(Bài nầy là ý riêng của người viết, không nhất thiết đại diện cho ngành Nhân Điện.)

Vị sáng lập ra Pháp Môn Nhân Điện, thầy Lương Minh Đáng, vừa qua đời ngày 12 tháng 8, năm 2007. Mấy triệu học trò, người thì thương tiếc, người hoang mang, người thì hụt hẫng … Rồi NĐ sẽ đi về dâu? Hầu hết không đoán được, nhưng họ có thể chắc chắn một điều: đó là môn phái nầy sẽ phải đối đầu với nhiều biến động sắp tới.

Học viên Nhân Điện chung chung gồm mấy thành phần với những tính chất cá biệt khá rõ ràng:
Nhóm thứ nhất gồm những người chưa bao giờ tìm hiểu gì về tâm linh, duy nhất chỉ biết con đường Nhân Điện. Thầy họ đột ngột mất đi, họ rất hoang mang. Tuy nhiên, hành trình tâm linh của họ vẫn được bên thiêng liêng hướng dẫn và họ sẽ tùy duyên mà học hỏi tiếp Nhân Điện + ngoài ngành Nhân điện. Hộ pháp của hầu hết những người nầy, trong nhiều đời trước, đều là học trò cũ của Thầy họ nên số người nầy có vẻ “trung thành” hơn, hoặc dễ ở lại trong hệ thống NĐ hơn.
Nhóm thứ hai gồm những người trước khi hoặc sau khi vào NĐ đã từng học qua nhiều pháp môn khác. Thầy Đáng mất đi thì họ sẽ tiếp tục tìm kiếm ở những nơi khác. Họ thuộc về nhóm “hậu new agers”, tạm gọi nhóm nầy là nhóm “lang thang”. Hộ pháp của họ không cho phép họ bị trói trong bất cứ hệ thống nào, ngay cả của tôn giáo gốc của họ. Nhóm nầy đa số là các học viên Âu Mỹ, chỉ có một ít là người Việt Nam thôi. Vì nhóm nầy thường không thích bị lệ thuộc, nhiều người sẽ hoạt động NĐ ngoài hệ thống hiện tại. Nhìn vào công cuộc chung của Trời Đất thì họ cũng sẽ là những người đóng góp lớn về lâu về dài để bảo tồn và phát triển NĐ trong tương lai. Vì vậy, người trong hệ thống nên khéo léo và nhẹ nhàng trong việc ứng xử với họ thay vì đặt họ vào thế đối nghịch.
Nhóm thứ ba là những người chống đối, bất mãn, họ hỏi “tâm linh mà sao kỳ vậy”, nghĩa là họ không hiểu được câu “y pháp bất y nhân” (theo “pháp” chứ không theo “người”). Nhóm nầy đòi hỏi sự toàn mỹ ở những người Thầy nên họ sẽ đi từ thất vọng nầy đến thất vọng khác. Họ còn sẽ gặp nhiều guru nữa, học thêm nhiều lần nữa … Hành giả NĐ không nên phiền não về họ. Chuyện đạo là vậy.
Nhóm thứ tư là những người hề hà, sao cũng được, chỉ quan tâm việc học pháp, không quan tâm chuyện gì khác. Nhóm nầy phóng khoáng nên khi họ muốn giúp trong công cuộc chung, họ bền bỉ trước mọi thăng trầm của ngành NĐ. Đừng đòi hỏi ở họ một sự trung thành tuyệt đối. Vui họ ở, buồn họ đi.
Nhóm thứ năm nầy còn vướng nhiều tư lợi, cầu danh, quyền lực, v.v. Có khi trong thâm tâm họ cũng không thật sự tôn trọng, tin tưởng NĐ. Phần nhiều các hệ thống đều cần những người nầy để phát triển vì nếu một system mà toàn là những người tu chân chính thì rất khó phát triển nhanh được. Trong thiêng liêng thì họ lại là những người có công và có hộ pháp lớn. Họ phải chịu sự vô minh như vậy thì mới có sự thúc đẩy để làm nên được nhiều việc. Nhóm nầy giờ đây cần được nhắc nhở, hướng dần về tâm linh thật, để họ buông bỏ dần các nhu cầu danh, lợi, tình gì đó.
Nói tóm lại, tất cả đều là trong đại gia đình NĐ. Ai cũng quan trọng nhưng không ai quan trọng đến độ không có không được. Có mình hay không có mình, sự việc vẫn tiếp tục biến chuyển theo dòng vận mệnh của nó. Mỗi người chỉ là một bộ phận trong dòng chảy nầy chứ không phải đứng ngoài. Và ai cũng có vai trò riêng của họ.

Từ hơn 200 năm qua, công cuộc “giải phóng” tâm linh cho nhân loại đã hình thành một cách âm thầm. Bao nhiêu triệu người tái sinh trong các tôn giáo, nhưng sau đó họ bước một chân ra ngoài để “gia nhập” vào một dòng chảy. Phần đông họ không hề hay biết là họ đã gia nhập. Thậm chí họ cũng không hề ý thức sự hiện diện của dòng chảy nầy. Nhận định kỷ, ta sẽ nhận ra những dấu hiệu chung ở họ như sau:

Họ thật sự không đặt nặng vấn đề theo một giáo chủ nào tuyệt đối cả.
Họ không tôn thờ kinh điển, thánh kinh mà lại đọc tất cả sách vở, từ đạo tới đời, đều theo 1 phong cách “chọn lọc”; họ chỉ thu lượm những gì họ nghe hợp ý, và họ bỏ qua những gì họ không thích. Cũng cùng một kiểu ấy, họ đi học bao nhiêu pháp môn khác nhau. Dần dà, họ ráp lại được cho riêng họ một cái “đạo”. Đạo nầy không có tổ chức, không có ràng buộc, không có giáo chủ, v.v.
Phần nhiều họ đều có tập một pháp thiền nào đó. Tuy có khác nhau, nhưng khi họ tình cờ gặp nhau, họ có thể thảo luận, trao đổi, học hỏi thêm của nhau mà ít khi gặp trở ngại. Họ chỉ nhận ra “anh em” của họ ở chữ “người tu”, “người đi tìm” chứ ít ai ý thức rằng tất cả các anh em đó cũng đang hòa vô trong cùng một dòng chảy.
Kể cả những người đóng vai trò Guru (giáo chủ) trong các pháp môn nầy phần đông đều không hề hay biết rằng chính họ và pháp môn của họ cũng là một phần trong dòng chảy đó. Thầy Đáng, Sư cô Thanh Hải, Ông Tám Lương Sĩ Hằng, Thầy Nhất Hạnh và hằng trăm vị Thầy từ các văn hóa khác như Âu Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, v.v. đều đang là các nhánh sông đổ về dòng chảy nầy. Ai cũng tưởng mình đứng riêng một cõi.

Ngày xưa, sau khi Đức Phật mất đi, giáo chúng cũng chia ra nhiều nhánh: Tiểu Thừa, Đại Thừa, Mật Thừa, v.v. Nhìn vào thì tưởng là rối loạn, nhưng nhờ cái gọi là “rối loạn” đó mà đạo Phật mới có ngày hôm nay. Đạo Thiên Chúa cũng vậy, sau khi Chúa Giêsu mất, cũng chia ra hội thánh La Mã và hội thánh chính thống. Những rối loạn kế tiếp đã đưa tới việc ra đời của Hồi giáo. Rồi khi hội thánh La Mã “rối loạn” thêm, nó đưa đến mấy trăm giáo phái Tin Lành. Nhờ vậy, ngày nay đạo thờ Chúa mới có hàng tỷ giáo dân. Nhân Điện cũng vậy, Thầy Đáng ra đi rồi, chắc chắn phải “rối loạn”, và đó cũng là cái nằm trong Thiên ý. Hiểu được điều nầy thì hành giả NĐ sẽ an nhiên trong những ngày tháng sắp tới, sẽ hài hòa được với các “tông phái” NĐ sắp hình thành. Hành giả sẽ vui vẻ làm những việc cần làm, chấp nhận rằng vai trò của mọi người trong NĐ đều không ra ngoài khỏi Thiên ý vậy.

Là một trong những pháp môn của dòng chảy tâm linh mới nầy, NĐ sẽ còn đi rất xa chứ không phải chỉ dừng lại ở những gì Thầy Đáng đã dạy. Dòng chảy nầy không thể có tổ chức như các tôn giáo vì bản chất của nó là vượt qua rào cản, vượt giới hạn của sự tồ chức (organization). Dòng chảy nầy còn được gọi là “trào lưu” hay “phong trào” (movements). Tuy nhiên, nó vẫn cần có chút ít “tổ chức” để định hướng cho nó. Nó lại đại kỵ sự kiềm tỏa, kiểm soát, hay cầm giữ, tức “control”. Vì vậy, phải làm sao uyển chuyển được là vừa có chút tổ chức định hướng, vừa không có kiểm soát. Khó làm nhưng không phải là không làm được.