Về nơi phát tích môn phái Vovinam
(10/02/2010)


Nhà thờ dòng họ Nguyễn Đình
(VH)- Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội bán kính chưa đầy 30 km, vùng đất Sơn Tây từ lâu đã trở lên nổi tiếng bởi những truyền thuyết thực hư về những con người đã đi vào lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Và đây cũng là nơi phát tích môn phái Vovinam.

Người mang trong mình dòng máu anh hùng Là con trưởng trong một gia đình đông con gồm 5 anh chị em, sinh ra tại thôn Giếng, xóm Trại, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ), Nguyễn Lộc (hay Nguyễn Đình Lộc) lớn lên trong cảnh quê hương đất nước dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.

Lên 5 tuổi, gia đình cụ Nguyễn Đình Xuyến (thân phụ Nguyễn Lộc) chuyển cả gia đình ra Hà Nội cư trú tại đường Harmand Rousseu (khu vực đường Ngô Thì Nhậm hiện nay). Tại đây, cậu bé Nguyễn Lộc được học chữ Pháp, càng lớn cậu càng nhận thức nỗi khổ của người dân nô lệ.

Được sự đồng ý của cha mẹ, Nguyễn Lộc đã tầm sư, học đạo với một ý nghĩ vô tư, trong sáng: Phải thật giỏi võ để rèn luyện sức khỏe bảo vệ mình, đánh lại cường quyền bảo vệ người lương thiện.

Để rèn luyện sức dẻo dai của cơ thể, mùa đông cũng như mùa hè Nguyễn Lộc thường dậy từ lúc 5 giờ sáng, bận quần cộc, cởi trần chạy một mạch ra bãi sông Hồng, đi quyền, múa côn và tập luyện chừng 2 giờ đồng hồ sau đó bơi một vòng qua bãi giữa, mới trở về nhà, ăn sáng, đến trường.

Càng nghiên cứu sâu về võ thuật, Nguyễn Lộc nhận thấy những môn võ thế giới du nhập vào Việt Nam như võ Tàu, Xiêm, Nhật, võ phương Tây đều có những điểm mạnh và điểm yếu. Duy môn võ của người Việt không giống như các phái khác mà uyển chuyển, biến hóa khôn lường. Võ Việt được sáng tạo phù hợp với thể tạng, sức khỏe của người Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có những kỹ thuật không phù hợp mà cần phải cải tiến khi ứng phó với những tình huống cụ thể. Đây chính là luận cứ để Nguyễn Lộc nghiên cứu, và ứng dụng những tinh hoa nhất của các trường phái võ, đưa vào và sáng tạo ra võ Việt Nam mà ông gọi là Vovinam. Để quảng bá Vovinam, Nguyễn Lộc đã cho mở lớp, chiêu tập môn sinh; tham dự tất cả những trận thi đấu và tỷ thí trên các võ đài khắp xứ Bắc Kỳ.

Vovinam vì thế mà được quảng bá rộng rãi ở các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... với hàng ngàn môn sinh theo học. Năm 1954, Nguyễn Lộc vào Sài Gòn tổ chức biểu diễn Vovinam và chiêu tập môn sinh, thu nạp môn đệ, mở trường dạy võ. Trong vòng 6 năm từ 1954-1960, hàng trăm môn sinh đã được ông và các đệ tử được đào tạo thông qua các lớp học mở tại Sài Gòn, Gia Định.

Năm 1960, Nguyễn Lộc bị cảm và qua đời đột ngột tại Sài Gòn vào ngày 29.4.1960 (thọ 48 tuổi). Sau khi Nguyễn Lộc qua đời, các môn đệ của ông đã soạn thảo Quy lệ môn phái, viết giáo trình giảng dạy cho các môn đệ và chính thức khai trương võ đường đầu tiên tại 61 đường Vĩnh Viễn, quận 10, Sài Gòn. Bắt đầu từ đây, Vovinam thực sự trở thành một môn phái chính thống và được quảng bá rộng rãi khắp xứ Nam Kỳ.

Không chỉ ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Vovinam còn theo chân các môn sinh sang Nam Vang, Xiêm La, Ai Lao và đi tới những quốc gia châu Âu, châu Mỹ như Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Pháp, Đức...

Cho đến nay, môn Vovinam đã chính thức được đưa vào hệ thống thi đấu của các kỳ SEA Games. Hàng chục quốc gia của nhiều châu lục đã chính thức đưa môn Vovinam vào giảng dạy ở một số chương trình huấn luyện cho các vận động viên thi đấu và rèn luyện sức khỏe. Về nơi phát tích Những ngày cuối năm đường về xã Hữu Bằng, nơi phát tích môn phái Vovinam thật nhộn nhịp khác thường.

Con đường giữa làng rộng thênh thang là thế giờ không có chỗ chen chân. Người ta bảo nếu so sánh Hữu Bằng với bất cứ đâu của huyện Thạch Thất thì vùng quê Hữu Bằng có nhiều cái nhất: đất chật nhất; buôn bán nhộn nhịp sầm uất nhất, người Hữu Bằng năng động nhất...

Không thể đi ô tô trong làng, cũng không nên đi xe máy vì tắc đường, chúng tôi cùng ông Chủ tịch xã Hữu Bằng Phan Lạc Trường tới thăm viếng nhà thờ tổ họ Nguyễn Đình của cố võ sư Nguyễn Lộc. Chủ tịch xã Phan Lạc Trường nói: “Hữu Bằng có 2.800 hộ dân với hơn 16.000 nhân khẩu nhưng đất tự nhiên chỉ có 178 ha.

Hơn 90% số hộ gia đình làm nghề mộc và buôn bán kinh doanh đồ dân dụng, đồ gia dụng. Giá trị sản xuất kinh doanh và dịch vụ thương mại hằng năm đạt gần 300 tỷ đồng. Bình quân thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Xã có hơn 30 doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở sản xuất, hàng trăm hộ có xe ô tô các loại”.

Đi trong xóm Giếng du khách có cảm giác như đang chen chúc trong những dãy hàng quán chật hẹp ở khu vực “chợ Giời” Hà Nội. Mái vẩy, mái che đua ra ngoài khiến cho không có chút ánh sáng tự nhiên nào lọt xuống mặt đất. Khu nhà thờ tổ dòng họ Nguyễn Đình nằm khiêm tốn trong một con ngõ nhỏ.

Phải mất cả giờ đồng hồ Chủ tịch xã Phan Lạc Trường mới tìm được người giữ chìa khóa cổng: - Các anh thông cảm, cuối năm, giờ này họ đang bận làm ăn. Những dấu tích về gia đình cố võ sư Nguyễn Lộc ở quê hương không còn nhiều.

Một cụ già trông coi nhà thờ họ Nguyễn Đình cho biết, ngoài bà chị dâu con ông bác hiện cũng khá già thì không mấy người biết rõ về võ sư Nguyễn Lộc bởi ông và gia đình rời khỏi xóm Giếng đã khá lâu, ông lại mất ở Sài Gòn khi tuổi còn khá trẻ. Trong nhà thờ họ có treo một bức di ảnh của võ sư Nguyễn Lộc cùng với một bài báo giới thiệu về ông được phóng to treo trên tường.

Thấy anh bạn đồng nghiệp cứ băn khoăn về việc xây dựng, phát huy và bảo tồn những di sản trên quê hương của cố võ sư Nguyễn Lộc, Chủ tịch Phan Lạc Trường cho biết: Chính quyền đã mở những lớp học Vovinam cho con em Hữu Bằng. Các cháu rất hào hứng, nhất khi được biết đây là nơi phát tích của môn phái Vovinam. Nhưng Hữu Bằng cũng còn khó khăn quá, không có điều kiện mở võ đường như mong ước của con em địa phương.

Hy vọng thời gian tới, địa phương sẽ có những võ đường để con em Hữu Bằng tới học và luyện tập để phát huy truyền thống xứng đáng nơi quê hương của môn phái Vovinam.

Phạm Nam Giang