Khám phá Việt phủ Thành Chương

Cập nhật lúc 40 AM, 29/01/2012

(Đất Việt) Lúc đầu, khi xây dựng Việt phủ, họa sĩ Thành Chương có‎ ý chia sẻ gia tài của mình với xã hội. Và thực sự từ lâu, giá trị vật chất của Việt Phủ thuộc về gia đình, song giá trị tinh thần đã thuộc về xã hội.
Khi mới thành lập, Việt phủ Thành Chương đã mở cửa đón khách miễn phí liền trong nhiều năm nhưng cuối cùng chủ nhân của nó nhận ra, sự thoải mái này không mang lại hiệu quả như mong muốn. Nói đơn giản, một ngôi nhà bình thường, muốn vào cũng phải được gia chủ cho phép mà cũng không phải thích động vào cái gì cũng được.

Từng “khốn đốn” vì khách hiếu kỳ

Việt phủ Thành Chương vài năm rồi từng có những thanh niên vào đây đánh nhau, rồi bị mất cắp xe đạp, xe máy, ăn uống bừa bãi trong khuôn viên. Họ đến không phải để chiêm ngưỡng, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật mà là giải trí, quậy phá. Nhiều khi, đêm hôm cũng có người gõ cửa đòi vào chơi. Lại có người không tin ông chủ nổi tiếng ấy dễ thế nên đến xem thực hư ra sao, thậm chí thử gây sự khó chịu xem phản ứng thế nào. Rồi có người nằng nặc đòi gặp ông chủ, xong lại muốn xem mặt bà chủ thế nào. Nói chung, ai cũng muốn gặp gỡ, hỏi han, cứ liên miên thế khiến chủ nhân Việt phủ rất mệt.




Cổng vào Việt phủ.


Sau nhiều năm, tác phẩm sắp đặt lớn nhất của Thành Chương đã nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người mà đỉnh điểm là được chính quyền ghi nhận giá trị, cũng như quan tâm đến việc bảo tồn, tôn vinh. Chính Sở VH-TT-DL đã đứng ra tổ chức hội thảo cho 50 đầu tour du lịch của thành phố. 50 công ty du lịch, tương đương với 50 vị giám khảo mà toàn những vị cực kỳ khó tính soi xét “thí sinh” Việt phủ Thành Chương. Họ chấm điểm từ A đến Z khiến cả gia đình họa sĩ nín thở hồi hộp. Rồi họ bảo: “anh còn đi trước cả thời đại vì đến cả cái… WC cũng đạt chuẩn!”. Lúc ấy tất cả mới thở phào.

“Tôi nghĩ đây là mô hình rất hiệu quả, mang tính khả thi cao vì xã hội hóa hoàn toàn. Từ đây, Việt phủ bước sang giai đoạn mới. Tuy nhiên, để được công nhận là mô hình du lịch đẳng cấp của thành phố thì việc bảo tồn, tôn tạo theo nghĩa thuần túy thôi chưa đủ, nó còn kéo theo cả một lô công việc khác”, họa sĩ Thành Chương nói.

Anh bổ sung: Việt phủ thực ra được triển khai từ lúc nhạc sĩ Vĩnh Cát làm giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội. Anh Cát nhắc đến những hoạt động cho ngày Đại lễ nhưng thời điểm ấy, mốc đến 1000 năm còn xa, nhưng với tôi đấy lại là gợi ý ‎để mình bắt tay làm công trình này, âm thầm suốt chục năm. Thế nên, mới có người gọi tôi là công dân số 1 về bảo vệ văn hóa. Nhưng tôi không chỉ làm cho năm đại lễ mà muốn dành cho con cháu muôn đời sau.




Nhà Hát Long Đình.

Đang xây một Việt phủ khác… trong đầu!
Cái khó nhất thì anh đã hoàn thành, đó là nắm được tinh thần của công việc: cần làm gì và đi theo hướng nào. Việt phủ Thành Chương chuyển ngữ sang tiếng Anh là Thanhchuong VietPalace. Palace có nghĩa là “Lâu đài”, thường dùng cho Châu Âu nhưng không phải lâu đài nào ở Châu Âu cũng lớn. Đây là lâu đài kiểu Việt Nam, không thành quách cao lớn nhưng nếu đứng bên cạnh các điểm đến quốc tế khác thì vẫn có nét riêng biệt.

Anh và vợ đã nhất quán, không khai thác du lịch tràn lan. Việt phủ quyết định bán vé là để chọn lọc bởi “chúng tôi cũng có quyền chọn khách chứ không chỉ có khách chọn chúng tôi”. Giá rẻ đi chút nữa thì khách đến sẽ đông hơn nhưng mình không làm thế. Những buổi hòa nhạc đẳng cấp, giá vé lên đến vài trăm “đô” nhưng vẫn có người sẵn sàng bỏ tiền thưởng thức bởi họ hiểu mức đó là hợp l‎ý. Việt phủ không thích hợp với người so đo chuyện giá cả, hay quá tiếc tiền cho việc đắm mình vào một không gian văn hóa thế này. Lượng khách ít đi, cũng có nghĩa sẽ tinh tế hơn.




Khu ẩm thực.


Anh quan niệm, một người khách hiểu biết thấu đáo các giá trị truyền thống sẽ có giá trị quảng bá gấp hàng trăm lần những người đến Việt phủ mà không ‎ý‎ thức được là mình đang thưởng thức văn hóa. Chính bản thân anh cũng không chịu được sự đông đúc, lộn xộn. “Chúng tôi cũng không dại gì làm mất đi hình ảnh bấy lâu mình phải lao động cật lực mới gây dựng được”, anh quả quyết. Người thông minh tối thiểu cũng phải hiểu rằng đó là giết chết chính mình. Trước đây, mọi vấn đề của Việt phủ chỉ là chuyện trong nhà, còn bây giờ nó đã là hình ảnh đại diện chính thức của thành phố. Luôn có niềm tin, giá trị văn hóa đích thực của cha ông sẽ sống mãi với thời gian, hồn cốt của người Việt thì không có lẽ gì người Việt lại không chào đón.

Từ đây, Việt Phủ sẽ có những hoạt động thực tế hơn mang lại nguồn thu ổn định, giúp bảo tồn, duy dưỡng, nếu không, tương lai cũng rất… mịt mùng. Nhiều người hỏi anh, có lo những người giàu hơn sẽ bắt chước làm theo? Anh chỉ cười. Sự thật, rất nhiều người lên đây chụp ảnh, đo đạc nhưng họ không biết rằng tác phẩm là sự sáng tạo. Nếu làm y chang thì cũng chỉ là bản sao mà thôi. Cũng có lời đồn, một đại gia nào đó trả một cái giá cao ngất để mua lại Việt phủ. Khách quen biết thế lại cười, nghĩ rằng đời nào họa sĩ Chương lại bán đi, vì nó là cả cuộc đời người nghệ sĩ. Thế nhưng, anh khẳng định, nếu có ai hiểu giá trị và trả với giá hấp dẫn thì rất có thể mình sẽ bán. “Đối với tôi, niềm yêu thích sáng tạo không có điểm dừng. Bây giờ mà có tiền tôi sẽ làm ngay tức thì cái Việt phủ khác hoành tráng hơn vì tất cả đã được thiết kế trong đầu hết rồi”, anh khoe.


Thực ra, dù có bán vé song mọi hoạt động của Việt phủ vẫn dựa trên tinh thần chia sẻ các giá trị văn hóa, tinh thần như những ngày đầu, chỉ có điều mọi việc bây giờ bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn để sự giao lưu đi đến hiệu quả. Giờ đây, ai muốn đến đây chiêm ngưỡng hay gặp gỡ chủ nhân cũng phải hẹn trước và có lịch trình cụ thể chứ không phải cứ “a lô xô”… vào.