Thần y “cướp cơm”


Gần 70 tuổi đời, 40 năm tuổi nghề, ông Lã Văn Dung (thôn My Dương, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã cứu sống hàng trăm người bị rắn độc như cạp nong, cạp nia, hổ mang bành cắn. Nhờ tài trị độc rắn mà ông được bà con trong vùng trìu mến đặt biệt danh là: Thần y.



Từ bài thuốc bí truyền...

Đến xã Thanh Mai hỏi thăm nhà thần y Lã Văn Dung thì ai cũng biết. Họ biết đến ông bởi hơn 40 năm qua ông đã cứu hàng trăm người thoát khỏi lưới hái của thần xà. Khi chúng tôi đến, gia đình ông đang có khách. Đó là anh Nguyễn Nam, một người đã từng được ông cứu sống đến để cảm ơn. Biết chúng tôi về tìm hiểu tài trị độc rắn, ông vui lắm nhưng rất khiêm tốn nói: "Chữa rắn cắn cứu người là việc nên làm mà".

Sinh năm 1942 tại xã Thanh Mai, huyện Thanh oai (Hà Nội), từ nhỏ ông đã theo nhóm thanh niên trong làng đi bắt rắn. Chứng kiến một số người dân bị rắn độc cắn mà không làm gì cứu được, cậu bé Dung đã suy nghĩ rất nhiều. Năm 1965, Lã Văn Dung bắt đầu cuộc đời quân ngũ tại chiến trường Bắc Thái. Có mặt trên nhiều tuyến lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng nhiều lần cận kề với cái chết ở chiến trường, Chàng lính trẻ Lã Văn Dung được bà con trong vùng yêu mến bởi bản tính thật thà, đôn hậu. Năm 1967, tiểu đội của ông ở nhà một ông cụ người Thổ (Bắc Thái) vốn là một lang y có tiếng trong vùng. Sau một thời gian sống cùng gia đình vị lang y này, ông Dung đã học được bài thuốc chữa rắn cắn bằng chính những lá cây mọc quanh nhà. "Hồi đó thầy kiên quyết không truyền nghề, nhưng do muốn cứu người bị rắn cắn nên tôi đã quyết tâm học lỏm cho kỳ được" - ông Dung tâm sự.

Kháng chiến thành công, ông Dung về quê hành nghề, buôn bán thuốc nam và chữa rắn cắn. Hơn 40 năm trong nghề, ông đã cứu sống hàng trăm người dân quanh vùng bị rắn độc cắn, cứu họ thoát khỏi lưỡi hái tử thần.


Nói về bí quyết chữa rắn cắn, ông Lã Văn Dung cho biết: "khi bệnh nhân đến trước tiên phải kiểm tra vết răng cắn ở chỗ bị cắn. Nếu là một chùm răng thì không độc, nhưng nếu chỉ có 2 vết răng nanh thì chắc chắn là rắn độc. Nếu là hổ mang cắn thì rất buốt, còn rắn cạp nia cắn thì chỉ đau nhẹ. Phải dựa vào đó để chữa trị cho hiệu quả". Ngoài ra, ông Dung cho biết thêm, muốn kiểm tra nhiễm độc trong người có thể kiểm tra bằng nhiệt kế hoặc bắt mạch. Nếu nhiệt độ cơ thể người bình thường là 36, 7độ C, từ 37 - 37, 2 độ C là nhiễm độc do rắn cắn. Nhiệt kế mà lên trên 37, 2 độ C là nguy hiểm. Không chữa trị nhanh thì khó có thể cứu được.

Khi bị rắn cắn, nếu bệnh nhân chưa từng uống thuốc khác thì chỉ cần ít thuốc gia truyền uống với chanh, dấm một lần là khỏi. Thậm chí bệnh nhân nặng có biểu hiện co giật thì vẫn có thể khỏi. "Nếu khi bị rắn độc cắn mà uống rượu bia, nước điếu thì vô phương cứu chữa" - ông Dung khẳng định.

...Hàng trăm người được cứu sống

Hơn 40 năm, với bài thuốc bí truyền trên, ông Lã Văn Dung đã chữa khỏi cho hàng trăm người và hàng nghìn con vật nuôi thoát khỏi lưỡi hái của ... thần xà. Tiếng lành đồn xa, tiếng tăm của ông không những được bà con lan truyền từ huyện này sang huyện khác mà còn được các địa phương khác biết đến và coi ông như là một "thần y" trị độc rắn.


Tâm sự với chúng tôi, ông Lã Văn Dung kể về trường hợp anh Nguyễn Nam bị rắn cạp nia cắn khi đi làm đồng. Hôm đó đã nửa đêm, trong khi đang ngủ, thì có tiếng gõ cửa. "ông ơi cứu nhà cháu với! ". Biết là có người bị rắn cắn ông vội trở dậy, dìu anh Nam vào nhà. Khi kiểm tra nhiệt kế, biết anh đã bị nhiễm độc nặng, người co giật, mắt và miệng đều không thể mở ra được, ông đã dùng bài thuốc chữa trị và cho anh Nam nghỉ ngơi. Một lúc sau, anh Nam dần tỉnh và vài ngày sau thì độc tố trong người cũng không còn nữa. "Hôm chồng em bị rắn cắn, gia đình lo lắm. Nhà nghèo không có tiền. May mà biết ông Dung chữa được rắn cắn nên tìm đến". - chị Mai, vợ anh Nam tâm sự.

Lật giở quyển nhật ký đã ngả màu do năm tháng, ông Lã Văn Dung chậm rãi kể về những người đã được ông cứu sống khỏi lưỡi hái thần xà. Trường hợp mà ông nhớ lâu nhất là cứu chữa cho cô gái tên Đào (ở xã Thanh Mai, Thanh Oai). Ngày đó, ông mới rời quân ngũ. Nhìn cô Đào người tìm tái, nhiều người tưởng đã chết nhưng sau khi được ông chữa trị, Đào đã dần tỉnh trong sự vui mừng của gia đình cùng bà con làng xóm.

"Sắp tới chắc tôi phải mua quyển sổ mới vì sổ cũ đã ghi hết rồi. Phải ghi lại để sau này con cháu xem vào đó để làm điều thiện giúp đỡ mọi người" ông Dung cho biết.

Người có nhiều con nhất xã

Đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, ông Lã Văn Dung vẫn nhiệt tình dồn tâm huyết giúp đỡ, chữa trị những người bị rắn cắn ngay tại nhà mình. Trong căn nhà ba gian, ông vẫn dành một góc nhỏ để đặt chiếc giường cho bệnh nhân ngả lưng. Mặc dù đã cứu sống hàng trăm người thoát khỏi cái chết nhưng chưa một lần nào ông lấy tiền công xá. Với nhiều gia đình khá giả, ông chỉ lấy chút ít tiền thuốc, còn với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì ông không nhận tiền. Gia đình anh Nam cảm kích trước biệt tài chữa rắn cắn của ông đã biếu ông chút tiền để ông thuốc nước nhưng ông kiên quyết chối từ - "Tôi chỉ nhận quà còn tiền thì không. Khi nào anh khá giả tôi sẽ nhận" - nói rồi ông Dung nhìn sang chúng tôi phân trần: "Tôi chữa trị giúp người là vì cái Tâm chứ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện được đền đáp. Cứu người là nghĩa vụ và cũng là nhiệm vụ thiêng liêng mà mỗi con người chúng ta đều phải làm". Đến tận bây giờ, câu nói của thầy lang truyền bài thuốc cho ông vẫn luôn hiện hữu. "Để trở thành một lương y tốt là việc rất khó, phải biết nâng niu, trân trọng nghề. Không được lạm dụng bài thuốc cứu người để trục lợi".

Có một người con trai, nhưng ông Dung vẫn chưa có ý định truyền nghề. Lý do như ôngồ từng dạy các học trò: "Làm thuốc phải giữ lấy chữ phúc, chữ tâm, cứu người như cứu mình, cứu người bị rắn cắn phải như cứu hỏa. Người bệnh được cứu sống, đòi bao nhiêu tiền họ cũng trả, song làm như vậy là chữ phúc mất đi, chữ tâm không giữ được".

Trong xã, giờ ông là người có nhiều con nhất. Không phải do vợ chồng ông sinh nhiều mà có điều này là do có rất nhiều bệnh nhân bị rắn cắn tưởng chừng không qua khỏi, được ông điều trị nên đã đến xin để được làm con nuôi. Anh Nguyễn Văn Hải - con nuôi của ông tâm sự: "Cha Dung là người lần thứ 2 sinh ra tôi, nếu không có ông thì giờ đây tôi không còn trên đời này nữa. Tôi rất vui mừng và hãnh diện có một người cha hết mình cứu giúp cho mọi người như vậy".

Hải Ninh