“Bắt hình dong” bằng văn hoá dân gian


Dường như, từng chi tiết trên một khuôn mặt được bóc tách, phân tích tương ứng với từng tính cách, số phận của người sở hữu.

Kinh nghiệm bồi đắp từ thực tế





Không thiếu những câu ca dao, tục ngữ mà giá trị của nó bị mai một vì không còn phù hợp với thực tế cuộc sống. Thế nhưng, những đúc kết về một con người thông qua gương mặt, tướng mạo thì có vẻ ngày càng được con người vận dụng như những kinh nghiệm sống truyền đời quý báu.

GS Kiều Thu Hoạch (Viện nghiên cứu văn hóa dân gian) cho rằng: Những đúc kết qua ca dao, tục ngữ đa phần được nhiều thế hệ chiêm nghiệm từ cuộc sống hàng ngày. Không phải tự nhiên mà một câu ca dao hay tục ngữ lại được xuất hiện và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Chắc chắn, nó phải có những điều tương ứng với thực tế và vẫn có những giá trị nhất định. Ví dụ như câu: “Đàn ông không râu bất nghì/Đàn bà không vú lấy gì nuôi con”. Chữ “nghì” ở đây được hiểu là nghĩa tình. Nhiều người đàn ông không có râu rơi vào trường hợp như câu ca dao này. Những người “không râu” đã đành, những người có râu nhưng ít cũng không được đánh giá gì hơn: “Đàn ông mà kém bộ râu/Văn chương cũng dở, công hầu đừng mong”. Hay, dân gian vẫn có câu: “Những người ti hí mắt lươn/ Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người” cũng được vận dụng vào cuộc sống.

GS Hoạch cho biết, hầu hết những câu ca dao, tục ngữ nói về khuôn mặt của một con người mang tính chất là những đánh giá tính cách tương ứng thì đều khá đúng với thực tế. Theo ông, những đánh giá tương tự về nhân tướng đã xuất hiện từ thời Đông Chu liệt quốc bên Trung Quốc. Thời đại này đã có những đúc kết thông qua hàng ngàn, hàng vạn người khác nhau. Đây hoàn toàn là những kiến thức đã được tổng hợp qua kinh nghiệm của nhiều thế hệ chứ không phải là những câu từ vô tình được tạo ra. Để đúc kết được những kiến thức như thế, chắc chắn nhiều lớp người đi trước đã trải qua, thậm chí nhiều người phải trả giá bằng thực tiễn. Việc này cũng không nằm trong phạm trù tướng số mê tín dị đoan mà đã được khoa học hiện đại chứng minh.

Dân gian phòng kẻ xấu





Mục đích của những “tác giả” của ca dao, tục ngữ có lẽ muốn nhấn mạnh sự cảnh báo cho thế hệ sau. Chính vì thế, những “cái mặt” tử tế có vẻ ít được ca dao, tục ngữ để tâm hơn. “Những gương mặt khó chơi” được lưu ý nhiều để giúp nhận diện những kẻ không ra gì để tránh.

Thần khí của một con người đều tập trung vào khuôn mặt, thế nên dân gian có câu: “Những người mặt nặng như mo/ Chân đi bậm bịch, có cho chẳng màng”. Hay: “Mặt đỏ như lửa, thấy bụng chửa cũng sợ” ý nói những kẻ hèn nhát.... Ngoài ra, có nhiều câu thể hiện những đúc kết về tổng thể một gương mặt khác như: “Những người mặt nạc đóm dầy/ Mo nang trôi sấp, biết ngày nào khôn”, hoặc “Mặt khó đăm đăm, tát nước đầm không cạn”...

Trên gương mặt, đôi mắt được chú ý nhiều hơn cả. Vì thế, những câu có tính chất đánh giá con người qua đôi mắt cũng có số lượng chiếm ưu thế. Ít ai không biết đến cách ví von giữa con mắt và “cửa sổ tâm hồn”. Trong ca dao, tục ngữ cũng vậy, chỉ cần nhìn vào con mắt, nhiều người có thể biết được những điều ẩn chứa sau đó. Về đôi mắt, có rất ít câu ca ngợi những đôi mắt đẹp, những đôi mắt của người có đạo đức như “Những người con mắt lá răm/Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”. Đa phần phản ánh về những kiểu mắt nhiều khiếm khuyết như: “Mắt trắng, môi thâm, da thiết bì/ Người nhiều lông bụng, vô nghì chớ thân”; “Mắt tròn dưới mí láng sưng /Là tên tửu bác, không ngừng chơi đêm”, “Con lợn mắt trắng thì nuôi/Những người mắt trắng đánh rồi đuổi đi”, “Lờ đờ như người say rượu/ Mắt đỏ hoe, phải liệu mà chơi”, “Mi nhỏ như sợi chỉ mành/ Tình trong chưa thắm, ngoại tình đã giao”...

Sau đôi mắt, cái miệng cũng được chú ý nhiều trong “nhân tướng học” dân gian. Nếu như con mắt là “cửa sổ của tâm hồn” thì cái miệng giống như cửa chính của một ngôi nhà. Thế nên, với mỗi cái miệng khác nhau lại tương ứng với một “ngôi nhà”. Nếu “Hai môi không giữ kín răng” thì sẽ “Là người yểu tướng, nói năng hỗn hào”. Còn “Hàm rộng, miệng cọp: anh hùng/Hàm rắn, miệng chuột: bất trung vô nghì”…

Ngoài đôi mắt, cái miệng thì tất cả các chi tiết trên gương mặt một con người, từ hàm răng, mũi, tai, trán đến cả nhân trung hay cái tóc mai... cũng đều được xuất hiện trong “Nhân tướng học” văn hoá dân gian như: “Lỗ mũi mà hỉnh ngửa lên/Bạc tiền chồng chất một bên chẳng còn”, “Răng thưa, da trắng: gái hay/ Răng thưa, mặt sẫm: đổi thay chuyện tình”... “Mụt ruồi màng tang cả làng ăn thép/Mụt ruồi bên mép, ăn thép cả làng”, “Trên rừng thì hổ lang dưới làng thì mặt rỗ”...

Đa phần các câu ca dao, tục ngữ đánh giá con người qua dung mạo đều đúng trên tổng thể nhưng không phải 100% số phận, tính cách của con người được thể hiện qua bề ngoài. Ví như có những người tuy mang bộ râu rậm rạp, hàm én... cùng với một gương mặt rất khả ái nhưng lại là một tên kẻ cướp hay lừa đảo, hay một người tướng mạo xấu xí nhưng lại có tấm lòng nhân ái...

Nhân cách một con người phần nhiều do môi trường giáo dục tạo ra. Vì thế, những kinh nghiệm dân gian gian và cả nhân tướng học cũng chỉ là một kênh để tham khảo. Quan trọng là mỗi người phải biết sống sao cho hợp đạo lý để những người từng gặp đều nhớ đến mình với “cái mặt chơi được”.


Dân gian mâu thuẫn

“Dù sao, bất cứ một kinh nghiệm nào cũng không thể đúng hoàn toàn với mọi đối tượng. Trong văn hoá dân gian đôi khi một lời ca dao hay câu tục ngữ cũng có những dị bản mang ý nghĩa trái ngược lại với nhau. Ví như câu “Má bánh bầu xem lâu muốn chửi/ Mặt chữ điền tiền rưỡi muốn mua” nhưng lại có một dị bản khác là “Má miếng bầu coi lâu càng thắm/ Mặt chữ điền xấu lắm ai ơi”. Như vậy, bản thân trong kho tàng ca dao, tục ngữ cũng có những điểm chưa thống nhất. Với những câu có nhiều dị bản khác nhau thì việc đánh giá sẽ không thực sự chuẩn xác. Lúc này phải phụ thuộc vào hoàn cảnh và thực tiễn để đánh giá”.

GS Kiều Thu Hoạch



Nhân Bảo