Thành cổ Hà Nội theo bước thăng trầm thời gian 07/11/2007

Cứ vào dịp lễ tết, khi thành cổ Hà Nội mở cửa đón khách tham quan, ai đó lại rộn rã mong một lần được vào Thành cổ để ngắm nhìn sự bề thế của công trình, nét tinh hoa trong từng hiện vật.


Theo bước thăng trầm của thời gian, thành cổ cũng đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên giờ đây, giữa đất trời Hà Nội, thành cổ chính là bức tường thành kiên cố nhất thể hiện sức sống của Hà Nội 1000 năm tuổi. Khởi nguồn của thành cổ Hà Nội chính là thành Đại La được xây từ thời kì Bắc thuộc. Năm 866, vua nhà Đường đã cử Cao Biền làm tiết độ sứ Tĩnh hải quận quản lí đất đai. Việc đầu tiên Cao Biền làm chính là cho xây thành Đại La chu vi 1982 trượng 5 thước (khoảng 6601 mét), cao 2 trượng 6 thước (khoảng 8,7 mét). Cùng với thành Đại La, một con đê nhỏ ngăn nước sông Hồng và sông Tô Lịch được xây dựng để tránh nước ngập vào trong thành. Con đê này được gọi là ngoại La thành.

Năm 1009, Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn được triều thần tôn lên làm vua, thay thế nhà Tiền Lê. Nhận thức được vị trí kinh đô tại Hoa Lư (Ninh Bình) có nhiều điều không phù hợp với sự phát triển đất nước sau này, ông đã quyết định dời đô về Thăng Long. Năm 1010, Vua Lý Công Uẩn bắt tay vào tôn tạo thành Đại La rồi đổi tên thành thành Thăng Long cho phù hợp với thế đất “rồng cuộn hổ ngồi”, “chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương”. Thành Thăng Long được xây dựng với diện tích nhỏ hơn thành Đại La, được giới hạn bởi ba con sông: sông Hồng, sông Tô, sông Kim Ngưu.

Cũng giống như các thành cổ khác, thành Thăng Long có cấu trúc “tam trùng thành quách”, với 3 lớp tường thành (một lớp được xây bằng đất, hai lớp được xây bằng gạch). Vòng ngoài cùng là nơi dân cư sinh sống với các ngành nghề thủ công và hoạt động thương nghiệp và còn là nơi bảo vệ vành ngoài. Tiếp theo là Hoàng thành hay khu triều chính. Đây là nơi ở và làm việc của các quan lại cao cấp trong triều đình. Lớp cuối cùng là Tử Cấm Thành. Đây là nơi dành cho vua, hoàng hậu và cung tần mĩ nữ ở. Các tường thành liên hệ với nhau bằng các cửa ô. Tử Cấm Thành nối với Hoàng thành duy nhất bằng cửa Đoan Môn (đây là cửa để đón người vào hành lễ xướng danh tiến sĩ).


Ô Quan Chưởng, cổng thành cuối cùng của Hà Nội



Hoàng thành nối với Kinh thành bằng rất nhiều cửa nhưng hiện nay chỉ còn lại cửa Bắc Môn. Ô Quan Chưởng là cửa ô còn sót lại hiện nay thuộc mạng lưới các cửa ô liên hệ giữa Kinh thành và Hoàng thành. Từ 1010 đến năm 1830, hình dáng của thành có rất nhiều thay đổi. Tuy nhiên, tất cả đều được xây dựng theo hình vuông hoặc hình chữ nhật. Năm 60 của thế kỉ 15, thành Thăng Long được nhiều sách ghi lại hơn cả bởi việc xây thành đã gắn với một phát minh mới mẻ của Lê Thánh Tông – thời được coi là đỉnh cao của quốc gia phong kiến độc lập. Các nhà nghiên cứu bất ngờ khi phát hiện ra những cái tên nghe rất oai hùng ghi trên từng viên gạch. Đó là “Oai Hổ quan”, “Hùng Hổ”...
Qua nghiên cứu, những viên gạch đã hé lộ bí mật về một ông vua tài ba. Năm Bính Tuất (1466), vua Lê Thánh Tông đã thực hiện việc chỉnh đốn quân sự. Theo đó quân đội được chia ra và đặt tên rõ ràng. Khi xây thành, các đội quân lần lượt được đưa về và xây dựng. Như vậy vừa quản lý được sức người, vừa đẩy nhanh tiến độ xây dựng thành. Vua Lê Thánh Tông cũng có công lớn trong việc phát triển văn hóa, kinh tế cường thịnh. Cùng với việc nghiên cứu tường thành và các hiện vật được khai quật Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra có một cung Trường Lạc và giải mã cái chết bí ẩn của Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hằng (vợ vua Lê Thánh Tông).

Nguyễn Thị Hằng được tuyển vào cung không phải do tuyệt thế giai nhân mà vì dòng dõi công thần. Bà được vua Lê Thánh Tông rất yêu quý. Năm 1697, vua Lê Thánh Tông băng hà, bà được phong là Hoàng Thái Hậu. Bà đã trải qua hai đời vua là Lê Hiển Tông và Lê Túc Tông. Sau khi vua Lê Túc Tông băng hà, con thứ của Lê Hiến Tông lên ngôi xưng là Đoan Khánh. Để phản đối việc lập con của tì thiếp lên ngôi, Hoàng Thái Hậu liên tục phản đối. Tuổi già, sức yếu không lường trước được mưu kế của vua Đoan Khánh và bọn gian thần, bà đã bị giết bởi tên hầu cận tâm phúc.

Đến năm 1831, vua Minh Mạng đổi tên thành Thăng Long là thành Hà Nội. Thành mà ngày nay ta thấy là thành Hà Nội được xây bằng đá tảng và gạch nung rất kiên cố từ triều Nguyễn. Từ đó đến nay, thành Hà Nội được giữ nguyên tên gọi. Không ít khách tham quan đến đây vẫn luôn tìm dấu tích ở phía ngoài thành. Đó là hai vết đạn đại bác của thực dân Pháp bắn từ tàu chiến trên sông Hồng. Thành Hà Nội luôn có vị trí quan trọng trong đời sống của người Việt Nam.

Nơi vòng thành bao bọc là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước. De La Liraye, người Pháp đã viết năm 1877: “Kẻ Chợ (Hà Nội) luôn là thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, công nghiệp, thương nghiệp và giàu có, số dân đông đúc, về sự lịch duyệt và học vấn… Chính ở đó đã tụ tập từ các nơi về những văn nhân, thợ giỏi, nhà buôn lớn. Tóm lại, đó chính là trái tim của dân tộc Việt Nam”.
Tuổi Trẻ Thủ Đô