Rồng Qua Văn Chương Ðiển Tích Và Cuộc Sống Con Người

Tác giả : Mường Giang

Rồng là con vật không có thật nhưng từ ngày lập quốc cho tới nay, Rồng luôn được người Việt Nam tôn xưng là biểu tượng Vật Tổ của Dân Tộc.
Nó là con vật huyền thoại cổ tích, khác với Khủng Long, một sinh vật được các khoa học gia xếp vào loại thú tương cận của Rồng, tuy đã tuyệt tích gần cả trăm triệu năm nay nhưng hiện vẫn còn lưu lại thế gian những thi hài hóa thạch. Còn Rồng chỉ có trong huyễn hoặc, huyền sử và các câu chuyện cổ tích.



Nhưng có điều kỳ lạ, là Rồng dù không có thật, vậy mà ai cũng có thể nhận ra nó một cách rất tự nhiên và dễ dàng. Theo các hình tượng vẽ về Rồng trên y phục của vua chúa ngày xưa, trong các đình chùa, cung điện… từ đó người ta mới nhận diện loài Rồng có nguồn gốc từ loài bò sát, cá sấu, thằn lằn và Chim. Tóm lại, Rồng dù được hư cấu theo cách nào chăng nữa thì hình dạng của nó cũng chỉ là một con Rắn khổng lồ, có đầu dài và nhọn như đầu sấu, mỏ giống mỏ chim, thân có vảy, trên lưng có kỳ và đặc biệt có nhiều chân với móng nhọn hoắt. Vì tính chất đặc biệt trên, nên Rồng được con người nhất là Á Ðông (Trung Hoa, Việt Nam, Ðại Hàn, Nhật ..) rất ngưỡng mộ, sùng kính và tôn thờ Rồng.

Do quan niệm truyền thống trên, Rồng được nhắc nhở nhiều qua văn chương, điển tích và cuộc sống con người như đua thuyền Rồng, múa Rồng qua các lễ hội, trong các loại kiến trúc và các dạng hoa văn đánh dấu các giai đoạn lịch sử, các tri thức phong thủy qua hệ thống long mạch. Sau rốt là các địa danh dính dáng tới Rồng và sự truyền tụng về huyền thoại “Con Rồng-Cháu Tiên“, gắn liền với huyền sử Âu Cơ-Lạc Long Quân, mang tính chất của dân tộc Việt Nam cũng như niềm tự hào chung của các dân tộc chuyên trồng lúa nước tại miền Ðông và Ðông Nam Á.

Điều này cũng dễ hiểu vì Rồng là sản phẩm của tưởng tượng, đã xuất hiện đầu tiên tại vùng Đông Nam Á và khu vực phía Nam sông Trường Giang vốn là lãnh thổ của người Bách Việt, trước khi Hán tộc tới xâm chiếm. Khu vực này là giang sơn của hai loài Rắn và Cá Sấu, vốn là yếu tố tạo thành con vật trừu tượng và huyền thoại Rồng.

I – Rồng Qua Văn Chương-Nghệ Thuật:

Các nhà khoa học và động vật học sau thời gian dài dầy công khảo cứu tìm tòi khắp mọi nơi, trên đất liền cũng như ngoài biển cả, hiện nay dều xác nhận không có sự hiện hữu của bất cứ một sinh vật nào mang tên “Rồng“. Thế nhưng tin hay không tin cũng mặc kệ, vì xưa nay vẫn có nhiều người tuyên bố đã tận mắt thấy Rồng, như thủy thủ người Tây Ban Nha tên Roberto Garcie khẳng định vào năm 1843 đã nhìn thấy một con Rồng đen dài khoảng 10m trên Ðại Tây Dương trong cơn sóng gió dữ dội. Năm 1901, một thủy thủ người Anh tên Charle Huse cũng cho biết đã thấy một con Rồng biển. Riêng người Hoa sống dọc theo sông Dương Tử, một con sông lớn nhất nước Tàu, bao đời đều để lại những truyền thuyết về Rồng tại đây, thường gây tai họa, giông bão, lụt lội cho con người.

Nhưng dù là con vật huyền thoại, cổ tích, thực chất tại phương Tây hay phương Đông, Rồng qua hư cấu từ các loài bò sát, chim nước… Ðã trở thành biểu tượng của sự Thiện Ác tùy theo quan niệm địa phương. Tại Châu Á, Rồng là con vât cao quý tột đỉnh, đứng đầu tứ linh và là biểu tượng uy quyền của Vua chúa cũng như các bậc anh hùng đương thời. Do trên, Rồng đã đi vào văn học, tục ngữ, ca dao và nghệ thuật.

1-Rồng Trong Văn Học:

Tuy chỉ là con vật tượng trưng, nhưng hình ảnh Rồng lại xuất hiện rất nhiều qua các tác phẩm văn học từ Ðông sang Tây vì Rồng có dính dáng tới vua chúa, quan quyền và thần linh. Có thể nói được là trong tất cả các bộ truyện Tàu cổ đều có Rồng. Trong kho tàng văn học Việt Nam, có 2 tác phẩm cổ là Việt Ðiện U Linh và Lĩnh Nam Chích Quái được coi như hai quyển huyền sử của VN, mô tả tính chất siêu việt của dòng giống Hồng Lạc, con Rồng Cháu Tiên mà đại diện là Vua Rồng Việt Nam (Lạc Long Quân) với phép thần thông quãng đại, đã giúp cho dân chúng Lạc Việt an cư, lạc nghiệp. Bồ Tùng Linh, một tiểu thuyết gia nổi tiếng của Trung Hoa sinh cuối đời Minh và sống vào đời Thuận Trị, Khang Hy (1640-1715), tác giả của pho truyện ma quỷ vĩ đại Liêu Trai Chí Dị gồm 445 truyện, trong đó có nhiều truyện viết về Rồng với sự huyền bí, hiển linh cũng đồng thời biểu lộ cái tâm của tác giả.

“Hữu tâm vi thiện, Tuy thiện bất thưởng.
Vô tâm vi ác, Tuy ác bất phạt”

*Rồng Qua Ca Dao, Tục Ngữ:

- Long Cổn: Áo bào của Vua có thêu Rồng, chỉ dùng khi vua thiết dại triều hay tham dự đại lễ (Hoàng bào, Long Cổn uy nghi rõ ràng).

-Long đình: Bàn sơn son thiếp vàng, làm giống như cái nhà, dùng để rước sắc chỉ nhà vua (Nha môn chực dưới, long đình đặt trên - Nhị Ðộ Mai).

-Long Hạm: Thuyền Rồng của nhà Vua (trên Long Hạm cờ bay phất phới)

-Long Hưng: Chỉ sự hưng vượng, quật khởi của nhà vua.

Kinh dịch có câu: Phi long tại thiên,

Bàn cố thì viết: Chân dĩ Long hưng, Tần dĩ hổ thị,

đều chung ý tả sự hưng thịnh của vương triều.

Trong Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca cũng có câu:

“Long hưng còn đợi số trời có khi”

-Long Nhan: Mặt của nhà vua được ví như mặt Rồng. Sách sử ký có viết: Cao tổ vi nhân long chuẩn nhi long nhan. Theo đó về sau gọi mặt vua là Long nhan

-Long Phi: Chỉ ông vua đang trị vì.

-Long Sàng: Giường chạm Rồng nơi Vua ngủ, theo ý nghĩa của câu: Ngự lê hưng khí phốc long sàng.

-Long Xa: Xe của Vua đi, trích theo câu nói từ sách Hoa Ðiển Tranh Năng: Bách thanh đâu đã đến gần long nhan.

-Long Thể: Mình Rồng để chỉ thân vua (Vóc Rồng thì để hầu vua, vải thô lụa xấu thì chừa cho dân).

-Long Bàn Hổ Cư: Chỉ chỗ đất hiểm yếu.

-Long, Ly, Quy, Phượng: Rồng, Lân, Rùa, chim Phụng: Bốn con vật cao quý, linh thiêng thuộc về thần thoại.

-Rồng Bay Phượng Múa: Chỉ hạng người phóng khoáng không gò bó trong cách viết chữ

-Rồng đen lấy nước thì nắng, Rồng trắng lấy nước thì mưa: Chỉ kinh nghiệm của con người khi quan sát trời, biết được chuyện mưa nắng.

-Rồng Ðến Nhà Tôm: Chỉ sự thăm viếng lâu ngày của một người bạn.

-Rồng Mây Gặp Hội: Chỉ sự thành công, đổ đạt.

-Rồng Rồng Theo Nọc, Quạ Theo Gà Con: Ám chỉ kẻ tiểu nhân, rình rập hại người.

-Rồng Vàng Tắm Nước Ao Tù, người khôn ở với người ngu bực mình: Lời than phiền của người khôn phải sống chung đụng với kẻ ngu si đần độn.

* Rồng Trong Thành Ngữ & Điển Tích:

-Long Câu: Ðể chỉ con ngựa mạnh khỏe như Rồng, có sức chạy xa muôn dặm. Tương truyền trong núi có một cái vực thẳm là nơi ẩn trú của loài Giao Long. Ðến mùa xuân, dân chúng bắt một con ngựa cái còn trinh, cột tại đó. Một lúc sau trời bỗng nổi cơn gió mưa mù mịt, Giao Long từ dưới vực bay lên phủ con ngựa cái. Ngựa mang thai và đẻ ra Long Câu.

-Long Tuyền: Một thanh gươm quý có sức chém sắt như chém bùn, sắc sảo và mạnh mẽ như vuốt rồng, tìm thấy tại huyện Phong Thành, cùng lúc với thanh kiếm Thái A.

-Thừa Long Giai Tế: Thời Xuân Thu, Vua Tần Mục Công có cô gái út tên là Lộng Ngọc nhan sắc xinh đẹp, lại có tài thổi tiêu nên vua rất cưng quý. Một đêm Lộng Ngọc chiêm bao gặp được một chàng trai phong lưu tuấn tú, cỡi chim Phượng từ núi Thiên Sơn ở phía tây nước Tần tới, cho biết vâng ý chỉ của Ngọc Đế, Trung Thu năm nay sẽ đến kết duyên cùng nàng. Nói xong lại rút một chiếc tiêu bằng ngọc thổi lên âm điệu kỳ lạ, khiến cho Lộng Ngọc càng thêm mê đắm. Sáng hôm sau, công chúa đem giấc mộng kể cho vua cha và được Tần Mục Công sai quan tới đó tìm được một người thổi tiêu tên Tiêu Sử. Hôn lễ được cử hành vào ngày rằm tháng tám, Tết Trung Thu. Giữa lúc vợ chồng đang ngắm trăng tròn, hòa điệu Tiêu-Sáo, thì từ trên trời có một con Rồng đỏ và một con chim Phượng màu tía, đáp xuống lâu đài. Lúc đó Tiên Sử mới bảo chàng là Tiên nên không thể ở lại trần gian, rồi bước lên cỡi Rồng còn Lộng Ngọc cỡi Phương, vợ chồng về trời. Từ điển tích trên, người sau rút được các thành ngữ Thừa long Giai tế, cũng như VN cũng có câu tương tự: Phỉ quyền sánh Phượng, đẹp duyên cỡi Rồng, để nói lên việc chọn được người rể xứng đáng.

-Giao Long Ðắc Thủy: Vũ Đế nhà Hậu Ngụy thời Nam Bắc Triều muốn tấn công nhà Lương ở Nam Triều. Ðể tấn binh, vua giao quan thượng thư binh bộ tuyển chọn nhân tài. Có viên quan nhỏ tên là Dương Ðại Nhãn tình nguyện nhưng bị từ chối, nhưng sau đó nhờ Dương Ðại Nhãn phô trương tài nghệ nên được thăng chức và dự việc xuất chinh. Quả nhiên nhờ tài năng lại can đảm thiện chiến nên Dương Ðại Nhãn chẳng những khiến cho nhà Lương phải khuất phục mà trẻ con tại miền Bắc khi nghe nhắc tới tên ông cũng phải run sợ. Từ điển tích trên, người sau mới rút được câu thành ngữ “Giao Long đắc thủy”, để chỉ một người do cơ hội may mắn mà có công danh, địa vị thay đổi cả cuộc đời .

-Ma Rồng Gặp Trâu Bồ Tát: Năm Trinh Quan số thứ 13, đời vua Lý Thái Tông nhà Ðường (618-907), gần thành Trường An có con sông Kinh nước trong vắt. Bên bờ sông, có 2 ẩn sĩ tên Trương Lão và Lý Ðịnh chán công danh và sự lừa dối hào nhoáng của lớp quan quyền nên chọn nghề đánh cá và đốn củi để sinh nhai. Một bữa nọ, Trương và Lý rủ nhau vào quán đối ẩm, rượu vào lời ra trên đường về nhà, Trương Lão tiết lộ là sở dĩ mình thường đánh được nhiều cá qua sự chỉ dẫn của ông thầy bói tại Trường An. Lời tiết lộ trên bị quỷ dạ xoa trên sông Kinh nghe được, vội về thủy cung báo cho Long Vương. Vua Rồng tức giận muốn giết tên tú tài thầy bói nhưng nhờ quần thần can gián và khuyên vua nên đến Trường An gặp mặt trước rồi mới quyết định. Long Vương nghe theo, bèn giả làm một tú tài áo trắng tới gặp thầy bói tên Viên Thủ Thành. Tại đây, vua Rồng hỏi chừng nào mưa và mưa bao nhiêu, được thầy bói cho biết rành mạch là giờ Thìn kéo mây, giờ Tị nổi sấm, giờ Ngọ mưa và tạnh vào cuối giờ Mùi. Mưa 3 thước, 3 tấc, 4 phân, 8 ly. Sau đó vua Rồng về thủy cung và được chiếu trời truyền lệnh làm mưa tại thành Trường An vào ngày mai y như lời thầy bói.

Nhưng lỡ đánh cá với Viên Thủ Thành và thêm lời xúi bậy của đám quần thần, Long vương làm mưa gió trái với lệnh của thiên đình. Ðồng thời lại tới Trường An đánh chưởi thầy bói nhưng Viên Thủ Thành đã chỉ thẳng vào mặt vua Rồng cho biết ông ta là Long Vương trên sông Kinh đã làm trái lệnh trời, ngày mai sẽ bị chém chết. Người thi hành chém Rồng là thừa tướng nhà Ðường tên Ngụy Trưng. Nhưng dù vua Ðường đã hứa giúp, cuối cùng vua Rồng cũng bị chém chết .

Trên đường trần vật vờ, ma Rồng bỗng gặp được Trâu Bồ tát đang bị tên mục đồng hành hạ nên bất bình thì được Trâu cho biết vì phạm phải tội lỗi nên Trời phạt và chấp nhận sư trừng phạt trên để đền tội. Lý lẽ trên đã làm thức tĩnh ma Rồng.

2- Rồng Trong Nghệ Thuật:


Tuy là một con vật tưởng tượng nhưng nhìn vào nó qua các hư cấu, ai cũng nhận ra Rồng dù ở bất cứ một quốc gia nào, qua mỗi thời kỳ Rồng đều có những nét kết cấu đặc biệt.

Với người Trung Hoa, từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 2 trước TâY Lịch, qua nghệ thuật tạo hình, Rồng có dạng lớn nhất trong mọi thời, giống hình Rắn, ít khúc thân dài và cong như hình chiếc thuyền Rồng. Hình tượng này xuất hiện nhiều và lần đầu tiên tại lưu vực sông Trường Giang, là nơi có nhiều sông, nước,ao, hồ. Tại Ấn Ðộ, Rồng được tạc theo ba con vật thiêng được kính thờ và gắn liền với sự phồn thực trong đời sống con người do nguồn nước đem lại, đó là Rắn Naga, Thủy Quái Maraca, và con Voi Jalelha. Tại VN, Ngã tư của hai nền văn minh Trung- Ấn, cũng là nơi phát triển tột bực về việc trồng lúa nước, cho nên con Rồng VN vừa chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh trên, vừa bắt nguồn từ nền văn minh bản địa với hai yếu tố đồng ruộng và biển cả. Ngoài ra còn có Rồng Chàm, được hư cấu từ một nhân vật trong thần thoại Bà La Môn Makara, được các nghệ nhân Chiêm Thành tạc trên đá. Rồng Chàm nhìn nghiêng có cái đầu giống đầu chó đứng nhe nanh, ngực sủa. Lại có tai, bờm và mắt cũng giống như Chó và Ngựa. Rồng Chàm dữ dằn, được dân chúng tôn thờ vì khiếp sợ.

Xác nhận Rồng là biểu tượng văn hóa nghệ thuật của Ðông Nam Á là điều hợp lý, và chính các Khoa Học gia cũng đồng tình vì Rồng hiển hiện khắp nơi qua các tác phẩm nghệ thuật trong dân gian, nhất là tại Tử Cấm Thành, cung điện của vua chúa, mọi thứ hầu như đều có hình ảnh Rồng hiện hữu một cách rực rỡ và sắc sảo.

Rồng đã xuất hiện 6-7 ngàn năm về trước trên các đồ gốm và ba ngàn năm trong thời kỳ Ðồng, Sắt Nhà Thương. Sau đó Rồng được vẽ qua các họa tiết trong các công trình kiến trúc, giao thông vận tải, gia cụ, tiền và các văn phòng tứ bửu.

II – Rồng Trong Ðời Sống Tâm Linh Của Con Người:

*Thần Thoại Rồng:

Tại vùng Ðông Nam Á, khu vực trồng lúa nước phổ quát trên thế giới, trong có nhiều dân tộc sinh sống với nền văn minh khác biệt do ảnh hưởng của Tôn giáo nhưng họ lại gặp nhau tại một tụ điểm đó là phong tục, hội hè, xuân tết và các nghi lễ thờ cúng về nông nghiệp …Trong đó huyền thoại về Rồng khá phổ biến và chiếm phần quan trọng .

Ðối với người VN từ thuở bình minh dựng nước cho tới ngày nay, lúc nào chúng ta cũng tự hào là con Hồng cháu Lạc hay con Rồng cháu Tiên, nói lên cái nguồn gốc cao quý, sang trọng của một giống dân thuần nhất, có một nền văn minh rực rỡ trên cõi trời Nam. ”Con Rồng cháu Tiên“ bắt nguồn từ Tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ . Một người là Rồng ngự trị trên vùng sông nước, một kẻ là Tiên ngất ngưỡng nơi chốn núi rừng . Hai tổ gặp nhau và sinh được một bọc trứng, nở thành trăm con. Năm mươi theo Tổ Âu Cơ về núi, năm chục ở lại với Tổ Lạc Long nơi đồng bằng và hình thành nước Văn Lang (quốc hiệu đầu tiên của VN ) cho tới ngày nay . Nhìn sang các nước lân cận, ta thấy Lào cũng có huyền thoại Rồng (Nak), Chàm (Naga), Thái Lan (Nak).

* Huyền Thoại Về Cá Hóa Rồng hay Cá Vượt Vũ Môn:

Huyền thoại này xưa nay thường được gán cho loài “Cá Chép“ ở thác Long Môn thuộc tỉnh Quảng Ðông (Trung Hoa). Nhưng Học giả Lê Quý Ðôn lại căn cứ theo sách Uyên Quản Loại Hàm của Tàu thì sông Long Môn ngày xưa thuộc châu Gia Lăng, nước từ trên cao đổ xuống thành thác ầm ầm, phía dưới có cái hang là nơi sinh sống của loài cá Anh Vũ, mồm cong má đỏ, tương truyền cá ấy tới thời kỳ con nào vượt lên khỏi thác thì hóa thành Rồng . Ðể làm sáng tỏ hơn, sách Ðường Sơn Từ Khảo cũng của Tàu cho biết thêm: “Sông Long Môn ở huyện Mông thuộc châu Gia Hưng nước An Nam . Sông này phát nguyên từ tỉnh Vân Nam, đến Long Môn thì bị núi chận nên phân làm ba nhánh, nước chảy từ cao xuống thấp ầm ầm như núi đổ, bên dưới có cái hang, là nơi trú ẩn của loài cá Anh Vũ xanh biếc, miệng cong như mỏ chim Anh Vũ. Theo các Nhà Nghiên cứu Sử Ðịa, thì đây là ngã ba Việt Trì ở Bắc Việt, và cá Anh Vũ là loài cá nổi tiếng xưa nay của vùng Sông Thao. Cũng do trên, vùng này từ xưa vẫn còn lưu truyền câu ca dao:

“Mồng bốn cá đi ăn thề
Mồng tám cá về, cá vượt Vũ Môn“

* Những Ðịa Danh Mang Tên Rồng Tại Việt Nam:

Với người VN, niềm tin về nguồn gốc cao quý của giồng giống Tiên Rồng đã hun đúc tinh thần quật khởi và ý chí cang cường của người Việt. Ðã là “Con Rồng Cháu Tiên“ thì đất đai của người Việt cũng phải có hơi hướng Rồng. Do đó, trên khắp các miền đất nước từ Ải Nam Quan tới mũi Cà Mau có nhiều địa danh nhỏ lớn mang tên Rồng (Long).

Một trong những vùng đất cổ và linh thiêng nhất của dân Lạc Việt là vùng châu thổ Sông Hồng, phía tả là đất Long đỗ, phía hữu là thành Long Biên và buổi đó hầu như dân Việt tụ tập quanh quẩn sống trong những mảnh đất mang tên Rồng. Năm 1010, Lý Thái Tổ lên ngôi và dời đô từ Hoa Lư về La Thành. Trên đường thiên đô, vua nằm mộng thấy Rồng bay, nên đã đổi tên là Thăng Long, bao hàm cái ý nghĩa tự lực tự cường, vươn lên của dân tộc VN sau khi thoát được ách đô hộ của giặc Tàu gần mười thế kỷ.

Thăng Long đã gắn liền với dòng sông sinh mệnh của dân tộc VN qua các thời đại, bao lần đánh đuổi ngoại xâm Tống, Nguyên, Chiêm Thành, Minh, Thanh và chắc chắn trong tương lai sẽ quét sạch bọn CS tham tàn, khát máu đã ngự trị trên mảnh đất thiêng của dân tộc từ 1955 tới nay, cũng như lũ Tàu phù được Việt Cộng rước về dầy mã Tổ Hồng Lạc, hiện đang có mặt khắp hang cùng ngõ hẹp VN.

Từ trong cái truyền thống hào hùng trên, tổ tiên ta tới đâu cũng không quên dùng biểu tượng Rồng đặt tên cho các vùng đất mới, để cho con cháu đừng quên cội nguồn của dân tộc mình. Do đó, Huế có chợ Kim Long, Long Hồ, Quảng Ngãi có chợ Long Từ, Bình Ðịnh đi chợ Long Hương. Chẳng những chốn thị tứ có tên Rồng, ngay cả vùng núi non, hải đảo cũng có nhiều nơi mang tên Rồng “Núi Long Tứ (Tiên Yên-Quảng Ninh), núi Cữu Long (Ðồ Sơn-Kiến An), núi Long Ðôi (Hà Nam): nơi tương truyền vua Lê Ðại Hành hằng năm vào mùa xuân, từ Hoa Lư tới để làm lễ tịch điền. Tại Thanh Hóa, núi Hàm Rồng nổi tiếng hùng vĩ bên bờ sông Mã. Tại Hà Tỉnh có 2 núi Long Tướng và Long Mã. Quảng Bình có núi Thanh Long, Phục Long. Quảng Ngãi có núi Lạc Long, Long Phượng và Long Cốt và xa nhất tận biên giới Miên Việt là Hà Tiên với núi Dương Long.

Về sông ngòi, VN cũng có nhiều con sông mang tên Rồng như Hoàng Long Giang tại Hoa Lư (Ninh Bình), Sông Long Môn nằm ở ngã ba Việt Trì nhưng quan trọng nhất là các sông ngòi tại miền Nam với hai hệ thống chính là sông Ðồng Nai (sông Phước Long) và Cửu Long Giang với các địa danh nổi tiếng Long Sơn, Long Ấn, Long Phượng, Long Hồ và các hải đảo xa xôi, ta có Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Phú Long, Bạch Long Vỹ …

* Nhà Rồng:

Sau năm 1975 VC vào miền Nam, ngoài cướp của giết người còn bừa bải chiếm đoạt những nơi chốn nguyên là tài sản của dân chúng nhưng có hơi hám của Cáo Hồ, để lập cái gọi là Nhà Bảo Tàng. Tại Phan Thiết, cơ nghiệp của nhà ái quốc Nguyễn Thông và một phần lớn của nhà đồng bào ở đường Trưng Nhị cũng vì có dính dấp tới cái gọi là Trường Dục Thanh, nơi Nguyễn Tất Thành trên đường tìm sinh kế, tới đây dạy học chừng vài tháng, trước khi vào Sài Gòn. Một địa danh khác cũng bị dính dấp tới là Nhà Rồng ở Sài Gòn được Pháp xây dựng ngày 4-4-1863 do công ty vận tải đường biển của Pháp Messageries Maritimes dựng lên làm văn phòng và nơi bán vé. Vì tòa nhà xây cất có gắn hình con Rồng trên nóc và chính giữa là phù hiệu của hãng mang hình đầu Ngựa và mỏ neo, nên giới bình dân Sài Gòn thuở đó gọi là Nhà Rồng. Tháng 10/1865 tại Bến Nhà Rồng lại xây thêm cột cờ Thủ Ngữ là cơ quan kiểm soát sự xuất nhập của Tàu Thuyền.

Nhà Rồng là nơi được xây dựng lâu đời nhất của Pháp còn giữ được tại Sài Gòn ngày nay qua bao cuộc bể dâu. Năm 1911, cũng nơi này (theo tài liệu của Chánh Ðạo), Nguyễn Tất Thành tức là Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Ái quốc, Hồ Chí Minh, Trần Dân Tiên …Sau khi rời trường Dục Thanh tại Phan Thiết, xuống làm bồi tàu sang Pháp để xin thi vào trường thuộc địa Pháp, nhưng bị thực dân từ chối vì không đủ tiêu chuẩn học lực . Từ ngày 3-9-1979 Nhà Rồng được Ðảng Cộng Sản chiếm để làm Bảo Tàng Viện, kỷ niệm ngày “ Bác “ rời VN tìm sinh kế nuôi miệng.

* Rồng Trong giấc Mộng:

Trong 12 con giáp, Rồng gắn liền thực tiễn với cuộc sống của con người. Rồng đi vào hệ thống lịch qua sự phân chia tiết khí của lịch biểu và chiêm mộng.

-Thần long nhập thủy hữu quý vi (cỡi Rồng xuống nước) là điều tốt quý.

-Long niên thủy trung cầu sự thành (Rồng ngủ trong nước) mọi sự tốt đẹp.

-Long đương đầu đại cát xung (Rồng đánh nhau) điềm đại cát

-Long tử vong, Thất gia vị (Rồng chết, điềm xấu, nhà tan, mất nước

-Thừa long thượng sơn, sở cấm toại (cỡi Rồng lên núi) điềm đắc lợi

...

Tóm lại, do quan niệm coi Rồng là con vật cao quý, nên người Á Đông cũng có quan niệm ai sinh năm Rồng cũng là người đại quý, đại cát. Ðiều trên cũng có một phần đúng vì trên thế giới - cả Việt nam - có nhiều nhân vật lừng lẫy đều sinh trong năm Rồng chẳng hạn như Mạc Ðỉnh Chi (1280-1350), Lê Văn Linh (1376-1447), Hương Hải (1628-1715), Phan Thanh Giản (1796-1867), Phạm Quý Thích (1760-1825), Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925), Nguyễn Quang Bích (1832-1890), Phạm Quỳnh (1892-1945), Trương Công Ðịnh (1820-1864), Ðào duy Anh (1904-1988) .. Với các danh nhân thế giới có J. J Rousseau (Pháp-1712), G . D . Nervac (Pháp-1808), F. Nietzche (Ðức -1844), P. Neroda (Chí Lợi-1904), F. Mitterrand (Pháp-1916) ….

* Rồng Trong Y Dược:

Cũng như các on vật khác, Rồng qua bản chất cao quý mạnh mẽ nên được giới Ðông y lấy tên để đặt cho nhiều vị thuốc quý như:

-Long Nhãn: (Mắt Rồng) là vị thuốc bổ dùng để trị bệnh tim, mất ngủ, thần kinh suy nhược. Long Nhãn chính là cùi nhãn phơi hay sấy khô.

-Ban Long: (Rồng Đốm, Rồng Khoang) là thứ cao bổ quý chữa các bệnh suy nhược, ho lao, chảy máu bao tử, chân tay đau nhức. Cao Long Ban được bào chế từ sừng con hươu cao cổ. Hải Thượng Lãn Ông đã kết hợp Long Nhãn và Ban Long thành một vị thuốc gọi là Nhị Long Ẩn trị bá bệnh.

-Ðịa Long: (Rồng Đất) Trị chứng cao huyết áp, sốt rét, hoa mắt, cứng mạch máu. Thuốc được chế từ con Giun đất, mổ bụng đem phơi khô hay sấy khô tán thành bột đem sắc uống.

-Long Y: (Áo Rồng) Chữa bệnh trẻ con bị động kinh, đau cổ họng, đó là xác con Rắn lột.

-Ô Long Vỹ: (Đuôi Con Rồng Đen) Là lớp bồ hóng đóng trên mạng nhện trong cá nhà bếp nấu than củi, rơm rạ. Ô Long Vỹ làm thuốc cầm máu sát trùng.

-Long Não: (Óc Rồng) Lấy từ cây Long Não hay Dương Não có nhiều ở miền Bắc VN dùng chế thuốc trợ tim, thuốc xoa bóp, trị phong thấp.

-Phục Long Can: (Gan Rồng) Ðược sao chế từ lớp đất giữa lòng đất, chuyên trị chứng băng huyết, thổ huyết, nôn ọe.

* Máu Rồng:

Mấy ngàn năm qua, các chiêm tinh gia và giới Y học đều có chung quan niệm là máu rồng là vị thần dược, trường sinh bất lão của con người khi được hòa tan trong nước, các hạt máu Rồng sẽ biến nước thành màu máu đỏ và bốc lên một làn hơi đậm đặc kỳ lạ, có vị chua. Uống vào cơ thể sẽ tăng thêm sức mạnh siêu hình.

Về nguồn gốc của máu Rồng, trước đây ít ai biết rõ dù trên thương trường, máu Rồng đã được bày bán với dạng tảng, cục. Thật ra máu Rồng được xuất phát từ một hòn đảo kỳ lạ trong Ấn Ðộ Dương, kề Hồng Hải có tên là Sacotra. Thời cổ Hy Lạp, triết gia Aristotle đã khuyên Ðại Đế Alexandre chiếm đảo này và trong các tài liệu cổ xưa viết bằng tiếng Sankrit cũng có nói tên Socotra là nơi trú ẩn của các con Rồng. Sự bí ẩn của đảo này mãi tới năm 1800 mới được một khoa học gia người Anh tên là Balfuor khám phá, đồng thời với sự phát hiện một loại cây lạ lùng, chỉ có trên đảo này. Ðây là nguồn gốc kỳ bí thật sự của máu Rồng.

Trong thời kỳ nội chiến vào thập niên cuối của thế kỷ XX, Socotra hiện thuộc chủ quyền của Nam Yemen, nên bọn Cộng Sản cầm quyền tại đây dự tính đốn hết cây Rồng trên đảo để sản xuất dầu. Ý định này làm náo động toàn thể thế giới Á Rập vì chọc tới hang ổ của Rồng. Do trên một Ủy Ban Khoa Học Quốc Tế Về Bảo Vệ Cây Rồng ra đời và đã chính thức hoạt động từ năm 1989 tới khi Yemen thống nhất được đất nước mới bỏ kế hoạch điên rồ trên.

Socotra là một hòn đảo có diện tích 3600 km2, nằm cách bờ biển Phi Châu 250 km, trên đảo có 50.000 cư dân thuộc chủng tộc lai giống giữa Châu Phi và A Rập, theo Hồi Giáo. Thời kỳ cổ, Socotra mang tên là đảo Tamrida do vua Al-Mahri cai trị. Vào thế kỷ 16, Bồ Ðào Nha chiếm đảo này nhưng rồi bỏ đi vì quá khô cằn thiếu nước uống. Cuối thế kỷ 19, nguời Anh chiếm đảo và bãi bỏ chế độ vua chúa, sau đó cho nước Yemen tới ngày nay. Hiện trên đảo có tới 800 mẫu thực vật quý hiếm không thể tìm thấy nơi khác trên thế giới. Ðặc biệt nhất là cây Máu Rồng, hình dáng giống như cây nấm khổng lồ cao hàng chục mét, thường mọc trên đỉnh đồi hay vùng núi đá trơ trọi. Hiện các khoa học gia đã tìm ra được nhiều công dụng của cây máu Rồng, giúp con người tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh tật, làm lành da, chữa các vết thương bị ung thối. Ngoài việc trị bệnh, cây máu Rồng còn được dùng để chế tạo mỹ phẩm.

Trên thực tế, tuy đảo Sacotra thuộc chủ quyền nước Yemen, nhưng chủ nhân ông loại cây quý hiếm trên vẫn là các bộ lạc trên đảo và theo truyền thống từ mấy ngàn năm nay, người trên đảo không muốn bất cứ ai đem cây máu Rồng ra khỏi Socotra và đặc biệt không hề thố lộ những bí quyết để bào chế Máu Rồng. Ðây cũng là sự thiệt thòi của nhân loại.

Tóm lại, Rồng là một con vật hữu danh vô thực nhưng nó lại có sức quyến rũ và làm mê hoặc mọi người, chẳng thế mà nhà Động Vật Học Chris Moise, đã phải bỏ phí gần một phần tư của tuổi đời, để sống tại Gambia, một quốc gia trong Sa Mạc Sahara, chỉ với một mục đích tìm hiểu về những Con Rồng Kỳ Lạ tại đây, theo truyền thuyết gọi là “Quái Vật Ninki-Nanka“ sống sưới sông Dalrymple. Nhưng tất cả cũng chỉ là những chuyện hoang đường cho dù người ta có giết được một vài con cá sấu có chiều dài kinh khiếp trên thượng nguồng sông Gambia. Nhưng điếu đó cũng không thể xác định được chúng là những con Rồng như nghĩa thông thường mà nhân loại đã sử dụng từ mấy ngàn năm qua, để nhắc tới con vật huyền thoại gần như chỉ có tên mà không hề có mặt trong chốn nhân gian này.

Tuy nhiên với sự khám phá mới đây của các khoa học gia vào tháng 11-2004, về một loài Khỉ không đuôi, cao 1m có tên Homos-Floresienses đang sống chung với con người tại Nam Dương, đã cho nhân loại một cái nhìn mới về thế giới bí ẩn của “người Lùn“. Điều này khiến cho các nhà động vật học đã đế lúc phải xét lại “Những Con Vật Hoang Tưởng Nổi Tiếng Như Rồng“ để xem chúng thật sự có tồn tại hay đã hiện diện trong quá khứ như loài Khủng Long chẳng hạn.