Ám tướng

Sách có câu: 'Họa hổ, hoạ bì nan họa cốt. Tri nhân, tri diện bất tri tâm'. Nghĩa là vẽ con cọp, chỉ vẽ bên ngoài da không thể nào vẽ xương bên trong. Biết người, biết hình tướng bên ngoài chứ không thể biết được trong lòng, đừng 'nhìn mặt mà bắt hình dung'. Ở đời không thể xét đoán một người theo hình tướng của họ. Ngụ ý khuyên hãy cẩn trọng, đề phòng kẻ có lòng dạ tiểu nhân trong hình dáng của một quân tử.

Trái lê bề ngoài thấy đẹp nhưng bên trong ruột lại bị hư thúi, còn trái dưa bề ngoài bị trầy trụa xấu xí nhưng khi xẻ ra lại nhiều nước và ngọt. Bởi thế trái cây cũng giống như con người cho nên không thể nhìn bề ngoài mà đánh giá. Kẻ có dung mạo cao sang nhưng trong lòng lại đê tiện thì tốt ở chỗ nào? Còn người dị mạo, tánh thẳng như ruột ngựa lại tốt bụng thì đâu phải là người xấu?

Nói như thế không có nghĩa là những người có dung mạo đẹp đều là người xấu! Khoa tướng học sau này cho thấy người ta có thể nhìn con người qua tướng mạo, hoặc nghe giọng nói, cũng có thể biết được tánh tình theo lập luận một cách khoa học.

Cổ nhân có nói: 'Tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt'. Tướng mạo con người đẹp hay xấu đều do tâm sinh hay diệt. Câu này có ngụ ý khuyên người đời nên tu dưỡng tâm tánh. Tu tâm là phương pháp sửa đổi lỗi lầm cao minh nhất. Tâm có tu dưỡng thì được thanh tịnh, khi tâm thanh tịnh thì tà niệm khó khởi động hoặc nếu như tà niệm đã khởi thì cũng có sức giác chiếu của tâm mà tiêu diệt nó.

Làm người ai không phạm lầm lỗi? Kẻ nào tự hào rằng mình là người không có lỗi lầm thì kẻ đó mới chính là ngu xuẩn nhất. Tội lỗi! Tội lỗi! Chúng ta đều là 'phàm phu tục tử', cũng có đầy lầm lỗi như lông trên mình con nhím. Tại vì không chịu nhìn lại và đếm từng lỗi lầm mà thôi!

Muốn tránh bớt và cải đổi từng lỗi lầm thì phải khiêm cung độ lượng, khoan dung với người và tự nghiêm khắc với chính mình. Khi đưa ra một đối sách hay một kế hoạch gì mà không được người khác hưởng ứng thì nên nhìn lại vấn đề. Một là vì đạo đức của mình còn thiếu. Hai là tâm tánh mình chưa được tốt nên không đủ sức cảm động đến lòng người. Chớ đừng giận dữ mà động ác tâm sinh ra cãi vã, gây gổ với người.

Tâm không động niệm thì không tạo ra nghiệp chướng. Nhất tâm nhất ý khởi nghiệp lành, hành thiện thì không có ác niệm nào có thể xen vào khởi động tâm mà tạo nghiệp ác được. Cho nên việc hành thiện nếu xuất phát từ lòng thành cứu giúp và tôn trọng người thì đó là chánh tâm. Còn nếu làm việc thiện để lấy lòng người, có ý đồ hay có ý coi thường hoặc chỉ để đùa vui thì đó là tà tâm vậy!

Tóm lại, hai câu 'Họa hổ, hoạ bì nan họa cốt. Tri nhân, tri diện bất tri tâm'và 'Tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt' có điểm dị đồng, bạn nên suy nghiệm để học hỏi thêm.

* * *

Ấn tướng là những nét hoặc dấu có sẵn trên cơ thể con người khi mới chào đời. Chẳng hạn như một cái bớt sau mông, hai ba nốt ruồi son trước ngực hoặc dáng điệu đi đứng hay giọng nói tiếng cười... đều là ấn tướng riêng biệt của mỗi con người.

Khuôn mặt là nơi mà người ta nhìn vào khí sắc theo ngũ hành để luận đoán sự vui buồn hay lo âu, bệnh hoạn, nạn tai của mỗi người:

- Kim, màu trắng bệch: Bệnh hoạn, mất ngủ. Khổ vì tình.
- Mộc, màu xám xanh: Kinh sợ, mệt mõi. Bị nạn tai.
- Thủy, màu xám đen: Bệnh nặng, lo rầu. Bị mất tiền.
- Hỏa, màu ửng đỏ: Nóng giận, tức tối. Bị hỏa nạn.
- Thổ, màu vàng cam: Vui vẻ, có tiền. Được hạnh phúc.
Bên cạnh việc xem khí sắc, người ta còn dựa vào những dấu vết trên gương mặt để luận cát hung họa phúc theo Ám tướng.

Ám tướng thường xuất hiện ở trên tam đình. Ngoài ra nó còn có trong giọng nói tiếng cười của mỗi người. Ám có nghĩa là ngầm, khi ẩn khi hiện, chớ không phải là u tối.

Xin nhắc lại, Tam đình là từ ngữ mà khoa tướng mệnh dùng để chỉ các bộ phận cũng như những vị trí nằm trên khuôn mặt, từ đó người xưa luận đoán để biết tướng phú quý hay bần tiện, gian ác hay hiền lành, cực khổ hay sung sướng... Người ta chia nó ra làm ba phần: thượng đình, trung đình, hạ đình và luận tốt xấu như sau:

* Thượng đình: từ chân tóc xuống đến chân mày, ứng Thiên, xem trán.
- Người có trán cao rộng, rất tốt (quý tướng).
- Người có trán thấp nhưng rộng được coi là bình thường (nhân tướng).
- Người có trán hẹp, méo hay khuyết bị xem là xấu (khắc tướng).

* Trung đình: từ chân mày xuống đến mũi, ứng Nhân, xem mũi.
- Người có mũi cao, dầy, ngay ngắn và hai lỗ mũi kín thì số được trường thọ, giàu sang, phú quý (tâm tướng). Những người này thường có lòng tốt, luôn giúp người.
- Người có mũi ngắn, xẹp, bị cô đơn suốt đời cực khổ (bần tướng) và chỉ thích sống cho cá nhân mình.
- Người có mũi bị cụt, gẫy, phần nhiều yểu mạng hoặc vướng vòng lao lý (mạt tướng), thường làm những điều trái với nhân nghĩa.

* Hạ đình: từ nhân trung xuống đến cằm, ứng với Địa, xem cằm.
- Người có cằm đầy đặn, bằng phẳng, chỉnh tề thì số được giàu sang, phú quý (hảo tướng) và có nhiều bè bạn.
- Người có cằm nhỏ, nhọn, lệch thì cuộc đời truân chuyên vất vả và về già gặp nghèo khó (hung tướng). Ít có bạn bè.

Ám tướng:

Ám tướng là dấu ẩn hiện để báo trước sự may rủi quan trọng sắp sửa xảy đến bất ngờ. Nó chỉ có hiệu lực gây ra tác dụng trong vòng một hai tuần cho đến sáu tháng mà thôi!

Các nhà tướng số cho rằng Ám tướng là hiện tượng do tạo hóa sắp xếp, cho nó hiện ra để báo hiệu trước khi ban thưởng hay trừng phạt một người nào đó.

Ảnh hưởng xấu:

* Thượng đình: Tự nhiên trên vầng trán có một quầng hơi đen hay một khoảng tối, khi ẩn khi hiện bên dưới làn da, hơi khó phân biệt, phải nhìn kỹ càng mới thấy, đó là điềm xấu:
- Nếu nó lệch về phía phải thì đó là điềm báo trước sẽ bị thương tật vì tai nạn hoặc bị vướng vào vòng tù tội.
- Nếu quầng đen này nằm lệch bên trái là điềm báo tử vì nạn tai hay bệnh hoạn.
- Nếu nó lớn và che lấp cả vầng trán thì đó là điềm báo trước rằng cả gia đình sẽ bị nạn một lượt (vợ chồng con cái).

Hai con mắt có quầng thâm đen là bị bệnh hoạn hay mất ngủ, không phải là ám tướng. Nhưng nếu quá hai tuần mà hai quầng thâm không biến mất thì nên cẩn thận trong việc lái xe hay đi qua sông biển.

* Trung đình:
- Nếu quầng đen nằm giữa ấn đường (giữa đôi lông mày) hay sơn căn thì là điềm trong thân tộc có người 'về bên kia thế giới'.
- Nếu nó xuất hiện trên gò má bên phải thì đó là điềm báo bị tai nạn xe cộ, té từ trên cao xuống đất hay rớt xuống sông. Tuy không mất mạng nhưng cũng bị thương tật hoặc mất trí nhớ.
- Nếu nó nằm tại gò má trái là điềm báo sắp bị người yêu bỏ rơi. Nếu đã lập gia đình thì bị người 'bạn đời' phản bội.
- Trong tròng trắng của con mắt tự nhiên nổi một chấm đen nhỏ là điềm báo trước sự lỗ lã trong công ăn chuyện làm hoặc bị mất việc bất ngờ.

* Hạ đình: Quầng đen hay khoảng tối này thường xuất hiện ở chính giữa cằm hoặc hai bên mép của đôi môi:
- Nếu xuất hiện giữa cằm là điềm báo sẽ bị gây gổ, ấu đả với người và có đổ máu. Nên cẩn trọng bằng cách tránh xa chỗ đông người và đừng cãi vã với bất cứ ai trong thời gian bị ám tướng này.
- Nếu nó nằm ở mép môi bên phải thì sẽ có tin buồn từ phương xa.
- Nếu nó nằm ở mép môi bên trái thì em hoặc con sẽ 'lìa đời'.

Ảnh hưởng tốt

* Thượng đình: Tự nhiên trên vầng trán có một khoảng sáng trắng, khi ẩn khi hiện bên dưới làn da thì đó là điềm tốt:
- Nếu nó lệch về phía phải là điềm công danh hiển đạt hoặc thăng quan tiến chức.
- Nếu khoảng sáng này nằm lệch bên trái là điềm phát tài như trúng số hoặc có được số tiền lớn do người khác bất ngờ trao tặng.
- Nếu nó lớn và bao trùm cả vầng trán thì đó là điềm may mắn vui tươi cho cả gia đình.

* Trung đình:
- Nếu khoảng sáng nằm giữa ấn đường (giữa đôi lông mày) hay sơn căn thì là điềm vui gia tăng nhân khẩu hay sanh quý tử.
- Nếu nó xuất hiện trên gò má bên phải thì đó là điềm có quý nhân mang tài lộc đến nhà.
- Nếu nó nằm tại gò má trái là điềm đỗ đạt khi thi cử, hôn nhân thành tựu, gặp lại bạn hiền.

Ngoài ra khoảng sáng xuất hiện nơi khác ở trung đình đều mang lại nguồn vui tươi và hạnh phúc.

* Hạ đình: Khoảng sáng này cũng xuất hiện ở chính giữa cằm hoặc hai bên mép của đôi môi:
- Nếu xuất hiện dưới cằm là điềm thuận lợi cho việc làm ăn, cơ hội tốt để tạo dựng sự nghiệp.
- Nếu nó nằm ở mép môi bên phải thì là điềm sắp có thêm con cháu trong nhà.
- Nếu nó nằm ở mép môi bên trái thì sẽ có dịp đi du lịch nước ngoài hoặc đi xa thăm người thân thương.

Ảnh hưởng tốt xấu

* Giọng nói:
Giọng nói của con người đều bình thường hàng ngày, nhưng bỗng nhiên một hôm nào đó tự nhiên đổi khác mặc dù không bị đau ốm, giọng nói cao hơn hoặc trầm xuống thì đó chính là ám tướng. Ám tướng của giọng nói được giải đoán như sau:
- Nếu giọng cao hơn trước thì đó là điềm báo sẽ mất mát của cải vì bị trộm cắp.
- Nếu giọng trầm xuống là điềm bị trở ngại lớn về công ăn việc làm.
- Nếu bỗng dưng bị ngượng ngập hay ngập ngừng, phát âm thường bị lẹo lưỡi là điềm sắp được của hoạnh tài.

Lưu ý: Thay đổi giọng nói khi bị bệnh cảm cúm, ho... thì đó không phải là ám tướng.

* Tiếng cười:
Khi vui người ta thường tươi cười, tiếng cười của mỗi con người đều khác nhau. Có người cười lớn tiếng, có người cười với tiếng phát ra vừa phải và cũng có người khi cười chỉ nhếch mép môi đó là cười theo bẩm sinh. Nhưng nếu một ngày nào tiếng cười tự nhiên thay đổi thì đó mới thuộc về ám tướng.
- Nếu tiếng cười gượng gạo thiếu hơi là điềm báo trước sắp bị đau ốm, thất thoát tiền bạc, bị nạn tai hoặc vị trí đứng trong công việc làm sắp bị ngã đổ.
- Nếu tiếng cười lớn hơn và dài hơn là điềm may mắn báo trước công danh sẽ thành đạt, cơ nghiệp sắp thăng tiến và sắp có của hoạnh tài.

Còn tự mình sửa đổi tiếng cười thì đó không phải là ám tướng.

Lời kết
Nhớ bài thơ thầy thường ngâm:

'Sách xưa, chép dễ sai nào,
'Tướng tùy tâm diệt'nhớ mau sửa mình!
Còn câu 'tướng tự tâm sinh',
Chữ tâm kia mới chứng minh rõ tường.
Tâm mình, chính chính đường đường,
Tướng yểu, lại được thọ trường khó chi.
Cho dù sách cổ đã ghi,
Vẫn còn tùy diệt vẫn còn tùy sinh.
Nên, hư do ở tâm mình,
Hãy lo bồi đắp tình thương giúp người.
Diệt sinh dù đã đến nơi,
Nghiệp duyên nhân quả, nợ đời còn vương!
Trăm năm, dù có vô thường,
Nhưng tình nghĩa mãi ngát hương đất trời...'



Theo Việt Luận