Cái đẹp của mắt tục và cái đẹp qua mắt thầy tướng

Cái đẹp tục nhãn thường thấy qua miệng các nhà văn như Lý Bạch từng ca tụng Dương Quí Phi bằng những câu thơ Xuân tưởng nghê thường hoa tưởng dung… Nhất chi nùng diệm lộ ngưng hương … Hoặc trong bộ kinh ái tình của Ấn Độ tán tụng:

Nàng uyển chuyển như con thiên nga, khoan thai yểu điệu. Đôi mông tuyệt diệu; đó là một trái Nitambini. Nàng đen tựa như một nụ sen, đẹp như Rathi nữ thần của khoái lạc.


Người Y-Pha-Nho nói người đàn bà muốn hoàn toàn đẹp phải hội tụ đủ 30 điều kiện:

Ba thứ trắng: da, răng và đôi bàn tay.
Ba thứ đen: Mắt, đôi mi và đôi mày.
Ba thứ đỏ: môi, má và móng tay.
Ba thứ dài: thân, tóc và tay.
Ba thứ ngắn: răng, tai và đôi bàn chân.
Ba thứ nở: ngực, trán và mi mắt.
Ba thứ hẹp: miệng, eo và gót chân.
Ba thứ bụ bẫm: cánh tay, đùi và bắp chân.
Ba thứ nhỏ: núm vú, mũi và đầu.
(Không hiểu chạy đâu mất tiêu 3 thứ nữa nhỉ?)


Thi sĩ Ronsard say sưa tả mỹ nhân:
J’aime la bouche imitante la rose
Au lent solei de Mai déclose.


Tướng lý đã chẳng khác chi một gáo nước lạnh dội vào văn chương cho văn chương tỉnh mộng nhìn vào thực tế tàn nhẫn. Sách tướng đưa ra quy luật: Mỹ nhân thường tác kỹ (người đẹp thường hay làm điếm). Nếu ta đi vào các nhà nhảy, các nhà hát cô đầu hoặc những chốn ăn chơi tất không ai phủ nhận rằng nơi ấy có nhiều người đàn bà đẹp theo con mắt tục hơn là vào một dạ hội gồm các bà lớn tụ hội.

Nếu ta lại quây riêng mười kỹ nữ ra, ta sẽ dễ dàng tìm thấy từ 4 đến 8 người đẹp (tục nhãn), còn nếu nhìn các bà vợ của cả một nội các thì phải khó khăn lắm mới thấy vài ba mỹ nhân!

Tướng nhãn và tục nhãn khác biệt hẳn nhau ở điểm này. Nhưng chính tướng nhãn và tục nhãn lại gặp nhau trên một điểm khác đó là vẻ đẹp hoàng hậu, vẻ đẹp công chúa. Tuy nhiên vẻ đẹp ấy cực hiếm không phải lúc nào cũng có. Vẻ đẹp ấy là vừa đẹp người vừa đẹp tướng. Tại sao đàn bà nhan sắc thường hay làm điếm?

Sách tướng giảng rằng:

Mỹ nhân thường tác kỹ, mỹ trung hữu chí sũ (Đàn bà nhan sắc làm đĩ bởi trong vẻ đẹp có cái cực xấu). Cực xấu ấy mệnh danh chuyên môn là “phá tướng”. Tỷ dụ như diện mạo rất đẹp nhưng tiếng nói rè rè như lệnh vỡ; thể thái mảnh mai mà bước đi nặng nề như đàn ông; môi má trắng sạch mà thân thể lại ô cấu, hôi hám, hoặc tóc không cứng, hoặc tay mềm nhũn như không có xương. Rõ hơn nữa, gái điếm phần lớn đều có tướng trán rất xấu: thấp quá, hẹp quá, lệch lạc, không bằng phẳng, hoặc khoảng chân tóc không đều đặn, thiên sương (bộ phận từ góc trán thái dương) hãm hay óp, ấn đường (khoảng trên sống mũi giữa hai đầu chân mày) quá hẹp, lõm sâu. Trán là thuộc vận hành từ 16 đến 21 tuổi, cũng là khoảng tuổi dễ bước chân vào nghề kỹ nữ.

Về phá tướng có một chuyện điển hình là chuyện nàng ca kỹ Hạnh Xuân tại xóm ăn chơi Bát Đaih Hồ Đồng, Bắc Kinh đời vua Quang Tự nhà Thanh.

Nhìn Hạnh Xuân từ diện mạo đến thể thái không ai không nghĩ nàng là một quý phu nhân, vừa đẹp vừa đoan trang bất luận đi đứng, ăn nói, nằm ngồi nhất nhất đều đều không bợn một cử chỉ thô tục, không lộ một vẻ dâm tiện. Thế mà Hạnh Xuân lại là một kỹ nữ. Có điều nàng rất nổi tiếng, những người đến với nàng hầu hết là đại quan quí nhân, giang hồ khí phách, phong lưu văn sĩ hay đại phú thương.

Thường thường một danh kỹ tiếng tăm như thế không bao giờ hành nghề quá một năm là đã theo về các hào tộc phú gia để làm thiếp hầu. Lạ lùng thay Hạnh Xuân ở Bát Đại Hồ ĐỒng có tới ba năm trường.

Một hôm, trong đám người yêu Hạnh Xuân cuồng nhiệt có vị phú thương ở Sơn Tây họ Hạ, muốn cưới Hạnh Xuân về làm thiếp. Giá cả chuộc Hạnh Xuân tuy rất cao nhưng đối với ông ta chẳng thành vấn đề. Hệ trọng nhất đối với phú thương họ Hạ trái ngược với thường tình lấy thiếp mong con, ông ta không muốn Hạnh Xuân có con bởi vợ cả và người thiếp đã sản xuất cho gia đình nhà ông tám chín mạng rồi. Ông say mê vẻ đẹp mê hồn của Hạnh Xuân mà người đàn bà sinh đẻ sắc đẹp dễ tàn phai, làm thế nào biết chắc Hạnh Xuân không sinh hài tử? Số Bát tự của nàng vì sớm lưu lạc từ ấu thơ nên chẳng ai biết. Chỉ còn cách xem tướng. Họ Hạ bèn mở tiệc mời một vị túc nho rành tướng số đến xem cho Hạnh Xuân. Mạc tiên sinh (tên vị túc nho) uống vài chung rượu do Hạnh Xuân tiếp rót, ông định thần ngắm nghía nàng hồi lâu rồi ghé tai nói nhỏ với Hạ phú thương rằng: “Tôi khuyên ông không nên lấy Hạnh Xuân, tuy đẹp nhưng tướng cách nàng nhất định không thể sinh con đẻ cái được.”. Lời nói của Mạc tiên sinh làm cho phú thương họ Hạ rất vui mừng nênhỏi thêm Hạnh Xuân còn tướng xấu nào khác nữa? Mạc tiên sinh đáp: “Thật quái! Tướng mạo biểu diện của Hạnh Xuân đúng là một quý phu nhân ít nhất cũng từ tam phẩm trở lên mà sao lại luân lạc chốn lầu xanh. Tôi chưa tìm ra nguyên do. Lẽ ra bây giờ nàng đã lấy chồng bậc quí nhân chứ không phải lấy ông chồng là phú thương.”.

Họ Hạ tự tay rót rượu mời Mạc tiên sinh và xoắn suýt xin Mạc tiên sinh cố tìm kiếm lý lẽ ba đào của Hạnh Xuân. Mạc tiên sinh lại ngắm nghía hồi lâu rồi lắc đầu nói: “Không thấy. Chắc Hạnh Xuân có một điểm phá tướng ẩn kín đâu đó!”.

Nhân dịp Mạc tiên sinh lưu lại Bát Đại Hồ Đồng cùng Hạ phú thương mươi bữa, ông có dịp cùng Hạnh Xuân đàm đạo mới đem chuyện tướng ra nói. Mạc tiên sinh bảo Hạnh Xuân:

- “Cứ xem tướng mạo của cô thì phải ở ngôi tam phẩm phu nhân mới phải, thế mà chẳng hiểu có điểm phá tướng nào đã khiến cho cô lâm vào chốn giang hồ!”

Lần khác Mạc tiên sinh cùng Hạnh Xuân nói chuyện lâu hơn và lần này cuối đường hầm đã có tia sáng. Ông già hơn năm mươi tuổi suốt buổi không hề mót tiểu tiện mà cô gái mới 19 xuân xanh chốc chốc lại phải cáo lỗi! Lúc đó đương vào hạ tiết, đa hạn thiểu thuỷ (nhiều mồ hôi, ít tiểu tiện) mới phải, đúng rồi đây gọi là ám trung tiết khí sách tướng ghi rành rành. (Ám trung tiết khí này có nhiều loại, đây chỉ là 1 trong số!)

Mạc tiên sinh ghi nhận điểm phá tướng đó, tiết lộ với bạn của Hạnh Xuân là Hồ Ngọc kể cho biết thêm chẳng những Hạnh Xuân có thói quen luôn luôn tiểu tiện mà thôi; cả việc đại tiện cũng khác người ta, mỗi lần nàng làm công việc đó tưởng chừng như xổ ruột. Tiểu tiện đại tiện chẳng phân biệt trước sau ào ào rơi xuống như hắt chậu nước. Mỹ trung hữu chí sũ là như vậy!

Sách tướng viết:

“Sũ nữ gia quý phu, sũ trung hữu đại mỹ” nghĩa là gái xấu lấy chồng sang, trong cái xấu có cái cực đẹp. Trên tướng thuật nhìn cái đẹp theọt nhãn tuy có điểm tương đồng nhưng ở mặt khác lại có điểm tương phản, cho nên quan điểm và quan niệm về Đẹp của tướng nhãn thường thường xung đột với quan điểm và quan niệm của tục nhãn.

Tỉ dụ như vẻ đẹp của mỹ nhân là da thịt mềm mại êm như bông hay thiên kiều bách mị. Thế nhưng tướng lý cho như vậy là dâm tiện. Nếu cứ theo tục nhãn để định thì cuộc đời tất có ngày hố to!

Dĩ nhiên những vẻ đoan trang , thuỳ mị, nhàn tĩnh, hoa quý, trong sáng thì tướng nhãn và tục nhãn đều cùng một quan niệm và quan điểm. Tuy vậy qua kinh nghiệm và thực tế đầy rẫy ngoài đời thì người đang bà ở vị nguyên phối (vợ lớn) ít người đẹp theo tục nhãn mà người đàn bà ở địa vị trắc thất (vợ bé) thì nhiều người đẹp theo quan điểm tục nhãn. Các cụ cổ khôn lắm nên đặt lệ:

Thủ thê thủ đức (lấy vợ lấy đức)
Thủ thiếp thủ sắc (lấy thiếp lấy sắc)

Cũng lạ là hồng nhan bạc mệnh hay phong lưu khuyết đức phần lớn ứng vào thân phận thiếp mọn. Chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng. Ấy vậy mà kẻ đắp chăn bông thường không đẹp bằng kẻ chịu lạnh, kẻ chịu lạnh đa số có sắc, tướng, mỹ. Đã có sắc, tướng, mỹ thì cũng đa số vướng vào cảnh hoa tường liễu ngõ nên mới gặp kẻ tìm hoa hỏi liễu để trở thành thân lẽ mọn.

Cho nên, về tướng lý, chỉ đẹp sắc không phải là quý tướng. Chẳng phải ngàn xưa mới thế, ngày nay cũng vậy. CÁc minh tinh màn bạc chưa lấy chồng đã nổi tiếng nhiều chồng. Và khi lấy chồng các minh tinh gần như chẳng bao giờ ở địa vị nguyên phối. Hồng nhan, phong lưu, khuyết đức, bạc mệnh theo tướng lý vẫn hằng liên hệ với nhau.

Trái lại, những người đàn bà ở ngôi vị nguyên phối không phải là người có sắc tướng mỹ mà là người có tướng cách mỹ (đẹp tướng). Bởi tại tướng cách mỹ ít người nhìn ra nếu không biết tướng thuật nên phê phán qua tục nhãn bằng hai chữ “xấu xí”.

Hồi Ngô Bội Phu còn làm mưa làm gió trên chính trường Trung Quốc (thời mạt Thanh sắp xảy ra cách mạng Tân Hợi), có mở bữa yến tiệc lớn mời khắp mặt vai vế đương thời. Trong số đó có nàh coi tướng họ Đàm. Theo những biên chép của vị tiên sinh coi tướng ghi lại thấy bữa tiệc ấy như sau:

“Nhờ bữa tiệc này tôi thể nghiệm rõ ràng nguyên tắc tướng pháp về lẽ xấu đẹp của người đời. Tôi thấy ở đây, ngoại sảnh để tiếp loại thiếp hầu thì ai ai cũng mặn mà quyến rũ nhưng nhìn kỹ chẳng một người là con nhà phiệt duyệt hay khuê các. Phảng phất chỉ có sắc thái xuất tường hồng hạnh hoặc tỳ bà biệt diệu mà thôi.

Khi vào tới nội sảnh, nơi dành cho phu nhân Ngô Bội Phu tiếp các bà nguyên phối khác thì tuyệt nhiên không thấy một vết tích truỵ lạc, phong trần. Hơn 24 vị thái thái, quá nửa không có sắc tướng mỹ thì thật là mãn thiên tinh đẩu (đầy trời sao sáng). Có người lưng lạc đà, có người cục mịch như thôn phụ, nhưng không người nào không có một tướng cách rất đẹp! Người thì một cái mũi đầy đặn giữa đôi mắt đôi mi phi thường thanh tú; Người thì tam đình (mặt chia ra làm 3 phần gọi là tam đình: từ trán xuống đến giữa hai mắt (ấn đường) là thượng đình, từ giữa hai mắt đầu sống mũi (sơn căn) xuống đến đầu mũi (chuẩn đầu) là trung đình, từ đầu mũi xuống cằm là hạ đình); Ngưòi thì ngũ quan tương phối, đoan chính minh lượng.

Như vậy, theo pháp quy nạp thì ưu điểm cửu tướng cục khả dĩ chia làm ba loại:

1 - Trong xấu có điểm cực tốt (sũ trung hữu đại mỹ)
2 - Cái tốt bên trong(nội tại mỹ) là tính kiên trinh, ôn nhu.
3 - Thái độ bao dung.

Vô luận nam hay nữ, nội tại mỹ bao giờ cũng hơn cái đẹp bề ngoài. Nhất là con gái lẳng lơ càng đẹp càng hạ cách.

Nhớ đến Vương Chiêu Quân ngày xưa sở dĩ nàng phải chịu kiếp cống Hồ chắc là nàng có điểm phá tướng; cái điểm phá tướng ấy là sự thực chứ không phải Mao Diên Thọ vẽ thêm đâu!


S.T