GIAI THOẠI THỨ NHẤT:

BẢO MỘT ĐÀNG, QUÀNG MỘT NẺO


Đó là khoảng năm 1908, trước tết Nguyên Đán mấy hôm. Một học trò cũ đến thăm cụ Tam Nguyên. Sau khi ân cần hỏi thăm gia đình, sức khoẻ, Cụ mới hỏi đến nghề nghiệp và công việc làm ăn. Khách lễ phép thưa:

- Mười năm trước con đã có phúc đến ăn mày cửa Thầy được ít chữ nghĩa. Nhưng rồi thời thế đổi thay, vì sinh kế con phải xoay sang đường tân học. Nay con đang làm thông sự tại tòa sứ một tỉnh miền trong.

Cụ Tam lắng nghe chăm chú, khách tiếp:

- Thưa Thầy, bấy lâu xa cách, nay được về nghỉ tết, con ghé thăm Thầy... Lòng thành, con có chút quà mọn biếu Thầy gọi là chúc tết, xin Thầy nhận cho. Anh ta đặt gói quà lên sập.

- Anh lại có quà cho ta nữa ư? Cảm ơn anh, thầy xin...

Cụ đưa tay rờ rẫm bên phải, không thấy. Khách thưa:

- Thưa Thầy bên này kia ạ!

Cụ đưa tay bên trái, lại cũng không thấy. Khách đẩy gói quà tận tay cụ. Bỗng cụ bật cười, nói mà như đọc:

- Hay thật là hay đáo để! Bảo một đàng, quàng một nẻo!

Thầy trò cùng cười. Nhưng bỗng nhiên người học trò im bặt, sượng sùng vì chợt hiểu, câu nói hồn nhiên kia không phải cụ chỉ có ý đùa về sự mù lòa, lẩm cẩm, mà còn hàm ý: Thầy dạy anh một đàng, nay anh quàng một nẻo, anh đi làm việc cho Tây.

Trầm ngâm một lát, Cụ tiếp, giọng xa xôi, buồn bã:

- Thôi thế thì thôi cũng được! Phi đằng nọ, tắc đằng kia!

Khách lặng người vì cảm động. Anh ta hiểu nỗi lòng ngao ngán của Thầy trước thế cuộc, cũng như thái độ khoan dung nhân hậu của Thầy.

Chắc hẳn, anh ta sẽ không bao giờ quên lời nói tự nhiên mà thành câu đối thâm trầm này:

- Hay thật là hay đáo để! Bảo một đàng, quàng một nẻo!
- Thôi thế thì thôi cũng được! Phi đằng nọ, tắc đằng kia!
-----------------

GIAI THOẠI THỨ HAI:

TRỜI NÓI

Hoàng Cao Khải mở tiệc lớn tại dinh Kinh lược, mừng con trai của Ông ta du học bên Pháp, đõ tú tài Tây vừa về. Tân khách Bắc kỳ đủ mặt, gia sư Nguyễn Khuyến cũng được mời dự.

Trong tiệc, nhân cao hứng, Hoàng Cao Khải bày trò ngâm vịnh. Hắn lấy câu" Thiên hà ngôn tai" làm đề, với ý ngầm khoe vận hội tước lộc do tự ý trời, dù "trời chẳng nói".

Tiến sỹ Chu Mạnh Trinh đón ý thượng cấp, nịnh ngay một bài:

Thăm thẳm trời xanh chẳng nói ra
Văn chương sự nghiệp khác đời xa
Năm châu bốn biển lừng danh tiếng
Tước lộc dành riêng thưởng một nhà.

Khải thích lắm, thưởng cho Chu một chén rượu. Bỗng từ trong tiệc, Nguyễn Khuyến hắng giọng xin đọc thơ mình, Khải và quan khách vô cùng hỉ hả, vì lần này được ông Tam nguyên hưởng ứng sớm. Họ Hoàng biết, một lời chúc tụng của người ấy đối với hắn trước chỗ " Nhĩ mục quan chiêm" thế này là rất quan trọng. Bởi vậy hắn vội đứng lên cảm tạ trước. Nhấp một hớp rượu, Nguyễn Khuyễn đứng lên đĩnh đạc đọc:

Chót vót trên này có một tao
Mày xem tao có nói đâu nào?
Da tao xanh ngắt pha đen trắng
Bởi tại dì Oa vá váy vào

Cử tọa phá lên cười khen hay. Người bảo, đúng là ông trời! Người bình: Đúng là ông Tam nguyên... Sau mấy phút phấn khích, người ta bỗng giật mình vì thấy mặt quan Kinh lược đằng đằng sắc giận. Không khí lặng hẳn đi.

Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền thấy sự thể bất lợi cho Nguyễn Khuyến, tìm cách vớt vát lại không khí cho bữa tiệc bằng bài thơ sau:

Trời xanh cao tít nói gì đâu?
Cảnh sắc luôn luôn chuyển đổi màu
Lúc thịnh, lúc suy là vận số
Bây giờ họp mặt cả năm châu

Bài thơ được đón nhận một cách nhạt nhẽo. không khí càng nặng nề thêm. Bữa tiệc nhà họ Hoàng bỗng hóa ra trơ trẽn nhạt phèo...

Ngày sau đó, hầu như cả Hà thành mọi người đều biết chuyện này và bình phẩm một cách hào hứng về bài thơ "Trời nói" và nhân cách cứng cỏi của cụ Tam Nguyên Nguyễn Khuyến....


Nguồn: dactrung.net