thống đã nhìn thấy vai trò của Thần Khí Sáng tạo: “Ðất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa (ru¬ah Elohim) bay lượn trên mặt nước.” Văn đoạn này có tính chất nước đôi, bởi ruah Elohim có thể được dịch thành “Thần Khí Thiên Chúa”, hoặc “hơi thở Đấng Quyền năng” (x. Kn 5:23). Và dù trong trường hợp nào, thì cũng không bao giờ thấy từ “thần khí” (ruah) đứng phía sau, dù chỉ có lời là mang tác năng thần linh khiến cho mọi tạo vật xuất hiện. Dẫu vậy, rõ ràng là lời (dabar) và khí (ruah) song hành với nhau; nên chi, trong Thánh vịnh, mối song hành ấy đã được chỉ rõ thế này: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời; một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33:6). Tác năng ấy của thần khí lộ hiện nơi muôn loài thọ sinh: “Lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:29-30). Ý niệm tương tự đó cũng được lặp lại trong G 34:14-15. Trong thi cách của người Do thái, các vế song đối nhau thường cho thấy nét tương đương giữa lời và thần khí; dù thế, lời bao giờ cũng đóng vai trò chính yếu. Chỉ trong khi duy trì sự sống của các sinh hữu thể, thì vai trò hành tác của một mình thần khí mới thấy xuất hiện rõ; tuy nhiên, ở đây, thần khí chỉ là một món quà mà Thiên Chúa ban tặng, chứ không hề là một tác nhân. Chung quy lại, mọi sự sống đều khởi phát từ nơi Thiên Chúa. “Thần khí” thì lưu lại nơi các vật thụ tạo, trong lúc lời thì lưu lại nơi Thiên Chúa; bởi đó, “thần khí” là mối dây nối kết công cuộc tạo dựng với Thiên Chúa, là sức năng động của Đấng Hóa công đang duy trì sự tồn tại của mọi loài: “bởi sinh khí bất diệt của Ngài ở trong muôn loài muôn vật” (Kn 12:1).
    Thần khí ấy hiện diện nơi con người trong tư cách là nguồn sinh lực (vital dynamism); tuy nhiên lại rất hiếm khi được coi như là tác nhân về mặt luân lý hay đạo đức. Như đã thấy, thần khí ban cho con người khả năng để chu toàn một sứ vụ nào đó, song lại không hề thấy nói rằng thần khí ấy thúc đẩy con người hướng về đàng thánh thiện. Chỉ có lời cầu nguyện trong Tv 51:12-13 mới biểu trình cho thấy có điều gì đó sâu thẳm hơn: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.” Ở đây, Cựu Ước đã đạt tới đỉnh điểm: Thần Khí Thiên Chúa biến đổi tâm lòng, tức can thiệp vào nơi mấu chốt của nhân cách và của mọi điều lành hay dữ trong con người, giúp con người có khả năng vươn tới sự thánh thiện. Tình trạng bất dung thân giữa Thần Khí và tội lỗi xuất hiện rõ ràng hơn trong sách Khôn ngoan; trong đó, “khôn ngoan” và “thần khí” được coi là đồng nghĩa. “Tâm hồn gian ác, Đức Khôn Ngoan chẳng ngự vào; xác thịt đắm chìm trong tội lỗi, Đức Khôn Ngoan không cư ngụ... Thần khí thánh luôn tránh thói lọc lừa...” (Kn 1:4.5). Bởi đó, Thần khí xuất phát từ Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa.

    Lời hứa ban Thần Khí
    Kinh Thánh hiểu lịch sử theo một tiêu đích rõ, với một thời gian “nhất định”, tức thời gian trong đó Thiên Chúa sẽ làm cho mọi lời Người hứa và mọi kế hoạch Người ấn định nên trọn. Vào “thời sau hết” ấy, Thần Khí sẽ đóng một vai trọng yếu. Và cách riêng, những kẻ thụ hưởng ân huệ sẽ là Đấng Thiên sai (Messiah) và toàn thể dân tộc.
    a. Thần Khí và Đấng Thiên sai.—Sau bao nhiêu thất bại chồng chất trong lịch sử nước nhà, Ítraen đã dồn trọn niềm trông chờ vào Đấng Mêsia. Mối liên hệ giữa Thần Khí và Đấng Thiên sai chỉ thấy xuất hiện trong Isaia, nhưng lại được trình tả một cách long trọng: nói về một “mầm non từ gốc tổ Giêsê” – thuộc dòng dõi Đavít – tiên tri đã viết thế này: “Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11:2); rồi, phối hợp lời và Thần Khí lại với nhau, Isaia viết tiếp: “Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà” (c.4). Nơi Đavít, Thần Khí đã cư ngụ thế nào, thì nơi Đấng thuộc dòng dõi của ông, Thần Khí cũng sẽ đến cư ngụ, nghỉ ngơi, và sẽ phú ban cho những phẩm tính ưu hạng của bậc trị vì như thế: khôn ngoan, minh mẫn, sức mạnh để vun trồng đức công chính và niềm an bình. Khi đó, nhân loại sẽ lại được trở về với tình trạng thiên đường, trong mối hòa hợp trọn vẹn và phổ quát.
    Về sau, vị cứu tinh này sẽ xuất hiện dưới dung mạo người Tôi trung của Giavê (Servant of Yahweh), cũng tràn đầy Thần Khí: “Tôi trung của Ta... Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân” (Is 42:1). Người Tôi trung này cũng sẽ là một ngôn sứ, và phải gánh chịu nhiều đau khổ: “Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ làm cho muôn dân nên người công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (53:11). Sau cuộc lưu đày, ngôn sứ Isaia lại công bố một lần nữa: “Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa...” (61:1-2). Lại thêm một lần nữa, Thần Khí được kết nối với việc xức dầu (có tính cách ẩn dụ) và với lời, một thứ lời có khả năng chữa lành, an ủi và đem lại niềm vui. Lời hứa ấy sẽ được hiện thực hóa nơi Đức Giêsu.
    b. Thần Khí và dân Ítraen.—Isaia đã hứa rằng “vào ngày đó, Đức Chúa các đạo binh sẽ là... một Thần Khí công minh ngự trên ngai xét xử” vì lợi ích của dân. Song phải đợi đến các ngôn sứ từ thời lưu đày trở về sau, chủ đề này mới được khai triển. Giêrêmia loan báo một giao ước mới “được ghi vào lòng dạ” (Gr 31:31-34), và Êdêkien đã cắt nghĩa: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng các ngươi... Ta sẽ đặt vào lòng các người Thần Khí của Ta, và Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ...” (Ed 36:26.27). Ruah đã được trình tả như là nguyên lý của một cuộc đổi mới tận căn, làm cho con người có khả năng sống thánh ý Thiên Chúa. Đó sẽ là món quà xuất phát từ lòng nhân từ của Thiên Chúa. Thần Khí sẽ “dựng” những kẻ chết dậy, tựa như đang thực hiện một công cuộc sáng tạo mới, cả về mặt thể lý lẫn về mặt tôn giáo. Isaia đệ nhị lặp lại lời hứa ấy rằng: “Trên dòng dõi ngươi, Ta sẽ đổ thần khí; trên con cháu ngươi, Ta ban muôn phúc lành...” (Is 43:3). Tuy nhiên, chính Giôen mới là ngôn sứ hùng hồn công bố về món quà ấy: “Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta trên tôi nam tớ nữ” (Ge 3:1-2). Bởi vậy, không một ai trong dân sống vào thời cánh chung, sẽ bị loại trừ ra mà không nhận được món quà đã hứa ban cho như thế. Đó chính là những gì thánh Phêrô đã kinh nghiệm qua và đã mạnh mẽ công bố trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2:16tt)

    Thần Khí ấy là một ngôi vị thần linh?
    Lẽ tất, trong Cựu Ước, chúng ta không thể tìm thấy một mạc khải minh nhiên nào về Ba Ngôi. Dù vậy, hạt giống mạc khải kia hằng tiềm tàng nơi đấy. Điều mà các bản văn cổ xưa nhất gọi là “Thần Khí Đức Chúa” (Spirit of Yah¬weh), “Thần Khí Thiên Chúa” (Spirit of Elohim), thì các tác giả về sau – có lẽ vì muốn tránh kêu tên Thiên Chúa – đã gọi là “Thần Khí Thánh” (Holy Spirit); bởi Thiên Chúa là “thánh” tự bản chất (x. Đn 4:5.15): lời Thiên Chúa là thánh (x. Gr 23:9), cánh tay Thiên Chúa là thánh (x. Is 52:10), danh Thiên Chúa là thánh (x. Am 2:7); cho nên, Thần Khí Thánh có nghĩa là Thần Khí Thiên Chúa.
    Dù thế, Cựu Ước đã không quan niệm Thần Khí ấy như là một ngôi vị – theo nghĩa kinh viện chỉ về một cá nhân có bản thể trí tính cũng không, mà theo ý niệm Sêmít hiểu về một hữu thể tự trị có khả năng hoạt động độc lập đối với những hữu thể khác cũng không. Thần Khí chính là sức năng động của Thiên Chúa trong cuộc sáng tạo, là phương tiện Thiên Chúa dùng để hoạt động nơi con người, chẳng hạn như: lời Người, cánh tay Người, v.v. Cũng giống như hơi thở và lời nói phát ra từ mũi miệng thế nào, thì Thần Khí cũng từ nơi Thiên Chúa mà đến theo cung cách như vậy; và theo lối biểu đạt Do thái, thì Thần Khí ấy được sai đi (x. Is 48:16), được đặt vào (x. Is 63:11), được đổ xuống (x. Is 32:15), v.v. Thần khí ấy lưu lại trên Ítraen nhằm chở che (x. Kg 2:5), dẫn dắt (x. Tv 143:10) và dạy dỗ qua trung gian các ngôn sứ (x. Dcr 7:12). Trong một vài trường hợp, Thần Khí được nhân cách hóa, được gán cho những tình cảm (“họ đã làm phiền Thần Khí Thánh”: Is 63:10), hoặc các hoạt động trí tuệ (“Thần Khí của Đức Chúa thấu hiểu hết mọi lời mọi tiếng”: Kn 1:7); dù vậy, những lối biểu đạt ấy chỉ đơn thuần là những hình thái tu từ, biểu thị chỗ đứng của những cảm xúc hay trí hiểu. Chưa bao giờ trong Do Thái giáo, Thần Khí Thiên Chúa đã được hiểu như là một ngôi vị. Tuy thế, thực thể năng động ấy – tức, Thần Khí – rồi đây sẽ “trưởng thành” trong Tân Ước; và mạc khải về thực tại trọn vẹn của Thiên Chúa sẽ đạt đến mức viên mãn của nó.[6] Mạc khải và ơn cứu độ diễn tiến trong lịch sử tựa như một thực thể hữu cơ sống động: mỗi một giai đoạn đều có những kairos của nó, tức tiến hành theo những thời kỳ thích hợp. Như thánh Grêgô¬riô Nadiaden đã viết:
    “Cựu Ước đã công bố hết sức rõ về Cha, nhưng lại tỏ ra mù mờ về Con. Tân Ước mạc khải về Con, nhưng lại chỉ thấp thoáng cho thấy về thiên tính của Thần Khí. Giờ đây, Thần Khí đã lên tiếng đòi cho được quyền công dân ở giữa chúng ta, và còn ban cho chúng ta một cái nhìn hết sức sáng tỏ về chính Người. Quả là thiếu khôn ngoan nếu chưa tuyên bố về thần tính của Cha mà đã trực chỉ đi đến chỗ tuyên xưng về Con, và nếu chưa nhìn nhận thần tính của Con, mà đã bàn về Thánh Thần như một phần gán thêm... và để dùng một lối nói hơi khô khan... thuần túy chỉ như là một cách thức đẩy mạnh và triển khai – từ mức độ vinh quang này đến mức độ vinh quang khác – ánh sáng của Ba Ngôi Thiên Chúa đang chiếu tỏa một cách hết sức rạng ngời”[7]

    B. Tân Ước
    Từ vựng
    Từ vựng của Tân Ước xoay quanh thuật ngữ pneuma trong tiếng Hy lạp, một từ ngữ trung tính; pneuma xuất hiện 379 lần, với ý nghĩa cũng tương tự như ruah trong tiếng Do thái, tức chỉ về gió, hơi thở, thần khí.[8] Còn từ ngữ Thánh Thần (hagion pneuma) xuất hiện 101 lần, và ở đây, nó mang một ý nghĩa đích thực thần học. Tính chất phong phú của từ ngữ này hiện rõ qua việc nó được sử dụng trong Do thái giáo thời đó – tại Qumrân, chẳng hạn – và cách riêng, trong kinh nghiệm của Giáo hội, mà đức tin đã được phản ánh qua các bản viết của Tân Ước. Từ “Thần Khí” xuất hiện khoảng 120 lần trong Tân Ước. Và chỉ nguyên từ “Thần Khí” không thôi cũng đủ mang một ý nghĩa thần học rõ ràng rồi. Thuật ngữ “Thần Khí Thiên Chúa” xuất hiện lối 30 lần và “Thần Khí của Cha” (Mt 10:20) chỉ một lần. “Thần Khí của Đức Chúa” xuất hiện 14 lần trong Cựu Ước, song lại chỉ xuất hiện có 4 lần trong Tân Ước mà thôi, và chẳng hề thấy mang một ý nghĩa Kitô học hay thần học nào hết. Thánh Phaolô nói về “Thần Khí của Con” (Gl 4:6), về “Thần Khí của Đức Kitô” (Pl 1:19), và dùng những diễn tả tương tự mà chúng ta có thể đọc thấy trong Cv 16:7 và trong 1Pr 1:11. Cuối cùng, có những cách diễn tả mang ý nghĩa mơ hồ, chẳng hạn như “Thần Khí sự thật” (Ga 14:17), “Thần Khí sự sống” (Rm 8:2), “tinh thần nô lệ... Thần Khí làm cho nên nghĩa tử” (Rm 8:15), “Thần Khí đức tin” (2Cr 4:13), “Thần Khí linh hứng cho ngôn sứ” (Kh 19:10), và “thần khí khôn ngoan và mạc khải” (Ep 1:17). Không rõ đó có phải hay không là một dạng thuộc cách diễn nghĩa (những khi từ “thần khí” chẳng mang được một ý nghĩa đặc biệt nào), hoặc là một dạng thuộc cách thực sự mang một ý nghĩa chuyên biệt nào đó.
    Hoạt động của Thần Khí được trình tả bằng nhiều động từ, chẳng hạn như là Thần Khí “đáp xuống” (Mt 3:16), “đến” (Ga 15:26), “đổ đầy” (Lc 1:15), “ngự trên” (1Pr 4: 14), “nhập vào” (Kh 11:11), “nói” (Mt 10:20), “kêu lên” (Gl 4:6), “hăng hái” (Mt 26:41), “làm cho sống” (Ga 6:63), “làm chứng” (Cv 5:32), “ngăn cản” (Cv 16: 6tt), “ngự trong” (Rm 8:9.11), “giúp đỡ, cầu thay nguyện giúp” (Rm 8:26), “công chính hóa” (1Cr 6:11), “được thắp sáng” (1Tx 5:19), “sinh hoa quả” (Gl 5:22), “đổi mới” (Rm 7:6)... Lối biểu đạt phong phú ấy cho thấy rằng “Thần Khí” không hề là một thực tại đơn nghĩa; ý nghĩa chính xác thì không dễ dàng gì để xác định, và các học giả có thể nghĩ là thường thì nó biểu thị một sự vật, song đôi lúc nó lại hàm chỉ một cá hữu thể.
    Pneuma với ý nghĩa chỉ “gió” thì hiếm khi thấy dùng: chỉ trong Ga 3:8 và Dt 1:7; khi muốn chỉ về “gió” thì Tân Ước dùng chữ anemos (x. chẳng hạn, Mc 4:37; Ga 6:18; v.v.). Còn với ý nghĩa chỉ về “hơi thở”, thì từ pneuma chỉ được dùng trong câu nói về cái chết của Đức Giêsu (Mc 27:50; Lc 23:46). Cách chung hơn, từ ngữ này mang ý nghĩa chỉ về “tính chất bên trong của con người”, về khuynh hướng tinh thần hay trí tuệ, hoặc chủ quan tính, như đọc thấy trong Mt 5:3 (“tinh thần khó nghèo”), Cv 17:16 (“lòng trí Phaolô những uất lên”), v.v. Mơ hồ hơn nữa là các văn đoạn trong đó từ “thần khí” – mang ý nghĩa chắc chắn chỉ về con người – lại nói lên sự tham dự vào sức năng động của Thiên Chúa; như trong đoạn nói về Gioan Tẩy giả càng lớn lên thì “tinh thần càng thêm vững mạnh” (Lc 1:80), hoặc đoạn nhắc đến sự việc Apôlô rao giảng “với tâm hồn nồng nhiệt” (Cv 18:25), hoặc trong lời cầu chúc: “ân sủng của Chúa Giêsu Kitô ở cùng tâm hồn anh chị em” (Plm 25); v.v.
    Cuối cùng, “thần khí” được sử dụng lối 40 lần với ý nghĩa chỉ về các thiên thần, các tà thần hay ác thần, hoặc các thế lực sự dữ (x. Ep 2, 2). Đó là lối nói tiêu biểu của Do thái giáo đương thời.
    So với cách hiểu trong Cựu Ước, pneuma cho thấy là đã có một bước tiến lớn, tức mặc lấy được một ý nghĩa thần học vững chắc, hoặc hơn thế nữa, một ý nghĩa thực sự ki¬tô.[9] Thần Khí được nối kết sâu đậm hơn với Đức Kitô và với đời sống thiêng liêng của kitô hữu, cũng như đã trở thành sức năng động siêu việt của Giáo hội. Một ngôi vị? Các học giả có những quan điểm khác nhau. Nhìn chung, trong Tin mừng Nhất lãm, chỉ có Mt 28:19 là nói rõ về một ngôi vị; trong Công vụ tông đồ, chỉ 15:28 được coi là chắc chắn chỉ về một ngôi vị; còn trong các trường hợp khác thì có thể được hiểu như là những lối nhân cách hóa của một năng lực thần thiêng; trong văn bộ Phao¬lô, cá vị tính của Thần Khí xuất hiện rõ ràng hơn, chẳng hạn như trong Rm 8:15.26; 1Cr 3:16, và tính chất ấy càng hiện rõ trong các công thức Tam vị: 1Cr 12:4-6; 2Cr 13:3; còn thánh Gioan thì trình tả Thần Khí như là “Đấng Bảo trợ khác”, và do đó cũng là một ngôi vị như chính Đức Giêsu (x. Ga 14:16tt; 15:26; 1Ga 2:27, v.v.). Mạc khải về Thánh Thần diễn ra một cách tiệm tiến trong kinh nghiệm của các tông đồ và của giáo hội, cũng như qua nỗ lực mài giũa các ý niệm.[10]

    Thần Khí và Đức Giêsu Kitô
    Thánh Thần là Thần Khí của Đức Kitô, được Chúa Phục Sinh phái gửi đến với Giáo hội như là “lời hứa của Cha” (Lc 24:49), để “hoàn tất” công trình cứu độ. Như chúng ta biết được Cha nhờ Con, thì chúng ta cũng nhận ra được Thần Khí là Đấng nào qua việc nhìn vào những hoạt động của Đấng ấy trong Đức Kitô.[11]

    “Thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần”
    Chân lý này của kinh Tin kính bắt nguồn từ các trình thuật của Luca và Mát¬thêu về thời thơ ấu. Trong khung cảnh truyền tin, thánh Luca kể lại lời sứ thần Gabri¬en nói với Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà... Bởi thế mà con trẻ sắp sinh sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35). Cùng một cách tương tự, thánh Mátthêu đã ghi lại việc thiên thần báo mộng cho thánh Giuse về căn tính của hài nhi, được thụ thai “nhờ Chúa Thánh Thần”: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1:18-21). Thánh Thần ngự xuống trên Maria, nhưng đích nhắm lại là Đức Giêsu trong tư cách là Con và là Đấng Cứu độ. Tuy nhiên, việc Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria và việc hạ sinh của Đấng Cứu thế đã cho thấy mối kết liên chặt chẽ trong vận mệnh của mẹ và con.
    Từ thưở sơ khai, Giáo hội đã muốn cho thấy rằng mối liên hệ giữa Đức Giêsu với Thần Khí Thiên Chúa không chỉ bắt đầu với phép rửa tại sông Giođan, nhưng đã có ngay từ khi Ngài mang thân phận làm người. So sánh Đức Giêsu với Gioan Tẩy Giả, bao giờ Luca cũng nêu bật nét ưu trội của Đức Giêsu (x.1:32.78; 2: 11.26.34. 38. 49); vì thế, Luca viết về Gioan là ngài “đã đầy Thánh Thần ngay từ lúc còn trong bụng mẹ” (Lc 1:15); do đó, có thể thấy được rằng Đức Giêsu còn dư đầy Thánh Thần hơn bội phần! Trong hai chương đầu, Luca đã cho thấy các nhân vật trong trình thuật của ngài đều được Thần Khí tác động để làm chứng cho Đức Giêsu, như: bà Êlisabét (1:1), ông Dacaria (1:67), ông Simêon (2:25-27) và bà Anna (2:36); Thánh Thần đưa Cựu Ước tới chỗ thành tựu, làm cho “phần dân [Ítraen] còn lại” thấy rằng bình minh của Tân Ước đang ló dạng.
    Luca cũng nối kết Thánh Thần với “quyền năng của Đấng Tối Cao” và “bóng rợp” của Thiên Chúa (1:35). Quyền năng ấy biểu thị sức năng động của pneuma, luôn được trao ban để hoàn thành sứ vụ cũng như để hoàn tất việc cứu độ; và nơi nào có Thần Khí, thì nơi đó có Thiên Chúa hiện diện.

    Thần Khí trong sứ vụ của Đức Giêsu
    Theo các truyền thống Tin mừng, kinh nghiệm nền tảng mang tính chất sáng lập, hoặc cũng có thể nói là kinh nghiệm về mối tương quan giữa Đức Giêsu với Thánh Thần, chính là biến cố Ngài chịu phép rửa.[12] Cả bốn Tin mừng đều trình tả biến cố này, dù với những sắc thái khác nhau; thí dụ, thánh Mátthêu gọi là “Thần Khí Thiên Chúa” (3:16), Máccô và Gioan chỉ đơn giản gọi là “Thần Khí” (Mc 1:12; Ga 1:32), còn Luca thì gọi là “Thánh Thần” (3:22). Kinh nghiệm Đức Giêsu trải qua cũng tương tự như kinh nghiệm sống qua của các ngôn sứ hay các vua lúc được xức dầu, tức là lúc được trao phó ơn gọi và năng quyền để thực thi sứ vụ.[13] Đó là biến cố mạc khải về ơn Thánh Tử: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1:11). Những lời đó làm liên tưởng đến lời Tv 2:7 nói về Đấng Thiên sai,[14] và đến lời tiên tri Is 42:1 về người Tôi trung của Đức Chúa, mà Mátthêu 12:18 nhắc lại rất rõ ràng. Văn đoạn cũng ám chỉ đến St 22:2, về việc Isaác được gọi là “đứa con một yêu dấu của ngươi.” Tài năng thiên phú của Đức Giêsu do Thánh Thần ban tặng dồi dào đến độ đã được biểu hiện cả về mặt thể lý dưới hình một con chim bồ câu;[15] ý nghĩa biểu trưng này đã được bàn cãi với nhiều quan điểm khác nhau. Có lời bình giải từ phía Do thái giáo về St 1:2 đã gợi lên hình ảnh liên tưởng như sau: “Và Thần Khí của Thiên Chúa bay là là trên mặt nước như một con chim bồ câu đang bay liệng trên đàn con của nó mà không động chạm chi đến chúng.”[16] Trong nghi thức phụng vụ rửa tội đêm canh thức Vượt qua, Chúa Thánh Thần được kết liên với nước nguyên thủy và với nước của trận đại hồng thủy, lúc Nôe thả chim bồ câu bay lượn trên đó; ngoài ra, bồ câu là thứ chim duy nhất có thể dùng như của lễ hiến tế trong Đền thờ, và nó được coi là biểu tượng cho tính đơn sơ (x. Mt 10:16). Thánh Tôma A¬quinô bình luận cho rằng trong biến cố phép rửa, chúng ta nhận được mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha xuất hiện trong lời nói, Con ở trong Đức Giêsu, và Thánh Thần ở trong hình chim bồ câu.[17]
    Từ lúc đó trở đi, Đức Giêsu xuất hiện như một con người của Thần Khí; thánh Gioan đã nói rõ rằng “Thần Khí hằng ngự trên Ngài” (1:32) và Luca miêu tả Ngài là “tràn đầy Thánh Thần” (4:1), để được dẫn đạo trong khi thực thi sứ vụ của mình. Đầu tiên, Thần Khí đưa Ngài vào hoang địa để chịu cám dỗ (Mt 4:1tt) và, tiếp đó, “được quyền năng Thần Khí thúc đẩy,” Ngài trở về Galilê (Lc 4:14). Ở đó, Ngài tuyên bố là lời ngôn sứ của Isaia đã ứng nghiệm nơi Ngài: “Thần Khí Chúa ngự xuống trên tôi...” (Lc 4,16-20). Với Thần Khí ấy, Ngài trừ quỷ (Mt 12:28; Lc 11:20) và chính trong Thần Khí ấy, Ngài kinh nghiệm được niềm hân hoan sâu thẳm nhất, chiêm ngưỡng những điều bí ẩn lạ lùng của Cha Ngài (x. Lc 10:21-22). Toàn bộ sứ vụ, toàn bộ kinh nghiệm tôn giáo cá nhân của mình, Ngài đều nằm dưới sự hướng dẫn của Thần Khí. Do vậy, Chúa Thánh Thần chính là dây kết liên giữa Đức Giêsu và con người.
    Nhìn kỹ vào những lời giáo huấn của Đức Giêsu về Thần Khí, thì sẽ nhận ra một khác biệt rõ giữa Tin mừng Nhất lãm và Tin mừng của Gioan. Trong Tin mừng Nhất lãm, hiếm khi nào Đức Giêsu nhắc đến Thánh Thần. Đầu hết, có một văn đoạn khó hiểu về lời phạm thánh chống lại Thánh Thần (Mt 12: 31-32; Mc 3:28-29; Lc 12:10): mọi tội lỗi phạm đến Con Người, tức Đức Giêsu, thì có thể được tha, “nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần – như Mác¬cô lưu ý – thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” Một số nhà chú giải đã cắt nghĩa lời này coi như một ngoa dụ, để thu hút sự chú ý về mức độ kinh khủng của tội ấy; đa số các nhà chú giải khác thì cố tìm cho ra ý nghĩa: vì ơn cứu độ được ban cho con người qua Đức Giêsu, nên việc chối từ không nhìn nhận Ngài trong hoạt động của Thánh Thần chính là việc đóng kín mình trước nguồn ân sủng, nguồn ơn thứ tha. Có thể nhớ lại một trường hợp tương tự trong thái độ chối từ của Pharaô, không chịu nhận ra “ngón tay của Thiên Chúa” trong các phép lạ của Môisê (Xh 8:15), hoặc là trong sự việc dân tộc Ítraen chối từ, không chịu hiểu những việc Thiên Chúa đã làm giữa họ; Isaia nói rằng: “Nhưng chính họ đã nổi loạn, đã làm phiền Thần Khí Thánh của Người, nên đối với họ, Người trở nên kẻ thù, và đích thân giao chiến chống lại họ” (Is 63:10). Một văn đoạn khác nhắc đến Thần Khí là một đoạn viết trong Lc; nhắc nhở là phải liên lỉ cầu nguyện, Đức Giêsu bảo rằng: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11:13). Văn đoạn này có ý bảo rằng Thánh Thần là món quà tốt nhất Thiên Chúa ban tặng cho những ai kêu cầu. Một văn đoạn thứ ba đề cập đến lời hứa ban Thánh Thần để phù trợ cho các kitô hữu bị bắt bớ, xét xử nơi tòa án của các dân nước; Mt 10:20 đặt nó trong bối cảnh của hoạt động truyền giáo; Mc 13:11 đặt nó trong khung cảnh những ngày phán xét cuối cùng; Lc 12:12 hiểu lời hứa đó như một lời mời gọi can đảm làm chứng. Thần Khí ở đây là sức mạnh thiêng liêng bên trong được ban xuống trong trường hợp con người có thể vì yếu đuối mà không đứng vững được. Cuối cùng, còn có công thức rửa tội ghi lại trong Mt 28 ở đây, Chúa Thánh Thần được đặt ngang hàng với Cha và Con: “làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Như trong phép rửa của Đức Giêsu, Ba Ngôi được mạc khải, thì trong phép rửa kitô, các tân tòng cũng được đóng ấn với quyền năng của Thánh Thần.
    Tin mừng thứ tư khai triển giáo huấn về Chúa Thánh Thần một cách rộng rãi hơn, dù không chủ trương giới trình một học thuyết hệ thống. Thần Khí là nguyên lý sống còn của đời sống kitô, bởi kitô hữu được sinh lại trong nước và Thần Khí (Ga 3:3-8). Thần Khí cũng là nguyên lý sống còn của đời sống đạo đức; bởi, nếu chúng ta biết tôn thờ Cha “trong Thần Khí và sự thật” (4:23), thì chính là nhờ sự kiện mạc khải mà chúng ta lãnh nhận qua Lời của Thiên Chúa, đã được Thánh Thần làm cho sống động. Trong dịp Lễ Lều, Đức Giêsu đã tự giới thiệu Ngài là nguồn ban Thần Khí: “Ai khát hãy đến với tôi mà uống” (7:37), và tác giả tin mừng đã xác nhận thêm rằng: “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận; thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (7:39). Đức Giêsu được giới trình như là viên đá mà Môisê đã đập vào để nguồn nước từ đó chảy ra (x. Xh 17:6; Ds 20:11), và cũng tương tự, một biến cố khác sẽ xảy ra trên đồi Canvê, mang cả ý nghĩa thật lẫn biểu tượng, là khi người lính lấy đòng mà đâm cạnh sườn Đức Giêsu trúng trái tim, “lập tức máu cùng nước chảy ra” (19:34). Những ám chỉ ấy đã được nhắc đến trong buổi tâm sự sau bữa Tiệc Ly, nói đến một tình huống sau Phục sinh, về việc Thánh Thần sẽ đến như đã hứa. Đức Giêsu gọi Thánh Thần là “Thần Khí sự thật” (14:17; 15:26; 16:13), không nhất thiết bởi vì Người sẽ dạy nhiều chân lý, song bởi vì Người sẽ làm cho các tông đồ – Giáo hội – nhớ lại chân lý là chính Đức Giêsu. Một danh hiệu khác được dành cho Thần Khí là “Đấng Bảo trợ” (14:16.17.26; 15:26; 16:17). “Đấng Bảo Trợ” này là một Đức Giêsu khác, tựa như một Đấng thay thế Ngài để ở với các tông đồ và Giáo hội, bởi vì Đức Giêsu cũng được 1Ga 2:1 gọi là “Đấng Bảo Trợ.” Gioan đã trình cho thấy bản tính của Thánh Thần, thí dụ trong 16 sau khi dùng danh từ pneuma – Thần Khí – là một từ trung tính, Gioan đã dùng đại từ ekeinos – Người – chỉ giống đực. Thần Khí được Cha sai đến nhờ danh Đức Giêsu (14:26), bởi Đức Giêsu đã xin Cha Ngài món quà ấy (14: 16); giáo huấn này có thể tóm kết như sau: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (15:26). Cha là nguồn tuyệt đối trong Thiên Chúa, từ đó Con và Thánh Thần phát xuất, trong những cách thế khác nhau, như thần học về sau sẽ cắt nghĩa, song Con và Thánh Thần đều hiệp nhất mật thiết với nhau trong nguồn gốc và trong sứ vụ. Thực tế, Thần Khí được sai đến để làm chứng cho Đức Kitô (15:26tt), và để giúp cho các tông đồ hiểu rõ hơn mạc khải về Đức Kitô (16:12-15); và bằng cách đó, Người sẽ tôn vinh Đấng Phục sinh (16:14). Tác vụ của Chúa Thánh Thần đối với các tông đồ là, trước hết, hiện diện với họ (14:17), và tiếp theo, là giúp họ nhớ lại những lời của Đức Giêsu (14:26), rồi hướng dẫn họ đến sự thật toàn vẹn (16:13). Còn đối với thế gian, Thần Khí sẽ là như một cái gai đâm vào mắt, chống đối lại các giá trị của nó (14:17); Người sẽ lên án những sai lầm và tội lỗi của nó (16:8-11).

    Thần Khí và Đấng Phục Sinh
    Thánh Gioan nói rằng Thần Khí chưa được ban xuống lúc Đức Giêsu còn tại thế (7:39); bởi đó, Ngài là người nhận lấy Thần Khí, chứ không phải là người trao ban Thần Khí. Ngài là Đấng sẽ làm phép rửa cho các môn đồ “trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3:11); điều này đã thực sự xảy ra trong ngày lễ Ngũ tuần: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống, đó là điều anh em đang thấy, đang nghe” (Cv 2:33).
    Trong biến cố Phục sinh, Đức Giêsu Kitô đã trở thành ân bổng đầu tiên của Thánh Thần. Ngài lãnh nhận từ Thánh Thần sự sống mới, và căn tính đích thực của mình: “xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1:3-4). Ngài giống như được tái sinh, với căn tính rõ ràng là Con Thiên Chúa trong quyền năng. Vai trò của Thánh Thần trong biến cố nhập thể và trong biến cố phục sinh đã được đề cao tuyệt mức. Do vậy, Đức Kitô không có Thần Khí theo cách các ngôn sứ thời xưa, song Ngài chính là Thần Khí, như thánh Phaolô đã xác định (x. 2Cr 3:17); [18] Là Ađam mới, Ngài đã trở thành “Thần Khí ban sự sống” (1Cr 15:45); Ngài là “nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:9). Trong Cựu Ước, chỉ có Thiên Chúa mới là “Đấng ban sự sống” (x. 2V 5:7; Nkm 9:6; Tv 70:20; Gv 7:12); do vậy mới thấy rằng mầu nhiệm Vượt qua chính là dòng nước phân ranh giữa Cựu Ước và Tân Ước. Bây giờ, Đức Kitô và Thần Khí cùng làm nên một nguyên lý cứu độ duy nhất; thánh Phao¬lô đã có thể nói rằng: “chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1Cr 12:13), hoặc “tất cả anh em đều đã được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô...” (Gl 3:27). Thần Khí của Thiên Chúa cũng là “Thần Khí của Đức Kitô” (Rm 8:9), là “Thần Khí của Đức Giêsu Kitô” (Pl 1:19); như thế mới hiểu được rằng: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Áp-ba, Cha ơi!’” (Gl 4:6). Những lối diễn tả này cũng giống như những cách biểu đạt ngắn gọn sau đây: “Thần Khí của Thiên Chúa là Đấng ngự nơi Con của Người, Đức Giêsu Kitô, và là Đấng hành động trong Người và qua Người.” Biểu đạt như thế là muốn nêu bật cho thấy hành động cứu độ là duy nhất, dù có đến từ Cha, từ Đức Kitô hay từ Thánh Thần, bởi thực sự, cả ba chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Cùng lúc, các tương quan ấy cho thấy rằng Thánh Thần không phải – như trong Cựu Ước – chỉ là “hiện thân” của quyền năng Thiên Chúa, song thực sự là “ngôi vị”, và cả ba đều là những ngôi vị ngang nhau.
    Tân Ước không dùng đến thuật ngữ “Ba Ngôi”; thực ra, mạc khải về mầu nhiệm này là một quá trình tiệm tiến. Dường như các bản tuyên tín sơ khai nhất đều mang cấu trúc song vị: Thiên Chúa và Đức Kitô, hoặc Cha và Con (x. Ga 1:1-18; 1Cr 8:6; 15:3-5; v.v.). Trong Rm 1:3-4, Thần Khí được xem như là quyền năng Thiên Chúa hơn là một tác nhân cá vị như trong 1Tm 3:16. Rồi về sau, các công thức Tam Vị đã bắt đầu xuất hiện, như trong câu sau đây của thánh Phaolô: “vì Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và vì tình yêu của Thánh Thần, tôi khuyên nhủ anh em cùng chiến đấu với tôi, bằng cách cầu xin Thiên Chúa cho tôi” (Rm 15:30); hoặc như trong thư Do thái: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa...” (9:14); hoặc như trong câu thánh Phêrô chúc mừng các kitô hữu, xác định họ là “những người được Thiên Chúa Cha biết trước và kén chọn, những người được Thần Khí thánh hóa để vâng phục Đức Giêsu Kitô và được máu Người tưới rảy” (1Pr 1:2); ngoài ra, còn nhiều văn đoạn khác nữa cũng mang cấu trúc Tam Vị như thế. Cuối cùng, cấu trúc công thức Tam vị đã chứng thực cho một đức tin trưởng thành về mầu nhiệm Thiên Chúa, khởi đầu với công thức rửa tội đọc thấy ở phần cuối tin mừng Mátthêu: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (28:20). Phụng vụ Latinh đã lấy câu cuối – cấu trúc theo mẫu Tam Vị – trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô để làm công thức phụng vụ, dùng trong phần mở đầu Thánh lễ: “Nguyện ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13:13). Các công thức Tam Vị khác cũng được đọc thấy trong Cv 2:23; Ga 14:26; 15:26; 16:13-15. Sau này, suy tư thần học sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa và tầm trọng yếu của các công thức tuyên xưng ấy.

    Thánh Thần trong người kitô
    “Kitô hữu” phát nguyên từ Đức Kitô; do đó, có thể nói rằng kitô hữu là hình ảnh của Đức Kitô. Thánh Phaolô nói rằng Thần Khí “ngự” (Rm 8:9.11) hoặc “ngụ trong” (2Tm 1:14) mỗi kitô hữu, bởi vì Người được “cử đến” (Gl 4:6; 1Pr 1:12) như một Đấng nào đó. Thư gửi tín hữu Êphêxô thậm chí còn cổ vũ rằng người kitô phải “thấm nhuần Thần Khí” tương tự như lúc họ say sưa vì rượu vậy (5:18), như thể đó là điều gì đó mà người kitô phải có (x. Rm 8:9; 1Cr 7:40). Nhìn từ nhãn giới của Thiên Chúa, Thần Khí được “trao ban” (Rm 5:5; 2Cr 1:22; v.v.), được “đổ tràn” như một chất lỏng (x. Cv 2:17; 1Cr 12:13; v.v.), được “ban xuống” (Gl 3:5) như một quà tặng. Chiều kích song đôi này về thực tại Thần Khí cắt nghĩa cho hiểu về bản chất “nhân học siêu nhiên” – một bản chất mới – của người ki¬tô. Chỉ có dùng ngôn ngữ ẩn dụ mới khả dĩ trình tả được cách hiện hữu mới mẻ này: trong phép rửa, người kitô được “sinh” bởi nước và Thần Khí (Ga 5:5-8), tức là được “tái sinh và đổi mới nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần” (Tt 3:5). Nguồn cội tuyệt đối của khả năng hiện hữu ấy chính là Cha, “bởi vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5:5). Và kết quả là lãnh nhận được ơn làm dưỡng tử: “để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi!’” (Gl 4:6; Rm 8:15). [Đáng chú ý là ở chỗ Thần Khí kêu lên “Cha ơi!”]
    Ý nghĩa của văn đoạn này chỉ đơn giản nói lên rằng Thiên Chúa ban tặng cho ta ơn được làm dưỡng tử, thiết lập một tương quan mới với chúng ta. Chúng ta sẽ không còn là nô lệ hay con trẻ nữa (x. Gl 4:1-3); nhờ đó, chúng ta được hưởng quyền thừa kế; thừa kế điều gì? Có thể hiểu là thừa kế những lời đã hứa với Abraham thưở xưa (x. 3:14), hoặc thừa kế cơ nghiệp tương lai vào thời cánh chung (x. Ep 1:13-14). Mối tử hệ mới này chính là ân huệ của tình yêu Thiên Chúa, và bởi đó, thiết lập một tương quan mật thiết với Thiên Chúa, để rồi chúng ta có thể gọi Người là “Cha”; những gì Đức Giêsu đã làm bởi bản thể (x. Mc 14:36), thì người kitô có thể làm nhờ ơn biến đổi đó. Biến đổi ấy sẽ diễn ra nhờ Thần Khí, vì từ nay, Người là một thành tố trong căn tính của người kitô: người kitô hoặc là “người mang Thần Khí’, hoặc chẳng phải là người kitô gì hết. Thần Khí là món quà nhưng không của Tình Yêu tối thượng, nên người thụ nhận chẳng có lý do gì để khoác lác, huênh hoang được. Thần Khí được “đổ vào lòng,” vào nơi sâu thẳm nhất của con người, biến đổi con người từ tận gốc rễ hiện hữu. Vì thế, thánh Phaolô có thể quả quyết chúng ta là “đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong chúng ta” (1Cr 3:16), hoặc chúng ta là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (6:19) – tức Thánh Thần là Thiên Chúa – và kết quả của điều đó là tính cách nghịch lý nổi bật trong đời người kitô: “anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (6:19); hoặc như Đức Giêsu đã nói: “ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được nó” (Mc 8:35), nghĩa là bằng việc “đánh mất chính mình”, người kitô sẽ trở nên chính mình hơn trong Thiên Chúa.
    Thần Khí đưa người đã chịu phép rửa vào trong Ba Ngôi Thiên Chúa, khiến người đó có thể chia sẻ tình yêu hằng luân lưu giữa các Ngôi Vị; đây chính là “ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần”. Ở hoặc hiện hữu trong Thiên Chúa, trong Thần Khí, người kitô phải sống làm sao cho xứng đáng với cương vị của mình: hiện hữu thế nào, thì hành động phải thể ấy, như châm ngôn kinh viện thường nói. Gl 5:25 cũng nhận định: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy hướng theo Thần Khí mà tiến bước”; và như thế, cũng ngược đời nốt, bởi bây giờ hành động lại sinh ra hiện hữu: “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái của Thiên Chúa” (Rm 8:14). Thần Khí chính là sức năng động của người kitô, không chỉ ở trong các kinh nghiệm chóp đỉnh của tình trạng cầu nguyện xuất thần, song còn trong cả mỗi một sinh hoạt diễn ra thường ngày. Điều cơ bản người kitô phải làm trước tiên là tin; mà đức tin là một món quà của Thần Khí, như thánh Phaolô đã giải thích rõ: “Vì thế, tôi nói cho anh em biết, chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: ‘Giêsu là đồ khốn kiếp’; cũng không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa,’ nếu người ấy không ở trong Thần Khí.” (1Cr 12:3). Tất cả các nhân đức khác phát nguồn từ Thánh Thần và tuôn chảy như những hoa trái của Người (x. Gl 5:22-23). Nhưng “xác thịt thì ước muốn những điều nghịch với Thần Khí” và sẽ sinh ra những hoa quả xác thịt (ibid. 17-21). Do đó, đời sống của người kitô không thể tiến lên mà không gặp những kháng lực, bởi lẽ chúng ta mang bản tính “xác thịt” trong mình. “Xác thịt” không có nghĩa là phần thân xác – đối lại với phần hồn – mà thôi; “xác thịt” ở đây có nghĩa là toàn thể con người – xác-hồn – trong tình trạng yếu đuối, khả tử, nghiêng chiều về sự dữ, lánh xa khỏi Thiên Chúa (x. Rm 8:5-13; Gl 5:16-21). Dù vậy, Thần Khí sẽ ban cho khả năng để sống khác đi, tức sống “theo Thần Khí’: “Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8:2). Được tự do như thế là để con người phục vụ lẫn nhau trong đức mến (x. Gl 5:1.13). Để nhắc cho nhớ về thân phận mới này, Thần Khí được gọi là “ấn tín”, nghĩa là lời hứa, là bảo chứng (x. 2Cr 1:22; Ep 1:13). Thực sự, đối với người kitô, tiêu chí chỉ nam cho đời sống luân lý hay đạo đức không phải là luật, song là lòng thành tín cá nhân đối với Thánh Thần đang cư ngụ trong tâm hồn; bởi đó, thánh Phaolô đã viết: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em để chờ ngày cứu chuộc” (Ep 4:30).

    Thánh Thần và Giáo hội
    Thánh Thần ngự đến không chỉ như một món quà tặng riêng cho các cá nhân; song nó còn mang cả chiều kích cộng đoàn nữa, đó là “chiều kích giáo hội”. Cách thức mà thánh Luca trình tả về biến cố Hiện xuống trong sách Công vụ Tông đồ đã cho thấy chiều kích đó. Trong bài giảng đầu tiên của ngài (x. Cv 2:17-21), trưng dẫn lời tiên tri Giôen, thánh Phêrô nói rõ rằng Thần Khí đến “trên hết thảy mọi người phàm.” Người ngự đến như “một cơn gió mạnh ùa vào” (Cv 2:2), Người đến như “lưỡi lửa” tựa như khi Đức Chúa nói với dân Người ở Sinai (x. Đnl 4:36); Người không chỉ đến với dân Ítraen mà thôi, song còn đến với chư dân hoàn vũ nữa, như được biểu tượng hóa qua danh sách các thứ tiếng khác nhau (x. Cv 2:9-11); dù vậy, Người hiện diện cụ thể nơi Nhóm Mười hai và các môn đệ khác (x. Cv 1:13-14). Trong Công vụ Tông đồ, từ pneuma xuất hiện khoảng 60 lần, mang ý nghĩa thần học đa dạng: hoặc chỉ về một Ngôi vị Thiên Chúa, hoặc chỉ về quyền năng Thiên Chúa, hay một tác nhân gìn giữ trật tự tĩnh trong cộng đoàn, hoặc một sức canh tân năng động bên trong, hoặc một món quà nhất thời, hoặc một đặc sủng vĩnh viễn... Như ở bên sông Giođan, Thần Khí đã phái gửi Đức Giêsu đi làm sứ vụ, thì giờ đây, là sức mạnh, Người phái gửi các Tông đồ đi làm “chứng nhân [của Đức Giêsu] tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Thần Khí đã đưa công giáo tính của Giáo hội ra mắt thế giới.
    Như Đức Giêsu đã tuyên bố, Thần Khí sẽ làm chứng cho Ngài (x. Ga 15:26), để lời chứng của các Tông đồ và của Thần Khí sẽ chỉ là một; Phêrô đã phát biểu trước Thượng Hội đồng rằng: “Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người” (Cv 5:32). Cả về mặt nội bộ Giáo hội, Thần Khí cũng sẽ đóng vai chủ động trong tiến trình dẫn tới quyết định, như đã thấy ở trong “công đồng” Giêrusalem: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định...” (Cv 15:28). Chúa Thánh Thần cũng là nguồn khai sinh các thừa tác vụ mới trong Giáo hội, như thấy qua việc bổ nhiệm bảy “phó tế” đầu tiên, “những con người tràn đầy Thần Khí khôn ngoan” (Cv 6:3), và tiếp sinh lực để họ hăng hái tra tay thi hành sứ vụ; như Đức Giêsu đã hứa là Thánh Thần sẽ phù trợ các môn đồ lúc gặp cảnh bắt bớ, khi bị điệu ra trước các tòa án (x. Mt 10:20), thì giờ đây, lời hứa ấy đã nên trọn trong vụ bách hại Stê¬pha¬¬nô: “Họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông” (Cv 6:10; 7:55). Thánh Thần cũng ngự xuống trên những người mới lãnh nhận phép rửa qua việc đặt tay của các Tông đồ (Cv 8:15-17). Thần Khí đã hướng dẫn ông Phi¬lípphê vào một sứ vụ lạ lùng là làm phép rửa cho viên thái giám người Êthiôpi (Cv 8:29.39); Người đã củng cố cho một Phaolô mới trở lại (Cv 9:17), làm sáng tỏ mối phân vân của Phêrô và mở cửa Giáo hội cho dân ngoại (x. Cv 10:17-44); Người đã chọn và sai đi những nhà truyền giáo tiên khởi, Phaolô và Banaba (x. Cv 13:2.4), rồi sau đó, hướng dẫn Phaolô trong các hành trình truyền giáo của ngài (x. Cv 13:9; 16:6-7; 20:23). Thần Khí thực sự là tác nhân chính yếu trong đời sống và trong đà triển phát của Giáo hội.[19]
    Thánh Gioan đã cho thấy rằng Thần Khí là nguồn ơn tha thứ mọi tội lỗi trong Giáo hội (x. Ga 20:22-23). Người là sức năng động thần thiêng mang lại hiệu lực cho các bí tích. Với giáo huấn về các đặc sủng, Thánh Phaolô cũng giải thích cho thấy rằng Thần Khí làm cho mọi sinh hoạt trong Giáo hội nên sống động. Trước tiên, Thần Khí được ban tặng cho tất cả: “Tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn cùng một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12:13); chẳng còn ranh giới phân biệt giữa mọi chủng tộc, mọi giai tầng xã hội, giới tính, v.v., bởi cộng đoàn kitô đâm rễ từ một gốc duy nhất là Thánh Thần (x. Gl 3:3); và như thế – thư gửi tín hữu Êphêxô nói – là “một Thân mình và một Thần Khí,” chúng ta “hãy thiết tha duy trì mối hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa, gắn bó với nhau” (Ep 4:3-4). Chính “ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr 13:13) sẽ nối kết các cộng đoàn giáo hội cũng như các chi thể của mỗi cộng đoàn lại với nhau. Tuy nhiên, tiếp đến, cũng chính Thần Khí sẽ tạo ra những nét đa dạng trong Giáo hội: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí...Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung... Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người” (1Cr 12:4.7.11). Thánh Tông đồ đã liệt kê ra tám loại đặc sủng – cũng có thể có nhiều hơn – và nối kết tất cả lại bằng cách nêu lên sự kiện chúng có chung cùng một gốc trong cùng một Thần Khí duy nhất. Từ điểm này có thể rút ra một vài suy tư như sau:
    Trước hết, đa dạng tính của các vai trò và thừa tác vụ là một món quà do ân sủng của Thánh Thần ban tặng; giữa những đặc sủng đa dạng đó, có đặc sủng quản trị (x. 1Cr 12:28). Mọi đặc sủng đều cần phải được trân trọng (x. 1Tx 5:19), song chúng phải được đức mến làm cho sống động, nếu không, chúng sẽ chẳng còn giá trị chi nữa (x. 1Cr 13:1-3). Và điều này quá hiển nhiên đến độ cả những người không tin cũng có thể nhận ra được (x. 1Cr 14:25). Kế đến, nếu Thần Khí phân phát sinh lực của Người cho tất cả mọi người, thì tất cả phải trở nên linh hoạt trong Giáo hội và đừng giữ chặt các đặc sủng ở trong lòng, cho riêng mình; mỗi người phải ý thức về trách nhiệm của mình “tùy theo mức độ ân sủng mà Đức Kitô ban cho” (Ep 4:7). Sau hết, không một người nào được phép dựa vào đặc sủng đã lãnh nhận mà phá vỡ mối hiệp thông của thân mình, nhưng phải “xây dựng nó” và góp phần vào sự phát triển của nó (x. 1Cr 14:3.4.5.12.17.26). Thánh Phaolô đã xin cho được một “diakonía pneú¬matos”, một thừa tác vụ Thần Khí, bởi thấy rằng có thể ngài có một vai trò trong việc phân phát các đặc sủng. Nhờ Thần Khí, thân thể Giáo hội có được một “linh hồn,” sống động và phong phú, khả dĩ mang ơn cứu độ của Đức Kitô đến cho toàn thể nhân loại.

    Chiều kích cánh chung
    Thần Khí hướng dẫn Giáo hội giữa dòng lịch sử; biết rằng “quê hương chúng ta ở trên trời” (x. Pl 3:20), Người dẫn dắt chúng ta hướng tới vinh quang tương lai sẽ được mạc khải trong chúng ta (x. Rm 8:18). Thần Khí là mối dây liên kết giữa hiện tại trước mắt và tương lai hứa hẹn. Thánh Phaolô đã dùng đến hai ý niệm để khai triển điều này: ý niệm về “ân huệ mở đầu” và ý niệm về “bảo chứng.”[20] Nói về niềm trông đợi cuộc giải phóng trong tương lai cho tất cả mọi loài thụ tạo, thánh Tông đồ bảo rằng chúng ta đã lãnh nhận “ân huệ mở đầu của Thần Khí” (Rm 8:23); sự hiện diện của Thần Khí là một đảm bảo cho mọi niềm trông đợi của người kitô. Chúng ta đã thấy vai trò của Thánh Thần trong cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, thì giờ đây chính Đấng Phục Sinh ấy là ân huệ mở đầu đảm bảo việc chúng ta sẽ được phục sinh trong thân xác (x. 1Cr 15:20.23). Niềm trông đợi vào tương lai chính là niềm trông đợi vào Thiên Chúa, “Đấng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2Cr 1:22). Hễ từ bỏ “ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất” – như thánh Phaolô nhắn nhủ – là chúng ta được yên ủi, bởi vì “chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra”... Hiện giờ, do bởi tình trạng bấp bênh của chúng ta, chúng ta sẽ phải chịu nhiều thống khổ, nhưng niềm trông cậy là vững chắc, vì “Đấng đã chuẩn bị cho chúng ta đạt được mục đích ấy là chính Thiên Chúa, Đấng đã ban Thần Khí cho chúng ta làm bảo chứng” (2Cr 5:1-5).
    Bởi đó, Thần Khí chính là nguồn đảm bảo cho tương lai của chúng ta, không chỉ về phương diện thiêng liêng mà thôi, nhưng còn về mặt thể xác nữa; tất cả những lời hứa ấy đều có liên hệ đến thân xác chúng ta. “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8:11). Những gì Thần Khí đang thực hiện trong chúng ta lúc này– cả trong linh hồn lẫn trong thể xác – thì Người cũng thực hiện cho mai sau, trong đời sống vĩnh cửu. Nếu bây giờ chúng ta mang “thân xác khí huyết” (bằng xương bằng thịt), thì mai sau chúng ta cũng sẽ có một “thân xác thần thiêng”; ý niệm này có vẻ như tương phản, bởi chẳng thể có từ ngữ hay ý tưởng nào khả dĩ mô tả thực tại mai sau đó. Thánh Phaolô đã ra sức dùng nhiều tính từ khác nhau để biểu đạt: “gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có Thần Khí...” (1Cr 15:42-44). Chúa Thánh Thần đang âm thầm thực hiện tiến trình biến đổi ấy ngay trong đời sống thế trần này, để một mai làm cho nó tỏ hiện huy hoàng trong vinh quang Thiên Chúa.

    ________________________________________
    [1] R. Penna, “Spirito Santo”, trong Nuovo Dizionario di Teologia Biblica, ed. Paoline, 1988, tt. 1498-1518.
    [2] Xem L. J. Wood, The Holy Spirit in the Old Testament, Zondervan Pub. House, 1976; M. A. Chevallier, “L’Esprit de Dieu dans les Écritures”, trong La pratique de la Théologie, II, Paris 1982, tt. 435-482.
    [3] D. Lys, “Ruah”. Le souffle dans l’Ancien Testament, P.U.F., Paris 1962, tr. 347.
    [4] Toseftah, Sota 13.2; Babylonian Talmud, Sanhedrin 11a.
    [5] Đây là một danh hiệu dành cho Pharaô của Ai cập, Ramses II, ngụ ý nói rằng vua chính là “lẽ sống” của con dân. Các hoàng đế Lamã cũng được coi như vậy; vì thế, Seneca gọi hoàng đế là spiritus vitalis, tức sinh khí của dân, De clem. 1,4.
    [6] Xem thêm Christopher J. H. Wright, Knowing the Holy Spirit Through the Old Testament, Inter Varsity Press, 2006
    [7] Orationes Theologicae, 5:26.
    [8] Xem C. Brown, “Spirit”, in Colin Brown (ed), Dictionary of New Testament Theology, III, 689-709.
    [9] Xem Warrington, Keith, Discovering the Holy Spirit in the New Testament, Peabody: Hendrickson Publ. 2005.
    [10] Xem R. Spitz, La révélation progressive de l’Esprit Saint, Paris: éd. du Cèdre, 1976.
    [11] Xem Barrett, C. K., The Holy Spirit and the Gospel Tradition. Lon¬don: SPCK, 1958; Pikaza, X., “El Es¬pí¬¬ritu Santo y Jesús,” Estudios Trinitarios1982. Vol. XVI, tt. 3-79; Bordoni, M., “El Espíritu Santo y Jesús. Reflexión bíblico – sistemática,” Estudios Trinitarios, 2000. Vol. XXXIV, tt. 3-31; Chevallier, M-A, Souffle de Dieu, Le Saint-Esprit dans le Nouveau Testament, Volume I: Ancien Testament – Hellénisme et Judaïsme – La Tradition synoptique – L’œuvre de Luc, Le Point Théologique, 26, Éditions Beauchesne, Paris, 1978.
    [12] Cantalamessa, Raniero, The Holy Spirit in the Life of Jesus: The Mystery of Christ's Baptism, Collegeville, Minnesota, The Liturgical Press, 1994; Kilian McDonnell, The Baptism of Jesus in the Jordan: The Trinitarian and Cosmic Order of Salvation, Collegeville: Liturgical Press [Michael Glazier], 1996.
    [13] Xem L. F. Ladaria, “La unción de Jesús y el don del Espíritu”, Gregorianum 71 (1990) 547-571.
    [14] Trong một số dị bản văn đoạn song song bên Lc – cũng như trong bản ngụy thư Gospel of the Ebio¬nites, và trong Dialogue with Trypho 88.8. của thánh Giúxtinô – Tv 2 cũng được minh nhiên trưng dẫn.
    [15] Stephen Gero, “The Spirit as a Dove at the Baptism of Jesus”, Novum Testamentum, Vol. 18, Fasc. 1 (Jan. 1976), tt. 17-35.
    [16] Xem Talmud bab., Hag. 15a.
    [17] Catena aurea in quattuor evangelia, ch. 22. Ở đây, thánh Tôma Aquinô trưng dẫn thánh Âugutinô, De Trinitate: “Đức Kitô chưa được Thánh Thần xức dầu, phải chờ cho tới lúc Thánh Thần xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu, sau khi Ngài đã chịu phép rửa; Thánh Thần đã muốn tiên báo về thân mình của Ngài là Giáo Hội, qua đó, những ai chịu phép rửa thì đều chủ yếu nhận được Thánh Thần.”
    [18] Văn đoạn này đang được các học giả bàn bạc, thảo luận: xem Wong, E., “Chúa là Thần Khí” (2Cr 3:17a),” Ephemerides Theologicae Lovanienses, 61 (1985) 48-72.
    [19] Xem G. Haya Prats, L’Esprit force de l’Église. Sa nature et son activité d’après les Actes des Apôtres, Paris: Cerf, 1975.
    [20] Đừng hiểu “bảo chứng” ở đây như thể là điều gì Thiên Chúa bắt buộc phải hoàn tất. Không hề, chẳng ai bắt buộc được Thiên Chúa phải làm gì cả. Dù vậy, niềm trông cậy của chúng ta là vững chãi, vì “Thiên Chúa tín thành” (1Cr 1:9; 10:13; Dt 10:23; v.v.).

  12. #12

    Mặc định

    III. Nguồn gốc giáo lý về Chúa Thánh Thần

    Giáo hội hằng duy trì việc đọc Kinh Thánh và suy tư... Dường như công tác trước tiên Giáo hội nhắm đến là dùng ngôn ngữ và văn hóa của các quốc gia dân tộc khác nhau để giải thích mạc khải Kinh Thánh cho các kitô hữu thuộc các miền xứ không-Sêmít. Các Tông phụ[1] và còn đông số hơn nữa, là các Giáo phụ,[2] cũng đã dùng các phạm trù triết học phổ biến trong thời đó để tiến hành công tác đối thoại – thường là qua dạng bút chiến – với các bậc thức giả đương thời; công tác đó, ngày nay, được gọi là tiến trình hội nhập văn hóa.

    Dùng cách kiểu đó, các tác giả đầu tiên đã tiếp tục giải thích mạc khải Kinh Thánh, cũng như biểu trình về tác vụ linh hứng của Thần Khí trên các tín hữu, cách riêng là trên các ngôn sứ. Dù vậy, nếu nỗ lực để phân tích giáo lý ấy, thì sẽ thấy rõ là nó vẫn đang ở “trong giai đoạn hình thành” và còn nhiều lộn xộn ngổn ngang.[3] Sách Điđakhê – có lẽ là bản viết kitô cổ xưa nhất ngoài Tân Ước – thường nói về các ngôn sứ: “... không phải hễ ai nói bằng thần khí thì kẻ đó được coi là ngôn sứ, trừ khi kẻ đó hành xử theo cung cách của Đức Chúa. Như thế, nếu căn cứ vào lối hành xử của họ thì có thể nhận ra được đâu là ngôn sứ (thật) và đâu là ngôn sứ giả” (Điđ. 11). Thánh Clêmentê thành Rôma (lối năm 96) thường bàn về Thánh Thần như là đấng phát ngôn trong các sách Thánh và đã mời gọi chúng ta trở nên những kitô hữu đích thực (Clem. 22.1). Thánh nhân dùng công thức Tam Vị, đặt Ba Ngôi theo tư thế ngang bằng nhau: “Tại sao lại để cho xảy ra những xung đột, chia rẽ giữa anh em... Chẳng phải chúng ta cùng có duy nhất một Thiên Chúa, một Đức Kitô và một Thần Khí hằng tuôn đổ dư tràn ân sủng trên chúng ta sao...?” (46.5-6). Dù đã ý thức nhiều hơn về hoạt động của Thánh Thần trong cộng đoàn, song Giáo hội còn gặp phải vấn đề khó khăn liên quan đến việc phân định. Thư của Bácnaba (viết vào khoảng các năm 80-130) đã phát biểu như sau: “Thần Khí đã nói trong lòng Môsê rằng ông phải làm một biểu tượng về thập giá và một hình ảnh về Đấng phải chịu khổ treo trên đó” (12.2); và trong thư gửi giáo đoàn Phila¬đenphia, thánh Inhaxiô An¬tiôkia (lối năm 107) đã tuyên bố như sau về sự việc ngài được Thánh Thần linh hứng: “Thần Khí đã công bố những lời này: đừng làm điều gì nếu không có giám mục; hãy giữ gìn thân thể anh em như những đền thờ của Thiên Chúa; hãy hiệp nhất trong đức ái, tránh việc gây chia rẽ lẫn nhau; hãy bắt chước Đức Giêsu Kitô, như Người đã bắt chước Cha Người” (Phila. 7.1). Giáo hội hằng coi hoạt động linh hứng của Thánh Thần trên các ngôn sứ thời Cựu Ước và tiếp đó, trên các ngôn sứ kitô, như là một.

    Lúc các tác giả thử dùng những phạm trù triết học phổ biến trong các nền văn hóa của mình để khởi sự công tác đối thoại với thời đại, thì những xác quyết hay luận điểm của các ngài đôi lúc lại tỏ ra là thiếu xác đáng, bởi vì tư tưởng thần học khi đó chưa đạt tới mức chỉnh toàn.

    Thánh Giúttinô tử đạo (†165), một triết gia, đã nhắc đi nhắc lại rằng Thần Khí của các ngôn sứ thời xưa, của các thánh tông đồ và của Giáo hội chỉ là một. Trong cuốn Apo¬lo¬gies, viết để gửi đến các lương dân, ngài chỉ đề cập đến “các thần khí,” theo ý nghĩa chỉ về thần dữ hoặc vong linh của kẻ chết. Còn trong cuốn Dialogue with Trypho, ngài đã bàn về thần khí theo Kinh Thánh, cũng như giải thích về phương cách hoán cải mà người Do thái phải thực hiện để trở về với Kitô giáo; ngài viết như sau: “nhờ danh Đức Ki¬tô mà người thì nhận được thần khí ban ơn hiểu biết, kẻ thì được ơn soi sáng, người thì được ơn sức mạnh, kẻ thì được ơn chữa lành, người thì được ơn tiên hiểu, kẻ thì được ơn giáo huấn, người khác lại được ơn kính sợ Thiên Chúa” (Dial. 39). Các ngôn sứ trong thời Cựu Ước “đã nói bằng Thần Khí Thánh... và được tràn đầy Thánh Thần” (Dial. 7). Viết cho Tryphô, trong Dialogue 88, thánh nhân đã làm chứng cho kinh nghiệm của Giáo hội về Thần Khí: “Giờ đây, có thể dễ dàng thấy rõ việc những người nam, người nữ trong chúng ta đã nhận được những món quà mà Thần Khí của Thiên Chúa ban tặng.” Dù vậy, dường như mức độ hiểu biết của Giúttinô về Thần Khí đã không vượt lên trên những điều mà ngài rút ra được từ Cựu Ước. Có vẻ như ý niệm của thánh nhân về Thiên Chúa chỉ dừng lại ở mức “song vị” (Cha và Đức Giêsu Ki¬tô) chứ không phải là “tam vị”. Môn đệ của ngài là Tatianô cũng đã nỗ lực để đối thoại với những người đương thời qua việc thích nghi và dùng ngôn ngữ của họ. Dù vậy, điều đó đã dẫn ông đến việc trộn lẫn các lời dạy của triết gia, cùng với những niềm tin phổ biến thời đó, khi trình bày giáo lý kitô; và hậu quả là, cung cách trình bày các điểm giáo lý của ông, như đọc thấy trong cuốn Address to the Greeks (viết vào giữa các năm 166-170), đã tỏ ra là khá lộn xộn và nhập nhằng. Một vài năm sau đó (năm 166 hay 167), Atênagôrát, triết gia người Aten, đã gửi bản Apo¬lo¬gy đến hoàng đế Marcus Aurelius, để lên tiếng bảo vệ những người kitô bị buộc tội là “vô thần”; giáo lý của ông vẫn giữ nguyên ngôn ngữ kinh thánh và tỏ ra khá rõ ràng, mạch lạc. Ông đã thừa nhận rằng, hẳn là những người không kitô sẽ lấy làm lạ về dạng tôn giáo này: “Ai lại giấu nổi thái độ kinh ngạc trước sự việc bị cáo buộc là vô thần những con người tuyên xưng về Chúa Cha, về Chúa Con, và về Chúa Thánh Thần, cũng như xác quyết về tình trạng hiệp nhất trong quyền năng, và mức độ phân biệt trong trật tự của các Đấng ấy?” (Ch. 10). Ngài cũng viết rằng: đức tin giúp cho được cứu độ thì hệ tại ở việc “nhận biết Thiên Chúa và Ngôi Lời của Ngài; nhận biết thế nào là duy nhất tính của Con với Cha, thế nào là tình hiệp thông giữa Cha với Con; nhận biết Thần Khí là đấng nào; thế nào là mối hiệp nhất giữa ba đấng là Thần Khí, Con và Cha, cũng như tình trạng phân biệt giữa nhau, trong cùng một mối hiệp nhất đó” (Ch. 12); hoặc, ngài viết tiếp, như sau: “Bởi vì, chúng ta nhận chân một Thiên Chúa, và một Con, Lời của Ngài, và một Thánh Thần – tức là Cha, Con, Thần Khí – hiệp nhất trong một bản thể, bởi vì Con là Tuệ trí, là Lý tính và là Minh triết của Cha, và Thần Khí là sự tỏa rạng bừng lên như là ánh sáng phát xuất từ ngọn lửa” (Ch. 24); giáo lý này đã được định thức một cách xác đáng. Dù vậy, bởi tính cách phức tạp của mạc khải kitô, cũng như do tình trạng thiếu ngôn từ và các khái niệm trong văn hóa Hy lạp để biểu trình về mạc khải ấy, cho nên việc xuất hiện các dạng kiểu định thức khác lạ – được “tinh chỉnh” dựa vào trực cảm đức tin của dân kitô và nỗ lực của các học giả – là điều đương nhiên không thể nào tránh khỏi.


    ________________________________________
    [1] Từ thế kỷ 16, các tác giả kitô thuộc hạ bán thế kỷ 1, thượng bán thế kỷ 2, được gọi là “các Tông phụ”; các vị này đã giảng dạy một giáo lý được coi là có tính chất chính truyền. Có thể kể ra đây một số Tông phụ tiêu biểu: Clêmentê thành Rôma (vị Giáo hoàng thứ ba sau thánh Phêrô), Inhaxiô thành Antiôkia († 107), Pôlycáp thành Smyrna († lối 120), Papias († lối 50), v.v. cùng với một số tác phẩm khác, như: Didache, Letter to Diognetus, Pastor Hermae.
    [2] Các Giáo phụ là những thần học gia đời xưa, phần đông là các giám mục; giáo lý và đời sống thánh thiện của các ngài đã được truyền thống công nhận. Cách chung, có thể coi thánh Grêgô¬riô Cả († 604) là vị Giáo phụ cuối cùng phía Latinh, và thánh Gioan thành Đamasô († lối 760) là vị Giáo phụ cuối cùng phía Hy lạp.
    [3] Antonio Orbe, La Teología del Espíritu Santo (Analecta Gregoriana, 158), Gregorian University, Rome, 1966; Wolf - Dieter Hauschild, Gottes Geist und der Mensch: Studien zur führchristlichen Pneumatologie, Kaiser Verlag, München, 1972.

  13. #13

    Mặc định

    IV.ThẦn hỌc vỀ Chúa Thánh ThẦn


    Như đã thấy, thần học đang phải đối diện với những khó khăn đặc biệt trong việc xác định cho thích đáng và minh bạch “bản tính” và “sự sống” của Chúa Thánh Thần. Sở dĩ phải dùng đến các từ “bản tính” và “sự sống” ở đây là bởi vì tất cả mọi thuật ngữ được dùng để nói về Thiên Chúa đều mang tính cách loại suy; và ở đây, với đối tượng nhắm tới là Chúa Thánh Thần, phép loại suy lại càng phải hơn bao giờ hết, được dùng đến. Nói về Ngôi Hai, Kinh Thánh dùng một số danh hiệu như: Giêsu, Con, Kitô, Lời,... có thể giúp gầy dựng nên các dạng loại Kitô học khác nhau. Còn đối với Ngôi Ba, ngữ vựng được dùng để giới trình tỏ ra là phong phú hơn nhiều nhưng cũng mơ hồ hơn rất nhiều, như: gió, nước, hơi thở, dấu ấn, việc xức dầu, ân huệ, tình yêu, v.v., và từ đó cũng đã làm phát sinh nhiều dạng Thần khí học, tức rất nhiều cách hiểu về Chúa Thánh Thần. Chỉ có một đức tin duy nhất, song lại có nhiều dạng loại thần học khác nhau. Phương Đông cũng như phương Tây đều đề xuất nhiều cách hiểu khác biệt nhau về Ba Ngôi, cách riêng là về Chúa Thánh Thần. Giữa tình trạng bất đồng đó, vấn đề nhiệm xuất của Thánh Thần đã trở thành một chủ đề nổi bật, đưa đến những tranh luận gay gắt, và rốt cuộc, đã được dùng làm lý chứng thần học biện minh cho việc chia rẽ chính trị vốn đã ngấm ngầm âm ỉ từ lâu.[1]


    Các hình ảnh và danh hiệu của Thánh Thần
    Các hình ảnh cũng có thể được coi như là con đường dẫn tới chân lý. Cách hoạt động thông thường của lý trí con người là đi từ điều đã biết đến cái chưa biết, từ điều đã rõ đến cái mờ mịt, hoặc từ tình trạng khả giác đến cảnh giới khả tri, và cứ tiếp tục theo cung cách đó, v.v. Để nói về Chúa Thánh Thần, thì có thể vừa dựa vào những danh hiệu và hình ảnh được trình tả trong Kinh Thánh, vừa dựa vào những kinh nghiệm xuất phát từ Giáo hội và tâm hồn con người; và nhất thiết phải giải thích những danh hiệu, những hình ảnh và kinh nghiệm ấy làm sao để chúng trở thành sáng tỏ. Mỗi một hình ảnh, mỗi một danh xưng đều biểu thị một khía cạnh trong thực thể của Thánh Thần; thế nên, chỉ có một cách là đi qua con đường đối chiếu tất cả với nhau, rồi tổng hợp các cách cắt nghĩa lại, thì mới mong phác họa được một bức tranh tổng thể về thực thể muốn trình tả là Thánh Thần. Riêng đối với các kinh nghiệm, việc cắt nghĩa chúng lại càng tỏ ra khó khăn gấp bội, bởi các kinh nghiệm nội tâm có thể cho thấy một chứng cứ nào đó, song hiếm khi nào mang lại được một ý niệm rõ rệt về thực tại cảm nhận được qua kinh nghiệm. Do đó, thiết tưởng bao giờ cũng nên lưu ý rằng ở đây, ngôn ngữ biểu đạt luôn luôn mang tính cách ẩn dụ cao độ, phải được hiểu qua phép loại suy, nhất là khi đối tượng được giới trình là Mầu nhiệm Tuyệt đối;[2] đây là đối tượng mà trong những gì nhận thức được thì phần không đúng lớn hơn là phần đúng. Công đồng Latêranô thứ 4 (1215) đã dạy rằng, “giữa Đấng tạo hóa và các thụ tạo, không có một mức giống nhau lớn đủ để có thể làm cho mờ đi việc nhận ra rõ quãng cách khác biệt giữa đôi bên” (DH 806).


    Danh hiệu thích đáng dành cho Thánh Thần
    Chẳng hề có lấy một danh hiệu nào thích hợp và vừa vặn để biểu trình bản tính của Ngôi Ba Thiên Chúa cả. Dù vậy, dựa trên nền tảng Kinh Thánh, truyền thống đã dành cho Ngôi Ba một số danh hiệu nhất định, ngầm được coi là thích đáng; và thần học thường dùng đến ba trong các danh xưng đó: Chúa Thánh Thần, Tình Yêu, và Ân Huệ. Tự nó, từ ngữ Thần Khí cũng đã có thể được quy chiếu cho Thiên Chúa: “Thiên Chúa là Thần Khí” – Đức Giêsu đã nói như thế với người phụ nữ Samari – và Người muốn được tôn thờ “trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4:24). Còn từ “thánh” thì chỉ về yếu tính của Thiên Chúa, và do đó, Cha, Con, và Thánh Thần đều chí thánh như nhau. Dù vậy, Tân Ước, đặc biệt là thánh Luca trong sách Công vụ Tông đồ, đã nhiều lần gọi Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần; dựa theo đó, truyền thống Giáo Hội cũng đã tuyên xưng danh hiệu đó, cả trong kinh nguyện – phụng vụ – lẫn trong thần học nữa.
    Tình Yêu (Amor, Caritas) – theo thánh Tôma Aquinô (I q.37 a.1), cũng như theo thần học phương Tây – là một danh hiệu dành riêng cho Chúa Thánh Thần. Trong Kinh Thánh, từ ngữ Tình Yêu xuất hiện như là một định nghĩa về chính Thiên Chúa: “Thiên Chúa là Tình Yêu” – thánh Gioan viết (1Ga 4:8) – và Người đã quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 3:16; Rm 5:8). Tình Yêu Thiên Chúa hướng ngoại (ad extra), được dành cho con người và nhắm đến các vật thụ tạo của Người. Song, lúc thần học quy gán danh hiệu này cho Thần Khí, thì nó lại diễn tả tình yêu trong lòng Ba Ngôi (ad intra), tức là tình yêu mà Cha và Con dành cho nhau. Theo cách diễn tả của các Giáo phụ, như đóa hồng ngát tỏa hương thơm, như mật ong mang lại vị ngọt, chính tình yêu nội tại giữa Cha và Con đã “thở ra” Thánh Thần. Bởi đó, Thánh Thần được gọi là Tình Yêu của Cha và Con, là “hiệu quả” của mối tình sâu đậm đó. Với ý nghĩa ấy, Thánh Thần còn được gọi là Dây Se Tình Yêu – Vinculum Amoris – kết buộc Cha và Con lại với nhau. Thần học kinh viện – khi bàn về danh hiệu Tình Yêu cách “chuyên môn”– đã cho rằng: nói theo cách “cốt tính” (essentialiter), “Tình Yêu” được áp dụng ngang nhau cho cả Ba Ngôi; nói theo cách “biệt ký” (notionaliter), nó biểu thị mối tương ái sống động giữa Cha và Con, và trở thành nguồn phát xuất của Thánh Thần; và nói theo cách “ngôi vị” (personaliter), từ ngữ này được dành riêng để chỉ Thánh Thần.[3]
    Ân Huệ – Donum – là một danh hiệu khác của Chúa Thánh Thần, bởi vì, như đọc thấy trong Kinh Thánh, Đức Giêsu đã hứa là Ngài, hoặc Cha, sẽ ban tặng Thánh Thần vì tình yêu. Thánh Âugutinô giải thích rằng, để biểu thị mối hiệp thông giữa Cha và Con, “Chúa Thánh Thần được coi như là ân huệ của cả hai”;[4] và ngài giải thích thêm rằng, xét theo tư thế là Đấng phát xuất từ nơi Cha, thì Thánh Thần là Đấng Được Ban, và xét theo tình trạng cư ngụ nơi các thánh, thì Người được gọi là Ân Huệ. Trong Ba Ngôi, Cha không thể được chuyển ban, bởi vì Ngài là nguồn gốc tuyệt đối của mọi sự; chỉ có Con và Thánh Thần là được trao ban, được gửi đến thế gian, mà thôi. Dù vậy, chỉ có một mình Thánh Thần mới được gọi là Ân Huệ bởi vì Người được trao ban bởi cả Cha và Con, và Người là Tình Yêu, là gốc nguồn của mọi thánh ân. Đức Gioan Phaolô II viết rằng: “Có thể nói rằng, trong Chúa Thánh Thần, đời sống mật thiết của Ba Ngôi Thiên Chúa đã trở nên một ân huệ trọn vẹn, một tình trạng chuyển thông của mối tương ái giữa các Ngôi Vị; và thông qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa ‘tồn tại’ trong dạng thức là ân huệ. Chúa Thánh Thần chính là hiện thân của ân huệ tự trao ban, của tình yêu hằng hữu. Người là Ngôi Vị-tình yêu. Người là Ngôi vị-ân huệ.”[5] Đó là lý do tại sao bài phụng ca Veni, Creator Spiritus gọi Đấng Bảo Trợ là “Ân huệ của Thiên Chúa Tối Cao.” Trong bài giảng đầu tiên sau ngày Lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô đã mời gọi thính giả nghe ngài hoán cải và đón nhận phép rửa, để “anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (x. Cv 2:38; 10:45);[6] qua lời mời gọi đó, thánh nhân muốn xác quyết rằng, “Chúa Thánh Thần chính là ân huệ.” Các người viết tiểu sử thánh thường đề cập nhiều hơn đến những ân huệ Chúa Thánh Thần trao ban; song, vì là Thiên Chúa và là Tình Yêu, nên Thánh Thần cũng tự thông ban chính Người qua các ân huệ đó nữa. Bởi thế, dù có coi ơn thánh hóa như là một ân sủng thụ tạo, thì thần học cũng luôn giả định về tình trạng có mặt của ân sủng vô tạo nữa, tức là sự hiện diện của chính Đấng ban ơn Thánh Hóa. Với nhãn quan này, thần học coi Chúa Thánh Thần như là ân huệ đầu tiên, bởi vì điều trước hết “được trao ban” trong bất cứ một ân huệ nào, luôn là tình yêu và là chính Đấng ban tặng.




    a. Chúa Thánh Thần
    Như đã thấy, thuật ngữ “Thần Khí” mang một ý nghĩa rất dồi dào trong Kinh Thánh, từ ý chỉ gió cho đến nghĩa biểu thị sự hiện diện thánh thiêng. “Thánh” có nghĩa là thần linh, là thuộc về Thiên Chúa; và vì chỉ có Thiên Chúa mới được gọi là Đấng Thánh, nên Thánh Thần – cũng như Thần Khí – chính là Thiên Chúa.
    Thần Khí là một thực tại vô hình, tựa như gió vậy. Nếu coi đó là một sự vật, thì sự vật đó vô hình; nếu coi đó là một con người, thì con người đó không thấy mang một bộ mặt cụ thể nào; và do đó, chỉ có thể quả quyết được một điều duy nhất là: Thần Khí không phải là sự này điều nọ; Ngài không phải là được tạo thành, không phải là vật chất. Trong Kitô giáo, có một số ý niệm chỉ về các thần khí thụ tạo, như: bậc thiên thần,[7] giới vong linh,[8] lớp thần dữ,[9] v.v.; song, những thực thể này không phải là thần linh; chúng bị giới hạn về mặt hiện hữu và năng quyền; vả lại, mức độ hiểu biết của con người về chúng thì rất mờ nhạt, thiếu chính xác và không có gì là chắc chắn.
    Thánh Thần chính là Thiên Chúa và, do đó, có những phẩm tính tuyệt đối của Thiên Chúa, như: vô tạo, hằng hữu, vô biên, toàn năng. Bởi đó, hễ có bất cứ một phẩm tính nào được quy gán cho Thiên Chúa, tất nó cũng phải được quy gán cho chính Thánh Thần.


    b. Các cách giải thích về danh hiệu Thánh Thần
    Các tính ngữ khác nhau – thường thấy đi kèm với từ Thần Khí – đã giúp soi sáng để rõ thêm về đối tượng muốn tìm hiểu; có thể đọc thấy các cụm từ bổ túc ý nghĩa này trong Kinh Thánh và trong phụng vụ Giáo hội.



    — THẦN KHÍ SÁNG TẠO là tên của một bài phụng ca nổi tiếng (Veni, Creator Spiritus...), nêu bật vai trò của Thần Khí trong công cuộc sáng tạo. Văn đoạn Kinh Thánh mà bài phụng ca này dựa vào để triển khai là Thánh vịnh 104 “Sinh khí [Ruah=Khí] của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này.” Còn đối với văn đoạn St 1:2, dù nó mang ý nghĩa nước đôi, nhưng truyền thống Giáo hội và thần học kitô cũng đã nhìn thấy ở đó hoạt động của Thần Khí, trong tư cách vừa là “ngón tay của Thiên Chúa” – tức là “tiếp điểm” giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với các vật thụ tạo – vừa là tình yêu, bởi Thiên Chúa thực hiện mọi sự vì tình yêu. Bằng cặp mắt đức tin, người kitô có thể “nhìn ra” sự hiện diện của Thánh Thần trong hết thảy những gì đang tồn tại; nhờ Người, mọi thụ tạo được hiện hữu và trở nên sống động, cũng như mặc lấy vẻ đẹp rực rỡ, huy hoàng. Danh hiệu Thần Khí Sáng Tạo luôn đi đôi với các ý niệm về quyền năng và sự sống.



    — QUYỀN NĂNG ĐẤNG TỐI CAO: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35). Trong tư cách là “ngón tay” hay “bàn tay” của Cha, Thần Khí sẽ thực hiện những việc lạ lùng, làm nên những kỳ công, và tỏ cho thấy uy quyền của Thiên Chúa (mirabilia/magnalia Dei); trong đó, biến cố hàng đầu và cao cả nhất mà Thần Khí thực hiện chính là cuộc Nhập Thể của Ngôi Hai. Kế đến, hành động thứ hai tỏ rõ uy quyền của Thiên Chúa, như Giáo hội đã nhận ra, là ơn tha thứ tội lỗi, điều đọc thấy trong lời nguyện của Chúa nhật thứ 26 mùa thường niên: “Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả...” Tiếp nữa, có thể kể đến các hành động can thiệp vào dòng lịch sử, chẳng hạn như là việc giải phóng dân tộc bằng “cánh tay uy quyền” của Thiên Chúa (Xh 32:11; Đnl 4:34; v.v.). Do đó, hễ nơi nào quyền năng Thiên Chúa được biểu lộ – cả trong cuộc sáng tạo, lẫn trong cuộc tái tạo (phép rửa, ơn thánh hóa, sự sống lại,...) – thì nơi đó, Thần Khí hiện diện.



    — THẦN KHÍ SỰ SỐNG, hoặc THẦN KHÍ BAN SỰ SỐNG, là danh hiệu biểu thị quyền năng Thiên Chúa trong hành vi sống động hóa mọi hữu thể tự nhiên lẫn siêu nhiên. Thánh Phaolô trình bày sơ quát về dạng sự sống mà Thần Khí ban tặng: Người không chỉ làm cho con người trở nên sống động, mà còn làm cho họ có thể sống tự do trong tư cách là con cái Thiên Chúa: “Vậy giờ đây, những ai ở trong Ðức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Ðức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8:1-2). Trong văn đoạn vừa nêu, thần học đọc thấy hai phương diện: a) mặt tiêu cực, tức là việc tha thứ tội lỗi, và b) mặt tích cực, tức là việc nâng phẩm giá con người lên bậc nghĩa tử. Trong kinh Tin kính, Thánh Thần được tuyên xưng là “Chúa và là Đấng ban Sự sống” (vivificans); bởi đó, Ngôi Ba Thiên Chúa chuyển ban cho con người sinh khí của Người (x. St 2:7); hơn nữa, nhờ đó, con người còn được thông phần vào bản tính Người (x. 2Pr 1:4), Đấng là “Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16:16). Điều này cắt nghĩa việc có thể dành cho Ngôi Ba một tên gọi khác, đó là: “Thần Khí của Thiên Chúa Hằng sống” ( 2Cr 3:3). Dù vậy, hành động ban sự sống này đã đạt tới cực điểm của nó với cuộc phục sinh của Đức Giêsu và, do đó, của cả chúng ta nữa: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8:11).


    THẦN KHÍ CỦA LỜI HỨA. Thánh Phaolô đã nói về “Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa hứa ban” (Ep 1:13), và về “lời hứa ban Thần Khí” (Gl 3:14). Trong lần đầu tiên đề cập đến việc “ban Thánh Thần đã hứa” – Thánh Thần mà Đấng Phục Sinh đã nhận lãnh từ nơi Cha (x. Cv 2:33) – thánh Phêrô đã xác định rõ ràng rằng Đấng ấy chính là Thần Khí mà các ngôn sứ đã từng hứa trong Cựu Ước, là Đấng được mong đợi sẽ xuất hiện vào thời Thiên Sai đến. Với ý nghĩa này, Thánh Thần gồm thâu nơi mình tất cả mọi ân huệ của Thiên Chúa, và trở thành Đấng hoàn tất mọi biến cố cứu độ của Thiên Chúa đã trải rộng suốt dòng lịch sử và nơi mỗi con người. Tất cả những gì Lời Thiên Chúa đã phán ra đều được hiện thực hóa trong Thánh Thần; mọi điều Thiên Chúa dự định làm cho và với con người, đều trở thành hiện thực nhờ Thánh Thần. Có thể lược trình ra đây một danh sách bao hàm các điều Thiên Chúa hứa: ơn tha thứ, ơn giải thoát, sự sống dồi dào, ơn làm nghĩa tử, việc Thiên Chúa hiện diện giữa con người – Emmanuen! – v.v., tất cả những lời hứa đó đều được hoàn tất trong Thánh Thần. Với việc ban tràn đầy Thánh Thần, thời cánh chung – tức vào thời gian cứu độ ấn định – đã xuất hiện; không một lời hứa nào, không một niềm trông đợi nào, không một hành vi trao ban nào, có thể vượt quá được thực tại ấy. Nhờ đó, tình huynh đệ phổ quát, nước Thiên Chúa, nền văn minh tình yêu, v.v. đều trở thành khả dĩ trong Chúa Thánh Thần.


    — THẦN KHÍ BAN ÂN SỦNG ắt cũng mang một ý nghĩa tương tự: tác giả thư Do thái đã nghiêm khắc cảnh cáo những ai “đã chà đạp Con Thiên Chúa, đã xúc phạm đến Máu Giao Ước đã thánh hiến mình và nhục mạ Thần Khí ban ân sủng” (Dt 10:29). Lời lẽ đó dường như là một tiếng vẳng vọng lời tiên tri Dacaria đã từng nói: “Ta sẽ đổ xuống cho nhà Ðavít... thần khí của ân sủng, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện, và chúng sẽ ngước nhìn lên Ðấng chúng đã đâm thâu, và chúng sẽ khóc than Người như người ta khóc than đứa con một...” (Dcr 12:10). Trên đồi Canvê, Gioan đã thấy các lời tiên tri ấy được ứng nghiệm (x. Ga 19:37) qua sự việc nước và máu cùng đổ ra từ trái tim Đức Kitô: một dấu hiệu nói lên việc đổ dư tràn Thần Khí nhờ trung gian là người Tôi Trung đau khổ (x. Is 52:13-53:12) và việc khai mở thời đại ân sủng. Tất cả các lời hứa về giao ước mới (x. Gr 31:31-34) đều đã được hiện thực hóa trong ân huệ là Thánh Thần, được đảm bảo nhờ hy tế của Đức Kitô được dâng lên qua “Thánh Thần hằng hữu” (Dt 9:13-14). Qua hy tế này, và nhờ Thánh Thần này, giờ đây, mọi thánh ân đã sẵn sàng để được ban phát và con người được khuyến khích hãy mạnh dạn tiến gần đến “ngai ân sủng” (4:16), bước vào cung lòng Thiên Chúa đầy nhân ái và xót thương.


    — THẦN KHÍ SỰ THẬT – như lời Đức Giêsu đã nói trong Ga 14:17; 16:13 – chính là Thầy dạy của các ngôn sứ cũng như của các tác giả khác trong Kinh thánh; hành động dạy dỗ ấy thần học gọi là tác động “linh hứng.” Bên cạnh đó, Người còn là Đấng đảm bảo xác thực tính của các chân lý mạc khải trong Giáo hội, qua một cách thế quan phòng mà thần học gọi là tác động “hộ trợ.” Giải thích văn đoạn Kinh Thánh vừa trưng dẫn, thánh Tô¬ma viết: “Nơi chúng ta, việc thụ nhận và suy tư chân lý làm cho lòng ta mến mộ chân lý; cũng tương tự như thế, trong Thiên Chúa, hành động thụ nhận (= tựa như thụ thai) chân lý tức là Con, dẫn đến sự việc Tình Yêu phát xuất; và bởi phát xuất từ chính Chân lý, nên Tình yêu ấy (=Thần khí) dẫn đến việc hiểu biết chân lý... bởi vì chính tình yêu mới vén tỏ những gì bí ẩn.”[10] Thánh Thần được gọi là “Thần Khí Sự Thật” bởi vì a) Người xuất phát từ Sự Thật (tức là từ Con; x. Ga 14:16), b) Người vén tỏ những gì bí ẩn nơi Thiên Chúa (1 Cr 2:10), và c) Người đối nghịch với tà khí/tà thần gian dối (Ga 8:44). Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu bảo rằng thế gian không thể đón nhận Thần Khí này được (Ga 14:17) bởi vì sự thật của Người là hoàn toàn đối lập với các chuẩn mực của thế gian đến độ, trên thực tế, tình trạng đối nghịch đó sẽ dẫn đến sự việc thế gian bị lên án (16, 8:11). Trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã khai triển thêm về điểm này qua việc so sánh kiểu khôn ngoan thế gian với đường lối khôn ngoan của người kitô, rồi đưa ra kết luận như sau: “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì thuộc Thần Khí Thiên Chúa, vì họ cho là sự điên rồ, và họ không thể hiểu được...” (1Cr 2:14). Do đó, có thể nói rằng, Thần Khí đang hành động tại điểm tiếp giao giữa đức tin với lý trí, giữa tôn giáo với khoa học, giữa Kitô giáo với các tôn giáo hay các ý thức hệ khác.



    — THẦN KHÍ BAN ƠN LÀM NGHĨA TỬ là một danh hiệu được thánh Phaolô giải thích trong văn đoạn sau đây: “Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi!’” (Rm 8:15); cũng với các lời lẽ tương tự, ở một văn đoạn khác, ngài viết: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi!’” (Gl 4:6). Sở dĩ chúng ta được nhận làm con cái Thiên Chúa – và quả là như vậy, như lời thánh Gioan đã xác quyết (x. 1Ga 3:2) – là do Thần Khí. Thần Khí ấy đã làm cho Lời của Cha thành người trong cung lòng Đức Maria thể nào, thì Người cũng làm cho chúng ta trở nên con cái của Cha trong lòng Giáo hội thể ấy. Nhờ Thần Khí, chúng ta mới được phép tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu là Chúa” (1Cr 12:3); nhờ Thần Khí, chúng ta mới có thể cầu nguyện mà thưa lên rằng “Lạy Cha chúng con.” Nếu trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần chính là dây se tình yêu giữa Cha và Con, thì cũng tương tự như vậy, nơi chúng ta, Người là dây tình yêu thắt buộc chúng ta với Cha ở trên trời và với con cái Cha ở dưới đất.



    — THẦN KHÍ CỦA CHA, bởi vì Người phát xuất từ nơi Cha (x. Ga 15:26) và được Cha ban xuống thế gian (x. Ep 1:17). Văn đoạn trước làm cho liên tưởng đến Cha của Ngôi Lời và tình trạng nhiệm xuất đời đời của Thánh Thần; văn đoạn sau làm cho liên tưởng đến Cha của chúng ta và về sứ mệnh của Thánh Thần. Đức Giêsu nói rằng: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì; thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 19: 20). Danh hiệu THẦN KHÍ CỦA THIÊN CHÚA (x. Rm 8: 9.14; 15:19; 1Cr 6:11; 7:40) cũng mặc lấy một ý nghĩa tương tự, bởi vì trong Tân Ước, hầu như “Thiên Chúa” luôn có nghĩa là Cha. Dù thế, đôi lúc, cách diễn tả này cũng để lộ tính chất nước đôi; bởi vì, một đàng, danh hiệu này có thể được hiểu theo ý nghĩa của Cựu Ước – tức ám chỉ về quyền năng hay sự khôn ngoan của Thiên Chúa, v.v., như khi Đức Giêsu nói: “Còn nếu tôi dựa vào Thần khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12:28) – và đàng khác, nó cũng có thể được hiểu như là một lối nói vòng vo về chính Thiên Chúa, như thánh Phaolô viết: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3:16). Nếu ra sức mà tạm để một bên những chỗ tỏ ra là thiếu rõ ràng, thì phần lớn những văn đoạn nói về Thần Khí của Thiên Chúa đều biểu thị rõ ràng thiên tính của Người, bởi vì mọi hành động của Người đều mang tính cách thánh thiêng, mà những hành động dạng đó chỉ duy nhất Thiên Chúa mới có thể làm được: “Vậy ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1Cr 2:11).



    THẦN KHÍ CỦA ĐỨC KITÔ là một danh hiệu khác của Thánh Thần, đồng nghĩa với “Thần Khí của Thiên Chúa”: “Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần khí chi phối, bởi vì Thần khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8:9). Thánh Âugutinô đã bình luận về văn đoạn này như sau: “Anh em đã nghe chính miệng Chúa (=Kitô) công bố rằng: ‘Chẳng phải là anh em nói, song là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.’ Tương tự như thế, anh em cũng đã nghe lời thánh Tông đồ tuyên xưng như sau: ‘Thiên Chúa đã gửi Thần Khí của Con Ngài vào lòng anh em.’ Như thế, phải chăng là có đến hai thần khí: một thần khí của Cha, và một thần khí của Con? Chắc chắn là không. Nếu chỉ có một Cha duy nhất, một Con duy nhất, tất cũng chỉ có một Thần Khí duy nhất mà thôi, và do đó, Người là Thần Khí của cả hai... Thế thì, tại sao anh em lại từ chối tin rằng Người cũng xuất phát từ Con, vì Người cũng là Thần Khí của Con? Nếu Người chẳng xuất phát từ Con, thì Đức Giêsu, lúc hiện ra với các môn đệ của Ngài sau cuộc Phục sinh, hẳn đã không thở hơi trên họ và bảo rằng ‘hãy nhận lấy Thánh Thần.’ Quả vậy, hành động thở hơi này muốn nói gì nếu không phải là muốn nói lên rằng Thần Khí cũng phát xuất từ Ngài nữa?”[11] Ngoài ra, cũng có thể đọc thấy một số cách diễn tả khác, như: “THẦN KHÍ CỦA CON” (Gl 4:6), “THẦN KHÍ CỦA ĐỨC GIʬSU KITÔ” (Pl 1:9), “THẦN KHÍ CỦA ĐỨC GIÊSU” (Tv 16:7), và “THẦN KHÍ CỦA ĐỨC CHÚA” (2Cr 3:17-18); tất cả đều có nghĩa là quyền năng và mọi hoa trái xuất phát từ công trình cứu độ của Đức Kitô đã trổ sinh trong chúng ta nhờ bởi Thần Khí. Thánh Phaolô đã coi ơn công chính hóa như là công trình của cả Con lẫn Thánh Thần trong một hành vi bí tích duy nhất: “nhưng anh em đã được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta” (1Cr 6:11). Và tác động hiệp lực giữa hai Ngôi Vị vẫn tiếp tục diễn ra trong tiến trình đời sống thiêng liêng kitô hữu: “Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2Cr 3: 18). Suy diễn từ các danh hiệu đó, thần học Latinh sẽ rút ra các kết luận tương tự như các nhận định ở trên của thánh Âu¬gu¬¬ti¬nô; nhưng đó là chuyện khác, như sẽ đọc thấy trong phần tiếp theo sau đây.



    — THẦN KHÍ THÁNH là danh hiệu mà thánh Phaolô nhắc đến trong lời mở đầu thư gửi tín hữu Rôma: “Xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít; nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thần Khí Thánh, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1:3-4). Thần Khí “Thánh” có nghĩa là “Thánh” Thần; cách biểu đạt này có nguồn gốc từ Tv 51:13 và từ Is 63:10. Thuật ngữ này nhấn mạnh vào vai trò mà Thánh Thần đóng giữ trong biến cố tôn vinh đấng Mê¬sia, hoặc trong cuộc xức dầu tấn phong Ngài (“Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người,” Cv 10:38). Đôi lúc, cuộc phục sinh của Đức Giêsu cũng được quy gán cho quyền năng Thánh Thần; “Thần Khí ban sự sống” và “Quyền Năng của Đấng Tối Cao” – như đã miêu trình ở trên – đều thấy hoạt động đồng thời trong Đức Kitô: Thần Khí ấy hoạt động trong biến cố Nhập Thể (x. Lc 1:32-35), trong cuộc biểu lộ phận thánh tử qua biến cố chịu phép rửa (x. Mc 1:10-11), và đặc biệt là trong cuộc phục sinh (x. Rm 8:11); chính nhờ “quyền năng phục sinh” (x. Pl 3:10) trong Thánh Thần mà, giờ đây, kế hoạch “đưa thời gian tới hồi viên mãn, quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” của Thiên Chúa đang đi đến chỗ thành tựu.



    — THẦN KHÍ QUYỀN NĂNG – hoặc là, quyền năng của Thần Khí – chính là sức năng động được biểu lộ suốt trong lịch sử cứu độ: “Thánh Thần... quyền năng của Đấng Tối Cao” hoạt động trong biến cố Nhập Thể (x. Lc 1:35); quyền năng ấy đã hướng dẫn Đức Giêsu trong sứ vụ của Ngài (x. Lc 4:14), quyền năng ấy cũng tiếp tục hướng dẫn Giáo hội (x. Cv 1:8). Thánh Phaolô đã hăng say làm việc “bằng quyền năng của Thánh Thần” (Rm 15:19), rao giảng theo “bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng” (1Cr 2:4) nhờ đó, công trình ngài thực hiện đã sinh hoa kết trái (x. 1Tx 1:5). Cầu nguyện cho hết mọi ki¬tô hữu, thánh Tông đồ đã xin Chúa Cha – “thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển – ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng” (Ep 3:16).



    — THẦN KHÍ VINH HIỂN là một danh hiệu có thể đọc thấy trong 1Pr: “Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1Pr 4:14). Trong các thời kỳ bách hại, Thần Khí luôn hiện diện để phù trợ cho các chứng nhân của Đức Kitô (x. Mt 10:20; Lc 12: 11-12; Ga 14:26; 16:7-15); và quả thực, việc bị bách hại vì đức công chính là việc đáng được tôn vinh (x. 1Pr 2:20; 3: 14.17). Kinh Thánh thường kết nối “vinh quang” với “Thánh Thần” (x. 2Cr 3:18; Ep 1:17; 3:16). Một số nhà bình luận cho rằng, ở đây, thư thứ nhất của thánh Phêrô đã tóm kết văn đoạn Is 11:2, nêu bật sự việc các ơn huệ phong phú của Thần Khí – mà các ngôn sứ đã hứa – giờ đây đã được trao ban đến các kitô hữu đang chịu cảnh bách hại.[12] Dường như thánh Phêrô cũng muốn nói rằng shekinah (thần cư, hoặc áng mây) biểu thị sự hiện diện của Thiên Chúa; do vậy, chính trong Thần Khí mà chúng ta có thể “đi vào đám mây” và ở lại với Thiên Chúa. Các Giáo phụ – cách riêng là thánh Grêgôriô thành Nixa và thánh Hilariô thành Poitier – đã đồng nhất hóa Thánh Thần với cảnh giới vinh quang.[13] Còn trong phụng vụ, bài phụng ca “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời...” được kết thúc bằng những ca từ như sau: “... cùng Đức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Đức Chúa Cha.”



    — THẦN KHÍ LINH HỨNG CHO NGÔN SỨ là danh hiệu xuất hiện trong sách Khải Huyền: “Lời chứng của Đức Giêsu là Thần Khí linh hứng cho ngôn sứ” (Kh 19:10). Đây là lời chứng về Ngôi Lời Thiên Chúa mà Thần Khí – đã từng linh hứng cho các ngôn sứ thời xưa – vẫn tiếp tục linh hứng cho Giáo hội nhằm làm chứng cho Ngôi Lời đã thành xác phàm (x. Kh 1:2; 6:9; 12:17). Để rõ thêm, xin xem lại cách giải thích về danh hiệu “Thần Khí Vinh Hiển” ở trên.


    — THẦN KHÍ HẰNG HỮU, được nhắc đến trong Dt 9:14, biểu thị ý nghĩa sau đây: hy tế Đức Kitô đã dâng lên không thể được hiểu đơn giản như là một hành vi, hoặc biến cố mang tính cách lịch sử hay tôn giáo, nhưng phải được nhìn nhận như là một cuộc đền tội siêu việt nhờ Thần Khí của Ngài; trước tiên, danh hiệu này nói lên thần tính của Ngài chứ không chỉ tinh thần nhân tính của Ngài mà thôi.[14] Thần Khí giống như là một bầu không khí, trong đó, thiên tính sinh động hóa nhân tính, giúp cho mọi hành vi thờ phượng có thể diễn ra “trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4:23). Ý nghĩa biểu đạt của danh hiệu này còn mang tính chất mập mờ và không nhất thiết đòi phải hiểu “Thần khí” như là Ngôi Ba Thiên Chúa, nhưng chỉ như là một “phẩm chất” của vị Thượng Tế (là Đức Kitô) và của hy lễ mà Ngài trao hiến; nói cách khác, danh hiệu này chỉ phác họa cho thấy một tầm kích “vĩnh cửu” trong đó, Đức Kitô là Thiên Chúa và các hành động của Ngài vượt lên trên không gian và thời gian. Điều này làm cho nhớ lại rằng hoạt động của Đức Kitô và của Thần Khí là một – trong một tình trạng kết hiệp mật thiết đến độ bất khả phân ly, thậm chí là bất khả phân định – khiến cho thánh Tông đồ phải thốt lên rằng: “Chúa là Thần Khí” (2Cr 3:17).


    Đấng Bảo Trợ
    Chỉ duy nhất thánh Gioan dùng đến thuật ngữ này. 1Ga 2:1 gọi Đức Giêsu là Parakle¬tos, là Đấng bào chữa và là vị trung gian cho việc ban ơn tha thứ mọi tội lỗi, hiện đang ngự trên trời cùng với Cha. Trong Tin Mừng thứ tư, thuật ngữ trên còn được hiểu theo nghĩa chỉ về “một Đấng Bảo Trợ khác” (14:16), và Đấng này đang hiện diện giữa thế gian cùng với các môn đệ; bởi có nhiều cách hiểu khác nhau về các tác vụ của Thần Khí, nên thuật ngữ Parakletos được diễn dịch ra thành nhiều danh hiệu khác nhau, như: Đấng Bầu Chữa, Đấng An Ủi, Đấng Cố Vấn (x. Ga 14: 16.26; 15:26; 16:7).[15] Một số người cho rằng thuật ngữ đó phải được hiểu theo ý nghĩa là Thầy, bởi vì Đức Giêsu đã nói rằng “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều” (14:26). Thuật ngữ đó cũng được hiểu như là Đấng An Ủi, bởi vì Đấng ấy mang lại niềm an ủi cho những kẻ lâm cảnh buồn phiền, côi cút... (14:18); Người cũng được gọi là Đấng Trung Gian, bởi vì “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí sẽ cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8: 26). Người được Cha sai đến để cư ngụ giữa thế gian, nhưng lại ở trong một tư thế đối nghịch với thế gian.
    Tác vụ Thần Khí thi hành tỏ ra đa dạng và phức tạp đến độ nhiều người đã đề xuất việc giữ nguyên thuật ngữ Parakletos, không diễn dịch nó thành các danh hiệu khác. Qua cuộc tâm sự của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly, Tin Mừng Gioan đã giới trình Vị Bảo Trợ như là Đấng sẽ đến – sau khi Đức Giêsu về cùng Cha – và ở với các môn đệ, theo cùng một cách thức như việc Giôsua tiếp nhiệm Mô-sê, hoặc Êlisa tiếp tục các hoạt động theo tinh thần của ʬlia, v.v.. Ga 14:26 đã đồng nhất hóa Đấng Bảo Trợ với Thánh Thần; dù vậy, cung cách biểu trình này không hoàn toàn trùng khớp với thực tại Thánh Thần trong các phần còn lại của Tân Ước: Người không được gắn kết với phép rửa, với cuộc tái sinh, với ơn tha thứ tội lỗi, và với sự thánh hóa... Các văn đoạn trong cuộc tâm sự tiệc ly đề cập đến Đấng Bảo Trợ đã miêu trình Người như là một Đức Giêsu khác: cả hai đều phát xuất, và được sai đến thế gian, từ Cha; cả hai đều là Đấng Bảo Trợ; Đấng Bảo Trợ là Thần Khí sự thật, và Đức Giêsu là sự thật; Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, và Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa; v.v. Đối với các môn đệ: cả hai đều hiện diện, dạy dỗ và hướng dẫn họ. Còn đối với thế gian: cả hai đều không được thế gian nhận biết, đều bị từ rảy; cả hai đều làm chứng đối nghịch thế gian. Đức Giêsu về cùng Cha (Ga 14:12) và trở lại với các môn đệ (c.18): chính Đấng Bảo Trợ là Đấng trở lại và gánh vác sứ vụ của Đức Giêsu trên thế gian trong lúc Ngài đang ở trên trời. Bàn về sự việc, giữa hai lần đề cập đến sự thật (x. Ga 14:6.17), Đức Giêsu đã tiên báo cho biết là Đấng Bảo Trợ sẽ đến, Đức Gioan Phaolô II nhận định như sau: “Từ sự việc hai lần nhắc đến sự thật – tức là, việc Đức Giꬬsu ám chỉ về chính Ngài và về Thánh Thần ‘sự thật’ – có thể suy diễn ra rằng, nếu Ngài gọi Đấng Bảo Trợ là ‘Thần Khí Sự Thật’, thì điều đó có nghĩa là sau cuộc ra đi của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần là Đấng sẽ giữ cho các môn đệ ở trong cùng một sự thật mà Ngài đã công bố và mạc khải, và, nói cho cùng, Ngài chính là sự thật đó. Đấng Phù Trợ, cũng như là chính Đức Kitô, là sự thật. Bởi đó, về sau, trong bức thư thứ nhất của mình (5:6), thánh Gioan sẽ viết như sau: ‘Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật’.”[16]
    Dù cảnh huống lịch sử có ra sao đi nữa, thì các môn đệ – Giáo hội – vẫn yên lòng trong vòng tay bảo trợ, dạy dỗ, chở che và ủi an của Thánh Thần. Các lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước, cũng như các lời Đức Giêsu hứa trong Tân Ước đều đã được làm cho hoàn tất trong Thánh Thần, như phụng vụ hằng hát mừng qua bài phụng ca Veni Creator Spiritus (tk. 9):

    Qui diceris Paraclitus,

    altissimi donum Dei,


    fons vivus, ignis, caritas, et spiritalis unctio.


    (Ôi, Đấng Bảo Trợ, chúng con kêu lên đến Ngài,

    Ôi, ân huệ thiên cung Thiên Chúa Chí Tôn trao xuống,

    Ôi, nguồn sống, ánh lửa tình yêu và dầu xức hoan lạc từ trên cao.)

  14. #14

    Mặc định

    Các biểu tượng

    Trong nhiều lần và bằng nhiều cách (x. Dt 1:1), Thiên Chúa đã mạc khải cho con người qua hai đường lối: sứ ngôn và hành động, như đọc thấy trong Hiến chế Mạc Khải Thánh của công đồng Vaticanô II; các hành động có thể mặc lấy thể dạng sự kiện, cảnh huống, biểu tượng, v.v. Vì Thánh Thần vô hình, vô dạng như gió, nên không một ngôn từ nào đủ sức miêu trình, không một danh hiệu nào khả dĩ biểu đạt thích đáng về Người; bởi đó, Kinh Thánh đã phải – căn cứ vào các hoạt động đa dạng của Thánh Thần – dùng đến nhiều cách biểu đạt khác nhau với việc đúc kết lại một bộ phân hạng các biểu tượng để phác tả khuôn mặt của Đấng vô hình. Các biểu tượng thường thấy mang tính cách đa nghĩa và khả dĩ dung nhận các cách hiểu khác biệt nhau. Chúng chỉ gợi ý, chứ không biểu trình minh bạch; chúng biểu thị một ý nghĩa nào đó, nhưng không loại trừ một ý nghĩa khác.[17]
    Trong Kinh Thánh và truyền thống của Giáo hội, Chúa Thánh Thần được biểu tượng hóa thành nhiều dạng cách khác nhau; phần viết dưới đây sẽ khảo sát một số biểu tượng được coi là thích hợp nhất.[18]


    Nước

    Trong thông điệp về Chúa Thánh Thần, tựa đề Domi¬num et vivificantem (Chúa và là Đấng Ban Sự Sống, 1986), Đức Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta cùng với sự sống mới, như lời Đức Giêsu tiên báo và hứa trong ngày cuối long trọng của lễ Lều năm ấy: ‘Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh đã nói: từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống’ (Ga 7:37tt.). Và Phúc Âm gia giải thích điều này như sau: ‘Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận’ (7:39). Dòng nước đó (biểu thị ý nghĩa về cả mạc khải tối hậu lẫn về Thần Khí) đã tuôn trào từ trái tim của Người, trái tim bị lưỡi đòng đâm thủng trên đồi Canvê (x. 19:34). Đó chính là thứ nước mà Đức Giêsu đã từng nhắc đến trong cuộc trò chuyện với người phụ nữ Samari, khi Ngài nói về ‘một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời’ (4:14), hoặc trườc đó trong cuộc trao đổi với Nicôđê¬mô về việc nhất thiết phải được tái sinh ‘bởi nước và Thần Khí’ để được ‘vào nước Thiên Chúa’ (3:5).” Trong Kinh Thánh, nước tượng trưng cho sự sống;[19] do đó, Thánh Thần được biểu tượng hóa thành dòng nước ban sự sống mới. Như lời Đức Giêsu đã nói với Nicôđêmô, sự sống ấy tiên vàn được ban cho qua phép rửa. Khi làm phép nước rửa tội, phụng vụ dâng lên lời cầu như sau: “Chúng con cầu xin Ngài, lạy Cha, nhờ Con của Ngài, xin hãy gửi Thánh Thần để Người ngự xuống trên giếng nước rửa tội này.”[20] Vì Thánh Thần là Đấng sinh ra người kitô, tất Người sẽ đồng hành cùng họ trên suốt con đường tăng triển thiêng liêng; Người sẽ ‘bón nước’ không ngừng để từng cây một có thể dồi dào sức sống mà trổ hoa kết trái, như Êdêkien đã tiên kiến (x. Ed 47). Chính Thần Khí ban sự sống ấy gắn kết mọi chi thể lại với nhau trong Nhiệm Thể Đức Ki¬tô, dù các chi thể ấy có khác biệt nhau về chủng tộc, văn hóa, địa vị xã hội, tình trạng thiên bẩm, v.v.: “thật vậy, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12:13). Nhờ nguồn nước tuôn trào, sa mạc cằn cỗi bỗng hóa thành đất phì nhiêu (x. Is 41:18) thể nào, thì nhờ Thần Khí ban sự sống, linh hồn dẫy đầy tội nhơ của con người cũng trở nên chốn lạc viên thiên đường thể ấy; do đó, mới thấy sứ ngôn chép rằng: “Ta sắp đổ mưa xuống những vùng hạn hán và cho suối chảy trên mảnh đất khô cằn; trên dòng dõi ngươi, Ta sẽ đổ thần khí; trên con cháu ngươi, Ta ban muôn phước lành” (44:3). Và dấu chỉ của năng động lực thiêng liêng đó được ví von như sau: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến, vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42:2-3). Trong những giai đoạn mà nhiệt tâm thiêng liêng, hoặc sáng kiến tông đồ của Giáo hội dường như đang trở nên cạn kiệt, thì “dòng nước” ấy lại thấy làm trổ sinh những con người thánh thiện, hay các phong trào canh tân; và lịch sử đã chứng thực điều đó: chẳng hạn, các phong trào canh tân thánh kinh hay phụng vụ, các phong trào đại kết, đối thoại liên tôn, v.v. Chúng ta đang sống trong “thời đại của Thần Khí,” và, bởi đó, đang tắm mình “trong con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên...” (Kh 22:1). Thần Khí trở thành nguồn tín thác cho mọi kitô hữu trong hiện tại, và là niềm trông cậy hướng về một ngày mai huy hoàng.


    Xức dầu

    Tựa như nước và Thần Khí cấu thành bí tích rửa tội thế nào, thì việc xức dầu và Thần Khí cũng cấu thành bí tích Thêm sức như vậy. Mẫu điển hình của việc xức dầu này là chính Đức Giêsu, Đấng đã trở thành “Mêsia”, “Kitô” – tức là, Đấng được xức dầu – nhờ Thánh Thần (x. Lc 4: 18). Sự xức dầu của Đức Kitô, giờ đây, được chia sẻ với hết thảy mọi thành viên trong Nhiệm Thể của Ngài.[21] Hành động xức dầu mang một số ý nghĩa: trước tiên, đây là hành động thánh hiến cho sứ vụ Thiên Chúa trao phó; có thể đọc thấy ý nghĩa này trong Cựu Ước, chẳng hạn trong trường hợp của Đavít, hoặc của các ngôn sứ; đó là xức dầu để trao sứ vụ ngôn sứ, như Is 61:1-2 đã ghi: “Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn ...”; chính đó là ý nghĩa của việc “rao truyền tin mừng.” Tiếp đến, việc xức dầu còn được coi như là bước chuẩn bị để sẵn sàng bước vào trận đấu, hệt như các tay đấu bôi dầu lên người trước khi lên vũ đài; ý nghĩa này được ám chỉ đến trong Cv 1 “anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em; bấy giờ, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy...” (x. 10:38; Tv 92:11). Sau nữa, việc xức dầu còn mang ý nghĩa chữa lành, tựa như lúc thân thể Đức Kitô làm như phát ra một năng lực chữa lành (x. Lc 6:19; 8:46). Có thể đọc thấy trong thư thứ nhất của thánh Gio¬an, sự việc các tín hữu lãnh nhận được dầu, do tự Đấng Thánh,[22] và thứ dầu đó vẫn lưu tồn mãi trong họ; kết quả là, họ có được ơn hiểu biết, bởi vì “dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự, mà dầu ấy dạy sự thật, chứ không phải sự dối trá” (2:20.27). Đức Gioan Phaolô II đã giải thích điều đó như sau: “Như thế, Thần Khí chính là nguồn ban ơn thâm hiểu và minh luận, là sức năng thiết yếu giúp làm chứng cho chân lý thần thiêng. Thần Khí cũng chính là nguồn xuất phát của cảm thức đức tin (sensus fi-dei), một thứ bản năng siêu nhiên mà công đồng Vatican II đã coi như là di sản của Dân Thiên Chúa” (LG 12).[23] Trong suốt đời mình, người kitô được xức dầu nhiều lần: trong phép Rửa tội, trong phép Thêm sức, trong phép Truyền chức thánh đối với các linh mục, trong phép Xức dầu bệnh nhân; điều này nêu bật sự việc Thần Khí, Đấng Bảo Trợ, luôn đồng hành với người kitô từ thuở họ còn nằm nôi cho đến lúc họ nghỉ yên trong mộ phần vĩnh viễn. Tiến trình đồng hành thiêng liêng đó giúp đem lại niềm hoan hỷ trải dài suốt cuộc đời dương thế của người kitô; đó là ý nghĩa của “dầu thơm hoan lạc” mà Tv 45:8 muốn ám chỉ.


    Lửa

    Sở dĩ dùng biểu tượng này để chỉ về Thần Khí là vì, dịp Lễ Ngũ Tuần, Người đã “xuất hiện giống như lưỡi lửa tản ra rồi đậu xuống từng người một; và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần...” (Cv 2:3-4). Trong Kinh Thánh, lửa tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa (Xh 3:1tt), sức mạnh của Thiên Chúa (1V 18:38-39), sức năng che chở và hướng dẫn của Thiên Chúa (Xh 13:21), cũng như việc phán xét của Thiên Chúa (x. Dt 12:29; Lc 3:16-17). Các giáo phụ đã coi biểu tượng này như là một hình ảnh tượng trưng cho Chúa Thánh Thần.[24] Lửa là một dấu hiệu từng thấy đi kèm với cuộc thần hiển trên núi Sinai (x. Xh 19:8) và trong cuộc mở màn giao ước với Môsê; bởi đó, qua biến cố Hiện Xuống, Giao Ước mới và Dân mới của Thiên Chúa được giới thiệu ra mắt thế gian. Với một tầm nhìn khác, Gioan Tẩy giả đã công bố rằng Đấng Mêsia sẽ làm phép rửa cho dân “trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3:11). Lửa tượng trưng cho năng lực thanh tẩy mọi thứ ô uế và gian tà; chính Gioan Tẩy giả đã xuất hiện “đầy thần khí và uy quyền của Êlia” (Lc 1:17) – là vị ngôn sứ đã “xuất hiện chẳng khác nào ngọn lửa” với “lời nói ra tựa đuốc cháy bừng bừng” (x. Hc 48:1) – vốn được coi là vị ngôn sứ lửa. Thánh Gioan Tẩy giả “là ngọn đèn cháy sáng” (x. Ga 5:35) nhưng đã sớm bị dập tắt; còn Đức Giêsu là ánh sáng thật và đã đến để “ném lửa vào mặt đất” (x. Lc 12:49); sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã dùng văn đoạn vừa trưng để ám chỉ về Chúa Thánh Thần (x. số 696).[25] Với ý nghĩa đó, Thần Khí là năng lực thần thiêng làm biến đổi tận căn bộ mặt của Giáo hội và của mỗi người kitô, ban cho ơn tha thứ và giúp canh tân, thanh tẩy mọi điều uế nhơ do tội đã gây ra trong quá khứ. Lửa ấy sẽ đặc biệt phát huy công năng của nó qua lời nói (lưỡi lửa); do vậy, đặc sủng ngôn sứ là một ân huệ do chính Thánh Thần ban cho.
    Lửa cũng là biểu tượng của tình yêu. Thánh Gioan Thánh Giá đã viết một bài thơ nổi tiếng, tựa đề Ngọn lửa Tình bỏng rực, với ý nghĩa như sau: là Tình Yêu giữa Cha với Con trong lòng Ba Ngôi, Thần Khí đã được sai đến để làm dây tình kết hiệp trong Giáo hội, giữa từng linh hồn với Thiên Chúa. Vì lửa nhen lên sức ấm nồng, nên tình yêu nồng nàn phát xuất nơi Thần Khí cũng biểu thị các thái độ quy về Thiên Chúa và hướng đến tha nhân.[26] “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, nhóm trong con ngọn lửa tình Ngài.”
    Hildegard thành Bingen đã viết một bài thánh ca, với trích đoạn như sau: “O ignis Spiritus Paracliti, vita vite omnis creature, sanctus es vivificando formas.”
    Tạm dịch là: “Ánh lửa Thần Khí Phù Trì, là nguồn sự sống mọi loài thọ sinh; khen Ngài Đấng thánh uy linh, Đấng Ban Sự Sống sinh linh muôn loài.”


    Áng mây và ánh sáng

    Áng mây và ánh sáng là hai biểu tượng đi đôi với nhau, tượng trưng cho Thánh Thần; các biểu tượng này tỏ lộ việc Thiên Chúa hiện diện, cả trong đêm u huyền lẫn trong ngày sáng chói, để hướng dẫn dân Ítraen trong bước lưu ly băng dòng sa mạc; các biểu tượng ấy cũng xuất hiện trên Đức Maria trong biến cố truyền tin, trên núi Tabo với lời Cha phán xuống, hay trong cuộc Thăng Thiên của Đức Kitô sau ngày sống lại. Biểu tượng đó cũng giúp nhận biết rằng Thần Khí vừa là Đấng hiện diện chở che, là ánh sáng, là giọng nói ủi an, thêm sức, vừa là tiếng sấm gầm vang, ánh chớp chói lòa, hay ngọn lửa hừng hừng thiêu đốt... Tựa như áng mây được coi là ân huệ cao vời ban xuống cho dân Ítraen (x. Xh 12:17-22; 14:19-20), thì cũng thế, Thánh Thần chính là một ân huệ được trao đến những người con biết đặt lòng cậy trông nơi Thiên Chúa; xưa kia, áng mây đã hiện diện cùng dân Ítraen trong hoang địa thể nào, thì nay – như lời Đức Giêsu đã hứa – Cha cũng sẽ gửi Thần Khí xuống, để Người mãi mãi “cư ngụ” trong lòng các kẻ tin như vậy (x. Ga 14: 16).
    Áng mây đóng giữ một vai trò đặc biệt trong các cuộc thần hiển (biến cố Thiên Chúa tỏ lộ uy nhan) Cựu Ước trình thuật:[27] trên núi Sinai, lúc Môsê tiếp nhận Lề Luật (x. Xh 19-20), trong lều hội ngộ (x. 33:9-10), tại buổi cung hiến Đền Thờ Đức Chúa trong cung điện vua Salomon (x. 1V 8:10-12); người Do thái gọi áng mây là Shekinah (tức, thần cư); kinh nghiệm về shekinah có thể coi là một kinh nghiệm đáng khiếp sợ đối với con người, song lại đem đến ơn cứu độ, như đọc thấy trong Tv 18:8-20. Áng mây vừa vén lộ (ánh sáng) mà cũng vừa che giấu (bóng tối), biểu thị sự hiện diện của Thiên Chúa; và bởi việc Thiên Chúa hiện diện mang tính chất huyền nhiệm, nên chỉ có thể dùng đến các biểu tượng thì mới đủ sức trình tả mà thôi. Trong cuộc đời của Đức Ki¬tô, bóng phủ của áng mây xuất hiện trong biến cố Nhập thể (x. Lc 1:35), lúc Ngài mạc khải vinh quang trong cuộc biến hình (9:34-35), khi Ngài lên trời với Cha và lúc Ngài sẽ trở lại trong vinh quang (21:27). Quả thực, Giáo hội đã nhìn thấy nơi áng mây che phủ trong sa mạc ngày ấy, hành động cứu độ của Đức Kitô: “Ta đã dẫn đường cho các ngươi qua cột mây vây phủ, song các ngươi lại dẫn ta đến tòa Phlatô”: trong bài ta thán ca (Impro¬peria) của Thứ sáu Tuần Thánh, phụng vụ hát lên như thế. Tất cả những kinh nghiệm trong quá khứ ấy đều có quan liên với chúng ta bây giờ; chúng đã trở thành các hình ảnh “tiên trưng” cho sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa nơi Dân mới của Người. Trong cuốn sách nổi tiếng của ngài về Chúa Thánh Thần, thánh Baxiliô đã bình luận về văn đoạn 1Cr 10:2 như sau: “Dân ấy [Ítraen] đã từ biển mà đi lên cách bình an vô sự; cũng vậy, chúng ta nhờ nước mà được tái sinh như từ giữa kẻ chết, được cứu sống nhờ ân sủng của Đấng đã kêu mời chúng ta. Và áng mây là hình bóng về ân huệ của Thần Khí, Đấng làm nguôi bớt ngọn lửa dục tình của chúng ta qua việc hãm mình của các chi thể chúng ta.”[28]


    Dấu ấn

    Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết rằng: “dấu ấn là biểu tượng gắn liền với biểu tượng xức dầu. Quả vậy, chính ‘Thiên Chúa đã đóng ấn xác nhận’ trên Đức Kitô và trên cả chúng ta nữa, nhờ Con của Người (x. Ga 6:27). Bởi vì ấn tín đó tỏ cho thấy một hiệu quả không bao giờ phai nhạt của phép xức dầu ban Thánh Thần trong các bí tích Rửa tội, Thêm sức, và Truyền chức Thánh, nên biểu tượng dấu ấn (sphragis) đã được một số truyền thống thần học dùng đến để biểu đạt về ‘ấn tích’ không thể xóa nhòa, vốn đã được in hằn do bởi ba bí tích không thể ban lại đó” (số 689). Bình luận về sách Diễm Ca, Thêôđôrétô thành Cyrhus (Syria, tk. 5) đã viết như sau: “Những ai đã được tẩy rửa... sẽ lãnh được, như là một ấn tín vương giả, phép xức dầu thần linh; và dưới dấu chỉ [hữu hình] của dầu này, họ nhận được ân sủng vô hình của Chúa Thánh Thần.” Dấu ấn biểu thị việc một người kitô thuộc về Đức Kitô; bên cạnh đó, nó cũng nêu bật cho thấy tính chất chắc chắn của các lời hứa: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2Cr 1:21-22). Một ý nghĩa tương tự cũng thấy lặp lại trong Ep 1:13-14: “Một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.” Bởi đó, Thần Khí chính là Đấng mang lại, cũng như đảm bảo, căn tính của người kitô. Thánh Thần đã được gửi đến cộng đoàn các tông đồ – và do đó, đến Giáo hội thuộc mọi thời kỳ – như là một ấn tín của Giao Ước mới mà các ngôn sứ đã loan báo (x. Gr 31:31-34; Ed 36:24-27). Chúa Thánh Thần là nền tảng hiện hữu cho niềm cậy trông của người kitô.


    Bàn tay

    Thánh Irênêô đã từng đề cập đến hai bàn tay của Thiên Chúa, tức là Con và Thánh Thần. Thần Khí là “Thiên-Chúa-tiếp-xúc” với con người.[29] Biểu tượng này ám chỉ hữu hiệu tính và trực tiếp tính của việc Thiên Chúa hoạt động trong con người thông qua Thánh Thần. Cử chỉ tiếp xúc đã từng là cách thế đặc thù trong việc chữa lành và chúc lành của Đức Giêsu; đó cũng là một cử chỉ biểu hiện tình yêu. Các thánh Tông đồ đã coi việc đặt tay như một dấu hiệu nói lên việc truyền ban Thánh Thần, và ngày nay, trong phụng vụ, phần kinh cầu Thánh Linh (epiclesis) trong các nghi thức phụng vụ bí tích luôn thấy đi đôi với việc đặt tay tượng trưng đó.
    Sách Giáo lý diễn tả điều đó như sau: “Đức Giêsu chữa lành bệnh nhân và chúc lành các trẻ nhỏ qua cử chỉ đặt tay trên họ. Nhân danh Người, các tông đồ cũng làm như vậy. Hơn nữa, nhờ việc đặt tay của các tông đồ, Thánh Thần được thông ban. Thư Do thái coi nghi thức đặt tay như là một yếu tố trong ‘các thành phần căn bản’ của công tác giáo huấn. Giáo hội đã lưu tồn cử chỉ biểu thị việc ban tràn đầy năng quyền của Thánh Thần này trong các kinh nguyện Thánh Thần lúc cử hành phụng vụ các bí tích” (số 699).



    Ngón tay

    Biểu tượng này luôn thấy đi đôi với biểu tượng bàn tay. Hát bài phụng ca Veni Creator Spiritus, Giáo hội gọi Thần Khí là “ngón tay phải của Chúa Cha.” Hình ảnh mang tính cách ẩn dụ đó diễn tả các cách thức bàn tay Toàn Năng của Thiên Chúa tiếp xúc với thế giới: trong cuộc Tạo dựng, như Tv 8:4 đã trình tả về việc “ngón tay Thiên Chúa...” làm ra các tầng trời; trong cuộc mạc khải cho Môsê với sự kiện lề luật Thiên Chúa được viết trên bia đá “do ngón tay Thiên Chúa” (x. Đnl 9:10); trong công trình cứu chuộc, với việc Đức Giêsu trừ quỷ “bằng ngón tay Thiên Chúa” (Lc 11: 20); và đặc biệt, trong ơn thánh hóa, với việc thánh Phaolô ví người kitô như là “bức thư của Đức Kitô,... không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống; không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người” (2Cr 3:3). Bởi đó, thánh Isiđôrô thành Sêvilla đã viết như sau: “Lề Luật Thần Khí Thiên Chúa viết đã được ban ra năm mươi ngày sau cuộc sát tế con chiên; và năm mươi ngày sau cuộc tử nạn của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Thánh Thần đã được ban xuống. Người được gọi là ngón tay của Thiên Chúa nhằm biểu thị năng quyền hoạt động mà Người có cùng với Cha và Con.”[30] Trước đó, thánh Âugutinô – qua việc bình luận văn đoạn Dt 10:16-17 – đã cho thấy một cảm thức sâu xa hơn trong quan niệm ngài có về biểu tượng ấy: “Lề luật mà Thiên Chúa đã khắc vào lòng trí con người là gì nếu không phải là sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng là ngón tay của Thiên Chúa, và là Đấng, qua thực trạng hiện diện đó, đổ đầy vào tâm hồn chúng ta thứ tình yêu biểu thị cho tính chất trọn vẹn của lề luật, cũng như cho mục đích nhắm tới của các huấn chỉ...? Lúc Thiên Chúa phán rằng ‘Ta sẽ đặt các lề luật của Ta’ v.v., Người muốn bảo con người đừng tỏ thái độ sợ sệt đối với bất cứ một luật lệ nào của thế gian, vốn dĩ là do bên ngoài áp đặt vào, nhưng hãy tỏ lòng mến yêu tính chất công chính từ bên trong của lề luật vốn đang cư ngụ trong tâm hồn họ.”


    Chim bồ câu

    Đây là biểu tượng phổ biến dành để chỉ về Thần Khí. Lúc Đức Giêsu lãnh nhận phép rửa trong sông Gio¬đan, Thánh Thần đã ngự xuống trên Ngài qua hình chim bồ câu (x. Mc 3:16), và từ đó trở về sau, khoa ảnh tượng kitô đã dùng biểu tượng chim câu để tượng trưng cho Thần Khí; biểu tượng này đóng giữ một vai trò quan trọng trong nghi thức rửa tội. Tại sao Thần Khí lại xuất hiện trong hình chim câu? – Vì không ai biết được lý do, nên chỉ có thể dò dẫm mà tra tìm vết dấu nơi các nguồn liệu Kinh Thánh, hoặc nơi các áng thơ hư cấu, mà thôi. Trong Kinh Thánh, có thể thấy chim câu được Nôê thả ra khỏi tàu và đã mang về một nhành ôliu (x. St 8:8-12); sau đó, mỗi khi Kinh Thánh nhắc đến chim câu thì đều là trong bối cảnh hy lễ hiến tế. Óc tưởng tượng đã nhìn thấy nơi hình ảnh chim câu nét dịu dàng, song lại không kém phần mạnh mẽ, của các tác vụ Thánh Thần. Chim câu là một con vật hiền lành, không hề biết nổi xung thiên với bất kỳ ai; trong truyền thống, người ta tưởng nó không có mặt. Và do đó, ngày nay, nó được dùng làm biểu tượng cho tính thuần khiết và tinh thần hòa bình. Nhìn về biến cố phép rửa nơi sông Giođan, thánh Gioan đã kết nối biểu tượng chim Bồ Câu với hình ảnh Con Chiên (x. Ga 1:29-34); với một số đặc điểm chung nhau, cả hai biểu tượng đó cùng chỉ về: tính hiền lành, tính thuần khiết và hiến lễ hy sinh. Vai trò của chim câu – tức là, sứ vụ của Thần Khí hướng đến con người – cũng cốt ở việc làm cho nhận ra Con Chiên, giúp khám phá ra hình ảnh Đức Kitô. Thần Khí là Thiên Chúa vô hình tuyệt đỉnh; Đức Kitô là Thiên Chúa-trở-nên-hữu-hình. Thần Khí, Đấng bay là là trên mặt đất, sưởi ấm cõi đất bằng sức dịu dàng lan tỏa; trong khi đó, Ngôi Lời soi sáng, minh định, cùng biểu lộ cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa trong một dạng thức cụ thể, hữu hình. Chẳng hạn, có thể thấy rằng, Thần Khí cầu nguyện trong chúng ta “bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8:26), và Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện bằng “kinh Lạy Cha.” Tương tự, trong phép rửa, qua hành vi tẩy rửa hữu hình, Thần Khí ban ơn công chính hóa cách vô hình; về điều này, Téctulianô đã viết như sau: “Thánh Thần lấy hình chim câu mà ngự trên người lãnh nhận phép tẩy rửa các tội xưa kia và mang đến bình an tự trời cao của Thiên Chúa;


    Thuật ngữ “ngôi vị”

    Thuật ngữ “ngôi vị” phát xuất từ từ persona trong tiếng La tinh; thoạt đầu có nghĩa là chiếc mặt nạ, là “nhân vật,” hoặc vai diễn trong các vở kịch. Trường phái khắc kỷ về sau đã dùng từ này để chỉ về các cá nhân con người với vai trò mà họ đóng giữ giữa lòng xã hội. Tiếp đó, các luật gia của Rôma đã coi ngôi vị như là “chủ thể các quyền,” đối lập với “các thứ đồ vật” (hoặc là phường nô lệ). Còn Kito gáo thì quy gán thuật ngữ “persona” cho tất cả mọi hữu thể loài người; Bôêthiô (†325) đã định nghĩa ngôi vị là: “cá thể của bản tính có lý trí”;[31] cách định nghĩa này đã được thánh Tôma Aquinô dùng đến. Trong triết học hiện đại, quan niệm về ngôi vị có nhiều biến thể khác nhau; chẳng hạn, đối với Immanuel Kant (1724-1840), một ngôi vị là một cá thể mang trong mình lề luật luân lý, tự do, cùng với phẩm giá và tính cách vô giá (những đồ vật có giá trị), và được coi như là cứu cánh, chứ không phải như là phương tiện. Hồi thế kỷ 19, vì nhấn mạnh quá mức vào khía cạnh tâm lý học của “ngôi vị,” người ta đã lẫn lộn nó với khái niệm “nhân cách”. Trong thế kỷ 20, các trường phái “nhân vị” đã khai triển thêm nhiều quan điểm khác nhau với chủ trương luôn coi con người như là một thực thể thuộc phạm vi hữu thể luận, mang trong mình các giá trị, mở ra với tha nhân và thế giới. Chống lại chủ trương hòa trộn cá nhân vào trong Nhà Nước (Hegel), S. Kierkegaard đã tỏ rõ lập trường của mình qua việc lên tiếng bảo vệ phẩm giá của mỗi một con người. Hiện tượng luận và thuyết hiện sinh (M. Scheler, M. Buber, G. Marcel, v.v.) đã làm sáng tỏ chiều kích bất khả đối tượng hoá (non-objectivable) và bản chất đối thoại (dialogical by nature) của con người.
    Ý niệm về ngôi vị – hiểu theo ý nghĩa chiều sâu – phát xuất từ Do thái giáo và Kito gáo, bởi từ các tôn giáo này đã nhận ra được cuộc Thiên Chúa đối thoại với con người. Trong bất cứ một quan niệm nghiêm túc nào, “ngôi vị” cũng luôn được nhìn nhận như là chủ thể “Tôi” của một con người, với khả năng tự quyết định về thái độ phải có đối với chính mình và với tha nhân. Về phương diện hữu thể học, ngôi vị được xem như là căn nguyên của hết thảy mọi hành vi nhân tính, là thực tại sâu kín nhất trong mỗi con người, mang trách nhiệm đối với các quyết định có tính cách tự do, và đáng được tôn trọng tột bực. Ngôi vị và bản tính thì hoàn toàn khác biệt nhau; ngôi vị trả lời cho câu hỏi: tôi là ai?, trong lúc đó, bản tính trả lời cho câu hỏi: tôi là gì? Đối với Kitô giáo, phẩm giá của ngôi vị phát xuất từ sự việc Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Người (x. St 1:27); và do đó, như công đồng Vatican II đã khẳng định, con người là thụ tạo duy nhất Thiên Chúa đã muốn dựng nên vì chính nó (x. GS 24).


    Ngôi Vị nơi Thiên Chúa

    Thiên Chúa là một “ngôi vị”? Trong Kinh Thánh, thuật ngữ “ngôi vị” không hề thấy xuất hiện. Trong Kitô giáo, Téctulianô đã chọn thuật ngữ persona để nói về Tam Vị trong Thiên Chúa,[32] và truyền thống Latinh cũng đã theo đó mà dùng cho đến ngày nay. Nhìn chung, các giáo phụ Hy lạp đã tránh dùng đến thuật ngữ prosopon (mặt nạ) do bởi sự việc phái Sabellius trước đó đã hiểu nó theo một ý nghĩa sai lạc; các ngài nghiêng nhiều hơn về phía dùng từ hypostasis, một thuật ngữ đã được phiên dịch sang tiếng Latinh với ý nghĩa như là “bản vị” hoặc “bản thể tự hữu”. Do đó, hành động Ngôi Hai mặc lấy nhân tính được gọi là mầu nhiệm “ngôi hiệp”. Công đồng Côngxtăngtinốp thứ nhất đã chuẩn nhận việc coi như là đồng nghĩa với nhau ba thuật ngữ: hypostasis, prosopon và persona.[33]
    Rất sớm, thần học đã thấy là không thể dùng ý niệm ngôi vị để trực tiếp chỉ về Thiên Chúa, bởi kỳ thực, thuật ngữ “ngôi vị” là để chỉ từng ngôi một trong Ba Ngôi; dù vậy, trong kinh nguyện, “Thiên Chúa” được xưng tụng như là đại từ chỉ ngôi thứ hai (tức như từ “Ngài”) cũng như được quy gán cho hết mọi phẩm tính – vốn dĩ là các thuộc tính của từng ngôi vị riêng biệt. Điều này có thể được ví như việc ngắm trông một vì tinh tú vậy: nếu nhìn bằng mắt thường, con người chỉ có thể thấy đó như một ngôi sao duy nhất, với một nguồn sáng đơn nhất; nhưng nếu dùng đến một chiếc kính viễn vọng có phân độ cao, con người sẽ nhận ra là có rất nhiều định tinh nhỏ hơn, giống như một chùm sao tụ lại, hoặc như một dải ngân hà, vậy. Niềm tin tôn giáo cũng tương tự như thế: ánh sáng tự nhiên (lý trí), hoặc kinh nghiệm tôn giáo thông thường, dẫn đưa con người đến niềm tin vào Thiên Chúa, một Thiên Chúa duy nhất, với các nét đặc trưng riêng biệt; còn lúc đã nhận được mạc khải kitô, con người sẽ được ánh sáng quyền năng soi tỏ, giúp nhận rõ Ba Ngôi Vị trong Một Thiên Chúa.
    Vấn đề nan giải đặt ra cho thần học là: lẽ tất, Thiên Chúa là một thực thể cá biệt, hoặc là bản thể tự hữu có lý trí (ít ra là có thể dùng phép loại suy mà nói được như vậy), song dù gì, Người cũng không phải là một ngôi vị; bởi đó, thần học nhất thiết phải tìm cho được một định nghĩa tỏ ra là xác đáng hơn. Richard thánh Victor (†1155) đã đề xuất một cách định nghĩa như sau về ngôi vị: ngôi vị là “hữu thể bất khả thông truyền của bản tính có trí khôn;”[34] định nghĩa này nhất thiết phải được làm cho sáng rõ thêm thì mới dùng được. Thánh Tôma Aquinô giải thích thêm rằng “ngôi vị có nghĩa là điều hoàn hảo tuyệt đỉnh trong toàn bộ bản tính,”[35] và qua đó, ngài đã “gạn đục khơi trong” ý niệm ngôi vị, đẩy ý nghĩa của nó lên đến tột bực để có thể áp dụng được cho Thiên Chúa.
    Ý niệm ngôi vị – để khả dĩ biểu trình xác đáng về thực trạng của từng ngôi trong Tam Vị Thiên Chúa – nhất thiết vẫn phải được tiếp tục tinh chỉnh thêm hơn; trước tiên, phải ra sức duy trì ý thức phân biệt giữa bản tính/bản thể với ngôi vị thì mới có thể khẳng quyết được về tình trạng ba ngôi vị trong một bản tính nơi Thiên Chúa, cũng như về tình trạng một ngôi vị trong hai bản tính nơi Đức Giêsu; vả, cũng cần phải bổ sung thêm ý niệm tương quan như là một cấu tố của ngôi vị: Cha liên hệ với Con trong tình trạng sinh ra, và tình trạng đó cấu thành ngôi vị Cha; Con liên hệ với Cha trong tình trạng thụ sinh, và tình trạng đó cấu thành ngôi vị Con; Thánh Thần liên hệ với Cha và Con trong tình trạng thụ xuy, và tình trạng này cấu thành ngôi vị Thánh Thần. Thành ra Thánh Tôma định nghĩa các Ngôi Vị trong Thiên Chúa như “tương quan tự hữu”. Quan niệm hiện đại về Ngôi Vị – coi ngôi vị như là trung tâm của ý thức – tỏ ra không thích hợp để áp dụng cho Thiên Chúa, bởi vì nơi Người, ý thức chỉ có một mà thôi, tức ý thức của các Ngôi Vị về mình chính là ý thức-cộng đoàn, ý thức về sự việc cả ba Ngôi Vị chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Tương tự như thế, nếu quan niệm ngôi vị như là chủ thể của hành vi tự quyết, biểu thị một ý chí tự lập, thì cũng không áp dụng được cho Thiên Chúa, vì nơi Thiên Chúa, cả lý trí lẫn ý chí đều chỉ là một và thuộc sở hữu chung của cả Ba Ngôi.


    Chúa Thánh Thần là một Ngôi Vị

    Hễ nhắc đến một ngôi vị, nghĩa là muốn ám chỉ đến một ai đó, chứ không phải đến một cái gì đó. Trong Kinh Thánh, các từ ngữ dành để chỉ “khí” (spirit) lại thấy mang nhiều ý nghĩa khác nhau, chẳng hạn như: gió, hơi thở, trí lực, năng lực và... Thánh Thần. Do đó, nếu dựa vào tính chất đa ngữ nghĩa ấy, thì không thể nào minh nhiên quả quyết được rằng “thần khí” là một ngôi vị; vậy, mỗi một văn đoạn Kinh Thánh – liên quan đến “thần khí” – cần phải được hiểu trong ngữ cảnh của nó.
    Ngôi vị tính của Thánh Thần đã được tiệm tiến mạc khải trong Kinh Thánh. Với Cựu Ước, thuật ngữ ruah Yahweh – tức là Thần Khí Thiên Chúa – mang nhiều ý nghĩa; thường được dùng để ám chỉ về một năng lực thần thiêng, hoặc hành động can thiệp có tính cách quan phòng của Thiên Chúa; dù vậy, cũng có thể đọc thấy nơi một số văn đoạn khác – chẳng hạn như trong Tv 51, hoặc như trong văn đoạn ghi rõ lời khuyến cáo của Isaia về việc tránh làm phiền lòng Thánh Thần (x.Is 63:10) – ý niệm về một thực thể độc lập, hoặc một cá vị mang trong mình khả năng tự quyết.

    Qua Tân Ước, ngôi vị tính của Thần Khí cũng đã lộ hiện rõ ràng đôi chút, dù không phải là hoàn toàn; vì thế các lạc giáo không nhận ra được đó. Mt 1:18 trình tả Thánh Thần như là “nguyên nhân” của cuộc nhập thể; và việc nói hoặc có thái độ phạm thượng đến Thánh Thần thường nghe nói đến, cho thấy rõ ngôi vị tính của Người cũng như của Con Người: “Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12:32). Dần dần về sau, công thức rửa tội đã đặt Cha, Con và Thánh Thần trong tư thế hoàn toàn ngang bằng nhau (x. Mt 28:19). Tin mừng Luca cho thấy sự việc Thần Khí ngự trên Đức Trinh Nữ Maria và làm cho ngài trở thành đấng hiền mẫu (x. Lc 1:35). Thần Khí cũng hướng dẫn Đức Giêsu trong bước đường thi hành sứ vụ (x. Lc 4:1). Các kẻ thù có thể “chống lại Thánh Thần” (Cv 7:51); trái lại, Người hằng ngự xuống trên những ai biết lắng nghe lời dạy của Tin mừng (x. Cv 10:44). Thánh Thần “phán bảo” và “phái gửi” các Tông đồ ra đi (x. 13:2.4), cũng như không cho phép họ đi vào một số vùng miền nào đó (x. 16:6). Điều đáng nêu bật là sự việc các tông đồ – qua cách phát biểu: “Thánh Thần và chúng tôi...” (x. 15:28) – đã làm như thể các ngài và Thánh Thần là những cộng sự viên có quan hệ bình đẳng với nhau. Qua đó, có thể nhận thấy rõ là thánh Luca đã minh bạch nói về, chỉ về một ai đó.
    Còn thánh Phaolô thì đã nêu rõ cho thấy là hoạt động của Thần Khí cũng giống như hoạt động mà Cha và Con thực hiện (x. 1Cr 12:3-13); các kitô hữu “được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta” (6:11). Bởi đó, thánh nhân khuyến cáo: “chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa” (Ep 4:30). Các công thức Tam Vị cũng nêu bật thái độ quả quyết về tính chất ngang bằng nhau của ba Danh Hiệu và, do đó, của ngôi vị tính nơi cả ba (x. 2Cr 13:13). Thần Khí ban phát các ân huệ (x. 1Cr 12:11), thấu suốt mọi sự (x. 1Cr 2: 10-11); Người dạy dỗ (x. 1Cr 2:13), Người phiền lòng (x. Ep 4:30), Người yêu thương (x. Rm 15:30); Thần Khí được người ta nghe lời (x. Cv 10:19-21), bị lừa dối (x. Cv 5:3, so với câu 4), bị chống đối (x. Cv 7:51), bị nhục mạ (x. Dt 10:29) và bị xúc phạm (x. Mt 12:31): hết thảy các nét trưng kia chỉ thực sự có ý nghĩa khi hiểu là chúng muốn nói Thần Khí là một ai đó.

    Thánh Gioan đã biểu trình hết sức rõ về ngôi vị tính của Thần Khí qua việc dùng đại từ ekeinos (anh ta, ông ấy) – một từ giống đực – để liền sau thuật ngữ pneuma (thần khí), vốn dĩ là một từ trung tính (x. Ga 14:26; 15:26; 16:7.8.13. 14; xin cũng xem Ep 1:13-14); cách dùng từ như thế nêu bật cho thấy đối tượng mà ngài đang đề cập đến là một ngôi vị, chứ không phải là một sự vật. Đấng Bảo Trợ là một Ki¬tô khác, là Đấng mang trong mình hết thảy mọi tác vụ giống như của Đức Kitô. Về điều này, Đức Gioan Phao¬lô II đã trình bày cô đọng, như sau: “Thánh Thần mà Đức Giêsu giới thiệu – đặc biệt là qua lời tâm sự trong bữa tiệc ly – rõ ràng là một ngôi vị khác với Ngài. ‘Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi’ (Ga 14:16); để diễn đạt chữ “khác,” thánh Gioan đã dùng từ állos, chứ không phải là éteros, tức ngài muốn ám chỉ đến ngôi vị tính. ‘Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em’ (14:26). Nói về Thánh Thần, Đức Giêsu thường dùng đại từ ‘Người’: ‘Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi’ (16:8); ‘khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn’ (16:13); ‘Người sẽ tôn vinh Thầy’ (16:14). Các văn đoạn vừa trưng dẫn cho thấy Chúa Thánh Thần trong tư thế là một Ngôi Vị, chứ không còn coi Người như một quyền năng phi ngôi vị phát xuất từ nơi Đức Kitô nữa (xem chẳng hạn Lc 6 ‘một năng lực tự nơi Người phát ra’). Là một Ngôi Vị, Người mang trong mình một tác vụ đặc thù thuộc tư cách cá vị. Quả thế, ngỏ lời với các Tông đồ về Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu đã phát biểu như sau: ‘Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều...’ (14: 26); ‘Người sẽ làm chứng về Thầy’ (15:26); ‘Người sẽ loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến’ (16:13)...”[36]

    Cũng do đó, qua các công thức biểu trình đức tin – tức các bản tín biểu – Giáo hội hằng tuyên xưng niềm tin vào Chúa Thánh Thần cùng với Cha và Con, cũng như hằng phụng thờ và tôn vinh Người hệt như Cha và Con.


    Thánh Thần là Thiên Chúa

    Hình thức lạc giáo đầu tiên về Thánh Thần là lập trường một mực quả quyết rằng Người vốn dĩ là một thụ tạo, hoặc là một sự vật. Thánh Atanaxiô coi đó là một thái độ phạm thượng, vô đạo; còn thánh Baxiliô thì đã minh chứng qua cuốn Về Thánh Thần cho thấy rằng Người không phải là một thụ tạo, cũng chẳng hề là một sự vật; dù vậy, vì muốn tránh những hệ lụy chính trị đi kèm, thánh nhân đã không minh nhiên tuyên xưng “Người là Thiên Chúa.” Téctulianô được coi là người đầu tiên trình bày khá rõ về thiên tính của Thần Khí; qua tác phẩm Adversus Praxeam, ông đã minh giải bạch đích xác về phẩm tính cao cả của Đấng Bảo Trợ; Người tuyệt đối là Thiên Chúa (ch. 13 trong P.L., 2, 193); đồng bản tính với Cha (ch. 3, 4, trong P.L., 2, 182-2); là Thiên Chúa duy nhất như Cha và Con (ch. 2, trong P.L., 2, 180). Một cách chính thức, qua Kinh Tin Kính, Giáo hội đã tuyên xưng thế này: “Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Cha và Con”; với lời tuyên xưng đó, Giáo hội xác tín rằng Thần Khí đứng trong một tư thế ngang bằng với hai Cha và Con. Đức Gioan Phaolô II đã nhận định như sau: “Đồng bản thể với Cha và Con theo thần tính, Chúa Thánh Thần là tình yêu, là ân sủng vô tạo, từ đó – như là từ uyên nguyên hằng sống (fons vivus) – phát xuất mọi hành vi trao ban ân huệ đến các thụ tạo (ân sủng thụ tạo): ơn hiện hữu cho muôn loài qua công cuộc tạo dựng; ơn sủng ái cho con người qua toàn bộ kế hoạch cứu độ.”[37]

    Đức tin vào Chúa Thánh Thần khơi nguồn từ mạc khải; dù vậy, biểu trình mạc khải về Thần Khí, Kinh Thánh đã dùng một thứ ngôn ngữ hết sức phức tạp; và như thế, việc xuất hiện nhiều cung cách giải thích sai lạc từ phía các lạc giáo trong mọi thời là điều không lấy gì làm lạ. Liên quan đến mạc khải về Thánh Thần, trước hết cần phải kể đến các công thức Tam Vị, chẳng hạn như công thức Thánh tẩy trong Mt 28 “làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần,” qua đó, cả ba Ngôi Vị được tuyên xưng theo một danh hiệu duy nhất. Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô kết thúc với lời chúc lành như sau: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr 13:13); có thể đọc thấy các công thức tương tự như thế nơi một số văn đoạn khác nữa (xem chẳng hạn: 1Pr 1:2), hoặc nơi các tình huống có cả ba Ngôi cùng xuất hiện, chẳng hạn như nơi biến cố chịu phép rửa và cuộc biến hình của Đức Kitô; qua hai tình huống vừa nêu, có thể nhìn thấy cuộc hiện diện đồng thời của Cha, của chim bồ câu hoặc áng mây, và của Đức Giêsu. Một khi đã nhìn nhận thiên tính của Đức Kitô, tức là của Con (x. Ga 1:1; 20:28; Dt 1:8; v.v.), tất cũng phải nhìn nhận thần tính mà Thần Khí có cùng với Cha và Con nữa.

    Quán triệt thực trạng duy nhất của thần tính Thiên Chúa – tức thực trạng độc thần – theo cung cách bất khả dung hòa, các tác giả Tân Ước đã không chấp nhận việc tùy tiện gọi bất cứ ai – ngoại trừ một mình Yahweh – là Thiên Chúa; dù vậy, lúc đã được ánh sáng mạc khải soi tỏ để nhận ra rằng Yahweh kỳ thực là Cha của Đức Giêsu Kitô, và rằng Đức Giêsu với Cha cũng chỉ là một (x. Ga 10:30), các ngài đã bắt đầu quy gán cho Đức Kitô các phẩm tính của Yah¬weh, như là “Tôi Hằng Hữu” – vốn là danh hiệu dành riêng cho Thiên Chúa – (x. Ga 8:28.58; 13:19; 18:6), hoặc là Anpha và Ômêga (Kh 1 ám chỉ đến Thiên Chúa, và 23 ám chỉ đến Đức Ki¬tô). Và kết quả là: ý nghĩa của từ ngữ Thiên Chúa đã được nới rộng ra hơn và làm cho phong phú thêm lên, hầu cách biểu đạt có thể bao hàm được cả duy nhất tính của Đấng Tuyệt Đối lẫn toàn vẹn tính trong thực thể của Người. Và rốt cuộc, thuật ngữ Thiên Chúa cũng đã được quy gán cho Đức Giêsu, như đọc thấy trong lời tuyên xưng của thánh Tôma tông đồ (x. Ga 20:28).[38] Theo chiều hướng đó, một tiến trình quy áp tương tự cũng đã diễn ra đối với trường hợp của Thần Khí, dù đã chưa được các bản văn Tân Ước làm cho hoàn tất để xuất trình kết quả cuối cùng.

    Cung cách hành động của một con người bộc lộ cho biết người ấy là ai; tương tự, các hoạt động mà Thần Khí thực hiện cũng đã vén mở cho thấy bản tính của Người. Các Giáo phụ, cũng như nhiều thần học gia tân thời, đã dựa theo cung cách biểu lộ đó để nhận ra thiên tính của Thánh Thần. Về điều này, thánh Phaolô đã đưa ra một nhận định rõ ràng khi ngài viết: “Vậy ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1Cr 2:11): con người và thần trí của mình thuộc cùng một bản tính thế nào, thì tương tự, Thiên Chúa và Thần Khí của Người cũng thuộc cùng một bản tính như thế. Tân Ước đã quy gán các hành động ban ơn tha tội và thánh hóa – vốn là hành động của riêng Thiên Chúa – cho Thần Khí: “không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người (Thiên Chúa) thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3:5; x. Rm 8:2). Chỉ duy nhất Thiên Chúa mới có thể làm cho con người trở nên con cái Người; dù vậy, chính nhờ Thần Khí mà ơn nghĩa tử mới được hiện thực hóa: “Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: ‘Ápba! Cha ơi!’” (Rm 8:15). Đền thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện; thế mà người kitô lại được coi như là “đền thờ của Thánh Thần” (1Cr 6: 19), hoặc rõ ràng hơn: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (3:16); như thế, theo cách hiểu triệt để của Tân Ước về thực trạng độc thần (chỉ có một Thiên Chúa duy nhất), thì việc nhìn nhận Thần Khí là Đấng hiện diện bên trong một đền thờ cũng đồng nghĩa với việc muốn nói lên rằng cả “Thiên Chúa” và “Thần Khí” đều là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng lại khác biệt nhau; vì thế, hễ “sống trong Thần Khí” (Rm 2:29; 8:9; 14:17, v.v.) tức là sống trong Thiên Chúa. Nếu tội phạm đến Thánh Thần không thể được tha (x. Mt 12:31-32), tức muốn nói đó là tội “trầm trọng tệ hại hơn” tội xúc phạm đến Đức Giêsu (vì Đức Giêsu cũng là một con người, có thể bị xúc phạm do hiểu lầm, nên tội nhân có lý do để được dung tha); vậy, qua đó cũng nhận ra được Thần Khí chính là Thiên Chúa, bởi chỉ có hành động xúc phạm đến Thiên Chúa mới gọi là tội. Văn đoạn Kinh Thánh được coi là đã tiến khá gần đến việc minh nhiên tuyên xưng Thánh Thần là Thiên Chúa có lẽ là Cv 5:3-4: “Anh Khanania, sao anh lại để Xatan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần?... Anh đã không lừa dối người phàm, mà lừa dối Thiên Chúa.”

    Dựa trên văn đoạn vừa nêu và một số văn đoạn Kinh Thánh tương tự, các Giáo phụ đã khai triển nhiều luận điểm chống lại các lạc giáo; chẳng hạn, trưng dẫn Mt 28:19, thánh Baxiliô viết rằng: “Nếu quả thực Chúa [Giêsu] đã không kết nối Thần Khí với Cha và với chính Ngài trong nghi thức Phép rửa, thì đừng để họ [lạc giáo] đổ lỗi cho chúng ta về việc nối kết đó, bởi vì chúng ta không hề chủ trương mà cũng chẳng nói thêm điều gì khác hơn. Nhưng, nếu Thần Khí được nối kết với Cha và Con trong nghi thức đó, và nếu không có ai đó quá trơ trẽn đến độ nói thêm bất cứ điều gì khác, thì đừng để họ đổ lỗi cho chúng ta vì đã dựa theo các lời Kinh Thánh... Chúa đã trao vào tay chúng ta một giáo lý thiết yếu và có sức đem lại ơn cứu độ, dạy rằng Thánh Thần phải được đặt ngang hàng với Cha.”[39] Dựa vào lời chứng thực của Kinh Thánh, bào đệ của ngài là thánh Grêgôriô thành Nixa đã kết luận như sau: “Bởi đó, Cha, Con, và Thánh Thần chỉ đơn thuần được nhận biết ở nơi thực thể Tam Vị hoàn hảo, trong hệ trạng và mối hiệp thông mật thiết nhất với nhau, vốn dĩ đã từng hiện hữu trước mọi công trình sáng tạo, trước mọi thời đại, và trước bất cứ những gì con người có thể nghĩ tới.”[40]

    Công đồng Côngxtăntinốp (năm 381) đã công bố một tín khoản thứ ba – bổ sung vào bản tín biểu của công đồng Nixêa – với lời tuyên xưng đức tin vào Thánh Thần như sau: “Chúng tôi tin kính Chúa Thánh Thần, Người là Chúa và là Đấng ban sự sống, Người phát xuất từ nơi Chúa Cha, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy.” Qua tín khoản bổ sung đó – với việc gọi Thánh Thần là “Chúa”, như Yahweh là Chúa (bản Bảy Mươi dịch từ Yahweh là “Chúa”) và như Đức Giêsu Kitô là Chúa (như đọc thấy trong tất cả các bản văn Tân Ước) – công đồng chính thức tuyên xưng rằng Thánh Thần cũng chính là Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa; tiếp đến, qua việc dùng thuật ngữ “Đấng ban sự sống” – một danh hiệu mà Cựu Ước đã dùng để gọi Yahweh – công đồng muốn trình bày cho thấy Thần Khí cũng là Thiên Chúa Hằng Sống; và cuối cùng, nếu đã tuyên xưng Thánh Thần như thế, tất cũng phải dành cho Người một vinh dự tương xứng: “cùng được phụng thờ” và “cùng được tôn vinh.” Trước đó, các Giáo phụ đã áp dụng thuật ngữ homoousion (đồng bản tính/thể) cho Thánh Thần, chẳng hạn có thể đọc thấy trong thư Ad Serapionem, 1.27 của thánh Atanaxiô; còn thánh Baxiliô thì thích dùng thuật ngữ homotimos (đồng vinh dự) hơn; và thánh Grêgôriô thành Nadian đã bàn giải như sau về cách dùng thuật ngữ đó: “... một thiên tính không có sự chênh lệch nhau về bản thể hay bản tính, không có thượng bậc trỗi cao hay thuộc cấp thấp kém... ba thực trạng vô biên trong cùng một bản tính vô biên. Mỗi Ngôi Vị là Thiên Chúa trọn vẹn nơi mình... cả ba Ngôi Vị chỉ là một Thiên Chúa duy nhất” (Oratio 42. 41). Thánh Âugutinô nhận định: “Như thế, Cha và Con và Thánh Thần đều là Thiên Chúa; và mỗi Ngôi Vị là Thiên Chúa; cả ba Ngôi Vị là một Thiên Chúa; từng Ngôi Vị riêng lẻ mang cùng một bản tính trọn vẹn và cả ba Ngôi Vị đều mang cùng một bản tính duy nhất... Cả ba Ngôi Vị đều có chung với nhau cùng một thực trạng hằng hữu, cùng một tính cách bất khả biến đổi, cùng một phẩm cách uy nghi và cùng một quyền năng. Nơi Cha thì có đơn nhất tính, nơi Con thì có bình đẳng tính, còn nơi Thánh Thần thì có mối phối hòa giữa đơn nhất tính và bình đẳng tính...”[41] Các Ngôi Vị mở rộng ra cho nhau và tương tại trong nhau, mỗi vị đều “xuất thần” về nhau. “Xuất thần” đây là tình trạng trong đó, mỗi Ngôi Vị trao ban chính mình và hiện hữu trọn vẹn với các Ngôi Vị yêu dấu khác. Trong mối tương tại thần linh (perichoresis,[42] tình trạng ở trong nhau) này, mỗi Ngôi Vị thông ban sự sống – tức thần tính – cho hai Ngôi Vị kia theo bản tính tuyệt đối duy nhất, dù rằng mỗi Ngôi Vị tồn tại cá biệt trong một “tương quan đối cách” với hai Ngôi Vị kia.[43]

    Giáo lý trên đây đã trở thành phổ biến trong thế giới kitô giáo cả bên Đông lẫn bên Tây cho đến ngày nay.


    Thực trạng Nhiệm Xuất của Thánh Thần

    Đến đây, thiên chuyên khảo sẽ bàn về một vấn đề thần học tỏ ra là khá nhạy cảm, vốn đã từng và vẫn còn là nguyên nhân đưa tới cảnh trạng xung đột giữa các giáo hội bên Đông phương và bên Tây phương. Chủ đề mấu chốt của cuộc tranh luận này là thực trạng Nhiệm Xuất – tức cách thức “xuất phát” trong Thiên Chúa Ba Ngôi – của Chúa Thánh Thần. Trải hàng mấy thế kỷ, cả đôi bên đều đã khai triển các dạng thần học khác biệt nhau và – thường là qua kiểu bút chiến – công kích lẫn nhau. Trong xu thế của một cuộc đối thoại đại kết, tranh điểm đó đã được hai bên đưa ra thảo luận và ít nhiều đã mang lại một số kết quả tích cực. Phần này sẽ thử phân tích một số khía cạnh liên quan đến vấn đề vừa nêu.[44]


    Lịch sử vấn đề

    Kinh Tin kính của công đồng Côngxtăngtinốp (năm 381) đã hoàn tất bản tuyên tín của Nixêa qua việc bổ sung vào đó một tín khoản thứ ba, xác lập nên một công thức trình bày đức tin vào Chúa Thánh Thần, “Đấng phát xuất từ nơi Cha.” Dùng từ ekporeuomenon – một thuật ngữ xuất phát từ chữ ekporeuetai đọc thấy trong Ga 15:26, và được dịch sang tiếng Latinh là procedit, có nghĩa là “xuất phát” hoặc “nhiệm xuất” – là công đồng muốn xác quyết về sự việc thiên tính của Thánh Thần phát nguyên từ nơi Cha, nhưng chẳng mảy may nói gì về cách thức diễn ra của tiến trình “nhiệm xuất” cũng như về vai trò mà Con đóng giữ ở trong đó. Kinh Tin kính của công đồng này đã được nhìn nhận như là một chuẩn mực đức tin, thậm chí, vào hồi đầu thế kỷ 6, lại còn được các giáo hội ở Antiôkia, Côngxtăngtinốp – cũng như tại các vùng miền khác thuộc phương Đông – tuyên xưng trong phụng vụ Thánh Lễ. Ở bên Tây, giáo hội Visigothic (Tây Ban Nha) cũng đã thích nghi theo truyền thống đó; và để bênh vực cho thực trạng đồng bản tính của Con, tức thiên tính trọn vẹn của Đức Kitô, giáo hội này đã bổ sung vào Kinh Tin kính cụm từ Filioque (“và bởi Chúa Con”) – muộn nhất là tại công đồng Tôlêđô thứ ba vào năm 589 (bởi thuật ngữ này đã xuất hiện tại công đồng năm 447, ít ra là một số thủ bản đã cho thấy như thế). Về sau, giáo hội Pháp cũng như một số giáo hội Tây phương khác – trong số, cho tới thế kỷ 11, không có giáo hội Rôma – đã đưa cụm từ này vào trong phụng vụ. Bên Tây phương, người ta từng đinh ninh rằng đó là công thức của Côngx¬tăngtinốp vì một số lý do như sau: trước hết, vì họ thấy cụm từ này xuất hiện nơi các bản sao chép họ có trong tay; kế đến, vì chẳng bao giờ các giáo ấy coi bản tín biểu Nixêa-Côngxtăngtinốp là quy phạm đức tin duy nhất, bởi họ cũng có trong tay kinh Tin kính của các Tông đồ, bản tuyên tín của Atanaxiô (đầu tk. 6) và một số công thức rửa tội khác nữa; cuối cùng, vì cụm từ Filioque phản ánh rõ nét giáo huấn của các Giáo phụ Latinh, đặc biệt là của thánh Am¬brôxiô và Âugutinô, cũng như đã trở thành một giáo lý phổ biến trong thời đó.

    Đến lối cuối thế kỷ 8, liên quan đến việc dùng cụm từ Filioque, đã thấy khai mào một số cuộc tranh luận giữa phe hoàng đế Charlemagne với các thần học gia của Rôma, rồi chẳng bao lâu sau, giữa Tây phương với các học giả Bidăntinô. Lúc đó, tranh điểm này đã nhuốm đầy màu sắc chính trị: phía Bidănxiô không muốn thấy một “Đế quốc Rôma Kitô giáo” kình địch hiện diện trong vương quốc của Charlemagne; còn phía các thần học gia Charlemagne thì cáo buộc Bidănxiô là đã đi theo lạc giáo do chủ trương bài trừ ảnh thánh. Vả, tính chất khiếm khuyết trong các bản dịch tài liệu cũng đã góp phần làm gia tăng thêm mối bất hòa giữa cả đôi bên. Đức Ađrianô I (772-795) đã lên tiếng bênh vực cho đức thượng phụ Taraxiô thành Côngxtăngtinốp trước các lời cáo buộc từ phía đế quốc Pháp. Đối lại, hoàng đế Charlemagne đã cho biên soạn các cuốn Libri Carolini (vào lối 791-794) – để phản đối chủ trương bài trừ ảnh thánh của công đồng năm 754 và công đồng Nixêa họp năm 787 (đã cho phép tôn kính các ảnh tượng) – vì họ đinh ninh rằng cụm từ Filioque thực ra chỉ mới xuất hiện trong văn bản của công đồng đại kết trước kia; như thế, thêm một lần nữa, tính cách thiếu chuẩn xác trong vấn đề dịch thuật đã làm gia tăng tình trạng rắc rối, nhầm lẫn. Suốt trong thế kỷ 8, để đương đầu với các mối nguy đến từ nghĩa tử thuyết, một số công nghị tại Âu châu bênh vực cho việc dùng cụm từ Filioque. Đầu thế kỷ 9, các giáo sĩ Đông phương đã lên tiếng phản đối về việc cộng đoàn các đan sĩ Latinh tại Giêrusalem hát “sai” kinh Tin kính trong phụng vụ Thánh Lễ; họ đề nghị đức giáo hoàng phải hướng dẫn lại các vị này. Đức Lêô III gửi qua Phương Đông một bức thư, trình bày rằng ngài xác tín về thực trạng nhiệm xuất của Thần Khí từ Cha và Con, nhưng đã không đưa lời tuyên xưng đó vào kinh Tin kính dùng trong phụng vụ; trên thực tế, ngài đã yêu cầu Giáo hội Pháp nên tránh việc đưa cụm từ Filioque vào trong Thánh Lễ, song lời khuyến cáo đó đã không được nghe theo. Đến giữa thế kỷ 9, dựa theo những diễn biến chính trị ở Bungari, đức thượng phụ Phô¬tiút đã ban hành một bức thông điệp, mạnh mẽ kết tội là phạm thượng việc bên Tây phưong đã dùng cụm từ Filioque; ngài đã biên soạn một số tác phẩm bàn về điểm vấn nạn đó; nhưng thực ra, ông đã không hiểu rõ nền thần học Tây phương. Sau đó ông đã bị truất vị và phải bị vạ tuyệt thông tại công đồng Côngxtăngtinốp (869) – công đồng mà bên Tây coi là đại kết, nhưng bên Đông thì không. Sau đó, Phôtiút đã chiếm lại ngôi thượng phụ, và một công đồng khác đã được triệu tập tại Côngxtăngtinốp (879-880), có sự tham dự của các đại diện giáo hoàng; dù không được đem ra thảo luận, nhưng cụm từ Filioque đã bị đức giáo hoàng Gioan VII cấm dùng trong phụng vụ; tuy thế, các giáo hội địa phương vẫn tiếp tục dùng nó theo thói quen đã từng có từ trước. Trên thực tế, toàn bộ thế giới kitô giáo Tây phương đều đã coi cụm từ Filioque như là một cấu tố cơ bản của đức tin kitô giáo; bởi đó, năm 1014, trong cuộc lễ đăng quang của hoàng đế Henry II, kinh Tin kính có cụm từ Filioque đã được xướng hát tại Rôma.

    Bên cạnh đó, một số yếu tố phụ họa khác cũng đã góp phần làm gia tăng đà khủng hoảng giữa Đông và Tây. Vào năm 1054, đức thượng phụ Michael Kerularios và đức hồng y Humbert thành Silva Candida đã ra vạ tuyệt thông lẫn nhau; song dù gì, sự việc đó vẫn chưa phải là lý do đưa đến một cuộc ly khai chính thức. Các cuộc thập tự chinh – đặc biệt là cuộc thứ 4 vào năm 1204, lúc thành Côngxtăngtinốp bị thất thủ và hàng giáo sĩ Latinh đóng chiếm nơi này cho đến năm 1261 – đã thực sự khoét sâu thêm vết thương tổn trong các mối quan hệ giữa Đông và Tây. Mặc dù vậy, các cuộc đối thoại về thần học giữa đôi bên vẫn tiếp tục tiến hành suốt trong các thế kỷ 11-12, và đã đạt được một số điểm đồng thuận đáng kể; tiếc thay, do diễn biến chính trị ngày càng xấu đi cùng với mối đe dọa từ đội quân Thổ Nhĩ Kỳ, cọng với tình trạng bất đồng về vấn đề quyền bính trong giáo hội (vai trò của đức giáo hoàng), tiến trình đối thoại thần học giữa đôi bên đã bị gián đoạn.

    Phía Bidănti¬nô đã cầu viện Tây phương giúp đối phó với quân Thổ; một công đồng đã được triệu tập tại Lyon vào năm 1274 với sự hiện diện của hai giám mục bên phía Đông phương. Tại đây, các nghị phụ đã thảo luận về nhiều vấn đề, và cụm từ Filioque đã được phê chuẩn cùng với một số quan điểm ủng hộ Tây phương về các phương diện liên quan đến giáo hội học; đức Grêgôriô X (1271-1276) đã ký một bản thỏa ước, công bố chấm dứt tình trạng ly khai giữa đôi bên... Đáng tiếc thay, hàng giáo sĩ bên Đông đã kiên quyết bác bỏ bản thỏa ước đó; thái độ này xem ra không phải là không có lý do, như đức Phaolô VI đã nhận định 700 năm sau đó. Các bước nỗ lực trong tiến trình hàn gắn cũng đã được thực hiện tại Công đồng Ferrara-Florence (1438-1445), với sự góp mặt của các đại diện đến từ Giáo hội Rôma và các Giáo hội Côngxtăngtinốp, Alếcxănđria, Antiôkia và Giêrusalem; tại đây, các bên đã tán thành việc dùng cụm từ Filioque, cũng như công nhận tính chân xác của giáo lý này: “Thần Khí nhiệm xuất đời đời từ Cha và Con như là từ một nguyên lý duy nhất và trong một nhiệm xuy duy nhất”; lời tuyên xưng này được xem là tương đương với cách biểu đạt của Đông phương: “từ Cha qua Con.” Tình trạng hiệp thông giữa các giáo hội đã chính thức được công bố qua sắc chỉ Laetentur caeli, ban hành ngày 6 tháng 7 năm 1439. Dù vậy, cùng với sự việc Côngxtăngtinốp rơi vào tay quân Thổ (1453), bản thỏa ước đã một lần nữa bị bác bỏ vào năm 1484. Từ đó, một thời kỳ ly khai dai dẳng ngột ngạt đã bắt đầu, và mỗi bên đều khai triển cho mình một thể dạng thần học nhằm vào việc phi bác đối phương.

    Công đồng Vaticanô II (1962-1965) và các hội nghị Liên Giáo hội Chính Thống (1961-1968) đã thổi một luồng gió mới làm thay đổi bầu khí ngột ngạt của tình trạng ly khai kéo dài. Năm 1965, tại Bắc Mỹ, đôi bên đã chính thức nối lại cuộc đối thoại, và đã cùng nhau thành lập một Ủy ban Đối thoại Thần học giữa hai Giáo hội Chính Thống và Công Giáo vào năm 1979. Theo chiều hướng đó, phía tòa thánh Vaticanô đã tiến hành một loạt các bước nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đôi bên, ngưng việc dùng cụm từ Filioque trong một số văn kiện, tài liệu khác nhau cũng như trong một vài nghi thức phụng vụ (tất nhiên là không mảy may chối bỏ giáo lý). Ngày 13 tháng 9, 1995, toà thánh Vaticanô đã cho đưa ra một văn kiện mang tên “Truyền thống Hy lạp và Latinh trong vấn đề Nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần,” và qua đó đã xác nhận tính cách quy phạm bất biến của bản tín biểu Côngxtăngtinốp, cũng như đã xác định là nền thần học Tây phương không hề đi ngược lại với giáo lý đó. Các cuộc đối thoại tại Bắc Mỹ bắt đầu trong các năm 1999 và 2003, và đã cho ra đời một văn kiện chung với kết luận như sau: “Dựa trên các cuộc nghiên cứu chung, chúng tôi nhận ra rằng, kể từ thời các giáo phụ, hai truyền thống thần học của cả Đông lẫn Tây đều đã và đang ở trong một mối giao hòa thâm yếu, xét theo một số điểm xác quyết có tính cách nền tảng về Tam Vị Thánh liên quan đến cuộc tranh luận về từ Filioque.” Nỗ lực đối thoại đó vẫn không ngừng tiến hành và, với tinh thần bác ái kitô, mong sẽ đạt tới được một kết cục thỏa đáng đối với mọi phía.


    Thần học

    Đối diện với thực tại bí nhiệm nhất trong mầu nhiệm về Đấng Tuyệt đối, tất thái độ thận trọng và khiêm nhường là điều tất yếu phải có. Do đó, thiết tưởng cũng cần phải trưng dẫn lời khuyến cáo của Điônyxiô Giả, nói như sau: “Dù có biểu đạt bằng cách dùng đến các thuật ngữ hiệp nhất tính, tam vị tính, duy nhất tính, hữu hiệu tính, cũng như nhờ tới bất cứ một sự vật gì khác – dù đó là một thọ tạo hoặc có thể biết được do một thọ tạo – thì cũng không tài nào diễn tả nổi Mầu nhiệm Thiên Chúa siêu việt, hiện diện trong một thể cách siêu bản tính, ở bên kia giới hạn của mọi trí óc và lý luận, vượt lên trên hết thảy mọi sự.”[45] Phần này sẽ thử điểm duyệt một số nét tổng quát về các bước tiến diễn của nền thần học theo truyền thống Latinh, liên quan đến vấn đề nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần.


    Thuật ngữ

    Thần học Công giáo đã khai triển một dạng từ vựng rất chuyên môn để biểu trình về Tam Vị Thánh.
    Nguyên lý (tiếng Latinh: principium) được hiểu như là cái gốc rễ làm phát xuất ra một sự vật nào đó; Nguyên lý tuyệt đối chính là Cha, Đấng vốn dĩ không “phát xuất” từ một nguyên lý nào khác; hai Ngôi Vị còn lại “do nguyên lý mà ra” (từ Latinh: principiatum), tức “phát xuất” từ nguyên lý. Tiến trình “phát xuất” đó được gọi là nhiệm xuất, tức Ngôi Vị này có nguồn gốc từ Ngôi Vị kia. Như thế, có đến hai nhiệm xuất: Con xuất phát qua hành động gọi là nhiệm sinh (generatio) và Thánh Thần xuất phát qua hành động gọi là nhiệm xuy (spiratio). Bản tính thần linh hay bản thể không phát xuất. Trong các nhiệm xuất, có một bên chủ động, được gọi là chủ nguyên, và một bên thụ động, được gọi là thụ nguyên; mối quan hệ hoặc tương quan đó giữa các bên như thế làm nên Ngôi Vị, hay bản vị (hypostasis); căn tính của mỗi Ngôi Vị được xác định rõ qua “các tương quan đối cách” – hay nói cách khác, qua các mối tương quan xác định lẫn nhau dựa theo nguồn gốc. Nhất thiết phải nhìn nhận rằng, trong Thiên Chúa, không có chuyện chủ nguyên giữ quyền ưu tiên trên thụ nguyên, cũng chẳng hề có vấn đề ai là nguyên nhân của ai do nguyên nhân mà có, và không có Ngôi Vị nào mang nhiều thần tính hơn Ngôi Vị nào, và cứ tiếp tục như thế. Qua đó, có thể thấy rằng đằng sau thuật ngữ vừa nêu là cả một hệ thống ý niệm thuộc phạm trù triết học (mà ở đây, thiên chuyên khảo sẽ không bàn tới).
    Về Chúa Thánh Thần, đặc niệm hay đặc thù cách[46] của tiến trình Nhiệm xuy cần phải được hiểu cho minh bạch, xác đáng hơn. Thần học Latinh đã dùng động từ procedere (phát xuất) để dịch các từ ngữ Hy lạp khác nhau, như: từ exelthon đọc thấy trong Ga 8 “Tôi phát xuất từ Thiên Chúa,” từ exporeuetai được dùng trong Ga 15 “Đấng Bảo Trợ... xuất phát từ Chúa Cha”; thần học Hy lạp quy gán cho hai động từ vừa nói những ý nghĩa khác nhau. Cần hiểu là Thánh Thần được “nhiệm xuy” bởi vì Người được phát xuất qua hành động “thổi hơi,” như đọc thấy trong Ga 20 lúc hiện ra với các môn đệ, Đấng Phục sinh đã “thổi hơi (Latinh dùng từ spirare) vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’.” Lúc Đức Giêsu trút hơi thở (Latinh: exspirare) trên thập giá, Người trao Thần Khí (x. 19: 30). Hành động thổi hơi (spirare) là cách thức làm cho Thần Khí, hay gió, chuyển động. Tổng hợp các cách diễn tả đó, các thần học gia đã cho ra đời thuật ngữ spiratio. Như thế, việc dùng từ nhiệm xuy là để biểu đạt về cách thức Thánh Thần phát xuất. Do bởi các nguồn gốc trong Ba Ngôi đều phát xuất từ các mối tương quan, nên thực trạng nhiệm xuy phải được hiểu là bao hàm cả hai khía cạnh: chủ xuy, tức tác động thần linh làm phát xuất ra Thần Khí, và thụ xuy, tức hành vi thụ nhận tác động thần linh từ phía Thần Khí; đây chính là mấu điểm dẫn đến hai cung cách hiểu khác nhau giữa Đông và Tây. Kinh Tin kính của Công¬xtăng¬¬ti¬nốp trình bày: Chúa Thánh Thần phát xuất từ nơi Cha; và phía Hy lạp hiểu là: phát xuất từ một mình Cha; còn phía Latinh lại hiểu là: phát xuất từ Cha và Con.

    Một thuật ngữ khác cũng cần được giải thích, đó là: sứ mạng. Qua các sách Tin mừng, Đức Giêsu nói rằng Ngài được sai đến (x. Mt 10:40; 15:24; 21:37; Ga passim = có nhiều đoạn đề cập đến); Thánh Thần cũng được miêu trình như là Đấng được sai đến (x. Ga 14:26; Gl 4:4; v.v.). Các sứ mạng này giả thiết việc bao hàm một chủ thể của hành động sai đi: Cha sai Con; Cha (x. Gl 4:6) và Đức Giêsu Kitô (x. Ga 16:7) cùng sai Thánh Thần. Trong sứ mạng của Thần Khí, cả Cha và Con đều cùng hoạt động: “Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy...” (Ga 14:26), và: “Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha...” (15:26); dựa vào đó, về sau, thần học Latinh sẽ triển khai một điểm giáo lý về thực trạng nhiệm xuất của Thánh Thần. Đối với người kitô, sứ mạng ấy kết thúc với sự việc Thánh Thần cư ngụ trong linh hồn các tín hữu. Cuối cùng, cũng có thể thấy là thần học đã dùng thuật ngữ biệt ứng/quy cách (appropriation) để biểu đạt cách thức con người quy gán một tác động thần linh hoặc một phẩm tính – vốn dĩ là thuộc chung của cả Ba Ngôi – cho một Ngôi Vị duy nhất nào đó; bởi vậy, công cuộc sáng tạo được quy gán cho Cha, công cuộc cứu chuộc cho Con, và công cuộc thánh hóa cho Thần Khí, dù thực tế là cả Ba Ngôi đều phối hiệp thực hiện các hoạt động đó (DH 800, 3814).


    Đức tin Công giáo

    Giáo hội nhìn nhận kinh Tin kính Nixêa-Côngxtăngtinốp là quy phạm đức tin và, do đó, đã coi cụm từ bổ sung “và bởi Chúa Con” (Filioque) như là một cung cách giải thích làm sáng tỏ bản văn gốc, cũng như phản ánh cho thấy đức tin chính truyền của Giáo hội Tây phương. Trên thực tế, liên tục hàng mấy thế kỷ, bên Đông đã không hề lên tiếng bác bỏ điều này. Dù vậy, lúc các cuộc tranh luận bùng nổ, điểm giáo lý ấy càng được thần học tinh chỉnh và làm cho sáng rõ hơn nhờ các nguồn Mạc khải và Truyền thống.[47]

    Công bố về việc Thánh Thần sẽ đến, Đức Giêsu bảo rằng: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, và Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:13-15). Thần học lý luận cho rằng, bởi vì Con có mọi sự Cha có, mà Cha là nguồn gốc của Thần Khí, tất Con cũng là nguồn gốc của Thần Khí, dù Con “bởi Cha mà có.” Hơn nữa, nếu Thần Khí lãnh nhận nguồn tri thức từ nơi Con, tất Người cũng lãnh nhận cả hữu thể từ Con, bởi vì, trong Thiên Chúa, tri thức và hữu thể là một. Trong nền thần học Ba Ngôi, có một tiên đề (châm ngôn) như sau: nhiệm cục Tam Vị và Tam Vị tự tại là như nhau. Tam Vị “nhiệm cục” là Thiên Chúa Ba Ngôi trong tư thế biểu lộ chính mình ra trong lịch sử cứu độ và “cho chúng ta”; trong khi đó, Tam Vị “tự tại” là Ba Ngôi Thiên Chúa hằng hiện hữu trong chính mình, trong mầu nhiệm siêu việt của cuộc hiện hữu thần linh thẳm sâu. Con người chỉ biết được Thiên Chúa qua những hành động Người thực hiện; do đó, qua cung cách hành động, các Ngôi Vị thần linh biểu lộ cho thấy bản chất của mình; như thế, nếu Thần Khí được Con sai đến, tất Người cũng bởi Con mà ra. Cha không thể được “sai đi” bởi vì Người không phát xuất từ bất cứ Ngôi Vị nào.
    Mối tương quan giữa Thần Khí với Cha và với Con có một số đặc điểm chung, nhận ra được nhờ Kinh Thánh miêu trình cho thấy về “Thần Khí của Cha,” và về “Thần Khí của Con”: “Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8:9), hoặc “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi!’” (Gl 4:6). Ngôi Ba được gọi là “Thần Khí của Đức Giêsu Kitô” (cũng xem Pl 1:19; Cv 16:7); như thế, cách gọi này chỉ có thể mang ý nghĩa cho thấy rằng cả Ngôi Hai và Ngôi Ba đều có một “tương quan đối cách” lẫn nhau, tức tương quan về nguồn gốc. Nếu Ngôi Ba được gọi là “Thần Khí của Cha” vì Người phát xuất từ Cha, thì lẽ tất “Thần Khí của Con” cũng phải do bởi Con mà ra.

    Liên quan đến vấn đề đang bàn, các học giả cũng đã lý luận dựa trên ý nghĩa biểu tượng của nước. Đức Giêsu nói: “Ai khát, hãy đến với tôi; ai tin vào tôi, hãy đến mà uống; như Kinh Thánh đã nói: từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận...” (Ga 7:37-39). Dù cách chấm câu trong văn đoạn còn là đầu đề bàn cãi, thì dựa trên các văn đoạn Kinh Thánh tương tự khác, nhiều Giáo phụ đã hiểu từ “Người” – trong câu “từ lòng Người...” – là chính Đấng Mêsia; văn đoạn Is 48:21 miêu tả về sự việc dân Ítraen đã uống dòng nước chảy ra từ tảng đá, và thánh Phaolô đã nhận định cho rằng “tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1Cr 10:4), và từ lòng Người, “máu cùng nước chảy ra” (Ga 19:34). Tiếp đó, sách Khải huyền cũng nói về “một con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên” (Kh 22: 1). Liên kết tất cả các văn đoạn Kinh Thánh đó lại với nhau – để thấy rằng nước là một biểu tượng rõ ràng chỉ về Thần Khí – thì có thể rút ra một kết luận xác đáng là: “nước”, tức Thần Khí, chảy ra từ Đức Kitô; mà Đức Kitô và Cha lại cùng ngự trên một ngai duy nhất, nên cả hai Ngôi Vị này đều là một “nguồn gốc” duy nhất của Thần Khí.

    Các Giáo phụ đã dựa vào “tín khố” này để khai triển các điểm giáo lý phù hợp với những nhu cầu đặc thù của mỗi cộng đoàn tín hữu. Ở bên Tây, Téctulianô trước đó đã dùng công thức a Patre per Filium, ám chỉ rằng Thần Khí phát xuất “từ Cha qua Con,”[48] và thánh Hilariô thành Poitiers đã viết rằng “chúng ta buộc phải tuyên xưng là Người phát xuất từ Cha và Con.”[49] Kể từ thánh Ambrôxiô trở đi (tk. 4), cụm từ Filioque đã trở thành một công thức phổ biến, và không gặp phải bất kỳ một thái độ phản bác nào từ các Giáo phụ Đông phương. Thánh Âugutinô,[50] thánh Lêô Cả,[51] đã triển khai các giáo huấn về điểm giáo lý này và làm cho nó trở thành phổ biến trong khắp Giáo hội Latinh. Ở bên Đông, thánh Baxiliô Cả được coi là người gây được ảnh hưởng nhiều nhất liên quan đến vấn đề này; dựa theo thánh Atanaxiô, ngài đã viết như sau khi khẳng quyết rằng mối tương quan giữa Thần Khí với Con cũng giống như là mối tương quan giữa Con với Cha: “yếu tính tốt lành, sự thánh bẩm sinh và phẩm cách vương giả tuôn chảy từ Cha, qua Con Một duy nhất, đến Thần Khí.”[52] Thánh Grêgôriô thành Nixa đã dùng công thức “từ Cha, qua Con, đến Thánh Thần,”[53] và công thức này đã trở nên phổ biến ở khắp bên Đông. Trong số các Giáo phụ Đông phương, thánh Cyrilô thành Alếcxănđria (†444) được coi là vị giáo phụ có giáo huấn gần nhất với phía Latinh; bình luận về văn đoạn Kinh Thánh nói rằng Thần Khí là “Thần Khí của Đức Kitô”, ngài đã viết cho Nestôriô như sau: “... do đó, Người [Thần Khí] từ Đức Kitô mà ra, hệt như Người phát xuất từ Cha vậy.”[54] Bàn về Ba Ngôi Thiên Chúa, ngài viết: “Bởi vì Thánh Thần – Đấng được sai đến với chúng ta và làm cho chúng ta nên giống Thiên Chúa – phát xuất từ Cha và Con, nên hiển nhiên là Người mang lấy bản tính thần linh...”[55]

    Đức tin của Giáo hội được tổng hợp một cách sít sao, chặt chẽ, thể hiện qua các bản tuyên tín hoặc các tín biểu. Thoạt đầu, chúng xuất hiện như là những bản toát lược đức tin được dùng trong phụng vụ phép rửa. Các công thức cổ xưa nhất chỉ đơn thuần tuyên xưng đức tin vào Cha, Con và Thánh Thần; kinh Tin kính của các Tông đồ đã triển khai thêm một số tín khoản, và về sau, bản tín biểu của Nixêa Côngxtăngtinốp đã cho thấy tính chất ngày càng phong phú hơn trong cung cách biểu đạt đức tin của Giáo hội. Bản tuyên tín của đức giáo hoàng Đamasô (tk. 4), gọi là Fides Damasi, đã lên tiếng bênh vực cho thiên tính của Thần Khí, song lại chẳng đả động chi đến vấn đề nhiệm xuất (x. DH 71). Kinh Tin kính của thánh Atanaxiô (Quicumque, tk. 5), một bản toát lược đức tin của Giáo hội đương thời về Ba Ngôi, đã tuyên bố rõ như sau: “Chúa Thánh Thần không phải đã được dựng nên hay được tạo thành, cũng chẳng đã được sinh ra, nhưng phát xuất từ nơi Cha và Con.” Từ đó trở đi, tất cả mọi lời tuyên xưng đức tin đều bao hàm công thức này. Về sau, các công đồng bên Tây phương đã chính thức đưa điểm giáo lý này vào trong công tác giáo huấn; chẳng hạn, công đồng Latêranô thứ 4 (năm 1215) đã tuyên xưng như sau: “Cha và Con có cùng bản tính; do vậy, Cha và Con là thực thể như nhau, và Thánh Thần, Đấng phát xuất từ cả hai, cũng thế” (DH 805). Công đồng Flôrenxô – với sự tham dự của các vị đại diện từ phía Hy lạp – qua sắc chỉ Laetentur caeli (1439), đã tuyên bố rõ như sau về thực trạng nhiệm xuất: “Chúa Thánh Thần hằng từ Cha và Con mà ra; bản thể và sự hiện hữu của Người là từ Cha và từ Con mà có; Người hằng phát xuất từ cả hai như là từ một nguyên lý duy nhất và một nhiệm xuy duy nhất... Và chúng tôi công bố rằng những gì các thánh Tiến sĩ và các Giáo phụ đã dạy về việc Chúa Thánh Thần phát xuất từ Cha qua Con, là nhằm biểu thị cho thấy Con, cũng giống như Cha, là ‘nguyên nhân’ – theo từ ngữ Hy lạp – hay là ‘nguyên lý’ – theo từ ngữ Latinh – cho sự hiện hữu của Thánh Thần” (DH 1300-1301). Tiếp đó, trong Sắc lệnh gửi cho phái Giacôbita (1442) cũng đọc thấy những dòng như sau: “Tất cả những gì Cha có, là Người có từ nơi chính mình, chứ không lấy từ đâu khác, bởi vậy, Người là chủ nguyên vô khởi (principle without principle); tất cả những gì Con là và Con có, là do từ nơi Cha, nên Con là nguyên lý từ nguyên lý; tất cả những gì Thánh Thần là và Thánh Thần có, là từ nơi Cha và, đồng thời, từ nơi Con. Dù vậy, Cha và Con không phải là hai nguyên lý của Thánh Thần, nhưng chỉ là một nguyên lý duy nhất, như Cha và Con và Thánh Thần không phải là ba nguyên lý của công cuộc sáng tạo, nhưng chỉ là một nguyên lý duy nhất mà thôi” (DH 1331).
    Công cuộc đối thoại ngày nay đang chứng thực cho thấy rằng kết luận đó của công đồng quả thực là xác đáng. Trên thực tế, phải nói là đôi bên Đông-Tây đều có chung một đức tin dù cho hai nền thần học có thể có những điểm nhấn khác biệt nhau, vốn dĩ là điều chẳng lấy gì làm lạ đối với một vấn đề nhiệm mầu hết sức sâu thẳm như thế. Từ xưa đến nay, bao giờ thần học cũng thấy là bất cứ giải thuyết nào để giải trình vấn đề nhiệm xuất của Thánh Thần cũng đều tỏ ra lúng túng; bởi vì các Ngôi Vị là những “tương quan tự hữu” và phân biệt với nhau chỉ qua “mối tương quan đối cách”, nên tất yếu là nếu Thánh Thần phát xuất duy chỉ từ Cha, thì Người sẽ rơi vào tình trạng bất khả phân biệt khỏi Con: ở trong tư thế đối cách với Cha, Người ắt phải là một Con (khác), và khi đó, Con và Thánh Thần sẽ không có một mối quan hệ tương hỗ (mutual relationship) nào cả. Thần học Latinh một mực quả quyết rằng Chủ xuy của Thánh Thần là một, nên Cha và Con cùng là một Chủ xuy duy nhất, chứ không phải là hai, bởi vì hai chủ thể (Cha và Con) cùng chung phần với nhau trong một dạng thể duy nhất (nhiệm xuy); nếu lý luận theo cung cách tương tự, thì ba Ngôi Vị đều là một Thiên Chúa và một Vị Sáng tạo duy nhất, bởi vì ba chủ thể (Cha, Con, Thánh Thần) cùng chung phần với nhau trong một dạng thể duy nhất (thần tính, hoặc thiên tính) và một hành động duy nhất. Tuy nhiên, để tránh làm khơi dậy những cảm giác không hay từ phía Đông phương, một số văn kiện – chẳng hạn như Tuyên ngôn Dominus Jesus (năm 2000) – đã tránh dùng cụm từ Filioque trong kinh Tin kính.
    Một số thần học gia hiện đại đã thử đặt câu hỏi liệu xem Thần Khí có đóng giữ một vai trò nào đó trong tiến trình nhiệm xuất của Con (nhiệm sinh)[56] hay không. Nếu nhiệm cục của Ba Ngôi biểu lộ cho thấy thực trạng Tam Vị tự tại, thì đâu là những hệ quả phản ánh vai trò của Thần Khí trong sứ vụ của Con? Thần Khí đã được sai đến với Đức Maria để tạo nên tác động trên cuộc Nhập Thể; Người được sai đến với Đức Giêsu trong cuộc chịu phép rửa để khai mở sứ vụ công khai của Ngài; Ngài là “Đấng Kitô”, nghĩa là được xức dầu bởi Thần Khí, v.v.; vậy, liệu thần học có thể nghĩ về một thực trạng hỗ tương giữa Con và Thần Khí trong các cuộc nhiệm xuất đời đời kia không? Nếu có một mối tương quan mật thiết trong các sứ vụ của Con và Thần Khí, thì phải chăng cũng có một “căn nguyên” trong nguồn gốc đời đời của các Đấng ấy? Cha sinh ra Con trong tình yêu, hay trong Tình Yêu? Tình Yêu đó có phải là Thần Khí? Nêu một số vấn nạn như thế là để thấy rằng: càng nỗ lực suy tư về mầu nhiệm bao nhiêu, thì mầu nhiệm ấy lại càng trở nên huyền nhiệm bấy nhiêu. Trong Sắc Lệnh về Truyền giáo, Vaticanô II đã kêu mời nâng tâm hồn lên cho tới “… ‘suối tình yêu’ và cũng là lòng thương của Thiên Chúa, vì chính Ngài là Nguyên lý vô Nguyên lý, từ bởi Ngài Chúa Con được sinh ra, và cũng từ bởi Ngài và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh thần…” (AG 2).


    Nhiệm xuất Tình Yêu

    Năm 1968, “năm Đức tin”, đức Phaolô VI đã cho ban hành Kinh Tin kính của Dân Thiên Chúa, trong đó ngài viết rằng: chúng tôi tin... “vào Chúa Thánh Thần, Ngôi Vị vô tạo phát xuất từ Cha và Con như là tình yêu đời đời của hai Đấng.” Thần học Latinh đã khai triển các phép loại suy của tâm lý học để “cắt nghĩa” về Thiên Chúa Ba Ngôi; theo đó, Con, tức Ngôi Lời, phát xuất bởi tiến trình hoạt động trí tuệ, và Thần Khí, tức Tình Yêu, phát xuất bởi tiến trình hoạt động ý chí. Thánh Tôma Aquinô giải thích như sau:

    “Có hai thực trạng nhiệm xuất trong Thiên Chúa: một là nhiệm xuất của Lời, rồi còn một nhiệm xuất khác nữa. Muốn nhận biết được điều đó, thì cần phải quan sát để thấy rằng tiến trình nhiệm xuất trong Thiên Chúa chỉ diễn ra theo một cách thức, trong đó, các hoạt động không nhằm vào bất cứ điều gì ngoại tại, song vẫn được duy trì nơi chính nguyên nhân của nó. Trong một bản thể có lý trí, một hoạt động như thế được coi là hoạt động của trí tuệ và của ý chí. Tiến trình nhiệm xuất của Lời diễn ra qua một hoạt động trí tuệ. Hoạt động của ý chí – như thấy trong bản thân chúng ta – luôn kéo theo một thực trạng nhiệm xuất khác: nhiệm xuất tình yêu, qua đó, đối tượng được yêu hiện diện ở trong người yêu; cũng tương tự, qua những gì mà lời nói chuyển tải, đối tượng được nói đến, hoặc được hiểu, hiện diện ở trong tác nhân trí tuệ. Do vậy, bên cạnh tiến trình nhiệm xuất của Lời trong Thiên Chúa, còn tồn tại trong Người một tiến trình nhiệm xuất khác được gọi là nhiệm xuất tình yêu.”[57]

    Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, nên trong Thiên Chúa Ba Ngôi, mọi nhiệm xuất đều khởi phát trong Tình Yêu.[58] Cha sở hữu bản thể thần linh lúc Người cho đi (DH 528) – tức là tiến trình tự hủy nguyên thủy – và làm phát xuất Thần Khí trong tình yêu với Con, nhưng đồng thời, Người cũng sinh ra Con trong tình yêu (“Như Cha đã yêu Thầy...” Ga 15:9). Thánh Âugutinô nhận định rằng tình yêu hằng kiếm những ai ngang nhau hoặc làm cho họ trở nên ngang nhau. Trong Thiên Chúa, thực trạng nhiệm xuất – tức được sinh ra hay được phát xuất – là một “biến cố” đời đời, trong đó, tình yêu đảm bảo cho việc không có bất cứ một tình trạng lệ thuộc nào, bởi vì thực kiện nhiệm sinh-nhiệm xuất chỉ bao hàm việc đón nhận và tự trao ban cho lẫn nhau của các Ngôi Vị. Hiệp nhất tính theo bản thể, trong mối tương tại (perichoresis) của các Ngôi Vị, không loại trừ nhưng, trái lại, làm cho có thể và bảo toàn tính chất khác biệt giữa các Ngôi Vị thần linh; dù vậy, chính tình yêu đã cấu thành một mối hiệp nhất liên bản vị phong phú vô ngần, vốn mang tính chất giống hệt nhau trong từng ngôi vị và, cùng lúc, được biểu lộ theo một cung cách độc nhất và hoàn toàn khác biệt nhau. Óc suy luận dựa trên lý trí sẽ chẳng thể nào có khả năng làm cho sáng tỏ được các vấn nạn nan giải liên quan đến giáo lý; dù vậy, qua thái độ kết hiệp thâm sâu trong cầu nguyện – nhất là qua kinh nghiệm thần nghiệm – con người mới khả dĩ tìm được một lối ngả dẫn vào mầu nhiệm; và “khi đó, Chúa Thánh Thần sẽ xuất hiện hẳn như là mầu nhiệm của tình mật thiết và căn tính thần linh, của thực trạng tương tại hay bất nhị phân (advaita) giữa Cha và Con, và nhờ đó, của thực trạng bất nhị phân (advaita) giữa Thiên Chúa với con người.”[59]

    Đức Gioan Phaolô II viết: “Trong đời sống mật thiết của mình, Thiên Chúa ‘là tình yêu’ (x. 1Ga 4:8.16), là mối tình thiết yếu được sẻ chia với nhau giữa ba Ngôi Vị thần linh: hiện thân của tình yêu là Chúa Thánh Thần, Đấng là Thần Khí của Cha và Con. Bởi đó, Người ‘thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa’ (1Cr 2:10) và là Tình Yêu-Ân Huệ vô tạo. Có thể nói rằng, trong Chúa Thánh Thần, đời sống mật thiết của Ba Ngôi Thiên Chúa trở nên một ân huệ trọn vẹn, một tình trạng chuyển thông của mối tương ái giữa các Ngôi Vị thần linh; và thông qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa hiện hữu trong dạng thức là ân huệ (Tổng Luận Thần Học, Ia, qq. 37-38). Chúa Thánh Thần chính là hiện thân của ân huệ tự trao ban, của tình yêu hằng hữu. Người là Ngôi Vị-Tình Yêu. Người là Ngôi Vị-Ân Huệ.”[60]

    Thánh Âugutinô nói rằng, trong bất cứ một hành vi biểu lộ tình yêu nào cũng đều có ba thực thể luôn được bao hàm: người yêu, người được yêu, và tình yêu.[61] Tự danh hiệu chỉ về Người (tức tự bản chất), Chúa Thánh Thần chính là tình yêu (ân huệ và sự thánh thiện); dù vậy, tình yêu đòi hỏi phải có hai bên đối tác trao cho nhau, tức là Cha và Con, Đấng sinh ra và Đấng được sinh ra, một “cặp đôi” có khả năng sinh xuất;[62] do đó, Ngôi Vị-Tình Yêu này đảm bảo cho hiệp nhất tính giữa các Đấng Yêu (Cha và Con) với thực trạng phân biệt (tức cá vị tính) của Người khỏi hai Đấng ấy; Người phát xuất từ cả hai nhưng như là từ một nhiệm xuất duy nhất. Vì thế, Chúa Thánh Thần được gọi là mối giao kết tình yêu giữa Cha và Con bởi hai Ngôi Vị này, với tình yêu thương lẫn nhau, hằng làm phát xuất Tình Yêu; nói cách khác, Người là mối hiệp thông đồng bản tính của Cha và Con.[63] Song dù gì, các phép loại suy như thế tỏ ra là hết sức bất toàn và chỉ có thể dẫn đến một kết luận duy nhất: trí óc con người không thể nào thấu suốt mầu nhiệm Thiên Chúa được. Tuy thế, cũng mong sao cuộc đối thoại thẳng thắn giữa các thần học gia thuộc hai bên, Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo, sẽ có thể đề xuất được một dạng cách tổng hợp mới mẻ, có khả năng làm cho trí óc no thỏa hơn, cũng như góp phần mang lại những cung cách thờ phượng


    ________________________________________
    [1] Bao hàm cả hậu cảnh của nền thần học Ba Ngôi; xem W. Kasper, The God of Jesus Christ, New York: Crossroad, 1984; G. O’Collins, The Tripersonal God; Understanding and Interpreting the Trinity, New York, 1999; D. Coffey, Deus Trinitas: The Doctrine of the Tri¬une God, New York, 2000.
    [2] Xin xem [tác phẩm chung] Metafore dell’invisibile, Brescia 1984.
    [3] Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, I q.37 a.1.
    [4] De Trinitate, V. xi.12; x. Joseph Ratzinger, “Retrieving the Tradition. The Holy Spirit as Communio: Concerning the Relationship of Pneu¬¬matology and Spirituality in Augustine,” Communio 25 (1998) 324-337.
    [5] Thông điệp Dominum et Vivificantem, số 10.
    [6] Xin xem Dt 6:4; Ga 4:10; 7:39.
    [7] “Người làm cho thiên thần của Người nên những luồng gió, và thuộc hạ của Người thành những ngọn lửa.” … “Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thần thiêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?” (Dt 1:7.14).
    [8] “Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nôê đóng tàu...” (1Pr 3:19-20).
    [9] “Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Ðức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ …” (Mt 8:16).
    [10] In Joannem, XIV, 4
    [11] In Joan., tr. xcix, 6, 7 trong P.L., XXXV, 1888.
    [12] Xin xem Donald P. Senior, 1 Peter, Sacra Pagina 15, Collegeville: The Li¬turgical Press, 2003, tt. 129-130.
    [13] Xem Marie-Dominique Molinié, Le Saint Esprit et la Gloire, Paris : Téqui, 1998; Ladaria Luis F., “La ‘unción de la gloria celeste’. Gloria y Espíritu Santo en Hilario de Poitiers”, Revista catalana de teología, 25 (2000) tt. 131-140
    [14] Xin xem McGrath, John J. S.J, Through the Eternal Spirit: An Historical Study of the Exegesis of Hebrews 9: 13-14, Rome: Prontificia Univ. Gregoriana, 1961.
    [15] Xin xem Raymond Brown, The Gospel according to John, Appendix V: “The Paraclete.”
    [16] Catechesis 17-V-89.
    [17] Về điểm này xin xem Paul Avis, God and the creative imagination: Metaphor, Symbol and Myth in Religion and Theology, Routledge, 1999.
    [18] Khoa ảnh tượng kitô giáo thường phác họa Thánh Thần trong biểu tượng ba con người, dựa theo thị kiến của Abraham ở Mamrê (x. St 18:2). Lối trình họa về Thánh Thần theo dạng thể con người đã bị Đức Bêniđíctô XIV (1745) cấm chỉ; và luật cấm này đã được Thánh bộ Giáo lý Đức tin nhắc lại vào năm 1928. Chúa Thánh Thần phải được miêu trình theo dạng biểu tượng, chẳng hạn như là hình ảnh chim bồ câu, hoặc ngọn lửa.
    [19] Xin xem J. Daniélou, “Le symbolisme de l’eau vive,“ Rech. Sciences Rel. 32(1958) tt. 335-346; Benedict XVI, Jesus of Nazareth, New York: Doubleday, 2007, pp. 238-248.
    [20] Lời nguyện ban phép lành trên nước rửa tội trong nghi thức Canh thức Vượt qua.
    [21] Lời nguyện trong nghi thức làm phép dầu, vào ngày thứ Năm Tuần thánh, có đoạn như sau: “Lạy Cha, nhờ quyền năng của Thánh Thần, Cha đã xức dầu cho Con một Cha để Người trở nên Đấng Thiên sai và Chúa của công trình sáng tạo; Cha đã cho chúng con được thông phần vào tác vụ hiến thánh của Người trong Giáo hội. Xin Cha giúp chúng con biết trung thành làm chứng hầu thế gian có thể nhận biết ơn cứu độ mà Đức Kitô đã thực hiện cho toàn thể nhân loại.”
    [22] “Đấng Thánh” có thể mang ý nghĩa chỉ về Đức Kitô, hoặc về Thánh Thần, nhưng hiệu quả của việc xức dầu thì vẫn giống như nhau.
    [23] Buổi tiếp kiến ngày 22 tháng 10 năm 1990.
    [24] Nhưng biểu tượng này cũng ám chỉ về Ngôi Lời Hằng Hữu, như thánh Éphrem đã hiểu khi ngài biểu trình biến cố Nhập Thể như sau: “Một điều lạ lùng và gây hoang mang đối với tai nghe: lửa đã đi vào lòng; mặc lấy một hình hài và tiến ra!”: xem Hymns, 14.22.
    [25] Đức Giêsu coi cái chết của mình như là một ngọn lửa phán xét, như lời các ngôn sứ đã tiên báo (x. Dcr 13:9; Ml 3:2-3) và thánh Gioan Tẩy Giả đã nhắc lại (x. Lc 3:16-17). Văn đoạn này biểu lộ tính chất mập mờ, dù vậy, được áp dụng cho biến cố Hiện Xuống.
    [26] Donald J. Goergen, Fire of Love: Encountering the Holy Spirit, Pau¬list Press, 2006.
    [27] Xin xem Jesús Luzárraga, Las tradiciones de la nube en la Biblia y en el judaísmo primitivo, Roma: Pontificio Istituto Biblico, 1973; L. Sabourin, “The Biblical Cloud Terminology and Traditions,” Bibl. Theol. Bull. 4(1974) tt. 290-311.
    [28] Xin xem Michael A. G. Haykin, “‘In the Cloud and in the Sea’: Basil of Caesarea and the Exegesis of 1Cor 10:2”, Vigiliae Christianae, 40, số 2 (1986) 135-144.
    [29] Xin xem Kilian McDonnell, The Other Hand of God: The Holy Spirit As the Universal Touch and Goal, Michael Glazier Books, 2003.
    [30] Etymologies, Book VII.3.
    [31] De duabus naturis, 3.
    [32] Adversus Praxeam, 6.1; 7.8.
    [33] Về ý nghĩa của thuật ngữ hypostasis, xin xem François Bourassa, S.J., “Personne et conscience en théologie trinitaire,” Gregorianum 55 (1974): tt. 471-493, tt. 677-720; Luis Ladaria, La trinità, mistero di comunione, ed. Paoline, 2004, tt. 161-178.
    [34] De Trinitate, 1. IV. c. xxii.
    [35] Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, I, q.29, a.3.
    [36] Catechesis 26-IV-89.
    [37] Thông điệp Dominum et vivificantem, số 10.
    [38] Richard J. Bauckham, God Crucified. Monotheism and Christology in the New Testament, Grand Rapids: Eerdmans, 1999.
    [39] On the Holy Spirit, Ch. 10, các số 24-25.
    [40] On the Holy Spirit, Against the Macedonians.
    [41] Thánh Âugutinô, De Doctina Christiana, cuốn I, 5. 5.
    [42] Thuật ngữ Hy lạp này, perichoresis, được dịch sang tiếng Latinh là circuminsessio hoặc, đúng hơn, là circumincessio, có ý nghĩa chỉ về tình trạng nội tại hỗ tương hay là tình trạng cùng tương thuộc vào nhau của ba Ngôi Vị; thuật ngữ đó gợi lên ý niệm về một đời sống chung, trong đó, bản tính Thiên Chúa hằng luân chuyển từ Cha, qua Con, đến Thần Khí, Đấng là mối giao kết hay là mối tương ái giữa cả Ba Ngôi. Thuật ngữ này đã được dùng như là động từ, do thánh Grêgôriô thành Nadian (329-389), như là danh từ, do thánh Maximô Hiển tu (580-662) trong cuộc chống lại lạc thuyết nhất chí; còn với thánh Gioan thành Đamasô (675-749), thì thuật ngữ này đã được gán cho một ý nghĩa chuyên môn đầy đủ. Giờ đây, thuật ngữ này đã trở thành phổ biến rộng rãi, được dùng để nhấn mạnh ý niệm hiểu Thiên Chúa như là mối hiệp thông tình yêu, qua đó, các Ngôi Vị hằng trao ban chính mình, trong thực trạng hiệp nhất tuyệt đối. Đôi khi, chúng ta cũng bắt gặp một cách giải thích sai lạc về perichoresis, coi đó như là “khiêu vũ quay tròn!” Từ Hy lạp pericoresiV có nghĩa thực sự là “vũ điệu lượn vòng”; nhưng thuật ngữ thần học chúng ta đang bàn đến ở đây là từ pericwresiV, một thuật ngữ được dịch sát nghĩa là: “nhường nhịn xoay vòng,” tức là hành vi tự trao hiến cho lẫn nhau, việc chuyển thông đời sống thần linh, v.v..
    [43] Durand, Emmanuel, La Périchorèse des personnes divines: Immanence mutuelle, Réciprocité et communion, Paris: Cerf 2005.
    [44] Xem “The Filioque: A Church-Dividing Issue?” An Agreed Statement of the North American Orthodox-Catholic Theological Consul¬tation Saint Paul’s College, Washington, DC October 25, 2003; Spirit of God, Spirit of Christ: Ecumenical reflections on the Filioque con¬troversy, World Council of Churches, 1981; Jean-Miguel Garrigues, L’Esprit qui dit “Père!”: L’Esprit-Saint dans la vie trinitaire et le problème du filioque, Paris: Téqui, 1982; Riaud Alexis, Le Filioque: Origine et rôle de la troisième personne de la Trinité, Paris: Les fraternités du Saint-Esprit, 1989; Pontificio Consiglio per la Promozione dell’Unità dei Cristiani, Le tradizioni greca e latina a riguardo della processione dello Spirito Santo, Città del Vaticano 1996.
    [45] On the Divine Names 13.3.
    [46] “Đặc niệm” hay “đặc thù cách” là một thuật ngữ chuyên môn được dùng trong thần học Ba Ngôi. Thuật ngữ này có ý nghĩa chỉ về một nét đặc thù nào đó giúp cho nhận ra từng Ngôi Vị cũng như để phân biệt giữa các Ngôi Vị với nhau. Phẩm cách đó mang tính chất trừu tượng, bởi vì tất cả mọi danh hiệu cụ thể trong Ba Ngôi đều là các Ngôi Vị. Các phẩm tính đặc thù có thể kể ra là: bất khả thụ sinh tính, phụ tính, tử hệ tính, chủ xuy cách, và thụ xuy cách.
    [47] Về một cách thức bàn giải cổ xưa liên quan đến vấn đề này, xin xem A. Palmieri, “La procession du Saint-Esprit du Père et du Fils” trong A. Vacant, Dictionnaire de Théologie Catholique, V, 1913, col. 762-829.
    [48] Adversus Praxeam 4.
    [49] De Trinitate 2.29, PL 10.69. Patre et Filio auctoribus, được dịch theo các cách khác nhau: nhờ Cha và Con chấp thuận, hoặc: dựa vào Cha và Con.
    [50] De Trinitate 15.26.47; trong Jo Evang. tract. 99.8
    [51] Sermo 75.3.
    [52] De Spiritu Sancto 17.43; 18.47. Ngài cũng viết: “Mối tương quan của Thần Khí với Con cũng tương tự như của Con với Cha” (Ad Ser. 1.21), ý niệm mà thánh Baxiliô từng giải thích trong De Sp. Sancto, 43.
    [53] Contra Eunomim 1.
    [54] Epist. Cyrilli ad Nestorium, xiii.
    [55] De sancta et consubst. Trinitate 34, PG 75.585
    [56] Xin xem Alasdair I. C. Heron, The Holy Spirit, Philadelphia: Westmin¬ster Press, 1983, tr. 177; Frederick E. Crowe, Son of God, Holy Spirit, and World Religions: The Contribution of Bernard Lonergan to the Wider Ecumenism, Chancellors Address, số 2, Toronto: Regis College, 1984, tr. 8.
    [57] Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, I q.27 a.3.
    [58] Hans Urs von Balthasar, “The Holy Spirit as Love,” trong Creator Spi¬ritus, vol. 3 của Explorations in Theology, bản dịch của Brian Mc¬Neil, C.R.V. (San Francisco: Ignatius Press, 1993), tt.117-134.
    [59] Jacques Dupuis, S.J., Towards a Christian Theology of Religious Pluralism, Gujarat Sahitya Prakash, Anand, 2001, tr. 277.
    [60] Thông điệp Dominum et vivificantem, 10.
    [61] De Trinitate VIII, 10.14; IX.2.2.
    [62] Nhất thiết phải tránh ngộ nhận trong cách hiểu về các từ ngữ “cặp đôi” và cha-mẹ; bàn đến những thực tại thuộc lãnh vực mầu nhiệm như thế này, tất buộc phải dùng đến loại ngôn ngữ hoặc là lối biểu đạt mang tính cách ẩn dụ cao độ, trong đó, mọi dạng cách so sánh đều tỏ ra khập khiễng.
    [63] Quả là thú vị khi đọc thấy thánh Phaolô quy gán “ơn hiệp thông” cho Thần Khí: “Ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr 13:13).

  15. #15

    Mặc định

    V. Thần Khí với Giáo hội

    Trong phần trước, thiên chuyên khảo đã lược trình một số khía cạnh thiết yếu trong nội dung thần học về Chúa Thánh Thần, giúp cho hiểu được phần nào thực trạng hướng nội (ad intra) của Thánh Thần trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Phần tiếp theo đây sẽ – thay đổi cách tìm hiểu vấn đề từ phương diện “Người là” sang phương diện “Người làm” – bàn về các hoạt động đối ngoại (ad extra), “dành cho chúng ta,” của Thánh Thần. Ở đây, chúng tôi sẽ dồn chú tâm để biểu trình về hoạt động của Thần Khí trong Giáo hội và, trong chương kế tiếp, sẽ bàn đến các hoạt động của Người nơi “linh hồn” hay “tâm hồn” các cá nhân. Khi viết rằng “đây luôn là những ngày (lưu ý số nhiều) Hiện xuống,”[1] Ôrigênê đã coi đời sống Giáo hội như là “một cuộc Hiện xuống bất tận”. Thụ tạo của Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo hội được triệt để cấu thành như là “dân tộc được làm cho nên một với hiệp nhất tính của Cha, Con và Thánh Thần.”[2] Thế nên, trong lãnh vực này, hoạt động của Thánh Thần cần phải được tìm hiểu trước tiên.


    Sứ mạng của Chúa Thánh Thần
    Trong Tân Ước, có thể đọc thấy một số văn đoạn trình bày về một dạng “sứ mạng” của Thánh Thần. Sau khi đề cập đến sự việc Đức Giêsu hứa ban “dòng nước hằng sống”, thánh Gioan đã nhận định như sau: “bấy giờ, họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (7:39). Về sau, qua lời tâm sự trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu công bố rằng: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng ấy sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (14:26); rồi Ngài quả quyết: “Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (16:7; x. 15:26). Cuộc Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần được hiểu như là biến cố làm cho hoàn tất lời hứa ấy, như lời thánh Phêrô rao giảng: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2: 33). Đây chính là sứ vụ hữu hình của Chúa Thánh Thần.


    Tuy thế, một số văn đoạn kinh thánh khác cũng ám chỉ đến một sứ vụ vô hình của Người, như thấy khi thánh Phaolô quả quyết: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi!’” (Gl 4:6; x. Pr 1:12).

    Qua những gì văn đoạn Ga 16:14-15 trình tả, có thể nhận ra rằng sứ mạng của Thần Khí luôn được liên kết với sứ mạng của Con. Vì lẽ đó, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã nhắc đến một “sứ mạng phối hợp” giữa Con và Thần Khí:
    “Thần Khí của Con, Đấng mà Chúa Cha hằng tuôn ban vào lòng chúng ta, đích thực là Thiên Chúa. Đồng bản tính với Cha và Con, Thần Khí bất khả phân ly khỏi các Đấng ấy; Người hiện diện cả trong đời sống nội tại của Ba Ngôi, lẫn nơi ân huệ tình yêu dành cho thế giới... Lúc gửi Ngôi Lời đến thế gian, Chúa Cha cũng gửi cả “Sinh Khí” của Người đến nữa. Trong sứ mạng phối hợp của cả hai, Con và Thánh Thần phân biệt với nhau, nhưng không phân ly khỏi nhau. Nói cách chắc chắn, Đức Kitô là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, nhưng chính Thần Khí là Đấng vén tỏ cho thấy [hình ảnh đó]” (số 689).

    Và bởi vì được biểu lộ qua việc Thiên Chúa can thiệp vào trong lịch sử con người, nên sứ mạng ấy đã mặc lấy các “dạng thái” khác nhau tùy vào từng giai đoạn lịch sử cứu độ; dựa theo đó, các thần học gia đã phân chia thành: một sứ vụ trong cuộc tạo dựng, một sứ vụ trong Cựu Ước, trong Tân Ước và trong Giáo hội. Về vấn đề này, Sách Giáo Lý đã giải thích như sau:
    “Từ khởi nguyên cho đến “thời viên mãn,” sứ mạng phối hợp giữa Ngôi Lời với Thần Khí của Chúa Cha, dù bị che khuất, vẫn hằng tiến diễn. Thần Khí của Thiên Chúa chuẩn bị cho thời kỳ của Đấng Mêsia. Tuy chưa được mạc khải trọn vẹn, nhưng cả hai Đấng ấy đã được hứa ban để nhân loại sửa soạn mà đón nhận lúc các Ngài tỏ mình ra. Bởi đó, khi đọc Cựu Ước, Giáo hội để ý tìm kiếm trong đó những điều mà Thần Khí, ‘Đấng phán dạy qua các ngôn sứ,’ muốn trình bày cho chúng ta về Đức Kitô” (số 702).

    Dùng phép loại suy cho hơi thở và lời nói, thần học đã đọc ra sứ vụ vô hình của cả Lời lẫn Thần Khí qua lệnh truyền của Cha: “Hãy có ánh sáng” (St 1:3). Như thế, hễ bất cứ lúc nào Lời của Thiên Chúa được gửi đến một ngôn sứ nào đó, thì Thần Khí cũng được gửi kèm theo; bởi đó, kinh Tin kính mới tuyên xưng rằng “Thần Khí đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy.” Khi thời gian đến hồi viên mãn, Thần Khí đã ngự xuống trên Đức Maria và, nhờ đó, Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm.

    Các sứ vụ ấy được coi như là các dấu hiệu mạc khải, nghĩa là, tiết lộ cho thấy một thực trạng nào đó nơi bản tính của các Ngôi Vị thần linh. Cha không bao giờ được sai đi – tức, Người không thể được sai – bởi Người chẳng phát xuất từ đâu cả... Con được Cha sai đi, vì Con được Cha sinh ra. Tương tự, Thần Khí được Cha và Con sai đi, bởi vì Người phát xuất từ cả hai. Thần học đã nỗ lực để tìm cho ra một vài nguyên do ẩn kín đằng sau thực kiện ấy, và thánh Tôma Aquinô đã cắt nghĩa như sau:
    “Thiên Chúa đối xử với mọi sự tùy theo bản tính của chúng. Là thích hợp với bản tính con người việc dựa vào những điều hữu hình để giúp cho thấy những gì vô hình; do vậy, quả là thích đáng việc Thiên Chúa vô hình được mạc khải cho con người thông qua các thực tại hữu hình. Như thế, bằng cách này hay cách khác, Thiên Chúa cũng đã mạc khải cho con người về các cuộc nhiệm xuất đời đời của hai Ngôi Vị qua một số dấu chỉ nơi các thụ tạo hữu hình. Theo cách thức tương tự, cả những sứ mạng vô hình của các Ngôi Vị thần linh cũng đã được vén tỏ cho thấy qua một số thụ tạo hữu hình, dù là theo những cung cách biểu lộ khác nhau của Con và của Thần Khí. Chúa Thánh Thần, Đấng phát xuất theo tư thế là Tình Yêu, chính là ân huệ thánh hóa. Nguyên lý của Thánh Thần, Con chính là tác giả của ân huệ thánh hóa ấy. Bởi đó, Con đã được sai đến một cách hữu hình như là Tác giả của ơn thánh hóa; tuy vậy, Thánh Thần cũng đã được sai đến như là dấu chỉ của ơn thánh hóa đó.”[3]

    Vị Tiến sĩ Thiên thần giải thích rằng Con đã được sai đến trong tư thế là con người Đức Giêsu Kitô. Bên cạnh đó, Thần Khí cũng được sai đến, hiện diện qua các dấu chỉ hữu hình như là chim bồ câu nơi biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, hoặc như là áng mây trong cuộc biến hình; Người đã được sai đến với các Tông đồ như là hơi thở được thổi ra vào buổi chiều phục sinh, và như là lưỡi lửa cháy rực trong ngày lễ Ngũ Tuần xưa kia. Các sứ vụ vô hình của Thần Khí được biểu lộ lúc một tội nhân lãnh nhận ơn công chính hóa qua phép rửa, khi một tín hữu nhận lãnh các đặc sủng dành riêng qua việc đặt tay (nơi các bí tích Thêm sức và Truyền chức Thánh, hay lúc đọc kinh cầu khẩn Thánh Linh trước khi truyền phép), hoặc cũng có thể được biểu hiện theo một cung cách nào đó, âm thầm hay mãnh liệt, tùy ý Người lựa chọn hầu tỏ cho thấy sự hiện diện của mình nơi một tâm hồn.

    Sứ mạng của Thần Khí, do Cha và Con, nhằm vào việc hiện tại hóa, giữ cho nguyên vẹn và đưa đến mức viên thành sứ mạng của Đức Kitô, bởi vì nguồn gốc của Người là ở nơi Đức Giêsu: “Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:15), Người làm chứng cho Đức Kitô (x. Ga 15:26) và giải thích những lời Đức Kitô đã nói (x. 16:13-14). Việc Người ngự đến đã khai nguyên một thời đại mới cho Giáo hội.

    Thần Khí cũng được sai đến thế gian như là nguyên cớ làm dấy lên cảnh trạng xung đột, giống như lửa tương khắc với nước vậy: “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử” (Ga 16:7tt); “thế gian” ở đây có nghĩa là thế giới con người dưới ách thống trị của tội lỗi. Tội lỗi ở đây chính là tình trạng cự tuyệt việc đón nhận Đức Giêsu, Tin mừng và sứ mạng của Ngài; còn đức công chính – tức là, vinh quang mà Cha ban tặng cho Con vì lòng tuân phục Con đã biểu lộ ra trên Thập giá – sẽ nhằm vào việc xét xử tên Đầu sỏ thế gian, tức Satan, hầu mang ơn cứu độ đến cho con người. “Thánh Thần – qua việc đặt tội lỗi vào tư thế đối nghịch với Thập giá Đức Kitô trong nhiệm cục cứu độ (do đó, có thể nói là ‘tội đã được cứu’) – giúp chúng ta có thể hiểu được rằng sứ mạng của Người cũng nhằm vào việc ‘kết án’ tội lỗi vốn dĩ đã bị xét xử (‘tội đã bị kết án’) cách dứt khoát rồi.”[4] Mối xung đột đó sẽ vẫn còn tiếp diễn cho đến cuộc Chúa quang lâm.


    “Linh hồn của Giáo hội”
    Lễ Ngũ Tuần được coi như là sinh nhật của Giáo hội. Thánh Thần đã được gửi đến cộng đoàn tín hữu gồm cả thảy lối một trăm hai mươi người (x. Cv 1:15) – con số mang tính cách tượng trưng cho tính cách đầy đủ của đoàn thể tín hữu trong một cộng đoàn thờ phượng – và thánh Luca trình bày cho thấy rằng “tất cả” mọi người tụ tập ở một nơi, và “từng người một” đều đã lãnh nhận tràn đầy Chúa Thánh Thần (x. 2:1.3.4): biến cố toàn thể Giáo hội đã được sinh ra – “bằng sinh khí”, tức được Thần Khí “làm cho trở nên sống động” – không phải là một sự kiện riêng biệt chỉ xảy ra trong lần duy nhất ấy mà thôi, nhưng là một tình trạng kéo dài vĩnh viễn nhằm vào việc làm cho hoàn tất các điều Chúa đã hứa: Người sẽ ngự trong các môn đệ (x. Ga 14: 17), dạy dỗ họ (x. 14:26; 16:13), làm chứng cho Đức Kitô (x. 15:26). Bởi đó, công đồng Vaticanô II đã triển khai giáo huấn về việc Đức Kitô “cho chúng ta được thông phần vào Thần Khí của Ngài, Đấng duy nhất đang hiện hữu nơi Đầu và trong các chi thể, Đấng tuôn ban sự sống, tạo mối hiệp nhất và luân chuyển khắp cả thân mình. Các Giáo phụ thánh đã ví cung cách Người thi hành tác vụ ấy như là nguyên lý sự sống – tức là linh hồn – làm cho thân thể con người trở nên trọn vẹn” (LG 7).[5]

    Thần học cảnh báo việc không nên đẩy phép ẩn dụ đi quá xa, tức không nên hình dung một dạng “ngôi hiệp” giữa Thần Khí với Giáo hội! Tuy vậy, nếu giữ được các giới mức của phép loại suy kiểu này, thì có thể vững vàng mà xác tín rằng Thánh Thần hoạt động như là năng lực dẫn dắt trong Giáo hội. Trong ngày Ngũ Tuần, Người đã hoạt hóa “thân mình” các môn đệ, giúp họ trở nên những nhân chứng sống động cho Đức Kitô trước thế giới. Ngày nay, theo lời nhận định của Đức Gioan Phaolô II, ý niệm đó giúp tránh được mối nguy hoặc quá thiên về chủ nghĩa tự nhiên cánh chung – tức quên đi khía cạnh siêu nhiên của Giáo hội – hoặc quá ngả về chủ thuyết thần nghiệm cánh chung – tức quên đi rằng Giáo hội là một đoàn thể của con người và, hơn nữa, của các tội nhân – để nhờ đó, giữ được một thế trung dung giữa các yếu tố thần linh và nhân loại trong Giáo hội.[6] Nếu phần hồn giữ cho phần xác khỏi bị kiệt quệ thể nào, thì Thần Khí cũng giữ cho Giáo hội luôn sống động và trung thành với Chúa của mình thể ấy; Người là nguyên lý “bất khả mai một” – như lời Đức Giêsu đã hứa (x. Mt 16:18). Người cũng là nguyên lý năng động của hành động, của các phong trào canh tân hay của các tác động nhẹ nhàng đối với công việc tông đồ hằng ngày.[7]
    Sự hiện diện của Thần Khí làm cho Giáo hội trở nên một “thực thể thần nhân,” tức một xã hội bao hàm cả hai thực tại là thần linh và nhân loại. Các yếu tố “thần linh” vừa có tính cách hữu hình (Lời Chúa, các Bí tích...) vừa có tính cách vô hình (Đức Kitô là Đầu, Thần Khí, ân sủng, các đặc sủng...). Một thực thể như thế chỉ có thể được xác định rõ ràng qua việc dùng đến các hình ảnh và biểu tượng mà thôi; do đó, Kinh Thánh mới gọi Giáo hội là Thân mình Đức Kitô, Hiền thê Đức Kitô, Đền thờ Thần Khí. Chính Thần Khí nối kết Giáo hội vào Đức Kitô – ở đây, Người cũng được coi là “Dây se Tình yêu” – và truyền ban sinh lực giúp Giáo hội triển vươn đến “tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (pleuroma) (Ep 1:23; 4:13).

    Là đền thờ, Giáo hội “được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu” (2:20), và phát triển lên được là nhờ khả năng hiệp lực của tất cả các chi thể mình, như lời thánh Phêrô khuyên nhủ: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người nhờ Đức Giêsu Kitô” (1Pr 2:5); song dù gì đi nữa, chính Thần Khí mới là Đấng làm cho những “viên đá” ấy trở nên sống động, mang lại một hiệu lực siêu nhiên cho các hoạt động của từng chi thể Giáo hội và biến đổi các sinh hoạt hằng ngày của Giáo hội thành những “lễ tế thiêng liêng.” Và nhờ đó, bộ mặt tự nhiên xét về cơ cấu tổ chức cũng như các hoạt động trong Giáo hội mới trở nên một “bí tích” – dấu chỉ – trong đó, tiềm ẩn chiều kích hoạt động của Thần Khí.

    Suốt dòng lịch sử, Thần Khí bảo đảm tính liên tục cho sứ mạng của Đức Kitô: “Sứ mạng của Đức Kitô và của Thánh Thần được đưa đến mức thành tựu trong Giáo hội vốn là Thân thể Đức Kitô và là Đền thờ Thánh Thần. Từ nay trở về sau, sứ mạng phối hợp ấy mang đến cho các tín hữu của Đức Kitô khả năng dự phần vào mối hiệp thông của Ngài với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Thần Khí chuẩn bị cho con người và ban cho họ ân sủng Người hầu lôi kéo họ đến gần Đức Kitô. Thần Khí vén tỏ cho họ thấy dung mạo của Chúa Phục Sinh, nhắc cho họ nhớ lại lời Ngài đã nói với họ, soi lòng mở trí để giúp họ hiểu được biến cố Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Người hiện tại hóa mầu nhiệm Đức Ki¬tô, biểu lộ cách tỏ tường nhất qua Thánh Lễ, để hòa giải họ và đem họ vào mối hiệp thông với Thiên Chúa, hầu họ có thể “sinh hoa kết quả dồi dào.”[8] Do vậy, khi thấy Giáo hội – theo tư thế là một thân thể duy nhất – hoặc thấy các chi thể Giáo hội hành động đúng theo giáo lý và cung cách của Đức Kitô, thì có thể nói ngay được rằng: “Ngón tay của Thiên Chúa đang hiện diện ở đấy,” bởi vì chắc chắn rằng khi đó, Thần Khí có mặt ở đằng sau những biến cố hữu hình.
    Qua kinh Tin kính, kitô hữu tuyên xưng Giáo hội “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”; đó là các “đặc điểm” của Giáo hội, hay nói cách khác, là các nét đặc trưng hữu hình giúp nhận diện được thực thể gọi là Giáo hội.

    Duy nhất tính mang ý nghĩa tương đương với hữu thể; một mảnh vỡ của thực thể bị phân rẽ thì không còn là chính nó nữa. Bản tính, hay duy nhất tính, là nguyên lý của hành động; những thứ gẫy vỡ thì không thể hoạt động được nữa, những thực thể bị chia tách cũng không cách gì thể hiện được chức năng vốn có như lúc chúng còn nguyên vẹn. Một tấm gương nứt rạn muôn mảnh chẳng thể nào phản chiếu được hình ảnh trọn vẹn, ngoại trừ những mảnh phân tán, rời rạc của hình ảnh đó mà thôi. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu đã cầu nguyện để xin Cha củng cố tình trạng hiệp nhất giữa các môn đệ Ngài: họ phải trở nên một “để thế gian tin” (Ga 17:21). Tiêu đích Giáo hội nhắm đến là việc phải trở nên “bí tích ban ơn cứu độ” cho thế giới. Bí tích là dấu chỉ hay biểu tượng diễn tả và chuyển ban ân sủng; nếu dấu chỉ ấy bị rạn vỡ, thì nó sẽ không còn có thể biểu thị cho thích đáng điều gì được; và cứ như thế. Bởi vậy, hiệp nhất tính ấy là ân huệ do chính Thánh Thần ban tặng: “chỉ có một Thân thể duy nhất, một Thần Khí duy nhất” (Ep 4:4). Chính “linh hồn” đó làm cho tất cả các chi thể trong thân mình được hiệp nhất với nhau và cùng nhau hít thở một thứ Sinh khí duy nhất là Đức Ái. Nhưng tội lỗi – vốn là thứ loại trừ Đức Ái – đã ra sức hủy hoại hiệp nhất tính; và đó là điều từng thấy xảy ra suốt trong dòng lịch sử. Trong cảnh trạng tồi tệ của cuộc ly khai Kitô giáo, Thần Khí đã không hề khoanh tay thúc thủ, nhưng đã khuấy động lòng khao khát và sức hành động của người kitô trên bước đường tiến về lại với tình trạng hiệp nhất, như công đồng Vaticanô II đã xác quyết:
    “Ở khắp mọi nơi, có rất nhiều người đã cảm nhận được sức thôi thúc do ân sủng Thánh Thần; và, nơi các anh em ly khai của chúng ta, cũng đã thấy một phong trào tái lập mối hiệp nhất giữa mọi kitô hữu với nhau đang trên đà tăng triển ngày một sâu rộng hơn” (UR 1).

    Về vấn đề này, thiên khảo luận sẽ đề cập rộng hơn trong phần sau; còn ở đây, chỉ xin bàn về hiệp nhất tính trong lòng Giáo hội Công giáo mà thôi. Thánh Phaolô đã cầu nguyện cho các cộng đoàn kitô hữu được “đồng tâm nhất trí” (x. Rm 15:5) với nhau, “duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí mang lại” (Ep 4:3); tinh thần hiệp nhất ấy, các kitô hữu thường lơ là, bỏ quên, và đợi đến khi mọi sự đã trở nên muộn màng rồi mới giật mình sực tỉnh. Chính qua đời sống cầu nguyện, người kitô mới cảm nghiệm được cách thích đáng nhất, sự hiệp nhất ấy, bởi vì chính Thần Khí duy nhất ấy là Đấng khai mở mọi con đường tiến về với Cha (x. Ep 2:18). Mức độ phong phú của các ân huệ có thể trở thành nguyên nhân gây ra tình trạng chia rẽ một khi chúng bị chiếm đoạt để làm của riêng cho các cá nhân hay cho một đoàn nhóm nào đó – như sự việc đã từng xảy ra thời trước trong giáo đoàn Côrintô – và sẽ dẫn đến việc phân chia thành các bè phái chống đối nhau; thánh Phaolô đã nghiêm khắc nhắc nhở các tín hữu Côrintô rằng hết thảy mọi ân huệ dồi dào đều phát xuất từ một Thần Khí duy nhất (x. 1Cr 12:11.13). Công đồng Vaticanô II cũng đã lên tiếng nhắc nhở rằng ngay cả việc phân bổ trong cơ cấu của Dân Thiên Chúa thành hàng giáo phẩm và giới giáo dân, cũng là một ân huệ do Thần Khí ban tặng:
    “Thần Khí hướng dẫn Giáo trong chân lý toàn vẹn; Người hiệp nhất Giáo hội trong ơn hiệp thông và trong các thừa tác vụ; Người huấn luyện và dẫn dắt Giáo hội trong các ân huệ phẩm trật và đoàn sủng; Người tô điểm Giáo hội bằng hoa trái của Người” (LG 4).
    Thánh thiện tính rõ ràng là một hiệu quả đặc thù do Thần Khí mang lại. Trước hết, có thể nói ngay rằng đặc tính thánh thiện của Giáo hội không phải là một phẩm chất do chính các chi thể tạo nên, mà là do việc Giáo hội lãnh nhận được ân huệ trở nên Thân thể Đức Kitô. Giáo hội mang trong mình các phương tiện ban ơn thánh hóa, như Lời Chúa, các Bí tích, và sứ mạng mà Đức Kitô đã ủy thác cho, như Công đồng Vaticanô II viết:
    “Chúng tôi tin Giáo hội – mà Thánh Công đồng tuyên xưng là mầu nhiệm – là thánh thiện một cách bất khả khuyết. Quả vậy, Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng cùng với Cha và Thánh Thần, được ca tụng là ‘Ðấng thánh duy nhất,’ đã yêu thương Giáo hội như hiền thê mình, và đã hiến thân để thánh hóa Giáo hội (x. Ep 5:25-26). Người kết hiệp với Giáo hội, coi đó như là thân thể duy nhất của Người và dẫn đưa Giáo hội tiến về sự hoàn thiện qua việc ban cho dư đầy ân huệ Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa” (LG 39).

    Vì lẽ đó, “Dân Thánh của Thiên Chúa” (LG 12) được kêu gọi để nên thánh (x. LG ch.V). Những hoa trái thánh thiện do chính Thánh Thần ban tặng, có thể kể ra là việc có nhiều vị thánh trong Giáo hội – những vị được tôn phong, cũng như những vị vô danh nặc tánh – rồi, ân huệ giúp kitô hữu sống trung thành mỗi ngày với Thiên Chúa; ơn tha thứ mọi tội lỗi, mọi nơi và mọi lúc. Bên cạnh đó, còn có mặt bên kia của sự thánh thiện, là thực trạng tội lỗi và hàng ngũ các tội nhân; chỉ dõi sơ bước đường lịch sử Giáo hội đã đi qua thì cũng đã có thể liệt kê ngay được cả một danh sách dài về những khuyết điểm, lỗi lầm cũng như những thái độ bất trung; bởi đó, “Vì ôm ấp vào lòng những kẻ có tội, nên dù thánh thiện, bao giờ Giáo hội cũng vẫn thấy cần phải ra sức thanh tẩy chính mình. Do đó, Giáo hội không ngừng nỗ lực để sám hối và canh tân” (LG 8). Chính giữa tình huống căng thẳng như thế giữa ân sủng và tội lỗi, Thần Khí đã phái gửi các “ngôn sứ” của Người đến, tức là các thánh nhân, những nhà cải cách, các đấng sáng lập dòng tu, những vị khai sáng các phong trào. Mọi thứ ân huệ khác mà Thần Khí ban tặng đều chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất: sự thánh thiện, vốn là tiêu đích tối hậu mà Giáo hội, cũng như từng chi thể Giáo hội, nhắm tới. Sự thánh thiện chính là ân huệ trác tuyệt nhất trong tất cả mọi ân huệ, bởi vì đó là ơn được thông dự vào bản thể Thiên Chúa là Đấng Thánh duy nhất: “To solus sanctus”, “Chỉ có Ngài là Đấng Thánh” – như Phụng vụ Giáo hội hằng hát mừng. Và thánh Phaolô đã khích lệ cộng đoàn tín hữu của mình: “Ý muốn của Thiên Chúa là việc anh em nên thánh” (1Th 4:3).

    Công giáo tính[9] biểu lộ tính chất đa dạng hết sức dồi dào mà Giáo hội thâu tập nơi mình, cũng như giới trình bộ mặt hữu hình của đoàn sủng vô hình với hết mọi vẻ phong phú của nó. Biến cố Ngũ Tuần làm hiện lộ rõ ràng đặc tính công giáo đó qua danh sách liệt kê các dân tộc khác nhau cùng tụ họp để lắng nghe sứ điệp Tin mừng (kerygma) thánh Phêrô công bố (x. Cv 2:9-11). Tính từ “công giáo” đã được bổ sung vào các công thức thánh tẩy của Giáo hội từ rất sớm (x. DH 2.3.4.5. v.v.) nhằm giúp phân biệt giữa Giáo hội đích thực của Đức Kitô với các giáo phái khác (từ Hy lạp haire¬sis bao hàm các nghĩa sau đây: “phe” (x. Cv 5:17), “phái” (24:5), “sự chia rẽ” (x. 1Cr 11:19), “tà thuyết” (x. 2Pr 2:1) ... Nói đến “Công giáo” là nói đến các đặc tính “phổ quát”, “trọn vẹn” và “toàn diện” của Giáo hội Chúa Kitô. Trong lịch sử, tính từ “công giáo” đã thấy mang các ý nghĩa bao quát hơn; về các ý nghĩa này, Sách Giáo Lý giải thích như sau:
    ‘Công Giáo’ là ‘phổ quát’ theo nghĩa ‘toàn diện’ hay ‘toàn vẹn’. Hội Thánh là Công Giáo theo hai nghĩa: Hội Thánh là công giáo vì Đức Kitô hiện diện trong Hội Thánh. ‘Ở đâu có Đức Kitô Giêsu, ở đó có Hội Thánh Công Giáo’ (th’ Inhaxiô Antiôkia 8.2). Nơi Hội Thánh hiện hữu Thân Thể Đức Kitô trọn vẹn, kết hợp với Đầu; (x. Ep 1:22-23), vì tiếp nhận từ Người ‘trọn vẹn các phương tiện cứu độ’ (x. AG 6) theo ý Người muốn: tuyên xưng đức tin chân thật và đầy đủ, đời sống bí tích toàn vẹn, và thừa tác viên được thụ phong để liên tục kế nhiệm các tông đồ. Theo ý nghĩa căn bản này, Hội Thánh là công giáo trong ngày Lễ Ngũ Tuần và mãi mãi là công giáo cho đến ngày Chúa quang lâm. Hội Thánh là công giáo vì được Đức Kitô sai đến với toàn thể nhân loại” (số 830).

    “Công giáo” không những là một nét đặc trưng có tính cách xã hội của Giáo hội, mà còn là một chiều kích căn bản trong cấu trúc của Giáo hội nữa; bởi vì, nếu không có đặc tính đó, thì Giáo hội hẳn không còn là Giáo hội nữa; cũng như chính thực thể Giáo hội, đặc tính “công giáo” phát xuất từ nơi Thiên Chúa, như giáo huấn công đồng Vaticanô II dạy:
    “Ðặc tính phổ quát ấy, sáng chói nơi Dân Thiên Chúa, là một ân huệ do chính Thiên Chúa ban; nhờ đó, Giáo hội công giáo hằng nỗ lực cách hữu hiệu để quy tụ toàn thể nhân loại cùng với những gì tốt lành nơi họ dưới một Thủ Lãnh là Chúa Kitô, trong sự hiệp nhất với Thánh Thần. Nhờ đặc tính công giáo này, mỗi phần tử mang những ân huệ riêng tư mình đến các phần tử khác và cho toàn thể Giáo Hội; do đó, toàn thể và mỗi phần tử tăng triển nhờ hiệp thông với nhau, và nhờ nỗ lực tiến đến viên mãn trong sự hiệp nhất. Vì thế, Dân Thiên Chúa được tạo thành không những do các dân nước quy tụ lại với nhau, nhưng còn do các chức vụ khác nhau trong nội bộ nữa” (LG 13).

    Nếu đức tin là một ân huệ do Thần Khí ban cho, thì tình trạng trọn vẹn của đức tin đó diễn tả mức độ dồi dào của ân huệ. Tính chất phong phú của các đoàn sủng là nét đặc trưng rõ rệt nhất của công giáo tính, bao hàm trong vô số những nghi lễ phụng vụ, các dạng loại thần học, các thừa tác vụ, các ơn gọi, các phong trào... Một dạng ân huệ đặc thù mà Thần Khí ban cho là khả năng Giáo hội có thể đâm rễ vào hết thảy mọi nền văn hóa (công cuộc hội nhập văn hóa), khả năng cử hành việc thờ phượng bằng hết mọi ngôn ngữ, cũng như việc đủ sức giữ vững bản sắc của mình qua mọi thời đại. Đặc tính đó diễn tả tính năng động của Giáo hội, không ngừng được tái tạo nhờ sức tác động của Thần Khí. Thần Khí giữ cho mọi cánh cửa Giáo hội luôn ở thế rộng mở – tiếp sức để Giáo hội nới rộng các giới hạn của mình ra – trước sức thúc bách của sứ mạng được trao phó. Công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Vì phát nguyên từ chính sứ mạng của Con và Thánh Thần, theo kế hoạch Cha đã định, nên Giáo hội lữ hành mang trong mình bản chất truyền giáo” (AG 2); sứ mạng truyền giáo của Giáo hội “được thúc bách do chính công giáo tính của Giáo hội” (AG 1). Thần Khí là Đấng linh ứng các ơn gọi truyền giáo (AG 23) và, trên thực tế, Người đóng giữ vai trò chủ đạo – tức như tác nhân chính yếu – đối với sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Chính nhờ Thần Khí, Đấng truyền ban các ý muốn của Người, mà đặc tính “công giáo” của Giáo hội mặc lấy ý nghĩa, để mở lòng ra mà sẵn sàng bước vào cuộc phiêu lưu khám phá những điều mới mẻ và bất khả tiên lượng, để mở lòng ra trước những điều kỳ diệu, trước tha nhân, trước cảnh giới thẳm sâu của mầu nhiệm...

    Tông truyền tính – biểu lộ thực trạng của việc Giáo hội khởi đầu với các Tông đồ, tiếp tục sứ mạng của các Tông đồ và gìn giữ kho tàng đức tin do các Tông đồ truyền lại.[10] Tầm trọng yếu của đặc tính tông truyền cốt ở tiến trình “kế nhiệm tông đồ,” tức là, ở thực trạng và ý nghĩa của việc giám mục đoàn trở thành đoàn thể kế nhiệm các Tông đồ trong tác vụ quản trị, giáo huấn và thánh hóa. Ở đây, thiên khảo luận sẽ không bàn sâu vấn đề này, nhưng chỉ muốn nêu bật cho thấy rằng sở dĩ Giáo hội vẫn duy trì được sự sống của mình qua mọi thời đại, kể từ thời các tông đồ cho đến nay, là nhờ Chúa Thánh Thần, “linh hồn” Giáo hội. Chúa Phục Sinh – qua hành động thổi Thần Khí Ngài vào các Tông đồ – dường như muốn tái tạo một cộng đoàn nhân loại mới: như khi xưa, Yahvê đã ‘thổi sinh khí vào lỗ mũi’ Ađam (St 2:7) thể nào, thì giờ đây, Đức Giêsu cũng “thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’...” (Ga 20: 22) thể ấy; rồi Ngài sai họ lên đường để tiếp tục sứ mạng Ngài đã khởi sự. Điểm cốt lõi trong đặc tính “tông truyền” là ở chỗ Giáo hội mang nơi mình sức sống của Thần Khí Đức Kitô. Do đó, Giáo hội được tạo dựng với tính chất tông truyền và, qua biến cố Thần Khí ngự xuống trên các Tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo hội được giới thiệu và ra mắt thế gian; Giáo hội ấy triển nở dần lên nhờ các chứng nhân tông đồ và nhờ có Thần Khí đồng hành: “Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người” (Cv 5:32); nhờ sức phối hiệp giữa các Tông đồ với Thần Khí, thừa tác vụ của Giáo hội đã được làm cho phong phú thêm lên: “Thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó” (6:3); Giáo hội được các Tông đồ và Thần Khí chuẩn nhận (x. 8:15-17), được hướng dẫn qua tiến trình hợp lực Tông đồ-Thần Khí: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định...” (x. 15:28); v.v.. Chính Thần Khí là Đấng gìn giữ để Giáo hội hằng trung thành với đức tin, là Đấng “trợ giúp” để Giáo hội có khả năng hiểu biết và thích nghi được với các nền văn hóa và các thời đại khác nhau (x. Ga 14:26; 16:7-14). Cách riêng, tông truyền tính trong thừa tác vụ được biểu lộ qua – cũng như có được hiệu quả là nhờ – cử chỉ đặt tay để, qua đó, trao ban đặc sủng Thánh Thần (x. 1Tm 4:14; 2Tm 1:6). Đoàn sủng tông truyền ấy được kêu cầu cách đặc biệt khi có những biến cố mang một tầm hệ trọng lớn lao, chẳng hạn như lúc các cộng đồng đại kết nhóm họp, hoặc khi Giáo hội tuyên bố những định tín bất khả ngộ; Đức Phaolô VI đã dùng công thức như sau để chuẩn ký vào bản Hiến chế Tín lý của công đồng Vaticanô II: “Tất cả và mỗi điều đã được xác định trong bản Hiến chế Tín lý này đều đã được các Nghị phụ Công đồng chấp thuận. Và, dùng quyền tông đồ mà Đức Kitô đã trao ban, cùng với các Nghị phụ Khả kính, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quy định và xác lập tín chế này, và truyền ban hành những gì đã được Công đồng quyết nghị, vì vinh danh Thiên Chúa.”


    Cơ cấu đoàn sủng?
    Có người nghĩ rằng Giáo hội cũng được thiết chế theo một cơ cấu đoàn sủng, tạo nên thế đối trọng tương ứng với cơ cấu phẩm trật;[11] về mặt giáo hội học, vấn đề này còn đang nằm trong vòng tranh luận. Một cách thức đặt vấn đề khác cũng được lưu ý đến là việc phân định rõ giữa các yếu tố thuộc hai khía cạnh, tức là “thuộc Phêrô” hay “thuộc Phaolô.” Ở đây, thiên chuyên khảo không đi vào các tranh điểm thuộc phạm vi giáo hội học, nhưng chỉ dồn hết chú tâm vào việc minh trình về thực trạng hiện diện và hoạt động của Thánh Thần trong đời sống Giáo hội mà thôi.

    Công đồng Vaticanô II đã ra sức làm sáng tỏ chiều kích đoàn sủng của Giáo hội.[12] Trưng dẫn thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, Hiến chế Tín lý về Giáo hội trình bày rõ ràng như sau:
    “Chỉ có một Chúa Thánh Thần ban những ân sủng khác nhau để làm ích cho Giáo Hội theo sự sung mãn của Người và tùy nhu cầu của công việc (1Cr 12:1-11)... Cũng chính Thánh Thần ấy, do bản tính tự nhiên của mình, hợp nhất thân thể bằng thần lực Người và bằng sự liên kết tinh thần các chi thể lại với nhau; như thế, Người làm phát sinh và hun đúc đức ái giữa các tín hữu. Vì thế, nếu một chi thể nào đau đớn, thì tất cả các chi thể khác đều bị đau đớn; và nếu một chi thể nào được vinh dự, thì tất cả các chi thể khác cũng chung phần hân hoan (x. 1Cr 12:26)” (số 7).

    Liên quan đến cơ cấu đoàn sủng của Giáo hội, Công đồng một mặt, làm sáng tỏ về hoạt động của Thần Khí trong tác vụ của các Giám mục (x. LG 21.24.27), cách riêng là qua quyền giáo huấn của Giáo hội (x. LG 25); và mặt khác, thì nhấn mạnh đến cảm thức đức tin của hết thảy các tín hữu (x. LG 12.35) cũng như về cách thức, qua Thánh truyền, suốt cả tiến trình lịch sử Giáo hội, Thần Khí đưa dẫn hết mọi kẻ có lòng tin vào trong chân lý (x. DV 8). Bởi đó, trong Giáo hội, không có bất kỳ một thứ quan hệ nào xác lập theo kiểu một chiều từ trên xuống dưới, giữa hàng giám mục với hàng linh mục (x. LG 28; PO 7; CD 16.28), hoặc giữa giới giáo dân với hàng linh mục và giám mục (x. LG 37; PO 9; AA 25). Dù Giáo hội không phải là một thể chế dân chủ – xét theo ý nghĩa hiện thời của thuật ngữ này – nhưng kết quả phát sinh từ hoạt động của Thần Khí lại làm cho Giáo hội có được một cách thức sinh hoạt dân chủ hơn nhiều.

    Giáo hội là một đoàn thể, trong đó, các đoàn sủng khác nhau tương tác lẫn nhau theo một cung cách phối hợp chặt chẽ, góp phần hài hòa đẩy mạnh sức tăng triển cho Thân thể. Hiện hữu theo cách thức ấy, Giáo hội được gọi là “Giáo hội hiệp thông”; nếu “Giáo hội hiện diện như ‘một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’” (LG 4), thế tất, Giáo hội chính là “mối hiệp thông của Thánh Thần” theo một cung cách năng động nhất. Các chức vụ khác nhau, kiến lập nên cơ cấu bên trong Giáo hội (x. LG 13), hằng được Chúa Thánh Thần duy trì và củng cố để luôn ở trong tình trạng hài hòa (x. LG 22). Do vậy, có thể nói được rằng Giáo hội không hề bị phân đôi giữa một bên là hàng giáo phẩm và bên kia là giới giáo dân; toàn bộ thân thể – tức Dân Thiên Chúa – mang tính chất vừa phẩm trật, mà cũng vừa đoàn sủng. Các “cấp bậc” trong Giáo hội, nói theo một cách nào đó, là hệ thống phân cấp giữa hàng giáo phẩm và giới giáo dân hay, nói theo một cách khác, giữa hàng giáo phẩm, giới giáo dân và bậc tu sĩ. Nhưng, tất cả đều thấm đượm sâu đậm ân sủng tiếp sinh lực của Thánh Thần. Nói cho cùng, ngay cả các đoàn sủng cũng được xếp theo hệ thống phân bậc.

    Có thể suy tư về thực trạng đó theo một cung cách khác qua việc dồn hết nỗ lực để đào sâu điều đọc gọi là ba tác vụ của Đức Kitô: kỳ thực, chỉ có một tác vụ duy nhất – làm Đấng Trung gian – với những chức năng khác nhau. Theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, mọi dân tộc phải hợp nhất thành một. “Chính vì mục đích này mà Thiên Chúa đã sai Con Ngài xuống, Ðấng mà Ngài đã đặt làm thừa kế vũ trụ (x. Dt 1:2), hầu trở nên Thầy, Vua và Tư Tế cho mọi người, và nên Thủ Lãnh của dân tộc mới và phổ quát của con cái Thiên Chúa” (LG 13). Phần tiếp theo sẽ trình bày chi tiết về các chức năng vừa nêu.


    Chức năng Vương giả
    Thánh Thần đã xức dầu tấn phong Đức Giêsu để Ngài trở nên Kitô, Đấng Thiên sai-Vua mà dân Ítraen trông chờ. Giờ đây, Ngài đang ngự trên ngai vinh hiển, bên hữu Chúa Cha, nắm trong tay hết thảy mọi uy quyền trên trời và dưới đất. Ngài là Đầu của Giáo hội, tức là Đầu của Thân thể, của Hiền thê, của Dân Ngài (x. Ep 1:22; 4:15; Cl 1:18; 2:19; Pl 2:6-11). Qua các tông đồ, Ngài hằng dõi theo từng bước đi – cũng như luôn ra sức che chở cho – đoàn con cái Ngài. Ngài đặt các tông đồ làm mục tử để họ tiếp tay Ngài trong nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên; và dù giờ đây đã ngự trên thiên đàng, nhưng các ngài vẫn tiếp tục dẫn dắt đoàn chiên Giáo hội.[13] Thuộc dân tộc vương giả, hết thảy mọi kitô hữu đều được dự phần vào chức năng đó: “Các kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, thì trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mỗi người” (LG 31). Nền tảng việc dự phần đó có là các bí tích: bí tích Thánh tẩy đối với tất cả mọi tín hữu và bí tích Truyền chức thánh đối với hàng giáo sĩ. Nơi bí tích Thánh tẩy, mọi Kitô hữu được nhận ơn xức dầu của Chúa Thánh Thần, và kết quả là mang lấy một mức độ trách nhiệm hết sức lớn lao đối với toàn thể Dân Thiên Chúa.

    Song trước hết, đó là trách nhiệm mỗi kitô hữu phải có đối với chính mình. Đề cập đến đời sống thiêng liêng cá nhân, thánh Ambrôxiô đã viết như sau: “Đích thực được gọi là vua, kẻ làm cho thân xác mình trở nên một chủ thể tuân phục và – qua việc làm chủ chính mình theo mức độ nghiêm túc thích đáng – nhất quyết không để các dục vọng làm phát sinh tình trạng nổi loạn trong tâm hồn; như thế, kẻ đó đang thực sự hành sử một dạng năng quyền vương giả trên chính bản thân mình. Và do nắm được cách thức cai trị con người mình theo tư thế của một vị vua, kẻ đó cũng được ngồi vào vị trí quan tòa trong việc xét xử chính mình. Kẻ đó sẽ không để mình bị cầm hãm trong ngục tù tội lỗi, hay phải đâm đầu vào chỗ ô trọc, hiểm nguy.”[14] Việc dự phần vào quyền thống trị của Đức Kitô trên hết muôn loài, mang đến cho người kitô một mức tự do lớn lao, một nhãn quan đích thực về các giá trị: “Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3:23), và một sức giải phóng khỏi nỗi lo sợ ác thần cùng quyền lực sự dữ (x. Ep 6:16; Cl 1:16; 2:15).

    Chức năng vương giả ấy cũng đòi phải đóng một vai trò tích cực trong việc điều hành Giáo hội.[15] Những đường nét có tính cách mục vụ của vai trò này đã được Giáo luật trình bày rõ (đk. 129 §2). Dù theo Giáo luật, vai trò chính yếu có thuộc về hàng giáo phẩm đi nữa, thì nguyên tắc phân quyền cũng đòi hỏi cần phải biết lưu ý đến và dung nhận các sáng kiến cũng như khả năng của hết thảy mọi thành phần khác trong Giáo hội.[16] Vả, “những dấu chỉ thời đại” (GS 4) – do bởi sức tác động của Thánh Thần – cũng đòi hỏi việc tham gia rộng rãi hơn của hết mọi liên hệ vào việc điều hành các tổ chức; các Giám mục Á châu dùng thuật ngữ “Giáo hội thông phần”[17] để biểu trình mô hình kiểu ấy của Giáo hội. Theo tinh thần hiệp thông và việc dự phần như thế (x. G. luật, đk. 228), một số chức năng đã được mở rộng để qua đó, giáo dân có thể tham gia vào các công tác quản trị giáo phận, chẳng hạn như: chưởng ấn (đk. 483 §2), quản lý (đk. 494), thẩm phán (đk. 1421 §2), hội thẩm (đk. 1424), kiểm toán (đk.1428 §2), thụ ủy và biện hộ (đk. 1483). Ở các quy mô cả giáo phận lẫn giáo xứ, giáo dân phải có tiếng nói trong Ủy ban Tài chính (đk. 492 §1; 537), trong Hội đồng Mục vụ (đk. 536), v.v.[18] Rõ ràng là nhờ được Thần Khí hướng dẫn, vai trò lãnh đạo của giáo dân đã trở nên nổi bật trong các Cộng đoàn Cơ bản, trong các phong trào canh tân, cụ thể là trong phong trào canh tân đặc sủng.

    Chức năng vương giả của Đức Kitô chủ yếu được thể hiện qua hàng giáo phẩm trong Giáo hội, vốn dĩ là hàng ngũ được thiết lập để trước hết, kế thừa trách vụ này. Công đồng Vaticanô II đã dạy rằng
    “Chúa Giêsu Kitô, Mục Tử vĩnh cửu đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện khi sai các Tông Ðồ như Chúa Cha đã phái Người (x. Ga 20:21), và Người đã muốn các đấng kế vị, tức các Giám Mục, làm chủ chăn trong Giáo Hội cho đến tận thế ” (LG 18).

    Ở đây, thiên chuyên khảo chỉ dồn chú tâm vào việc nêu bật điểm này là chức vụ vương giả ấy phát xuất từ ân huệ của Thánh Thần. Công đồng đã làm sáng tỏ một điểm giáo lý – về bản chất đoàn sủng của mọi “năng quyền” trong Giáo hội – vốn đã được thần học bàn cãi rất nhiều:
    “Ðể chu toàn nhiệm vụ cao trọng ấy, các Tông Ðồ được Chúa Kitô đổ tràn Thánh Thần cách đặc biệt (x. Cv 1:8; 2: 4; Ga 20:22-23). Và các ngài thông truyền các ơn thiêng ấy cho các cộng sự viên khi đặt tay trên họ (x. 1Tm 4:14; 2Tm 1:6-7). Và qua việc tấn phong Giám Mục, ơn thiêng ấy được thông truyền cho đến chúng tôi.[19] Thánh Công Ðồng dạy rằng, khi được tấn phong, các Giám Mục nhận lãnh sự trọn vẹn của bí tích Truyền Chức Thánh... của chức linh mục tối cao và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ.[20] Việc tấn phong Giám Mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và quản trị...” (LG 21).

    Giáo huấn của công đồng về việc Thần Khí ban phát “các ân huệ theo phẩm trật” cho Giáo hội (x. LG 4) làm cho nhớ lại lời thánh Phaolô từng giảng dạy: trong Giáo hội, Thần Khí “đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị...” (1Cr 12:28). “Tông đồ đoàn” hiện diện trong “giám mục đoàn”, đặc biệt là qua cử chỉ đặt tay, một nghi thức trao ban Thánh Thần (x. 1Tm 4:14; 5:22; 2Tm 1:6). Trong các nghi thức truyền chức phó tế, linh mục và giám mục, lời nguyện truyền phép mà truyền thống dùng đến là lời nguyện epiclesis (kinh cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống); mọi năng quyền trong Giáo hội đều phát xuất từ Thần Khí; chính vì lẽ đó mà công đồng mới đề cập đến dạng “ân huệ thiêng liêng mà các linh mục nhận lãnh qua việc thụ phong” (PO 10). Và do sự việc mọi quyền hành đều bắt nguồn từ đoàn sủng như thế, nên trong Giáo hội, không một chi thể nào được phép tỏ thái độ lạm quyền, trái lại, tất cả đều có bổn phận phục vụ lẫn nhau. Thánh Phêrô đã lên tiếng nhắc nhở các vị cầm quyền trong Giáo hội như sau: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy” (1Pr 5:2).


    Chức năng Ngôn sứ
    Đức Kitô là vị Ngôn sứ Cả, được Thần Khí xức dầu tấn phong, như chính Ngài đã công bố (x. Lc 4:17-21); việc xức dầu ấy phát xuất từ nơi Ngài – như từ Đầu của Giáo hội – và được truyền ban đến hết mọi chi thể. Từ thuở sơ khai của Giáo hội, đoàn sủng ngôn sứ đã được liên kết cách đặc biệt với Thần Khí. Có thể nhận thấy rõ rằng chức năng ấy được thông ban cho hết thảy những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, và mức độ thông phần vào chức năng đó được gia tăng thêm lên qua mỗi nghi thức xức dầu, tức là qua các bí tích Thêm sức và Truyền chức Thánh. Thêm vào đó, đoàn sủng này được nối kết cách đặc biệt với sứ ngôn, bởi vì hơi thở và lời nói, tức Thần Khí và Đức Kitô, luôn đi đôi với nhau. Thần Khí chính là Đấng mạc khải chân lý của Thiên Chúa (các mầu nhiệm), như lời thánh Phaolô diễn tả: “còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mạc khải [những điều đó] cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, vì Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa... nên chúng ta có thể nhận biết được những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta; để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần Khí” (1Cr 2:9-13).

    Nên phân biệt rõ giữa đoàn sủng ngôn sứ và tác vụ ngôn sứ; đoàn sủng ngôn sứ là thực trạng không thể tiên đoán và được thể hiện qua hành động; còn chức năng ngôn sứ thì có tính cách cố định như một chức vụ. Có thể đọc thấy trong Cv 21:9-10 một thí dụ điển hình về hai thực trạng vừa nêu: ở câu trước, thánh Luca trình bày sự việc ông Philípphê có bốn người con gái được ơn nói tiên tri, nhưng ngay trong câu sau, ngài nhắc đến ông Agabô, một ngôn sứ. Giờ đây, chức năng ngôn sứ, xét như một thể chế riêng biệt, không còn hiện diện trong Giáo hội nữa. Dù vậy... Thần Khí vẫn tiếp tục duy trì chức năng ấy theo một cung cách khác.

    “Tinh thần tiên tri” (PO 2) được trao ban cho hết mọi thành phần Dân Chúa – tùy cương vị riêng của mỗi người trong Giáo hội – hầu “sứ mạng ngôn sứ” của Đức Kitô có thể được duy trì cho đến ngày tận cùng lịch sử (x. LG 35). Việc dự phần có tính cách căn bản này vào tác vụ ngôn sứ của Đức Kitô tạo ra một khả năng dung nhận hết thảy mọi dạng ân sủng tiên tri cần thiết cho việc thi hành tác vụ của lời và làm chứng tá cho Đức Giêsu Kitô. Thánh Thần ứng đáp trước mọi thách đố của lịch sử (hoặc của Tội lỗi, Sự dữ và Thế gian) bằng cách kêu gọi một số chi thể thuộc đoàn thể ngôn sứ, tức Giáo hội, đứng lên để “nói tiên tri” – theo cung cách êm thấm nhẹ nhàng hoặc chấn động quyết liệt. Các ngôn sứ đi theo cung cách nhẹ nhàng, như: Mẹ Tê¬rêxa Calcutta, Đức cha Romero ở El Salvador, v.v.; hoặc là theo cung cách quyết liệt, như: Cha Daniel Berrigan, S.J., Đức tổng Giám mục Desmond Tutu, v.v.

    Đoàn sủng ngôn sứ có thể được thiết lập thành cơ chế, tựa như các ngôn sứ chuyên nghiệp trong Giáo hội sơ khai, hoặc như các Dòng tu hiện đang thấy. Các vị sáng lập dòng thường là những cá nhân được Thần Khí linh hứng để khởi xướng các công cuộc canh tân trong Giáo hội (chẳng hạn như thánh Phanxicô Átxidi, thánh Inhã Loyola, v.v.), và rồi, các dòng tu đã chào đời như là kết quả của các đoàn sủng đó. Đoàn sủng ngôn sứ mà các vị sáng lập dòng tu lãnh nhận tiếp tục được duy trì trong cộng đoàn của các ngài. “Các Nghị phụ công đồng đã đặc biệt nhấn mạnh đến đặc tính ngôn sứ của đời sống thánh hiến. Đặc tính ấy mặc lấy một dạng thể đặc biệt của việc dự phần vào chức năng ngôn sứ của Đức Kitô mà Chúa Thánh Thần đã chuyển thông cho toàn thể Dân Thiên Chúa.”[21]

    Các phong trào là những khí cụ của thần khí ngôn sứ thường được dùng để đẩy mạnh đà triển phát của một công cuộc canh tân nào đó trong Giáo hội. Thử nhớ lại chẳng hạn các phong trào khác nhau, như phong trào canh tân Phụng vụ, các nguồn liệu vốn có về Kinh thánh và kho tàng giáo huấn của các Giáo phụ, thậm chí cả chủ nghĩa tân đại nữa, v.v. để thấy chúng đã có thể được coi như là những bước sửa soạn cho Công đồng Vaticanô II; và rõ ràng hơn cả, phong trào canh tân đoàn sủng là bước hợp tác hữu hiệu nhất để Chúa Thánh Thần “thích nghi” với bầu khí Giáo hội hiện thời.



    Chức năng Tư tế
    Chức năng tư tế của Đức Kitô nói lên chiều kích trung gian của Ngài, qua hành vi thờ phượng và thánh hóa. Ngài là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với con người (x. 1Tm 2:5), là “vị Thượng tế siêu phàm” (x. Dt 4:14―5: 10), là Đầu của một Thân thể tư tế; bởi đó; thánh Phêrô đã gọi các kitô hữu là “hàng tư tế thánh... và vương giả” (1Pr 2:5.9). Qua bí tích Thánh tẩy, được dự phần vào chức tư tế của Đức Kitô, các kitô hữu có “quyền lợi và bổn phận” tham gia vào đời sống phụng vụ của Giáo hội (x. SC 14). “Chúa Giêsu ‘Ðấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trần gian’ (Ga 10:36) và đã được Chúa Thánh Thần xức dầu.[22] Người đã làm cho tất cả Nhiệm Thể của Người được thông phần vào sự xức dầu đó: vì trong Người, mọi tín hữu hóa thành một chức tư tế thánh thiện và vương giả để nhờ Chúa Kitô họ hiến dâng lên Thiên Chúa những lễ tế thiêng liêng, và tuyên xưng quyền năng của Ðấng đã gọi họ từ chốn tối tăm đến ánh sáng diệu kỳ[23]” (PO 2). Qua việc xức dầu bí tích rửa tội, Thần Khí thánh hóa những công việc thường ngày dù là nhỏ bé của người kitô, làm cho trở thành cuộc cử hành phụng vụ thiên quốc.

    Chức năng Tư tế được duy trì vĩnh viễn, đặc biệt là qua bí tích Truyền chức Thánh. Trong tiến trình ba bước của bí tích này – phó tế, linh mục và giám mục – Chúa Thánh Thần từng bước, làm cho một kitô hữu trở thành khí cụ thực thi chức tư tế của Đức Kitô. Nghi thức truyền chức biểu lộ rõ nét nhất một loạt các dạng biểu tượng chỉ về Thần Khí: lời kêu cầu Thánh Thần, cử chỉ đặt tay của giám mục và linh mục, việc xức dầu, kinh khẩn nguyện Thánh Thần, v.v.; tất cả các biểu tượng đó giúp cử tọa ý thức rằng Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của việc cử hành nghi lễ. Trong đời sống thường nhật của Giáo hội, các linh mục là những khí cụ Đức Kitô dùng để tiếp tục loan báo Tin mừng của Ngài, để ban ơn tha thứ tội lỗi, để cử hành Thánh Thể... hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha.



    Thần Khí Sự thật trong Giáo hội
    Đức Giêsu Kitô đã gửi Thần Khí Ngài đến để gìn giữ cho chân lý mạc khải được trọn vẹn và sống động trong Giáo hội Ngài. Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ rằng chính Thần Khí sẽ dẫn đưa họ tới sự thật toàn vẹn (x. Ga 16:13); có thể nói rằng sức dồn thúc – hay năng động lực – thu hút về với chân lý chính là nét đặc trưng trong hoạt động của Thánh Thần. Chẳng ai trên thế gian này có thể sở hữu được chân lý; đối với chân lý thần linh thì lại càng không thể; dù vậy, phương cách hữu hiệu nhất giúp con người nắm bắt được chân lý chính là việc biết trở nên kẻ kiếm tìm chân lý. Giáo hội là “cột trụ và điểm tựa của chân lý” (1Tm 3:15); đồng thời cũng được gọi với các danh tước khác, như: “kho tàng chân lý”, “Mẹ và Thầy”, “tòa khôn ngoan”, “thức giả về con người”, v.v... Điều xác đáng là các danh hiệu ấy đều tỏ cho thấy ân huệ của Thánh Thần, “linh hồn” của Giáo hội, lộ rõ trước tiên nơi “cảm thức đức tin” của Dân Thiên Chúa. “Toàn thể tín hữu, được Chúa Thánh Thần xức dầu (x. 1Ga 2:20.27), không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi ‘từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết’[24] đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa” (LG 12). Thánh Irênê đã diễn đạt hết sức súc tích về vấn đề ấy như sau: “Hễ nơi nào Giáo hội có mặt, thì nơi đó Thần Khí Thiên Chúa hiện diện; và ở đâu Thần Khí Thiên Chúa hiện diện, thì ở đó Giáo hội và mọi ân sủng xuất hiện; tuy nhiên, chính Thần khí mới là Chân lý.”[25] Thần Khí đó là Đấng truyền sinh khí, làm cho các thể chế và con người trở nên sống động.


    Chúa Thánh Thần với Kinh Thánh
    Kho tàng mạc khải thần linh – tức chân lý về Thiên Chúa mà Giáo hội gìn giữ – được kết tinh trọn vẹn trong Kinh Thánh. Đó là ân huệ Thần Khí ban tặng cho Giáo hội. Kinh Thánh là một dạng “bí tích của Lời”, tức là một dấu chỉ hữu hình biểu trưng một ý nghĩa vô hình; mối dây liên kết giữa dấu chỉ với ý nghĩa đó chính là Thần Khí. Không có Thần Khí, Kinh Thánh hẳn chỉ còn là một ngôi mồ chôn xác của Lời!

    Kinh Thánh là “lời Thiên Chúa” bởi đã được Thần Khí linh hứng. “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng (theópneustos: thần hứng/xuy), và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2Tm 3:16). “Thánh Kinh là lời Chúa nói, vì được ghi chép lại dưới tác động linh hứng của Chúa Thánh Thần; còn lời Chúa, mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các Tông Ðồ, thì Thánh Truyền lưu lại toàn vẹn cho những người kế vị các ngài, để nhờ Thần Chân Lý soi sáng, họ trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến qua lời rao giảng” (DV 9). Ngay từ thuở tạo thiên lập địa, “Hơi thở của Thiên Chúa” – tức Thần Khí – đã không ngừng mạc khải cho thấy ý định ban đầu của Thiên Chúa [về việc sẽ thiết lập Lời của Người trong Sách Thánh] qua bước tuyển chọn các vị tổ phụ để lập nên các truyền thống xa xưa, qua việc linh hứng trên các ngôn sứ và các tác giả thánh, rồi qua tiến trình tuyển lựa và kêu gọi những con người khôn ngoan, những người làm công tác sưu tập và biên soạn... cho đến khi Kinh Thánh – cuốn sách của các cuốn sách – chào đời; Thần Khí không ngừng mặc lấy một hình hài cho Lời của Cha, là Đức Giêsu, và linh hứng cho các tông đồ cùng những vị cộng tác với các ngài, cho Giáo hội cùng hết thảy những ai góp phần vào việc biên soạn, để rồi cuối cùng, bộ quy điển các Sách Thánh đã thành hình và được Giáo hội phê duyệt. Suốt trong tiến trình từ đầu chí cuối ấy, cũng chính Thần Khí là Đấng “thổi sinh khí”, biểu lộ tác động linh hứng của Người qua muôn vàn sắc thái. Chính vì thế mà lúc tuyên đọc Kinh Thánh, người tín hữu xác tín xưng lên: “Đó là Lời Chúa.”

    Không bao giờ ngừng, Thần Khí đó hằng tiếp tục truyền thổi... Và bởi vì lời nói và hơi thở – tức Đức Kitô và Thần Khí – luôn đi đôi với nhau, nên lúc nào Kinh Thánh được xướng đọc, thì lúc ấy, Thần Khí hiện diện; bởi đó, thần học coi việc đọc Kinh Thánh có giá trị như là một “á-bí tích”. Dù thế, Kinh Thánh không phải là cuốn sách có tính cách riêng tư, của một cá nhân nào đó, nhưng là cuốn sách của Giáo hội, trong đó, Thần Khí cư ngụ như trong một đền thờ. Để tránh việc “cá nhân hóa” cách giải thích lời Kinh Thánh, truyền thống đã trưng dẫn lời thánh Phê¬rô cặn dặn như sau: “Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh” (2Pr 1: 20); công đồng Vaticanô II cũng lưu ý rằng: “Vì Kinh Thánh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, nên cũng phải được đọc và chú giải trong Chúa Thánh Thần” (DV 12). Dù sao, một cuốn sách cũng chỉ là một dạng “văn tự chết”, và sở dĩ nó trở nên sống động là nhờ được đọc trong Thần Khí.

    Cách “đọc trong Thần Khí” như thế đối với Kinh Thánh, được thể hiện trước tiên qua nghi thức cử hành phụng vụ, trong đó, Thần Khí hiện diện ở một “mức độ tích cực” nhất; và ở đó, Kinh Thánh được công bố và giải thích trong Giáo hội, do Giáo hội và cho Giáo hội. Thứ đến, là đọc Kinh Thánh theo cách cá nhân, trong thái độ cầu nguyện, và để cho Thần Khí thổi sinh lực của Người vào các độc giả có lòng tin.

    Thiếu đi thái độ thiêng liêng kia, thì việc đọc Kinh Thánh sẽ trở thành khô cằn, vô ích. Có thể đan cử một thí dụ điển hình cho trường hợp này: di sản của các học giả nghiên cứu Kinh Thánh theo khoa học hiện đại; bám sát theo các quy chuẩn của trường phái phê bình-lịch sử, họ khảo xét Kinh Thánh hết sức tỉ mỉ giống như mổ xẻ để khám nghiệm một tử thi, hơn là nghiên cứu một thực thể sống động. Các Giáo phụ lúc nào cũng đọc Kinh Thánh với thái độ sùng mộ; các độc giả hiện đại, cũng như các nhà nghiên cứu Kinh Thánh, cần phải biết ra sức cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho không những ơn thông hiểu mà cả lòng đạo đức nữa.

  16. #16

    Mặc định

    Huấn quyền Giáo hội
    “Tác vụ truyền dạy chân lý” làm cho Chúa Thánh Thần phải khá bận rộn... Nói đến Huấn quyền là nói đến nhiệm vụ giáo huấn của Giáo hội, tức muốn nêu bật vai trò của các giám mục, xét như một đoàn thể, hoặc vai trò của đức giáo hoàng, xét như là vị đại diện đứng đầu đoàn thể ấy. Tác vụ giáo huấn đó phát xuất từ lệnh truyền của Đức Giê¬su: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10:16). Ở đây, thiên chuyên khảo sẽ không bàn sâu vào những chi tiết khúc mắc của điểm giáo lý này, mà chỉ đơn thuần nêu bật vai trò mà Thần Khí đóng giữ trong “cơ cấu” ấy của Giáo hội.[26]

    Cách chung, các thần học gia thường đề cập đến tác động “hộ trợ” của Thánh Thần. Song ở đây, chúng tôi không có ý định bàn về ân sủng trợ giúp, còn được gọi là hiện sủng hoặc ân sủng nhất thời, vốn xuất hiện trước – và hỗ trợ cho – ý chí con người trong bất cứ một phán quyết luân lý nào, nhưng chỉ muốn ám chỉ đến vai trò hộ trợ của Thánh Thần đối với việc truyền lưu mạc khải từ thế hệ này qua thế hệ khác trong Giáo hội, và được hiểu như là một dạng quan phòng đặc biệt. Giáo lý về vấn đề này hãy còn khá mập mờ vì được xây dựng dựa trên giả thuyết nhiều hơn là được khai triển từ luận đề, và ngôn ngữ dùng để biểu trình thì thường thiên về tính chất “thi ca” nhiều hơn là khoa học.[27]

    Dù có vài lần đề cập đến vấn đề, nhưng công đồng Vati¬canô II cũng đã không đề xuất một cách giải thích nào. Vấn đề đặt ra trước tiên là việc cần phải xác định cho thích đáng mối tương quan giữa huấn quyền với Kinh Thánh, đã từng được công đồng nêu lên như sau:
    “Nhiệm vụ chú giải chính thức lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền chỉ được ủy thác cho Huấn Quyền sống động của Giáo Hội, và Giáo Hội thi hành quyền đó nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên Huấn Quyền này không vượt trên Lời Chúa, nhưng để phục vụ Lời Chúa, chỉ dạy những gì đã được truyền lại, vì thừa lệnh Chúa và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thành tâm lắng nghe, gìn giữ cách thánh thiện và trung thành trình bày Lời Chúa. Và từ kho tàng duy nhất ấy, Giáo Hội rút ra mọi chân lý, mà dạy phải tin là do Thiên Chúa mạc khải” (DV 10).

    Dù lời phát biểu trên là xác thực, nhưng lối biện luận và các ý nghĩa hàm dung vẫn còn phức tạp. Song nói cho cùng, các giám mục không cần phải là học giả (mà nếu là học giả thì càng tốt), nhưng phải là chứng nhân.

    Được gọi là Huấn quyền Thông thường việc các giám mục thi hành nhiệm vụ giáo huấn trong tư cách là mục tử coi sóc các giáo hội địa phương của mình. Truyền thống Giáo hội đã coi các giám mục như là “những người đã lãnh nhận một đoàn sủng chắc chắn về chân lý, do việc kế vị trong chức Giám Mục” (DV 8). Giáo huấn của các ngài không có tính cách bất khả ngộ, nhưng có thế giá, bởi vì các ngài là những vị đứng đầu các Giáo hội địa phương. Có thể nêu ra đây một số hình thức thuộc dạng huấn quyền thông thường, như: thư mục vụ của các giám mục, thông điệp của các giáo hoàng, hoặc các văn kiện của công đồng Vaticanô II. Cách đây không lâu, đã thấy một thuật ngữ mới chào đời dưới tên gọi là “huấn quyền phổ quát thông thường”,[28] và tính cách chính thức của nó vẫn còn đang trong vòng bàn cãi quyết liệt. Công đồng Vaticanô II trình bày vấn đề này qua một cách nói hết sức chung chung:
    “Tuy mỗi giám mục riêng rẽ không có đặc quyền bất khả ngộ, nhưng dù tản mác khắp thế giới, nếu thông hiệp với nhau và với đấng kế vị Thánh Phêrô, các ngài cùng đồng ý dạy cách chính thức những điều thuộc đức tin và phong hóa là tuyệt đối buộc phải giữ, thì lúc đó các ngài công bố cách bất khả ngộ giáo thuyết của Chúa Kitô” (LG 25).

    Các điều kiện cần thiết để có được một thái độ đồng thuận như thế, cũng như vai trò của “cảm thức đức tin” mà toàn thể Dân Thiên Chúa có, là những vấn đề được thần học bàn luận rất nhiều. Dạng huấn quyền thông thường đó tuy không có tính cách bất khả ngộ nhưng nhất thiết phải được đón nhận với thái độ kính trọng và tuân phục; Đức Gio¬an Phaolô II đã coi thành quả mà một công nghị đạt được như là “các kết quả của một cuộc trao đổi ý kiến hào hứng, được Chúa Thánh Thần dẫn dắt qua các ân huệ chân lý và tình yêu của Người.”[29]

    Công đồng cũng đã đề cập đến một “đoàn sủng bất khả ngộ của toàn thể Giáo hội” (LG 25) và coi đó như là một ân huệ của Chúa Thánh Thần. Bất khả ngộ tính – xét về đại thể – là khả năng tránh khỏi nguy cơ mắc phải sai lầm hay khiếm khuyết, và – xét theo tính cách đặc thù trong cách dùng của thần học – là đặc quyền siêu nhiên được dành cho Giáo hội của Đức Kitô, nhờ một tác động hộ trợ thần linh đặc biệt, để giữ Giáo hội cho khỏi nguy cơ mắc phải sai lầm trong việc minh định và giảng dạy các vấn đề đức tin và luân lý. Ở đây, chúng tôi không bàn sâu về đặc quyền này, hay về các khả năng nới rộng và các điều kiện cần thiết cho việc thực thi nó, mà chỉ muốn nhận định rằng chính Thần Khí Sự thật là cội nguồn của đặc quyền vô ngộ ấy.

    Huấn quyền ngoại thường là dạng thi hành tác vụ giáo huấn theo một cung cách long trọng và dứt khoát; để hành sử dạng huấn quyền này, thì cần thiết phải có được ơn trợ giúp của Thần Khí nhiều hơn. Và huấn quyền dạng này thường được quy áp cho Giáo hoàng; công đồng Vaticanô I, trong khóa họp IV, phiên thứ 4, đã minh định rằng khi ban giáo huấn từ thượng tòa (ex cathedra), “nhờ sức hộ trợ thần linh đã hứa ban cho ngài qua thánh Phêrô, Đức Giáo chủ Rôma có được đặc ân vô ngộ mà Đấng Cứu chuộc đã muốn trao phó cho Giáo hội Người để minh định giáo lý liên quan đến đức tin và luân lý” (DH 3074). Công đồng Vaticanô II đã đưa ra một vài điểm bổ túc cho vấn đề như sau:
    “Ơn bất khả ngộ của chính Giáo Hội cũng hiện hữu nơi Giám Mục Ðoàn khi các ngài xử dụng quyền giáo huấn tối thượng cùng với đấng kế vị Thánh Phêrô. Do tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, Giáo Hội không thể không chấp nhận những phán quyết đó, và Chúa Thánh Thần bảo vệ và phát triển toàn thể đàn chiên Chúa Kitô trong sự hợp nhất đức tin” (LG 25).

    Dạng huấn quyền này thường được dùng đến trong các công đồng chung.
    Do đó, sở dĩ sứ mạng phục vụ chân lý trong Giáo hội có thể thực hiện được là nhờ tác động âm thầm của Thần Khí. Tác động hộ trợ đó được liên kết với bí tích Truyền chức Thánh và việc kế nhiệm tông đồ.

    Trong Giáo hội, còn thấy có một dạng tác vụ giáo huấn khác nữa, đó là: công tác giảng dạy của các thần học gia và các học giả, của các vị giảng thuyết và các giáo lý viên, cũng như của tất cả những ai thi hành công tác phục vụ Lời. Những người này cũng được dự phần – trong cùng một cách thức tương tự – vào lời hứa đưa dẫn đến sự thật toàn vẹn của Thần Khí. Mỗi người đều được lãnh nhận các ân huệ và đặc sủng dành riêng cho mình vì ích chung của toàn thể Giáo hội. Tuy nhiên, nhờ ơn trợ giúp của Thần Khí, một số người còn được quyền “tham gia vào cơ chế” khi họ là những thừa tác viên chính thức thuộc cộng đoàn kitô hữu (các linh mục xứ, các giáo vụ được bổ nhiệm) hoặc thuộc tác vụ giảng dạy thần học (được ủy nhiệm theo giáo luật).


    Đời sống độc thân
    Có thể nói một vài điều vắn gọn về đặc sủng này. Hàng tu sĩ được coi như là “các ngôn sứ cơ chế” trong Giáo hội hiện thời; hễ nói đến đời sống độc thân, thì hàng tu sĩ là hình ảnh đầu tiên hiện lên trong trí. Đời sống này đương nhiên cũng bao hàm các thành viên thuộc hàng giáo sĩ triều, theo nghi điển Latinh, cũng như rất nhiều những người âm thầm sống theo ơn gọi ấy mà hiếm khi cộng đồng xã hội chung quanh nhận ra.

    Nói về đời sống độc thân của mình, thánh Phaolô đã viết như sau: “Tôi ước muốn mọi người đều như tôi; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác” (1Cr 7:7); bởi đó, ngài coi đời độc thân như là một ân huệ tuyệt hảo do Thần Khí ban tặng, và ước mong rằng ai cũng có thể lãnh nhận được ân huệ ấy. Từ thuở sơ khai Kitô giáo, có rất nhiều người đã chọn đời sống này.[30] Công đồng Vaticanô II gọi đó là một ân huệ của Chúa Cha:
    “Sự thánh thiện của Giáo Hội cũng được đặc biệt khích lệ bởi nhiều lời khuyên Chúa đã đề ra trong Phúc Âm cho môn đệ noi theo. Trong những lời khuyên ấy, trước hết phải kể ân huệ cao quí mà Chúa Cha ban cho một số người (x. Mt 19:11; 1Cr 7:7), để họ tận hiến trọn tình yêu không chia xẻ cho một mình Chúa cách dễ dàng hơn, trong bậc đồng trinh hay độc thân (x. 1Cr 7:32-34)” (LG 42).

    “Ðức khiết tịnh ‘vì nước Trời’ (Mt 19:12), mà các tu sĩ khấn giữ, phải được quí trọng như một ân huệ cao cả của ơn thánh,” vốn dĩ mang lại lợi ích trước hết cho người lãnh nhận nó, như công đồng đã nhận định: “...đời sống độc thân kết chặt họ vào Thiên Chúa theo một cách thức khả dĩ đem lại ích lợi cho con người toàn diện của họ” (PC 12). Trong một xã hội ra sức vứt bỏ khả năng lựa chọn đó, thì ân huệ ấy là một chứng cứ hùng hồn cho Đức Giêsu Kitô và Nước của Ngài, bởi vì nó hằng lên án các hình thức tôn thờ ngẫu tượng tình dục.

    Đời sống cộng đoàn là mối hiệp thông sống động trong nỗ lực cùng nhau làm cho mức phong phú đoàn sủng tăng thêm lên. Công tác phục vụ mà họ thực hiện, phát xuất từ đoàn sủng riêng biệt Thần Khí đã đặt để nơi mỗi hội dòng – là hoa trái đầu tiên nẩy sinh từ sức sáng tạo đoàn sủng của vị sáng lập. Cộng đoàn Tu sĩ không chỉ là hiện thân của đặc tính thánh thiện trong Giáo hội, nhưng còn hơn thế nữa. Trong Tông huấn Đời sống Thánh hiến (Vita conse¬cra¬ta), Đức Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Đức khiết tịnh trong bậc độc thân và đồng trinh – như là thực trạng biểu lộ việc dâng hiến cho Thiên Chúa với trọn cả con tim (x. 1Cr 7:32-34) – phản ánh tình yêu vô biên nối kết Tam Vị Thần linh lại với nhau trong mầu nhiệm thâm sâu của sự sống giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, tình yêu mà Ngôi Lời Nhập thể đã ra sức làm chứng cho đến độ tận hiến cả mạng sống mình, tình yêu mà ‘Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta qua Thánh Thần’ (Rm 5:5).[31] Chúa Thánh Thần tuôn ban các đoàn sủng của Người, đặc biệt như là cung cách ứng đáp trước “các dấu chỉ thời đại”; trên thực tế, mỗi một tu đoàn tân lập đều nhằm vào việc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó; trong thời đại chúng ta, các tu hội đời có thể được coi như một trường hợp điển hình. Ngoài ra, tính chất đa dạng của các tu hội này còn là một dấu chỉ sống động cho thấy sự phong phú của Thần Khí.

    Về đời tận hiến, đáng lưu ý hơn nữa là đời sống đan tu: “Thánh Thần – Đấng đã dẫn Đức Giêsu vào hoang địa (x. Lc 4:1) – hằng mời gọi các nữ tu tham dự vào đời sống cô tịch của Đức Kitô Giêsu, Đấng, “nhờ Thần Khí hằng hữu thúc đẩy” (Dt 9:14), đã tự hiến tế chính mình cho Chúa Cha.”[32]

    Đời sống độc thân theo dạng đoàn sủng này giúp hướng mở về một viễn cảnh tương lai tuyệt đối, bởi thường xuyên ở trong tư thế sẵn sàng để đón mừng Đấng sẽ ngự đến... Bậc sống độc thân chủ yếu nhằm vào việc mưu ích cho Nước Thiên Chúa, chứ không nhắm đến lợi ích do các việc tông đồ mang lại, dù cũng đóng góp một phần đáng kể vào công cuộc đó. Đời sống này được duy trì nhờ niềm trông cậy vào Nước Chúa, và là một chứng cứ sống động cho thấy rằng thế gian này rồi cũng sẽ “qua đi”, và các thực tại thế gian sẽ không tài nào làm no thỏa được cõi lòng con người mang những khát vọng vô biên. Qua chứng cứ của đời sống thánh hiến, Thần Khí sẽ xét xử thế gian, đối đầu với nó bằng một ‘nhân sinh và vũ trụ quan’ khác, một hệ thống giá trị khác và với một niềm trông cậy ngược hẳn. Hơn bất cứ tại một nơi nào khác, chính ở trong tâm hồn các Tu sĩ, “Thần Khí và Tân Nương nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’” (Kh 22:17).


    Chúa Thánh Thần trong Phụng vụ
    Phụng Vụ – trong tiếng Hy lạp có nghĩa là “dịch vụ công” – là việc phụng tự chính thức của Giáo hội. Thoạt đầu, thuật ngữ “thần vụ” đã được phổ biến trong nghi lễ La¬¬¬tinh, nhưng từ thế kỷ thứ 16 trở về sau, truyền thống Bi¬dănxiô đã đề xuất và sử dụng thuật ngữ “phụng vụ”. Phụng vụ bao hàm nhiều hành vi thờ kính, và các nghi thức quan trọng thường thấy là Thánh Lễ và các Bí tích, Phụng vụ các Giờ kinh, nghi thức An táng, và một số nghi thức thờ phượng chung khác. Chính trong đời sống phụng vụ của Giáo hội, người kitô dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Phụng vụ không phải là một hoạt động riêng tư của bất kỳ ai, nhưng là sự vụ mà Giáo hội thi hành với tư cách là Nhiệm Thể Đức Kitô, là Hiền Thê của Con Chiên, là Đền Thờ của Thần Khí.[33]

    Phụng vụ chính là lãnh vực hoạt động của Thần Khí,[34] bởi vì chức năng đặc thù của Ngôi Ba là công cuộc vinh hóa Đức Kitô và Cha; việc tác vụ của Thần Khí là vinh quang (x. 2Cr 3:8). Từ thưở sơ khai Giáo hội, người kitô thường cảm nghiệm về Thần Khí qua việc cử hành phụng vụ; chẳng hạn có thể đọc thấy trong trường hợp của giáo đoàn Côrintô. Đức Giêsu bảo rằng hành vi thờ phượng đích thực phải diễn ra “trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4:23tt); điều đó có nghĩa là: tuân giữ Tin mừng đích thực với lương tâm ngay thẳng, “chúng ta thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người” (Pl 3:3). Cộng đoàn thờ phượng thực sự trở thành Đền thờ của Thần Khí, được xây nên bằng những viên đá sống động (x. 1Cr 3:16; 1Pr 2:5). Được Thần Khí “đóng ấn tín,” người kitô mới có thể hô lên “Amen” trong kinh nguyện để tôn vinh Thiên Chúa qua Đức Kitô (x. 2Cr 1:20-22).

    Phụng vụ được coi như là một cuộc “hồi niệm”, tức là hoạt động tái diễn – hoặc hiện tại hóa – toàn bộ mầu nhiệm cứu chuộc qua Kinh Thánh và các nghi thức; hết thảy mọi nghi thức phụng vụ đều thấm quyện vào trong Thánh Thần, Đấng linh hứng cho Lời và truyền ban sinh lực cho đời sống Giáo hội. Phụng vụ của Giáo hội Công giáo mang chiều kích Tam Vị: từ việc làm dấu Thánh giá “Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” cho đến việc đọc “Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” – một công thức do chính thánh Badiliô đặt ra – nhằm biểu thị cho thấy rằng mối hiệp nhất của nhiều người (tức chiều kích cộng đoàn) phải được coi là chủ đích nhắm đến của hành vi phụng vụ. Trong phụng vụ, mọi nghi thức phụng thờ, tôn vinh, cũng như các kinh nguyện, đều quy về Chúa Cha – dùng từ “Thiên Chúa” là muốn ám chỉ đến Chúa Cha – qua Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Phụng vụ của Giáo hội là một bí tích – một hình ảnh trung thực, một cuộc hồi niệm, hoặc một cuộc tái diễn – của phụng vụ thiên quốc và của phụng vụ hoàn vũ, trong đó hết thảy mọi thụ tạo – đã được Cha ban cho ơn hiện hữu – hoàn trả mọi sự cho Người bằng cách tôn vinh Người qua Con và trong Thánh Thần.[35]

    Đời sống phụng vụ là một thực trạng biểu lộ việc hợp tác giữa Thần Khí với Giáo hội. Trước hết, yếu tố nhân loại, tức cộng đoàn, phải được chuẩn bị sao để ở trong một tư thế sẵn sàng hầu có thể đón nhận mầu nhiệm của Đức Kitô với “thái độ tâm hồn thích hợp” và để tham dự vào phụng vụ “một cách ý thức, linh động và hữu hiệu” (SC 11). Kế đến, Thần Khí gợi nhắc cho các tín hữu nhớ về mầu nhiệm của Đức Kitô (x. Ga 14:26); đó là chức năng mà phụng vụ Lời Chúa – cùng với “biến cố tưởng niệm” qua việc cử hành kinh nguyện Thánh Thể – nêu rõ, với tiêu đích nhắm tới là “tưởng nhớ đến Thầy”. Thứ ba, Thần Khí hiện tại hóa mầu nhiệm Đức Kitô: “Lạy Chúa, chúng con tha thiết nài xin Chúa hãy dùng quyền năng Chúa Thánh Thần mà thánh hóa những của lễ [bánh và rượu] chúng con dâng tiến Chúa đây, để trở nên Mình và Máu Con Chúa...” (lời khẩn cầu Thánh Thần I, Kinh nguyện Thánh Thể III). Thứ tư, Thần Khí làm cho Mầu nhiệm ấy đâm hoa kết trái: “...xin Chúa nhân từ ban cho tất cả những ai sẽ thông phần cùng một bánh và chén này, được Chúa Thánh Thần quy tụ tất cả thành một thân thể, trở nên hiến lễ sống động trong Đức Kitô” (lời khẩn cầu Thánh Thần II, Kinh nguyện Thánh Thể IV). Thần Khí hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu đang tụ họp, trong lời được công bố và nội tâm hóa, nơi vị chủ tế – hiện thân của việc đồng cử hành lễ Tạ ơn của Giáo hội và Đức Kitô – và nơi bánh, rượu được thánh hiến, nơi cộng đoàn đã được thánh hóa để sai đến với thế gian... Tình trạng thấm quyện vào nhau của lời và bánh, của Đức Kitô với Thần Khí, mật thiết và khắng khít đến độ giờ đây, Giáo hội đã không còn nhắc đến hai bàn tiệc nữa, nhưng chỉ đề cập đến một bàn tiệc duy nhất của lời và bánh mà thôi.[36]

    Thần Khí hoạt động cách đặc biệt nơi các bí tích. Các bí tích mở đầu (Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể) được gọi là khai tâm, tức là các bí tích dẫn nhập vào mầu nhiệm. Nghi thức làm phép nước rửa tội, trong đêm canh thức Vượt qua, khởi đầu với lời nguyện như sau: “Ngay từ lúc vũ trụ khởi nguyên, Thánh Thần Chúa đã bay là trên mặt nước, để từ đó nước hàm chứa năng lực thánh hóa muôn loài,” và kết thúc với lời khẩn cầu Thánh Thần (epiclesis): “Lạy Chúa, nhờ công ơn Con Một Chúa, xin cho nước này tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần.” Nhờ đó, người đã lãnh phép rửa nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần trở nên đền thờ của Thần Khí, nhận được “Thần Khí ban ơn làm nghĩa tử” (Rm 8:15; x. Gl 4:5-6). Trong bí tích Thêm sức, nghi thức đặt tay và xức dầu, hoặc “đóng ấn tín” là những hình ảnh biểu trưng cho mức tuyệt đỉnh của việc Chúa Thánh Thần thông ban các ân huệ. Vị giám mục chủ tế cầu khẩn Thiên Chúa ban Thánh Thần với lời nguyện như sau: “Xin hãy tuôn ban Thánh Thần của Chúa trên họ [các người lãnh bí tích Thêm sức] để Người trở nên Đấng Phù trợ và Đấng Dẫn dắt họ. Xin ban cho họ thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức; xin ban cho họ được đầy ơn kính sợ Chúa.” Tiếp đó, với nghi thức xức dầu thánh trên trán, vị giám mục chủ tế đặt tay trên họ và đọc rằng: “Hãy lãnh nhận ấn tín của Ân huệ Thánh Thần.” Bí tích Thánh Thể kết thúc tiến trình khai tâm kitô giáo.

    Giờ đây, đặc biệt là trong các phạm vi thuộc đoàn sủng, thường nghe đề cập đến “phép rửa trong Chúa Thánh Thần.” Lời tuyên hứa trong nghi thức thánh tẩy Kitô giáo hàm chỉ một kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần: “Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3:11).[37] Lời diễn tả hùng hồn đó của thánh Gioan Tẩy Giả gợi cho nhớ về các phép ẩn dụ Cựu Ước đã dùng để coi lửa như là phương cách thanh tẩy (x. Is 1:25; 6:5-7; Dcr 13:9; Ml 3:2-3; Hc 2:5; v.v.). Trước cuộc thăng thiên, Đức Kitô đã nhắc lại lời hứa ban phép rửa ấy cho các tông đồ: “Ít ngày nữa, anh em sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1:5); và lời hứa đó đã được hiện thực hóa trong ngày lễ Ngũ Tuần dưới hình thức là cơn gió và các lưỡi lửa. Đức Giêsu là người đầu tiên lãnh nhận phép rửa đó, và Ngài đã liên hệ nó với Thập giá và cuộc Tử nạn (x. Lc 12:49-50). Người kitô cũng được lãnh nhận phép rửa đó nữa, như Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ “chịu phép rửa mà chính Ngài đã chịu” (x. Mc 10:38). Phép rửa người kitô lãnh nhận – tất nhiên là bằng nước – luôn là phép rửa theo dạng này: “Anh em không biết rằng khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?” (Rm 6:3). Một số giáo phái Ngũ Tuần đã phân biệt phép rửa “trong lửa” như một dạng phép rửa khác; trong Kitô giáo, luôn chỉ có một phép rửa duy nhất, qua đó, Thần Khí được trao ban như là ân huệ tha thứ mọi tội lỗi (ngọn lửa thanh luyện và khơi dậy lòng thống hối). Cách biểu đạt “phép rửa trong Chúa Thánh Thần” ám chỉ đến một dạng kinh nghiệm cảm quan về Thần Khí – dưới trạng thái xuất thần hoặc qua các hình thức tương tự khác – thường thấy xuất hiện nơi những buổi cầu nguyện nhóm có khuynh hướng thiên về các yếu tố tâm lý. Lối diễn tả “trong lửa” biểu thị tác động nhen lên ngọn lửa trong tâm hồn các tín hữu để họ đủ sức thực thi thừa tác vụ mà Tin Mừng đòi hỏi. Các dạng kinh nghiệm như thế có thể là hữu ích, nhưng không cần thiết phải có và cũng chẳng hề là dấu chỉ nói lên mức độ thánh thiện cao hơn.

    Các bí tích chữa lành (Hòa giải và Xức dầu) cũng trở nên hữu hiệu nhờ Chúa Thánh Thần. Bí tích Hòa giải là tác vụ đặc biệt của Thần Khí Tình Yêu, của Đấng kiến tạo tinh thần hiệp nhất, như phụng vụ thưa lên qua những lời cầu trong các Kinh nguyện Thánh Thể. Chỉ cần đề cập đến công thức giải tội – trong đó, linh mục giải tội nhắc lại cho nhớ rằng “Thiên Chúa là Cha hay thương xót... đã ban Thánh Thần để tha tội,” và tuyên bố việc tha tội “nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” – thì cũng đã đủ để diễn tả trọn vẹn về tác vụ hòa giải của Thần Khí. Bí tích Xức dầu được chuẩn bị qua việc ban phép lành trên dầu bệnh nhân, với lời khẩn cầu thường lệ: “Xin hãy gửi Chúa Thánh Thần, là Đấng ban ơn trợ giúp và là Bạn hữu của con người, xuống trên dầu này...” và được ban cho bệnh nhân với công thức sau đây: “Qua phép xức dầu thánh này, nhờ tình yêu và lòng nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ người này.”

    Các bí tích giúp xây dựng cộng đoàn (Truyền chức Thánh và Hôn phối) mang một tính chất đặc biệt. Phép Hôn phối không có một công thức phụng vụ, bởi vì đôi bạn đời chính là những thừa tác viên, và Thiên Chúa chỉ biến đổi hôn nhân tự nhiên thành bí tích. Bí tích Truyền chức Thánh là một nghi thức đượm đầy sự hiện diện của Thần Khí; song ở đây, bài viết không bàn sâu vào vấn đề này, mà chỉ muốn lưu ý đến các “dạng” khẩn cầu Thần Khí khác nhau xin Người ngự xuống trên mỗi thụ viên thuộc các cấp khác nhau trong phẩm trật thánh chức: đối với bậc phó tế, vị giám mục chủ tế cầu xin cho các thụ viên được lãnh nhận “Chúa Thánh Thần, để họ có thể trở nên vững mạnh nhờ bảy ân huệ Chúa Cha ban...”; đối với bậc linh mục: “xin hãy để Thần Khí thánh thiện đổi mới tâm can họ”; còn bậc giám mục thì được ban cho “Thần Khí cai quản”.

    Kinh Thần vụ, hoặc Phụng vụ các Giờ kinh, là lời kinh chính thức của Giáo hội. Nó được cấu thành từ các bản văn Kinh Thánh, đặc biệt là các Thánh Vịnh, lời kinh của dân Thiên Chúa qua Thần Khí của Người; đó là nguyên mẫu của lời kinh “linh hứng”.


    Thần Khí tràn đầy
    Ngọn gió thổi vào cánh buồm và đẩy con thuyền Phêrô đi tới... nhưng gió thì không thể bị giam hãm trong thuyền. Tự bản tính tột cùng của mình, Thần Khí chảy tràn ra khỏi bất cứ thứ bình nào chứa đựng Người, phá tan mọi thứ rào cản và, giống như mưa, làm cho mọi cánh đồng trở nên phì nhiêu, tươi tốt. Giáo hội học đã hướng suy tư của mình vào tầm nới rộng vô hình của Giáo hội, chẳng hạn như khi triển khai chủ đề về Giáo hội như là bí tích cứu độ phổ quát. Ở đây, xin chỉ lược trình một số thí dụ điển hình về vấn đề vừa nêu.
    Giữa lòng Giáo hội ngày nay, hơn bất cứ sự kiện nào khác, Phong trào Thánh Linh Công giáo, cùng với đà triển dương sức nhiệt thành thiêng liêng của nó,[38] đã góp một phần quan trọng vào việc nới giãn các giới mốc phân ranh của cơ chế. Phong trào này đã giúp dồn chú tâm nhiều hơn vào thực trạng Thần Khí hiện diện trong Giáo hội, đưa các đặc sủng vốn có xưa nay, vào những điều kiện mới mẻ, canh tân phụng vụ, và đã khơi dậy một phong trào tham gia đại chúng vào công tác cầu nguyện. Phong trào này chào đời hồi tháng 2, năm 1967, khi một số giáo sư và sinh viên thuộc trường đại học Duquesne, thành phố Pittsburg, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ, sống qua kinh nghiệm về sức tác động của Thần Khí Thiên Chúa mà họ coi như là biến cố “được nhận lãnh phép rửa trong Thần Khí.” Ngọn lửa phong trào này nhóm lên đã nhanh chóng lan rộng đến các nghiên cứu sinh cùng các giáo sư thuộc trường đại học Notre-Dame và các trường lân cận ở Lansing, Michigan. Tiếp tục được truyền lan nhanh rộng, và kể từ năm 2003, phong trào Canh tân Đặc sủng của Giáo hội Công giáo đã hiện diện tại hơn 230 quốc gia với trên 150.000 nhóm cầu nguyện và con số thành viên đã vượt ngưỡng 119 triệu người. Phong trào này từng được đức Hồng y Leo J. Suenens ủng hộ và đã sớm được đón nhận ở khắp nơi trong Giáo hội. Dù đã nhìn thấy các khía cạnh tích cực của phong trào, Đức Phaolô VI cũng tỏ rõ thái độ dè dặt; về phần mình, Đức Gioan Phaolô II có thái độ cởi mở hơn và đã nhiều lần tỏ lời khen ngợi phong trào; Đức Bênêđíctô XVI, lúc còn làm Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã viết lời đề tựa như sau cho một cuốn sách của Đức Hồng y Suenens: “Giữa một thế giới nhiễm đầy thứ chủ nghĩa hoài nghi duy lý, một kinh nghiệm mới mẻ về Chúa Thánh Thần lại đột nhiên bùng phát lên. Và, kể từ lúc đó trở đi, kinh nghiệm ấy đã mặc lấy tầm vóc của một phong trào canh tân lớn rộng trong khắp thế giới. Những gì Tân Ước trình bày cho chúng ta về các đặc sủng – vốn đã được nhận ra như là các dấu hiệu hữu hình biểu lộ cuộc ngự đến của Thần Khí – không chỉ là một thực kiện lịch sử xa xưa mà nay đã hoàn toàn kết thúc, bởi vì nó hiện đang trở thành một vấn đề hết sức thời sự.”[39] Ngày 14.09.1993, Hội đồng Giáo hoàng Đặc trách về Giáo dân – theo điều khoản 116 – đã công nhận các Ủy ban Canh tân Đặc sủng Công giáo Quốc tế (International Catholic Charismatic Renewal Services). Ngày 05.11.2006, Đức Bênêđíctô XVI đã gửi lời chào thân ái đến các thành viên – đang tụ họp ở Brazil – thuộc vô số các cộng đoàn khơi nguồn từ “dòng ân sủng” nơi Phong trào Canh tân Đoàn sủng Công giáo. Là những chứng tá cho niềm hoan hỷ được làm người kitô, các đoàn nhóm thuộc phong trào nói đến rất nhiều về “phép rửa trong Thánh Linh”[40] như là một kinh nghiệm biến đổi đặc thù.


    Phong trào đại kết
    Dọc bên ngoài các đường ranh giới của Kitô giáo, Thần Khí cũng đóng giữ một vai trò tác động tích cực. Là “mối dây hiệp nhất” giữa Cha và Con, tất Thần Khí phải có một mối lưu tâm đặc biệt đối với tình trạng rạn nứt và phân lìa trong Giáo hội; có thể nói rằng mối bận tâm đó đã dồn thúc thánh Phaolô viết về các đoàn sủng! Phong trào Đại kết đã được rộng rãi nhìn nhận như là một cách thức can thiệp của Thánh Thần. Nếu có điều nào làm phiền lòng Thánh Thần (x. Ep 4:30) trong thời đại này, thì phải nói ngay rằng đó chính là thực trạng đáng buồn của các cuộc chia rẽ kitô. Công đồng Vaticanô II đã khẩn thiết kêu cầu “sức thôi thúc của ân sủng này nơi các anh em phân ly với chúng ta... nhờ tác động thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, nhằm vào việc tái lập mối hiệp nhất giữa toàn thể các kitô hữu” (UR 1). Nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần bên ngoài Giáo hội Công giáo, và dùng một cung cách biểu đạt khác, công đồng đã diễn tả như sau: “nhiều yếu tố thuộc về ơn thánh hóa và chân lý có thể được tìm thấy bên ngoài cơ cấu hữu hình của Giáo hội Công giáo. Tuy vậy, các yếu tố đó – xét như là những ân huệ riêng của Giáo hội Chúa Kitô – hàm chứa một sức năng động nội tại hướng đến mối hiệp nhất Công giáo” (LG 14). Dựa vào đó, có thể minh nhiên quả quyết rằng Thánh Thần hiện diện trong chính phong trào đại kết và nơi các Giáo hội không-Công giáo theo các cách thế và mức độ khác nhau. Ân huệ thánh hóa được trao ban qua phép rửa; dù bất cứ nơi đâu, hễ khi nào có một cuộc chịu phép rửa thành sự – tức nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa – thì bao giờ Thần Khí cũng được trao ban. Các phương tiện thánh hóa là các nghi thức cử hành phụng vụ của các giáo hội anh em – cần nhắc lại là theo những mức độ khác nhau – với các tác vụ Lời Chúa, một số các bí tích khác, bí tích Thánh Thể, và các nghi thức ít nhiều đầy đủ khác. Các ân huệ ban ơn thánh thiện, cả đến mức độ anh hùng, cũng thường dễ dàng nhận thấy nơi các Giáo hội khác; đó là những dấu chỉ rõ ràng sự hiện diện của Thần Khí. Nhiệt tâm truyền giáo và lòng yêu mến dành cho Lời Chúa của các anh em ly khai là những đặc nét rất đáng kính phục. Cũng có thể nói tương tự như thế về các “yếu tố chân lý”. Đức tin mạnh mẽ, thường là rất mực sáng suốt, là dấu chỉ hàng đầu về sự hiện diện của Thánh Thần. Mức am tường Kinh Thánh đạt đến những tầm cao lắm lúc trội vượt tín hữu công giáo. Thái độ nhất quyết sống theo Sách Thánh biểu thị một lòng sùng kính sâu xa – thật đáng ca ngợi – đối với chân lý thần linh. Việc chọn lựa sống theo một số khía cạnh nào đó của chân lý có thể là thái độ quá khích – như G. K. Chesterton đã nhận định – nhưng dù gì đi nữa, nó cũng giúp cho lưu tâm nhiều hơn đến các phần chân lý có thể bị chôn vùi dưới tầng tầng lớp lớp trong toàn bộ kho tàng chân lý công giáo của chúng ta; v.v...

    Thần Khí hẳn đã hiện diện nơi các anh em Tin lành khi họ khởi sự thành lập Hội đồng Thế giới các Giáo hội (1937) và đến nay, tổ chức đã quy tụ được hơn 340 giáo hội thành viên. Dù vẫn còn bao nhiêu điều phải làm, nhưng ít ra, cũng đã có một “hạt giống” hiệp nhất được gieo xuống. Thần Khí đã lay động Giáo hội Công giáo khi Đức Gioan XXIII quyết định triệu tập công đồng chung Vaticanô II, trong đó, các anh em không-Công giáo cũng đã tham dự. Thần Khí hiện diện nơi Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Atênagôra I lúc các ngài ôm chầm lấy nhau ở Giêrusalem (1964) và cùng tuyên bố chấm dứt tình trạng tuyệt thông lẫn nhau kéo dài từ năm 1054; dù khó khăn vẫn còn đó, tuy nhiên các ngài vẫn tin tưởng rằng “Nhờ sức tác động của Chúa Thánh Thần, các vấn đề gây trở ngại cho cả đôi bên sớm muộn gì rồi cũng sẽ được giải quyết qua thái độ biết thanh tẩy tâm hồn.”[41] Tiếp đó, ngày 10 tháng 5 năm 1973, Đức Phaolô VI và Đức Shênouđa, thượng phụ thành Alếc¬xăn¬đria, đã cùng nhau ký vào một bản tuyên bố chung – bản thỏa ước đầu tiên kể từ sau cuộc ly khai năm 451. Đức Gioan Phaolô II đã cho ban hành thông điệp Ut unum sint (1995) và thiết lập Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hiệp nhất Kitô (1988). Năm 1979, Đức Gioan Phaolô II đã có cuộc hội kiến với Đức Đimitriô I – vị kế nhiệm Đức Thượng phụ Atênagôra – tại hội nghị Đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và tất cả các Giáo hội Chính thống – nhóm họp tại Pha-nar – về các vấn đề liên quan đến khả năng xác lập mối hiệp thông chính thức với Tòa thượng phụ Côngxtăng¬ti¬nốp; và còn rất nhiều sự kiện khác nữa. Về mối quan hệ với các giáo hội Tin lành, ngày 31.10.1999, Giáo hội Công giáo và Liên minh Thế giới các Giáo hội Lutêrô đã cùng ký vào một bản tuyên bố chung về các điểm đồng thuận có tính cách căn bản – mà đôi bên đã đạt được sau một thời gian dài tiến hành các cuộc gặp gỡ đại kết và những hội nghị bàn luận các vấn đề thần học – liên quan đến Giáo lý về ơn Công chính hóa; và 5 năm sau đó, tại Hoa Kỳ, đôi bên cũng đã cho ra một bản tuyên bố chung về chủ đề Giáo hội như là Koinonia (hiệp thông) của ơn Cứu độ: các Cấu trúc và Thừa tác vụ. Năm 2005, Đức Bênêđíctô XVI đã có các cuộc tiếp kiến, trong tinh thần thẳng thắn và thái độ thân mật, với các anh em thuộc Giáo hội Tin lành Lutêrô ở quê hương ngài; tại đây, ngài đã nói những lời phát biểu mà cả trong những thời gần đây, không ai có thể tưởng tượng nổi là phát xuất từ miệng của một vị Giáo hoàng: “mối hiệp nhất này không thể được gọi là ‘cuộc trở về đại kết’: tức như là tỏ thái độ phủ nhận và chối bỏ tiến trình lịch sử đức tin của riêng một phía nào đó. Tuyệt đối không thể có điều đó!”[42] Đây chỉ là phần nổi rất nhỏ thuộc những gì Thần Khí đang thực hiện trong Kitô giáo ngày nay, như lời Đức Gioan Phaolô II đã từng nhận định: “Đôi khi, dường như chúng ta đang tiến sát hơn đến giới mức cuối cùng của khả năng đạt được mối hiệp thông ‘đích thực, dù chưa trọn vẹn’. Cách đây một thế kỷ, ai từng có thể mường tượng ra nổi một điều như thế?”[43] Quả thật, Thần Khí Sáng tạo hiện diện rất rõ trong Giáo hội ngày nay.[44]


    Chúa Thánh Thần với sứ mạng Truyền giáo
    Hoạt động truyền giáo là chiếc cầu nối dài từ bên trong Giáo hội sang thế giới bên ngoài. Chúa Thánh Thần chính là Đấng làm cho Giáo hội trở thành truyền giáo: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo; vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha” (AG 2); đó chính là nền tảng của truyền giáo học và còn dám nói là của cả giáo hội học nữa. Nhìn vào tiến trình lịch sử, có thể nhận thấy như công đồng Vaticanô II nói:
    “Chính Chúa Giêsu trước khi hiến mạng sống mình cho thế gian một cách tự do, đã xếp đặt chức vụ Tông Ðồ và hứa sai Chúa Thánh Thần đến hầu chức vụ và việc sai ban Chúa Thánh Thần liên kết với nhau, để công trình cứu chuộc luôn luôn đem lại kết quả khắp nơi. Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần ‘hợp nhất toàn thể Giáo Hội trong mối hiệp thông và thừa hành, ban phát các ơn phẩm trật và đặc sủng khác nhau’, như là linh hồn làm sống động những Tổ Chức trong Giáo Hội và đổ dần vào lòng các tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa Kitô. Ðôi khi Chúa Thánh Thần lại chuẩn bị một cách hữu hình cho hành động truyền giáo, và không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo sát và hướng dẫn” (AG 4).

    Có lẽ qua công cuộc truyền giáo, Giáo hội có được kinh nghiệm rõ ràng nhất về quyền năng tác động của Thần Khí; đó là điều có thể hiểu được, bởi vì “Hoạt động truyền giáo không phải là điều gì khác ngoài việc làm cho hiển hiện trọn vẹn cùng hoàn tất ý định của Thiên Chúa trên trần thế và giữa lịch sử nhân trần” (AG 9). Giáo hội hằng dạy rằng “chẳng ai chấp nhận thứ tin mừng được rao giảng mà không có ơn soi sáng và linh hứng của Chúa Thánh Thần; chính Người là Đấng mang lại sự êm dịu cho hết thảy mọi tâm hồn để họ có thể hài lòng đón nhận và tin vào chân lý.”[45]

    Hoạt động của nhà truyền giáo cũng giống như việc rút ngắn lại thành chốc lát toàn bộ thời gian của tiến trình lịch sử cứu độ trải dài hàng ngàn thiên niên kỷ dưới sự dẫn dắt từ đầu chí cuối của Thần Khí: “Chúa Thánh Thần là Ðấng kêu gọi mọi người đến với Chúa Kitô, thúc đẩy tâm hồn họ vâng phục đức tin nhờ hạt giống Lời Chúa và việc rao giảng Phúc Âm. Chính khi Ngài sinh những kẻ tin Chúa Kitô trong lòng Giếng Rửa Tội để sống đời sống mới, Ngài tập họp họ thành một Dân Chúa duy nhất” (AG 15). Hoạt động truyền giáo luôn là một mối “đồng tâm hiệp lực” giữa nhà thừa sai với Thần Khí. Thiết tưởng chỉ cần nêu lên tựa đề chương III của bức thông điệp Redemptoris missio (Sứ mệnh Đấng Cứu Độ) của Đức Gioan Phaolô II – “Chúa Thánh Thần: Tác nhân chính yếu của sứ mạng Truyền giáo” – thì cũng đủ để nhấn mạnh vai trò mà Thánh Thần đóng giữ nơi sứ mạng truyền giáo của Giáo hội.
    Nếu dõi theo quá trình lịch sử, tất có thể hiểu được hoạt động của Thần Khí trong những cuộc tái thức tỉnh tinh thần truyền giáo nơi nhiều nhà thừa sai. Chẳng hạn, thời Trung Cổ, khi các người Hồi giáo đe dọa việc sống còn của Kitô giáo, thì Thần Khí đã thúc giục các tu sĩ Phanxicô và Đa¬minh tiến hành công cuộc truyền giáo nhắm tới vùng trung Á, Ấn độ và Trung quốc. Thời phong trào Phục hưng, lúc các ý thức hệ nhân văn chủ nghĩa và các cuộc ly khai của anh em Tin lành đã tạo ra một tình trạng lung lạc khá trầm trọng cho Giáo hội, thì Thần Khí lại sắp đặt cho xảy ra cuộc tìm ra Tân Thế giới (Mỹ châu), và đã giúp khai mở một lộ trình hướng sang Á châu, nhằm tiếp tục tiến hành sứ mạng của Đức Kitô. Nếu vào thời kỳ cuối cuộc Cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh của Napôlêôn, Giáo hội đã phải lâm vào một cảnh trạng bi đát nhất (Dòng Tên bị giải thể, Đức Giáo hoàng bị bắt cóc...), thì thế kỷ 19 lại chứng kiến những bước phục hồi ngoạn mục nhất của công cuộc truyền giáo với sự chào đời của rất nhiều hội dòng truyền giáo, của truyền giáo học, của các ấn phẩm truyền giáo, v.v.; hầu hết các Giáo hội địa phương tại Phi châu và Á châu đã hình thành như là kết quả tất yếu của các công cuộc truyền giáo trong giai đoạn này. Giáo hội không bao giờ phải rơi vào tình trạng tuyệt vọng, bởi đã có Thần Khí của niềm Hy vọng làm “linh hồn”.


    Chúa Thánh Thần với anh chị em không kitô
    “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”, nhưng vẫn có Chúa Thánh Thần. Thánh Irênê thành Lyon (lối n. 130-202) đã nói: “Ở đâu có Giáo Hội, thì ở đó có Thần Trí Thiên Chúa; và ở đâu có Thần Trí Thiên Chúa, thì ở đó có Giáo Hội và mọi thứ ân sủng” (Ad. Haer. 3.24.1). Thần Trí, Giáo Hội và ơn cứu độ thì một cách nào đó, tương thuộc vào nhau, nhưng là trong một cách thức nhiệm mầu đến độ xem ra vượt khỏi khuôn khổ tổng hợp của trí óc loài người. Tuy nhiên, phương thức phân tích lại giúp cho phân biệt – chứ không phân rẽ – những khía cạnh khác nhau của thực tại; tiêu điểm đang nhắm tới ở đây là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

    Như đã lưu ý, “hạt giống Ngôi Lời” đã được Thần Khí Thiên Chúa gieo xuống khắp nơi. Bản tuyên bố Dominus Jesus nói rằng “gần đây, Huấn quyền Giáo hội đã mạnh mẽ và rõ ràng nhắc lại chân lý về phương án duy nhất của Thiên Chúa, đó là: ‘Sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí ảnh hưởng không những đến các cá nhân, mà còn đến cả xã hội và lịch sử, đến các dân tộc, các nền văn hóa cũng như các tôn giáo khác nữa... Đức Kitô Phục Sinh ‘hiện đang hoạt động nơi tâm hồn con người qua sức mạnh của Thần Khí Người’... Hơn nữa, chính Thần Khí là Đấng gieo ‘hạt giống của Lời’, những hạt giống đang hiện diện nơi các phong tục cùng các nển văn hóa khác nhau, và Người đang chuẩn bị cho chúng đạt tới mức độ thành toàn trọn vẹn trong Đức Kitô.”[46] Bởi lẽ Ngôi Lời là Ánh sáng chiếu soi mọi người sinh ra trong thế gian (x. Ga 1:9), và Người là Sự thật (x. Ga 14:6); do đó, ở đâu có chân lý thì ở đó có Ngôi Lời và Thần Khí hiện diện. Thần học dạy rằng không có chuyện có những nhân đức thuần nhân loại; nếu cho là có thì chỉ là chuyện trừu tượng; trong thực tế, chẳng có nhân đức nào mà không do ơn thánh hộ trợ. Công đồng Vaticanô II đã chính thức nhìn nhận chân lý này: “Những người, không do lỗi mình mà không được biết đến Phúc âm của Đức Kitô hoặc Giáo hội của Người, nhưng lại chân thành tìm kiếm Thiên Chúa và nhờ ơn thánh tác động mà biết ra sức hành động theo ý của Thiên Chúa, nhận thức qua tiếng lương tâm, thì cũng đạt tới được ơn cứu độ. Thiên Chúa Quan phòng cũng không từ chối ban những trợ giúp cần thiết để nhận được ơn cứu độ cho những ai, không do lỗi mình, mà chưa nhận biết được Thiên Chúa một cách rõ ràng, nhưng lại nhờ ơn Ngài mà ra sức sống một đời sống tốt lành. Bất cứ những gì tốt lành hoặc sự thật tìm thấy ở giữa họ, thì đều được Giáo hội coi là những bước chuẩn bị cho việc đón nhận Tin Mừng” (LG 16). Và Công đồng kết luận: “Vì lẽ Đức Kitô đã chết cho mọi người, và bởi cứu cánh tối hậu của con người thực sự chỉ có một và là thần linh; thế nên, cần phải tin rằng trong cách thức chỉ một mình Thiên Chúa biết, Chúa Thánh Thần giúp cho mỗi một người có đủ những gì cần để có thể thông dự vào mầu nhiệm phục sinh” (GS 22). Tầm trọng yếu của các văn đoạn này quả thật rộng lớn. Trước tiên, Thần Khí hằng hoạt động trong các tâm hồn ngay lành, như Giáo hội hằng nói lên trong Kinh nguyện Thánh Thể IV, qua lời cầu cho: “mọi người đang thành tâm tìm Chúa.” Thứ đến, giá trị đích thực của mọi nền văn hóa đều được bảo dưỡng bởi Thần Khí Thiên Chúa (NA 2). Và thêm nữa, nơi những nghi thức, những giới lệnh và truyền thống phong phú, các tôn giáo chứa chất đầy những giá trị đích thực, có khả năng trở thành những phương tiện thông chuyển ơn thánh của Chúa. Đó là giáo lý phổ biến trong Giáo hội: “Như thế, ‘muốn thổi đâu thì thổi’ (Ga 3:8), cũng như ‘đã từng hoạt động trong thế giới ngay cả trước khi Đức Kitô được vinh hiển,’ và ‘đã ngập tràn cõi đất,... bảo toàn mối hiệp nhất giữa muôn vật muôn loài, [cùng] thấu hiểu hết mọi lời mọi tiếng’ (Kn 1:7), Thần Khí hướng dẫn chúng ta đến chỗ mở rộng tầm nhìn để cân nhắc hoạt động của Người ở mỗi thời và mỗi nơi.”[47] Như thế, có thể nói về “một thứ chức năng trung gian mà các tôn giáo đóng giữ trong việc truyền chuyển cho các đạo hữu của mình, ơn thánh và hồng ân cứu độ Thiên Chúa ban tặng, cũng như trong cách diễn tả thái độ đáp trả tích cực đối với món quà trao ban chính mình của Thiên Chúa.”[48] Thần Khí luôn luôn là Thần Khí của Đức Kitô, và Người hằng hoạt động để đưa Vương quốc của Đức Kitô đến mức thành toàn hoàn hảo, Vương quốc mà hiện nay mầm giống và dấu chỉ chính là Giáo hội.

    Hiểu như thế thì giúp cho xác tín rằng Chúa Thánh Thần cũng hằng có mặt ở đằng sau những nỗ lực đối thoại liên tôn. Nếu diễn ra trong tinh thần và bầu khí cầu nguyện, thì những nỗ lực này thế tất sẽ được sức năng động của Thần Khí làm cho thu đạt được những thành quả tích cực. Phương án tạo dựng và cứu độ chỉ duy có một, và qua cuộc nhập thể, Đức Kitô đã một cách nào đó, liên kết chính mình Ngài với mọi người (GS 22); do đó, trong Đức Kitô, tất cả chúng ta có được cội gốc của mối hiệp nhất giữa loài người chúng ta, dù chúng ta không hay biết; tiềm ẩn trong nơi sâu kín của bản thể mọi người, có một dạng “thiên hướng” dục thúc tiến tới chỗ trở thành phần tử của Dân Thiên Chúa (LG 13). Tự cơ bản, gia đình nhân loại phải là một, phải là duy nhất, với một nguồn gốc duy nhất và một cùng đích duy nhất; Thần Khí đang giữ cho mối hiệp nhất ấy tồn tại như hiện có, và đang tiếp tục đưa dẫn nó tới tình trạng hiệp nhất chung cục mà chỉ một mình Thiên Chúa biết rồi sẽ như thế nào. Trong kinh nguyện, Thần Khí Đức Kitô – một cách nào đó – sẽ làm cho những hạt giống kia đâm chồi nẩy lộc. Mọi dạng thức đối thoại, và bất cứ mục tiêu nhắm tới nào đầu óc chúng ta có thể nghỉ ra, thì cũng đều được Thần Khí dùng vào việc hiện thực hóa cùng một mục đích ấy.
    [còn tiếp]


    ________________________________________
    [1] Contra Celsum, 8; SC 150:224.
    [2] LG 4, đây là câu trưng dẫn lời thánh Cyprianô, De oratione dominica 23, PL 4.553. Công đồng cũng dẫn lại lời thánh Âugutinô phát biểu như sau, trong Sermo 71. 20.33, PL 38.463: Giáo hội... “là – có thể nói như vậy – công trình đích thực của Chúa Thánh Thần, đương nhiên là với sự hiệp tác của cả Cha và Con, bởi vì Thánh Thần, nói theo một ý nghĩa chắc chắn, là một đoàn thể gồm chính mình, Cha và Con (Societas est quodammodo Patris et Filii ipse Spiritus Sanctus) ... Thánh Thần kết liên chặt chẽ với Cha và Con, vì Người là Thần Khí duy nhất của cả hai Đấng ấy.”
    [3] Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, I q. 43 a. 7.
    [4] Thông điệp Chúa và là Đấng ban Sự sống, số 28.
    [5] Công đồng đề xuất một danh sách phong phú về các nguồn liệu tham khảo; xin xem: Leo XIII, Epist. Encycl Divinum illud, 9 maii 1897: AAS 29 (1896-97) tr. 650. Pius XII, Litt Encyl. Mystici Corporis, 1. c., tt. 219-220; Denz. 2288 (3808).S. Augustinus, Serm. 268, 2: PL 38 232, ct alibi. S. Io. Chrysostomus in Eph. Hom. 9, 3: PG 62, 72. Didy-mus Alex., Trin. 2, 1: PG 39 49 s. S. Thomas, In Col. 1, 18 cet. 5 ed. Marietti, II, n. 46 (Sicut constituitur unum corpus ex unitate animae, ita Ecelesia ex unitate Spiritus...).
    [6] Đức Gioan Phaolô II, bài Huấn giáo ngày 8 tháng 7 năm 1998.
    [7] Xin xem Karl Rahner, The Dynamic Element in the Church (Quaes¬tiones Disputatae, 12), Herder and Herder, New York, 1964; xin cũng xem Opsahl, Paul D. ed., The Holy Spirit in the Life of the Church, Augsburg, Minneapolis, 1978.
    [8] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 737.
    [9]Avery Dulles, SJ, The Catholicity of the Church, Oxford: Clarendon, 1985.
    [10] John J. Burkhard, OFMConv. Apostolicity Then And Now: An Ecumenical Church In A Postmodern World, Collegeville: Liturgical Press, 2004.
    [11] Hans Küng, The Church, New York: Sheed and Ward, 1968; “The Charismtic Structure of the Church” trong: Concilium, Vol. 1 (London 1965) Issue 4, tt. 23-33.
    [12] Xem, chẳng hạn, LG 4; 12; 49; AA 3; AG 4; 29.
    [13] Xem Kinh Tiền tụng các Tông đồ I, sách Lễ Rôma.
    [14] Thánh Ambrôxiô, In Psalm. 118. 14,30, PL 15.1403A.
    [15] Xem Yves Congar, Jalons pour une théologie du laïcat, Paris : Cerf 19542, Ch.V, tt. 314-366.
    [16] Xem Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1994.
    [17] FABC VI (1995), số 7.
    [18] Xem chẳng hạn trong Dr. Zeni Fox, Laity in Leadership Roles in the Church in the United States Today: A Theological and Pastoral Over¬view, Washing¬ton: FADICA, 2000.
    [19] CÐ Trentô, khóa 23, ch. 3, trích 2Tm 1:6-7 để chứng minh phép truyền chức thánh thực sự là một bí tích: Dz 959 (1766).
    [20] Trong Trad. Apost. 3, x.b. Botte, Sources Chrétiennes, tt. 27-30, Giám Mục có chức linh mục cao nhất (primatus sacerdotii). Xem Sacramentarium Leonianum, x.b. C. Mohlberg, Sacramentarium Veronense, Roma, 1955, tr. 119: “ad sum¬mi sacerdotii ministerium... Comple in sacerdotibus tuis mysterii tui sum¬mam”... n.t., Liber Sacramentorum Romanae Ecclesiae, Roma, 1960, tt. 121-122: “Lạy Chúa, xin ban cho họ ngai giám mục để họ điều khiển Giáo Hội Chúa và toàn dân”: x. PL 78, 224.
    [21] Tông huấn Vita Consecrata, số 84.
    [22] Xem Mt 3:16; Lc 4:18; Cv 4:27; 10:38.
    [23] Xem 1Pr 2:5.9.
    [24] Xem Thánh Âugutinô, De Praed. Sanct. 14, 27 : PL 44, 980.
    [25] Adversus Haereses III.24.1.
    [26] Boyle, John P. Church Teaching Authority: Historical and Theological Studies, University of Notre Dame Press, 1995.
    [27] O’Meara, Thomas F., “Divine grace and human nature as sources for the universal magisterium of bishops,” Theological Studies, 64 (2003) tt. 683-706.
    [28] John Boyle, “The Ordinary Magisterium: Towards a History of the Concept,” Heythrop Journal 20 (1979) tt. 380-98, và 21 (1980) tt. 91-102.
    [29] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu-Thượng Hội đồng Giám Mục Vita consecrata (Đời sống Thánh hiến), 1996, số 13.
    [30] Stefan Heid, Celibacy in the Early Church, San Francisco: Ignatius, 2000.
    [31] Tông Huấn “Đời sống Thánh hiến” (Vita consecrata), 1996, số 21.
    [32] Thánh Bộ các Tu hội Đời sống Thánh hiến, “Sponsa Verbi, Instruction on the Contemplative Life and on the Enclosure of Nuns,” 1999, số 3.
    [33] Xem Louis Bouyer, Liturgical Piety. Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 1955.
    [34] John H. McKenna, Eucharist and Holy Spirit: The Eucharistic Epiclesis in the Twentieth Century Theology (1900 - 1966) (Alcuin Club Collections, 57), Great Wakering, England, 1975; Joseph M. Powers, Spirit and Sacrament, New York: Seabury, 1973; Louis Bouyer, Le Consolateur, Paris: Cerf, 1980, 339- 354; G. Wainwright, Doxology. The Praise of God in Worship, Doctrine and Life, New York: Oxford Univ.Press, 1980.
    [35] Cyprian Vagaggini, “From the Father, Through Christ, in the Holy Spirit, To the Father: The Liturgy and the Christological - Trinitarian Activity in the Divine Plan,” Theological Dimensions in the Liturgy, Collegeville: Liturgical Press, 1976, tt. 171-246.
    [36] Lời tựa trong Bản dự thảo (Lineamenta) của Thượng Hội đồng Giám mục 2008.
    [37] Có thể đọc thấy về phép Rửa “trong” – “với” hoặc “nhờ” – Chúa Thánh Thần (en pneuymati agio) nơi 7 văn đoạn Kinh Thánh Tân Ước khác nhau (Mt 3:11; Mc 1:8; Lc 3:16; Ga 1:33; Cv 1:5, 11:16 và 1Cr 12:13). Chúa Kitô luôn là Đấng thực hiện phép Rửa và Chúa Thánh Thần là tác nhân của ơn thánh hóa.
    [38] Xem Hamilton, Michael P. ed. The Charismatic Movement. Grand Rapids: Eerdmans, 1975; Paul Josef Cordes, Call to Holiness: Reflections on the Catholic Charismatic Renewal. Michael Glazier Books, 1997.
    [39] Đức Hồng y Leo Suenens, Renewal and the Powers of Darkness, Ann Arbor: Servant Books, 1983.
    [40] Cách diễn tả này lộ rõ tính chất mơ hồ – bởi dường như muốn hàm chỉ rằng phép rửa kitô thông thường không phải là phép rửa “trong Chúa Thánh Thần” – và có thể dẫn đến lạc giáo do quan niệm cho rằng: chỉ có trong Chúa Thánh Thần thì phép rửa mới thành sự mà thôi.
    [41] Bản Tuyên Ngôn Chung Công giáo-Chính thống của Đức Giáo hoàng Phao¬lô VI và Đức Thượng phụ Atênagôra I của Côngxtăngtinốp, ngày 07.12.1965, số 5.
    [42] Báo L’Osservatore Romano, số ra ngày 24.08.2005, tr. 8.
    [43] Thông điệp Ut Unum Sint, số 45.
    [44] Xem Veli-Matti Kärkkäinen, “The Ecumenical Potential of Pneumatology,” Gregorianum, 1999, tt. 121-145
    [45] Công đồng Orange (Pháp, năm 529), DH 377; 3010; DV 5.
    [46] Số 12. Bản văn trưng dẫn thông điệp của Đức Gioan Phaolô II Redemptoris missio, 28. Còn về thuật ngữ “hạt giống của Lời” thì xin xem Th. Giúxstinô, Second Apology 8, 1-2; 10, 1-3; 13, 3-6: ed. E.J. Good¬speed, 84; 85; 88-89. Xin cũng xem Ad gentes, 11 và Nostra aetate, 2.
    [47] Redemptoris misio 29, đoạn này trưng dẫn thông điệp Dominum et Vivificantem, 53.
    [48] Jacques Dupuis, S.J., Towards a Christian Theology of Religious Pluralism, Gujarat Sahitya Prakash, Anand, 2001, tr. 321.

  17. #17

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi hacdoclong Xem Bài Gởi
    viết nhăn viết cụi đọc hoa cả mắt.... qua giải thích cho tụi islam nghe nó đập cho chết
    Đọc hết chưa mà nói viết nhăng cuội? Phán bừa bãi là không tốt. Tôi thấy anh giống các biệt phái.

  18. #18

    Mặc định

    Cám ơn đề mục của bạn.
    Muốn thấy vô hình hãy dùng hữu hình để miêu tả.
    Muốn hiểu hữu hình hãy dùng vô hình để cảm nhận.

    YÊU THƯƠNG LÀ DẤU CHỈ ANH EM CON
    VÂNG LỜI LÀ DẤU CHỈ CON CỦA CHA

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 12
    Bài mới gởi: 20-04-2012, 09:16 AM
  2. ĐỌC KINH THÁNH, NHƯNG ĐỌC NHƯ THẾ NÀO?
    By abbachaoi in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 13-01-2012, 01:22 PM
  3. Chi phái Cao Đài
    By kiennguyen in forum Đạo Cao Đài
    Trả lời: 11
    Bài mới gởi: 30-12-2011, 08:28 PM
  4. Tìm hiểu về TĐGCL
    By tinhkhithan in forum Đạo Việt Nam
    Trả lời: 33
    Bài mới gởi: 28-06-2011, 05:51 PM
  5. Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 24-06-2011, 10:10 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •