Đừng bôi nhọ nét đẹp văn hóa truyền thống
(13/11/2009)


Trong đám tang...
(VH)- Tổ chức cưới hỏi, thôi nôi, sinh nhật hay việc ma chay là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc Việt.

Vậy mà với nét đẹp truyền thống ấy, một nhóm nhạc pê đê (các thành viên đều được chuyển đổi giới tính) đã lợi dụng những dịp này để kiếm kế sinh nhai và phô diễn những “sản phẩm” phản văn hóa thông qua các tiết mục biểu diễn văn nghệ “ kích dục dị hợm”…

“Mâm” nào cũng có!

Tình trạng pê đê biểu diễn văn nghệ trong đám ma, thôi nôi, sinh nhật với những hành vi phi văn hóa không phải bây giờ mới bị lên án, mà gần chục năm trước người dân TP.HCM đã lên tiếng về tính suy đồi, gây ảnh hưởng xấu đến lối sống và đạo đức xã hội. Trước đây, khi xã hội chưa cởi mở với những người chuyển đổi giới tính thì tình trạng các nhóm nhạc pê đê thỉnh thoảng mới xuất hiện trong một vài đám ma của một số gia chủ thích “chơi trội” là điều khá lạ lẫm. Đến nay, xã hội Việt Nam đang đẩy mạnh bình đẳng giới trong đó có cả giới “thứ ba”, các nhóm nhạc pê đê (sau khi đã chuyển đổi giới) xuất hiện ngày càng nhiều và chủ yếu tập hợp lại, giao lưu văn hóa văn nghệ để át đi sự tự ti mặc cảm. Nhưng sau đó, họ đã tìm đến một số đám ma, tiệc cưới, thôi nôi, sinh nhật để “phục vụ” góp vui và kiếm tiền.

Sinh nhật lần thứ 30 của anh T. được bạn bè đánh giá là hoành tráng không chỉ bởi quy mô tổ chức hơn 10 bàn tiệc tại một nhà hàng có tiếng ở Q. 3 mà còn có món “đặc sản” không đụng hàng. Đó là sự xuất hiện của một nhóm nhạc gồm 4 anh chàng pê đê chuyển đổi giới (tạm gọi là các cô gái). Sự xuất hiện của họ làm cho không khí buổi sinh nhật trở nên sôi nổi như một “liveshow” của một ca sĩ vậy. Ban đầu, sự xuất hiện của nhóm pê đê này khiến toàn bộ BQL nhà hàng và hàng trăm thực khác bất ngờ. Người quản lý đã từ chối không cho nhóm nhạc này “biểu diễn” nhưng do anh T. năn nỉ quá nên người quản lý đành chiều lòng. Tiết mục đầu tiên qua bài hát đậm tình quê hương “ Điệu buồn phương Nam” được mọi người vỗ tay tán thưởng nhiều. Một người đàn ông còn chạy lên tận sân khấu để thưởng cho người hát chính một ly bia đầy sụ. Thấy vậy, những người khác cũng xách ly bia lên sân khấu để “thưởng” nhưng thực tế là để tận mắt thưởng ngoạn kỹ thuật dao kéo của người Thái Lan.

Tiếng chúc tụng, cụng ly và tiếng hò reo quyện chung với tiếng nhạc tạo thành một âm thanh hỗn tạp. Khi mọi người đã mắt nhắm, mắt mở, ngà ngà say thì cũng là lúc nhóm pê đê bắt đầu “quậy”. Họ bắt đầu cởi bỏ những trang phục trên người, chỉ để lại trên người hai mảnh vải (một trên và một dưới), chạy quanh các bàn vừa hát vừa xin tiền boa. Ban đầu, thực khác nam cảm thấy hào hứng và cười phá lên như đang cổ vũ cho những trò biểu diễn thiếu văn hóa. Một số thực khách nữ thì cảm thấy thẹn thùng đỏ cả mặt nhưng sau đó cũng đành phải ngồi im chịu trận. Lúc này, giọng eo éo của “cô” MC vang lên: “Sau đây là chương trình múa lửa của những nữ diễn viên vừa mới được đào tạo từ Thái Lan về”. Hai cô gái trong trang phục bikini mỏng dính, đầu đội nón lông công đủ sắc màu (giống như các nghệ sĩ trong show diễn Pê đê ở Pattaya, Thái Lan) bắt đầu uốn éo lắc lư theo điệu nhạc đầy kích động. Một số người ve vãn tiền loại 20 và 50 ngàn trên tay để được tận tay nhét vào bộ ngực silicon căng tròn trước sự gièm pha của nhiều bà vợ.

Sau những trò biểu diễn thể xác nhằm “rửa mắt” cho các quý ông, nhóm pê đê bắt đầu quay sang phục vụ các thực khách “nhí”. Đó là cảnh hai “cô gái” múa uốn éo, tay cầm hai cây nhang hơ khắp toàn thân và đưa vào miệng ngậm. Lửa cháy phừng phừng trên miệng các “cô gái”, bên dưới những là hàng chục đứa trẻ từ 5 -10 tuổi hò reo trước mặt cha mẹ chúng. Nhiều đứa trẻ còn bắt chước cha mẹ lấy tiền gói lại nhét vào những bộ bikini bé xíu trên người các “cô gái” và cười khúc khích. Đúng là hết biết!



... và sinh nhật

Mới đây, trong một đám tang tại P.13, Q.TB cũng xuất hiện một hiện tượng “văn nghệ” đáng phê phán trong một khu dân cư văn hóa. Một nhóm pê đê khác đã đem đến những tiết mục múa lửa, vũ sexy và cả thoát y. Chương trình bắt đầu bằng những giai điệu nhẹ nhàng, khơi gợi cảm xúc trong lòng người nghe khiến những người hiếu kỳ kéo đến mỗi lúc một đông. Các “cô gái” vừa hát vừa uốn éo để xin tiền lì xì của những người đứng xung quanh. Một số người “mát tay” móc trong túi 20 ngàn nhét vào áo ngực của “cô gái”. Tiếp theo là tiết mục xiếc cũng do các “cô gái” này biểu diễn. Đầu tiên là “cô gái” trong trang phục hai mảnh thể hiện vũ đạo sexy và dùng miệng để giữ thăng bằng cho vòng hoa tang. Sau đó, “cô gái” này tiếp tục với một bài múa lửa khá nóng bỏng khiến mọi người vỗ tay khoái chí. Cuối cùng là tiết mục “đấu giá” nội y. Bất cứ người nào bỏ ra 300 – 500 ngàn cũng có thể lột được nội y của các “cô gái” giữa chốn đông người. Đúng là những trò này đang góp phần bôi nhọ nét văn hóa truyền thống, nhất là tại một thành phố lớn như TP.HCM.

Không thể buông lỏng

Tình trạng pê đê hát đám ma, thôi nôi, sinh nhật với những hình ảnh xấu, vô đạo đức mà không có một cơ quan chức năng nào lên tiếng, quản lý. Đau lòng hơn, những bữa tiệc sinh nhật, đám ma có pê đê biểu diễn, khán giả đông đảo nhất, thích thú nhất vẫn là các em đang tuổi mới lớn. Trong chiến lược xây dựng, phát triển đời sống văn hóa, tinh thần, trong đó nổi bật là lối sống, hành vi đạo đức bắt đầu từ mỗi gia đình; đáp ứng các nhu cầu hưởng thụ văn hóa, các hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật mà không phù hợp với các tiêu chí đúng thuần phong mỹ tục sẽ rất nguy hiểm.

Bác Nguyễn Minh Toàn (72 tuổi, ngụ Q. Tân Bình) cho biết: “Thật ra, các nhóm pê đê đã chuyển giới nằm rải rác trên địa bàn một số quận huyện như: Q.5, Q.6, Q.2, Q.4, Q.Tân Bình... luôn chọn một số đám tang, sinh nhật, thôi nôi là nơi giao lưu, sinh hoạt câu lạc bộ, thi thố tài năng và để kiếm sống là chuyện thường tình. Tuy nhiên, việc gia chủ để cho các nhóm nhạc pê đê biểu diễn văn nghệ trái với thuần phong mỹ tục và làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh thì không nên”.

Ông Huỳnh Thanh Lam (51 tuổi, ngụ Q.2) chê trách: “Theo tôi được biết trong các đám tang của người Việt Nam cũng có chuyện đồng bóng, gọi hồn, cầu an cho người đã khuất nhưng chưa bao giờ thấy cảnh múa thoát y hay nghe những lời nhạc cải biên, tục tĩu, vô văn hóa như các nhóm nhạc pê đê đã thể hiện ở một số đám tang thời gian gần đây”. Ông Lam đề xuất: “Chính quyền địa phương phải thực hiện nhắc nhở, chấn chỉnh ngay những hiện tượng tương tự để tránh ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa người dân”.

Một cán bộ Phòng VHTTDL Q.Tân Bình cho hay, chính quyền địa phương không phải không biết chuyện các nhóm nhạc pê đê “hoạt động” gây ảnh hưởng đến người dân, mà vì việc trọng đại của gia chủ nên cũng khó lòng lưu ý, nhắc nhở. Hơn nữa, các nhóm nhạc pê đê nhiều khi cũng không nhận được lời mời của gia chủ nhưng cũng tự ý xông vào “biểu diễn” để chia buồn hay góp vui thì cũng gây khó khăn cho chính quyền. Và nếu muốn xử lý nghiêm để tránh tái diễn cũng chưa có quy định cụ thể nên chính quyền cũng khá bối rối...

Nguyễn Văn