Người phụ nữ nông dân với bài thuốc gia truyền chữa rắn cắn

Trong một lần đi dã ngoại về huyện Sóc Sơn - Hà Nội chúng tôi được nghe kể về một người phụ nữ nông dân có bài thuốc gia truyền chữa rắn cắn.

Chuyện kể rằng: Có anh tên Toàn con trai nhà ông Vẹn bị rắn độc cắn từ đêm, đến sáng gia đình biết thì đã cứng hàm. Mấy bà con gái mau nước mắt đã khóc inh ỏi. ông bố bảo, còn nước còn tát, cứ đi rước bà lang chữa rắn cắn về chữa. Bà lang đến cậy mồm ra đổ thuốc vào. Vài giờ sau người tỉnh dần. Anh Toàn đã được cứu mạng.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Bẩy thôn Đô Lương, xóm Đồng Mai, xã Bắc Sơn- Sóc Sơn- Hà Nội, bà lang trong câu chuyện trên. Trời nắng nên trên sân nhà bà phơi đầy lá thuốc nam. Cảm nhận đầu tiên của tôi về bà Bẩy là một phụ nữ nông dân thuần chất. Bà nhân hậu và rất cởi mở. Khi bà tiếp chuyện với chúng tôi thì mấy đứa cháu tranh nhau ngồi lên lòng bà.

Những năm 65, 66, 67, 68, 69 của thế kỷ trước thì ở đây có nhiều người dân tộc sống, lại có cả chuyên gia Trung Quốc nữa. Khi ấy tôi còn trẻ, khoảng 23, 24 tuổi. Trẻ con khi ấy sinh ra trong thời buổi khó khăn nên hay sài đẹn, cam tẩu mã. Một người Trung Quốc ở cạnh nhà tôi nói chuyện với tôi: Người Việt Nam sống trên kho thuốc mà phải chịu chết vì bệnh. Quanh nhà chị đầy cây thuốc. Chị có chịu học thì tôi dạy cho chị bài thuốc Cam tẩu mã, rồi mà để chữa bệnh cho con. Thế rồi ông ấy dạy cho tôi bài thuốc chữa Cam tẩu mã. Sau đó có một ông lương y người Trung Quốc tên là Đặng Lâm ở xóm trên, ông ấy có một bài thuốc gia truyền chữa rắn cắn nổi tiếng trong vùng. Thường thì phương thuốc gia truyền chỉ truyền lại cho con trai trong gia đình, con gái cũng không được truyền vì sợ con gái sẽ bảo lại cho chồng mà thất truyền. Nhưng không hiểu sao ông Lâm lại không truyền lại cho con mà lại gọi tôi đến dạy cho bài thuốc chữa rắn cắn. Khi đấy các con tôi còn nhỏ, tôi phải cầy cấy để lấy thóc nuôi con nên tôi không ham học bài thuốc của ông Lâm. Cũng khi đấy phải đi vào rừng mới hái được lá thuốc. Nhưng mặt khác tôi cũng nể thầy mà đến học. Thầy dạy cho tôi cách nhận mặt các cây thuốc, cách tìm chúng... Tôi là nông dân, học hành kém nên cũng không nhớ được ngay các cây thuốc. Kỳ lạ, đêm tôi mơ thấy có một người đàn ông dẫn tôi vào rừng chỉ cho tôi các cây thuốc, có cây rụng hết lá thì lại bảo tôi cách đào lấy rễ. Phải mấy đêm liền tôi toàn mơ thấy thế. Đến khi thầy Lâm dẫn tôi lên rừng tìm hái cây thuốc thì tôi tìm đúng các cây y như trong mơ, làm thầy rất ngạc nhiên. Tôi kể cho thầy giấc mơ của tôi. Khi ấy thầy nói lý do vì sao thầy truyền bài thuốc cho tôi. Thầy đi xem bói, người bói bảo chỉ có truyền cho tôi thì mới giữ được bài thuốc.
Bà Bẩy lặng đi một hồi rồi kể tiếp: Thầy Lâm còn dạy cho tôi bài thuốc chữa bệnh gan, bệnh thận. Tôi đang học bài thuốc chữa u, nhọt thì thầy mất. Tôi hỏi bà: Cháu có nghe người ta nói rằng, khi hái thuốc chữa rắn cắn thì không được đứng một tư thế? Bà thủng thẳng trả lời: Người ta nói đúng đấy. Mùng 1, mùng 2 đứng chổng về hướng Đông; Mùng 3, mùng 4 đứng chổng về hướng Tây; Mùng 5 mùng 6 đứng chổng về hướng Nam; Mùng 7, mùng 8 đứng chổng về hướng Bắc. Từ mùng 9, mùng 10 trở đi đứng hướng nào cũng được.
Khi chúng tôi đang nói chuyện với bà Bẩy thì có ông hàng xóm sang chơi. Người nông dân nơi đây thật thà, chân chất. ông nói với chúng tôi: Thuốc chữa rắn cắn của bà Bẩy tốt lắm. Mỗi năm bà ấy chữa cho mấy chục người. Ngày xưa ở đây còn rậm rạp thì rắn rết còn nhiều, bây giờ thì ít hơn. Chữa xong bệnh có người trả vài chục, có người không có tiền thì không trả. Đấy con rể bà vì ơn bà ấy chữa rắn cắn cứu mạng mà lấy con gái bà ấy đấy.
Ngoài chữa rắn cắn bà còn chữa rết cắn. Rết cắn không chết người nhưng rất đau nhức. Uống thuốc của bà là khỏi nhức liền. Bà còn chữa được những bệnh thường gặp như đau bụng do rối loạn tiêu hóa, cảm sốt, bệnh đi tiểu nhiều về đêm. Bà con lối xóm thấy bà đi vắng vài ngày là đã mong bà về, để nhỡ có ai mắc bệnh còn nhờ đến bà.
Thảo Mộc