Thế giới 'phấn hoa' của những hầu đồng

Cập nhật lúc 30 PM, 28/01/2012

(ĐVO) Một giá đồng có trang phục đẹp sẽ giúp người hầu đồng thêm thăng hoa, trình diễn đẹp hơn và khiến người tham dự thêm hưng phấn...

Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Viêt, có lịch sử lâu đời. Trong tín ngưỡng này, dân gian tin rằng Mẫu là vị thần tối cao được hóa thân thành Tứ vị Thánh mẫu: Mẫu thiên, Mẫu địa, Mẫu thoải, Mẫu thượng ngàn để cai quản bốn vùng trời đất. Mẫu được thờ ở nhiều nơi, từ đền cao phủ lớn đến điện tư gia kết hợp với các vị thánh ở mỗi miền khác nhau.

Những người theo Mẫu tâm niệm Mẫu là mẹ của mọi người, luôn che chở, phù hộ cho con người gặp nhiều thuận lợi để vượt qua thiên tai, vận hạn, bệnh tật... đem đến cho họ cuộc sống bình yên, sung túc. Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đã biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội và được thực hành ở khắp các vùng miền trong cả nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đây là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội.

Nhằm đem tới những khám phá thú vị về tín ngưỡng thờ Mẫu, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) đã giới thiệu nhiều hiện vật về tín ngưỡng thờ này cùng nghi lễ hầu đồng – hình thức diễn xướng độc đáo của nó. Sự kiện này được coi là một bước phát triển mới trong quá trình đánh giá và nhìn nhận hầu đồng khi lần đầu tiên xuất hiện chính thức tại một địa chỉ văn hóa quốc gia.

Một số hình ảnh Đất Việt ghi nhận:


Trong quan niệm của đạo Mẫu, Mẫu ngự trên ban thờ, nơi người dân đến dâng lễ, xin lộc. Ban thờ luôn giữ được sự sạch sẽ, tôn nghiêm. Chiếu hầu trước ban thờ là nơi ông đồng, bà đồng tổ chức các vấn hấu - nghi lễ chính của tín ngưỡng thờ Mẫu. Trên cửa võng có hàng chữ "Mẫu nghi thiên hạ" (Mẹ của muôn dân).


Trước mỗi buổi lễ, ban thờ được trang trí rất đẹp với nhiều mâm lễ, đồ lễ và hoa. Trong 3 bức tượng trên ban thờ, bức bên trái là tượng Mẫu Đệ Nhị (Mẫu Thượng Ngàn), bức giữa là tượng Mẫu Đệ Nhất (Mẫu Thiên), bức bên phải là tượng Mẫu Đệ Tam (Mẫu Thoải). Bàn loan phía dưới dùng để nước, rượu dâng Thánh và để Thánh ngắm mình khi về ngự.


Trong nghi lễ hầu đồng, trang phục là dấu hiệu quan trọng để nhận biết các giá đồng ứng với từng vị Thánh. Một giá đồng có trang phục đẹp sẽ giúp người hầu đồng thêm thăng hoa, trình diễn đẹp hơn và khiến người tham dự thêm hưng phấn.


Cô Bé Thượng Ngàn là con út của mẫu Thượng Ngàn. Sắc phục màu xanh tượng trưng cho Nhạc Phủ. Khi giáng đồng Cô Bé thường ban phát lộc, đôi khi cũng làm thuốc chữa bệnh cho người dân.


Ông Hoàng Mười sắc phục màu vàng tượng trưng cho Địa Phủ. Tương truyền, Ngài là vị tướng thời Lê có nhiều công trạng, văn võ song toàn được dân tôn là Thánh. Mọi người thường cầu xin Ngài ban cho trí tuệ, công danh. ngài thường xuất hiện ở các giá hầu đồng với dung mạo khôi ngô, tuấn Kiệt.


Chầu đệ tam được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Tam. Khăn áo màu trắng tượng trưng cho Thoải Phủ. Ngài có tâm trong sáng nhưng ít giáng đồng vì sự tích buồn do bị hàm oan.


Nhu cầu của hầu đồng đã sinh ra nghề làm trang phục hầu đồng. Làng Hoàng Xá, Thường Tín, Hà Nội có gần chục cơ sở sản xuất khăn áo phục vụ hầu đồng, thu hút nhiều lao động địa phương và các vùng lân cận. Một số công nhân làm việc tại xưởng, nhưng đa số nhận gia công tại nhà. Thu nhập bình quân mỗi người khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Các xưởng sản xuất thường làm theo đơn đặt hàng, bên cạnh đó họ còn sáng tạo nhiều mẫu mã mới để đáp ứng yêu cầu khách hàng.


Người thực hiện các giá hầu đồng sử dụng rất nhiều loại trang sức khác nhau, được gia cồng tinh xảo như thẻ bài dùng trong các giá Quan, cù ngọc dùng trong các giá Quan, giá Hoàng, các loại vòng dùng trong các giá Chầu, giá Cô...


Hát văn là lễ nhạc chầu Thánh, có vai trò quan trọng trong lễ hẫu đồng. Lời ca, tiếng nhạc của cung văn nhằm mời gọi các vị Thánh về. Hát văn làm cho không khí buổi lễ sống động. Những người hát văn vừa chơi nhạc cụ vừa thay nhau hát trong một vấn hầu kéo dài từ 4 - 8 tiếng. Bộ dụng cụ hát văn ngày nay gồm những nhạc cụ truyền thống như đàn nguyệt, đàn tranh, trống ban, trống cái, phách, đàn nhị, thanh la, não bạt, cành đôi, sáo và cả những thiết bị hiện đại như micro, amply, loa...


Đồ mã hiến tế cho các giá hầu đồng rất phong phú về chủng loại, mẫu mã, lấy cảm hứng từ các bức tượng mẫu, hoa văn rồng, phượng tại các ngôi đền.


Đối với những người đi lễ, lộc được hiểu theo nhiều cách khác nhau là: sức khỏe, tiền tài, làm ăn phát đạt, sự thịnh vượng... do thánh ban. Lễ vật dâng lên Thánh, được Thánh chứng và ban phát cho những người đi lễ cũng gọi là lộc. Người nhận được lộc tin rằng học sẽ gặp may mắn trong cuộc sống. Vì vậy, ai cũng cố gắng xin được càng nhiều lộc càng tốt.


Là một tín ngưỡng mang tính tâm linh của dân tộc, song thời gian gần đây, tục thờ Mẫu, hầu đồng đã bị nhiều người thương mại hóa, ảnh hưởng xấu tới những giá trị tốt đẹp vốn có. Trong các giá hầu, nhiều người lợi dụng việc hầu đồng để mua thần, bán thánh hay việc người dự hầu sử dụng quá nhiều vàng mã, đồ lễ hay tiền bạc... gây lãng phí và làm xấu đi giá trị thực chất của việc hầu đồng.