544. Thư trả lời cư sĩ Lâm Tán Hoa (thư thứ năm)



Tà thuyết ngoại đạo đều chẳng đáng lo, cái đáng lo là Tăng phần nhiều chẳng biết pháp những gã cuồng Tăng xưng bừa là hoằng pháp nhưng thật ra là diệt pháp! Thế lực của họ rất lớn, nếu chẳng phải là bậc thánh nhân thần thông sẽ chẳng biết làm sao được! Quang là một tăng nhân tầm thường chỉ biết cơm cháo, đã không có đạo đức lại chẳng có tiếng tăm gì, làm sao có thể xoay chuyển lũ quyến thuộc trong ngoài của ma vương ấy, khiến cho bọn họ giữ lòng chánh niệm, chẳng bị những tà thuyết ấy mê hoặc ư? Đừng nói chẳng soạn luận, dẫu có soạn cũng chẳng ích gì! Nếu các Tăng - tục ấy đều nương theo lời Phật, hành theo hạnh Phật thì những kẻ có ý muốn diệt Phật pháp trông thấy đạo hạnh ấy cũng sẽ khâm phục, kính ngưỡng khôn cùng, lại còn muốn hộ trì. Huống là những vị có hành vi càng sâu xa hơn nữa ư? Hiện thời muốn hộ trì Phật pháp, không chi cấp bách hơn là tận tụy thực hành đạo “giữ vẹn luân thường, nhân nghĩa” và pháp tín nguyện niệm Phật! Sợ ông lầm lạc mong Quang soạn văn nên đặc biệt chỉ ra tình trạng không thuốc chữa, chỉ mong ông thấu hiểu sâu xa!



545. Thư trả lời cư sĩ Lâm Tán Hoa (thư thứ sáu)



Đại kiếp này vốn đã ươm mầm nhiều năm, nay mới phát hiện. Ví như nhọt chưa chín muồi, nếu kẻ ngu lúc bình thường chẳng chữa trị thì khi nhọt loét ra, sẽ khó thể chữa lành ngay được! Dẫu chẳng thể không tận hết sức người, vẫn khó thể chắc chắn vãn hồi được. Hiểu rõ điều này sẽ chẳng đến nỗi sanh lòng áo não xuông, oán trời, hận người. Ông Nhiếp Vân Đài[37] do dụng tâm quá độ, hiện thời đang phải dưỡng bệnh, chẳng thể giao thiệp với ai được.

Nghe nói ông X… đã sang Hồ Bắc, người này đã được ông Y… hun đúc, nên trong tri kiến ông ta chỉ nghĩ Duy Thức là đúng, các hạnh môn khác đều coi thường. Mùa Hạ này bị bệnh nặng mới thống thiết hối hận sai lầm, chẳng biết rốt cuộc gần đây ra sao? Xin hãy đừng qua lại với hạng người như vậy để khỏi bị họ xoay chuyển. Tất cả những hiện tượng trong hiện thời đúng là nhằm thôi thúc con người chuyên tu Tịnh nghiệp để cầu vãng sanh. Đang trong lúc này mà vẫn cứ hờ hững, hời hợt muốn làm đại thông gia thì đã chẳng thể tự lợi mà còn chẳng thể lợi người, tính toán cũng sai lầm quá đỗi vậy!



546. Thư trả lời cư sĩ Lâm Tán Hoa (thư thứ bảy)



Giảng kinh thì việc gì cứ phải mỗi năm giảng một kinh, chẳng thể giảng trùng lặp ư? Đã phải ăn cơm hằng ngày sao lại ngại phải lập đi lập lại? Tâm Kinh nghĩa lý uyên thâm, làm sao kẻ sơ cơ được lợi ích? Dẫu có sở đắc cũng chỉ là hiểu nghĩa [trên mặt văn tự] mà thôi! Sao bằng pháp môn Tịnh Độ hễ nghe liền có thể thực hành được ngay! Kể cả phẩm [Phổ Hiền] Hạnh Nguyện cũng không nhất định phải giảng nhiều bữa. Đức Phật đem những nghĩa lý uẩn súc, uyên áo trong sáu trăm quyển Đại Bát Nhã nêu tỏ chẳng sót trong hai trăm sáu mươi chữ [của Tâm Kinh], cần gì cứ phải kéo dài lan man, chỉ cốt nói rộng nói nhiều để phô tài ăn nói vậy?

Đạo Xước thiền sư là bậc cao tăng lỗi lạc, chuyên hoằng dương Tịnh Độ. Ngài thọ bảy mươi mấy tuổi, suốt đời giảng ba kinh Tịnh Độ gần hai trăm lượt. Nếu Ngài bắt đầu giảng từ năm hai mươi tuổi thì trong năm mươi mấy năm, mỗi năm phải giảng hai ba lượt mới được như thế!

Qua lá thư gởi cho một vị cư sĩ trong Triệt Ngộ Ngữ Lục, [ngài Triệt Ngộ Mộng Đông] đã viết: “Trong một mùa Hạ hai lượt giảng xong Lăng Nghiêm; nào ngại Hạnh Nguyện văn dài chẳng thể giảng xong trong bảy ngày?” Bảy ngày là quá rút gọn, có lẽ nên giảng mười ngày. Giảng kinh đâu có quy củ nhất định buộc người giảng phải tận hết sức Đông kéo Tây lôi, chẳng chịu chỉ điểm ngay chỗ chánh yếu? Tri kiến của ông là tri kiến tràn lan, không biết giữ lấy chỗ giản ước, cứ muốn dùng sự rộng rãi để tạo lợi ích cho kẻ sơ cơ thì đấy là chuyện tạo dựng môn đình vậy! “Một đêm trò chuyện cùng anh, còn hơn đọc sách lanh quanh mười mùa. Để chữa lành bệnh đâu cần tới lượng thuốc nhiều đến nỗi phải dùng lừa, lạc đà để chở”. Đấy đều là những lời cổ nhân giáo huấn về cách giữ lấy sự giản ước vậy!

Hiện nay chiến sự phát sanh, đối với chuyện sau này chớ nên lo liệu ngược ngạo, hãy nên khuyên hết thảy già - trẻ - trai - gái cùng niệm A Di Đà Phật và niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để cầu hễ còn sống sẽ tránh được tai họa này, chết rồi sẽ về Cực Lạc. Giảng kinh vẫn chưa phải là nhiệm vụ cấp bách hiện thời, điều cấp bách nên làm là thông cáo hết thảy già - trẻ - trai - gái cùng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để sau khi thái bình rồi hãy giảng kinh, nhất là phải lấy việc “tạo cho kẻ sơ cơ có lòng chánh tín nơi Tịnh Độ” làm đầu!

Nghê Thương Cần, Thí Lập Khiêm đã biết quy y, đều đặt pháp danh cho mỗi người. Nghê Thương Cần pháp danh là Tông Cần. Niệm Phật cầu sanh Tây Phương, tự hành, dạy người, đều phải lấy Cần (siêng năng) làm gốc. Nếu lười nhác biếng trễ sẽ khó được thành công! Thí Lập Khiêm pháp danh là Tông Khiêm. “Khiêm” là chẳng tự thỏa mãn, chẳng cho là đủ, như biển dung nạp trăm sông, như hư không bao trùm muôn hình tượng. Mọi thứ tội nghiệp đều do Khiêm mà tiêu. Đủ mọi công đức đều do Khiêm mà thành tựu.

Nay gởi cho ông và hai người ấy một gói Tịnh Độ Thập Yếu, xin hãy chia ra tặng. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều không đủ, từ nay chớ nên thường gởi thư tới. Chỉ nên dựa theo những điều đã nói trong sách Thập Yếu để tu thì đâu có thiếu sót gì mà cần phải thường hỏi han! Nếu chẳng chú trọng chuyên tu Tịnh Độ, cứ muốn thông suốt khắp các giáo nghĩa thì một hai lá thư cũng chẳng thể đạt được mục đích ấy! Xin hãy sáng suốt suy xét. Sách Thập Yếu chính là sách trọng yếu trong tông Tịnh Độ. Đừng toan tính những chuyện ham cao chuộng xa thì sẽ đạt được lợi ích tối cao tối thắng! Một Lá Thư Trả Lời Khắp cũng nói những chuyện mọi người đều phải gấp nên chú trọng!

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstam...stambien14.htm