Tứ trấn chỉ có duy nhất ở Thăng Long
(09/02/2010)


Đền Bạch Mã
(VH)- Đã một ngàn năm trải qua với nhiều biến thiên của lịch sử, rất nhiều cấu thành của Thăng Long được xây dựng từ năm 1010 đến cuối thế kỷ XIII bị phá hủy nay chỉ còn là phế tích.

Tuy vậy, một số dấu tích của ngàn năm Thăng Long vẫn có sức sống diệu kỳ, vượt qua mọi sự thăng trầm của lịch sử. Đó là bốn di báu mà lâu nay quen gọi là tứ trấn của Thăng Long: Đền Bạch Mã (phía Đông), đền Cao Sơn (phía Nam), đền Linh Lang (phía Tây), đền Quán Thánh (phía Bắc). Thời gian có thay đổi nhưng tính chất thờ tự vẫn còn nguyên, đặc biệt là vị trí của tứ trấn chưa bao giờ xê dịch so với thuở ban đầu.

Tứ trấn chỉ có duy nhất ở Thăng Long Việc thờ bốn vị thần bảo vệ Thăng Long từ bốn phía là nét độc đáo của văn hóa tâm linh Thăng Long, duy nhất có ở các kinh đô nước ta kể từ khi lập quốc thời Hùng Vương cho đến tận sau này như ở kinh đô Huế thế kỷ XIX.



Đền Quán Thánh. Ảnh: Trần Huấn

Tuy rằng có thể có nguồn gốc từ tục thờ Thành hoàng trong văn hóa tâm linh phương Bắc. Vốn xưa ở Trung Hoa cổ đại, khi dựng đặt thành trì người ta thờ Thành hoàng để bảo vệ thành. Còn Thăng Long không thờ Thành hoàng như ở Trung Hoa mà thờ luôn bốn vị thần coi sóc bốn phía của thành, không sót một hướng nào để cho các thế lực âm không vào quấy phá Thăng Long.

Đó là một sáng tạo rất Việt trong tục thờ Thành hoàng, làm phong phú thêm cho văn hóa tâm linh Việt. Bốn vị thần trấn giữ bốn phía của Thăng Long có lai lịch xuất xứ và vai trò vị trí khác nhau trong các tôn giáo tín ngưỡng khác nhau được quy tụ về Thăng Long trong sự nghiệp cao cả là bảo vệ kinh thành.

Đền Bạch Mã với vị trí hiện tại là số nhà 78-80 Hàng Buồm. Kiến trúc đền mang phong cách lần tu bổ lớn vào đầu thế kỷ XX, thờ Quang Lợi Bạch Mã Đại vương. Tục truyền rằng, khi Lý Thái Tổ cho xây dựng thành Thăng Long thì vừa xây xong lại đổ xuống. Vua thấy vậy bèn cho quan đến cầu đảo tại đền Long Đỗ. Xong lễ bỗng dưng từ trong đền có một con ngựa trắng đi ra, chạy một vòng rồi bay về trời. Nhà vua theo dấu chân ngựa mà xây thành, từ đó trở nên kiên cố.

Vị thần được Vua phong làm Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần, trấn giữ phía Đông thành Thăng Long. Đền Cao Sơn được gọi là đền Kim Liên tọa lạc tại phường Kim Hoa (sau đổi thành Kim Liên), được khởi dựng từ đầu triều Lý, thờ thần Cao Sơn, vị thần núi có công trấn giữ Sơn mạch nước Việt từ ngàn xưa, từng là vị thần sát cánh cùng với Sơn Tinh hiển hách trong truyền thuyết cổ.

Cao Sơn được chọn làm vị thần trấn giữ mặt Nam của Thăng Long. Tại đền hiện lưu giữ bia đá “Cao Sơn Đại vương thần từ bi minh” làm vào đầu thế kỷ XVII ở Nho Quan, Ninh Bình. Chuyện kể rằng, tấm bia này tự nhiên nổi lên ở bến Bồ Đề, dân làng Kim Liên rước về thờ ở đền.



Đền Voi Phục.

Đền Linh Lang hay cũng được gọi là đền Voi Phục. Đền thờ Linh Lang Đại vương, là hậu thân của thần Linh Lang từ thuở lập quốc. Linh Lang đại vương thời Lý là tước thần của Hoàng tử Hoằng Chân, con một của Hoàng đế thời nhà Lý, người đã có công trong sự nghiệp chống Tống. Linh Lang là một trong bốn vị thần tứ trấn được cai quản phía Tây thành Thăng Long.

Quán Trấn Vũ được người dân quen gọi là đền Quán Thánh hay chùa Quán Thánh, xưa kia là Huyền Thiên Trấn Vũ. Khu vực Quán Trấn Vũ vốn xưa rất rộng, kéo dài đến tận phố Châu Long, là huyệt đất được chọn làm hậu chẩm cho Hoàng thành Thăng Long xây năm 1010 mà tiền án là gò đất xây dựng Văn Miếu. Quán thờ Huyền Thiên Trấn Vũ đại đế, là một trong các vị thánh kiệt xuất của đạo Lão, từng giúp dân Việt chống lại các cuộc xâm lăng của phương Bắc. Từ khi định đô Thăng Long, Huyền Thiên Trấn Vũ được cho trấn giữ phía Bắc thành, một trong tứ trấn của Thăng Long.



Di tích lịch sử đền Kim Liên

Chỉ với bốn vị thần trấn giữ bốn phía của Thăng Long đã cho thấy sự khác nhau về hành trạng, xuất xứ của thần để cùng làm một nhiệm vụ bảo vệ cho sự an nguy, thịnh vượng của Thăng Long, nói lên sự giao tiếp văn hóa của Thăng Long từ khởi thủy. Trấn Vũ là vị thánh của đạo Lão có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại.

Những người theo đạo Lão tôn Lão Tử làm thế tổ, tu luyện võ thuật tức tu theo phép thần bí như phép luyện đan để đạt tới thần tiên. Dùng một vị thánh như vậy để bảo vệ cửa ngõ phía Bắc Thăng Long hẳn rằng không có một thế lực siêu phàm nào có thể xâm phạm được.

Mà trấn yểm ở cửa Bắc cũng có nghĩa trấn yểm cả phương Bắc mà tục truyền rằng Trấn Vũ đã từng ba lần hiển linh giúp dân Việt đánh đuổi giặc ngoại xâm, khởi đầu là hóa thân đầu thai làm Thánh Gióng đánh tan giặc Ân. Cao Sơn trấn giữ phía Nam là vị thần từ thưở lập quốc đã cùng Sơn Tinh giữ yên sơn hà đất Việt. Trấn yểm phía Nam không những giữ yên cho Thăng Long mà cho cả Đại Việt.

Bạch Mã đương thời được coi như Thành hoàng Thăng Long. Linh Lang là kiếp sau của Linh Lang Đại vương thủa lập quốc, là một anh hùng có công trong sự nghiệp chống ngoại xâm. Như vậy, để xây dựng và bảo vệ vững vàng cho Thăng Long không chỉ có sức mạnh của binh hùng tướng mạnh, của muôn dân và của cải vật chất giàu có mà còn huy động mọi sức mạnh của cõi âm từ tiền nhân liệt quốc.

Người khai sáng Thăng Long vốn là vị quan đầu triều nhà Tiền Lê là Tả Thân Vệ Điện Tiền chỉ huy sứ, vốn coi trọng sức mạnh dương thế nhưng cũng rất sùng bái học thuyết âm dương ngũ hành, coi trọng phong thủy để tạo dựng nên một Thăng Long và bảo vệ vững vàng cho Thăng Long.

Nhà nghiên cứu Chu Nại Thành