Dốc tiền mua cóc, tỳ hưu để... thỉnh tài lộc
Thứ Năm, 18/03/2010 --- cập nhật 10:23 GMT+7


Chưa biết tiền có "vào nhà như nước" hay không, chỉ chắc chắn một điều là nhiều cửa hàng đã “rinh” về không ít tiền bạc nhờ việc kinh doanh các con vật này.
Cửa hàng phong thủy mọc lên như nấm

Do nhu cầu tăng mạnh nên nhiều cửa hàng kinh doanh những loại được coi là linh vật phong thủy này mọc lên như nấm, tập trung khá đông đúc tại các tuyến phố Lê Duẩn, Bà Triệu, Hàng Bài... Không ít cửa hàng trước kia chỉ chuyên bán các mặt hàng chẳng mấy liên quan như đồ sứ, đồ gỗ…, hiện cũng tranh thủ chuyển sang bán thêm cả đồ phong thủy, trong đó, chủ yếu là cóc và tỳ hưu.

Nhân viên tại cửa hàng nội thất phong thủy, 46 Hàng Bài, cho biết, đầu năm mới, nhu cầu mua đồ phong thủy tăng mạnh, trong đó, cóc vàng ba chân, tỳ hưu (tên khác là kỳ hưu) tăng đột biến bởi đây vốn được dân gian quan niệm là hai linh vật tượng trưng cho thần tài, đem lại tiền bạc và may mắn cho gia chủ. Ngoài việc mua cho gia đình, công ty, nhiều người còn dùng làm quà tặng khai trương cửa hàng, nhà mới, biếu sếp… “Trước Tết, những loại cóc, tỳ hưu có giá 4 - 6 triệu đồng tiêu thụ ào ào, còn hiện tại, những con nhỏ hơn từ 300.000 đồng đến hơn 3 triệu đồng đang rất hút khách”, nhân viên này cho biết.

Còn theo chủ cửa hàng 40 Bà Triệu: “Phong trào mua cóc, tỳ hưu của người dân hiện không thua gì dịp Tết. Mỗi ngày, khoảng 10 con được tiêu thụ tại đây. Thậm chí, những hôm cao điểm có thể lên tới 20 con tùy loại. Với bán buôn thì một tháng có hai đợt, mỗi đợt khách lấy vài trăm con là chuyện bình thường”.



Nhiều người không ngại ngần dốc tiền triệu mua linh vật để cầu may.


Bên cạnh chất liệu đồng vốn đã quen thuộc, các sản phẩm làm từ bột đá mài, mạ vàng, sứ… hoặc có sự pha trộn, kết hợp giữa các chất liệu trên cũng được khách hàng ưa chuộng cùng với sự đa dạng về chủng loại, kích cỡ, giá cả. Thêm vào đó, để linh nghiệm, người dùng thường xoay cóc hướng ra ngoài vào buổi sáng (để hút lộc) và quay vào trong mỗi buổi tối (giữ lộc) nên các loại có đế xoay tiện lợi dễ được khách hàng chấp nhận hơn. “Nói chung, nhu cầu của khách hàng rất đa dạng. Người thì quan trọng về chất liệu, tính tiện dụng, giá cả, chất lượng, người lại đặt mua cho phù hợp với tuổi, mệnh và theo lời… thầy tướng số. Chính vì thế, nhiều dòng hàng của chúng tôi không còn để bán”, nhân viên tại cửa hàng phong thủy Diệu phật pháp trên đường Lê Duẩn nói.

Tha hồ “hét” giá

Theo khảo sát, giá các sản phẩm này cũng khá phong phú, từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng tùy chất liệu, kích cỡ, kiểu dáng... Với nhóm sản phẩm trung bình đang rất chạy hàng được làm từ đồng nguyên chất hay bột đá ép, giá dao động từ 20.000 đến 6 triệu đồng, bạch ngọc loại chất lượng tương đối có giá khoảng 7 - 10 triệu đồng, đặc biệt nhất là loại chế tác từ ruby tự nhiên, giá lên tới 50 triệu đồng mỗi con.

Nhân viên bán hàng tại số 40 Bà Triệu cho biết, giá cả thời điểm này đã nhích lên so với trước Tết từ 10 - 20%. “Như với con cóc mạ vàng, đầu đội hoa cải làm từ bột đá ép cỡ trung bình này, giá cả trước Tết chỉ 750.000 đồng thì giờ đã tăng lên 850.000 đồng”. Cũng theo giải thích của chị này, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng giá là do giá đồng nhân dân tệ tăng, trong khi các sản phẩm này hầu hết được nhập từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển nhích theo giá xăng dầu khiến sản phẩm bị đẩy giá lên đáng kể.

Tình trạng khan hàng sau Tết cũng khiến không ít cửa hàng tranh thủ "làm giá". Tinh ý một chút, người mua dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch giá đáng kể giữa các cửa hàng, thậm chí ngay sát nhau hoặc trong cùng một hệ thống. “Hai cửa hàng cùng một chủ trên đường Bà Triệu và Hàng Bài áp giá chênh nhau từ 50.000 đến 100.000 đồng với một số dòng sản phẩm. Khi tôi thắc mắc thì nhân viên thản nhiên nói vẫn còn… mặc cả được nên giá có hơi khác nhau”, chị Hằng ở Định Công cho biết. Trong khi đó, chú Hoạt ở Đông Ngạc than thở: “Họ chào giá một con cóc bằng đồng là 2,5 triệu đồng nhưng chủ cửa hàng sẵn sàng giảm giá 500.000 - 600.000 đồng là đủ biết các cửa hàng này chém khách đến mức nào”.

Theo anh Hà, trước đây từng là chủ một cửa hàng đồ phong thủy, cho biết: “Nguồn gốc chủ yếu của Trung Quốc nhưng nhiều người vẫn gắn mác hàng Đài Loan hay Ấn Độ để dễ bề "hét" giá. Khách hàng càng không thể kiểm tra chất lượng mặt hàng này bởi đa phần là không biết gì và không có cách nào kiểm chứng nên khó so sánh giá cả có tương xứng với giá trị thực hay không. Nhìn chung, mua theo trực giác là chính. Hơn nữa, khách hàng chủ yếu là giới doanh nhân, người “có điều kiện”, lại đang cầu tài lộc nên đôi khi ngại mặc cả vì sợ mất thiêng cũng là cơ hội để các chủ hàng “qua mặt”.

Tỉnh táo, tránh bị lợi dụng

Ông Hà Anh Tuấn, một kiến trúc sư có nhiều năm nghiên cứu về phong thủy, cho biết, chưa có cơ sở để khẳng định tác dụng tuyệt đối với bất cứ ai sở hữu những linh vật như tỳ hưu, cóc ba chân. Trên thực tế, vẫn có những người chẳng hề may mắn về công danh, tài lộc khi dốc tiền rước chúng về nhà. “Bên cạnh đó, có những đồ phong thủy được “tín” trong điều kiện môi trường và xã hội này, nhưng chưa chắc phù hợp với môi trường, xã hội hay nền văn hóa, tín ngưỡng ở nơi khác. Khẳng định chúng là những đồ phong thủy có giá trị thì tôi chưa thấy trong tài liệu nào, chưa có khẳng định chính xác nào. Tất cả mới chỉ là sự tương truyền”, ông Tuấn cho hay.

Trong khi đó, ông Đào Vọng Đức, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, cho biết, người dân nên tỉnh táo để tránh trường hợp bị người bán lợi dụng yếu tố tâm linh, đẩy giá lên cao ngất ngưởng. “Về mặt tích cực, nên coi việc thờ cúng các con vật ấy tạo sự “yên” cho “tâm”, tinh thần thoải mái chứ không nên quá lạm dụng và suy nghĩ rằng cứ thờ là lộc sẽ tự đến nhà mà chẳng chịu làm ăn gì, chỉ há miệng chờ sung”, ông Đức khuyến cáo.

Anh Bùi Thành, giám đốc một công ty chuyên về khảo sát thiết kế công trình mỏ và tài nguyên tại Hà Nội khẳng định: “Tôi tin vào tâm linh và đang thờ cúng cóc, tỳ hưu, nhưng không đến mức mê tín dị đoan, thiếu lý trí và lệ thuộc quá nhiều. Tôi quan điểm là “có thờ có thiêng có kiêng có lành” và nếu không tổn hại đến mình hoặc ai khác thì cũng chẳng sao. Còn riêng trong chuyện làm ăn, nếu giải quyết các tình huống kinh doanh chỉ nhờ vào việc cúng bái mà không chú ý phân tích đến yếu tố bên trong, bên ngoài tác động hay thiếu các quyết định hợp lý thì có thờ thế, thờ nữa cũng chẳng ăn thua”.


Theo Đất Việt