Hàm Rồng mất tích

Sự biến mất của kỳ quan này – theo cách lý giải của Hoàng Tuấn Phổ - là do sự chuyển dòng của sông Mã.

Theo nhận định của Đào Duy Anh trong cuốn Nước Việt Nam Qua Các Triều Đại (Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin - 2005) dòng chính của sông Mã trước đây vốn chảy thẳng ra lửa Lạch Trường, theo lối sông Lèn ngày nay


Cầu Hàm Rồng TP Thanh Hóa

Khi ấy ngã ba sông Mã, sông Ngu (sông Lèn) có tên là Tuần Ngu – nay là ngã ba Bông – nơi thu thuế đường thủy của nhà Lê.


Một cơn lũ lớn vào đầu triều Nguyễn đánh chìm một bè gỗ lim lớn, dần dần phù sa bồi đắp làm hẹp cửa vào dòng sông Ngu Lại, khiến sông Mã phải trổ một nhánh phụ ra lối qua cầu Hàm Rồng và đổ ra cửa biển Hội Trào như hiện nay.

Sự chuyển dòng một cách bất đắc dĩ của sông Mã khiến lạch sông nhỏ ngay qua Hàm Rồng trở thành một con sông lớn, nhấn Hàm Rồng vào sâu trong dòng nước.

Một Hàm Rồng phong thủy

Tôi trở lại Hàm Rồng, ngắm nhìn phong cảnh. Vẫn núi Rồng, núi Ngọc, sông Mã, động Tiên Sơn, động Long Quang. Vẫn người Bắc kẻ Nam tập nập lại qua trên hai chiếc cầu bắc ngang dòng sông Mã. Vẫn non xanh nước biếc hùng vĩ. Vẫn mây trắng ngàn năm bay.

Những ai từng đi ngang qua xứ Thanh, tỉnh Thanh Hóa ngày nay, nơi dòng sông Mã cắt ngang đường Quốc lộ 1A, hẳn đều biết đến địa danh Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa).

Từ ngàn năm trước, nơi đây vẫn được ngợi ca là một danh sơn thắng địa, nguồn thi hứng bất tận cho các tao nhân mặc khách danh tiếng như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Sĩ Phan Huy Ích, Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát, Tản Đà, v.v… Núi non vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Gọi điện trách, anh bạn tôi không có vẻ giận, chỉ hỏi: “Đang đứng ở đâu?”. “Trên núi Đầu Rồng, trong động Long Quang”.

“Đó là hai mắt của Rồng. Anh đi theo cửa hang nào cũng được, bám vách đá hướng về phía núi Ngọc, thấy phiến đá cao, là đến mỏm đá mũi rồng.

Phía dưới mũi Rồng có một hang động hình cáo hàm còn rồng gọi là Hàm Rồng. Nhưng tôi cũng khuyên anh đừng cố tìm. Hàm Rồng đã mất tích lâu rồi” – Dứt câu anh cúp máy.

Ngọn núi đá vôi mà tôi đang đứng khá nổi danh trong sử sách. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, núi Hàm Rồng ngày nay vốn là núi Long Hạm, tên cũ là Đông Sơn, mạch núi từ Ngũ Hoa (xã Dương Xá, huyện Thiệu Hóa ngày nay) theo bên sông dẫn đến, uyển chuyển liên tiếp như hình con rồng chín khúc, cuối dãy nổi lên ngọn núi cao, đá chất chồng.

Trên núi có động Long Quang. Dưới núi có tảng đá lởm chởm trông như hàm rồng đang hút nước sông Mã.

Trong cuốn Lý Thường Kiệt (Nhà Xuất bản Sông Nhị, Hà Nội - 1949), học giả Hoàng Xuân Hãn cũng có cùng nhận định: “Núi Long Hàm hay Hàm Rồng là nhỏn cuối của một dãy núi, chạy dài trên hữu ngạn sông Mã từ làng Dương Xá đến cầu Hàm Rồng, dài trên khoảng năm cây số. Núi là núi đất lẫn đá nhưng nhỏn Hàm Rồng thì toàn đá.

Trên cao có động tên là Long Quang. Động có hai cửa hai bên, hình như hai mắt rồng, thường gọi là Long Nhãn. Núi sát bờ sông, trên bờ có mỏm đá dô ra như hình mũi rồng, cho nên gọi là Long Tị. Gần mặt nước có hai lớp đá chồng nhau như hàm rồng. Đó là Long Hàm.

Toàn hình – trông từ phương phương Bắc – giống như đầu rồng đang uống nước. Bên kia sông có nhỏn đá tròn, người ta gọi là núi Hỏa Châu. Cảnh chung gọi là Long Hí Châu (Rồng vờn hạt ngọc)”.

Một nhà nghiên cứu người xứ Thanh là Hoàng Tuấn Phổ gần đây có đưa ra một cứ liệu khi viết về cuốn Núi Rồng –Sông Mã (Nhà Xuất bản Văn hóa - 1993).

Tác giả dựa vào lời dẫn bài Long Hạm Nham Tức Hứng của Phan Huy Ích viết năm 1782: “Sau khi đến nơi nhậm trị, tôi qua thăm lại cảnh cũ núi Da Sơn (tên cũ là núi Rồng) ở bên cạnh bến sông.

Chỗ vách đá trống có một phiến đá cao hơn năm thước ta (hơn hai mét), bề rộng có thể trải được chiếu. Hình thù đá như cổ cái môi, trơn tru giống như đầu rồng mở miệng vậy. Vì thế mới gọi là động Hàm Rồng.

Trước động có một hòn đá rất lớn nhòm xuống dòng sông đột khởi lên như hình hàm rồng ngậm ngọc, cho nên đặt tên là hòn Đá Ngọc. Trong khoảng giữa chân núi và hòn Đá Ngọc của Hàm Rồng đã được san lấp thành nền đất bằng phẳng, rộng hai trải chiếu, trên đó dựng một am nhỏ, đặt tên Song Lạc Quán.

Khoảng trống vách bên phải tạm chứa được bốn, năm người ngồi, tôi thường bao con hát vào đó đàn hát gọi là Nhạc Phòng.

Vách đá trái - tùy theo hình thể của đá – sắp đặt bàn trà, chỗ bếp rượu, tôi lại khắc chữ vào ria núi đá và xây dựng công đường, nhà cao cửa rộng, có hành lang, trồng cây, trồng hoa thành hàng lối, phong cảnh rất đẹp…”.

Nếu những cứ liệu trên đủ sức thuyết phục, có thể khẳng định, sở dĩ ngọn núi này nổi tiếng vì nó có một điểm sất đặc biệt. Núi có dáng hình một con rồng đang há miệng.

Nhưng tôi xuống sát mép nước, đi ra xa theo phía bờ bắc, rồi đứng cao trên đỉnh núi Ngọc đối diện, thấy rất rõ dáng núi như đầu rồng nhưng hàm rồng thì thú thực không thấy đâu.

Có lẽ nào hình tượng Hàm Rồng đẹp như cảnh tiên ấy – như cách anh bạn mọt sách của tôi nói – từng hiện diện nhưng nay mất tích.

Khi tôi đem sự băn khoăn đến hỏi một người từng nghiên cứu khá kỹ về Hàm Rồng, lại nhận thêm một ý kiến khác.

Phải chăng hàm rồng chỉ là một thuật ngữ của khoa học phong thủy. Đó là ý kiến của ông T – một trong số ít người của xứ Thanh còn xác định được 28 huyệt mà Thánh địa lý Tả Ao phát hiện ở Thanh Hóa.

Ông T cho rằng, các nhà phong thủy có câu: “Tiên tích đức, hậu tầm long” (tức là chứa tức trước, tìm đất sau).

Trong phép tầm long của các nhà phong thủy, trước hết phải tìm tổ núi, rồi dò theo long mạch mà tìm đến huyệt.

Huyệt là thế đất có án che phía trước, chẩm làm chỗ dựa phía sau, bên trái là tay long, bên phải là tay hổ.

Long mạch có thể lớn hoặc nhỏ, có nhiều điểm kết mà điểm kết tốt nhất gọi là hàm rồng. Người ta thường nói những gia tộc được đại phú đại quý là nhờ có “mả táng hàm rồng” là vì vậy.

Hàm Rồng nay ở đâu

Trước anh bạn tôi có nhiều người quan tâm đến một vách đá hình miệng rộng đang há ngay mép nước, bên trong có chứa long mạch hàm rồng. Người coi lời dẫn tựa của bài Long Hạm Nham Tức Hứng như lời chú của vị quan châu đi tìm bí mật hang Thần trong truyện Vàng Và Máu của Thế Lữ.

Người đi tìm long mạch, người đến chỉ vì tò mò nhưng nhìn chung, ai cũng cố vén bức màn huyền bí để mục sở thị cái hình tượng khởi khát cho cái tên Hàm Rồng hiện nay.

Trong cuốn sách đã dẫn, tác giả Hoàng Tuấn Phổ còn dựa vào bài thơ Long Đại Nham của Nguyễn Trãi để khẳng định có một hang đá tự nhiên mang hình tượng con rồng há miệng.

Có vẻ hơi khiên cưỡng khi cho rằng Long Đại Nham là động lớn núi Rồng (Đại nham: động lớn) và câu: “Lê Phạm phong lưu ta tiệm viễn/Thanh đài bán thực bích gian thi” .

(Lê, Phạm văn phong dần vắng thấy/Rêu tường xóa lấp nửa vần thi – Lê Cao Phan dịch) chứng tỏ bản khắc thơ trong động của hai danh sĩ đời Trần là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh bị rêu phong vì hang động thấp, gần nước sông.

Năm 1949, nhà sử học Hoàng Nguyên Hãn chứng minh cuốn An Nam Chí Lược (Lê Tắc soạn - 1335), bộ sách được coi là Hàm Rồng ngày nay còn họi là Long Đại Nham, Bảo Đài Sơn hay Hang Dơi là sai.

Một số sách đời sau như An Nam Chí (Cao Hùng Trưng) hay Việt Kiều Thư, Minh Chí đều chịu ảnh hưởng của sách này, nên có chung lỗi đó.

Theo ông, đó là ngọn núi Linh Trường, Lê Thánh Tông viết: “Núi xanh cao vót, dáng dị kỳ, đứng sững ở cửa biển. Chân núi có động, sâu thẳm khôn cùng, tương truyền đấy là miệng rồng. Ngoài cửa động có viên đá hình cái mũi, tương truyền đấy là mũi rồng.

Dưới mũi lại mọc ra một viên đá tròn nhẵn nhụi đáng yêu, tương truyền đấy là hạt ngọc. Đá lớn đá nhỏ lô nhô rất nhiều hình thái, chỗ thưa chỗ dày, không thể đếm được, tương truyền là râu rồng…”.

Núi đó từng có thơ của Lê, Phạm đề, nên nếu tìm theo hướng đó, chúng ta sẽ phải xa nơi cần tìm hàng chục km.

Vị trí Hàm Rồng lâu nay vẫn được phỏng đoán là nơi cuối cùng của núi Đầu Rồng, dưới đôi mắt và mũi rồng, hướng về phía núi Ngọc (Hỏa Châu Phong).

Nhưng nó là những phần đất còn lại, hay chìm sâu giữa dòng sông Mã như bây giờ thì chưa ai khẳng định được. Nếu là phần trên bờ, chỉ cần khai quật đi lớp cát bồi chừng dăm ba mét, hy vọng sẽ thấy.

Nhưng nếu chân núi Rồng vốn vươn xa ra giữa sông , hy vọng tìm thấy là rất mong manh, vì nước nơi này cực xiết. Trước đây người ta không dễ hạ được một móng cầu thì ai có thể xuống đó mà thám hiểm.

Hơn nữa, trải qua mấy trăm năm dưới dòng sông Mã với lượng nước trung bình năm 52,6 m3/s, modul dòng chảy năm 221/s.km2, tổng lượng cát bùn khoảng 3,027.106 tấn, liệu Hàm Rồng có còn dấu tích.

Chúng tôi đem những băn khoăn ấy định trao đổi với ông Ngô Hoàng Chung, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa. Ông Chùng từ chối vì Hàm Rồng không thuộc quản lý của Sở và chỉ sang Phòng Văn hóa Thành phố.

Theo ông Hà Huy Tâm, Trưởng phòng Văn hóa Thành phố, thắng cảnh Hàm Rồng là quần thể di tích với 16 hạng mục cấp tỉnh. Về hang động thì có hai hạng mục chính là động Tiên Sơn và động Long Quang.

Từ trước tới nay, địa phương chưa từng tổ chức một đợt khảo sát nào để tìm lại thắng tích. Xét thấy việc tìm lại thắng tích Hàm Rồng, ngoài yếu tố tâm linh còn là sự giáo dục truyền thống.

Ông Tâm khẳng định, nếu hội tụ đủ một số điều kiện cần, sẽ có tờ trình UBND TP Thanh Hóa để làm.

Liên quan đến núi Hàm Rồng và huyệt hàm rồng trong phong thủy, có một truyền thuyết kể rằng vào khoảng năm 866 – 875, tiết độ sứ đất Giao Châu (tên nước ta thời thuộc Đường) là Cao Biền, rất giỏi về phong thủy, am hiểu việc làm bùa chú, lại biết nuôi âm binh, có thể ném hạt đậu hóa thành binh lính.

Biền thấy đấy Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương, sợ dân nơi đây bất khuất, khó lòng cai trị, nên thường cưỡi diều giấy bay đi xem xét và tìm cách trấn yểm các long mạch để phá vượng khí của người Nam.

Bay qua vùng núi Hàm Rồng, nhìn thấy huyệt Hàm Rồng, Biền nói rằng địa thế này tuy không phải là hung địa “xương long vô túc” (rồng không chân) nhưng cũng là hình con rồng què chân, không phải đất cực quý, nên bỏ đi.

Miệng nói vậy nhưng chính y lại âm thầm trở lại, mang theo hài cốt cha để táng vào mong sau này có thể phát đế vương. Sau nhiều lần táng mả cha vào, xương cốt cứ bị huyệt núi đùn ra, không kết phát.

Cao Biền biết rằng đây là long mạch cực mạnh, cực quý. Thì lại càng ham thích. Rắp tâm làm đến cùng, Biền bèn tán nhỏ xương vừa tung lên thì có muôn con chim nhỏ cùng bay đến, vô cánh quạt vù vù làm xương cốt bám trên vách đá bay tứ tan.

Biền than rằng linh khí nước Nam quá mạnh, không thể cưỡng cầu. Quả nhiên không lâu sau, Biền bị triệu về nước rồi bị giết. Và sau này, đất Thanh là nơi phát khởi của nhiều vua chúa.

Nhiều người cho rằng, những chim nhỏ phá phép trấn yểm của Cao Biền là thần linh của sông núi nước Nam. Có người lại cho rằng đó là do Thánh Tả Ao hóa phép.

Theo truyền thuyết, cụ Tả Ao là vua phong thủy của nước ta, chuyên phá những long mạch bị Cao Biền trấn yểm.

Không ai rõ tên và năm sinh, năm mất của Tả Ao nên chỉ gọi theo tên làng. Nhiều tài liệu phỏng đoán cụ tên thật là Vũ Đức Huyền hay Hoàng Chiêm hoặc Hoàng Chỉ, Nguyễn Đức Huyên, v.v…, sống ở làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vào thời Lê.

Cũng có người nói ông sống trước thời Tùy Đường. Nhờ chữa cho một thầy phong thủy người Tàu khỏi mù mắt, cụ được thầy này truyền nghề lại. Tả Ao học một biết mười, chẳng bao lâu biết hết các tuyệt kỹ của thuật phong thủy, bèn xin về nước.

Thầy Tàu sau khi thử tài cụ, than rằng: “Tất cả tinh hoa môn phong thủy đã truyền về phương Nam rồi!”. Sợ Tả Ao biết hết các huyệt đế vương ở nước Nam mà khởi phát, thầy dặn khi đi trên đường về quê, qua nơi nào có sông núi phải nhắm mắt lại kẻo bị mù mắt.

Nhưng khi đi qua Hàm Rồng, do tính tò mò, Tả Ao hé một mắt nhìn, một mắt nhắm và phát hiện đây có một huyệt là hàm rồng sắp mở miệng. Cụ bèn đem hài cốt cha đến đợi.

Nhưng người nhà thấy Ao đào hài cốt cha đem đi thì hoảng hốt, chạy theo khóc lóc không cho làm thế.

Giằng co mãi đến lúc hàm rồng khép miệng lại mà không táng được. Lại có khảo dị rằng, Tả Ao muốn cho con cháu phát khởi nên, trước khi chết, dặn con cháu đem chôn mình vào đấy lúc rồng há miệng.

Các con người nghe, người cản nên đành hỏng việc. Vì vậy có người nói, tài giỏi như Tả Ao nhưng không đủ phúc phận cũng đành chịu.



Theo Gia Đình&Xã Hội