Bí mật Trần Triều Quốc Bảo
Thứ Hai, 15/03/2010 --- cập nhật 03:07 GMT+7


Việc tìm thấy ấn quý Trần Triều Quốc Bảo, được khẳng định có niên đại sớm hơn ấn Trần Miếu Tự Điển đang dùng trong lễ khai ấn đền Trần, là phát hiện có ý nghĩa văn hóa vô cùng lớn. Tuy nhiên, sự ra đời của ấn và sứ mệnh bảo vệ ấn thiêng của những người trông coi điện Văn Lộc suốt hơn 200 năm vẫn là bí ẩn.



Điện Văn Lộc thuộc xóm Phúc, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ấn quý Trần Triều Quốc Bảo được phát hiện trong năm qua có ý nghĩa văn hóa vô cùng lớn trong việc sưu tầm nghiên cứu những tư liệu liên quan đến vương triều Trần.
Nếu không vì một chút “hớ hênh” của người được trao việc tế lễ trong điện Văn Lộc, ấn Trần Triều Quốc Bảo có thể mãi mãi nằm trong tấm màn sương bí mật. Tính đến khi ấn được phát lộ năm 2009, sứ mệnh bảo vệ ấn thiêng vẫn là lời mật truyền trải qua hơn 200 năm.


Ấn Trần Triều Quốc Bảo có niên đại sớm hơn ấn Trần Miếu Tự Điển đang được sử dụng trong lễ khai ấn đền Trần.


Chuyện về vùng quê nghèo như xóm Phúc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có việc ông Trần Đăng Khoa, nguyên Chủ tịch huyện Mỹ Lộc tới nhà chúc Tết ông Trần Quốc Toản - người trông coi điện Văn Lộc.

Báu vật tại điện Văn Lộc

Trong câu chuyện đầu năm vui vẻ, ông Khoa gợi ý: “Chú trông coi hương khói cho điện Văn Lộc làng mình, hôm nào chú xuống đền Trần xin lấy cái ấn về mà thờ”. Không biết do sơ ý hay bị chạm vào lòng tự hào mà ông Toản buột miệng: “Điện mình cũng có ấn, làm sao mà phải đi xin!”. Chính câu nói ấy vô tình mở ra một bí mật được một số người dân trong làng lưu giữ suốt mấy trăm năm qua.

Khi phát hiện ra bộ ấn quý báu do dòng họ Trần được gia đình ông Toản cùng một số dòng họ khác lưu giữ bí mật, ông Khoa biết ngay đó là một vật linh thiêng và lập tức thông báo lên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định. Sau nhiều ngày kiên trì, đeo bám, thuyết phục, cuối cùng những người được cử trông coi ấn và nhân dân xóm Phúc đồng ý cho đoàn chuyên gia về nghiên cứu lô ấn bí mật đó. Sau nhiều tháng trời hồi hộp chờ đợi công việc điều tra, thẩm định người dân xóm Phúc như vỡ òa trong niềm vui khi biết được ý nghĩa của bộ ấn mà họ cất công gìn giữ, bảo vệ suốt mấy trăm năm.

Tiến sĩ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết, số ấn tại điện Vạn Lộc là 11 chiếc. Tất cả đều được làm bằng gỗ thị, trong đó quý nhất chiếc ấn Trần Triều Quốc Bảo có hình vuông (13,5 cm x 13,5 cm), chạm giật cấp ít tầng (dày 3,5 cm, rìa cạnh để cỡ 0,9 cm) được làm bằng gỗ, toàn bộ được sơn son thiếp vàng nhưng đã bị bong tróc nhiều chỗ. Mặt ấn có 4 chữ Trần Triều Quốc Bảo (ấn báu triều Trần) được khắc kiểu chữ triện (cỡ chữ 5,3 cm x 5,3 cm). Núm của ấn khắc hình “sư tử hí cầu”, dáng sư tử thon khỏe, đầu ngẩng cao hướng về phía trước, dáng vẻ sinh động.


Điện Văn Lộc, nơi lưu giữ 11 chiếc ấn, trong đó có Trần Triều Quốc Bảo, trong suốt hơn 200 năm


Cổ hơn ấn đền Trần

Đem so sánh giữa hai ấn Trần Triều Quốc Bảo và Trần Miếu Tự Điển đang được sử dụng trong lễ khai hội đền Trần hiện nay, hội đồng khoa học nhận thấy chúng rất giống nhau từ chất liệu, đường viền... Tổng hợp nhiều nguồn tài liệu khác nhau, các nhà khoa học kết luận: Ấn Triều Trần Quốc Bảo có niên đại khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, chỉ dùng cho thờ tự chứ không dùng trong hoạt động hành chính. Ấn này có niên đại sớm hơn so với ấn Trần Miếu Tự Điển (cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ 20).

Ông Trần Quang Phiếu (85 tuổi), Trưởng ban Hội điện Văn Lộc kể: Cách đây khoảng hơn 200 năm, điện Văn Lộc được xây dựng với quy mô rất nhỏ, chỉ là mái tranh, vách đất. Năm 1942, điện được ông đội Khải người họ Trần trùng tu, sửa chữa lại bằng chất liệu gạch ngói. Sau đó điện do một nhóm tín đồ trong xóm Phúc đứng ra quản lý. Đến năm 2005, nhân dân trong xóm đã góp tiền của, công sức tu sửa lại điện khang trang như ngày hôm nay.

Căn cứ theo lời ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, một thành viên trong đoàn nghiên cứu ấn Trần Triều Quốc Bảo và lời kể của các cụ cao niên trong làng thì các con dấu, ván khắc tại điện Văn Lộc do cụ Tuần phủ Thái Bình Trần Gia Du (người dân nơi đây hay gọi là Do) mang về. Trong thời gian làm Tuần phủ Thái Bình, ông Du đã cúng tiền của để trùng tu xây dựng các đình chùa, miếu tại quê nhà, trong đó có điện Văn Lộc. Đặc biệt, ông Du còn tổ chức sưu tầm một số con dấu gỗ, trong đó có một con dấu do đệ tử Trần Nguyên Minh tiến cúng. Từ sự kiện trên, giả thuyết bộ ấn quý Trần Triều Quốc Bảo do ông Trần Gia Du mang về khi đang làm Tuần phủ Thái Bình là rất cao.

Còn tiếp...

Theo Đất Việt