“Đấu Xảo Hà Nội 1902”
26/08/2009 1620

- Nếu bạn đến rạp xiếc Hà Nội hiện đặt tại khu vực Công viên Thống nhất, bạn có thấy một đôi tượng sư tử bằng đồng rất đẹp. Đó chính là dấu tích còn lại duy nhất (!?) của một công trình kiến trúc rất đẹp mà thoạt nhìn nhiều người ngỡ tưởng nó ở xứ sở xa xôi nào đó bên châu Âu.




Tuy nhiên chỉ cần đọc dòng chú thích cho tấm bưu ảnh có số thứ tự 2004 của bộ sưu tập do Nhà Bưu ảnh Dieulefils phát hành ta có thể định vị được không gian, thời gian và tên gọi sự kiện: “Bắc Kỳ - Đấu Xảo Hà Nội 1902”.


Tấm bưu ảnh định vị không gian và thời gian của "Bắc Kỳ - Đấu Xảo Hà Nội 1902”.

Bạn còn có thể đọc được trên nhật ấn đóng trên con tem dòng chữ “Nam Định” và dòng lưu bút của ai đó đã để lại chữ ký là ngày ký “16-6-06” .

“Đấu xảo” là một cách gọi tên của cái mà ngày nay chúng ta thường dịch từ chữ “exposition" là “triển lãm”. Đấu Xảo được hiểu như một cuộc trưng bày có sự ganh đua về sự “tinh xảo” của các sản phẩm.

Với Đông Dương hồi đầu thế kỷ thì sản vật của xứ sở này chủ yếu là nông, lâm sản, hai sản và thủ công nghiệp. Các cuộc “đấu xảo” được tổ chức tại Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX, nhưng cuộc “Đấu Xảo-1902” được coi là đặc săc nhất không chỉ là sự kiện diễn ra vào đầu thế kỷ mới (XX) mà năm đó còn diễn ra một sự kiên trọng đại là khánh thành chiếc cầu thép khổng lồ bắc qua sông Hồng nối đường xe lửa từ Hải Phòng đến Hà Nội và ngược lên phía bắc để tới vùng Vân Nam của Trung Quốc.




Đặc sắc của cuộc Đấu Xảo này là nó được trưng bày tại một công trình kiến trúc mà tấm ảnh cho thấy quy mô và vẻ đẹp của nó được coi là điểm nhấn đặc sắc nhất ở Hà Nội vào thời điểm 10 năm trước khi Nhà Hát Lớn Thành phố được khai trương (1911). Toà nhà do kiến trúc sư Bussy thiết kế . Còn cuộc Đấu xảo năm 1902 được khánh thành vào ngày 16-11-1902.

Toà nhà này sau đó được chuyển giao để thành lập một bảo tàng kinh tế đầu tiên và lớn nhất Đông Dương (Bảo tàng mang tên Maurice Long) toạ lạc ở không gian nay là Cung Văn hoá Lao Động Hà Nội nằm trên đường Trần Hưng Đạo và kề nhà Ga Hà Nội. Toà kiến trúc đã biến mất sau trận ném bom của máy bay Đồng Minh (Mỹ) vào thời kỳ phát xít Nhật đang chiếm đóng nước ta trong thời Đê nhị Thế chiến. Hai bức tượng đồng là phần duy nhất không bị bom đạn huỷ hoại.

Dương Trung Quốc