Thiên diễm tình đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

(Phunutoday) - Ngược dòng lịch sử về với thời đại Hùng Vương dựng nước, nơi mở đầu những trang sử huy hoàng để muôn đời con cháu tri ân, ngưỡng mộ ta sẽ thấy có sự liền mạch như những nhịp cầu đã nối, để dân tộc ta sinh sôi nảy nở mãi, để giống nòi Việt Nam phát triển cũng một phần nhờ những thiên diễm tình, mà khởi đầu là chuyện tình duyên của Thủy Tổ Kinh Dương Vương với Thủy Tổ Quốc Mẫu Thần Long Nữ, từ đó “làm cho mầm Lạc, chồi Hồng nở hoa”.

1. Tục truyền Kinh Dương Vương có tài đi lại dưới nước, gặp Thần Long nữ, con gái vua hồ Động Đình có nhan sắc đẹp tươi bèn lấy làm vợ rồi sinh ra một người con trai đặt tên là Sùng Lãm. Không có nhiều tư liệu ghi chép cụ thể, rõ ràng về mối duyên tình này mà chỉ có đôi dòng ngắn gọn. “Đại Việt sử ký toàn thư” viết:
“Kinh Dương Vương trị phương Nam, gọi nước là Xích Quỷ. Vua lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân”. “Việt sử tiêu án” còn viết ngắn gọn hơn: “Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân, sinh ra Lạc Long Quân”.

Còn cuốn “Lĩnh Nam chích quái”, ghi chép những sự kiện kỳ lạ ở phương Nam, trong truyện “Họ Hồng Bàng” cũng chỉ viết rằng: “Tục truyền Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước”.

Tài liệu ghi chép cụ thể hơn về cuộc kỳ ngộ này là bản “Ngọc phả đền Hùng” (tức “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh vương triều Hùng”), bản Ngọc phả viết về việc Kinh Dương Vương gặp Thần Long như sau:


“Vua lúc bình sinh vốn yêu phong thủy, bèn cử giá tuần du ngoài biển, xem khắp địa đồ, bất giác thuyền rồng đến thẳng hồ Động Đình. Vua sai dừng thuyền trên mặt nước ngắm nhìn, bỗng thấy một người con gái xinh đẹp yêu kiều từ đáy nước hiện ra. Nàng có dung nhan tuyệt đỉnh, cho là kỳ ngộ xưa nay, liền sai chèo thuyền lại, vua hỏi rằng:

“Đẹp thay tiên nữ! Nàng từ đâu đến đây?”. Nàng đáp: “Thiếp tên là Thần Long, chính là con gái vua Động Đình, ở chốn điện vàng cửa ngọc, chờ đợi người anh hùng đã lâu. Nay trời xui gặp gỡ, thiếp nguyện muốn được nâng khăn sửa túi”.

Vua nghe vậy mừng rỡ khôn xiết, bèn mời vào trong thuyền, đưa về thành đô, lập Thần Long làm chính khổn (vợ cả). Về sau vua lại đi tuần thú, trải khắp núi sông… Khi ấy, vua đi tuần thú trở về cung điện ở núi Nghĩa Lĩnh, thấy bà cung phi Thần Long quân nữ mang thai, có điềm lành ứng rồng, ánh hào quang đỏ đầy khắp nhà, trong trướng sinh hương, mùi thơm ngào ngạt trong mấy tuần, sinh ra Lạc Long Quân. Long Quân có tư chất phi thường, tự có khí tượng của bậc đế vương. Vua mới lập làm hoàng thái tử”.

Trong cuốn “Tân đính Lĩnh Nam chích quái” cũng ghi chép cụ thể nhưng tình tiết hơi khác: “Vua trị vì phương Nam, học được phép lạ, có thể bơi xuống thủy phủ, gặp được họ dưới nước (Thủy tộc) là Long Quân Hà Bá, họ này rất quý vua, nói với vua rằng:

“Ta vốn dòng Hà Bá, còn ngài là vua miền núi (Sơn Quân), nay miền núi, miền nước hai nhà hòa hợp với nhau, còn gì vui hơn?”. Nhà vua nói: “Miền núi có cái thú khói ráng, còn miền nước có cái vui tôm cá. Ta muốn bốn biển một nhà, huống gì hai họ”.


Long Quân Hà Bá bèn suy nghĩ, rồi đưa cô gái Ánh Mây (Vân Anh) gả cho nhà vua. Vợ chồng đưa nhau về, sau sinh ra Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân. Lúc Sùng Lãm mới sinh, có ánh sáng lóe ra, có hương thơm phảng phất…”. Cô gái Ánh Mây chính là con gái của Long Quân Hà Bá, tức vua Động Đình; bà có hiệu là Thần Long, một số sách ghi chung chung là Long Nữ.

Đền thờ Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh


Theo truyền thuyết ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh thì cuộc gặp gỡ giữa hai người diễn ra trên dòng sông Thanh Long, nay gọi là sông Lam chứ không phải là ở hồ Động Đình. Có thuyết kể rằng, tục truyền Kinh Dương Vương khi mới dựng nước liền đi xem phong cảnh núi sông, tìm đất tốt để xây dựng kinh đô.

Khi về phương Nam, đến vùng Ngàn Hống (tức dãy Hồng Lĩnh) vua thấy phong cảnh núi non trùng trùng điệp điệp, 99 ngọn cao tận trời xanh, chân núi vờn lên đến cửa Đơn Hay có thế rồng vây hổ chầu.

Kinh Dương Vương lấy làm vừa ý bèn cho đắp thành dưới núi, lấy nơi này làm đô ấp của nước Việt Thường, vị trí thành ấy là đất Nội - Tả - Hữu Thiên Lộc thuộc Châu Hoan (nay là các xã Thiên Lộc, Phúc Lộc, Tùng Lộc của huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Dựng xong đô ấp, Kinh Dương Vương lại cưỡi thuyền thẳng về hướng Bắc, tiếp tục đi xem phong cảnh đất nước. Thuyền đang đi, bỗng có một người con gái xinh đẹp tuyệt trần từ dưới nước hiện lên tự xưng là Thần Long. Sau khi chào hỏi ân cần, vua mời nàng lên thuyền, đôi bên trò chuyện tâm đắc, rất lấy làm vừa ý, Kinh Dương Vương bèn đưa Thần Long về Ngàn Hống cưới làm vợ.

Một thuyết khác thì truyền rằng, buổi đầu dựng nước, Kinh Dương Vương đã đi thuyền về phương Nam tìm đất đóng đô, ngài đã đến Hoan Châu dừng chân tại dãy Ngàn Hống vào một ngày mùa xuân, biển trời êm ả, cửa sông rộng, sóng nước dạt dào. Hai bên bờ cảnh vật hiền hòa, tươi sáng. Ngàn Hống xanh những đồi cây, suối chảy như những làn mây bạc.

Trước vẻ hùng tráng của chốn sơn thuỷ hữu tình khiến Kinh Dương Vương thấy rung cảm lạ thường. Ngài cứ để cho thuyền ngự rẽ nước ngược lên! Thuyền đang đi giữa đất trời sông nước mênh mang, bỗng có một đợt sóng hồng xô tới và một mỹ nữ hiện lên.

Người con gái đó tươi cười như hoa, đẹp như tiên sa nơi trần thế. Nhà vua ngỡ ngàng như trong mộng. Ngài bèn hỏi: “Nàng có phải là tiên nữ xuống cõi trần này, chẳng hay tên họ là gì?”. Người con gái e thẹn, dịu dàng đáp:

“Tâu Thánh thượng, thiếp cũng chỉ là người trần thế mà thôi, chốn Ngàn Hống kia là nơi sinh thành. Nhờ phép thiêng của sông núi mà thiếp biết lướt sóng, cưỡi mây nên được gọi là Thần Long. Chẳng hay Thánh thượng cho ngược thuyền rồng đến chốn sông sâu, núi hiểm này làm gì?”.

Kinh Dương Vương liền đáp: “Vâng theo mệnh trời, ta đi tuần núi khắp núi sông, tìm nơi thắng địa định đô để lo toan việc lớn. Nàng tiên nữ với dung nhan tuyệt trần có thể giúp ta được chăng”? Thiếu nữ đưa đôi bàn tay ngọc ngà vuốt lại mái tóc còn ngấm nước rồi mỉm cười rạng rỡ, cặp mắt diễm lệ của nàng ánh lên những niềm vui, nàng nói:

“Thánh thượng nếu không chê thế đất, Người có thể định đô ở dãy Hồng Lĩnh này một thời gian thử xem. Nơi đây tuy viêm nhiệt, xung hàn, lắm cuồng phong và hay gặp hồng thuỷ nhưng thiên địa, nhân gian lại giao hòa, có thể coi là nơi sáng nghiệp của các bậc Đế Vương”.

Nghe giọng nói trong trẻo, ngân nga êm dịu của người con gái tuyệt sắc, lại thấy núi đẹp đất thiêng, Kinh Dương vương bèn truyền lệnh cho thuyền rồng cập bến, cùng Thần Long dạo gót núi Hồng. Ở đây, núi cao dựng thành lũy, khe nước chảy thành hào. Non đủ cao, sông đủ sâu, đồng điền đủ rộng, khả dĩ, con người có thể tự làm lụng để nuôi sống lâu dài.

Nhà vua đứng trên núi cao, phóng tầm mắt ra xa muôn trùng sóng cả, núi non địa bàn hiểm trở, tiến có thế công, thoái có thể thủ, là điều lợi thế bậc nhất cho một vương triều mới định đô. Với tầm nhìn bao quát càn khôn đó, Kinh Dương Vương đã cho dựng cung thành ở đây. Kinh thành xây xong, nhà vua cưới Thần Long làm hoàng hậu, người dân cả nước vui mừng, chốn chốn cất tiếng âu ca.

2. Theo một số bản thần tích và truyền thuyết, dã sử thì Kinh Dương Vương là người mở đầu chi thứ nhất của triều Hùng, còn có hiệu là Hùng Kinh Dương, tên húy là Lộc Tục, sinh ngày mồng 4 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ, thuộc dòng dõi Thần Nông.

Ông là bậc “thánh trí thông minh”, là vị vua đầu tiên, là người được tôn là thủy tổ của dân tộc ta. Các triều đại phong kiến sau này đã tôn phong đế hiệu cho ông là Hùng Dương Vương Cao Hoàng Thái Tổ Thái Bảo Đức Tông Hoàng đế.

Sử sách, truyền thuyết chỉ nói nhiều đến Kinh Dương Vương mà ít có ghi chép nói rõ hơn về thân thế của Thủy tổ Quốc Mẫu Thần Long nữ, trừ bản Ngọc phả cổ lưu giữ ở đền Tiên (phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, Phú Thọ). Ngôi đền này thờ Thủy Tổ Quốc mẫu, tức là vị Tổ Mẫu đầu tiên của người Việt, bà là mẹ của Lạc Long Quân và là bà nội của vua Hùng.

Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, Thủy Tổ Quốc Mẫu Thần Long chính là mẹ chồng của Quốc Mẫu Âu Cơ. Như vậy, có thể nói, Thần Long là nhân vật có một thân thế và sự tích hết sức đặc biệt trong kho tàng lịch sử Việt Nam.

Theo tài liệu cổ cho biết, Thủy Tổ Quốc Mẫu Thần Long tên là Hồng Đăng, tự là Thanh Minh, húy là Ngàn, hiệu là Từ Phú. Sau cuộc gặp gỡ kỳ lạ, Kinh Dương Vương lấy bà làm vợ, phong làm Vi Cung chính khổn, tức hoàng hậu của nước Xích Quỷ.

Vua còn sai lập một lầu đại bảo gọi là Tiên Cát cung cho bà ở, đây là một cung điện lớn trong tổng số 50 cung điện do Kinh Dương Vương xây dựng để ban tặng hoàng hậu Thần Long khi Người sinh ra thái tử Sùng Lãm (tức Lạc Long Quân sau này).

Sau khi nhường ngôi cho Sùng Lãm, Kinh Dương Vương căn dặn con trai về khu vực Tiên Cát cung rằng: “Nơi này tuy là mảnh đất nhỏ bên sông nhưng là đất quý, chẳng phải tầm thường, để làm Quốc bảo, phải sai con cháu giữ gìn”.

Lạc Long Quân vâng theo, từ đó, chuyên lo bồi đắp lâu đài cung điện, không dám sơ tâm… Bản Ngọc phả lại chép: “Một năm nọ, vào ngày mồng 10 tháng 10, Thủy Tổ Quốc Mẫu mộng thấy hai nàng tiên nữ tên là Thủy Tinh và Ngọc Hoa đến tâu rằng: “Đã đến kỳ hạn về Đế quyết”.

Sau đó Mẫu “hóa”. Lạc Long Quân rất đau lòng than khóc rồi lệnh chuyển Tiên Cát cung thành lăng Tiên Cát, tục gọi là đền Tiên. Vua còn cho lập Tiên thị (chợ Tiên) ở gần khu vực lăng để nhân dân họp, tiện cho việc tôn nhang, cúng tế tại đền.

Ngài còn sai ba người con trai là Cự Linh Lang, Ất Linh Lang, Linh Thông Thủy (đều là những người con nở từ Bọc trăm trứng) cai quản khu vực con sông gần đền, có nhiệm vụ giữ gìn cung sở và trông coi đền thờ bà nội.

Nay, đền Tiên không chỉ là nơi chúng ta thờ phụng Thủy Tổ Quốc Mẫu mà còn là nơi mỗi người Việt Nam tự hào về cội nguồn dòng giống Hồng Lạc, thấy được bề dày và chiều sâu văn hóa mà tổ tiên đã tạo dựng. Bên cạnh đó, người người cùng ngưỡng vọng về mối kỳ duyên tuyệt vời, một thiên diễm tình đầu tiên trong lịch sử dân tộc giữa Thủy Tổ Kinh Dương Vương với Thủy Tổ Quốc Mẫu Thần Long.


Lê Thái Dũng

http://phunutoday.vn/blognguoinoitie...t-Nam-2127943/