Long Hổ Hội - Người thầy của dòng võ mang họ rồng
26/01/2012 1009

- Hiếm có vị võ sư chưởng môn nào có tính cách phong lưu, kiêu bạc như Long Hổ Hội. Cuộc đời ông là một chuỗi đan xen nhiều giai thoại tốt lẫn xấu. Nhưng điều mà không ai có thể phủ nhận ở ông là một tài năng võ thuật và tinh thần thượng võ đáng kính.


Thiếu gia mê võ

Long Hổ Hội tên thật là Lâm Hữu Hội, sinh năm 1907 tại Vĩnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu trong gia đình là đại điền chủ, ruộng đất bát ngát. Cũng giống như "công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy cùng thời, Lâm thiếu gia có tiếng là phóng khoáng, tiêu xài rộng rãi nhưng thương người, hay bênh vực kẻ cô thế, nên cũng thường gây họa vì cái máu "Lục Vân Tiên" của mình.


Võ sư Long Hổ Hội (thứ hai từ trái sang) cùng vợ con và đệ tử.

Máu lãng tử, cậu chủ Hội không ham nối nghiệp họ Lâm để làm giàu, cũng không mặn mà văn chương chữ nghĩa. Niềm đam mê lớn nhất của Hội là luyện võ để trở thành cao thủ võ lâm. Thấy con như vậy, Lâm lão gia bèn cho người đi rước một thầy võ người Tiều (Triều Châu) về nhà. Trúng ý mình, Lâm Hữu Hội như "lân gặp pháo" mê mải luyện quyền cước quên ăn quên ngủ khiến ông thầy kinh ngạc. Nhiều khi nửa khuya cậu kêu ông thầy dậy để chỉ cách phá đòn, phân thế...

Được một năm, ông thầy ra đi, Lâm lão gia sang tận Rạch Giá mời một cao thủ nổi tiếng người Hẹ (Khách) biệt danh giang hồ là "Lão Hổ Vương" chuyên về "Hổ quyền". Hơn hai năm sau, Lão Hổ Vương cũng từ giã ra đi. Như một cơ duyên, lúc ấy có một người giới thiệu Hội lên Thất Sơn thọ giáo Huỳnh Long đại sư. Vị này tục danh là Chu Thiếu Quân, người Lôi Châu, hậu duệ đời thứ tám của Chu Chấn Sơn thuộc hoàng tộc nhà Minh.

Sau khi "kháng Thanh phục Minh" không thành, hai gia tộc họ Chu và họ Mạc đã dong thuyền sang đất Việt, khai phá vùng đất Hà Tiên. Khác với Mạc Cửu, Chu Chấn Sơn mai danh ẩn tích, phát huy dòng võ Chu gia quyền nổi tiếng với "Long quyền". Thân phụ của Huỳnh Long đại sư là Chu Thiếu Hoàng từng là thầy dạy võ của anh hùng Nguyễn Trung Trực, thủ lĩnh nghĩa quân Rạch Giá. Lúc Hội tìm đến thọ giáo, Huỳnh Long đại sư đã ngoài 80 tuổi. Thời gian không còn nhiều, suốt 7 năm trời sư phụ đem hết tuyệt học ra chỉ dạy còn đệ tử ra công khổ luyện đêm ngày. Đại sư tạ thế lúc 90 tuổi.


Long Hổ Hội trong một thế thủ đặc trưng.

Thấy võ công đã "đủ xài", Lâm Hữu Hội nổi máu lãng tử, bắt đầu "bôn tẩu giang hồ". Bước chân lang bạt ở các bến xe khắp Nam Kỳ lục tỉnh, sống bằng nghề xếp bến và bảo tiêu (áp tải hàng). Dần dần Lâm thiếu gia ngày nào đã trở thành một đại ca sau những trận thư hùng nảy lửa với những tay anh chị sừng sỏ. Nhưng khi nghe tin trên núi Tà Lơn (Châu Đốc) có 3 cao thủ đang ẩn dật thì Hội liền khăn gói tìm đến xin bái sư.

Cả ba người đều có những tuyệt học, một người có thuật rẽ nước để đi, người thứ hai biết thuật phi thân, người thứ ba thì có những tuyệt chiêu sát thủ, đánh bại nhiều người. Lâm Hổ Hội theo học người thứ ba. Về sau mới hay môn phái ấy có tên gọi là Thiếu Lâm Nững Xị bắc phái, môn võ lợi hại chính gốc của người Tiều. "Nững xị" (hay "bế xị") theo tiếng Tiều nghĩa là "né lực", không tới không lui, tấn công liên tục.

Sau 5 năm Lâm Hữu Hội khổ luyện, võ công tiến bộ vượt bậc, ba vị sư phụ từ giã trở về quê hương. Thì ra họ là nghi phạm bị truy nã phải trốn xuống phương nam ẩn thân, nay đã được giải oan nên quay về.
Tung hoành võ đài, khai môn lập phái

Từ đây "công tử" Lâm Hữu Hội bắt đầu kiếm sống bằng nghề đấu võ đài. Thời ấy ở đâu có võ đài, thi đấu là ở đó có Hội. Anh lấy tên hai dòng võ Long - Hổ quyền ghép vào tên mình thành "Long Hổ Hội". Ít nhiều ảnh hưởng lối đánh dũng mãnh của Muay Thái, những đòn gối bay, chỏ lật của Long Hổ Hội từng là nỗi ám ảnh của không ít đối thủ. Năm 1932, Long Hổ Hội hạ đo ván Surivong, nhà vô địch Muay (Kick Boxing Thái) tại Bangkok, Thái Lan.


Chưởng môn các phái mừng giỗ Tổ Long Hổ Hội.

Suốt thời thanh niên, Long Hổ Hội đi khắp Campuchia, Myanma, Thái Lan, Lào... Nghề đấu võ đài thời ấy rất thịnh và thu nhập của võ sĩ rất cao, tiền thưởng thắng độ mỗi trận có thể lên đến chục lượng vàng, đủ sống sung túc. Nhưng với Long Hổ Hội thì tiền vào túi ông cũng như "gió vào nhà trống".

Số là Long Hổ Hội rất mê trò đỏ đen, máu me cờ bạc. Như lời một đệ tử kể "thầy đánh võ thì giỏi chứ đánh bạc dở lắm", nên liên tục bị thua. Cứ lên đài đấu võ, lãnh thưởng xong lấy tiền đó đi đánh bạc. Hết tiền thì lại lên đài. Thời gian nhận bảo vệ sòng bạc Đại Thế Giới ở Chợ Lớn, Hội nướng sạch hết tiền của, nợ nần chồng chất, đến nỗi phải ở nhờ nhà người quen để trốn nợ.

Nhưng cũng nhờ đó, Long Hổ Hội chuyển hướng sang dạy võ. Lúc đầu là dạy cho con cháu người quen để trả ơn, sau đó nhờ danh tiếng trên võ đài khiến người tìm đến học ngày càng đông. Và rồi võ đường Long Hổ Hội dạy Thiếu Lâm Nững Xị ra đời tại xã Hạnh Thông, Gò Vấp.

Những đấu sĩ họ Long
Từ năm 1950 - 1970, đoàn võ sĩ chuyên đánh đài lưu động của võ phái Long Hổ Hội gây sóng gió khắp sàn đấu 3 nước Đông Dương, Sài Gòn - Chợ Lớn, từ miền Trung đến miền Tây và luôn thống trị các giải đấu. Lối đánh dị thường của những võ sĩ lò này là: Di chuyển, chớp thời cơ, nhập nội, không lấy đà và không đỡ. Học trò của võ đường này đều lấy tên Long của thầy làm nghệ danh và đều là những võ sĩ danh tiếng một thời trên sàn đấu, giành cúp, huy chương vàng nhiều năm liền ở các hạng cân trước giải phóng như Long Mutsami (Quang "cao"), Long Moustaza, Long Phi Báu, Long Phi Quý, Long Vân, Long Phi Hải...


Tượng bán thân của Long Hổ Hội trong tổ đường

Nổi tiếng nhất là "Tứ đại thiên vương" với anh em võ sĩ gốc Chà Và (Ấn Độ) tên là Moustaza, A Mách, Tôn Ngọc Lực, Hải Huỳnh (từng vô địch 6 tỉnh miền Trung nhiều năm liền). Trên võ đài ở Hội chợ Thị Nghè, võ sĩ A Mách từng gây sốc khi hạ nock out một võ sư Hồng gia quyền nổi tiếng chỉ trong 1 phút 30 giây của hiệp nhì.

Một trong những đại đệ tử nổi tiếng của Long Hổ Hội có kết cục bi thảm nhất là Long Moustaza. Moustaza là kết quả từ mối tình giữa một chàng trai Chà Và giữ bò với cô gái Việt làm nghề buôn sữa lẻ tại khu Ngã sáu Chợ Lớn (xóm Bàu Sen ngày nay). Từ nhỏ, Moustaza đã rất lì đòn. Đến năm 14 tuổi, Moustaza tìm đến võ đường Long Hổ Hội. Nhận Moustaza làm đệ tử, thầy Lâm Hữu Hội rất thương cậu bé lai Chà nghèo khó nhưng có chí khí, đã không ngần ngại truyền cho tuyệt kỹ là đường quyền "Tam anh chiến Lữ Bố".

Moustaza miệt mài khổ luyện và ngay trận đầu tiên, chàng trai chăn bò đã dễ dàng hạ đo ván đối thủ chỉ bằng một cú Đảo sơn cước. Từ đó, Moustaza liên tục khiến cho nhiều võ sĩ tên tuổi ở thập niên 60 thế kỷ trước ôm hận trước lối đánh vũ bão và nhất là đòn đá nhanh mạnh như sấm sét. Moustaza trở thành võ sĩ không có đối thủ ở thể thức võ tự do, được tôn vinh là"Độc cô cầu bại".


Võ sư Long Phi Thanh (đai trắng) và các môn sinh.

Kiếm được nhiều tiền, Moustaza về Bà Quẹo mở trang trại nuôi bò sữa, trở thành một ông chủ giàu có. Nhưng rồi anh lao vào ăn chơi, trụy lạc, dần dần hình hài tiều tụy, công lực tiêu tan.Trong lần thượng đài với võ sĩ Ti Noi của Thái Lan, Moustaza đã không thể đứng vững sau một hiệp. Sau đó, bị võ sĩ Kinh Kha hạ đo ván ngay đầu hiệp nhì. Chứng kiến sự thảm bại của đứa học trò cưng, thầy Long Hổ Hội đã "tặng" Moustaza một đá ngay khi vừa bước xuống đài vì không nén được nỗi đau buồn, tức giận.
Võ công gần như bị phế, vợ con bỏ đi, Moustaza ngày càng bệ rạc, vướng vào ma túy, sống lang thang, rồi vật vã qua đời tại Ngã năm Chuồng chó vào cuối năm 1970.Tình nghĩa thầy tròVõ sư Phạm Thanh, trưởng võ đường Long Phi Thanh tại Khu chung cư Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TPHCM kể rằng, các môn sinh đều gọi thầy Hội là ba, rất thân mật, gần gũi. Nội bộ bất hòa là thầy đứng ra dàn xếp, tuyệt đối không cho động thủ vì ông lý luận "mày đánh nó cũng bằng nghề của tao". Khi thắt Bạch đai cho Long Phi Thanh hạ sơn, ông nói vui "Tao xong với mày rồi", rất thân thương, trìu mến.

Võ sĩ Long Mousemy (tức Đới Văn Quý) có lần xin thầy ra Nha Trang để đánh một trận đài lớn. Thầy không đồng ý nhưng anh vẫn lén đi. Biết chuyện, thầy nổi giận cho rằng anh phản sư, khai trừ khỏi võ đường. Lúc chia tay, Mousemy quỳ lạy thầy khóc nói: "Nếu thầy không thương mà tha lỗi cho con, từ nay trở đi con thề sẽ không dùng đến nghề võ nữa!".

Khoảng hai tháng sau, Long Mousemy bị một đám ma cô vây đánh. Dù có thể hạ gục đám tép riu này nhưng nhớ đến lời thề với thầy, anh đứng yên chịu đòn, thân thể tả tơi. Tình cờ biết chuyện, thầy Long Hổ Hội nhận ra đó là một đệ tử trung thành nên đã xúc động đến thăm và tha thứ cho anh. Và chính Mousemy được thầy truyền cho tuyệt chiêu chỏ lật để hạ đo ván võ sĩ Kinh Kha, rửa nhục cho Moustaza.

Tháng 2/1974, một võ sĩ lò Long Hổ Hội đã cướp tiền trong một sòng bạc bị cảnh sát bắt. Thầy Hội ngồi đứng không yên vì nếu đệ tử khai là môn đồ Long Hổ Hội thì ông làm sao ăn nói với võ lâm. May nhờ võ sư Trần Hữu Hoàng (võ phái Hắc Hổ) can thiệp nên ngay sau đó đối tượng đi cướp được phóng thích. Mang ơn võ phái Hắc Hổ, từ đó Lâm Hữu Hội ra một "điều luật": "Nghiêm cấm môn sinh Long Hổ Hội động thủ với võ sinh Hắc Hổ dù bất cứ lý do gì!".

Chưởng môn Long Hổ Hội qua đời ngày 12/9/1988, thọ 81 tuổi. Bốn người con trai của ông đều theo nghiệp võ. Võ đường Long Hổ Hội tại đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp, TPHCM đã truyền đến đời thứ tư. Giỗ Tổ môn phái vào ngày mùng 3 Tết hằng năm. Box:Long quyền chủ về khí, đòn thế thanh thoát mà hiểm hóc; Hổ quyền chủ về lực, đòn thế dũng mãnh, bộ pháp vững chãi. Dựa trên nền tảng quyền pháp thực dụng và thiện chiến của Thiếu Lâm Nững xị, Long Hổ Hội dần hình thành đấu pháp cận chiến, tấn công quyết liệt rất hiệu quả nhưng đẹp mắt. "Nững xị" (hay "bế xị") theo tiếng Tiều nghĩa là "né lực", không tới không lui, tấn công liên tục.

Thiên Tường