Gặp lại nguyên mẫu nhân vật ngoài đời trong “Vợ chồng A Phủ”


Ông Đinh Văn Tôn - Nguyên mẫu nhân vật trong “Vợ chồng A Phủ”
Trong chuyến đi Sơn La làm việc, tôi được Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi huyện Bắc Yên giới thiệu: "ở đây có A Phủ đấy!”. Thời còn học phổ thông, được học tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Trong phần giới thiệu, cũng như trong bài giảng của thầy có nhắc, nhân vật A Phủ được nhà văn Tô Hoài lấy nguyên mẫu ngoài đời, là người thực được hư cấu thêm... Tôi hăm hở tìm hiểu.



Lần giở lại những trang sách đã ố vàng, gọi vài cuộc điện thoại trao đổi với thầy, tôi phát hiện ra rằng, hầu hết các nhân vật từ chính, tới phụ, miễn là nhân vật đó có điểm nhấn quan trọng trong các trường đoạn của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” đều được nhà văn Tô Hoài xây dựng từ những nguyên mẫu có thật trong đời sống xã hội thời bấy giờ. Những nguyên mẫu của các nhân vật trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” phần nhiều là ở Tường Sơn, Châu Phù Yên (cũ) thuộc huyện vùng cao Bắc Yên, tỉnh Sơn La ngày nay. Theo A Châu, nguyên mẫu của các nhân vật chính trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” đã về với ông bà, tổ tiên hết rồi, chỉ còn lại một mình cụ. A Châu là biệt danh, cụ có tên thật là Đinh Văn Tôn, cán bộ Cách mạng hoạt động sau năm 1945, được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều Huân huy chương do Đảng, Nhà nước trao tặng. Cụ là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở bản Mùng, xã Tân Phong, huyện Phù Yên (cũ), tỉnh Sơn La. Năm 1950, cụ nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật tại Khu 99, thuộc huyện Bắc Yên. Bây giờ, cụ đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và tinh anh, rành mạch trong từng câu nói. Cụ còn đùa rằng, tôi khoẻ mạnh được như thế này là do khí hậu miền núi trong lành, đồ ăn không nhiễm hoá chất... Trong ngôi nhà nhỏ, bằng gỗ, đơn sơ và ấm cúng, cụ kể về quãng thời gian hoạt động Cách mạng, về chuyện ngày xưa nhà văn Tô Hoài đặt tên các nhân vật khi viết Vợ chồng A Phủ... Cụ A Châu kể về những năm tháng đi theo Cách mạng chống thực dân Pháp: Cuối năm 1951, nhận nhiệm vụ về Châu Phù Yên báo cáo tình hình của định ở Khu 99. Đi tới bản Pai Trò B, xã Suối Tọ, cụ phát hiện nhóm địch có 20 tên đi càn đang nghỉ ở nhà Tạo bản - một người đã được giác ngộ cách mạng. Thế nhưng làm sao nhà Tạo bản có thể ra mặt chống đối chúng ngay được, trong khi chúng được trang bị nhiều súng. Bà con trong bản cũng hiểu cho nhà Tạo bản, cũng không manh động mà tìm mọi cách báo cho cán bộ cách mạng. Biết điều đó, đêm đến, cụ không ngủ mà cùng một số thanh niên trong bản đi thám thính tình hình quân địch ở nhà Tạo bản để lên kế hoạch hành động. Cụ được biết, 6 giờ sáng sớm mai, quân địch sẽ hành quân về hướng đồn La Hu Van. Cụ quyết định sẽ phải tiêu diệt địch. Cụ chọn địa hình hiểm trở là đường rừng, có một bên là núi cao, một bên là vực sâu để mai phục. Sau hơn 4 giờ đồng hồ nằm mai phục, người ướt đẫm sương buổi sáng của núi rừng, quân địch đã hành quân qua đoạn đường cụ mai phục. Chỉ có một mình nhưng cụ hô to: "Cả đại đội sẵn sàng chiến đấu”. Chỉ có một khẩu súng và 2 viên đạn, cụ bắn về phía quân địch, chúng chạy tán loạn và chống trả quyết liệt. Tên địch trúng đạn bị thương, nằm úp mặt xuống đất, cụ nhanh như con sóc, lấy được khẩu súng tiểu liên, khẩu súng trường của Mỹ, đeo lên người và chạy đuổi theo bọn địch đã chạy tứ tán vì nghĩ rằng bị phục kích với số lượng đông. Sau gần một giờ đồng hồ một mình đấu súng với 20 tên địch trong rừng, cụ tiêu diệt được 1 tên địch, bắt sống được 2 tên và đánh lui những tên còn lại về phía sau. Đó là chiến công đầu tiên đáng nhớ, ghi dấu ấn A Châu từ khi bắt đầu tham gia Cách mạng năm 1950. Năm 1952, A Châu hoạt động bí mật tại khu 99 (gồm 4 xã vùng cao của huyện Bắc Yên), được giao nhiệm vụ nắm tình hình hoạt động của quân địch tại vùng này. A Châu phát hiện, năm 1947, thực dân Pháp đưa Mùa Chống Lầu lên làm Thống lý ở Hang Chú. Sau đó, Mùa Chống Lầu được giác ngộ và theo Cách mạng. Năm 1952, thực dân Pháp phát hiện Thống lý theo Cách mạng nên bí mật cho quân tới bắt cả gia đình, cùng 2 em trai của ông. Chúng nhốt gia đình Mùa Chống Lầu ở đồn La Hu Van (Hang Chú). A Châu đã trà trộn vào đồn, tiếp cận được với Thống lý, nói bằng tiếng Mông rằng: Chúng tôi sẽ cứu gia đình ra, đừng để lộ. Sau đó, gia đình Thống lý Lầu được giải thoát, từ đó càng tin tưởng và phục vụ cho Cạch mạng nhiều hơn. Vì những đóng góp của mình, Thống lý Mùa Chống Lầu được bầu vào làm Uỷ viên Uỷ ban Khu tự trị Thái Mèo.


Với Cách mạng là như vậy, với nguyên mẫu của A Phủ thì sao? A Châu kể rằng, nó là cái duyên. Cụ tâm sự: Nếu nhà văn Tô Hoài viết về kháng chiến chống Pháp mà không lấy bối cảnh, sự kiện, con người ở Châu Phù Yên thì chắc chắn cụ không có cái may mắn được là nguyên mẫu của nhân vật A Phủ. Thật sự, cụ không biết mình có được vinh dự đó. Mãi sau khi tác phẩm văn học ra đời, người ta nói, nhà văn nói thì cụ mới biết. Cụ chỉ biết rằng, năm 1952, khi đang hoạt động Cách mạng ở Châu Phù Yên, cụ với cái tên A Châu có vinh dự được gặp mặt, nói chuyện với nhà văn Tô Hoài. Gặp cụ, nhà văn cũng nói rằng, có ý định viết truyện, lấy tên nhân vật là tên Thống lý Mùa Chống Lầu luôn. Vì rất nhiều lý do, khi biết chuyện, lãnh đạo Châu Phù Yên đã đưa ra ý kiến với nhà văn Tô Hoài là đừng đặt tên nhân vật với cái tên y nguyên Thống lý Mùa Chống Lầu như thế vào trong truyện. Thời điểm đó, còn rất nhiều vấn đề cần phải bí mật. Sau khi bàn bạc, nhà văn Tô Hoài đã lấy tên là Thống lý Pá Tra thay cho Thống lý Mùa Chống Lầu. Cái tên Thống lý Pá Tra có nguồn gốc là tên một phủ bên Trạm Tấu, thuộc tỉnh Nghĩa Lộ (cũ), tức huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái ngày nay. Cụ A Châu thừa nhận, cuộc đời thật của A Châu và A Phủ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” có nhiều điểm tương đồng. Nhất là ý thức và sự giác ngộ Cách mạng.

Như khơi đúng mạch, cụ kể nhiều về Thống lý Mùa Chống Lầu, về những ngày tham gia kháng chiến chống Pháp... Cuộc sống thanh bình đã trở lại nhiều chục năm, đất nước đã phát triển và hội nhập, thế nhưng, với cụ Đinh Văn Tôn, thời gian tham gia Cách mạng là quá khứ không thể quên. Cụ nhắc đi nhắc lại với tôi rất nhiều lần trong cuộc trò chuyện rằng: Không có Cách mạng thì nhân dân các dân tộc ở Châu Phù Yên (cũ), huyện Bắc Yên không thể được như ngày hôm nay. Cụ vừa nói, vừa đưa ra dẫn chứng cụ thể: Thời thực dân Pháp cai trị, chúng chia rẽ các dân tộc, tạo lên mối hiềm khích, thù hằn nhau. Khi người dân thiếu hiểu biết, mắc mưu chúng thì chúng giở trò cai trị của thực dân, đế quốc ra áp dụng. Lúc đó người dân nghèo đói, không biết chữ... Giờ đây, cuộc sống thay đổi, người dân các dân tộc quê cụ đã có của ăn, của để, có cuộc sống yên bình, trẻ em biết cái chữ; thanh niên thì học và làm cán bộ; người già ốm đau được đến bệnh viện chữa trị... Về đến Hà Nội, khi ngồi viết bài, cái sự lạc quan của cụ A Châu vẫn cứ theo tôi. Và, tôi hiểu, niềm tin đó là bất diệt.

Ghi chép của Thu Hà - Thu Thảo