VTD không muốn viết nhiều về các luận lý đạo Phật nữa, nhưng vì lá thư của huynh NN đọc rất cảm động, thể hiện cái Tình của người cùng học Đạo với nhau. Ôi! VTD này chỉ là một cọng cỏ, một hạt bụi mờ ở thế gian này, mà có duyên được nhiều cao nhân trao đổi như vậy. Tuy nhiên, Theo cái hiểu biết ít ỏi của mình, VTD nhận thấy NN nhận thức một số vấn đề còn khác với mình, nên VTD phải lên tiếng , Đúng hay sai cũng chẳng có nghĩa gì nhưng chúng ta không nên làm sai lạc sự hiểu biết của các bạn đạo khác.

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA PHẠM THƯ- ÁO NGHĨA THƯ VÀ PHẬT ĐẠO

Riêng về phần huynh bàn về Bà La Môn giáo nói rằng Bà La Môn giáo đã nói về thuyết nhân quả, luân hồi trước cả thời Phật qua những “Upanishads”, hay NN thường gọi chơi là những kinh của Bà La Môn giáo. Nhưng huynh có biết không, Upanishads đã xuất hiện rất là lâu. Đúng là có trước thời Đức Thế Tôn. Nó thường đồng hành với kinh Veda. Hồi xưa, Bà La Môn giáo được gọi là Phạm Thiên Giáo. Họ chỉ thờ những vị thần như đất, nước, núi, lửa, mưa, nắng, v.v.... Veda là sách dạy về cách thức tu tập những vị thần này, còn Upanishads thì dùng để giải thích những hiện tượng v.v.... Thật ra, Upanishads được viết ra từ nhiều đời chứ không phải chỉ có viết ra từ 4,000 – 5,000 năm trước. Khi mới sơ khai làm gì mà Upanishads giãi thích được những luật nhân quả, luân hồi cao siêu như vậy. Luật nhân quả, luân hồi, nghiệp điều được viết sau thời Phật mà thôi. Chỉ có Đức Thế Tôn là người đã tìm ra luật nhân quả, luân hồi, nghiệp, và khỏi nói là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, v.v.... mà thôi. Những người bên Bà La Môn giáo làm gì có đủ tư cách để viết ra những thuyết như vậy.”

Như VTD đã nói : Không phải như bạn nghĩ, Phật tự giác ngộ ra hoàn toàn Chân lý đâu. Về mặt thế quyền mà nói, rất nhiều những nhà nghiên cứu Phật sử trên thế giới đều có ý kiến về giáo lý cuả Đức Phật có ảnh hưởng từ các bộ kinh Vệ Đà, đặc biệt là bộ Áo Nghĩa Thư ( Upanisad) của đạo Bà La Môn đã ra đời từng hàng mấy trăm năm trước.

Điều này có đúng không?
Tất cả các kinh văn Bà La môn giáo mà xin gọi tắt là Phạm Thư và Áo Nghĩa Thư ( Upanishads) đều có trước khi Giáo lý Phật ra đời rất lâu( 1.500 đến 1.00 trước CN- thời đại Rg. Vệ Đà). Những bộ kinh này có tầm ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền Minh Triết Ấn Độ lúc đó, chứ không phải chỉ là những lời dạy thờ tế thánh thần đâu. Riêng Áo Nghĩa Thư còn có vị trí trọng yếu, hình thành nên tư tưởng Áo Nghĩa Hệ trước thời đại Phật giáo ra đời cả ngàn năm.
VTD xin nói đến vai trò của đức Phật Lịch sử trước. Trước hết, với thành phần xuất thân từ giai cấp Sát đế lỵ, Phật khi còn là thái tử đã hấp thụ tinh hoa của các nền Minh triết Ấn độ lúc đó. Kinh điển Phạm Thư như Đại Tự Sử Thi (Mahàbrarata) và Áo Nghĩa Thư được Phật tiếp thu trọn vẹn từ các đạo sư như Uddaka, À lara Kalama… Chính từ các vị này mà Phật đã biết được các khái niệm Phi tưởng- Phi phi tưởng xứ, Vô sở hửu xứ….vv của tu tập thiền định.
Kinh điển còn ghi lời Phật nói : “ Bạch Tôn Giả Kalama, ngài đã tự chứng đắc giáo lý này bằng trực giác cho đến mức độ nào? Vài ngài tuyên bố Vô sở hữu xứ với ta….”
Trung tâm của bộ Áo nghĩa Thư chính là nói đến cái lý Tuyệt Đối của Phạm thể, là cái thường trụ trong Vạn pháp. Điều này rất khớp với cái lý Pháp là bản thể của Vũ trụ của Phật sau này.
Còn trong các Phạm Thư, rất nhiều định nghĩa về vạn vật, lý tiến hóa của thiên nhiên.. đều được Phật đúc kết để cho ra đời Giáo lý đắc sắc của riêng mình. Ta có thể thí dụ như thuyết về Nghiệp. Đâu Phải đức Phật Thích ca lịch sử là người đầu tiên nói cho chúng sanh biết về Nghiệp quả hay sự Luân hồi. Mà chính thuyết này đã xuất hiện rất lâu trong bộ Áo Nghĩa Thư, ngay cả các phái Lục Sư Ngoại đạo cũng sử dụng thuyết này làm giáo lý của họ. Thí dụ như phái Kỳ Na Giáo của tổ sư Đại Hùng ( Mahavira), phái Mạt Già Lê Câu xá La… đều biết đến các quy luật này.
Một dẫn chứng khác về sự ảnh hưởng kinh điển Phạm Thư của Bà la Môn giáo với giáo Lý nhà Phật là sự thực hành của Phật Giáo và Pháp quy của Bà La Môn rất gần gũi nhau. Như Chủ nghĩa lấy Pháp (Dhamrma) làm Trung tâm của đức Phật “ hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi… hãy nương tựa vào Chánh pháp….” là cũng xuất phát từ Pháp Kinh (Dharma Sutra) của Bà La môn Giáo mà ra.
Còn các khái niệm tu tập như độc hạnh, ly dục, khổ hạnh…vv trong nhà Phật thì đã có từ lâu trong hành trì của một hành giả Phạm Chí. Vì vậy, khi nghiên cứu sâu, nhiều học giả cũng nhận thấy Ngũ Giới cấm của Phật cũng có xuất phát từ các điều Cấm của Bà La môn. Hay là các tầng nấc tu học như Tạm Muội Định, Tứ Thiền định, Vô sắc Định…đều đã có từ trước chứ không phải chờ đến khi Phật ra đời mới có.
Bộ Kinh Phật Sở hành tán còn ghi rỏ: Ngài A La La từng trình bày trước mặt đức Phật về lịch trình của sự sống chết là : Minh sơ- ngã mạn- Si tâm- Nhiễm ái- Ngũ vi trần khí- Phiền não- sinh, Lão, tử…vv. Vậy có tương tợ với Thập Nhị Nhân Duyên mà đức Phật đã từng nói ra hay không?
Còn khá nhiều thí dụ chứng minh mối tương quan mật thiết giữa Kinh điển Phạm Thư, Áo Nghĩa Thư với giáo lý nhà Phật mà VTD không thể kể ra hết theo các bộ Luận mà mình đã đọc. Đúc kết duy nhất là nhân sinh quan và thế giới quan Phật Giáo đã có sự liên hệ tương thông mật thiết với Bà La Môn Giáo, các bộ kinh Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư.

Nói như vậy không phải là thừa nhận Phật không có cái gì riêng của mình.Vậy con đường riêng của đức Phật là gì? Người học Pháp Phật sẽ nhận thấy cái hay nhất mà đức Phật Thích Ca để lại cho chúng ta chính là một tri kiến tổng hợp về các Pháp, thực tướng của các Pháp bằng con đường Trung Đạo ( Majja). Thí dụ như lúc đương thời có thuyết tu bằng phương pháp Khoái lạc, có giáo phái tu theo Khổ hạnh… đức Phật thì đề ra biện pháp Không khổ- Không vui( Phi lạc- phi khổ). Hoặc như vấn đề nhân quả, linh hồn, Phật đã tập trung cả hai giáo Thường trụ luận và Đoạn diệt luận để cho ra đời Lý Nhân duyên, giải thích về sự vận động và tồn tại của Vũ trụ này. Cũng chính Phật đã dùng đại trí tuệ của mình để thuyết lên Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo…vv chỉ dẫn cho chúng sanh con đường Giải Thoát.
Chính trên cái nền minh triết của các bộ Phạm Thư, Áo NGhĩa Thư, đức Phật Thích Ca lịch sử đã trưởng thành về mặt Trí Tuệ, tự vạch ra con đường tầm cầu Chân Lý, đạt Pháp và chỉ dẫn lại cho chúng sanh.

Nói riêng với huynh NN, VTD luôn tôn kính đức Phật và quy mệnh với Ngài. Nhưng người học Phật cũng đừng quá cuồng tín, xem ngài như Bậc Tuyệt Thế, Tuyệt Đối mà hãy hiểu Ngài hơn trên phương diện một con Người lịch sử, một Thánh Nhân mà mấy ngàn năm nhân loại mới có được. Hiểu một cách bình thường giản dị như vậy, VTD lại kính mến ngài nhiều hơn là Một Cái Gì cao xa quá, vời vợi quá như một số người hiện nay./.
( CÒN TIẾP)

Tài liệu tham khảo từ nhiều nguồn.