Hiện vật độc bản
(10/02/2010)



(VH)- Cuộc khai quật trước đây ở con tàu đắm Cù Lao Chàm đã trục vớt được 340 nghìn cổ vật, trong đó có 250 nghìn còn nguyên vẹn với trên 40 loại hình khác nhau, chủ yếu là gốm sứ Chu Đậu.

Sau khi cuộc khai quật thành công, hiện vật được chia cho 5 bảo tàng trong nước: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hải Dương và Bảo tàng Quảng Nam.

Gốm Chu Đậu rất phong phú về loại hình: bát chân cao, bát chân thấp, đĩa lớn nhỏ các loại, chén, bình, nậm, lọ, hủ, tước, bình vôi, nghiên mực, bình tỳ bà, tượng người và một số loài động vật... Gốm Chu Đậu có nhiều loại men như men trắng hoa lam, men nâu, men tam thái (3 màu) ngũ thái (5 màu)... Đề tài trang trí trên gốm từ phong cảnh đến người; các loại động vật như chim, cá, vịt, dê, long, lân, quy, phụng, long mã; các hoa văn hình học, mây nước, cánh sen...

Hai trong số hàng chục loại gốm Chu Đậu gây ấn tượng, trở thành sản phẩm nổi tiếng, được ưa chuộng nhất với người sành đồ cổ là Bình gốm hoa lam (còn gọi là bình củ tỏi) và bình tỳ bà. Có một thời, thông qua con đường buôn bán, sản phẩm của làng gốm Chu Đậu có mặt khắp nơi trên thế giới.

Đến nay đã có 46 bảo tàng của các nước có trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu. Riêng tại Nhật Bản có 20 bảo tàng có sưu tập đồ gốm Việt Nam, những món đồ quý nhất phần lớn thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka và Bảo tàng Gốm sứ Kyushu.

Phần lớn những hiện vật ở đây đều tuyệt hảo và toàn bích, do các bảo tàng này mua được trong những cuộc bán đấu giá cổ vật ở Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ, hoặc do các nhà sưu tập hảo tâm hiến tặng.

Theo kế hoạch, trong năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sẽ phối hợp với các bảo tàng địa phương như Lâm Đồng, Quảng Nam trưng bày hình ảnh, hiện vật lịch sử, trong đó có những hiện vật độc đáo của gốm Chu Đậu thu được từ con tàu đắm Cù Lao Chàm.

Tấn Vịnh

(Ảnh do các bảo tàng cung cấp)