Tìm thấy nguồn gốc Thánh Gióng?

Giadinh.net - Tiến sỹ Hán học Cung Khắc Lược và Tiến sĩ Lương Văn Kế đã công bố những phát hiện mới về nguồn gốc Thánh Gióng. Những công bố này được căn cứ vào một bản thần phả của đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội). Theo thần phả thì Thánh Gióng có họ Đổng, xuất thân rõ ràng, có cha, có mẹ. Đặc biệt, dòng họ Đổng nổi tiếng với những chiến công trị thủy, giúp nước cứu dân.
Xuất thân rõ ràng

Trong khi khảo cứu di tích đền Bộ Đầu thờ Phù Đổng Thiên Vương (tên thường gọi là đền Quan Thánh nằm trên cánh đồng giữa hai thôn Bộ Đầu và Thượng Giáp) ở xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, TP Hà Nội, các nhà khoa học có những phát hiện mới rất có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa. Đặc biệt, trong hậu cung của ngôi đền và cũng đồng thời là chùa khang trang đứng đó uy nghi lẫm liệt pho tượng đức Đổng Sóc Thiên Vương cao tới 6m. Đây có lẽ là pho tượng cổ lớn nhất trong di sản văn hóa dân tộc còn lại cho đến ngày nay. Ngài đầu đội mũ bách tinh chói lọi, mặt đỏ hồng màu cánh sen, đôi mắt sáng quắc nhìn về phương Bắc, hai chân giẫm lên lưng hai con giao long. Tay phải cầm long đao, lòng tay trái nâng thờ mộ tháp của mẫu thân. Hai bên tả hữu là Bát bộ đại kim cương chia làm hai hàng đứng hầu phía sau. Mỗi pho cao hơn 3m.

Hình ảnh Thánh Gióng luôn tồn tại trong dân gian.

Bản thần phả gốc của ngôi đền này được tìm thấy trong Viện nghiên cứu Hán Nôm, ngoài bìa có đóng dấu bầu dục của Viễn Đông Bác cổ thời Pháp thuộc. Thần phả do Hàn Lâm viện, Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn bằng Hán văn vào năm thứ nhất niên hiệu Hồng phúc, triều Lê Anh Tông (1572). Nội dung bản thần phả thờ đức Đổng Sóc Thiên Vương này có nhiều điểm khác lạ so với truyền thuyết Thánh Gióng quen thuộc. Mẹ Thánh Gióng có tên họ và xuất xứ rõ ràng. Người không phải là một bà già luống tuổi xấu xí như huyền thoại dân gian lưu kể mà là người con gái có nhan sắc của thánh thần. “Khi cô tròn 16 tuổi, gương mặt hồng tươi, mắt tựa ánh trăng rằm hồ thu, nhan sắc tuyệt vời, nghiễm nhiên thành một trang giai nhân tuyệt thế. Lại có điều lạ thường, trên đầu nàng luôn hiện một vầng hào quang ngũ sắc lãng đãng như cánh chim loan. Dù nàng đi đâu, đi chơi hay đi lấy củi hay làm đồng thì vầng hào quang đó vẫn bay ở trên đầu, tứ bề muôn đóa huy hoàng quấn quýt, một vùng gió biếc hương đưa ngan ngát”.

Người phụ nữ ngày sau thành vợ yêu của Đại quan lang họ Đổng tên Gia vùng Đại Mạn Châu danh giá. Tuy nhiên, hồng nhan bạc mệnh, chỉ một năm sau chồng bà qua đời. Bà vào tu tại chùa Hoàng Nham, do được “thiên thụ” mà có thai. Sau ba năm bốn tháng sinh ra một bọc hình như đóa sen hồng còn phong nhụy, lúc nào cũng thoang thoảng hương đưa và có những dải mây cầu vồng quấn quýt, 7 tháng sau bông sen còn chưa nở. Chỉ khi vua Hùng đưa về cung ngày đêm chăm sóc, dần dần đóa sen mới nở hình hài nhi.

Hài nhi đó chính là vị anh hùng lẫm liệt mang tên Thánh Gióng mà dân gian vẫn nhắc tới với sự thụ thai kỳ lạ mang tên “vết chân to”. Dòng họ Đổng từ đó ngày càng danh giá. Tiến sĩ Lương Văn Kế, người gắn cả tuổi thơ với ngôi đền Phù Đổng Thiên Vương hé lộ rằng, người cháu 13 đời của ông Đổng Sóc đã tiếp tục sự nghiệp lẫy lừng của tổ tiên mình. Thần phả mà các ông tìm thấy còn cho biết, sự nghiệp thực sự của những ông Gióng này không chỉ là đánh giặc. Điều thú vị hơn, cả hai ông điều rất hiếu thuận với mẹ. Điều sẽ được làm sáng rõ khi hội thảo về ông Gióng thứ hai được công bố. “Sự tồn tại của dòng họ Đổng đã quá rõ ràng, vấn đề là làm thế nào để chắp nối được liên tục phả hệ của dòng họ này mà thôi”, tiến sĩ Lương Văn Kế nói.

Tiến sĩ Khoa học Lương Văn Kế.

Dòng họ trị thủy

Sự khác biệt trong câu chuyện về Thánh Gióng trong thần phả và truyền thuyết không chỉ thể hiện ở dòng họ và sự thụ thai mà còn khác biệt ở chiến công của ngài Phù Đổng Thiên Vương. “Đó là một tâm thức khác của người dân về vị anh hùng dân tộc”, Tiến sĩ Lương Văn Kế nói. Thánh Gióng của thần phả này là một anh hùng trị thủy, “Đây là một điều nghe hết sức hợp lý và đối với những kẻ hậu sinh là vô cùng lý thú”, Tiến sĩ Cung Khắc Lược nói: “Một trong những hiểm họa luôn rình rập đất nước ta đó là lụt lội. Cho đến giờ, một năm chúng ta phải đối mặt với không biết bao nhiêu trận bão lũ, nhất là trong thời kỳ biến đổi khí hậu này”. Theo thần phả, thủa ấy, ở động Xích Thủy do Hùng Vương trị vì có thần tướng Đằng Xà nổi lên cướp bóc suốt từ rẻo Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa đến Thái Nguyên. Quân giặc được mô tả mặt thú hình yêu, đầu rắn mặt cá... như là hiện thân của những cơn lũ và những loài thủy quái làm hại dân lành.

Bộ thần phả như một thiên anh hùng ca hiếm hoi của Việt Nam diễn lại trận đánh và cuộc đời vị Thiên vương lẫm liệt: “Thiên thần lập tức xông thẳng tới nơi giặc ở Động Xích Quỉ bên núi Ngũ Lĩnh. Tướng giặc Đằng Xà bấy giờ đang giữa trăm quân hầu cận, trông thấy ngài bèn hồn bay phách lạc. Bọn tả hữu vội tẩu tán. Thần tướng bắt sống được tướng giặc Đằng Xà bên chân núi Ngũ Lĩnh, chém nó thành ba đoạn. Tàn quân giặc Xích Quỉ bị đánh tan tác như tro bụi. Thần tướng trở gót một mạch về triều, tới trước mặt vua nói: Ơn bú mớm thật là sâu nặng, Xin nhà vua hãy thay ta chăm sóc mẹ. Dứt lời thiên thần cầm đao long vút thẳng lên trời”.

Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược

Lòng hiếu với mẹ của ông Gióng không ngừng ở đó. Khi ông đã về trời, nhận được tin mẹ mình đang bị thuồng luồng ăn thịt, ông bèn giáng thế cứu mẹ mình. Đoạn hùng ca Thánh Gióng cứu mẹ làm thỏa lòng người Việt về tâm thức cao đẹp của dân tộc: “Đầu ngài đội mũ bách tinh chói lọi, thân khoác long bào kim giáp, mặt đỏ như mặt trời, mắt sáng như dao. Một chân ngài đặt giữa đồng, còn chân kia giẫm chết đôi giao long bên bờ sông. Ngài nâng mẹ lên lòng bàn tay trái. Bỗng nhiên thi thể mẹ hóa thành ngôi tháp lớn ngay trong lòng bàn tay ngài”. Hình ảnh hai con giao long quấy phá đó theo Tiến sĩ Lương Văn Kế cũng tượng trưng cho hiện tượng lũ lụt và thủy quái quấy phá dân lành.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu thì hiện trong dân gian và các thần phả vừa mới tìm thấy còn có một “phiên bản” Thánh Gióng thứ ba. GĐ&XH Cuối tuần sẽ tiếp tục thông tin với bạn đọc vấn đề này trong số báo tới.

Phong Thiện

Đổng Sóc Thiên Vương là một Thánh Gióng hoàn thiện
Giadinh.net - Sau khi bài viết “Tìm thấy nguồn gốc Thánh Gióng?” được đăng tải, báo GĐ&XH Cuối tuần đã nhận được nhiều phản hồi từ độc giả, trong đó có ý kiến thắc mắc rằng việc Thánh Gióng có họ là điều khó chấp nhận vì Thánh Gióng là do dân nuôi, hình ảnh đẹp mang tính quảng đại như thế không thể bị gán ghép cho riêng một dòng họ nào cả.
> Tìm thấy nguồn gốc Thánh Gióng?

GĐ&XH Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn TS Hán học Cung Khắc Lược, dịch giả trực tiếp của cuốn thần phả có chứa bí mật về họ Đổng để làm rõ thêm vấn đề.

Hình ảnh Thánh Gióng của dân gian.

Mâu thuẫn giữa truyền thuyết và thần phả có thể lý giải

- Việc tìm ra một bản ký khác về Thánh Gióng có khiến ông ngạc nhiên không, thưa Tiến sĩ?

- Tôi cũng đã từng thắc mắc về điều này, tôi nghĩ rằng ắt hẳn phải có một điều gì đó, một ẩn số nào đó sau vẻ đẹp lộng lẫy của Phù Đổng Thiên Vương, những điều căn cốt đã khiến ngài sống một cuộc đời oanh liệt như vậy.

May mắn, nhân một lần tìm đến đền Gióng ở Quán Thánh nằm trên cánh đồng giữa hai thôn Bộ Đầu và Thượng Giáp ở xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, TP Hà Nội, tôi đã được dân làng cho xem một bức tượng cực kỳ có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa trong hậu cung của ngôi đền. Đó là bức tượng đức Đổng Sóc Thiên Vương uy nghi lẫm liệt cao tới 6m. Đây có lẽ là pho tượng cổ lớn nhất trong di sản văn hóa dân tộc còn lại cho đến ngày nay. Nội dung của bức tượng lại cực khớp với cuốn thần phả mà dân làng vẫn còn giữ lại. Lúc đó tôi mới vui mà nghĩ rằng thắc mắc của tôi ít ra cũng giúp tôi có cơ hội để lần mò đến những di sản xưa cũ.

- Là một nhà nghiên cứu, ông đã tự dung hòa mâu thuẫn giữa truyền thuyết Thánh Gióng trong dân gian và trong thần phả thế nào?

- Truyền thuyết dân gian rất đẹp, tôi chưa từng thấy một hình ảnh nào trên thế giới về một cậu bé nhi đồng đánh giặc lại đẹp như thế. Nhưng với tư cách một nhà nghiên cứu, tôi muốn tìm hiểu căn nguyên của vấn đề nên việc tìm được cuốn thần phả đó đúng là một phát hiện cực kỳ thú vị. Nếu chỉ dừng ở truyền thuyết của cậu bé lên 3 ấy thì chúng ta cũng biết được nhiều điều nhưng với cuốn thần phả đó, chúng ta biết được về một dòng họ hết sức thú vị, sự phát triển của xã hội Việt Nam thời kỳ Hùng Vương thứ Sáu và bao nhiêu những sinh hoạt khác trong nhân dân. Tìm được một cuốn tài liệu như thế đúng là một may mắn của chúng ta.

Còn việc có hai văn bản về lịch sử của Thánh Gióng thì có thể tạm giải thích thế này: Thánh Gióng nhổ tre là truyền thuyết của dân tộc, còn cuốn thần phả về Đổng Sóc Thiên Vương là một thể loại kí được viết một cách bài bản hơn do các quan triều Hậu Lê ghi lại. Bản thần phả không được truyền miệng như bản của dân gian cho nên có sự mâu thuẫn cũng có thể hiểu được, chúng tồn tại dưới hai dạng khác nhau.

Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược

- Vậy tại sao lại có sự khác nhau quá xa như vậy, thưa Tiến sĩ?

- Đó cũng là đặc trưng của vùng đất này. Trong cái mạch mong muốn của người dân một nước luôn phải chịu họa xâm lăng thì việc tồn tại một Thánh Gióng như trong dân gian là điều dễ hiểu. Hình ảnh Thánh Gióng dân gian thỏa mãn mong muốn ấy. Đó là mong muốn thiết cốt của người dân vùng này. Cho nên Phù Đổng Thiên Vương chỉ đánh giặc mà thôi, thế là đã hoàn thành sứ mệnh và bỏ lại tất cả rồi bay về trời.

Tuy nhiên, cũng chính nơi này, đời sống gia đình vẫn có những run rẩy và cần người nương tựa. Câu chuyện về ông Đổng Sóc đã thỏa mãn được cả điều sau đó. Nó làm trọn vẹn con người Gióng, không chỉ là một nhi đồng 3 tuổi đã đánh giặc mà còn nhào nặn nên một sự phát triển, không chỉ cứu làng cứu nước mà còn cứu mẹ.

Từ quy củ gia đình đến quy củ xã hội

- Có nhiều độc giả phản hồi rằng Thánh Gióng là của nhân dân, do dân nuôi, việc xuất hiện một dòng họ Đổng liệu có làm phương hại đến tâm thức này không?

- Sự nuôi nấng bao giờ cũng có quy củ và sự quy củ đó bao giờ cũng ở trong một gia đình chặt chẽ và nề nếp. Trong xã hội cũng thấy nhiều người có điều kiện gia đình thiệt thòi và họ phải nương vào những cửa khác nhưng những gia đình nuôi đều là những gia đình ngay ngắn cả. Việc ông Đổng Sóc có một gia đình là điều đáng mừng biết bao và nó thỏa mãn được tính hệ thống này.

Du khách thập phương trẩy Hội Gióng

- Tính chất gia đình đó thể hiện điều gì thưa Tiến sĩ?

- Ông Gióng thứ nhất chỉ có 3 tuổi thôi, sự nuôi nấng chỉ đến 3 tuổi là chấm dứt, đỉnh cao đời ông ấy là đánh giặc và sau đó là chấm hết. Ông Đổng Sóc đánh giặc xong còn về cứu mẹ và chôn mẹ trên lòng bàn tay. Có thể thấy rất rõ tình thâm mẹ con ở cuốn thần phả, điều mà truyền thuyết dân gian không có. Truyền thuyết dân gian chỉ có một mục tiêu là kẻ thù thôi. Do đó với Đổng Sóc, thần phả đã cho thấy một đặc điểm rất quan trọng đối với vùng đất này. Do nhiều yếu tố của vùng này như là khí hậu, sự yếu đuối của tuổi già nên người ta mong có người con, cho dù người con đó đẹp hay xấu để trông chờ lúc yếu héo, bệnh tật. Chúng ta có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con” nên chi tiết Đổng Sóc chôn mẹ trên lòng bàn tay là rất quan trọng.

Qua đó, có thể thấy quy mô gia đình, tập tục gia đình và chòm ngõ của thời Hùng Vương thứ 6 đó. Xã hội đã đi đến một thời kỳ làng chạ mà đặc trưng của làng chạ không gì khác chính là gia đình.

Cửa đền Thượng

- Vậy đến thời ông Đổng Vĩnh, cháu 12 đời của Đổng Sóc thì xã hội Việt Nam đã tiến đến đâu rồi?

- Đến ông Đổng Vĩnh thì sự phát triển đã quá đẹp. Ông đã nghĩ đến kinh tế, an bình của một làng lũ lụt và cả sự an bình chính trị nên đã giúp cho vua Hùng làm chậm sự lên ngôi của Thục Phán. Lúc này song song với sự phát triển của lịch sử, chuyện về Đổng Vĩnh đã cho chúng ta thấy ít nhiều đường nét nhất định của một người lên ngôi như thế nào và việc cản trở hay thúc đẩy điều đó. Nó phản ảnh một sự phát triển hơn hẳn, văn minh hơn những tiến trình trước đây, chứ không đơn giản như những tiến trình trước, chỉ có một mối liên hệ là có một loại giặc tên Ân và người Việt.

Chữ hiếu trong Đổng Sóc được thể hiện khá bộc trực. Đó là biểu tượng rất thú vị, không thấy có sự chôn cất nhưng đến Đổng Vĩnh thì đã vào thời kì hoàn chỉnh của phong tục tang ma, thờ cúng có, chôn cất có và có cả dân làng đến, đã có họp làng rồi. Người viết kí cũng cho thấy cái đường nước của một làng thời các vua Hùng. Qua 3 câu chuyện, chúng ta thấy có một cái gì đó trưởng thành mỹ mãn hơn và hoàn chỉnh hơn. Điều này có thể là hiện thực của văn hóa Việt xưa.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Thùy Ninh

Tư liệu đặc biệt về hậu duệ Thánh Dóng
Giadinh.net - LTS: Gần đây, Báo GĐ&XH Cuối tuần đã có một số bài viết giới thiệu về những phát hiện khá thú vị về nguồn gốc của Thánh Dóng của các nhà nghiên cứu Cung Khắc Lược và Lương Văn Kế.
> Tiếp bài: "Tìm thấy nguồn gốc Thánh Gióng": Đổng Sóc Thiên Vương là một Thánh Gióng hoàn thiện
> Tìm thấy nguồn gốc Thánh Gióng?

Được sự đồng ý của hai nhà nghiên cứu và thể theo đề nghị của một số bạn đọc, từ số báo này chúng tôi đăng tải toàn văn bản dịch thần phả đình làng Thượng Giáp (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) về Đức Thánh Đổng Vĩnh - hậu duệ đời thứ 13 của Thánh Dóng. (Toàn văn ngọc phả Đổng Vĩnh đại vương, Công thần bộ, Thuỷ Triều Hùng Duệ Vương, Họ Việt Thường Thượng đẳng thần, Bộ thứ Sáu, Chi Quý Bộ Lễ Quốc triều Bản Chính Quốc tế).

Nhà nghiên cứu - TS. Cung Khắc Lược làm lễ dâng bản dịch Thần phả trước ban thờ có tấm hoành ghi rõ: Nam Hải quận vương và Vận cổ phúc thần (phía sau).

Cổ tích về hậu duệ của Đức Thánh Dóng

Tiếp theo việc phát hiện di tích và huyền thoại về Thánh Dóng ở đền Bộ Đầu, huyện Thướng Tín, Hà Nội mà chúng tôi đã công bố trên Báo Nhân Dân cuối tuần năm 1998, gần đây hai thầy trò chúng tôi do duyên nợ với quê hương lại đã có dịp tìm hiểu ngôi đình làng Thượng Giáp, cùng thuộc xã Thống Nhất, (xưa là trang Lưu Khê, tổng Chương Dương hay tổng Tín An) thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội, cùng ven đê sông Hồng, cách đền Bộ Đầu thờ Phù Đổng Thiên Vương khoảng 1 km về phía Hà Nội.


Chữ “Dóng” trong “Thánh Dóng” mà các tác giả dùng ở đây nhằm sửa lại sai sót cả về mặt phiên âm và ý nghĩa trong chữ “Gióng” mà dân gian vẫn dùng. “Dóng” ở đây nằm trong chữ “dóng tre”, loại cây liên quan trực tiếp đến truyền thuyết trong dân gian và cũng là giống với âm “Đổng” của âm Hán Việt.

Ngôi đình làng vừa tu bổ xong bằng tiền công đức của nhân dân, trông khang trang đẹp đẽ, vẫn giữ được những nét nghệ thuật cổ kính từ cách nay cả trăm năm. Ngôi đình toạ lạc trên một gò nổi cao như mu con rùa ở chỗ con đê Cơ Xá lượn vòng như một cái tay ngai, nhìn xuống khu đầm mênh mông nước với những hàng nhãn cổ thụ sum suê. Trong hậu cung củađình còn lưu giữ được 3 bản thần phả cổ viết bằng chữ Hán cổ trên giấy bản, trong đó một bản đã hỏng hầu như hoàn toàn: màu giấy đã hoá đen như tro, rách nát không còn đọc rõ chữ nữa, chữ lại bé li ti; bản thứ hai đỡ đen hơn nhưng ố vàng, cũng khó đọc ra chữ; bản thứ ba có khổ giấy rộng hơn và còn đọc được chữ (tuy vẫn mất một số chữ). Chúng tôi cố đối chiếu những trang còn đọc được ở 3 bản với nhau thì thấy chúng có nội dung y hệt .Do đó có thể nghĩ rằng trong ba bản đó có một bản gốc, hai bản còn lại là những bản sao lại của các thế kỷ sau đó để tránh thất truyền vì hư hại qua năm tháng.

Sau gần 6 tháng vật lộn với các ký tự trên văn bản còn đọc được, thầy trò chúng tôi đã phiên dịch tương đối hoàn chỉnh toàn bộ bản thần phả ra tiếng Việt. Nội dung bản thần phả kể về Đức thánh Đổng Vĩnh, hậu duệ đời thứ 13 của Đức Thánh Dóng bất tử và được thờ làm thành hoàng làng Thượng Giáp hay trang Lưu Khê theo tên gọi cổ. Đức thánh Đổng Vĩnh là vị thần trị thuỷ có công lớn với nước với dân dưới triều vua Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18, đời vua Hùng cuối cùng) trong lịch sử nước Việt cổ.

Ý nghĩa to lớn của bản thần phả mới phát hiện này thể hiện trên mấy khía cạnh: (1) Thánh Dóng không phải chỉ là thiên tướng (tướng nhà trời) hiện giáng một lần duy nhất để đánh giặc cứu nước, mà Ngài còn có hậu duệ lưu lại trên dương gian. Vậy Ngài là thiên thần hay nhân thần? (2) Công lao của dòng tộc Thánh Dóng không chỉ là đánh giặc ngoại xâm, mà còn có công lớn trị thuỷ, mà cụ thể là trị thuỷ Sông Hồng. (3) Nội dung Thần phả đã tích hợp trong đó bốn vị thánh vốn được người đời coi là “tứ bất tử” (Thánh Dóng, Thánh Tản Viên, Tiên Dung, Chử Đồng Tử (không có mặt chúa Liễu Hạnh). Điều kỳ diệu là cả bốn vị thánh này đều sinh ra cùng thời, gắn bó với nhau trong một đại gia đình Triều Hùng Vương thứ 18 trong sự nghiệp cứu nước và giữ nước. (4) Nội dung thần phả đem lại cho chúng ta rất nhiều tri thức dân tộc học, địa lý học, danh xưng học, dân gian học, thông qua các mô tả và phân tích tâm lý hết sức “đời”, hết sức “người”. Cũng phải kể đến nghệ thuật miêu tả chiến trận (cuộc chiến giữa tướng lĩnh của Hùng Duệ Vương và Thục Phán) vô cùng sinh động mà chúng ta chưa hề bắt gặp ở đâu trong kho huyền thoại của Việt Nam. Người ta có cảm giác đang được xem một bộ phim hoành tráng về chiến trận không kém gì trận chiến thành Troya trong thần thoại Hy Lạp.

Có thể nói rằng huyền thoại và di tích mới này về Thánh Dóng và hậu duệ của Ngài đã làm hoàn chỉnh thêm tầm vóc cao sâu của tâm thức dân tộc: anh hùng, hiếu nghĩa, yêu nước, thương dân, trọng nghĩa khinh tài, khoan dung, chân thành thuỷ chung (giữa Cao Sơn và Đổng Vĩnh) và quí trọng môi sinh. Huyền thoại về thánh Đổng Vĩnh xứng đáng là bản anh hùng ca về đạo nghĩa dân tộc. Nay xin trân trọng giới thiệu cùng toàn thể các nhà nghiên cứu và độc giả nội dung chính của huyền thoại.

TS. Cung Khắc Lược làm việc cùng nhân dân địa phương.

Sau đây, chúng tôi lần lượt giới thiệu toàn văn bản dịch thần phả.

Phần I: Đầu thai

Thuở xưa, Hùng Vương là Thánh Tổ trời Nam. Vua Tổ đầu khai sáng xây dựng nước Việt Nam, cơ thời gọi Việt Thường họ Hùng mười tám đời truyền nối mở nước đều là các vị khải khánh đế vương sáng suốt đã gây dựng nên cơ đồ đất nước núi sông muôn dặm gấm vóc, kiến tạo thành đô cung điện nguy nga vững chắc, muôn vật dồi dào nuôi dưỡng muôn người. Cả nước gồm mười lăm bộ rộng lớn. Vận nước mở mang từ ấy. Vua Tổ đặt quốc hiệu Văn Lang, lập quốc đô tại Nghĩa Lĩnh, truyền mãi muôn ngàn năm. Nơi ấy vua Nam Việt ngự trị, Thánh điện Hùng sơn trường lưu bất diệt; về sau con cháu chắt đều là giống nòi tông phái từ ấy mà phát triển, đều luôn hướng về đất Tổ trời Nam; các bậc công thần cứu nước gìn dân đều được có nơi phụng sự trường tồn cùng với giang sơn bất hủ.

Thuở ấy vào thời vua Hùng Duệ Vương, ở xứ Kinh Bắc, phủ Từ Sơn, huyện Tiên Du, trang Phù Đổng có nhà cự tộc họ Đổng. Ông tên huý Mẫn, bà vợ là Trần Thị Ơn người xứ (mất chữ) phủ Nam (mất chữ), châu Thanh Hà, trang (mất 1 chữ) Giang Châu. Vốn nhà danh giá, giàu sang mà hào hiệp. Vợ chồng hiền hoà, luôn làm điều nhân nghĩa để tích thiện. Hiềm một nỗi tuổi đã cao mà vẫn chưa thấy sinh hương nở quế. Khổ tâm hơn nữa lại bị người ta lấy đó để đặt chuyện ác độc xấu xa. Ác nhất là cái nhà họ Hoàng trong hương lý, không hiểu sao cứ rắp bụng đơm đặt đủ điều nói xấu làm nhục họ Đổng, hết nói xấu sau lưng lại nói xấu trước mặt như muốn triệt hạ họ Đổng cho thoả thâm thù, oán hận từ bao giờ tích chứa lại. Bỉ ổi, trắng trợn, ra sức, cố ý. Hễ thấy mặt ở đâu là nói xấu liền. Độc địa hơn cả lại cứ nhè vào cái nỗi muộn con của vợ chồng họ Đổng khiến họ càng đau khổ xót xa trong tâm can dai dẳng. Càng ngày càng đáo để thậm tệ, đợi đến khi trong làng xã có cuộc hội họp đông đủ dân làng già trẻ nam nữ, cậy thế mình là họ thế gia cự tộc đương thịnh thời, lắm tráng đinh lại giàu có hơn người, bấy giờ mới nhân thể người quyền trưởng hương lý đang điểm danh đến gia đình nhà Đổng Mẫn, thì ngay tức tốc cướp lời, chen luôn vào mà nói này nói nọ, khinh mạn, ngạo ngược đầy đắc ý và tự mãn. Ông lặng ngồi ngậm đắng nuốt đau, chỉ thầm giữ vững cái tiếng thơm của họ nhà mình từ tiền cổ đã vun bồi, vả lại vợ chồng ông đang ở trong cái cảnh tha thiết đường sinh nở để có con nối dõi truyền thống hiếu trung của Ông Đổng – Thánh Dóng. Cứ chịu đựng mãi cái ngữ nhà họ Hoàng luôn luôn bất nghĩa như vậy thì cực khổ vô chừng. Cực chẳng đừng, ông Đổng Mẫn chỉ còn nước, lìa bỏ hương quán, chấm dứt gia tình, phó thác thân tộc, vợ chồng khăn gói biệt cầu một nơi đất khác mà sinh sống. Nghĩ vậy, ông bà bèn tìm đến xứ Hải Dương, phủ Hạ Hồng, đất Châu Vĩnh Lại – Vĩnh Am. Vợ chồng tự lập lấy một chốn gia cư. Nơi đây có con sông nhỏ thông ra cửa biển. Hai bờ tả hữu ngạn đều có dân cư sinh sống. Ở đây mới được vài năm, cũng chỉ mua đi bán lại mớ tôm mẻ cá, mắm muối, tương cà, rau dưa vậy mà cũng dễ chịu.

Hai trang ruột thần phả.

Chỉ còn mỗi một điều, mộng lân chỉ hùng tường (chỉ việc thụ thai) thì tịnh chưa thấy mà thôi! Mặc dù tâm tư của ông Đổng Mẫn lúc nào cũng canh cánh ước mơ được có nó. Cho nên ông cứ thường than thở với bà rằng: “Các cụ tổ tiên nhà tôi truyền bảo mà tôi được biết, đời nào cũng vậy, các cụ ăn ở cư xử với nhau ở nội trong gia đình thì hoà hợp, ở bên ngoài làng xã thì quý trọng khiêm nhường, vì thế mà Hoàng thiên mới trợ thuận cho được sinh Thần - Đổng Sóc Xung Thiên Thần Vương - cứu nước giúp dân. Từ đó họ Đổng nhà tôi mới được làng nước gọi là họ hào kiệt thế gia, trong họ nhà nào cũng thịnh vượng và đa đinh cả. Nhiều đời nay rồi vẫn được như vậy. Mà sao tôi với bà ăn ở với nhau cũng đã nhiều năm, tuổi tôi với tuổi bà cũng đều già cả rồi mà Ông Trời cứ bắt tội bất hiếu mãi thế này ư?”. Bà nghe ông than thở mà không đãi đằng một lời nào với ông. Nung nấu trong tâm bà vào buồng đi nghỉ. Nghỉ cũng chẳng được, bà lại dậy làm việc nọ việc kia. Ngày này sang ngày khác, bà âm thầm lặng lẽ làm ăn buôn bán tần tảo không gian dối lường thưng bớt đấu. Hễ hai bên hàng phố tả hữu ngạn Vĩnh Lại – Vĩnh Am cần làm việc công lợi nào, dù là đường sá, cầu, quán, đền chùa... bà đều cùng ông ra tâm hằng sản công đức.

Một đêm nọ bà mộng thấy thần hiện lên bảo rằng: “Hoàng Thiên trước đây đã giáng phúc ban cho họ Đổng sinh Thần Bảo quốc trừ Ân. Từ đó đến nay đến chồng nhà ngươi là đã trải mười hai đời, như vậy há chẳng phải là lâu dài sao? Ngày nay, vợ chồng nhà ngươi vẫn biết tu nhân tích thiện, ăn hiền ở lành, cư xử với người đời không tranh cạnh, vững lòng son sắt kiên định bền bỉ, Thiên Đình dẫu muốn định giảm phúc của nhà ngươi thêm cho người khác cũng không nỡ! Đến sinh sống ở nơi này, gây dựng cơ nghiệp từ đầu mà vẫn không quên dốc tâm dốc của làm những việc có nhân có nghĩa, chẳng hề bỏn xẻn, tiếc xót tiền tài.

Vợ chồng nhà ngươi đau đáu thiết tha cầu có con, tâm thành ấy cảm cách thấu tới Thiên Đình. Vì thế, Thiên Quân sai Long Hầu giáng xuống làm con của vợ chồng ngươi, Nay bảo cho vợ chồng ngươi biết. Thiên Quân có cho vợ chồng nhà ngươi tấm Long Chương này hãy nhận lấy!” Tiếng nói của Thần vừa dứt, thì ông Đổng bỗng bàng hoàng bừng tỉnh. Ông tức thời thốt lời: “Vâng, con xin nhận Long Chương”. Ông mở tấm Long Chương ấy và đọc luôn cho bà cùng nghe: “Tu tâm tác phúc đạt Thiên Quân/Đổng Thị phu thê đốc chí nhân/Ưng phó Thần Long vi nhữ tử/Khuông phù dương quốc bảo ư dân”. Tạm dịch: “Tu tâm làm phúc thấu Thiên Quân/ Họ Đổng vợ chồng ở có nhân/ Nay giáng Thần Long làm con quý/Cứu dân giúp nước dẹp tai nàn”.

Quả đúng như mộng triệu, bà mừng lắm. Từ ấy, bà có thai. Từ trong buồng nằm bỗng nhiên có một áng mây đẹp xuất hiện như cái tán che biết bay theo từng bước đi lại di chuyển của bà để che cho đầu bà, tạo nên một vùng không khí trong lành thơm dịu rất đỗi mát mẻ. Ai thấy đều cho là kỳ diệu. Bà mang thai mười bảy tháng. Năm ấy vào đúng Tháng Tám Ngày 13, trời đất đang quang đãng bỗng đột ngột tối tăm, gió lớn nổi lên, mưa to dữ dội. Vậy mà trong buồng nằm của bà ngào ngạt mùi thơm phưng phức rồi lan toả khắp nhà, đồng thời là một vầng sáng huy hoàng làm rạng rỡ cả không gian ngôi nhà. Khi ấy, vừa khéo cái thời khắc khai hoa mãn nguyệt, bà sinh hạ một nam tử thể diện khôi kỳ, tay chân lẫm liệt, nhan rồng mắt phượng, mày lân, hàm yến. Vừa mới sinh mà đã có râu trắng, đầu có hai cái giác, mỗi giác dài tới rốn, vóc dáng cao lớn đường đường khác hẳn với muôn vạn người thường. Giữa lưng của ông có một hàng giáp đỏ, trên đó hiện lên hai mươi tám vì tinh tú. Bụng ông tròn, lớn, có sao Bắc Đẩu chiếu. Tay dài quá đầu gối. Chân mọc bảy sợi lông, mỗi sợi dài năm thốn. Hai bên cạnh sườn có mây ngũ sắc điểm tô. Vừa tròn một trăm ngày, nhân việc tu tạo cây cầu ở sông Vĩnh Giang mới lấy chữ Vĩnh để đặt tên cho ông.

(Còn tiếp)
Cung Khắc Lược - Lương Văn Kế

* Đầu đề do chúng tôi tự đặt
(chú thích của Cung Khắc Lược –Lương Văn Kế)

Phong Thiện (giới thiệu)

Tư liệu đặc biệt về hậu duệ Thánh Dóng: Tài năng xuất chúng và công lao trị thủy
Giadinh.net - Sau khi phần I của Thần phả đình làng Thượng Giáp (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) về Đức Thánh Đổng Vĩnh - hậu duệ đời thứ 13 của Thánh Dóng được đăng trên Báo GĐ&XH, chúng tôi nhận được rất nhiều quan tâm từ phía độc giả. Nay trân trọng giới thiệu tiếp đến bạn đọc phần II của bộ thần phả quý hiếm về vị anh hùng này.
> Tư liệu đặc biệt về hậu duệ Thánh Dóng
> Tiếp bài: "Tìm thấy nguồn gốc Thánh Gióng": Đổng Sóc Thiên Vương là một Thánh Gióng hoàn thiện
> Tìm thấy nguồn gốc Thánh Gióng?

Tỏ rõ anh hào từ nhỏ (*)

Theo lẽ tự nhiên, xuân sinh hè trưởng, dưỡng dục đến mười tuổi thì Đổng Vĩnh đã thân cao bảy thước, thông minh kỳ lạ, không học mà biết, trí tuệ anh hùng, khó ai dám sánh, sức thì nhấc đỉnh nhẹ tênh, nhổ núi như chơi; khi đi thì gió nổi mây vần, gọi theo mưa trút, người người kính sợ, ai nấy đều tán dương: Phi Thuỷ thần xuất thế ắt là Thiên thánh giáng trần. Quả là một người phi thường!

Người dân trong huyện Vĩnh Lại bấy giờ hay bắt gặp ông Đổng Mẫn đi làm các việc công đức lớn lao như phát chẩn cứu giúp người nghèo khó, chăm nom nuôi dưỡng người già yếu không nơi nương tựa, hay tu tạo cầu cống đường xá, chùa chiền miếu mạo, việc công lợi của dân bản huyện đều trông cậy cả vào cái tâm cái đức của ông Đổng Mẫn. Vì vậy người ta tôn cử lên làm Cai Mục toàn huyện.

Nhà nghiên cứu, TS Cung Khắc Lược

Năm ông Cai Mục vừa tròn 68 tuổi thì Vĩnh đã 17 tuổi. Người to lớn phi thường, thân cao 14 thước, văn võ tinh thông, xưa nay chưa từng thấy có ai siêu phàm như thế. Ông Vĩnh đi trên sông nước như đi trên bộ, gọi gió gió nổi, vẫy mưa mưa trút. Dân chúng trong huyện rất kính phục, ngàn người như một ai cũng tôn xưng Vĩnh là Vua Nước (nguyên văn Thuỷ Đế). Năm Vĩnh 19 tuổi thì ông Cai Mục qua đời nhằm vào ngày mồng 10 tháng 10. Vĩnh cùng mẹ/ Thái bà làm lễ tang ninh táng. Việc tang chu tất. Các hào trưởng cùng toàn dân huyện tôn cử Vĩnh làm Thống Quản huyện nội và họ nhất nhất quy phục làm theo.

Bấy giờ các nơi thiên hạ khổ sở vì hạn hán, lúa má hoa màu chết khô, dân chúng đói khát, người chết rất nhiều. Nhưng kỳ lạ thay, riêng ở huyện mà Vĩnh làm Thống Quản, do Vĩnh biết điều khiển làm mưa thuận gió hoà, cho nên vẫn được mùa bội thu, nhà nhà no đủ dồi dào, già trẻ sung sướng, ca tụng công đức của ông Vĩnh lớn lao cao dày sánh với càn khôn.

Quan huyện được tin ông Vĩnh ở Vĩnh Lại gọi được gió làm được mưa, với sở nhiệm Thống Quản được dân chúng sở tại tôn cử đã làm cho họ được mùa, được họ ca ngợi công đức, thì coi đó là người có tài đức của bậc Thánh nhân và có bẩm khí siêu việt, bèn làm biểu tâu lên triều đình. Nhà vua lấy làm lạ, lệnh cho sứ giả đến tận nơi triệu Vĩnh về kinh đô ngay. Vâng mệnh triệu hồi, ông Vĩnh được vào sân rồng bệ kiến. Nhà vua ngắm thể diện của ông, thấy quả là vô cùng kỳ dị, thân dung cao lớn, lực lưỡng kình thiên, bèn ngầm thử thách. Thì chỉ trong phút chốc đã toát lên những phẩm chất tự nhiên của một vị Thuỷ Thần, chứ không phải của người ở cõi dương gian. Ngài bèn thử đến cả tài văn, tài võ thì càng thấy phát tiết sự tinh thông linh mẫn, quán triệt viên mãn, quả là có một không hai. Tấu đối như nước tuôn trào, võ nghệ lắm phép màu kỳ diệu, biến hoá ẩn hiện không cùng, Ngài rất hài lòng, ban cho chức Bộ Lãnh Thuỷ Tào Đại Phán Quan kiêm đứng đầu 50 Bộ Thuỷ. Thời Hùng Vương, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ làm chính cung, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con giai đều là anh hùng cái thế. Đến khi trăm người con giai trưởng thành thì chia 50 người theo cha thành Thần của 50 Bộ Thuỷ, còn năm mươi người theo mẹ thành Sơn Thần.

Sau đó, ông Vĩnh xuất triều nhận công việc. Mọi việc với ông Vĩnh tất cả các quan cái thần trong Bộ trên dưới đồng tâm hiệp đức, đất nước tràn ngập thanh bình được vài năm.

Tiến sĩ Lương Văn Kế

Ra tay cứu giúp dân lành(*)

Nào ngờ lại có cơn đại hồng thuỷ ập đến. Khắp nơi nước ngập mênh mông, núi lở, đê vỡ, dân chúng điêu linh, người trôi, của mất vô kể. Ông Vĩnh dâng biểu lên nhà vua báo cáo. Ngài trao cho ông chức Thống chế Thuỷ đạc Đại tướng quân, điều động gấp toàn dân chống lụt, đắp đê, sửa đường chữa xá cầu cống ở những nơi đã bị lũ phá huỷ.

Chữ “Dóng” trong “Thánh Dóng” mà các tác giả dùng ở đây nhằm sửa lại sai sót cả về mặt phiên âm và ý nghĩa trong chữ “Gióng” mà dân gian vẫn dùng. “Dóng” ở đây nằm trong chữ “dóng tre”, loại cây liên quan trực tiếp đến truyền thuyết trong dân gian và cũng là giống với âm “Đổng” của âm Hán Việt.
Ông vâng mệnh lớn, truyền ngay cho các thần quan ở các đạo trực tiếp cùng binh sĩ của đạo mình đảm trách phải bắt cho được các giao long, thuỷ ôn thuỷ quái ở trên các dòng sông, nhất là trên triền sông Nguyệt Đức đã nhiễu hại dân chúng, nếu không tuân lệnh hay trái lệnh thì quan chủ quản các đê quán thuộc đạo ấy phải bắt để hỏi tội. Thế là nhanh như cắt, quan đâu vào vị trí nấy, chỉ huy binh sĩ hùng mạnh cùng với dân địa phương lao vào cuộc chiến quyết liệt. Chưa đến cuối buổi đã thấy tin từ các đạo báo về ông Vĩnh rằng: đã bắt sống được 500 tên toàn là đầu rắn, thân cá với 5, 6 tên tướng có hình thù kỳ quái, thân người mặt rồng, áo giáp cá, đầu có mào ngũ sắc phát sáng lóng lánh. Quá ngọ thì chúng nó bị dẫn cả về trình trước mặt quan chỉ huy đạo Thuỷ giang Nguyệt Đức để làm lễ.

Viên quan địa phương đọc trước dân chúng bản Tuyên cáo bảo cho các Thuỷ Hầu: “Thuỷ quốc và dương gian tuy âm với dương đôi ngả song cùng chung một nguồn khí. Vậy mà các thần tử nơi Thuỷ quốc lại dám dâng nước làm hại dân chúng cõi dương gian, xuyên phá các lộ giới, băng liệt mạch đất cư ngụ của họ. Việc làm ấy không phải là mệnh lệnh của Trời mà là của Thuỷ quốc gây nên làm hại dương gian. Lẽ nào lại vô tri vô trách? Nay ta vâng mệnh nhà vua, nắm quyền Thuỷ Tào chức Thủ Tướng kiêm tất cả các doanh Bộ Thuỷ, đi xem xét thiên hạ hộ đê chống lụt khắp các đạo lộ, đến đâu cũng thấy Thuỷ quốc phá hoại. Vì vậy, ta buộc phải tiến quân đến tận nơi xung yếu đó để khuyên bảo cho chư quân Thuỷ quốc được biết rõ: nếu các ngươi muốn giữ toàn thân mệnh của mình mà không mắc tội hãy mau mau bồi hoàn lại tất cả những nơi Thuỷ quốc đã tàn phá. Các ngươi hãy vâng theo mệnh lệnh tuyên báo này!

Các nhà nghiên cứu Cung Khắc Lược và Lương Văn Kế cùng Bí thư Đảng uỷ xã Thống Nhất, cụ từ và nhân dân địa phương trước cửa đình.

Nhân dân ở các làng quanh nơi hành lễ, người già trong các họ tộc đã vào giấc ngủ thì bỗng bàng hoàng tỉnh giấc báo cho con cháu trong nhà là mình nghe thấy thần báo mộng: Trên nhà vua tiến quân về cứu dân chúng ở các nơi đê vỡ. Thì đúng lúc ông Vĩnh đang trên đường tiến quân, ông tiến đến đâu nước ở nơi đó tự rút hết. Và lạ kỳ thay, thần Giao Long ở các sông đều có mặt cùng hợp nhau lại để hàn những chỗ đê vỡ và những con lộ bị xuyên phá.

Lạ thay người già trong các họ ấy đều có chung một giấc mộng y hệt như nhau. Có một vị quan nhân oai phong lẫm liệt ngồi trên xa giá, theo hộ giá là một đoàn dũng sĩ hùng hậu cưỡi voi, cưỡi ngựa với đầy đủ giáp khí đang từ đường cái quan theo giang biên đến lộ quán (1).

Thoắt chớp mắt, ông Vĩnh đã tiến quân đến xứ Sơn Nam phủ Thường Tín, hướng thẳng về huyện Thượng Phúc, nhằm vào trang Lưu Khê. Tuyến đê thuộc địa giới trang này bị phá bằng, nước con sông Nguyệt Đức đã phá huỷ cả một vùng, quá nửa con đường lớn dẫn vào trang này bị tàn phá; dân chúng hoang mang, súc vật nhớn nhác. Binh tướng của ông phải tạm dừng ngay ở chỗ Quan Phủ Lệnh. Ông cho quân nghỉ ăn uống rồi cởi giáp đi vào Trang Lưu Khê. Khi ấy đã quá canh ba, dân chúng Thượng Lưu Khê, Hạ Lưu Khê đang chìm trong đêm tối u ẩn. Cả vùng này có 3 điếm sở, dân cư chỉ có 9 họ tộc là: Nguyễn, Trần, Lê, Trương, Đinh, Hà, Lương, Phạm và Bùi.

Trong giấc mộng, họ còn được nghe thấy lời vị quan nhân rất dõng dạc truyền lệnh cho tướng sĩ các đạo thuỷ, bộ tróc nã thuồng luồng, kình nghê, thuỷ quái, thuỷ ôn trên tuyến sông Nguyệt Đức. Và trước mắt họ lũ lượt một bầy tù binh 500 tên quái tướng dị hình, đầu rắn, mặt cá bị giải đi, đi đầu là 5, 6 tên tướng của chúng trông đến thảm hại, mang cái thân xác hình người mà mặt lại là mặt rồng, áo giáp lại toàn vẩy cá bươm tướp cả da thịt và ròng ròng máu chảy đỏ tanh lợm.

Họ chợt tỉnh mộng thì hồng thuỷ đã rút cạn, con người và muôn vật đã trở lại bình yên. Giờ đây sừng sững trước mặt họ, ngay tại quán sở Thượng Giáp, là ông Đổng Vĩnh cùng với đại binh của ông. Và theo sự chỉ bảo của ông, ba dân Thượng Giáp, Vạn Nghè và Lưu Khê đang sát cánh bên nhau sửa chữa, hàn gắn, đắp bồi lại những quãng đê sạt lở và những khúc đường bị nước lũ cuốn trôi. Những người được báo mộng đêm qua vừa làm việc vừa nói rỉ tai với người bên cạnh rằng: ông Đổng Vĩnh đúng là vị quan nhân oai phong lẫm liệt hiện lên trong giấc mộng của họ với đầy đủ tướng tài dũng sĩ, ngựa, voi hùng mạnh đang trong cuộc tu bổ tuyến đê quai trọng yếu của phủ Thường Tín đây cùng ba dân Lưu Khê - Thượng Giáp - Vạn Nghè.

Xa giá dừng lại trước lộ quán. Vị quan nhân được tướng sĩ đến mời vào bên trong. Ngài truyền cho người chủ quản mời dân trang đến để thăm hỏi. Trước đông đảo chúng dân, ngài cho biết: “Ta vâng mệnh Quốc vương dẹp thuỷ tặc, trừ hồng thuỷ, cứu đê điều, sửa chữa đường xá bị thuỷ hại cho dân. Lệnh của ta đã ban về các địa phương. Nay ta đến thị sát xem xét tận nơi. Vậy mà sao dân chúng nơi đây vẫn cứ điềm nhiên bình chân như vại, thật là thô thiển”. Lặng lẽ nghe lời ngài dạy bảo, phương dân nam phụ lão ấu ai nấy rất kính sợ. Tất cả vội rập đầu vái lạy ngài. Một người trưởng lão cất lời thưa: “Chúng con xưa nay vốn thô phác, vụng về, ngu dại, xin ngài tha tội chết! Nay dân chúng con được thượng quan triệu báo hiển thị cho mới được biết rõ. Từ nay về sau dân chúng con xin ngài cho được làm thần tử của ngài, để cho kẻ trên người dưới trong trang ấp chúng con được chấp hành mọi chỉ dạy của ngài. Trăm ngàn vạn bội đội ơn đức lớn lao cao cả của ngài!”

Hôm ấy nhằm đúng ngày 13 tháng Quý Hạ (tháng 6 âm lịch), già trẻ gái trai cả vùng, trang trên ấp dưới khí thế ngùn ngụt, muôn người hồ hởi đua nhau làm việc. Mọi việc cứ trôi chảy băng băng, không đến nửa buổi đã tinh tươm chu đáo. Ông Đổng Vĩnh - vị quan nhân ấy rất hài lòng. Ông ngắm cả tuyến đê trong con mắt nhìn xa bao quát rộng. Ông thấy thực chất dân tình chất phác, lão thực, biết nghe theo, thi hành lệnh chỉ trọng đại mà trong lòng ông thấy thâm thiết, bao dung, thanh thản. Việc đê điều hoàn tất, yên ổn. Ông nán lại tại quán sở Lưu Khê để quan sát thật kĩ phong thuỷ của cả vùng trọng yếu.

Bấy giờ, quán sở Lưu Khê lập trên đường đê thuộc phần giang biên địa ấp này. Cục địa thật tốt đẹp. Tổ sơn từ Long Đỗ - núi Nùng, dẫn khí thiêng Thăng Long, phân chi theo mạch về trang Lưu Khê, hình thành nên thế Long Xà quấn quýt rồi thoắt vươn rộng, sau tụ hội nhập vào chỗ trạch Thuỷ, đột ngột khởi lên một con Quy và hai con cá lớn. Chính tại chỗ đó, được nước giao chầu cả vào quán sở. Quán sở đặt ngay trên rốn con xà, lấy sông Kim Ngưu làm ngoại minh đường, lấy Lương Châu làm nội minh đường, đến chính long ở Đinh và Quý. Hai bên tả hữu là các phiến vàng phiến ngọc châu đầu cả vào quán sở. Ông Đổng Vĩnh truyền bảo lấy đó làm nơi hành cung đãi yến... (2).

Ông lệnh cho mở yến đãi tướng sĩ và bô lão trong trang ấp. Sau đó cho lưu quân dũng sĩ nghỉ ngơi tại hành cung.

Cung Khắc Lược - Lương Văn Kế

(Phần III: Gặp đức tổ Thánh Dóng và cuộc chiến chống Thục Phán lần thứ I)

(1) Lộ quán toạ lạc trên bờ sông, lấy đó làm mốc giới cho cả vùng trang ấp giang châu này. Còn có ba ngôi điếm canh nước cũng đặt trên tuyến đê giang biên. Từ mỗi điếm đi xuống là đường dân lộ. Dân địa phương thường gọi quán hay quán sở, đó là: quán Thượng Giáp của dân Thượng Giáp, quán Bến Nghè của dân Vạn Nghè, quán Lưu Khê của dân Lưu Khê.

(2) Nguyên văn chữ Hán viết kiểu chữ nhỏ. Có một số chữ mờ khômg đọc được.

Giúp vua Hùng giữ ngôi báu
Giadinh.net - Không chỉ có công trị thủy, hậu huệ đời thứ 13 của Đổng Sóc Thiên Vương – Thánh Dóng còn có công rất lớn trong việc giúp Vua Hùng giữ ngôi báu. Mời độc giả thưởng thức tiếp phần III của bộ thần phả về đức Đổng Vĩnh huyền thoại.
> Tư liệu đặc biệt về hậu duệ Thánh Dóng: Tài năng xuất chúng và công lao trị thủy
> Tư liệu đặc biệt về hậu duệ Thánh Dóng
> Tiếp bài: "Tìm thấy nguồn gốc Thánh Gióng": Đổng Sóc Thiên Vương là một Thánh Gióng hoàn thiện
> Tìm thấy nguồn gốc Thánh Gióng?

Gặp Đức tổ Thánh Dóng

Hơn mười ngày ở trang Lưu Khê, ông tranh thủ vào thăm thú dân thôn. Một hôm sau khi dùng bữa, ông nằm ngả lưng tại giữa hành cung. Ông bỗng thấy người lâng lâng lạ thường. Khi ấy, hiện lên một đại nhân kỳ vĩ vô cùng, thân cao ba mươi thước hơn, trực lập kình thiên, áo mũ lộng lẫy, đai giáp to rộng lóng lánh hoàng kim, hai bên thị vệ hai hàng quân uy hùng. Bàng hoàng cả người, ông phải nhỏm dậy tức khắc đến trước đại nhân kỳ vĩ mà cất lời vấn: “Quan ngài ở đâu ta tới? Xin cho được biết chức danh?”. Đại nhân kỳ vĩ cả cười đáp:

“Cùng gốc cùng nguồn cùng họ nhà
Ghé chơi một chút chẳng đâu xa
Vô tâm mải việc không ai trách
Làm tướng xưa nay vốn tinh hoa”.

Nghe vừa dứt thì ông Vĩnh bừng ngộ. Trong mắt ông vẫn còn phản chiếu những luồng hào quang xán lạn. Từ luồng hào quang ấy, đại nhân kỳ vĩ nhẹ nhàng bay lên không trung mênh mông, ngài bay cao, cao mãi. Sau chớp mắt, định thần, ông Vĩnh lệnh truyền cho tướng quân mời các bô lão đến để tham vấn: “Trang ấp đây có ngôi linh từ thì phải?”. Các thượng lão nhất nhất thưa rằng: “Thưa ngài, địa phương chúng con đây, từ cổ vốn có một ngôi kinh đài, dân trang ấp và thập phương hễ cầu tất ứng, thần minh sáng suốt, hiển ứng phù hộ, che chở yên lành. Xuân thu nhị kỳ, ngày Sóc ngày Vọng hàng tháng, hết đời này đến đời khác không ngớt đèn hương thờ phụng thần minh”. “Đó là ngôi đền nào?” - ông Vĩnh liền hỏi. Một cụ thượng cao cả nhất trang xin đáp: “Thưa ngài, làng bên cạnh trang chúng con đây là làng Đông Bộ Đầu có ngôi đền thờ Đức Đổng Sóc Thần Vương là bậc thượng đẳng thần quốc tế - cả nước cùng thờ phụng”. Nghe các cụ phụ lão cho biết, trong lòng ông Vĩnh sáng lên niềm hồi tưởng sâu xa. Quả đúng là như vậy, chính vị quan nhân kỳ vĩ hiện ra trong hào quang chói lọi vừa rồi là bậc tiền nhân trong tiên tổ nhà mình, ngài hiện về quở trách mình, về nơi đây làm việc mà sơ sót. Ngay tức khắc, ông Vĩnh nói với các cụ trượng lão biện lễ vật để ông lên đền Đông Bộ Đầu bái yết tạ lỗi với thiên thần.

Toàn cảnh Đền thờ Đổng Sóc Thiên Vương, tiền nhân 13 đời của Đổng Vĩnh Đại Vương (Hai ngôi đền này cách nhau chừng 3 km).

Xa giá của ông Vĩnh vừa đỗ xuống sân đền thì nhân dân hai trang Lưu Khê và Đông Bộ Đầu đã có mặt tề tựu đông đủ để đón tiếp ông. Họ được nghe ông Vĩnh chỉ bảo dặn dò: “Nhân dân hai trang đây là anh em giao hảo đời đời cùng chung nguồn nước, chung một dòng sông, ăn ở hoà thuận thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”. Họ được tận mắt thấy ông Vĩnh hành lễ bái yết Đức Thượng Đẳng Linh Thần Đổng Sóc Thiên Vương. Bái yết, lễ tạ thần Thượng Đẳng rồi ông Vĩnh xa giá trở lại trang Lưu Khê. Ông đi khắp làng trên xóm dưới, xem xét dân phong thuần hậu, thăm hỏi từ già chí trẻ, ai cũng để trong lòng ông tình cảm thương quý. Ông thấy an lòng trên xa giá trở về hành cung. Các cụ phụ lão và các ông đầu họ trong làng cũng theo về. Mọi người quây quần nghe ông Vĩnh ban truyền: Từ nay về sau, dân trang Lưu Khê là học trò của ông, thực hành những ý chỉ của ông. Ông ban tặng cho trang Lưu Khê bốn chữ quý báu “Hộ Nhi Gia Thần” cùng với năm hốt vàng bạc để tu sửa hành cung.

Cuối buổi, ông xa giá về huyện Thanh Đàm thăm trang Quỳnh Côi. Lưu lại đây vài ngày, ông xem xét kết quả bồi đắp đê điều và tình hình thuỷ lợi địa phương sau cơn hồng thuỷ.

Trở lại Hành Cung trên đất Hộ nhi Gia thần, ông làm biểu dâng lên nhà vua báo cáo đã hoàn thành công việc trị thuỷ và hàn gắn đê điều. Nhà vua hạ chỉ triệu hồi ông về kinh. Bấy giờ, các thần tử của ông ở mấy chục nơi mà ông nhận họ làm gia thần, làm đệ tử, làm môn hạ, là tay chân thiết cốt, được ông quan tâm săn sóc như Tiên Du Kinh Bắc, Nam Sách, Thanh Hà, Hạ Hồng, Nam Chân, Lộc Hà, Hải Dương, Thanh Đàm... tụ hội thành một đoàn hơn một nghìn người tiễn ông về kinh. Riêng trong Lưu Khê, cả làng lưu luyến bám theo xa giá của ông đông nghịt...

Tại triều đình, ông bái kiến nhà vua. Nhà vua mở đại yến chúc mừng ông, ban cho ông kim bào đai ngọc và gia phong duệ hiệu Đổng Vĩnh Đại Vương Chưởng Giáo Lục Bộ Toàn Liêu Đại Tướng Quân, tước hiệu Nam hải Quận vương. Ông vâng mệnh nhà vua thi hành nhiệm vụ.

Từ ấy, toàn cõi nước ta biển lặng sông trong, dân chúng thoả sức làm ăn yên ổn. Đặc biệt, các trang ấp được ông nhận làm Hộ nhi Gia thần thì năm liền năm đều được mùa bội thu, dân chúng ấm no, xóm làng dặt dìu lời ca tiếng hát dân gian. Hát rằng:

Thái bình vua, thái bình dân
Đất nước sinh ra Đổng Vĩnh thần
Đồng ruộng tốt tươi không hạn lụt
Trời Nam nhân vật rạng công ơn.

Mẫu tượng Thánh Dóng bằng thạch cao (Ảnh: TL)

Cuộc chiến chống Thục Phán lần thứ nhất

Lại nói, cuối thời Hùng thế nước cáo chung, Hùng Duệ Vương sinh được hai mươi hoàng tử đều thuộc giới Tiên Hương và sáu công chúa, về sau chỉ còn đươc hai người, chị là Tiên Dung, em là Mỵ Nương, đều là đấng anh hoa trong giới nữ lưu. Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử người trang Đa Hoà phủ Khoái Châu xứ Sơn Nam. Mỵ Nương sắc nước hương trời, giai nhân tuyệt thế, nàng đẹp thắm như áng đào kiểm, hồn xuân phong kín nhuỵ đào. Nhà vua cho dựng lầu cầu hiền kén rể tại thành Việt Trì bên sông Bạch Hạc và truyền hịch cho khắp thần dân trong nước: Những ai là trang thanh niên anh hùng tuấn kiệt văn võ toàn tài, sức mạnh địch chúng hãy về kinh hội thí. Đại hội mở trong ba ngày. Đủ mặt anh hùng tài tử nô nức kéo về chật cả thành Bạch Hạc. Ngàn năm có một không hai, dân chúng kinh thành sung sướng được chứng kiến các bậc anh hào thoả sức trổ tài các môn pháp thuật: Bút trận như mây bay gió cuốn; võ trận núi lở đất rung; quyền pháp muôn thế vun vút như chớp như lôi... Song nhà vua vẫn chưa thật ưng lòng với bất kỳ ai.

Đương khi ấy, có một người trông quê kiểng chất phác như một “lão xá” xin được vào tỉ thí, xưng tên là Tản Viên, quán ở Đổng Lăng Xương xứ Sơn Tây phủ Gia Hưng, huyện Thanh Xuyên. Nhà vua lệnh cho vào. Ngài theo dõi thì thấy vóc dáng lạ kỳ, chẳng giống ai ở phàm trần, cử động thoắt biến thoắt hiện, phép màu như thần như thánh như tiên. Ngài nghĩ ngay rằng, ắt đây là bậc đắc pháp, là thiên thánh giáng trần. Ngài chú mục vào cây thần trượng và cuốn sách của vua nước mà Tản Viên mang theo. Và ngài cho phép chàng tự trình diễn để ngài xem xét. Tản Viên vâng lệnh. Vừa đảnh lễ bái lạy nhà vua, không đầy chớp mắt, tức thì trời đất xán lạn huy hoàng, mây năm sắc vần vụ, gió từng làn mát rười rượi, từng động tác nhẹ lướt như chim, lúc vút lên không, khi lượn như rồng, thoắt ẩn thoắt hiện.

Nhà vua lấy làm mãn nguyện lắm. Xưa nay, ngài chưa từng thấy ai có diệu phép như vậy. Thật là không tiền khoáng hậu vậy. Kỳ tài! Kỳ tài! Ngài lệnh chỉ cho hôm sau mở hội trước Điện Rồng, làm lễ cưới cho công chúa Mỵ Nương và nhường ngôi báu cho Tản Viên. Nhưng không một ai ngờ tới: Tản Viên không nhận bất cứ một thứ lộc báu nào của nhà vua ban cho cả. Ông chỉ cầu xin một điều duy nhất: Nguyện toàn tâm toàn trí giúp nền quốc chính lâu dài.

Tượng đài Thánh Dóng (Ảnh: TL)

Lại nói, từ trước đó, Thục Phán đã để ý Hùng Duệ Vương tuy tuổi già sức yếu mà vẫn chưa kén được người để truyền ngôi. Nhân trúng vào dịp Tản Viên khước từ ngôi tôn quý, Thục Phán tập trung hơn ba vạn hùng binh lao quân từ biên giới vào đánh nước ta. Có thư mật báo từ biên ải về, Duệ Vương bèn lập tức cho triệu gấp Tản Viên vào triều để hỏi kế đánh dẹp. Trước bệ rồng, Tản Viên tâu rằng: “Thần nguyện cam chịu mọi gian lao cực khổ để bảo vệ Thánh giá. Xin nhà vua hãy chọn ngay tướng tài để cầm quân dẹp Thục cho kịp thời, kẻo để chậm trễ sẽ làm nao núng lòng dân”. Nghe vậy, Duệ Vương quyết định triệu tập quần thần văn võ bá quan, đồng thời cho mời cả hai người em của Tản Viên là Cao Sơn và Quý Minh và không thể thiếu Đổng Vĩnh, các vị là móng vuốt lợi hại để đánh Thục. Đổng Vĩnh đến sau, đi cùng ông còn có năm mươi viên tướng anh hùng đại lược. Sau khi nghe Tản Viên trình bày kế đánh Thục, tất cả triều đình thống nhất. Nhà vua ban phong Tản Viên Sơn Thánh Thượng Đẳng Tối Linh Thần, Cao Sơn Đại Vương Tả Khiên Thần, Quý Minh Đại Vương Hữu Khiên Thần, Đổng Vĩnh làm Thống chế Thuỷ đạo Tướng quân. Các ông được nhà vua giao nhiệm vụ xong, tất cả bái tạ nhà vua, cầm quân theo kế sách đã định. Tản Viên Sơn thánh cùng các thần Nhạc phủ cất quân thẳng tiến đánh các miền Bảo Quang, Hưng Hoá, Tụ Long, Bảo Lạc... cả thảy 16 châu thượng đạo. Đại Thống chế Thuỷ đạo Tướng quân Đổng Vĩnh nắm đường thuỷ cùng phối hợp với Tả Khiên Thần Cao Sơn và Hữu Khiên Thần Quý Minh tiến đánh hạ đạo. Đại Thống chế chỉ huy 500 chiếc long chu (thuyền rồng), chia thành các mũi tiến công, một mũi tiến về cửa bể Thần Phù – phủ Chân Định - Hải Dương, một mũi hướng Lục Đầu giang và Bạch Đằng giang, một mũi đi Ái Châu – Hoan Châu và một mũi lên Lạng Giang – Cao Bằng. Đại quân tiến phát, lục quân và thuỷ quân song hành, thượng đạo và hạ đạo cùng đánh.

Khi Tản Viên Sơn thánh đánh hạ quân Thục ở Mai Châu, Mộc Châu diệt tan chính đồn của tướng Thục, thì Hữu Khiên Thần Quý Minh đã từ Kinh Bắc thông một lèo sang Lạng Sơn rồi tiến lên Cao Bằng diệt tả đồn của tướng Thục. Cùng lúc Đổng Vĩnh và Cao Sơn đang vượt Sơn Nam vào Nam Châu, Ái Châu, Hoan Châu và Bố Chánh Châu, các cửa Thần Phù và Lục Đầu giang đã thông, diệt tan trung đồn và hạ đồn của quân Thục. Hai ông đã hợp thành một đạo, cùng quyết chiến quyết thắng, sát cánh vào sinh ra tử, sống chết có nhau, đồng cam cộng khổ như anh em cùng một mẹ sinh. Hai ông đi đến đâu, tướng binh Thục tan tác đến đó.

Bấy giờ, hai ông đang sát cánh bên nhau trên đường thắng lợi tiến về xứ Sơn Nam. Ông Vĩnh muốn mời ông Cao Sơn ghé qua thăm phủ Thường Tín, huyện Thượng Phúc, rẽ vào trang Lưu Khê, vì nơi ấy dân trang từng được ông coi như con cái và học trò yêu quý của mình. Hôm ấy vào ngày mùng 10 tháng Chạp, dân trang được tin nô nức kéo ra đón mừng hai ông. Ông Vĩnh lệnh truyền cho dân trang nhanh chóng dựng một ngôi hành cung dành cho ông Cao Sơn giá ngự. Đất Thượng Giáp – Lưu Khê trước đó đã có một ngôi hành cung của ông Đổng Vĩnh. Nay dân trang vâng mệnh ông thiết lập thêm một ngôi hành cung mới dành riêng cho ông Cao Sơn. Gọn gàng trong ba ngày thì hành cung mới dựng xong tươm tất. Ông Đổng Vĩnh cho quân mua trâu bò giết thịt để khao dân làng và quân sĩ. Tiệc khao diễn ra trong ba ngày. Sau đó, hai ông tuyển chọn năm mươi tám người hoàng nam khoẻ mạnh, giỏi giang, mẫn cán cho xung quân đi đánh Thục trong trận cuối cùng. Trận này đánh thuỷ - bộ chiến kết hợp, nhấn chìm toàn bộ tàu thuyền của quân Thục trên các triền sông vùng Kinh Bắc, bắt sống năm trăm tên tù binh Thục giải về kinh.

Hai ông làm biểu dâng lên nhà vua báo cáo đã hoàn toàn dẹp tan quân Thục. Nhà vua hạ chiếu mời hai ông và các danh tướng công thần vào kinh thành Bạch Hạc dự đại yến mừng khải hoàn. Từ ấy muôn dân trở lại với cuộc sống bình yên vô sự.

Cung Khắc Lược - Lương Văn Kế
__________________