Hà Nội nhìn từ trên đỉnh Cột Cờ

- Tấm bưu ảnh này đuợc chụp từ đỉnh Cột Cờ và hướng ống kính về phía Nam, nơi đang diễn ra những thay đổi lớn diện mạo của thành phố Hà Nội kể từ sau khi Vua Đồng Khánh chuyển giao cho Pháp làm “nhượng địa”(1888).



Góc bên phải ảnh vẫn thấy dấu tích của cái hồ cho voi của triều đình tắm, về sau được lấp kín làm vườn hoa có thời là gọi là Vườn hoa Canh Nông vì có một tượng đài trong đó có tạc một con trâu và một người nông dân vác cày, nay mang tên Lenin vì có tượng của nhà lãnh đạo cách mạng vô sản.



Từ Cột Cờ nhìn về phía Nam

Dòng lưu bút trên bưu ảnh đề ngày 17/7/1907 và nhìn vào khoảng xa còn thấy hiện diện toà nhà của cuộc Đấu Xảo 1902, cho thấy tấm ảnh này được chụp sau năm 1902 và đương nhiên là trước 1907.

Như vậy, quy hoạch ở đầu thế kỷ trước, đến nay hầu như vẫn giữ nguyên với 2 con đường song hành hướng về nơi đặt Phủ Toàn quyền. Đó là 2 con đường xưa mang tên cố đạo Puiginier (nay là Điện Biên Phủ) và Félix Faure (nay là Trần Phú).



Từ Cột Cờ nhìn về phía Đông

Bức ảnh còn cho thấy một không gian mở rộng về phía Nam hoàn toàn mang kiến trúc châu Âu. Còn hướng ống kính về phía Đông, chủ yếu là khu trại lính và công sở. Thấp thoáng phía xa, chính là khu phố cổ.


Từ Cột Cờ nhìn về phía Tây

Còn hướng sang phía Tây thì còn là một không gian trống vắng, điểm xuyết những kiến trúc cũng do người Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ XIX nay đã không còn như cổng vào Vườn Bách Thảo (nay là vị trí của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (trước đó là Cử Tây thành Hà Nội), Chảo đua xe đạp, công trình thể thao sớm nhất ở Hà Nội (cùng với sân quần ngựa). Còn lại là những kiến trúc công sở và biệt thự thì nhiều tòa đến nay vẫn còn nguyên vẹn hoặc đã được cải tạo, nưng về diện mạo vẫn còn.

Những hàng cây trồng trên đường phố trông còn mảnh mai, non nớt nay nhiều gốc vẫn còn và đã thành cổ thụ vè đến nay đã trên trăm tuổi!

Dương Trung Quốc