KIẾN THỨC VỀ NHỮNG GIỚI LUẬT SỬ DỤNG TIỀN BẠC

Bài viết này được biên soạn bởi có nhiều Tỳ khưu hỏi tôi về những giới luật sử dụng tiền bạc được tìm thấy trong vinaya (Tạng Luật). Bởi một tân Tỳ khưu ít có cơ hội được đọc những luận giảng mà tôi đã phiên dịch nhiều đề mục từ trong đó. Tôi hy vọng là trong bài viết này có đầy đủ kiến thức để giúp các Tỳ khưu hiểu rõ cách tuân thủ những giới luật này.

PHẦN 1. KIẾN THỨC DÀNH CHO NHỮNG CƯ SĨ NGOẠI HỘ

Quý vị có biết rằng Đức Phật không cho phép các tu sĩ và sa di nhận tiền bạc?
Chắc chắn là quý vị đã để ý thấy đại đa số các tu sĩ nhận và sử dụng tiền bạc. Đây là một trong những yếu tố sẽ dẫn tới việc Giáo Pháp của Đức Phật biến mất. Quý vị có thể góp phần để duy trì Phật Pháp được tồn tại bằng cách học tập cách cúng dường những vật dụng cần thiết được cho phép.
Trong mục này chúng ta sẽ liệt kê những điểm chính mà một cư sĩ nên ghi nhớ để một tu sĩ (Tỳ khưu) có thể có được những vật dụng cần thiết mà không vi phạm những giới luật của Vinaya.
1. Không bao giờ cúng dường tiền cho các Tỳ khưu, nhưng chỉ cúng dường những vật dụng cần thiết được cho phép chẳng hạn như các bộ y, thuốc men, sách, hay vé để đi lại. Nếu quý vị không chắc chắn về những gì một Tỳ khưu cần có thì quý vị có thể hỏi họ, hoặc mời họ yêu cầu quý vị nếu họ cần thứ gì đó.
2. Một ngân quỹ dành để mua những vật dụng cần thiết có thể được để lại cho một kappiya (người phục vụ cho một Tỳ khưu) và ông ta nên được chỉ dẫn để mua và cúng dường những vật dụng cần thiết cho một Tỳ khưu, một nhóm Tỳ khưu, hay Tăng đoàn của một tu viện. Đừng hỏi Tỳ khưu: ‘Nên trao số tiền này cho ai?’ Nếu quý vị hỏi theo cách này thì một Tỳ khưu không được phép chỉ rõ một kappiya. Chỉ nên nói: ‘Thưa Sư, con muốn cúng dường những vật dụng cần thiết cho Sư. Ai là kappiya của Sư?’
3. Khi đã cho kappiya biết, quý vị thông báo cho Tỳ khưu bằng cách nói: ‘Con đã để lại một món tiền trị giá ‘x’ đô la cho kappiya của Sư. Khi Sư cần những vật dụng cần thiết Sư cứ hỏi họ và họ sẽ dâng cho Sư những vật dụng đó.’
4. Nếu quý vị đã biết ai là kappiya của Tỳ khưu thì khi đó quý vị chỉ cần để lại món tiền cho kappiya và thông báo cho Tỳ khưu như mục 3 ở trên.
Xin đọc kỹ những điều trên và lưu ý tới những gì được nói trong đó. Thủ tục ở trên được Đức Phật cho phép trong phần được gọi là ‘thừa nhận mendaka’. Nó được tìm thấy trong Bhesajja Khandhaka của Mahavagga (Đại Phẩm) trong Vinaya Pitaka (Tạng Luật) và đây là bản dịch của nó:
Các Tỳ khưu, có những người có niềm tin và lòng tôn kính và nếu họ giao phó tiền cho một kappiya và chỉ dẫn cho người này: ’Với số tiền này xin cúng dường những vật dụng cần thiết được cho phép cho vị Sư này,’ thì các Tỳ khưu, ta cho phép các ông nhận mọi vật dụng cần thiết được phép nhận và được mua bằng số tiền này, nhưng các Tỳ khưu, ta chẳng thể nào cho phép nhận hay tìm kiếm tiền bạc.
Cũng có một giới luật được gọi là Raja sikkhapada, giới luật thứ mười của Kathina Vagga (phẩm Dâng Y) trong mục Nissaggiya Pacittiya (Ni tát kỳ ba la dật đề pháp) của Patimokkha (Giới bổn Tỳ khưu) mang lại kiến thức thích đáng. Nó được dịch như sau:
Nếu một vị vua, một người bà la môn viên chức của nhà vua, hay một cư sĩ gởi người đưa tin (sứ giả) cùng một món tiền để mua một bộ y cho một Tỳ khưu và nói: ‘Sau khi mua một bộ y bằng số tiền này, hãy cúng dường nó cho một Tỳ khưu nào đó,’ và nếu sứ giả ấy tới tiếp xúc với vị Tỳ khưu và nói: ‘Thưa Sư, tiền để mua một bộ y đã được mang tới đây cho Sư. Xin hãy nhận tiền này để mua một bộ y.’ Khi ấy vị Tỳ khưu đó nói với sứ giả: ‘Chúng tôi không nhận tiền để mua một bộ y, chúng tôi nhận y nếu chúng được dâng cúng vào một thời điểm thích hợp và nếu chúng được cho phép.’
Khi ấy nếu sứ giả nói: ‘Thưa Sư, ai là người phục vụ cho Sư?’ Lúc đó nếu Tỳ khưu muốn có một bộ y thì ông chỉ rõ người phục vụ, người này là một thị giả của tu viện hay là một cư sĩ. Tỳ khưu nói: ‘Người đó phục vụ cho các Tỳ khưu.’
Nếu sau khi sứ giả đã chỉ dẫn cho người phục vụ, sứ giả tiếp xúc với Tỳ khưu và nói: ‘Con đã chỉ dẫn cho người Sư chỉ định. Xin Sư tiếp xúc với người ấy vào một lúc thích hợp, ông ta sẽ dâng cho Sư một bộ y.’ Như vậy một Tỳ khưu muốn có một bộ y sau khi tiếp xúc với người phục vụ đó, có thể hỏi hay nhắc ông ta hai hay ba lần: ‘Tôi cần một bộ y.’ Nếu sau khi hỏi hay nhắc hai hay ba lần, Tỳ kheo nhận được bộ y thì điều đó thật tốt. Nếu Tỳ kheo không nhận được y thì ông có thể đứng yên lặng trong bốn, năm, hay sáu lần để nhận được bộ y đó. Nếu sau khi đứng yên lặng trong bốn, năm hay sáu lần ông nhận được bộ y thì điều đó thật tốt. Nếu ông phải nỗ lực hơn thế và nhận được bộ y thì đó là một vi phạm nissaggiya pacittiya.
Nếu Tỳ kheo không nhận được bộ y đó thì đích thân ông đi gặp hay gởi một sứ giả tới gặp người đã gởi tiền để mua y và nói: ‘Số tiền để mua một bộ y cho Tỳ khưu mà ông gởi đã không mang lại điều gì cho vị Tỳ khưu đó, hãy cố gắng thu hồi số tiền của ông để nó không bị thất lạc.’ Đây là điều nên làm.

PHẦN 2. SAI LẦM TRONG VIỆC NHẬN TIỀN

Trước khi nhập diệt, Đức Phật đã nói rằng nói sau khi Ngài nhập diệt, Tăng đoàn có thể - nếu họ muốn – hủy bỏ những giới luật thấp hay thứ yếu của Tạng Luật. Một vài Tỳ khưu đã trích dẫn điều này như một lý do để hỗ trợ cho việc họ nhận tiền, nhưng những trích dẫn tiếp theo từ các bộ Kinh cho thấy những giới luật ngăn cấm việc sử dụng tiền không phải là những giới luật thấp hay thứ yếu. Những giới luật sử dụng tiền bạc được những trích dẫn này đưa ra là nền tảng và cốt tủy cho sự thành tựu giác ngộ. Kinh Maniculaka: (Samyutta Nikaya, Salayatana Samyutta, Gamani Samyutta, Kinh số 10,):
Khi ấy Đức Thế Tôn đang cư trú ở Rajagaha (thành Vương Xá) tại một nơi gọi là Veluvana (Trúc Lâm Tịnh Xá), ở đó những con sóc và chim muông được nuôi dưỡng. Vào lúc đó, quần thần tụ họp trong cung điện của nhà vua và trong khi họ tụ họp cuộc đàm luận này đã phát sinh:
‘Đối với những tu sĩ là các trưởng tử của Thái tử dòng họ Thích Ca (Đức Phật) thì vàng, bạc và tiền được cho phép. Những tu sĩ là trưởng tử của Thái tử dòng Thích Ca ưng thuận vàng, bạc, và tiền. Những tu sĩ là trưởng tử của Thái tử dòng Thích Ca nhận vàng, bạc và tiền.’
Vào lúc đó vị trưởng làng là Maniculaka đang có mặt trong cuộc họp và ông nói với mọi người:
‘Thưa quý vị, đừng nói như thế. Vàng, bạc, và tiền không được cho phép đối với những tu sĩ là các trưởng tử của Thái tử dòng Thích Ca. Những tu sĩ trưởng tử của Thái tử dòng Thích Ca không ưng thuận vàng, bạc, hay tiền. Những tu sĩ trưởng tử của Thái tử dòng Thích Ca không nhận vàng, bạc, và tiền. Những tu sĩ trưởng tử của Thái tử dòng Thích Ca đã từ bỏ vàng, ngọc và không có tiền của.’
Nhưng trưởng làng Maniculaka không thể thuyết phục những người ấy.
Sau đó trưởng làng Maniculaka tới gặp Đức Thế Tôn, và sau khi tới gần Đức Thế tôn ông lễ lạy và ngồi sang một bên. Trong khi ngồi ở một bên trưởng làng Maniculaka nói với Đức Thế Tôn:
‘Thưa Thế Tôn, trong hoàng cung quần thần của nhà vua đang tụ họp… (Ông lập lại tất cả những điều đã được nói ở trên.)… Nhưng Thế Tôn, con không thể thuyết phục tập hội đó.
‘Thưa Thế tôn, do giải thích như thế con là người diễn đạt những điều Đức Thế Tôn nói hay con đã xuyên tạc Đức Thế Tôn? Con đã trả lời phù hợp với Giáo Pháp hay người diễn đạt phù hợp với Giáo Pháp này sẽ tìm ra lý do để chê trách con?’
(Đức Thế Tôn): ‘Thật vậy, trưởng làng, bằng cách giải thích như thế ông diễn đạt những gì ta nói và không xuyên tạc ta. Ông đã trả lời phù hợp với Giáo Pháp này và người diễn đạt phù hợp với Giáo Pháp này sẽ không tìm ra lý do để chê trách ông.
‘Trưởng làng, bởi vàng, bạc, và tiền không được cho phép đối với những tu sĩ là trưởng tử của thái tử dòng Thích Ca. Những tu sĩ là trưởng tử của thái tử dòng Thích Ca không ưng thuận vàng, bạc, hay tiền. Những tu sĩ là trưởng tử của thái tử dòng Thích Ca không nhận vàng, bạc, hay tiền. Những tu sĩ là trưởng tử của thái tử dòng Thích Ca đã từ bỏ vàng ngọc và không có tiền của.
‘Trưởng làng, đối với bất kỳ ai mà vàng, bạc, hay tiền được cho phép thì đối với họ năm loại lạc thú giác quan được cho phép. Đối với bất kỳ ai mà năm loại lạc thú giác quan được cho phép thì ông có thể chắc chắn: “Ông ta không có tính chất của một tu sĩ, ông ta không có tính chất của một trưởng tử của thái tử dòng Thích Ca.”
‘Trưởng làng, thật vậy ta nói điều này: “Bởi một tu sĩ cần cỏ, cỏ có thể được tìm kiếm. Bởi một tu sĩ cần gỗ, gỗ có thể được tìm kiếm. Bởi một tu sĩ cần một chiếc xe ngựa, xe ngựa có thể được tìm kiếm.” Nhưng, trưởng làng, ta cũng nói: “Chẳng thể nào được nhận hay tìm kiếm vàng, bạc, hay tiền của.”’
Trích dẫn kế tiếp được lấy từ phần cuối của Kinh Upakkilesa – Kinh Tùy phiền não (Anguttara Nikaya – Tăng Nhứt A Hàm, Tăng Chi Bộ Kinh - một bộ bốn cuốn, Rohitassa Vagga, Kinh số 10.) cho thấy việc nhận tiền dẫn tới việc liên tục tái sinh.
‘Bị ô nhiễm bởi tham, sân, và mù quáng vì vô minh, một vài tu sĩ và bà la môn ham thích những lạc thú giác quan.
Những tu sĩ và bà la môn ngu xuẩn này uống rượu, dấn mình vào tình dục, nhận vàng, bạc và tiền, và có được những vật dụng cần thiết của họ bằng cách kiếm tiền tà vạy.
Đức Phật, đấng chói lọi như mặt trời, gọi tất cả những điều đó là những suy đồi.
Những tu sĩ và bà la môn bị mua chuộc bởi những suy đồi này thì bất tịnh, ô nhiễm, và không chói lọi hay sáng ngời.
Nhưng thay vì bối rối, mù quáng, làm nô lệ cho dục vọng, và tràn trề tham muốn, họ làm cho các nghĩa địa lớn rộng thêm bằng cách liên tục tái sinh.’
Trong những bộ Kinh này Đức Phật xem việc nhận tiền bạc cũng giống như sự đam mê các lạc thú giác quan. Trong Kinh Dhammacakkappavattana (Kinh Chuyển Pháp Luân) Đức Phật giảng dạy thật rõ ràng:
‘Các Tỳ khưu, người đã lên đường không nên thực hành hai cực đoan này. Hai cực đoan là gì? Đó là đam mê lạc thú giác quan, là cách sống thấp hèn, cách sống của những người dân làng, cách sống của những người tầm thường, cách sống của những người không giác ngộ và không mang lại lợi lạc; và tự hành xác đầy đau khổ, cách sống của những người không giác ngộ, và không mang lại lợi lạc.’
Kinh có dạy rằng ngay cả một cư sĩ là một anagami (A na hàm, người không trở lại, Bất Lai) cũng giữ mười giới luật một cách tự nhiên và không nhận hay sử dụng tiền bạc. Ví dụ như A na hàm Ghatikara không có ngọc quý, vàng, bạc, hay tiền của, kiếm sống bằng cách lấy đất bị xói mòn ở bờ sông và làm thành những cái bình. Ông đặt những cái bình này ở ven đường và những ai thích có thể để lại một số gạo hay thực phẩm thích hợp và lấy những cái bình. Bằng cách này Ghatikara nuôi sống bản thân và cha mẹ bị mù lòa của ông. (Xem Kinh Ghatikara trong Majjhima Nikaya – Kinh Trung A Hàm, Trung Bộ Kinh.)
Điều này cho thấy làm thế nào tiền bạc là một chướng ngại cho sự giác ngộ và một người thực sự giác ngộ không sử dụng tiền bạc ra sao. Những trích dẫn ở trên hoàn toàn minh chứng rằng việc các tu sĩ nhận tiền không phải là một lỗi lầm nhỏ bé, và hành động đó có thể khiến cho một tu sĩ không thể đạt được Niết bàn.


PHẦN 3. NHỮNG GIỚI LUẬT LIÊN QUAN TỚI TIỀN BẠC

Ý nghĩa của ‘tiền bạc’ trong tất cả những giới luật này là: Bất kỳ những gì được sử dụng như tiền tệ để mua và bán. Tiền bạc bao gồm những đồng xu, giấy bạc, séc, vàng, và bạc.
Vì sao một một tấm séc không được phép nhận? Một tấm séc không được phép nhận là bởi đôi khi nó có thể được đổi thành tiền và cũng bởi một tấm séc là một mệnh lệnh cho một ngân hàng để chi trả tiền cho người cầm tấm séc. Người ta thường nói những câu như: ‘Tỳ khưu Dhamminda, xin trả số tiền một trăm đô la cho người cầm séc.’ Do đó một tấm séc được viết ra cho một tu sĩ là một mệnh lệnh để chi trả tiền cho tu sĩ đó và nếu ông ta nhận séc thì điều đó có nghĩa là ông ta đang nhận số tiền đó tại ngân hàng. Cách nhận tiền thứ ba cũng tương tự như thế (xem ở dưới); ‘Ở một nơi nào đó, tiền đó là của tôi, tiền đó là để dành cho Sư.’ Vì thế một tấm séc là một cách thức biếu tặng tiền cho một tu sĩ và phải được từ chối.
Một tu sĩ viết một tấm séc vi phạm việc có sẵn tiền. Nếu trước hết ông ta nhận ngân quỹ thì đó là một vi phạm nissaggiya pacittiya hay nếu ngân quỹ được để lại cho một kappiya theo một cách thức đúng đắn thì đó là một vi phạm dukkata (tác ác) về việc sắp xếp sai lầm.
Một sa di được yêu cầu giữ mười giới luật trong đó điều thứ mười là tự chế không nhận vàng, bạc, hay tiền. Trong việc thực hành thì điều này có nghĩa là một samanera (sa di) giữ tất cả những giới luật có liên quan tới tiền bạc tương tự như cách thức một tu sĩ giữ giới.
Đối với các tu sĩ (Tỳ khưu) thì có bốn giới luật chính liên quan tới tiền bạc được tìm thấy trong vinaya (Tạng Luật):
1. Rupiya sikkhapada (Nissaggiya Pacittiya số 18)
2. Mendaka sikkhapada (Vinaya Mahavagga, Bhesajja Khandhaka)
3. Raja sikkhapada (Nissaggiya Pacittiya số 10)
4. Rupiya samvohara sikkhapada (Nissaggiya Pacittiya số 19.)
Các bản dịch số 2 và 3 đã được đưa ra ở trên và những bản dịch số 1 và 4 như sau:
1. Rupiya Sikkhapada
Bất kỳ Tỳ khưu nào tự mình nhận tiền hay là nguyên nhân khiến người khác nhận tiền cho mình, hay ưng thuận để tiền được đặt ở gần mình hay được giữ cho mình, Tỳ khưu đó đã vi phạm nissaggiya pacittiya.
4. Rupiya samvohara sikkhapada
Bất kỳ Tỳ khưu nào tham gia vào việc trao đổi bất kỳ thứ gì trong những hình thức khác nhau của vàng, bạc, hay tiền, Tỳ khưu đó đã vi phạm nissaggiya pacittiya.
Cần phải thấu suốt Rupiya sikkhapada bởi nếu giới luật này được giữ gìn một cách đúng đắn thì một tu sĩ sẽ không hiểu sai những giới luật khác liên quan tới tiền bạc. Một tu sĩ bị cấm làm ba điều:
1. Tự mình nhận tiền bạc.
2. Tạo nguyên nhân khiến người khác nhận tiền cho mình.
3. Ưng thuận để tiền được đặt ở gần mình hay được giữ cho mình.
Bản văn pali nguyên thủy định nghĩa ba điều này là:
1. sayam ganhati –Tỳ kheo đích thân nhận tiền.
2. annam gahapeti – ông ta làm cho người khác nhận tiền cho ông.
3. idam ayassa hotu ti upanikkhittam sadiyati – Họ nói: ‘Thưa Sư, món tiền này là dành cho Sư,’ và ông ta ưng thuận để họ đặt số tiền gần mình.
Luận giảng Kankhavitarani giảng nghĩa ba cách nhận tiền ở trên theo cách này:
1. Tỳ kheo tự mình nhận tiền khi tiền được cúng dường cho ông ta, hay đích thân ông giữ tiền khi ông tìm thấy nó ở một nơi nào đó và nó không thuộc về ai.
2. Trong những trường hợp tương tự này (khi tiền được cúng dường cho ông ta hay ông tìm thấy nó) ông ta khiến cho người khác nhận tiền (cho ông ta.)
3. Nếu cùng với số tiền trước sự hiện diện của vị Tỳ kheo, họ nói: ‘Tiền này là để dành cho Sư,’ hay khi tiền được giữ ở một nơi nào khác, họ nói: ‘Ở một nơi nào đó, tiền đó là của tôi, tiền đó là để dành cho Sư.’ Khi đó nếu họ truyền đạt về số tiền cúng dường đó chỉ bằng lời nói hay ra dấu bằng tay và tu sĩ đó không từ chối điều đó bằng cách ra dấu bằng tay hay bằng lời nói và âm thầm nhận nó thì điều đó được gọi là ‘ưng thuận.’
Nếu vị tu sĩ âm thầm ưng thuận và muốn nhận, nhưng bằng cách ra dấu hay bằng lời nói ông từ chối bằng cách nói: ‘Điều này không được cho phép,’ hay nếu ông ta không từ chối số tiền bằng cách ra dấu hay bằng lời nói nhưng với một tâm thức thuần tịnh ông không ưng thuận và nói: ‘Chúng tôi không được phép làm điều này,’ thì điều đó được cho phép (không được gọi là ưng thuận).
Với giới luật này Đức Phật đã cấm mọi cách thức nhận tiền có thể xảy ra. Nếu có ai cố gắng cúng dường tiền cho một tu sĩ theo cách nào đó trong ba cách này thì tu sĩ ấy không thể nói: ‘Người nào đó là kappiya của tôi. Hãy đưa tiền này cho kappiya của tôi. Hãy nhận tiền này cho tôi. Hãy để số tiền này ở đó.’ Tất cả những gì vị tu sĩ có thể làm là từ chối không nhận số tiền đó bằng cách nói: ‘Điều này không được cho phép.’ Từ chối là hành động duy nhất tu sĩ cần nhớ để hành động.
Luận giảng Samantapasadika (Thiện Kiến Luật chú) giải thích rằng không chỉ không được phép nhận tiền cho bản thân bằng một trong ba cách, tu sĩ cũng không được nhận tiền cho Tăng đoàn, cho một nhóm người, cho người khác, cho một ngôi chùa, một tu viện, hay cho bất kỳ điều gì khác. Nếu một tu sĩ nhận tiền cho bản thân bằng một trong ba cách này thì đó là vi phạm nissaggiya pacittiya. Nếu ông nhận cho người khác như đã được đề cập thì đó là vi phạm dukkata (tác ác).
Có một quyển sách mới được biên soạn về Luật trong đó trình bày một quan điểm sai lầm. Quyển sách viết:
Ta được phép ‘tạo ra tiền được ký thác’ cho một tu viện, cho một ngân quỹ để mua sắm những vật dụng cần thiết, cho một lời kêu gọi cứu trợ (ví dụ ngân quỹ cho viện mồ côi), nhưng không dành cho cá nhân tu sĩ. Ví dụ như một người hiến tặng cúng dường tiền cho ngôi chùa có thể được hướng dẫn: ‘Xin cho vào thùng cúng dường’, hay: ‘Xin gởi tiền vào số tài khoản này’, mặc dù một tu sĩ có thể không đích thân nhận số tiền như thế. Tăng đoàn, hay các viên chức được chỉ định có thể hướng dẫn việc sử dụng một ngân quỹ như thế, thậm chí nói: ‘Hãy mua cái này,’ hay ‘Hãy mua cái kia.’
Ở trên ta đã được giảng dạy rằng không được phép tạo nguyên nhân để được nhận hay được ký thác tiền bạc cho một ngôi chùa hay cho bất kỳ điều gì khác. Vì thế quan điểm này không phù hợp với Tạng Luật.
Luận giảng minh họa những nguyên lý được bao hàm trong những giới luật này bằng một câu chuyện hư cấu. Nó đối phó với một tình huống trong đó người hiến tặng không biết việc tu sĩ từ chối và chỉ đơn giản để lại tiền trước mặt tu sĩ và ra đi. Luận giảng chỉ rõ:
1. Nếu một tu sĩ nói: ‘Hãy giữ nó ở đây,’ thì đó là vi phạm nissaggiya đối với việc nhận tiền.
2. Nếu tu sĩ muốn có mua món đồ gì đó và nói: ‘Hãy lấy cái này,’ thì đó là việc sắp xếp theo một cách thế không được cho phép. (Nếu ngân quỹ được cho phép).
3. Giới luật này giống như đi trên một sợi giây làm xiếc bằng một cái lưỡi nhỏ xíu, tất nhiên là sẽ đi tới chỗ vi phạm giới luật.
Câu chuyện viết:
Giả sử có một người đặt một trăm hay một ngàn đồng xu dưới chân một Tỳ khưu và nói: ‘Tiền này dành cho Sư,’ vị Tỳ khưu từ chối và nói: ‘Điều này không được cho phép,’ nhưng cư sĩ đáp: ‘Con đã biếu nó cho Sư,’ rồi ra đi. Sau đó nếu có cư sĩ khác đến và hỏi: ‘Thưa Sư, tiền gì đây?’ Khi đó cư sĩ này có thể được nghe thuật lại những gì cư sĩ thứ nhất và vị tu sĩ đã nói. Nếu cư sĩ đó nói: ‘Thưa Sư, hãy để con cất giữ nó cho an toàn, xin chỉ cho con một nơi an toàn.’ Sau khi leo lên một ngôi nhà bảy tầng vị tu sĩ có thể giải thích: ‘Nơi này an toàn,’ nhưng ông ta không nên nói: ‘Hãy giữ nó ở đây.’ Bằng cách nói như thế này việc nhận tiền sẽ trở thành được cho phép hay không được cho phép.
(Luận giảng phụ Vimativinodana nói: Nếu tu sĩ nói: ‘Hãy giữ nó ở đây,’ đó là hành động nhận tiền và là vi phạm nissaggiya pacittiya.) Sau đó ông ta có thể đóng cửa lại và bảo vệ nó. Nếu sau này một người bán hàng tới cùng với hàng hóa chẳng hạn như một cái chén hay những bộ y và nói: ‘Sư hãy lấy cái này,’ khi đó Tỳ khưu có thể nói: ‘Cư sĩ, tôi cần cái này và có phương tiện để sở hữu nó nhưng hiện giờ không có kappiya ở đây.’ Và nếu người bán hàng nói: ‘Tôi sẽ là kappiya của Sư, xin mở cửa và đưa tiền cho tôi.’ Sau khi mở cửa Tỳ khưu nên nói: ‘Tiền được để trong phòng này.’ Ông ta không nên nói: ‘Hãy cầm số tiền này.’ Như thế tùy thuộc vào những gì được nói ra việc nhận tiền trở thành được cho phép hay không được cho phép. Khi ấy nếu người bán hàng đó nhận những đồng tiền và đưa các vật dụng cần thiết được phép nhận cho Tỳ khưu thì điều đó được cho phép. Nếu ông ta lấy quá nhiều đồng xu thì Tỳ khưu đó nên nói: ‘Tôi sẽ không lấy hàng của ông, hãy đi đi!’
2. Mendaka sikkhapada
Một bản dịch của bản văn này đã được đưa ra ở trên. Không có thông tin riêng biệt về việc thừa nhận này trong các luận giảng. Mọi điều cần nói về nó được giải thích trong luận giảng cho Raja sikkhapada. Giòng cuối cùng đáng ghi nhớ của thừa nhận này là một tóm tắt của tất cả những quy tắc liên quan tới tiền bạc: ‘Các Tỳ khưu, ta chẳng thể nào cho phép nhận hay tìm kiếm tiền bạc.’
3. Raja sikkhapada
Một bản dịch của bản văn này đã được đưa ra ở trên. Luận giảng cho giới luật này đưa ra rất nhiều thông tin giúp cho một tu sĩ biết cách nói và làm trong những tình huống khác nhau. Dưới đây là một vài bản dịch của những trích dẫn được chọn lọc từ những luận giảng cùng với một vài giải thích xa rộng hơn của tác giả.
Những chọn lọc từ Luận giảng Kankhavitarani
1. ‘Khi đã mua một bộ y bằng số tiền này, xin hãy cúng dường nó cho một Tỳ khưu nào đó,’ được nói (trong giới luật) để cho thấy tiền được gởi với ý hướng thanh tịnh. Nếu người hiến tặng gởi sứ giả và nói: ‘Xin cúng số tiền này cho một Tỳ khưu nào đó,’ khi ấy số tiền đó được gởi một cách bất tịnh bởi có liên quan tới tiền không được phép nhận. Trong trường hợp đó một Tỳ khưu đừng bao giờ nên chỉ rõ một người là kappiya.
Nếu người hiến tặng đích thân đến và nói: ‘Con cúng dường số tiền này cho Sư,’ thì một Tỳ khưu không thể chỉ rõ một kappiya. Nếu một Tỳ khưu nói: ‘Người nào đó là kappiya của tôi,’ vào thời điểm này sẽ khiến cho tiền được nhận cho Tỳ khưu và là một vi phạm nissaggiya pacittiya. Tất cả những gì một Tỳ khưu có thể làm trong trường hợp này là từ chối nhận món tiền.
2. ‘Chúng tôi không nhận tiền để mua một bộ y, chúng tôi nhận y nếu chúng được cúng dường vào một thời điểm thích hợp và nếu chúng được cho phép,’ được nói ra để cho thấy tiền phải được từ chối, mặc dù ngân quỹ để mua một bộ y được gởi một cách thanh tịnh, lời nói của sứ giả không được cho phép. (‘Xin nhận số tiền này để mua một bộ y.’)
Một ngân quỹ gồm vàng, bạc, đồng xu, hay tiền là một nguyên nhân cho một vi phạm nissaggiya pacittiya. Ngọc, ngọc trai, hồng ngọc, đá quý, bảy loại hạt, những nô lệ nữ, nô lệ nam, ruộng lúa, những cánh đồng canh tác, vườn cây ăn quả, hay vườn hoa được gọi là những vật là nguyên nhân cho một vi phạm dukkata (tác ác). Tu sĩ không được phép nhận bất kỳ món gì trong những loại này cho bản thân, cho một ngôi chùa, Tăng đoàn, một nhóm người, hay cho người khác.
Ở đây và ở nơi khác trong toàn bộ các luận giảng, ‘nhận’ có nghĩa là nhận bằng cách nào đó trong ba cách được đề cập tới trong Rupiya sikkhapada.
3. Nếu sứ giả hỏi trong một cách thế được cho phép: ‘Thưa Sư, có ai phục vụ cho Sư không?’ Khi ấy tu sĩ được phép chỉ ra người nào đó. Tuy nhiên, nếu sứ giả hỏi: ‘Ai sẽ nhận tiền này?’ hay ‘Con nên đưa tiền này cho ai?’ thì tu sĩ không được phép chỉ ra ai là một kappiya.
Nếu Tỳ khưu chỉ ra một kappiya khi cư sĩ hỏi một cách sai lạc thì điều đó sẽ là một vi phạm nissaggiya pacittiya vì làm cho người khác nhận tiền cho vị Tỳ khưu.
4. ‘Người nào đó phục vụ cho các Tỳ khưu,’ được nói ra để cho thấy cách nói được cho phép đối với một Tỳ khưu. Tỳ khưu chỉ có thể nói điều đó theo cách này và không nên nói: ‘Hãy đưa tiền cho ông ta. Ông ta sẽ giữ nó. Ông ta sẽ đổi nó. Ông ta sẽ mua nó.’
Nếu cư sĩ hỏi theo cách thế được cho phép thì Tỳ khưu chỉ có thể chỉ ra một kappiya theo cách thế được cho phép. Nếu Tỳ khưu chỉ ra theo cách thế sai lầm thì đó sẽ là một vi phạm nissaggiya pacittiya.
5. ‘Thưa Sư, người mà Sư chỉ ra đó đã được con chỉ dẫn. Xin tiếp xúc với ông ta vào một thời điểm thích hợp và ông ta sẽ dâng cúng Sư một bộ y,’ có nghĩa là: người đó đã được con ra lệnh khi Sư cần một bộ y thì người đó sẽ dâng y cho Sư. Nếu sứ giả thực sự nói điều này thì sau khi được thông tin như thế, tu sĩ được phép yêu cầu một bộ y. Tu sĩ không được phép hỏi nếu sứ giả chỉ đơn thuần đi tới và trao cho một kappiya ngân quỹ để mua một bộ y.
Sẽ là một cách kiếm sống tà vạy khi yêu cầu một bộ y từ người không đưa ra một lời mời để hỏi.
6. Nếu Tỳ khưu nói: ‘Đây là người phục vụ cho các Tỳ khưu,’ và chỉ rõ một người đang hiện diện vào lúc đó. Khi ấy, trước sự hiện diện của Tỳ khưu, nếu sứ giả trao cho người ấy ngân quỹ và nói: ‘Sau khi mua một bộ y cho Thera (Thượng Tọa, Trưởng Lão) này, xin hãy dâng y cho Sư,’ và sau đó ra đi. Như vậy thậm chí không được nói: ‘… đã được tôi chỉ dẫn…’ thì Tỳ khưu được cho phép yêu cầu một bộ y.\
Nếu khi sứ giả sắp ra đi, ông ta nói với Tỳ khưu: ‘Con sẽ trao tiền này tận tay ông ta, Sư hãy nhận một bộ y,’ và sau đó nếu người ấy ra đi hay nếu ông ta gởi người khác tới để thông báo cho Tỳ khưu thì trong cả hai trường hợp này Tỳ khưu được phép yêu cầu một bộ y. Mặc dù giới luật này chỉ đề cập tới một ‘sứ giả’ nhưng nếu đích thân người hiến tặng mang số tiền tới thì thủ tục cũng tương tự và những khác biệt cũng tương tự như được đề cập ở trên.
7. ‘Tôi cần một bộ y,’ cho thấy cách thế đúng đắn để yêu cầu một bộ y. Tỳ khưu được phép nói điều gì đó có ý nghĩa tương tự khi sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào. Không bao giờ được phép nói: ‘Hãy cho tôi một bộ y, Hãy mang cho tôi một bộ y, Hãy sắm cho tôi một bộ y, Hãy mua cho tôi một bộ y.’
Những Chọn lọc từ Samantapasadika (Thiện Kiến Luật chú):
1. Không chỉ không được phép nhận tiền cho bản thân, mà cũng không được phép nhận tiền nếu số tiền đó do người hiến tặng mang đến và họ nói: ‘Con dâng cúng số tiền này cho Tăng đoàn. Xin làm một vườn hoa, một ngôi chùa, phòng ăn hay bất kỳ thứ gì khác.’ Bất kỳ ai nhận tiền cho người nào khác sẽ vi phạm dukkata theo luận giảng Mahapaccariya. (Một luận giảng cổ xưa không còn hiện hữu.)
2. Nếu một Tỳ khưu từ chối không nhận tiền và nói: ‘Các Tỳ khưu không được phép nhận tiền này.’ Khi ấy nếu người hiến tặng nói: ‘Con sẽ trao số tiền này tận tay một người thợ mộc hay công nhân. Sư chỉ trông coi để công việc của họ được thực hiện một cách đúng đắn.’ Sau đó nếu ông ta giao tiền cho những người thợ và ra đi thì điều đó được cho phép. Nếu ông ta nói: ‘Con sẽ trao số tiền này tận tay người của con hay chính con sẽ giữ số tiền này. Sư cần giao cho ai thì xin bảo người đó tới gặp con để nhận nó.’ Điều này cũng được cho phép.
3. Nếu không hỏi ý kiến Tăng đoàn, một nhóm người, hay một cá nhân, họ chỉ nói: ‘Chúng con biếu số vàng, bạc, hay tiền này cho chùa, cho tu viện, cho công trình mới,’ thì không được phép từ chối điều đó. Tỳ khưu nên thông báo cho kappiya của ông và nói: ‘Đây là điều họ đã nói.’ Tuy nhiên nếu họ nói: ‘Chúng con cúng dường tiền này vì ngôi chùa, tu viện, công trình mới, xin Sư nhận và giữ nó.’ Khi ấy Tỳ khưu phải từ chối và nói: ‘Chúng tôi không được phép nhận số tiền này.’
Trong trường hợp thứ nhất Tỳ khưu không được từ chối bởi ông không bị yêu cầu nhận số tiền. Ông không thể làm điều gì ngoại trừ thuật lại cho kappiya của ông những gì những người hiến tặng nói. Ông không thể nhận số tiền đó.
4. Nếu một người mang nhiều vàng, bạc, hay tiền và nói: ‘Thưa Sư, con cúng dường món này cho Tăng đoàn, xin sử dụng bốn vật dụng cần thiết có được từ món cúng dường này.’ Khi ấy nếu Tăng đoàn nhận món cúng dường đó thì việc chấp nhận ấy là một vi phạm và việc sử dụng những vật dụng cần thiết có được từ món cúng dường đó cũng là một vi phạm.
Nếu vào lúc Tăng đoàn được cúng dường, một Tỳ khưu từ chối không nhận và nói: ‘Điều này không được cho phép.’ Những cư sĩ ra đi và nói: ‘Nếu điều này không được cho phép thì con sẽ giữ nó.’ Khi ấy những Tỳ khưu khác không nên nói với vị Tỳ khưu đó: ‘Ông đã gây trở ngại cho Tăng đoàn,’ hay điều gì khác đối với kết quả đó. Đối với bất kỳ ai nói một điều như thế với vị Tỳ kheo, người ấy sẽ mắc vào một vi phạm (dukkata) bởi bằng cách từ chối món cúng dường vị Tỳ khưu đơn độc đó đã tránh cho nhiều người không bị vi phạm.
Nếu những Tỳ khưu đó từ chối số tiền và nói: ‘Điều này không được cho phép,’ và khi ấy những cư sĩ nói: ‘Con sẽ trao số tiền này cho một kappiya hay cho người của con hay đích thân con giữ nó. Sư chỉ nhận và sử dụng những vật dụng cần thiết có được từ số tiền này.’ Điều đó được cho phép.
Luận giảng giải thích rằng không phải kappiya nào cũng cần thực hành những phương pháp được chỉ bày trong giới luật này. Luận giảng giải thích rằng có mười loại và hai hạng kappiya. Các chi tiết như sau:
5. Nếu người nào đó gởi một sứ giả cùng một số tiền để mua một bộ y cho một Tỳ khưu và sau khi tiếp xúc với Tỳ khưu, sứ giả đó nói: ‘Thưa Sư, một người nào đó đã gởi số tiền này để mua một chiếc y cho Sư. Xin nhận số tiền này.’ Khi ấy vị Tỳ khưu phải từ chối và nói: ‘Điều này không được cho phép.’ Nếu sau đó sứ giả hỏi: ‘Thưa Sư, Sư có người phục vụ không?’ Khi ấy nếu có một người như thế thì hoặc người ấy sẽ được một cư sĩ chỉ dẫn: ‘Ông phục vụ cho những Tỳ khưu này,’ hoặc nếu ông ta chỉ là một người bạn hay người cộng tác của Tỳ khưu đó và phục vụ cho Tỳ khưu. Nếu vào lúc đó người ấy đang ngồi trước sự hiện diện của Tỳ khưu đó và Tỳ khưu chỉ rõ ông ta và nói: ‘Đây là người phục vụ cho các Tỳ khưu.’ Khi ấy nếu sứ giả trao ngân quỹ tận tay người đó và nói: ‘Sau khi mua một bộ y hãy cúng nó cho Thera (Thượng Tọa, Trưởng Lão) này,’ và sau đó ông ta ra đi. Như vậy kappiya này được gọi là được Tỳ khưu chỉ rõ trước sự hiện diện của người ấy (1).
Tuy nhiên nếu lúc đó người ấy không ngồi trước sự hiện diện của vị Tỳ khưu và vị Tỳ khưu chỉ rõ người đó và nói: ‘Trong làng nào đó có một người tên như thế phục vụ cho các Tỳ khưu,’ Khi ấy nếu sứ giả đi tới làng đó mang ngân quỹ trao tận tay người ấy và nói: ‘‘Sau khi mua một bộ y hãy cúng nó cho Thera này,’ và sau đó trở về gặp vị Tỳ khưu và thông báo cho Tỳ khưu điều này trước khi ra đi. Như vậy kappiya này được gọi là được Tỳ khưu chỉ rõ mà không có sự hiện diện của người ấy (2).
Tuy nhiên nếu sứ giả không đích thân trở lại thông báo cho Tỳ khưu mà gởi một người khác tới thông báo và nói: ‘Thưa Sư, chúng con đã trao cho người đó ngân quỹ để mua một bộ y. Xin Sư nhận một bộ y.’ Như vậy kappiya này được gọi là loại thứ hai được Tỳ khưu chỉ rõ mà không có sự hiện diện của người ấy (3).
Tuy nhiên nếu sứ giả không gởi người nào đó giống như thế mà thay vào đó ông ta nói với Tỳ khưu trước khi đi: ‘Thưa Sư, con sẽ gởi tiền cho người đó để mua một bộ y, xin Sư nhận một bộ y.’ Như vậy kappiya này là loại thứ ba được Tỳ khưu chỉ rõ mà không có sự hiện diện của người ấy (4).
Như thế có bốn kappiya được Tỳ khưu chỉ rõ, một người được Tỳ khưu chỉ rõ trước sự hiện diện của người ấy và ba người được Tỳ khưu chỉ rõ mà không có sự hiện diện của họ. Trong tất cả bốn trường hợp này một Tỳ khưu nên thực hành đúng y như được nói trong giới luật của Raja sikkhapada.
Nếu một sứ giả hỏi Tỳ khưu cùng cách thức được nói ở trên và nếu Tỳ khưu hoặc không có một kappiya hoặc không muốn sắp xếp như thế, Tỳ khưu nên nói: ‘Tôi không có một kappiya.’ Nếu vào lúc đó một người đi tới và sứ giả trao ngân quỹ tận tay người ấy và ra đi sau khi nói: ‘Xin nhận một bộ y từ người này.’ Như vậy kappiya này được gọi là được sứ giả chỉ rõ trước sự hiện diện của Tỳ khưu (1).
Trong trường hợp khác đích thân sứ giả vào làng và chọn một người rồi trao ngân quỹ tận tay người đó. Như vậy cũng giống như những cách thức đã được nói ở trên, hoặc người đó quay lại và thông báo cho Tỳ khưu, gởi người khác tới thông báo cho Tỳ khưu, hay nói trước khi đi: ‘Con sẽ trao ngân quỹ này tận tay người tên gì đó, xin Sư nhận một chiếc y,’ và sau đó ra đi. Đây là ba trường hợp được gọi là kappiya được sứ giả chỉ rõ mà không có sự hiện diện của Tỳ khưu (2,3 &4).
Cả bốn trường hợp này được gọi là các kapiya được sứ giả chỉ rõ. Trong bốn trường hợp này một Tỳ khưu nên thực hành hoàn toàn giống như cách được nói trong thừa nhận Menkada, trong đó nói:
Các Tỳ khưu, có những người có niềm tin và lòng tôn kính và nếu họ ký thác tiền bạc cho một kappiya, chỉ dẫn cho người này và nói: ‘Với số tiền này xin dâng những vật dụng cần thiết được cho phép cho vị Sư này,’ thì các Tỳ khưu, ta cho phép các ông nhận mọi vật dụng cần thiết được cho phép có được từ số tiền này, nhưng các Tỳ khưu, ta chẳng thể nào cho phép nhận hay tìm kiếm tiền bạc.’ Theo sự thừa nhận này một Tỳ khưu có thể yêu cầu vô số lần. Một Tỳ khưu, người không đồng ý nhận ngân quỹ, cho dù ông đã yêu cầu hay đứng một ngàn lần thì được phép nhận những vật dụng cần thiết được cho phép. Nếu họ không biếu tặng vật gì, sau đó cử một người khác làm kappiya cho vị Tỳ kheo thì ông ta nên làm cho người đó mang lại những vật dụng cần thiết.* Nếu vị Tỳ khưu muốn thì ông có thể thông báo cho người hiến tặng lúc ban đầu, nhưng ông không cần phải làm thế nếu ông không muốn.
* Một Tỳ khưu không được phép làm cho tiền di chuyển từ một kappiya sang một người khác. Ông ta nên nói với kappiya mới: ‘Có người đã để lại một số tiền để mua môt bộ y cùng với … và tôi cần một bộ y.’
5. (tiếp theo) Nếu tỳ khưu được sứ giả hỏi theo cùng cách thức đã nói ở trên và Tỳ khưu trả lời: ‘Tôi không có một kappiya.’ Lúc ấy nếu có một người hiện diện nghe câu nói đó và nói: ‘Xin mang tiền lại đây, tôi sẽ mua một bộ y cho Sư và dâng nó cho Sư.’ Khi ấy nếu sứ giả nói: ‘Tốt quá, xin hãy dâng y cho Sư,’ và sau khi trao ngân quỹ tận tay người đó và không thông báo cho Tỳ khưu, người ấy ra đi (không nói với Tỳ khưu là Tỳ khưu nhận một bộ y từ người đó). Điều này được gọi là trở thành một kappiya nhờ miệng của mình.
Trong trường hợp khác, nếu sứ giả chỉ đơn giản trao ngân quỹ cho người nào đó và nói với ông ta: ‘Ông dâng một bộ y cho Sư,’ và sau đó ra đi. Như vậy điều này được gọi là trở thành một kappiya nhờ miệng của người khác.
Hai loại sau cùng này được gọi là những kappiya không được chỉ rõ. Trong những trường hợp này một Tỳ khưu nên thực hành theo một cách thế tương tự như thể những kappiya ấy không phải là những người thân thuộc hay không đưa ra lời mời thỉnh để yêu cầu những vật dụng cần thiết. Nếu những người ấy tự nguyện mang một bộ y và cúng dường nó thì Tỳ khưu có thể nhận y. Nếu họ không làm như thế thì Tỳ khưu không nên nói gì hết.
Mặc dù trong giới luật chỉ có một sứ giả giữ ngân quỹ, nếu người hiến tặng đích thân mang ngân quỹ hay đó là ngân quỹ để mua thực phẩm hay thứ gì khác thì thủ tục cũng tương tự như ở trên.
4. Rupiya samvohara sikkhapada
Cho dù Tỳ khưu tham gia vào điều gì trong việc trao đổi những hình thức khác nhau của vàng, bạc, hay tiền thì Tỳ khưu cũng mắc vào một vi phạm nissaggiya pacittiya.
Rupiya sikkhapada ngăn cấm việc nhận vàng, bạc, hay tiền. Giới luật này cấm việc trao đổi vàng, bạc, và tiền để lấy những thứ khác làm bằng vàng hay bạc (chẳng hạn như vật trang sức), hay để lấy những tài sản được cho phép (chẳng hạn như những bộ y, bát, hay những vật dụng cần thiết khác). Giới luật này cũng ngăn cấm việc trao đổi những vật dụng cần thiết được cho phép, hay những vật làm bằng vàng hay bạc, để lấy vàng, bạc, hay tiền.
Luận giảng Samantapasadika (Thiện Kiến Luận chú) đưa ra một giải thích bằng một ví dụ được gọi là ‘bốn cái chén không được phép nhận.’ Bản văn viết:
Để chỉ rõ lỗi lầm nghiêm trọng trong việc vi phạm giới luật này, việc bốn cái chén không được phép nhận được giải thích như sau: Nếu một Tỳ khưu sau khi nhận tiền, mua quặng sắt, nấu chảy thành sắt và làm thành một cái chén khất thực (bình bát). Như vậy cái chén này được gọi là một ‘cái chén vĩ đại không được phép nhận’ do bởi chẳng có cách nào làm cho nó được nhận. Nếu cái chén bị đập vỡ và được làm thành những cái tách thì chúng cũng không được phép nhận. Nếu nó được làm thành một con dao thì những tooth-wood[*] được làm bằng con dao đó không được phép nhận. Nếu nó được làm thành những lưỡi câu để câu cá thì ngay cả cá bị vướng vào những lưỡi câu đó cũng không được phép nhận. Nếu người ấy nung nóng lưỡi dao làm từ cái chén đó và nhúng nó vào nước hay sữa và làm nước hay sữa ấm lên thì nước hay sữa đó cũng không được phép nhận.
Nếu một Tỳ khưu sau khi nhận tiền, mua một cái chén được làm sẵn thì cái chén đó không được phép nhận. Trong luận giảng Mahapaccariya có nói: ‘Bất kỳ Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, samanera (Sa di), samaneri (Sa di ni), hay sikkhamana (Thức xoa ma na, Học nữ) nào cũng không được phép nhận cái chén đó.’ Cũng có thể làm cho cái chén này lại được phép nhận. Nếu vị Tỳ khưu trả cái chén cho nơi ông đã mua, lấy lại tiền, và trả lại cái chén thì cái chén trở thành được phép nhận. Như vậy nếu ta có cái chén bằng một cách thế được cho phép thì ta được phép sử dụng nó.
Nếu một Tỳ khưu sau khi nhận tiền đi tới một tiệm bán chén bát cùng với kappiya của ông và khi nhìn thấy một cái chén ông nói: ‘Tôi thích cái này,’ và người kappiya đó đưa tiền và thỏa thuận với người chủ tiệm để mua chén. Khi ấy mặc dù cái chén đó được sở hữu bằng lời nói được cho phép nhưng nó vẫn không được phép nhận do bởi việc nhận tiền lúc ban đầu. Không có sự khác biệt với thí dụ thứ hai. Vì sao các Tỳ khưu khác cũng không được phép nhận những cái chén? Đó là bởi tiền lúc ban đầu không được thu hồi (theo đúng Luật ở giữa Tăng đoàn).
Nếu một Tỳ khưu không nhận tiền và sau khi một kappiya được gởi tới và được chỉ dẫn, người này nói: ‘Sau khi mua một cái chén xin cúng nó cho Thera.’ Sau đó nếu kappiya và Tỳ khưu cùng đi tới tiệm bán chén bát và khi nhìn thấy cái chén Tỳ khưu nói: ‘Hãy nhận số tiền này và đưa cho tôi cái chén,’ và như thế sau khi làm cho tiền được đưa ra vị Tỳ khưu nhận cái chén. Như vậy chỉ một mình Tỳ khưu đó không được phép nhận cái chén bởi ông đã sắp xếp việc mua bán một cách sai lầm. Những Tỳ khưu khác thì được phép nhận bởi số tiền đã không được nhận ngay từ đầu.
Thầy giáo của Mahasuma Thera được gọi là Anuruddha Thera và ông có một cái chén như thế, nó đựng đầy sữa trâu và ông tặng nó cho Tăng đoàn. Đệ tử của Tipitaka Culanaga Thera cũng có một cái chén như thế, và vì thế Thera làm cái chén được rót đầy sữa trâu và tặng cho Tăng đoàn. Đây là bốn cái chén không được phép nhận.
Nếu một Tỳ khưu không nhận tiền và sau khi một kappiya được gởi tới và được chỉ dẫn, người này nói: ‘‘Sau khi mua một cái chén xin cúng nó cho Thera,’ khi ấy nếu kappiya và Tỳ khưu cùng đi tới tiệm bán chén bát và sau khi nhìn thấy cái chén Tỳ khưu nói: ‘Tôi thích cái này,‘ hay ‘Tôi sẽ lấy cái này,’ và kappiya đưa tiền và thỏa thuận việc mua bán với chủ tiệm thì cái chén đó hoàn toàn được phép nhận và ngay cả Đức Phật cũng sử dụng nó.

PHẦN 4. VIỆC BỊ THU HỒI VÀ SÁM HỐI

Nếu một Tỳ khưu đã nhận vàng, bạc, hay tiền thì trước tiên, theo những giới luật của Tạng Luật, ngay giữa Tăng đoàn ông phải bị thu hồi những vật dụng không được phép nhận và sau đó sám hối vi phạm đó. Nếu ông đã mua thứ gì đó với vàng, bạc, hay tiền thì những món đồ đã được mua đó cũng phải bị thu hồi và sau đó phải sám hối việc vi phạm. Nếu vào lúc xảy ra việc thu hồi một cư sĩ có mặt ở đó thì được phép giải thích cho người ấy những gì đã xảy ra. Nếu cư sĩ đó nhận số tiền và nói: ‘Con nên mua cái gì với số tiền này?’ Khi ấy Tỳ khưu có thể nói: ‘Món nào đó được phép nhận (sữa trâu, bơ, v.v..) Ông ta không thể nói: ‘Hãy mua món nào đó.’ Như vậy nếu cư sĩ mua món nào đó và dâng nó cho Tăng đoàn thì tất cả các Tỳ khưu, ngoại trừ người đã nhận số tiền đó, có thể sử dụng nó. Nếu không có cư sĩ hiện diện ở đó thì Tăng đoàn có thể chỉ định một Tỳ khưu nhận tiền và ném nó đi.
Đức Phật đã dạy rằng chẳng có cách nào để một Tỳ khưu có thể được lợi lạc sau khi nhận tiền hay mua những đồ vật bằng số tiền đó. Nhưng nếu tiền được thu hồi phù hợp với những giới luật của Tạng Luật thì những người khác trong Tăng đoàn có thể được lợi lạc. Nếu những vật phẩm và tiền không bị thu hồi thì không có Tỳ khưu hay samanera (Sa di) nào có thể sử dụng những món đó.
Nếu một Tỳ khưu không thu hồi hay ném bỏ tiền hay những món đồ được mua bằng tiền đó thì cho dù ông ta sám hối bao nhiêu lần chăng nữa ông vẫn được coi là đã vi phạm. Như vậy nếu ông ta nghe trì tụng Giới bổn Tỳ khưu (Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa) hay tuyên bố là mình trong sạch thì ông ta cũng vi phạm việc nói dối có ý thức. Giới bổn Tỳ khưu nói:
‘Bất kỳ Tỳ khưu nào được chất vấn ba lần, biết rằng mình vi phạm nhưng vẫn không bộc lộ điều đó thì đó là một người nói dối có ý thức. Các Sư, Đức Thế Tôn đã dạy rằng nói dối có ý thức là một chướng ngại cho việc thành tựu.’

PHẦN 5. NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TÂN TIẾN

Có nhiều phương pháp mà hiện nay các tu sĩ dùng để thâu thập và sử dụng những ngân quỹ to lớn. Nếu quý vị là một tu sĩ quý vị sẽ trải qua những phương pháp khác nhau ở những tu viện khác nhau. Hầu hết những phương pháp này không tuân theo những thủ tục được sắp xếp trong những bản văn. Cách tốt nhất là tránh những thực hành đáng ngờ và không rõ ràng và hãy thực hành phù hợp với những thủ tục (trình tự) được đưa ra trong các bản văn.
Chẳng hạn như các bản văn không chỉ cho một tu sĩ cách dạy cho một người khi họ nỗ lực cúng dường tiền, chỉ bày cho họ cách cúng dường những vật dụng cần thiết được cho phép. Các bản văn chỉ dẫn rằng nếu tiền được mang với ý hướng bất tịnh nhằm cúng dường cho tu sĩ thì tu sĩ đó không thể chỉ rõ một kappiya (xem ở trên). Tuyệt nhiên không được phép cúng dường tiền. Tu sĩ không bao giờ được sở hữu tiền bạc. Tu sĩ không bao giờ có thể cho ý kiến về việc phải làm gì với số tiền trong một ngân quỹ dành để mua những vật dụng cần thiết, mà chỉ có thể yêu cầu những vật dụng ấy. Những vấn đề này thật tế nhị và hầu hết các tu sĩ không hiểu rõ chúng hoặc bởi thiếu nghiên cứu, bởi truyền thống, hay do ảnh hưởng vi tế của việc khao khát một số tiền.
Như vậy làm thế nào một tu sĩ không nhận tiền có thể có được những vật dụng cần thiết? Có một vài phương pháp được Đức Phật cho phép để có được những vật dụng cần thiết. Cách thức dễ dàng nhất là hỏi một người nào đó ai là người thân thuộc hay ai đã đưa ra một lời mời các Tỳ khưu yêu cầu những vật dụng cần thiết. Thường thì một Tỳ khưu không thể yêu cầu những vật dụng cần thiết từ một người không đưa ra lời mời và không phải là người thân thuộc. Làm như thế là cách kiếm sống tà vạy. Tuy nhiên nếu một Tỳ khưu bị bệnh thì ông ta có thể yêu cầu người nào đó cung cấp thuốc hay thực phẩm. Cũng thế, nếu những bộ y hay chén bát của Tỳ khưu bị mất cắp hay bị hư hỏng thì ông có thể hỏi xin một người khác (Nissaggiya Pacittiya 6 & 21). Một Tỳ khưu cũng có thể yêu cầu nhân công hay mượn các dụng cụ. Ông có thể yêu cầu người nào đó lấy nước từ một nguồn nước công cộng chẳng hạn như một con sông hay một con đập, nhưng ông không thể hỏi xin nước uống là sở hữu riêng tư của một căn nhà của người nào đó. Một tu sĩ cũng có thể lấy gỗ, đá, hay những vật liệu xây dựng từ những vùng đất hoang vu không có người sở hữu và được pháp luật cho phép.
Trước khi thọ giới làm một sa di hay tu sĩ, một người có thể chuẩn bị một ngân quỹ để cung cấp những vật dụng cần thiết khi ông ta trở thành một tu sĩ hay sa di. Một ngân quỹ như thế có thể được để lại cho một người thân hay người bạn và những người này nên được hướng dẫn để dâng cúng những vật dụng cần thiết cho tu sĩ ấy sau khi ông đã thọ giới. Tân tu sĩ hay tân sa di có thể yêu cầu những vật dụng cần thiết từ một người giữ ngân quỹ nếu họ là một thân nhân ruột thịt, nhưng trước hết tu sĩ hay sa di cần được cho một lời mời trước khi ông có thể yêu cầu một người bạn. Điều này nên được giải thích cho người bạn trước khi thọ giới.
Khi một người đã được thọ giới xuất gia, nếu người ấy vẫn còn tiền trong ngân hàng từ khi còn là một cư sĩ, thì người ấy không thể đảm nhận bất kỳ sự dàn xếp nào về số tiền ấy vì lợi ích của riêng ông. Ông có thể để lại số tiền đó trong ngân hàng cho tới khi ông giải y và không sử dụng số tiền đó trong khi ông thọ giới xuất gia. Ông có thể tặng số tiền đó cho cha mẹ, những người thân, hay bạn hữu của ông để họ sử dụng, nhưng không thể tặng cho bất kỳ tu sĩ, sa di, hay tu viện nào.
Việc nhận hay sử dụng tiền trợ cấp trong khi đang thọ giới xuất gia cũng không được cho phép. Những người muốn xuất gia trong Tăng đoàn nên thực hiện những chuẩn bị thích hợp liên quan tới tiền trợ cấp của họ trước khi đắp y tu sĩ.

KẾT LUẬN
Những giới luật liên quan tới tiền bạc thật phức tạp khi giải thích nhưng không khó thực hành; mọi sự một Tỳ khưu cần làm là từ chối nhận tiền. Đối với những người giữ những giới luật một cách chân thành thì họ sẽ đạt được một sự hiểu biết sâu xa về Pháp. Họ sẽ có thể chứng ngộ những trái quả của Tạng Luật là những gì không tìm thấy trong chữ nghĩa của các giới luật mà được khám phá trong trái tim của những người thực hành nó.
OVADA PATIMOKKHA DHAMMACETI
Nhẫn nại là thực hành tối thượng,
Chư Phật nói Niết bàn là Pháp tối thượng,
Kẻ giết hại người khác không phải là người thực sự lên đường,
Kẻ làm hại chúng sinh không phải là một Samana (Sa môn) đích thực.
Đừng làm mọi ác hạnh,
Hãy phát triển những phẩm tính tốt đẹp,
Tịnh hóa bổn tâm,
Đây là lời chư Phật dạy.
Đừng lăng mạ, sỉ nhục hay làm hại người khác,
Hãy tự chế phù hợp với những giới luật của
Giới bổn Tỳ khưu,
Ăn uống điều độ,
Ẩn dật nơi hẻo lánh,
Và nỗ lực định tâm,
Đây là lời chư Phật dạy.